HOÀI HƯƠNG

 

 

Tôi biết từ nay tôi không thể về lại Việt Nam để tái định cư một lần nữa. Nơi ấy tôi đã được sinh ra và đã sống hơn 30 năm, qua nhiều thời đại với những thể chế chính trị khác nhau, với những lối sống và tập quán hoàn toàn khác biệt. Vết thương ngoài da lẫn vết thương lòng đã để lại bởi cuộc chiến dai dẳng dù muốn quên nhưng cũng khó lành hẳn.  Không còn thù chẳng còn hận nhưng hình như có một rào cản vô hình chận lại. Không phải đây là lần đầu tiên dân tộc tôi có chiến tranh hai miền. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, sau đó thì không biết người xưa đã cần bao nhiêu năm để trở lại tin tưởng, yêu thương nhau như ngày trước? Nhưng giờ đây trong tôi, sau gần 40 năm quê hương hết chia lìa, mà sao cái hố ngăn cách vẫn còn hiện hữu mãi thế này?! 

Nơi chôn nhau cắt rốn bao nhiêu đời đã in hằn quá nhiều kỷ niệm. Này con đường ven đô, từ nhà đến trường với những đứa bạn cùng xóm, từ tiểu học đến đại học. Những giận hờn gây gổ với nhau vì những chuyện thật trẻ con tạo nên những tình cảm bạn bè mà đến khi lớn khôn và đã xa nhau mới thấy thật là quí mến và trân trọng vô cùng.

 

Ôi! 35 qua năm rồi, từ khi ra đi, cứ mỗi lần trở lại thôn xóm cũ thì hình ảnh năm xưa lại hiện ra. Con dốc thoai thoải dẫn đến nhà tuy không cao nhưng đủ để mồ hôi đẫm ướt áo khi vào đến mảnh vườn nhỏ xinh xắn. Con đường xưa đó, đã đổi thay nhiều, còn đâu những mùa Xuân, đi dưới hàng cây Sầu Đông nở hoa thơm ngát với màu tím nhạt gây vấn vương. Hoa rơi nhẹ nhàng trên vai áo như đùa nghịch như mơn trớn tạo một cảm giác lâng lâng dịu dàng với nắng mai thoáng ẩn hiện trong làn sương sớm, chợt thoáng thấy đó đây vài nụ cười e ấp thân thiện của những người cùng xóm. Cũng trên con đường này mỗi độ Thu về, ánh trăng sáng soi làm đậm đà thêm cho những lần gặp gỡ vui đùa một cách vô tư với bạn bè cùng trang lứa, bên ly trà và vài miếng mứt gừng mà Mạ đem cho. Những trò chơi trẻ con dưới ánh trăng xuyên qua lá cành, tình cảm xóm làng hiền hòa và đầm ấm biết bao !

 

Khung cảnh thanh bình này mất dần theo thời gian, chiến tranh càng ngày càng tăng và trở nên khốc liệt hơn, sự an bình khi đêm về từ từ mất đi theo tiếng súng vang vọng càng ngày càng gần hơn. Những buổi tối, sau giờ học thêm, đạp xe về trước đồn An Cựu, giữa những hàng rào dây kẽm gai của thời chiến tranh ấy làm cho tôi cảm thấy có chút gì đó bất an trong lòng. Trời tối, đơn độc trên con đường với một bóng đèn nhỏ của chiếc xe đạp như báo với người lính gác là có người sắp đến. Có một cảm giác lành lạnh chạy theo sống lưng khi ngang qua trạm gác, bởi trên đoạn đường này đã có một thanh niên của xóm dưới bị lạc đạn chết.

 

Cho dù trong gian nan thiếu thốn, trong sợ hãi chết chóc nhưng lứa tuổi của tôi vẫn được hưởng một nền giáo dục nhân bản, biết nhận xét đâu là giới hạn của hành động cho phù hợp với xã hội và con người, đâu là đạo đức chân thật cho cuộc sống cộng đồng. Biết tương thân tương ái lẫn nhau.  Biết suy xét và thu nhận những kiến thức mới để cập nhật theo với đà tiến bộ của nhân loại.

