Em là Huế, hay Huế trong em

Sương mờ trắng xoá phủ dòng Hương giang  

Cầu dài xa tắp mình chia đôi ngả

Em qua không kịp tội lắm anh ơi…

Những bạn cùng học Chính Trị Kinh Doanh ở Đại Học Đà Lạt, hay trêu tôi: “Răng rứa… Huế là xứ ớt luộc”, tôi mĩm cười vui cùng các bạn. Hôm nay tôi muốn anh thưởng thức những thức ăn thiệt cay, để xem chàng thấm được bao nhiêu chất Huế trong người. Tôi mời:

-         Anh ơi! Chừ em mời anh đi ăn món Huế với em, phần nhiều có nêm thêm chút ớt, cay lắm nghe anh. Nếu anh không khóc thì em cho anh nhập làm người Cố Đô với em luôn.

Tôi đưa anh đi khắp những khu nổi tiếng ở Huế, giới thiệu các món ăn bình dân, để anh hiểu xứ Huế nhiều hơn, người chỉ biết và yêu Huế qua tôi.

Tôi giải thích bằng giọng Huế:

-         Anh ơi! Xứ Huế của em năm mô cũng có lụt lội, nên không có chi quý hơn gạo. Vì rứa các món ăn Huế phần nhiều được làm từ bột gạo, như cám ơn Trời đã cho họ có hạt gạo để ăn. Những món ni bình dân và thuần túy Huế, được chế biến kiểu cách, hơi rắc rối và điệu một chút, người Huế mà anh!.

Nói đến thức ăn xứ Huế, trước nhất phải kể đến món đã được đặt Huế Thành Tên. Đó là Bún Bò Huế.

Món ni hấp dẫn lắm đó, anh cưng!     

Nước dùng phải ngọt, trong, thơm mùi sả, nồng mùi ớt, cùng màng ớt đỏ cay nổi trên mặt tô bún, nêm thêm chút ruốc Huế để nồi bún được mặn mà nồng nàn. Chỉ cần mùi sả bốc lên là “chất Huế đã đi vào hồn”.

Nhưng, các cô gái Huế ít khi dám bước vào tiệm ăn bún bò giò heo.

Tôi chúm chím cười:

-         Anh biết tại răng không?

Vì… các nàng không dám cắn miếng giò heo nơi chốn đông người, hay húp xì xụp tô nước nồng mùi sả toả lên, để môi phải bóng loáng lên màu mỡ đỏ -thì còn ai dám chiêm ngưỡng mà thương cho được nữa không biết!

…Nhớ lúc đến tuổi dậy thì, bắt đầu biết e lệ, được măng cho để tóc dài, thì cũng là lúc măng nhắc nhở chị em tôi nhiều lần về việc đi ăn cùng người quen:

-         Các con phải nhớ lời măng dặn. Ăn uống phải từ tốn, ăn càng ít càng giữ cái nết của con gái. Thà đói bụng, còn hơn để mọi người nhìn lúc con ăn bún bò giò heo… rồi cả xứ Huế sẽ biết ‘danh’ con. Nhớ nghe con!

Tôi đã nhớ nằm lòng lời măng dặn. Đã bao lần đi ăn chung với nhóm bạn thân, dù toàn bạn gái với nhau, tôi vẫn luôn hỏi xin tô bún đặc biệt, chỉ có “bún với rất ít thịt và không giò”, khiến mấy đứa bạn đi cùng đã cười rân:

-         Tụi bay ơi! Chi lạ quá nghe! Con ni Công Huyền Tôn Nữ, Huế chính gốc mà bày đặt không biết ăn bún bò giò heo!

Hôm nay, măng nhờ bà gác cổng đón gánh bún bò để đãi cả nhà. O bán bún quảy gánh vào tận chân thang lầu phía dưới nơi gia đình tôi trú ngụ, vì Chúa nhật nên trường im vắng.

https://tse1.mm.bing.net/th?id=OIP.8kOyn1PKJr2xehBcWNY37AHaFp&pid=15.1&P=0&w=204&h=156

Tô bún với màng ớt đỏ nổi ở trên, miếng giò heo trắng nõn, nằm kế bên những lát thịt bò màu nâu thái mỏng vừa ăn, trên rải ít hành, ngò, dĩa nhỏ đựng bắp chuối xắt mỏng, rau răm.

Tôi mời mọi người và mời anh:

-         Mời anh ăn liền tô bún cho nóng. Bún gánh ở Huế vang danh khắp xứ, ngon xấp mấy lần bún bán ở tiệm đó anh.

Gánh bún O Trinh ni ngon hơn cả bún bò mụ Rớt nữa đó.  Anh ráng ăn nhiều nhiều, để O khỏi phải gánh đi bán chỗ khác, tội nghiệp O, anh nhé. 

Tôi cố che nụ cười, khi thấy mẹ, dì và hai cô con cậu, nhìn màng ớt đỏ nổi trên mặt tô bún nóng, rồi ngại ngùng đưa mắt nhìn nhau, người này đợi người kia, nhưng đầy vẻ tò mò, thích thú, và rồi ai cũng gật gù ăn ngon lành cho đến hết tô bún.

Chàng nhìn quanh tìm tôi, đợi cùng ăn chung, nhưng, tôi dựa sát bên anh, dặn dò:

-         Dạ, anh đừng chờ em. Anh cứ tự nhiên ăn một mình đi nha anh! Anh ráng ăn liền đừng để nguội. Bún ngon là nhờ ăn lúc đang nóng, mùi thơm của sả và ớt cay nồng, cùng lát thịt mềm ấm, từ từ thấm vào vị giác, sẽ làm anh ngây ngất. Anh ơi, anh nhớ đừng ‘húp’ nước súp mà sặc ớt, anh phải ăn chầm chậm, anh nhé.

Chừ em bận lắm. Chút xíu nữa em sẽ nói chuyện với anh sau.

… rồi tôi biến mất! Tuy đã làm vợ của chàng, nhưng tánh mắc cở vẫn còn, tôi bưng tô bún vào phòng ngủ, đóng cửa lại để được tự do ăn mà khỏi sợ có ai quan sát…  đã quen như rứa rồi, con gái Huế mà…

Nhưng món đặc biệt nhất chỉ ở Huế mới có, là bánh canh Nam Phổ. Ra Huế mà không thưởng thức món ni là chưa biết Huế trọn vẹn, để rồi sẽ tiếc nuối vô cùng. Món này chỉ bán sau 12 giờ trưa, vì sáng sớm người nấu phải đi chợ tìm mua cho được mớ tôm cua thật tươi, phải nhồi bột làm sợi bánh mới, ngon là nhờ mọi thứ mới nấu, nước ngọt thơm mùi tôm cua tươi.

