Tháng 9, năm 2020, người bạn nữ đồng môn khóa 19 chia sẻ tâm tình rất Huế của Chị qua bài Phượng Xưa. Phải chờ đến đúng 4 năm sau, chị gởi cho chúng ta tâm sự về màu thời gian của cuộc đời qua những Xuân Hạ Thu Đông mà chị chiêm ngưỡng ngay trên con đường cạnh nhà. Đọc bài “Bước Chân Vòng Đời”, chúng ta mường tượng thời gian quá chậm khi ta chờ đợi, quá nhanh khi ta sợ hãi, quá dài khi ta nôn nóng, quá ngắn khi ta hưởng thụ - nhưng khi ta thương yêu, thời gian là vĩnh cửu.
BBT trân trọng cám ơn Bác sĩ Khổng Lê Quỳnh Hoa, Calgary, Alberta. Rất mong gặp mặt chị trong Đại Hội YKH Hải Ngoại năm tới 2025.
BƯỚC CHÂN, VÒNG ĐỜI
Nhà chị ở một vùng yên tĩnh, gần một con đường đi bộ băng qua một ngọn đồi nhỏ. Khi chị mới tới ở, chị chỉ đi trên con đường này vào cuối tuần. Con đường giúp chị tìm những phút giây thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Con đường giúp chị bình lặng khi có chuyện buồn xảy ra trong cuộc sống. Khi chị có đứa con gái, con đường trở nên thân thuộc hơn với hai mẹ con. Rồi con bé lớn dần theo vòng xe nôi. Con bé bắt đầu tập những bước đi chập chững. Khoảng hai đến ba tuổi, nó hỏi đủ câu hỏi về cây cối, những con vật và thiên nhiên chung quanh đường. Đôi khi chị không biết trả lời sao cho nó hiểu. Rồi con bé lớn hơn, nó chạy tung tăng trên đường, chị đi theo nó mệt bở hơi tai. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời chị. Con bé vào cấp một và cấp hai, nó bắt đầu bận rộn với việc học hành và bạn bè. Những cuộc đi dạo với mẹ ngắn dần, giảm xuống. Khi vào cấp ba, nó bận rộn với những con đường mới, to rộng hơn. Chỉ thi thoảng nó mới có thời gian đi vừa nói chuyện cùng mẹ. Lên Đại Học, đi học xa nhà, nó thường gọi mẹ vào cuối tuần và nhắc nhở” Mẹ nhớ đi bộ cho có sức khỏe”. “Mẹ có gì lạ không?”, “Con nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ con đường!”. Rồi nó có chồng, có con gái, ở xa chị, đi dạo với mẹ trên con đường chỉ còn là kỷ niệm.
Riêng chị thì con đường lại gắn liền với cuộc sống của chị hơn. Khi tuyết bắt đầu tan, mùa đông dần qua, chị sung sướng khi được bước trên con đường quen thuộc. Ngôi nhà là thế giới đóng và tĩnh mịch. Mỗi sáng chị thức dậy, ngồi nhìn ngày trôi chậm qua lớp cửa kính im ỉm đóng. Buổi tối chị ru giấc ngủ qua những bản nhạc Việt trầm buồn hay những bản nhạc hòa tấu nước ngoài êm dịu mênh mang.
Con đường trái lại là thế giới mở, nơi chị hòa mình vào thiên nhiên và sống cùng chu kỳ của trời đất. Mùa xuân, lớp cỏ non xanh thức dậy mạnh mẽ và nhanh nhất sau giấc ngủ đông. Màu xanh của cỏ tươi, thổi vào chị một luồng sinh khí mới. Màu xanh gợi nhớ trong chị cái màu mạ non của đồng An cựu, thuở ấu thơ chị thường đi ngang qua, để đến trường mẫu giáo. Màu xanh gợi nhớ trong chị thảm cỏ xanh trước ngôi trường nữ, nơi chị cùng bạn bè dạo chơi sau buổi tan trường. Rồi cỏ xanh được điểm trang thêm nhiều màu sắc vui tươi khác của rừng hoa dại. Thảm thực vật thật phong phú. Hoa dại cũng có nét đẹp riêng của chúng, làm say đắm lòng chị. Nhìn những hoa dại chen chúc nhau, mọc mạnh mẽ, trên đá sỏi, chị thấy yêu thêm sự sống mạnh mẽ của vạn vật. Màu tim tím của các loại hoa dại bên đường, gợi nhớ màu tím mộc mạc của hoa và trái sim, mà chị và các bạn rủ nhau đi hái thời trẻ dại, gợi lại màu tím mong manh, e ấp của hoa Trinh Nữ trong ký ức chị. Yêu sao màu hồng của những bụi hồng hoang dại, gợi nhớ vườn hồng đầy kỷ niệm trước sân nhà cũ trong Nội thành của gia đình chị. Màu vàng của hoa Bồ công anh, làm gợi nhớ trong chị những chậu cúc vàng thắm, mà mấy chị em thường đi mua ở chợ hoa Xuân chiều 30 Tết. Màu vàng của hoa dại làm hồn chị lao xao nhớ tà áo dài màu hoàng phái trong kỷ niệm. Cô thiếu nữ ngày xưa hay mộng mơ, yểu điệu, mềm mại như cây tre non, nay đã trở nên cứng cáp, mạnh mẽ như thân tre lớn vươn thẳng qua giông bão của cuộc đời. Gió thổi làm các cây cỏ may trắng hai bên đường uốn éo quyến rũ, gợi nhớ những vần thơ của anh bạn cùng lớp ngày xưa tỏ tình kín đáo:
“Hồn anh như hoa cỏ may,
Một chiều gió cả bám đầy áo em!” (Nguyễn
Bính)
Màu đỏ tươi của những trái dại nho nhỏ bên đường, làm chị chợt nhớ lại những chùm trái trứng cá trước nhà. Có những trái dại trông giống trái lồng đèn, thuở nhỏ chị và mấy o bạn hái để chơi buôn bán hay chơi trò đám cưới trẻ con. Cây trái đượm nồng kỷ niệm tuổi thơ.
