Inline image 1

 

Như em, anh đã đi qua nhiều con đường. Những con đường ngợp bóng lá. Những con đường với hàng cây cao hay thấp cũng làm chao lòng kẻ dạ hành, nhất lại là trong đêm trăng sáng. Trăng sáng và cõi tịch liêu của đêm làm xôn xao những cảm giác lâng lâng như triều lên trong dòng máu lãng du chưa tìm ra cội nguồn để về cùng trái tim mệt mỏi. Và anh cứ ngập ngụa trong ánh sáng bạc ấy, trên con đường đêm hoài niệm.    

Nhớ! Thì nhớ nhiều nơi. Nhớ con đường có hàng cây dầu cao, xuôi cầu vồng về bến phà An Hải. Con đường thơm những nhánh hoàng lan từ vườn nhà ai kín cổng cao tường. Và mái tóc em còn vương tiếng nhạc của Scorpion từ quán cà phê Thìn cũ kỹ. Vỉa hè rộng lắm để thênh thang những gót chân khuya và đếm những cánh dầu rơi xoáy trong đêm thầm thì, thầm thì như tiếng em lời hờn dỗi vô cớ…Lại nhớ những hàng me đường Nguyễn Du. Khi gió khuya về rung những cánh lá nhỏ như mưa. Và những vỉa hè rộng để thấy lòng trống vắng khi tiếng guốc em gõ lên mặt đường làm khuấy động trái tim buồn. Chênh chao câu hát Boulervard của Dan Byrd:

Never knew that it would go so far
When you left me on that boulevard

Có lẽ đến bây giờ anh vẫn không hiểu vì sao mọi chuyện đã xa xăm như thế. Khi anh cất bước ra đi theo dòng đời, rồi trôi mãi đến nửa vòng trái đất. Vỉa hè của đại lộ xưa có còn vang vọng tiếng chân ai một mình…

Ngày ấy anh còn nhớ một đoạn thoại đầu cho ca khúc Hướng về Hà Nội. Thật lắng đọng như tiếng guốc em âm vang cuối con đường ngập lá kỷ niệm của ký ức muôn trùng:

Anh đâu ngờ anh vẫn còn nghe vang tiếng em, trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của những ngày sung sướng đó! Tiếng gió heo may trên những cành liểu nhỏ, tiếng giọt sương rớt trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố…ngần ấy những tiếng động cứ ngân nga mãi trong trí tưởng anh. Một thuở thanh bình nào đó. Bây giờ đã gần im hơi. Nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức, làm ngân lên trong ký ức, một mùa hè háo hức, một đêm mưa vụng trở về. Gió cuốn từng cơn nhớ. Anh bổng nhận ra rằng: Anh vẫn còn yêu em. Giữa chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.

(Có lẽ đã hơn 30 năm để nhớ trọn đoản văn ấy…Cũ kỹ như cuốn băng nhựa cassette giờ đã nằm khuất phủ bụi quên lãng thời gian và có lẽ không bao giờ được dùng lại.)

Đà Lạt với những cơn mưa hạ đưa gió về lao xao nhành liểu rũ ven hồ. Những âm thanh ngọt ngào như giai điệu của mùa tình chín rục. Tiếng gió khuya hiu hắt lạnh, tiếng giọt sương thảng thốt rơi trên mặt hồ Xuân Hương, tiếng rêu buồn trở mình già cổi trên mái ngói dinh thự cũ và tiếng gót khuya em vang động góc khu chợ Hòa Bình. Phải có một sự yên tỉnh đến cô đơn tê tái để nghe vang tiếng guốc em ngày ấy. Tiếng guốc dội vào lề đường lót đá khô khốc, tiếng guốc chạy xuôi theo con đường lên xuống phố chợ, âm vang trong từng ngõ hẹp nhỏ của phố núi, tiếng guốc theo những viên sỏi nhỏ đau lòng lăn xuống triền dốc tâm hồn như tiếng lăn trầm…

Trời bữa đó không nói gì không nói
Một chút gì xưa đã nói miên man
(Bùi Giáng)

Phải chăng em! Chúng mình đã hằng giờ đi bên nhau trong thinh lặng như thế. Vẫn tay trong tay và nghe lời nói thật thừa thải. Ngôn ngữ của tình mình không tìm thấy trên bờ môi, mà đầy trong mắt ướt. Đôi mắt của em đen nhánh như đêm và hàng mi là hai hàng cây soi bóng một lối tình ảo mộng dằng co. Anh đã ngụp lặn trong đáy mắt kia mấy mùa tình lụy.

