Mời quý Anh Chị Em chào đón bài viết " Hình Ảnh Người Cha..." như một nhắc nhở hạnh phúc của những vị còn có cha, vì " một ngày nào đó, ba tôi sẽ ra đi, chúng tôi sẽ khóc vì mất ba...". Một lần nữa, BBT cám ơn chị Cao Thị Thanh Tâm, và thân chúc quý Anh Chị Em một Ngày Lễ Cha được nhiều an lành trong tình gia đình.

 

HÌNH ẢNH NGƯỜI CHA QUA NHỮNG TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN VÕ HỒNG

 

(Viết để thương mến tặng ngày nhớ về cha Father’s Day)

Cao Thanh Tâm

 

Ngày còn đi học, ngoài bàn học và sách vở, tôi thường chăm chú đến tủ sách gia đình.

Tủ sách bao giờ cũng ngăn nắp thứ tự, nhưng mỗi lần lau chùi những ngăn kệ này, bao giờ tôi cũng thấy khuyết vài cuốn ở ngăn truyện của Võ Hồng. Những tập truyện Hoa Bươm Bướm, Người Về Đầu Non, Lá vẫn Xanh, Trận Đòn Đầu Năm... thường nằm bên trái của ngăn truyện Tự Lực Văn Đoàn. Không cần tra cứu tôi cũng biết ngay người say mê truyện Võ Hồng là Phương, cô em gái thứ ba của tôi.

 

Ngày đó em mới học lớp sáu nhưng đã tháo vát mọi việc nhà, chăm học và mê đọc sách, nhất là yêu thích truyện của Võ Hồng. Tác giả này và gia đình tôi hình như có những điểm rất giống nhau.

 

Ông là một nhà giáo ở Nha Trang; vợ bị bịnh tim và mất sớm. Ông sống cảnh gà trống nuôi ba người con, đứa lớn lên chín, đứa thứ hai lên bảy và đứa con gái út lên ba. Truyện của ông phần lớn viết về cuộc sống của bốn cha con từ ngày vợ mất. Ông nâng niu từng đứa con trong vòng tay vụng về của một người cha, nhất là với đứa con gái út tội nghiệp, mất mẹ quá sớm. Ngay cả cô chị đầu cũng chỉ mới chín tuổi nhưng đã tỏ ra đảm đang chăm sóc cho cha và các em.

 

Ngày đó gia đình chúng tôi còn hạnh phúc tràn đầy tuy là mẹ đau yếu nhưng không bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ có một ngày gia đình mình cũng bị phân ly như gia đình của Võ Hồng, nhà văn mà chúng tôi yêu mến.

 

Có lẽ là một linh tính không may cho chị em chúng tôi ngày đó khi đọc truyện của Võ Hồng; tôi thường lặng lẽ khóc cho những đứa bé mồ côi mẹ và em Phương của tôi cũng vậy. Có lần khi đọc xong truyện Trận Đòn Đầu Năm, kể về ngày đầu năm bốn cha con đi thăm mộ mẹ, theo lời dặn của cha, ba đứa nhỏ đều phải viết thư cho mẹ và sẽ để thư lại trên mộ sau khi lần lượt viết kể cho mẹ nghe về những gì đã làm trong năm qua như học hành, buồn vui… Người cha đã gom tất cả những lá thư đó qua nhiều năm để hiểu rõ tâm tình của từng đứa con. Đến một ngày, ông xúc động khi nhận ra sự trưởng thành của các con trong một lá thư gởi cho mẹ. Cả ba đứa nhỏ đều cầu xin cho cha có một người săn sóc vì mẹ đi đã quá lâu và cha thì quá cô đơn. Chúng không phải chỉ buồn thương nhớ mẹ mà còn dành tất cả tình thương cho người cha già, gà trống nuôi con. Đọc xong thư ba đứa con, ông đã khóc như ngày vợ ông ra đi và lại càng quyết tâm ở một mình chăm sóc chúng!