Nếu ai ăn bánh canh Nam Phổ vào sáng sớm là “giả hiệu” đó nhé! Loại này thì ở mô cũng có, khắp cả miền Nam VN.

Món ăn đắt hàng đến nỗi, sau 5 giờ chiều là không thể tìm được gánh bánh canh nào để ăn nữa. Dù có tìm tới làng Nam Phổ ở Huyện Phú Vang, cách cầu Trường Tiền độ 3km rưởi, thì các quán cũng bán hết sạch. Không kể chi đến khách các miền khác tìm đến, mà ngay chính người dân Huế cũng rất thích.

Mặc dù cả làng đều có nghề gia truyền cùng nấu bánh canh, nhiều quán mà quán nào cũng ngon như nhau, rứa mà cũng không có đủ để bán cho khách. Nếu muốn chắc, thì khi gặp O bán, phải đặt cọc cho ngày mai. Ngoài quán ăn, các gánh bánh canh được các O gánh đi bán khắp nơi, nhưng rất mau hết vì ai cũng quen con đường mấy O đi nên nhiều người đợi chờ, vì rứa, nếu không biết thì khó mà tới phiên mình được ăn.

Măng nhờ bà gác cổng, cố chờ đón cho được gánh bánh canh để đãi gia đình anh. Ra Huế mà không ăn được tô bánh canh Nam Phổ thì…ức lắm.

Thiệt không có chi ngon bằng tô bánh canh chính hiệu gốc Nam Phổ ngọt đậm mùi tôm cua. Chao ơi là thơm ngon chi lạ! Nhìn thiệt hấp dẫn, đẹp mắt.

Tô bánh canh sền sệt ửng màu gạch đỏ của cua tôm. Tôm và thịt heo được quết nhuyễn, vo thành viên, cua được lột ra từng miếng nhỏ. Những sợi bánh được lăn thành từng con dài cỡ nho nhỏ bằng ngón tay út, được làm từ bột gạo và bột sắn hoà chung, trắng nõn nà. 

http://camnangphuot.com/wp-content/uploads/2014/04/banh-canh.jpg

Nước dùng ngọt của tôm cua tươi cùng chút ruốc nêm vào thấm đậm, ngào ngạt bốc lên mùi thơm thật đặc biệt.

O bán bánh canh mặc chiếc áo dài được vá nhiều nơi, tóc búi phía sau ót, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán dù đang đầu mùa Đông. Tay O thoăn thoắt múc bánh canh ra từng tô, trao cho tôi bưng lên lầu, vừa nhoẻn nụ cười, vừa đọc theo vần điệu để mời khách:

-         Dạ…Mời chị mời anh! Mời ôn mời mệ,

đoại bánh canh Nam Phổ,

cua, tôm, thịt nạc,  quết nhuyễn cùng nhau,

mời anh mời o, húp một muỗng đi nì,

mát rượi hồn ai, nhung sâm rượu nếp,

cũng không chi sánh bì,

món đặc sản xứ Huế, làng Nam Phổ quê em,

dạ… mời ôn mời mệ , mời o mời anh

đoại bánh canh nóng hổi, ngọt mùi cua tôm

ai ơi ời…ơ.. ơ…

O rất tự tin, vì biết bánh canh mình nấu ai cũng đợi chờ, ngày nào cũng phải vét sạch nồi để bán. Thấy mọi người hể hả ăn ngon lành, O cười vui vẻ hãnh diện. Người Huế thời này rất đặc biệt, họ không cần quá vất vả để… làm giàu với ai! Họ làm chơi chơi. Quảy một gánh mỗi ngày, họ cũng đủ sống, cốt chỉ để nuôi con ăn học.

Tôi nheo mắt, cười với anh:

-         Anh ơi! Anh ăn một lần là anh sẽ… ngậm mà nghe đó!

Mà ngon tuyệt vời thiệt! Anh nhớ mãi hương vị đặc biệt của nước dùng, cay vừa đủ nên anh cảm giác được chất ngọt của nước súp cua, tôm tươi thấm vào lưỡi mà anh chưa được thưởng thức trước đó bao giờ.

Vài ngày sau, tôi thủ thỉ dò ý anh:

-         Anh nì, hôm ni em mời anh một món rất bình dân, rất Huế. Anh có biết món cơm hến chưa anh? Anh ơi! Anh ăn thử một lần cho biết, anh nhé. Để em nhờ măng nói với bà cai gác cổng, nấu dùm cơm hến đãi gia đình anh trước khi chia tay. Chắc chắn anh sẽ thích.

Cơm hến phải ăn với cơm trắng để nguội, vì cơm nóng có thể làm héo các loại rau, khiến không còn mùi thơm, khi chan nước vào hột cơm sẽ không bị nở và mềm như cháo, cốt giữ nguyên mùi của hến xào với gừng, vị bùi của đậu phụng và mè, tóp mỡ, da heo chiên vẫn còn dòn béo, vì nước hến chỉ được đổ vào lưng chừng tô.

-         Anh cưng có biết tại răng món cơm hến bây chừ rất nổi tiếng ở Huế không?

Món ni đặc biệt ở chổ khi mô anh mệt, chán hết các thức ăn, ngán thịt cá, nhác ăn, không cảm thấy đói bụng, đó là lúc món cơm hến  giúp anh lấy lại vị giác và thèm ăn trở lại.

Món cơm nguội rẻ tiền, lúc trước chỉ dành cho người bình dân, lao động, nay rất được ưa thích, nổi tiếng ở Cồn Hến, và đã trở thành món ăn đặc sản của xứ Huế, mà chính người bổn xứ ai cũng ngất ngư vì cay xé lưỡi. Hít hà trong nước mắt khi ăn thì mới đúng điệu.

Hến được mua lúc mới được xúc lên, rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo một lúc, luộc chin rồi gỡ ra xào với gừng thái sợi và tỏi để át mùi, trên rắc nhiều ớt khô thiệt cay, giúp hến ửng màu đỏ nhìn hấp dẫn.