Mùa hạ chở nắng về, đầy trên tóc, trên vai chị, phủ cái tươi nồng lên con đường, cây cối và muôn thú. Cái nắng gợi nhớ những buổi trưa hè oi bức. Giấc ngủ trưa ngắn trên bộ phản gỗ lim ướt đẫm mồ hôi. Giấc ngủ trưa, mà từ lâu đã biến mất trong hoạt động sống của chị ở xứ người.
Mùa hè con đường tươi vui hơn, sống động hơn với những con vật sống quanh đồi. Con thỏ lông trắng mướt, ngơ ngác chạy kiếm mồi. Con sóc nâu khoe chiếc đuôi dài, nhấm nháp hạt cây. Những con chim dễ thương, nhiều màu bay lượn, hót líu lo khúc nhạc vui, mừng buổi sáng. Có con những chú chim dạn dĩ đậu ngay trên cả lối đi. Thi thoảng có mẹ và con đàn nai làm khu đồi trở nên nhộn nhịp hơn. Những con vịt trời, bơi chậm rãi trong vũng nước nhỏ. Mấy con chó tung tăng chạy theo chân chủ sau những giờ bị giam hãm trong nhà.
Mỗi độ thu về, chị cảm nhận cái đẹp, nhưng buồn man mác. Con đường nhỏ lại bao quanh bởi những cây nhuốm màu vàng của lá. Mùa thu tuyệt đẹp với những con đường trải đầy thảm lá vàng. Mùa thu đẹp ngỡ ngàng với muôn màu sắc của lá Phong. Ngày xưa khi còn ở Huế, chị ước ao được ngắm mùa thu ở xứ Âu Mỹ, khi đọc những cuốn truyện dịch. Chị vẫn nhớ cái cảm giác bâng khuâng, khi đón mùa thu đầu tiên xa nhà ở Pháp. Chị ước chi mình là họa sĩ để ghi lại những gam màu quyến rũ, tuyệt vời của mùa thu. Hay ước chi mình là nhạc sĩ, để ghi lại những âm thanh xào xạc của bước chân dẫm lên những đám lá khô dày.
Những chiếc lá trên cây cũng như chu kỳ cuộc sống của chị. Mùa xuân màu lá non tươi, mơn mởn như tuổi ấu thơ. Mùa hạ, lá to mạnh mẽ , đậm màu xanh tươi, như tuổi dậy thì và trưởng thành. Mùa thu lá bắt nhuốm vàng, như chu kỳ cuộc sống của chị hiện tại: tuổi già đã về. Rồi mùa đông, lá vàng khô đi, lìa cành rơi xuống cội, như chị rồi sẽ ngủ giấc miên viễn.
Vào những ngày đẹp trời, chị thấy vui tươi hơn với những vòng xe đạp. Vòng xe mang chị quay về lại những vòng xe ký ức của thời làm học trò và sinh viên.
Con đường là một xã hội thu hẹp. Đôi khi chị vui theo những đứa bé, chạy tung tăng cười vui bên cha mẹ. Tuổi thơ thổi sinh động cho con đường. Đôi khi chị mỉm cười cùng đôi thanh niên âu yếm chạy bên nhau. Tuổi trẻ làm con đường thêm tươi mát. Chị vẫn thường chào đôi vợ chồng già đi bên nhau. Ông già thỉnh thoảng bước chậm, hay dừng lại, để chờ bà già sóng vai bước cùng. Hạnh phúc thật đơn giản biết bao, khi họ vẫn còn được cùng nhau đi những bước chân ở cuối vòng đời.
Cuối con đường là một nhà thờ nhỏ, cũ kỹ. Tiếng chuông nhà thờ buổi sáng thường làm chị bâng khuâng nhớ lại tiếng chuông của Dòng chúa cứu thế, của nhà thờ Phú Cam ở xứ Huế và tiếng chuông của Notre Dame chiều cuối năm của thời du học ở Pháp.
Buổi sáng soi gương chị thấy tóc dần dần bạc. Nhớ ngày xưa chị thường nhổ tóc bạc cho mạ. Mỗi lần nhận được nhiều kẹo gừng hay kẹo cau trả công, chị thấy buồn buồn vì lo sợ ngày mạ đi xa sẽ tới gần hơn. Bây chừ ba mẹ đã ngủ giấc ngàn thu và lăng kính thời gian đã phủ buổi xế chiều lên cuộc đời chị. Chị thấy hình ảnh ấu thơ của chị qua cô cháu gái. Chị thấy tuổi trưởng thành của chị trên hình ảnh của cô con gái thương yêu. Thời gian mang hình ảnh tuổi già của mạ, lồng lên hình ảnh của chị hiện nay.
Bước chân của chị dần ngắn lại, vận tốc dần giảm xuống. Nhưng vòng đời vẫn tiếp tục quay theo lẽ vô thường của tạo hóa. Nhưng có hề chi, chị vẫn yêu cuộc sống. Mỗi giai đoạn của cuộc đời có những nụ cười và những giọt nước mắt đặc trưng của riêng nó. Chị vẫn bước trên con đường của hiện tại, cõng theo kỷ niệm của quá khứ trên từng bước chân. Ngày ngày, tương lai vẫn dục chị bước tiếp. Chị vẫn tiếp tục bước cho đến khi quá khứ, hiện tại và tương lai giao thoa ở cuối vòng đời.
Calgary, tháng 8, 2024
QH-YK khóa 19