Rồi lại nhớ con đường Cừa ven sông Tam Kỳ với những nhành hoa sưa vàng rực chiều tà. Những hàng cừa thân già nua như chưa bao giờ biết tuổi, giữ lấy đường đất ven sông mấp mô. Những thân cừa già cỗi và hoa sưa vàng rực trải lối đi. Man man ký ức về những người con gái đẹp nức nở ở nơi này, nơi thành phố nhỏ như lòng bàn tay, mọi người đều quen tên, nơi đầu phố là ngôi chùa và cuối phố là nhà thờ với con đường Phan Châu Trinh nhộn nhịp.  

Những con đường chúng mình đi qua, như những cuộc tình đi qua chúng mình, không hề giống nhau. Mỗi con đường như mỗi người con gái với những nét riêng làm trái tim sai nhịp hối hả. Mà âm vang tiếng gót chân là giai điệu của những lời ru xưa đầy ngãi đắng. Thấm vào lòng đường những nhịp tình đau với lá mục rêu buồn.

Những con đường ven hồ Xuân Hương hay quanh co phố núi, những con đường với vỉa hè thênh thang ở Sài Gòn, những con đường thơm hương đêm ở Đà Nẳng, những con đường quê ven sông ở Tam Kỳ cũng không làm sao chao nghiêng nỗi nhớ và ngất ngây hoài niệm bằng con đường ở Thành Nội. Đường Đoàn Thị Điểm với hàng phượng và muối, nhốt kín gió ngây thơ và tuổi mới lớn xanh lòng. Con đường không dài rộng để thấy lòng tản mát. Con đường với hàng cây không cao quá để thấy mình nhỏ nhoi, con đường không ngắn quá để hụt hẩng những bước chân hẹn hò chưa kịp thốt lời tỏ tình, con đường không quá dài để đôi chân em gót mềm thôi rụt rè ngần ngại. Những hàng cây đứng sát vào nhau như anh cần em. Trên cao dày đặc tán lá như chiếc dù lớn chạy suốt con đường. Con đường ngày ấy không có vỉa hè nên chúng mình cứ lang thang giửa lòng đường.

Nếu trường Đồng Khánh và Quốc Học có con đường Nguyễn Trường Tộ nằm giữa, làm chứng nhân cho những chuyện tình học trò thơm thảo, thẹn thùng nhìn nhau qua khung cửa lớp học và hai dãy thành tường vôi. Thì con đường Đoàn Thị Điểm là chiếc cầu nối hẹn hò tháng năm cho đời học sinh của trai Hàm Nghi và Nữ Thành Nội. Con đường có hồ sen tỏa hương tháng Tư, có phượng đỏ tháng Năm. Có rêu phong thành cổ quanh năm và trầm hương thoang thoảng đêm rằm. Những đêm trăng rằm thật sáng soi rõ những viên ngói trên Hoàng Thành mà con đường thì thâm u bóng đêm bởi tán lá đan vòm trên cao. Ánh đèn vàng thì thưa thớt, hắt hiu như đồng lõa với bóng tối, làm giấu đi nét thẹn thùng má đỏ của em và đôi tay run rẫy của anh. Những góc khuất đầy bóng đêm của đường Lê Trực trước Cổ Tàng Viện. Tối lắm để chúng mình can đảm trao nhau chút gần gủi thịt da nóng bỏng bồi hồi. Tối lắm để chúng mình mù lòa yêu nhau qua những ngón tay tinh nghịch, khám phá vùng khát vọng hân hoan…Thi thoảng vài ánh đèn xe quét qua những gốc cây giấu kín đôi nhân tình, chấp chới nhân ảnh buông rời nhau rồi hòa nhập lại. Có tiếng cười khúc khích trong vòm cây. Có tiếng chim vỗ cánh rã rời trong đêm. Và có tiếng thở dài trách móc cho một cuộc tình vô vọng…