Quan trọng nhất là chuẩn bị rau sống để ăn cùng. Rau sống được thái càng mảnh càng ngon, rau thơm nhiều loại, khế xắt mỏng và để nguyên lát có hình ngôi sao cho đẹp mắt. Vị chát, chua, của các loại rau ăn kèm sẽ làm cho hương vị tô cơm hến thêm hấp dẫn.  Các loại rau để riêng từng ô trên dĩa lớn, cùng những trái ớt chỉ thiên.

Tô nước dùng màu trắng đục thơm mùi hến luộc, được nêm nếm với chút ruốc, ửng màng đỏ của ớt, trên rải rau răm. Gừng đập dập được bỏ vào nên khi ăn không sợ chất hàn của hến làm lạnh bụng, âm dương hòa hợp.

Tuy chỉ có hến, là món rất rẻ ở Cồn Hến, nhưng ngọt thịt vì rất tươi, hến nơi đây nhỏ hơn những nơi khác. Mùa nào ăn cơm hến cũng hợp. Vào mùa Hè, thật mát với dĩa rau xanh, chất

https://tse3.mm.bing.net/th?id=OIP.Kd2Zq6Wlq5Qt-q3Hlnnt5gHaE8&pid=15.1&P=0&w=273&h=183

Đã nghe ớt đỏ cay nồng

Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh

Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành...

Mời anh buổi sáng chân thành món quê

 

chua, chát, của nhiều loại rau thơm ăn kèm thiệt đúng điệu.  Nhưng vì rất cay, hít hà ăn trong lúc mồ hôi lấm tấm trên trán, nên vô cùng hấp dẫn khi được ăn trong mùa Đông giá lạnh của xứ Huế.  Đặc biệt món cơm hến là món ăn cay nhất trong các món ăn của Huế.  Nên khi ăn nếu anh lỡ khóc thì… em cũng tha cho anh, anh nhé.

Món ni nhiêu khê nhiều thứ lặt vặt nên ít người muốn nấu, vì vậy từ từ mất gốc, không đúng điệu Huế, lai Nam-Bắc quá nhiều, vì hến không tươi, chỉ được xào sơ sài, không gừng không tỏi, nên không thơm và dễ làm lạnh bụng, các loại rau trộn  lẫn với nhau nên bị nát, có mùi ê.

Anh ơi, em hứa sẽ học nấu món cơm hến chính cống thiệt ngon, để lâu lâu đãi anh, anh nhé.

Sắp tô cơm hến theo nghệ thuật riêng của Huế. Trước nhất, dưới đáy tô là các loại rau được để riêng hầu giữ mùi thơm của từng loại, một vá cơm nguội được phủ lên, phía trên rải một lớp hến ửng màu đỏ của ớt. Trên cùng, một bên sắp vài lát khế chua, bên kia đầy đủ các thứ lỉnh kỉnh phải có của tô cơm hến.  Không thể thiếu dĩa ớt chỉ thiên.  

Mọi người tụ lại nhìn, xuýt xoa thích thú, tôi bưng tô cơm lên mời cả nhà, và mời anh:

-         Dạ, thưa mẹ, thưa dì, mời anh dùng thử món cơm miền quê xứ Huế.

Tôi mong khi ăn, mọi người sẽ thưởng thức bằng cả tâm hồn như những ‘nghệ sĩ’ của thức ăn. Khi ăn, nước hến ấm được chan vào xâm xấp tô cơm.

Món cơm bình dân lạ miệng, mọi người xuýt xoa, bị thu hút bởi mùi thơm của ruốc Huế, dằm trái ớt cay nồng, không chê vào đâu được. Tô cơm hến tuy rất cay, nhưng được gia đình anh chiếu cố tận tình, ăn cho đến miếng cuối cùng.

Thấy mặt anh ửng đỏ, tôi xuýt xoa: 

-         Tội nghiệp anh chưa! Cay quá không anh? Tô cơm hến là tinh túy của món ăn bình dân Huế, rẻ tiền mà đậm đà, nhìn hấp dẫn, đẹp mắt không thua chi những món ăn sang mắc tiền của cung đình Huế. Em mê món cơm hến nhất đó.

Những ngày sau, tôi đưa anh đi lên đi xuống khắp xứ Huế ngắm cảnh, và để anh biết những thứ đặc biệt của từng vùng. Kim Long nổi tiếng với trái cây, nhất là trái măng cụt nhỏ màu tím đậm, hương vị ngọt thanh, ruột trắng nõn mang cốt cách riêng của người xứ Huế. Có lẽ vì thế mà vua Minh Mạng đã đặt tên cho trái măng cụt Kim Long là Giáng Châu.

http://static.thanhnien.com.vn/uploaded/2014/saigonamthuc.thanhnien.com.vn/pictures201402/tan_nhan/mon_hue_o_xuan_05.jpg?width=500

Kim Long tỏa khói chiều thơm

Thịt em nướng đã ướp hương đậm đà

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà

Đón mừng thực khách gần xa lót lỏng

 

Kế đến phải kể món bánh ướt thịt nướng thơm ngon.Thịt được ướp với mè và sả nên khi nướng mùi thơm bay tỏa khắp vùng. Bánh ướt được tráng mỏng, trắng nõn, mềm dịu như làn da các cô gái miền Kim Long.

Vua Thành Thái khi gặp các cô gái Kim Long, tim ngẩn ngơ, đã làm mấy câu thơ để đời:

Kim Long gái đẹp mỹ miều

Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi.

Gái Kim Long nổi tiếng đẹp với đôi mắt sắc đen tình tứ cùng nước da trắng mịn. Theo khẩu truyền, một ngày kia, vua Thành Thái đi kinh lý Kim Long, cốt gặp các cô gái đẹp để nhìn cho thỏa dạ, nhưng cả ngày không gặp được ai. Chán nản, trên đường về cung, vua gặp một cô lái đò duyên dáng, cặp mắt đen e lệ, cô gái tắp thuyền vào bờ mời Vua và các quan tuỳ tùng lên thuyền nghỉ nắng:

-         Dạ! Ôi chao trời nắng quá! Xin cho em được mời các quan quá bộ bước lên thuyền, em sẽ dâng chén chè xanh để các quan dùng cho mát lòng mát dạ, rồi các quan hẵn đi…

Nàng gái quê với làn da trắng nõn xinh đẹp như đã hút hồn các vị khách quá giang, Vua Thành Thái đã hỏi ngay:

-         Này o kia! O muốn làm vợ vua không?

Cô gái đã giật mình, lúng túng trả lời:

-         Đừng nói bậy mà bị xử trảm đó nghe.

