Quý Anh Chị Em thân mến,

Một câu truyện thật, xẩy ra trong một khoảng khắc nguy hiểm thì luôn để lại một kỷ niệm khó quên. BBT cám ơn BS. Nguyễn Minh Dũng, YKH # 12, chia sẻ bài viết rất xúc động, đánh dấu đầu tiên cho những biến chuyển của một đời người: cuộc đời người BS trong tương lai, lồng trong cuộc di tản khi cuộc chiến đang dần tàn, nhưng một mầm sồng lại được ra đời dưới bàn tay không ít thì nhiều khéo léo của 1 chàng SV YK non trẻ.

Quá non trẻ và trong trường hợp quá căng thẳng nên BS. Dũng có lẻ quên luôn đứa trẻ sơ sinh là trai hay gái?!

BBT hân hoan nhận được bài viết này trong khi BS. Dũng cùng vợ là BS. Hương, YKH #14, hiện đang còn thăm gia đình con gái định cư tại New Hamshire.

Xin được viết thêm, BS. Nguyễn Minh Dũng và Vĩnh Chánh quen nhau từ khi Dũng mới 2-3 tuổi, khi 2 gia đình cùng sống trong khuôn viên trường Đồng Khánh, Huế. Về sau biết Dũng đã nối gót đàn anh theo học YK làm anh Chánh và Xóm Đồng Khánh rất hãnh diện. Cùng khóa 12 YKH hiện ở Hoa Kỳ có các BS: Phan Chánh Đức, Huỳnh Hùng, Nguyễn Ngọc Thạch, Bùi Văn Minh, Lê Văn Phú… và ở Australia có Lê Đình Cường (phu nhân là BS Nguyễn Thu Giang).

Thay mặt BBT, anh Chánh cám ơn Dũng và cầu chúc đại gia đình Dũng Hương và con cháu hạnh phúc và an vui.

 

CA ĐỠ ĐẺ ĐẦU TIÊN

Những ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1975, thành phố Huế hoàn toàn bị quân giải phóng phong tỏa, đường bộ duy nhất nối liền Huế-Đà nẵng không di chuyển được nữa, một biển báo to được chính quyền Sài gòn đặt tại ngã ba bến xe An Cựu. Tôi cùng với người anh rể (con ông cậu) len lõi theo dòng người về hướng biển Thuận An mặc cho tiếng đạn pháo gầm rú ở trên đầu.

Ở bãi biển Thuận An lúc này số người đổ dồn về càng lúc càng đông, mọi người chen chúc lên các chuyến tàu to, nhỏ để được vượt biển vào Đà Nẵng. Hai anh em chúng tôi cũng chen lấn lên một con tàu gỗ khá lớn, bình thường chiếc tàu này chở nhiều lắm là 50 người, giờ đây chen chúc đến gần 200 người. Khoảng 3 giờ chiều là tàu rời bãi, trời tháng 3 nhưng âm u, mưa bay lất phất, hơi rét, tạo nên không khí thê lương của dòng người đang di tản. Tàu đi được hơn một tiếng đồng hồ, tôi nghe tiếng mọi người ở một góc la lớn “ĐẺ, ĐẺ!!!”.

Ở trên tàu lúc này qua ồn ào, xen lẫn với tiếng máy nổ khiến tôi không nghe rõ, cứ ngỡ ai đó bị ĐÈ, bỗng nhiên có ai đó kéo tay tôi, quay nhìn lại té ra là người quen, chị K., chị là y tá của trường Đồng Khánh mà tôi lại ở trong trường nên chị biết tôi rất rõ, vừa chỉ, chị vừa nói: “D. ơi, có trường hợp đau bụng đẻ”, cứ thế chị kéo tôi đến đám đông, lúc này tôi mới tá hỏa, có một sản phụ sắp đẻ, rất đông mọi người vây quanh, chị nói to: “ Có anh D. sinh viên Y ở đây sẽ giúp!!”

Trời ơi là trời, lúc đó mặt tôi tái mét, năm đó tôi mới năm thứ ba thôi, phần Sản Khoa về lý thuyết thì có học, song thực hành thì nhóm tôi chưa đi thực tập khoa Sản, có nghĩa là tôi chưa đỡ đẻ bao giờ. Lúc này đã hớ rồi, vả lại biết làm sao, vừa run, tôi vừa cúi người xuống, 2 tay trong dáng đỡ trẻ (chứ không phải đỡ đẻ), bỗng có cái gì nằng nặng ở tay tôi, té ra đứa trẻ đã ra rồi, khóc oe oe đang nằm trên tay tôi; bỗng có ai đó la lớn: “Cắt nhau, cột rốn!!!”; rồi người đưa dao lam cho tôi để cắt nhau, người thì đưa chỉ để tôi buột rốn mẹ và con (hình như gia đình họ đã chuẩn bị mọi thứ cho tình huống này rồi), người đàn ông đứng bên cạnh chắc là bố đứa bé vừa ôm lấy con vừa khóc, lúc này ai cũng vui vẻ, quên đi cảnh khốn khó của người di tản.

Trong lúc mọi người hớn hở thì tôi với hai tay lấm lem vì máu và nước ối cả ở trên mặt, lom khom cúi xuống để chờ nhau ra, tất cả được để trong một cái thau, thế là mọi việc đã xong. Nhiều người nhiệt tình lấy nước cho tôi rửa tay, rửa mặt, có người còn cho tôi một củ khoai. Ông thuyền trưởng đến tươi cười nói với tôi: “Chúc mừng, mẹ tròn, con vuông”

Trong lòng tôi cảm thấy bẽn lẽn, tôi đâu có đỡ đẻ, sản phụ họ tự đẻ, tôi chỉ góp phần thôi mà; song tự mình an ủi dẫu sao mình cũng góp phần vào một cuộc sống mới.

Đến tối, tàu cập bến Đà Nẵng ngay tại trung tâm Thành phố. Ông thuyền trưởng vui vẻ đến bắt tay anh em tôi, chúc may mắn và từ chối nhận tiền công đi tàu của chúng tôi. Trước khi chào tạm biệt tôi có hỏi bố đứa bé thì được biết gia đình ở Gia Hội.

Đã 45 năm qua, tôi gần như đã cố quên và không muốn kể cho ai nghe về câu chuyện này. Song cứ mỗi năm đến tháng 3, tôi lại ray rức không biết sức khỏe của hai mẹ con ngày đó như thế nào. Mỗi lần nhớ đến ca đỡ đẻ ngày ấy là lòng tôi chỉ biết nguyện cầu cho hai mẹ con được sức khỏe.

 

Nguyễn Minh Dũng, YKH # 12

Huế 10/05/2020.