Cu Quẹo

Không ai biết tên tuổi thật của Cu Quẹo. Cái tên này là do hàng xóm đặt cho Cu Quẹo dựa vào hình dáng của chú. Chú chấp nhận cái tên một cách không vui không buồn. Đời Cu Quẹo gắn liền với những huyền thoại và bi kịch.

Thân hình Cu Quẹo trên to dưới nhỏ. Ai mê tín thì cho là không có hậu mà đời chú tiền cũng như hậu có bao giờ khá đâu. Hai chân chú teo tóp và cong queo như đấng tạo hoá chơi trò bonsai trêu ngươi. Chú di chuyển nhờ một cây gậy chống bằng hai hay, và mỗi bước là một bước nhảy cả hai chân với cái gậy chống mạnh xuống đường. Mỗi bước đi của Cu Quẹo là một sự cố gắng như vận động viên nhảy sào. Cấu trúc đôi chân của chú khiến chú phải đi nghiêng với hai bàn chân nhón vào bên trong, cái đít nhọn chỉa ra ngoài đường và thân hình tịnh tiến theo chiều ngang. Cái đầu nhọn của chú nghiêng trái và ngước lên để nhìn đường phía trước. Nhìn từ trước người ta thấy người chú như dấu chấm hỏi di động. Trời nắng hay mưa Cu Quẹo cũng bận chiếc quần bộ đội cụ Hồ màu xanh bạc thếch và chiếc áo cách mạng. Đó là một cái áo Philaket Mỹ nhuốm đầy bụi đường, mưa gió và mồ hôi, cách một miếng mạng một miếng vải màu xanh bạc từ quần bộ đội đã rách. Quần thì mỗi năm phải thay mới chứ cái áo là vật bất ly thân chỉ có điều mỗi năm thêm vài cái đốm xanh. Những hôm chú bệnh không đủ sức “gậy” về nhà và ngủ lại ở chợ thì cái Philaket trở về đúng chức năng của một field jacket. Mái tóc chú lưa thưa lởm chởm trên cái đầu nhọn, hàm răng nhô ra vàng ố nằm giữa tua tủa râu mép lâu ngày không cạo. Nước miếng nước mồm luôn chảy dính đầy râu. Mùi Cu Quẹo có tầm phát tán hơn 10 mét. Sinh vật Cu Quẹo chỉ tắm mưa bất đắc dĩ dọc đường nên mùa mưa chú thường sạch sẽ và nhẹ mùi hơn.

Nhà chú là một cái chòi nằm ở một góc Thành Nội ở gần Ụ Ông Voi. Hai mặt tường thành loang lổ từ thời Minh Mạng được tận dụng làm hai mặt của cái chòi, hai mặt kia và nóc được che bằng những tấm giấy dầu nhàu nát. Cái chòi nhỏ như không thể nhỏ hơn nữa, không có giường tủ bàn ghế gì, chỉ có cái kiềng ba chân rét rỉ mà không mấy khi đỏ lửa. Để đi được từ căn chòi ra mặt đường xóm chú phải mất thời gian bằng người khác đi đến chỗ làm. Các nhà bên trước của chú đã hữu hảo chừa cho một đường hẻm tong teo và cong queo như đôi chân của chú. Người như Cu Quẹo đâu cần đường to làm gì? Trăm năm có ai đến thăm hay ngựa xe gì đâu mà cần đường lớn.

Hàng ngày nắng cũng như mưa khoảng bốn giờ sáng mọi người trong xóm có thể nghe tiếng tàu lửa chạy ngang qua. Khi tiếng tàu vừa dứt là nghe tiếng gậy cộc cộc trên đường đá sỏi của xóm, tiếng gậy chậm đều như tiếng mõ. Một nhà tu làm cuộc hành trình “nhất bộ nhất bái” trong bốn năm để luyện chữ nhẫn. Cu Quẹo từ lúc biết “gậy” đến giờ ngày nào cũng “nhất bộ nhất gậy” mà không thấy nhà báo đi theo đưa tin hay nhà hảo tâm nào tình nguyện che mưa, cúng dường gì cả. Sau khi chuyến tàu đêm chạy qua xóm, người ta lại nghe tiếng gậy cộc cộc trở về. Hàng ngày chú đi khắp phố chợ bán vé số nuôi thân và mẹ già.

Những nhân vật đặc biệt thường có những giai thoại kèm theo. Cu Quẹo cũng vậy. Người ta đồn chú là sản phẩm của sự loạn luân giữa bố chồng và nàng dâu nên trời đày cho tật nguyền như vậy. Người ta còn bảo khi chú sinh ra, mẹ con chú bị đuổi ra khỏi nhà rồi đến góc thành này để dung thân ngay sau Tết Mậu Thân. Thực hư thế nào chẳng có ai biết ngoài bà mẹ chú.