Lời nói ngang càng khiến vua mê mẩn, cười ha hả trả lời:

-         Ai dám xử trảm nàng và ta? Nó sẽ chết trước…

Rồi vua nhất quyết cưới nàng làm Thứ Phi. Sau này khám phá ra nàng gái đẹp đó là con một vị quan trong triều. Biết trước nơi nào vua sẽ viếng khi đến Kim Long, cấm tất cả các cô gái miền Kim Long trong ngày vua ghé thăm, phải ở yên trong nhà, không ai được ra khỏi cửa. Ông bày kế cho chính con gái mình,  giả dạng làm gái quê, đón đường chèo thuyền để có thể kề cận vua.  

Không thể quên Vỹ Dạ với món bánh bèo đổ thật mỏng hình tròn nho nhỏ, một lớp tôm chấy và tóp mỡ, hành xanh phi thơm phủ trên mặt bánh, chén nước mắm ngọt mùi tôm dằm trái ớt cay.

Các quán ăn phần nhiều là những ngôi nhà vườn đầy cây xanh bao phủ - mà thi sĩ Hàn Mạc Tử đã ca tụng:

…Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền…

Huế thiệt lạ! Món nào cũng dọn trong những chiếc dĩa nhỏ, như để “lấy hương lấy hoa”,  chỉ để ăn chơi, không biết anh phải ăn bao nhiêu dĩa mới no, được dọn kèm với dĩa nem chả Huế.

Hôm nay, trời Huế âm u hơn mọi ngày, tôi thức dậy sớm, tự nhiên lòng bâng khuân khi nghĩ về tương lai sắp đến, tôi sẽ theo anh đến vùng Pleiku đèo heo hút gió. Cuộc sống hẳn sẽ xa lạ lắm cho tôi, khi chung quanh không có gia đình, bạn bè!  

Nhớ những lúc xa anh tôi đã cô đơn như thế nào. Giờ đây tôi sắp bước vào một giai đoạn mới, có anh luôn ở cạnh bên. Tuy vậy, cuộc sống lại quá xa lạ, nhiều thách thức đang đợi chờ. Đúng là tình yêu thời chiến luôn tràn đầy lo âu. Tôi đã có kinh nghiệm này khi anh bị thương và chết hụt hai lần, lúc TĐ 11 BĐQ đụng độ với quân địch ở rặng núi Voi ở Đà Lạt. Tim tôi đã thổn thức như ngừng đập khi được đến thăm anh.

…Ngậm ngùi khi nhớ trước lúc tôi về Huế, anh đã liều mình đi xe đò lên Đà Lạt để đến thăm tôi, xe phải đi qua con đường dài nguy hiểm đầy kẻ thù rình rập ở Đèo Ngoạn Mục. Anh đã không kể đến mạng sống mình, chỉ để gặp nhau hai ngày ngắn ngủi, nhưng với trái tim nồng cháy. Ôi! Tình yêu anh dành cho tôi đã làm tim tôi rung động như ngừng thở. Hồn tôi đã gắn chặt với anh từ hôm đó, không thể chia cách được.

Tôi bổng nhớ Đà Lạt thiết tha. Nơi đây đã để lại trong lòng tôi những kỹ niệm đẹp nhất với tình bạn thắm thiết ở ĐHX Trương Vĩnh Ký, cũng như ở VĐH Đà Lạt, và một tình yêu cuồng nhiệt nhiều nước mắt… tất cả đã như bó hoa muôn màu muôn sắc, tô điểm cho cuộc đời của tôi.

Anh ơi, tình yêu mình dành cho nhau có đủ để khoả lấp những lo âu, sợ hãi trong lòng em, hay không!

Đêm nay…đêm mai… rồi những đêm kế tiếp

Tôi chắc sẽ nhớ Huế vô cùng. Còn Huế? Có nhớ tôi không!

Huế yêu của tôi vô tình lắm

Vì nhiều người đến, cũng lắm kẻ đi

Huế yêu sẽ chẳng nhớ ai bao giờ…

Xin Thiên Chúa giúp tôi, cho tôi biết hòa lòng cùng người tôi yêu giữa vùng rừng núi xa xăm, đầy ánh hoả châu rực sáng, với hậu cứ Tiểu Đoàn 11 BĐQ nằm giữa khu rừng âm u, vương mùi thuốc súng, mà anh là vị tiểu đoàn trưởng đầy trách nhiệm. Tôi biết mình yếu đuối mong manh, cầu xin Thiên Chúa thêm cho tôi sức mạnh, để tình yêu tôi dành cho anh thật chan hòa, hầu bù đắp được phần nào những khổ cực, gian nan của đời người lính. Hãy yêu nhau nồng nàn như lần cuối được bên nhau, anh nhé!

Suy tư ngập lòng khiến tôi không ngủ được, bổng cảm thấy thèm một ly cà phê lạ lùng… ghé sát mặt anh, tôi quẹt những sợi tóc dài lên má anh, rồi thủ thỉ bên tai anh khi chàng còn ngái ngủ:

-         Anh ơi!  Anh chịu khó thức dậy để mình đi uống cà phê sớm anh nhé! Em đang lên cơn sốt vì nhớ mùi thơm của tách nước đậm đen… Nhớ những lần mình ghé Thủy Tạ  ở  Đà  Lạt  để cùng  nhau nhâm nhi ly cà  phê  sữa  nóng thơm ngào ngạt.

Tôi đưa anh đến một ngôi nhà ở Vỹ Dạ, bằng gỗ đen. Sân trước trồng những luống cúc dại, điểm nhụy vàng. Nhìn xa, hoa lay động trong gió như những cánh bướm, thật đáng yêu. Sân sau khá rộng, hàng me cao vút với cành nhiều lá nhỏ vươn ra. Ngôi nhà trong khu vườn xanh mát, đã được biến thành tiệm cà phê ấm cúng.

Căn phòng nhỏ phía trong đã chật người, nên anh và tôi chọn chiếc bàn được kê dưới gốc me ngoài sân, cạnh đám cải mọc um tùm, lấm tấm những cánh hoa vàng bao phủ các cành nhỏ mềm mại, sáng một góc sân.  Loại hoa này rất quen thuộc, bạn thân thiết với tôi lúc còn bé, đi đâu cũng gặp.