 

Trong một truyện khác, Võ Hồng viết về thằng con trai lên sáu của ông đã không đi học vì người mẹ biết mình sắp chết nên không muốn xa con. Ngày ngày cậu bé vào phòng bên giường bịnh để mẹ dạy học. Đó là những ngày vui của hai mẹ con. Nhưng một hôm bà đang dạy đến vần Q thì trở bịnh nên phải ngưng việc học của cậu bé. Từ đó cậu thơ thẩn một mình với cuốn sách tập đọc. Cậu đã võ vẽ được phần đầu tập sách nhưng mỗi lần giở đến trang “Con bé Quét Nhà” có vần chữ Q, thì cậu ngậm ngùi dừng lại, nước mắt rơi, và tâm hồn non nớt của cậu nhói đau. Từ đó, trang sách có chữ Q là một bí mật mãi mãi của mẹ và cậu. Cậu không muốn chia xẻ với bất cứ ai. Sau đó mẹ mất và cha bắt đầu cho cậu đến trường nhưng tâm hồn cậu dừng lại mãi ở chữ Q nên không màng tới chuyện học; cuốn sách tập đọc ở nhà đã cũ nhưng cậu vẫn yêu quí như hình ảnh người mẹ hiền đã mất.

 

Một hôm cậu tìm không ra cuốn sách đó, cậu như phát điên, không ngờ chị giúp việc thấy sách cũ quá đã vất vào thùng rác và cha cậu tìm thấy, ông nhặt lên bao lại cẩn thận và đặt lên bàn học của cậu. Ông nhắc chị giúp việc:

-Lần sau chị có thấy em quên ở đâu thì cất lại cho em trên bàn học, đó là kỷ niệm của mẹ nó…

Đang nằm trên giường nghe ba nói như thế nước mắt cậu ràn rụa và thầm nói:

-Ba ơi, con tưởng chỉ một mình má chỉ cho con học và thương con mà thôi, ngày mai con sẽ nhờ ba dạy con học những vần sau chữ Q. Con sẽ cố học cho thuộc cuốn sách má dạy con phần đầu và ba sẽ dạy con phần cuối…

 

Ngày đó khi đọc truyện Lá Vẫn Xanh hai chị em tôi đều khóc và em Phương đã bảo tôi: “Em thương thằng nhỏ đó quá, thương ba và má nó nữa!” Tôi định nói nếu mẹ tụi mình chết thì sao! Nhưng nhìn vào mắt em, tôi bỗng dừng lại vì hình như em cũng định hỏi tôi câu ấy!

 

Nhà văn Võ Hồng còn viết nhiều tác phẩm có giá trị khác như truyện Hoa Bươm bướm kể về những giai đoạn tản cư và những mối tình trong bối cảnh đó. Truyện nào cũng được ông viết bằng những lời văn nhẹ nhàng chân thật  như tâm hồn của một người chồng nhân hậu, một người cha tuyệt vời. Là một nhà giáo thanh bạch ông đã sống một mình trọn đời nuôi con.

 

Mỗi năm ngày Father Day tôi lại nhớ Phuơng, cô em gái đã mất của mình thiết tha, nhớ người cha già một đời cô đơn như nhà văn Võ Hồng. Chắc ba tôi phải cô đơn hơn cả Võ Hồng vì nhà văn này có thể giải tỏa nỗi niềm qua nhiều tác phẩm văn chưong. Còn ba tôi, sau khi các con khôn lớn, lập gia đình và đi xa, ông chỉ lặng lẽ sống với hoài niệm và những chậu lan cùng vườn hồng và tấm hình gia đình ngày còn me tôi. Trong hình ba còn trẻ lắm, mới bốn muơi tuổi tươi cười bên cạnh me bồng em Thủy lên ba. Hình me búi tóc khuôn mặt xinh xắn, người mẹ ba mươi bốn tuổi này đã có tới sáu đứa con! Hàng đầu là tôi đứng trước mặt ba, ba ôm vai tôi, con bé mười ba tuổi cột tóc đuôi ngựa, mắt cười hồn nhiên. Em Thiện lên mười mà vẻ mặt đã lầm lì tay cầm chặt trái đào. Kế bên là em Phương mặc chiếc áo dài tết đầu tiên năm tám tuổi. Em Lư đứng nghiêm như đang chào cờ bên cạnh em Thảo tóc bom bê mặc áo đầm. Đó là hình ảnh gia đình đầy đủ sau cùng. Thời gian êm đềm trôi thật nhanh rồi lần lượt me, Thiện và Phương đã vĩnh viễn ra đi; nhà còn lại năm người, rồi tôi và Thủy cũng rời nhà theo chồng.

 

Bây giờ người cha già cô đơn của tôi đã chín mươi ba tuổi vẫn còn sừng sững như một ngọn núi cao cho những đứa con mất mẹ nương tựa. Bây giờ ba không thể nào đọc sách được nữa cho nên càng buồn hơn, bên cạnh ba vẫn còn chiếc lồng chim hót líu lo mỗi bình minh.