Con nít trong xóm hay bàn tán rằng Cu Quẹo là khỉ có đuôi. Nhiều lúc một bầy con nít tò mò tọc mạch xúm lại định cởi quần chú để coi đuôi. Những lúc đó, Cu Quẹo nằm xuống vung gậy như Tề Thiên, nhe răng trợn mắt, nước mũi nước miếng chảy đầy khuôn mặt dặt dẹo của chú. Con nít trong xóm không chịu ăn cơm hay không ngoan đều bị đem Cu Quẹo ra dọa. Những đứa con nít chưa từng thấy Cu Quẹo nghe danh hiệu này cũng sợ.

Mẹ chú là một người đàn bà nhút nhát và ít nói. Hồi còn nhỏ, chú hay hỏi mẹ về cha của mình. Mẹ chú nhất định không trả lời chú, dường như có uẩn khúc gì đó sợ nói ra chú thêm buồn. Bị hỏi nhiều quá mẹ chú hay la: “Biết để làm gì”. “Để hỏi một câu”, chú luôn trả lời như thế.  Cuối những năm 80 thì mẹ chú mất rồi chú ở một mình. Sự hiện diện của chú trong xóm được quan tâm nhất bởi những đứa con nít. Rồi khi lớn lên, chúng không còn nhớ đến chú. Mấy lứa con nít đã thành người lớn mà Cu Quẹo cũng không có gì thay đổi.

Một hôm chú đem về nhà một người đàn bà. Ả ta khoảng ngoài ba mươi, tuy có nhan sắc nhưng toát lên bụi bặm giang hồ. Cái mặt ả khi nào cũng thấy như bặm môi, đôi mắt ánh lên vẻ giận dữ pha lẫn sợ hãi. Những vụ ăn cắp vặt xảy ra thường xuyên trong xóm vào thời gian đó. Cúng cô hồn phải ngồi canh không thì cô hồn sống ăn mất nải chuối, đĩa xôi. Mất gì mọi người cũng nghi cho ả. Mỗi lần nghe được là ả chỉ nghiến răng trèo trẹo mà không nói gì.

Ả cứ ở với Cu Quẹo một vài tháng rồi đi đâu đó một thời gian. Mỗi lần về ả trông dơ dáy và tiều tụy, đến khi khỏe đẹp trở lại ả lại ra đi. Chưa bao giờ thấy ả sánh đôi với Cu Quẹo. Khoảng hai năm sau, thình lình mọi người thấy bụng ả to và ở lại nhà cho đến khi sinh ra một bé gái kháu khỉnh. Cu Quẹo đặt tên bé là Nụ. Nghe hàng xóm trạo miệng rằng ả có bầu với một gã giang hồ nào đó chứ cu quẹo làm sao mà có con. Nhiều người nhỏ to với Cu Quẹo nhưng chú chỉ cười buồn như mọi khi. Con bé được ba tháng thì mẹ nó lại bỏ ra đi không lời từ biệt. Giòng máu giang hồ trong ả mãnh liệt hơn là bản năng làm mẹ.

Trời không cho chú một người cha hay được làm cha đúng nghĩa thì bây giờ thân què quặt này bất đắc dĩ phải làm cả cha và Related imagemẹ của bé Nụ. Hàng ngày Cu Quẹo bọc bé Nụ trong một cái túi vải quấn ngang bụng rồi tha con bé đi bán vé số khắp phố chợ. “Gậy” một mình đối với chú đã quá khó khăn, tha thêm con bé làm chú “gậy” chậm và nặng nề hơn. Tiếng lộc cộc của cây gậy nghe chậm và nặng tiếng hơn, nghe như tiếng mõ của vị tăng già. Vì hai tay bận chống gậy nên chú đeo bình sữa lủng lẳng trên cổ để cho con bé bú khi nó khóc đói trên đoạn đường dài mưu sinh. Đêm đêm hàng xóm được thưởng thức giọng ca ngọng của Cu Quẹo: “Tình cha ấm áp như ầng tai ương.”

Thời gian trôi nhanh, bé Nụ đã biết đi. Ơn trời, Nụ cứng cáp và xinh đẹp như mẹ nó. Lúc con bé lớn quá, Cu Quẹo không thể tha nó nổi nữa mà cột một sợi dây vào bụng nó nối với cổ tay chú. Con bé đi nhoi nhoi phía trước rồi ngoái lui thúc: “nhanh lên ba”. Cu Quẹo dường như khoẻ hơn và bước cũng nhanh hơn. Lớn thêm chút nữa bé Nụ đã biết cầm vé số mời khách thay cho Cu Quẹo. Ở khu chợ nhiều người biết hoàn cảnh của chú tỏ ra thương cảm và mua nhiều vé số hơn. Nhà cửa và bản thân Cu Quẹo không có gì thay đổi. Có thể thấy được việc Cu Quẹo phất lên qua những bộ áo quần mới con Nụ bận trên người. Nhiều người còn cho hai cha con nhiều quà bánh và thức ăn. Đây là thời gian hạnh phúc nhất trong đời Cu Quẹo dù đâu đó vẫn nghe những xầm xì rằng chú nuôi con tu hú. Đối với chú, con Nụ khỏe mạnh và hồn nhiên là cả gia tài.