Mùi cà phê bốc lên thơm ngát, quyện trong không gian giữa khung trời xám, âm u và buồn ủ rũ. Nhắm mắt tôi hít vào một hơi dài. Nét đặc biệt của tiệm cà phê này là có cô chủ quán, một cô gái trẻ với chiếc áo dài màu tím rất Huế, mái tóc dợn sóng, thả dài bồng bềnh như mây. Mọi người đến uống cà phê ngồi đầy sân. Không biết vì cà phê ngon, hay vì ai?

Thời mới lớn, tóc chấm ngang vai, bắt đầu biết e thẹn, tôi chưa thấy “hiện tượng” đó bao giờ! Các cô gái thời tôi học Trung Học rất “kín cổng cao tường”, không dám đi uống cà phê một mình, chứ đừng nói chi đến việc mở tiệm cà phê.

Có lẽ sau Tết Mậu Thân, người Huế thay đổi lối suy nghĩ và cách nhìn. Sống cận kề cái chết, thấm hiểu cuộc sống ngắn ngủi và mong manh, họ không còn quá khắt khe, chú tâm vào đời sống riêng tư của từng người để phê bình, khen chê. Cảnh bể dâu biến đổi… có người mới gặp đó rồi mất đó, khiến lòng họ lắng đọng đau thương. Nay họ biết thông cảm, trân quý niềm vui riêng của mỗi người, nhất là muốn được hưởng thụ nhiều hơn, nhờ vậy nếp sống của các cô gái Huế dễ thở hơn.

Huế bừng dậy, sức sống vươn lên, Huế đã đổi thay! Huế trầm lắng xưa đã chết, nhường chổ cho một Huế tươi mới ồn ào như những vùng khác của miền Nam Việt Nam, lòng tôi u buồn nuối tiếc…

Tôi thì thầm bên tai anh:

-          Anh ơi, anh có nhớ Thủy Tạ của chúng mình không? Em nhớ và yêu Thủy Tạ màu trắng quý phái hòa trong không gian lắng đọng.

Tôi chợt rất nhớ và yêu nhà hàng Thủy Tạ quyện trong sương mù trắng xóa. Khi tôi còn là sinh viên CTKD ở Đại Học Đà Lạt, những lúc có anh tới thăm, trời giá lạnh, anh đưa tôi đến Thủy Tạ để uống cà phê.

http://artcorner.vn/wp-content/uploads/2016/12/nguyen-ba-mau-da-lat-xua-old-dalat-nha-thuy-ta-va-ho-xuan-huong-lake-1970.jpg

Anh hay cầm tay tôi để chuyền hơi ấm, và chỉ để nhìn nhau cho đở nhớ. Tiếng nhạc với lời hát truyền cảm của Sylvie Vartan như chỉ dành riêng cho hai đứa, và những kẻ yêu nhau.

Hồn tôi như bay bổng bên anh. Ánh trăng tỏa màu trắng ngà trên bầu trời cao, những tia sáng phản chiếu trên mặt nước, khiến những gợn sóng ánh màu bạc, lăn tăn tấp nhẹ vào bờ. Những hàng thông xanh cao vút nằm dọc theo con đường im vắng, như ru hồn tôi vào giấc mộng êm đềm, mà cảm thương nàng trăng cô đơn một mình một cõi trên bầu trời cao kia…Trăng ơi!  Trăng buồn lắm phải không!

Tôi dựa đầu trên vai anh:

-         … Anh! Anh phải nhớ… lần ni đặc biệt lắm em mới đưa anh đến Vỹ Dạ uống cà phê. Mỗi nơi một khác.

Quán cà phê nơi đây nhìn dễ thương với dãy cúc trắng trước sân, nhưng ồn ào vì các bàn kê sát nhau, không có khung cảnh riêng biệt quý phái như ở Thủy Tạ. Khúc khích cười, tôi dặn dò:

-         Nhưng mà… chỉ một lần thôi đó, anh cưng!

    …Anh ơi! Em cấm anh hỏi nhiều… mà anh nghe lời em. Nhìn em chỉ bằng một mắt thôi, còn mắt kia anh phải… nhắm lại, anh nhé!

Anh nhíu mày, siết nhẹ bàn tay tôi:

-         Hôm nay anh không được khoẻ…

Tôi lo lắng ngước nhìn anh:

-         Răng rứa anh! Mùa ni trời Huế khi mưa khi tạnh bất thường, lại hay có sương mù cùng gió lạnh buổi sáng, chắc anh chưa quen, nên dễ bị đau. Thôi mình về nghe anh.

Anh lim dim đôi mắt:

“Nắng mưa là bệnh của Trời

Tương tư là bệnh của anh yêu nàng…”

Nhìn anh, tôi ửng hồng đôi má:

-         Anh hư lắm!  Anh làm em tưởng anh đau thiệt…

Chỉ ít ngày không nghe tiếng súng, không được cận kề cùng những người lính mũ nâu trong đơn vị, anh dường như quên hết ưu phiền để tận hưởng những giây phút hạnh phúc bên cô vợ  Huế, ưa lăng xăng quanh quẩn bên anh, ríu ra ríu rít cả ngày.

Anh thương nhất tiếng “dạ” dịu dàng đầy chất Huế của nàng. Tiếng “dạ” ngọt ngào như níu kéo hồn anh:

“Ngọt sao giọng Huế người ơi!

Nghe say vì nắng bồi hồi hương mưa

Rủn lòng một tiếng ‘dạ thưa’ …”

 Lòng anh chơi vơi…người Huế thiệt lạ! Bắt đầu câu nói là tiếng “dạ”, mà chấm dứt câu chuyện khi nào cũng bằng tiếng “dạ”, nên không hiểu tiếng “dạ” đó có đồng ý với mình không! Vì thế, tim anh luôn ngẩn ngơ…

Thời gian trôi qua quá nhanh, thấm thoát cũng sắp hết những ngày nghỉ phép của chàng. Tôi bắt đầu đếm từng ngày còn lại và cảm thấy buồn. Ước chi anh ở lại Huế luôn với mình!  Để tôi không phải theo chân anh đến một nơi xa tít mù khơi.  Dù biết có anh ở bên, nhưng đối với tôi cuộc sống mới vẫn mang quá nhiều bí ẩn. Cả nhà tôi không ai biết Pleiku như thế nào, cũng chưa ai nghe nói đến nơi xa lạ đó… cho đến khi tôi yêu anh.