Qua rồi thời trung học thì con đường Đoàn Thị Điểm lại ngập tràn những kỷ niệm dấu yêu của những tiếng đàn piano, những tiếng hát, tiếng violon của các cô bé trường Âm Nhạc. Những nét phù điêu, những mảng cọ tang bồng của các lãng tử trường Mỹ Thuật. Qua cửa Hiển Nhơn bọn học trò đi về hai hướng để làm rong rêu một đời phiêu lãng mai sau…Làm sao quên một đêm đông rét mướt, tay cầm ổ bánh mì giòn tẩm đường của Bà Dì ngã tư Nhật Lệ, ngồi trên lầu Ngọ Môn chúng mình nhìn qua bên kia sông những ánh trăng khuya và nghe vụn vỡ trên môi điều thực tại. Làm sao quên được ly cà phê Tôn ấm nóng một khuya mùa trăng úa. Làm sao phai nhạt vị ngọt ngào chiếc bánh thuẩn mẹ làm và tách trà Mai Hạc những mùa trăng tháng tám.  

Con đường này giờ đã thành đường một chiều. Một chiều từ ngoài thành vào nội. Chúng mình chỉ có thể đi từ cửa Ngăn, cửa Thượng Tứ mà vào. Trường cũ Hàm Nghi không còn để chàng trai theo người nữ đến lớp. Những chiếc xe đạp mang tà áo trắng của trường Nữ Thành Nội (giờ là Nguyễn Huệ) vẫn còn tung tăng những vòng quay. Như đàn bướm trắng, chúng vô tư thả bộ đi về giửa lòng đường, rộn ràng giờ tan tầm những mô tê răng rứa đến dị òm…

Tiếng nhạc và nét cọ vẽ phong trần ngày nọ giờ đã vắng thưa qua cửa Hiển Nhơn, chỉ còn hai con lân đá đứng yên làm chứng nhân buồn hiu cho những biển dâu năm tháng. Còn đâu dáng Phương đứng trần truồng làm mẫu khi lò than dưới chân không đủ sưởi ấm một mùa đông phong trần nhiều khổ lụy. Tôn Nhơn Phủ đã thành nền gạch hoang cho cỏ nội nuối tiếc thuở vàng son. Hình như em cũng không còn đó để cùng anh đi về trên con đường đẹp. Định mệnh đã đưa chúng mình đi xa như chiếc lá xa mùa, không bao giờ còn níu trên nhánh đời vỡ vụn những cành khô. Biển đã thành nương dâu. Em đã rời cố quận. Và anh đã lăn lóc cuối chân sóng sa mù. Biết bao giờ châu lại về hợp phố.

Chúng ta đã xa nhau như hai thành phố. Không có con đường nào để nối lại những điều vui, khi nghìn trùng đã cách chia tao ngộ. Không có vỉa hè nào để nâng gót chân em khi chiều xuống, khi ta không còn của nhau. Lối xưa còn đó nhưng ngựa xe đà vắng bóng trong hồn thu thảo. Thềm cũ lâu đài còn trơ bóng tịch dương với tuế nguyệt đến bao giờ. Sự đổi thay nào cũng đi kèm mất mát. Và chấp nhận những cái mới lạ thiếu vắng một chút tình hoài cổ không phải dễ dàng. Có những mất mát không bao giờ hàn gắn lại. Có những đập vỡ không bao giờ xây dựng lại trong ngàn sau tiếc nuối muôn trùng. Cuộc di dời nào cũng bật gốc những cội nguồn như nhất. Em đừng trách số phận mà hảy hỏi lòng với thiên thu…         

May thay hàng cây phượng và muối đó hình như không có tuổi. Bao cuộc chiến tã tơi, bao giông bão đi qua vẫn còn xanh những chồi non khát vọng và hoa phượng đỏ vẫn trải lòng mỗi mùa hạ trắng. Vỉa hè nay rộng hơn dẫu vắng xa tiếng gót khuya. Hoa trăng vẫn ngập tràn đêm nguyệt cầm. Và tiếng hát xa xăm Boulervard vẫn lay bay trên con đường phượng bay trong ký ức miệt mài. Ký ức hao mòn và cũ kỹ như rong rêu trên dãy thành cổ của tâm hồn già cỗi chúng mình.

Những rong rêu mang nặng hồn thu thảo,
nhớ con đường hàng muối, phượng bay.

Như anh nhớ em và tiếng guốc khuya. Nhớ đến chao lòng.

 

Bảo Sinh

Tháng tám, 2014    

Mục Lục 99Độ