 

Những buổi tiệc nhỏ giữa bạn bè với nhau như để thưởng cho những thành tựu tốt đẹp sau những kỳ thi tú tài bán phần, toàn phần, làm cho tình bạn, tình xóm làng càng thêm thân mật hơn. Đây cũng là niềm khích lệ và là điều khuyến khích của những đấng sinh thành dành cho con em cùng trang lứa để cố gắng chăm học. Nhưng những dịp vui này cũng là một dịp chia tay với các bạn bè kém may mắn, đã đến tuổi lên đường nhập ngũ, buồn vui lẫn lộn.

Hỡi ơi! Thời chinh chiến là như vậy đó! Thương cho thân phận của những người trẻ tuổi như tụi tôi trong thời chiến tranh. Tuổi vui chơi, vô tư bị đưa vào trong một cơn lốc mà ngày trở về thì không có gì là chắc chắn cả!

 

Cuộc đời cứ như vậy mà tiếp tục, người may mắn thì tiếp tục học lên, kẻ kém may thì phải xa bạn, đành lòng mà bỏ cuộc chơi. Tôi được dự phần trong đám may mắn đó, tiếp tục cho đến khi hoàn tất cuộc đời đèn sách. Đây là lúc phải chọn lựa, ở hay đi? Tôi đã cùng vợ quyết định ra đi để tìm một cuộc sống phù hợp. Lắm gian truân, nhiều cay đắng mới đến được nơi gia đình tôi mong muốn, mọi việc đều khó khăn lúc đầu. Nhưng với sự cố gắng vượt bực và lòng yêu thương gia đình của người vợ hiền, gia đình tôi đã vượt qua biết bao khó khăn để có được một cuộc sống như chúng tôi đã từng ao ước. Những năm đầu tiên nơi xứ người tuy bận rộn nhưng không khỏi có những lúc mơ về cố hương, nơi đó vẫn còn cha mẹ và anh em, bạn bè mà tưởng như sẽ không bao giờ gặp lại nữa.

 

Thế rồi một ngày, sự thay đổi đã đến, sau nhiều năm đắn đo chúng tôi mới quyết định về thăm quê nhà. Trong những lần về thăm quê hương, cảnh mới xen với cảnh cũ cứ hiện lên. Những tia nắng thân quen, rạng rỡ trên những vỉa hè như đón chào người thân trở về sau nhiều năm xa cách. Phố xá xôn xao với những tiếng nói, tiếng cười đã quen nghe từ thuở lọt lòng. Quê hương của tôi đây rồi! Nhà cửa khang trang hơn, đường phố rộng rãi hơn. Hình bóng bên ngoài hào nhoáng hơn. Tiến bộ vật chất càng ngày càng nhiều. Nhưng có một cái gì đó trong cuộc sống ở đây nó không còn phù hợp với tôi nữa, càng về thăm quê hương thì càng thấy mình xa hơn. Lòng người xa lạ, biến đổi thật nhanh theo cuộc sống kim tiền, cái xấu đã lấn át cái đẹp quá nhiều rồi. May mắn thay là vẫn còn tình cảm gia đình và bạn bè cùng lớp để còn có thể tìm lại những ngày xưa thân ái bên nhau.

 

Một bông hoa rơi nhẹ trên vai áo đánh thức tôi thoát ra khỏi cơn mơ, dưới gốc cây Sầu Đông lẻ loi, xinh xắn với những bông hoa màu tím nhạt nở rộ bên trong khu vườn kế cận Cung Điện của những Giáo Hoàng ở Avignon. Tôi đã trải qua một khoảnh khắc mơ mộng và thương nhớ về nơi cố hương, xa xôi ngút ngàn bên bờ Thái Bình Dương, quên đi vợ và các con đang đứng nhìn chiếc cầu nổi tiếng Avignon, phơi mình trên dòng sông uốn lượn theo con đường rộng rãi khang trang dưới chân của khu vườn. Tiếng cười nói xôn xao chung quanh nghe cũng quen nhưng không như những âm thanh quen thuộc thân yêu từ ngày chập chững bước đi từng bước.

Trong tôi, ngay giờ phút này, tôi biết rằng nơi này chính là quê hương mà tôi sẽ ở lại đây mãi mãi với gia đình nhỏ bé của tôi, với những người mà tôi hằng quý mến và yêu thương. Quay gót bước theo Phúc Hậu và các con, để lại sau lưng cây Sầu Đông cũng như cuốn phim dĩ vãng vừa mới chiếu ra, bước chân nặng trĩu với  cõi lòng man mác ngậm ngùi.   

 

Đầu Xuân 2014

Nguyễn văn Long-YKH 13

 

 

Mục Lục 99Độ