Nghiêng đầu dựa trên ngực anh, giọng tôi chùng xuống:

-         Anh ơi, em sắp phải rời Huế để về “xứ núi buồn, xa xôi cách trở” của anh, mà chắc là ngỡ ngàng và cô đơn lắm cho em. Còn lâu em mới được trở về thăm Huế.  Vì rứa, hôm ni em sẽ đưa anh đi viếng Thành Nội, anh nhé.

Từ khách sạn Hương Giang, chúng tôi đi bộ trên con đường nhỏ thơ mộng dọc theo bờ sông. Tôi kể nhiều chuyện về Huế cho anh nghe. Còn anh, bên tôi, chỉ yên lặng như để che dấu cảm xúc mà anh  đang  nghĩ về cuộc sống mới sắp đến…

Đôi khi chỉ cần biết im lặng lắng nghe… thì đã trở nên một người tri kỷ…

Khoảng đường từ cầu Bạch Hổ xuôi xuống Morin được xem là đẹp và lãng mạn nhất của bờ sông Hương. Hai bên bờ đầy hoa,  cùng những kiến trúc như Bia Quốc Học, nhìn ngang qua bên kia sông là Phú Văn Lâu, một di tích xưa rất quý, khu Đại Học Huế. Hai trường trung học Đồng Khánh, Quốc Học, với công viên Chiều Tà phía trước, cùng con đường nhỏ Mắt Biếc chia cách hai trường, đầy kỹ niệm, vì luôn có những ánh mắt tìm nhau. 

Dãy cây long não xanh cao vút, mùi thơm của lá bay tỏa trong không gian thật dễ chịu. Những công viên dọc bờ sông trồng nhiều loại cây cảnh đẹp và quý. Tôi yêu nhất giàn ty gôn màu đỏ thắm trước trường Đồng Khánh. Tối đến màu hoa như đổi sang màu tím nhạt nhòa, khiến lòng tôi chùng xuống khi nhìn những cánh hoa hình tim vỡ như một tình yêu không trọn vẹn.

Ngang Tòa Tỉnh Thừa Thiên, đi xuôi xuống bờ sông là bến đò Thừa Phủ nằm cạnh gốc cây đa. Tuy chỉ là một địa điểm nhỏ, nhưng thời trung học, không ai mà không biết đến, chất chứa bao cảm xúc mông lung của thuở mới lớn, khó ai quên được.

Ngồi trên chiếc đò nho nhỏ lướt nhẹ trên dòng Hương giang, những lượn sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào lườn đò, gió hiu hiu. Chuyến đò ngang của những cô nữ sinh với chiếc nón lá cùng tà áo trắng, băng qua dòng sông để đi đến trường cho kịp giờ học.

Mắt nhìn xa xăm, tôi nhớ về những kỷ niệm của thời mới lớn:

-         Anh ơi, em rất may mắn được ở trong trường, khỏi đi đâu xa, bước xuống lầu là đến lớp học…

… Nhưng không vì rứa mà tôi ở yên trong trường. Nhiều buổi chiều tan học, mấy bạn réo bên tai: “Mi cứ ở luôn trong trường thì mi sẽ ngơ lắm, không biết chi hết, rồi thành Ma Soeur mấy hồi. Đi theo tụi tau để biết niềm vui trên chuyến đò ngang....”

Tôi đã xin măng vài đồng để trả tiền đò, phải nói dối là đi mua thêm cuốn vở…thiệt là hư quá mất thôi! Tôi theo bạn ngồi yên trên mạn thuyền, để chỉ đi qua rồi lại đi về. Mấy chàng sắp hàng đứng đợi để được ngắm các nữ sinh Đồng Khánh, đôi lúc các anh cũng bước lên đò để được ngồi gần các người đẹp. Lao xao ồn ào khi đò cặp bến, các anh hay nhảy xuống trước thật nhanh, thuyền chông chênh theo sóng nên các chàng hay đưa tay để giúp các nữ sinh bước xuống cho khỏi ngã.

https://3.bp.blogspot.com/-fHKmQKv-SHU/TuqHPJtmcUI/AAAAAAAAU4Q/X7-yQMA5E30/s1600/quado.jpg

Nhưng, có o mô dám vịn! Thà bị ướt chân, ướt lai quần, chứ vịn tay ai đó rồi... thì có chuyện đó nghe!  Ngày mai vô trường chắc chắn sẽ nghe tiếng bàn tán xì xầm, cùng tiếng cười khúc khích của những mái tóc đen dài chụm lại: “Tụi bay ơi! Hôm qua tau thấy ‘Hắn…’ vịn tay ‘Anh Nớ’ khi xuống đò…”

Ôi chao! Rứa là‘chết’ ai đó rồi! Coi như nàng đó đã có“bồ”, hết có anh mô dám theo. Xứ Huế là xứ của những chàng trai rất quân tử, không ưa tranh dành, chỉ thích nhường nhau, mà lại thích nghe chuyện “thâm cung bí sử”. Cho nên…thiệt là oan và buồn cho người con gái, tiếng ‘dữ’ đồn xa thì hết còn ai dám trồng cây si nữa rồi. Kể như cuộc đời bị “đóng khung” với người mà nàng cũng không biết là ai! Rứa đó…Huế ơi! Thiệt là bất công cho các nàng nữ sinh áo trắng thơ ngây.

Vì vậy, nếu có lỡ “để ý” đến ai, thì cũng chỉ thương thầm trộm nhớ mà thôi, làm bộ lạnh lùng không biết, thì sẽ… đở bị mang tiếng.

Chúm chím cười, tôi dặn dò:

-         Anh ơi! Hôm ni em sẽ cho anh hưởng thú “sang đò ngang” anh nhé. Khi đò cặp bến bên kia sông, anh phải nhảy xuống thuyền trước em, để em vịn bước xuống từ từ cho khỏi ướt chân nha anh. Rồi mình sẽ đi vào Thành Nội rất gần.

Ngồi trên đò, không gian như lắng đọng, chỉ nghe tiếng mái chèo khua trong nước. Tôi chỉ cho anh nhìn dòng nước trong veo hai bên mạn thuyền, có thể  nhìn thật sâu  để thấy rất nhiều những đám rong xanh nằm phía dưới mặt nước, đang uốn éo như nhảy múa khi thuyền lướt ngang qua, có vài cọng mắc vào mái chèo như muốn leo lên thuyền để nhìn hai kẻ yêu nhau.