-Có khi ba quên đóng cửa nó bay ra ngoài một chút lại trở vào lồng!

Ba thường vui vẻ nói như vâỵ những khi chuyện trò qua phone với tôi.

Ba tôi có rất nhiều học trò trong cả một đời dạy học. Trong đó có những người đã là cô giáo của tôi.

Ngày đó tôi thường dặn ba mỗi khi ba đi chấm thi ở Nha Trang:

-Ba có gặp nhà văn Võ Hồng trong hội đồng thi thì nhớ nói có hai độc giả hâm mộ ông ở Huế. Ba nhớ nói dùm cho tụi con là đã đọc tất cả các tác phẩm của ông!

 

Viết đến đây tôi ngậm ngùi tưởng như mới ngày nào tôi khổ sở ngồi học Anh văn với ba mỗi mùa hè và chỉ trông cho ba đi chấm thi để được ở nhà với me tha hồ đọc truyện và tắm sông!... Nhớ những đêm mưa lạnh ba đi dạy lớp đêm trong khi mấy mẹ con ấm áp trong nhà… Nhớ ba nghiêm khắc khi thấy tôi đi học về trễ… Thấy ba mĩm cười lặng lẽ khi tôi được mười sáu điểm bài Triết tâm lý….Thấy ba đăm chiêu khi tôi bị gọi đi họp đoàn sinh viên học sinh vào biến cố Mậu Thân….Thấy giọt nước mắt duy nhất của ba khi nhìn mặt me lần cuối cùng và….tất cả nhạt nhòa trên cuốn sách hồng đầu tiên mà ba mua cho tôi khi bảy tuổi….Đó là cuốn sách hồng mang tên Chiếc Áo nhung lam của Linh Bảo mà tôi đã vật vã vừa đọc vừa đánh vần trong khi ba cười bảo me:

-Nó sẽ ham đọc sách và không chọc phá em nữa đâu nhưng… me phải coi chừng khi lớn lên nó sẽ nhạy cảm và lãng mạn…

 

Bây giờ nhà văn Võ Hồng và ba tôi vẫn còn, và con cái đã đi xa. Tuần vừa rồi tôi đã gặp lại Võ Hồng trong một chương trình văn học trên TV, biết ông đã nuôi dạy các con nên người và tất cả con cái của ông đều ở xa. Chắc ông cùng thế hệ với ba tôi.

 

Mỗi năm ngày Từ Phụ về làm tôi nhớ đến nhà văn Võ Hồng, ba và em Phuơng của tôi, em là người con có hiếu chăm học và đã cùng tôi say mê đọc truyện Võ Hồng và cùng buồn vui với tôi thời thơ ấu. Nhà văn Võ Hồng cũng viết truyện tình nhưng hình như không đậm đà và nồng nàn mấy. Ông cũng có tự than là trong đời ông bao giờ cũng là kẻ đến trễ hay đến sau. Nhưng riêng tôi không tin như vậy, có lẽ ông cố tình đến trễ hay đến chậm để có thể làm vừa cha vừa mẹ cho các con ông! Còn ba của chúng tôi thì chắc chắn là cố tình ở một mình vì thương me con chúng tôi.

 

Tôi, hạnh phúc thì vẫn còn, ba thì ở xa, nên đành làm một đứa con bất hiếu. Tôi rất cám ơn các em của mình đã thay cho người chị đầu chăm sóc ba lúc tuổi già bóng xế…Mỗi tốí thứ ba hằng tuần, tôi hồi hộp nhấc phone và vui mừng nghe tiếng nói quen thuộc của ba từ nửa vòng trái đất:

-Ba đây!...

Tim tôi đập nhanh rồi dần dần đều đặn, ba tôi vẫn bình yên…Trong niềm hạnh phúc bây giờ còn đó, nhưng vẫn vấn vương một chút lo âu… Nhưng đó là sự tất nhiên của định luật muôn đời… Một ngày kia, ba tôi sẽ ra đi, chúng tôi sẽ khóc vì mất ba nhưng chắc chắn ba tôi sẽ vui mừng vì me chúng tôi đã đợi ông từ lâu lắm… Cho tới lúc chúng tôi thực sự lớn khôn và trưởng thành….

 

Cám ơn nhà văn Võ Hồng và hình ảnh người cha trong những tác phẩm của ông….

 

CAO THANH TÂM 3/6/2013

Mùa Lễ Father’s Day

 

 

Mục Lục 99 Độ                             Trang Nhà YKHHN