Những gia tài rồi trở thành gia tai. Niềm hạnh phúc đơn sơ này cũng không được bao lâu như thể chú được sinh ra trên cõi đời là để chịu đau khổ. Khi bé Nụ lớn thêm chút nữa, nó hay hỏi chú về mẹ của nó. Đến dậy thì, Nụ nhổ giò thành một thiếu nữ phổng phao xinh đẹp. Lúc này ít ai còn tin Nụ là con của Cu Quẹo. Con bé tin lời người ta nói nó là giọt máu của một gã giang hồ.

Sự thương yêu của Cu Quẹo không đủ ghìm cương một ả ngựa non mang dòng máu giang hồ như Nụ. Một hôm nó bỏ đi đâu mấy ngày mới về, chú dạy nó rằng con gái mới lớn phải thế này thế kia. Nó chửi thẳng vào mặt chú: “Ông không phải là cha tôi!” Rồi Nụ bỏ nhà ra đi khi chưa tròn mười lăm tuổi.

Mấy năm sau đó, Cu Quẹo một mình một gậy lê thân khắp phố chợ. Trên ngực chú đeo một cái hình phóng lớn xinh đẹp của bé Nụ, với hàng chữ cần tìm con. Nhiều người không biết dè bỉu rằng đồ điên. Một số người hiểu chuyện copy tấm hình Nụ để dán lên các cột điện tìm con giúp chú. Rồi mọi người cũng lãng quên chuyện bé Nụ, chỉ có Cu Quẹo là tin một ngày con Nụ sẽ trở về.

Hơn ba năm sau, Nụ trở về với thân hình tả tơi tiều tụy và đầy vết xăm cùng một đứa bé gái còn đỏ hỏn. Dường như ngôi nhà dặt dẹo của chú là bến đỗ của những con người lầm lạc. Trong căn chòi xiêu vẹo, người chủ nhân có hình hài cong queo sẵn lòng chào đón và nâng niu những linh hồn lạc lối. Chú đặt tên cho bé con của Nụ là Hoa Sen với mong ước cuộc đời nó sẽ đẹp thơm chứ không héo hắt như bà và mẹ nó. Hàng ngày chú vẫn “gậy” đi bán vé số nuôi hai mẹ con Nụ và Hoa Sen. Con Nụ gọi Cu Quẹo là ba một cách trìu mến. Trong thâm tâm nó biết chú không phải là cha đẻ ra nó nhưng sau những tháng năm lăn lộn giang hồ nó mới cảm được tình thương vô điều kiện của Cu Quẹo dành cho nó. Đó là cảm xúc đẹp nhất mà nó may mắn có trên cõi đời này.

Khi bé Hoa Sen lớn nhanh thành một nụ hàm tiếu xinh đẹp thì Nụ cũng bắt đầu héo dần. Người Nụ nổi đầy hạch và ghẻ lở. Nụ biết rằng đèn dầu nó sắp cạn như thằng giang hồ cha bé Hoa Sen. Nụ trăng trối với Cu Quẹo: “Ba ơi, trên đời này mẹ con con không còn ai ngoài ba hết, con nhờ ba nuôi nấng bé Hoa Sen như ba đã từng làm cho con ngày trước.” Nụ bắt Cu Quẹo hát “Tình Cha” cho nó nghe, rồi nhoẻn miệng cười ra đi khi nghe hết câu: “Tình cha ấm áp như ầng tai ương.”

Nụ đi rồi, hàng ngày Cu Quẹo tiếp tục hành trình kangaroo. Cũng may trong hình hài dặt dẹo đang già đi kia có một sức mạnh nào đó khiến chú vượt qua quãng đường nhất bộ nhất gậy để hoàn thành chí nguyện của mình. Chú nghĩ hoa sen mọc tự bùn nhưng nhờ ánh sáng và gió mà tỏa hương thơm ngát. Đời chú không được học hành, con Nụ cũng chưa bao giờ đến trường. Đến khi Hoa Sen được năm tuổi chú cho bé vào học trường mẫu giáo nằm trên đường ra chợ. Chú mua sách chăm sóc và nuôi dạy trẻ con về tập đánh vần để học, với niềm tin Hoa Sen sẽ vươn khỏi bùn dơ và tỏa hương thơm.

Hôm bé Hoa Sen tròn sáu tuổi, chú về sớm hơn thường lệ với một bông sen nhỏ và cái bánh sinh nhật đựng trong cái túi vải treo trên cổ. Ngay lúc định rẽ vào cổng trường để đón bé Hoa Sen thì một chiếc xe điên đi ngược chiều lao thẳng vào Cu Quẹo. Cái mặt ngước nghiêng của chú thấy chiếc xe từ xa nhưng chú không thể làm gì được với đôi chân chậm chạp của mình. Cái duy nhất chú có thể làm là cởi cái túi xách trên cổ và quăng vào bên trong cổng trường mẫu giáo trước khi …  gục xuống.

Trong cơn mê cuối cùng, trong đầu Cu Quẹo vang lên mồn một: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương.”

 

      TYKH

 

      *** Trở về mục lục 99Độ