Gió lành lạnh, sóng nhấp nhô, anh lấy áo lạnh choàng cho tôi. Tim rung động… khép chặt đôi mi, tôi nhớ lần gặp lại anh sau hai năm xa cách, giữa cánh rừng thông khi cả hai ghé thăm Thung Lũng Tình Yêu, anh và tôi bước đi trên lá thông khô rơi rụng trên những lối mòn nho nhỏ, đã đổi sang màu nâu vàng úa, những bụi Mimosa vàng rực ven đường chen lẫn, Đà Lạt ngập trong sương mù đầy giá lạnh, chiếc áo khoác rộng của “ai” đã    phủ lên vai tôi với tiếng nói thì thầm bên tai: “Em có lạnh không?”, đã  làm tim tôi xao xuyến.

…Có một lần… anh đã liều chết vì yêu… thì tôi cũng sẽ chịu đựng được những lo sợ cùng nổi cô đơn của người vợ lính, khi sống nơi vùng cỏ khô, đất đỏ phủ đầy, cùng giây kẽm gai chằng chịt và ánh hỏa châu rực sáng, đượm mùi chiến tranh phủ quanh…

Nhìn về phía mặt trời lặn là cầu Bạch Hổ màu đen nằm chắn phía trước, vươn ngang qua dòng sông thăm thẳm, phía sau là dãy Trường Sơn màu xám. Phía ngược lại là cầu Trường Tiền màu trắng, sáu vài, mười hai nhịp, mềm mại trườn mình qua Hương giang, nối liền hàng me và hàng phượng vỹ hai bên bờ sông lại với nhau. Tiếng sóng vỗ nghe như tiếng đập rộn rã của hai con tim đang hạnh phúc bên nhau.

Ôi, Huế ơi! Huế luôn khắc ghi những kỷ niệm nho nhỏ vào tim, như những sợi giây tơ hồng cột chặt hồn họ với xứ Huế lãng mạn, tình tứ.

Anh nhìn tôi, nàng vẫn là cô gái Huế với chiếc áo dài trắng mà anh rất yêu. Anh nghiêng đầu thì thầm bên tai tôi những lời thương yêu âu yếm, cùng vạch ra hướng tương lai anh phải đi để vun đắp cuộc sống chung cho nhau:

-         Em cưng! Hãy vui lên, em nhé. Hãy ghi khắc thời gian hạnh phúc bên nhau. Sau thời gian này, em sẽ theo anh lên Pleiku, cuộc sống thay đổi nhiều lắm, nhưng anh hứa chắc với em, anh sẽ yêu em thật nhiều để bù đắp lại những mất mát em phải chịu khi theo chân anh về nơi xa lạ.

Đưa ngón tay lên môi anh, tôi cười:

-         Anh yêu!  Em cũng hứa với anh… em sẽ mãi là cô vợ ngoan bên anh suốt đời. Anh ơi, được gần bên anh là điều hạnh phúc nhất em hằng mơ ước.

Lùa những ngón tay vào mái tóc đen dài ánh mượt, anh thương người vợ ngây thơ. Anh biết cuộc sống mới sẽ lắm chông gai cho nàng, sẽ đầy những ngày dài nhớ mong, hụt hẫng, và cô đơn khi chờ đợi những lần anh đi hành quân, và rồi…

Giờ đây, hãy cùng nàng vui hưởng những phút giây hạnh phúc bên nhau, lòng thầm hứa… anh sẽ lo cho cuộc sống mới của hai kẻ yêu nhau, giữa vùng rừng thẳm xa xôi -một nơi thiếu tất cả những niềm vui tối thiểu cho người vợ trẻ - sẽ có được sự an toàn nhất cho nàng.

Anh sẽ dành thì giờ cho nàng thật nhiều… với thời buổi chiến tranh, ai có thể biết chắc được ngày mai sẽ ra sao! Nghĩ vậy, anh càng tha thiết thương nàng…

Em yêu! Anh sẽ cố gắng hết sức mình để bảo vệ em… mọi sự còn lại chỉ biết dâng lên cho Đấng Tối Cao.

Thấy anh im lặng suy tư, ôm cánh tay anh, tôi thủ thỉ:

-         Anh! Anh đang nghĩ chi mà im lặng rứa? Chừ em sẽ đưa anh đi thăm Cửu Đỉnh, được ông tổ của dòng họ em là vua Minh Mạng thuê thợ giỏi đúc, khắc thơ văn của những văn hào nổi danh, cùng các di tích lịch sử lên từng Cửu đỉnh một.

Chúng tôi thơ thẩn viếng các nơi đặc biệt dành cho Vua, Hoàng Hậu và các Cung Phi thời xưa, rồi dừng chân ở Cửu Đỉnh. Nghe kể phải mất gần ba năm những người thợ mới đúc xong chín Cửu Đỉnh. Đây là một di tích lịch sử rất quý, trải qua nhiều thời chiến tranh, mà vẫn còn y nguyên, lưu lại cho đến ngày nay.

Đi vòng quanh từng Cửu Đỉnh một, chúng tôi quan sát thật kỹ các nét chạm trổ tinh vi. Rất nhiều những hình khác nhau được khắc trên mỗi đỉnh bằng đồng thật tỹ mỉ công phu, mọi người trầm trồ thán phục. Lòng biết ơn vua Minh Mạng đã lưu lại một di tích quý, một kỳ công cho hậu thế được chiêm ngưỡng.

Một ngày mát lạnh đầu mùa Đông. Vui bên anh, chân tôi đã mỏi, bụng bắt đầu đói. Đã định trước trong lòng, hôm nay tôi sẽ mời anh một món ăn với tên mang ý nghĩa đặc biệt như chỉ dành riêng cho anh và tôi.

Mĩm cười, tôi ngước nhìn anh:

-         Anh ơi! Hôm ni, bí mật lắm… em sẽ giới thiệu với anh một món có tên thiệt hấp dẫn, chắc chắn anh chưa biết đến bao giờ, khi nghe tên là anh chới với liền. Tên này chỉ dành cho anh và em trong khoảng thời gian hạnh phúc nhất.

Đó là món “Chàng và Nàng”. Anh phải yên lặng để khắc ghi trong tim thời gian riêng của chúng mình, cũng như hiểu xứ Huế của em nhiều hơn…

Anh xuýt xoa:

-         Món chi mà có tên hay và lạ vậy em? Anh mới được nghe lần đầu đó.

Tôi hãnh diện, chúm chím cười:

-         Dạ, làm răng mà anh biết được! Em đã noái rồi! Xứ Huế của em đặc biệt nhất trên đời, không nơi mô bì được. Anh đợi một chút, rồi anh sẽ… “mê” luôn.

Thoáng nụ cười trên môi, anh yên lặng nhìn tôi. Một lúc sau, người hầu bàn đem ra một dĩa nhỏ nhìn rất lịch sự, phía trên có những cặp bánh màu trắng và vàng, nằm chồng sít lên nhau.

Đây là lần đầu tiên anh được nhìn thấy loại bánh này.  Huế là rứa đó! Chỉ có bột gạo, bột nếp mà làm ra đủ các loại bánh nho nhỏ nhìn thiệt lạ, đặc biệt thích hợp cho nàng. Hai mảnh bánh nằm dính vào với nhau, khó mà tách rời ra được, cả hai đều có hình tròn, cùng một chén nước mắm ngọt thanh đầy ớt và nhụy tôm.

Phần bánh màu trắng bằng bột nếp rất dẻo, ửng màu đỏ của tôm thịt bên trong, nhìn mượt mà, nửa phần kia màu vàng, cũng bằng bột nếp, không có nhân, được chiên dòn. 

Phía trên cặp bánh được rải đầy tôm chấy màu đỏ hồng, ít hành xanh đã phi thơm. Hai phần bánh được ép sát vào nhau, nhìn tình tự ấm áp, và còn nóng.

https://photos.travelblog.org/Photos/92406/585225/f/5943464-Banh_it_ram-0.jpg

Mời anh ăn ngậm mà nghe

Bánh ram dòn dụm đắm mê vị nhà

Bánh ít mềm dịu tình ta

Ít ram khăng khít đôi ta chung lòng.

 

Tôi gắp bánh, chấm vào nước mắm, bỏ vào chén, mời anh:

-         Anh ơi, khi ăn anh phải thưởng thức bằng mắt và bằng cả tâm hồn nữa anh nhé. Bánh Huế ngon một phần bởi ý nghĩa tình tự thầm kín, và đầy ắp sự suy nghĩ phong phú bên trong.

Anh ráng nghe lời em, ăn liền kẻo bánh nguội bị cứng, hết dòn và dẻo thì... mất công em mời anh mơi chừ.

Anh thấy loại bánh ni dễ thương lạ lùng chưa? Anh phải ăn hai mảnh bánh kẹp dính sít với nhau, ăn cùng một lúc anh nhé, chớ không được chia rẽ “người ta” ra làm hai đó nghe anh!

Bỏ đũa xuống, nhìn tôi với nụ cười trên môi, anh ngập ngừng:

-         Thôi em ơi! Tội nghiệp “chàng và nàng” quá! Anh không nỡ… cắn…  

Tôi khúc khích cười:

-         Anh nì, không răng mô! Anh cứ ăn đi. Thiệt ra tên là ‘bánh ram bánh ít’, nhưng em thích đặt tên mới là ‘Chàng và Nàng’ nghe hấp dẫn và hợp với chúng mình hơn. Tên ni là tự lòng em nghĩ ra. Anh ơi! Anh có thích tên mới em đặt cho bánh không?

Lời giải thích của cô vợ Huế làm chàng muốn phì cười mà không dám, sợ nàng giận. Im lặng nhìn nàng… đôi mắt đen long lanh cùng nét mặt tươi vui đang ngước nhìn,  anh mĩm cười, gật gù ra vẻ đồng tình…vì đã có lần, anh trọ trẹ tập nói tiếng xứ sông Hương núi Ngự, khiến nàng phải “liếc ngang”, rồi thỏ thẻ bên tai anh:

-         Anh hư lắm! Tiếng Huế của em không phải cứ thêm dấu (.) (nặng)  là ra tiếng Cố Đô của xứ em! Noái tiếng sông Hương núi Ngự như anh noái, thì em không còn thương anh nữa mô đó.

Món ăn Huế nào cũng cay, có đủ các loại ớt. Chi mà nhiều ớt rứa không biết, mà đã bao lần làm anh cay tê lưởi khi cắn phải trái ớt chỉ thiên. Cắn miếng ớt xanh cho nước mắt trào ra cùng lúc khói bốc lên nghi ngút của chiếc bánh khoái nho nhỏ, có hình mảnh trăng thu chẻ làm đôi, để cảm nhận đời nhiều lúc… đầy những giọt nước mắt dành cho người mình yêu!

Anh nhìn nàng… hèn chi mà đôi mắt cô vợ xứ Huế của anh, lúc nào cũng long lanh ướt.

Ngước nhìn chàng, tôi dặn dò:

-         Anh! Anh phải ráng làm quen với khẩu vị thơm ngon, bùi, ngọt, mặn mà, chua, chát, đắng, cay của thức ăn xứ Huế của em, nghe anh…. Người Huế em là rứa đó…

Nhìn nàng ríu ra ríu rít, lòng anh bồi hồi... mai đây theo anh về nơi xa lạ, vợ anh sẽ hụt hẫng biết bao! Anh hiểu chỉ có tình yêu chan hòa của anh dành cho nàng mới bù đắp lại phần nào những mất mát, cô đơn, khi nàng phải từ bỏ nhiều thứ, để theo anh về Pleiku, nơi không một ánh đèn lung linh! Khác hẳn xứ Huế hay Đà Lạt xanh tươi, có nhiều bạn hiền vây quanh mà nàng được ở.

Tiếng Huế nhẹ thoáng bên tai anh:

-         Anh ơi! Anh có thích xứ Huế của em không? Mà anh cưng nì, anh chỉ được thương Huế…sơ sơ thôi nha, nhưng thương em phải thiệt đậm đà, sâu như dòng Hương Giang thăm thẳm, thì em mới chịu…

Ánh mắt ai đang ngước nhìn… với anh thời gian này thật hạnh phúc, tình yêu đã thấm sâu vào hồn. Nhưng hãy còn nhiều điều khó hiểu cho anh… như trái tim thầm kín kia.

Gật gù mỉm cười… anh như tìm ra được chân lý… “Các cô gái Huế giống dòng Hương Giang…”.  

Thật, các cô gái đất Thần Kinh như nước sông Hương êm đềm, lặng lờ dùng dằng không muốn chảy, thật dịu dàng, lãng mạn, đa tình mà kín đáo, pha lẫn trầm tư, nhưng bên dưới có…những luồng sóng ngầm cuồn cuộn, ào ạt chảy man dại như thác lũ trong mùa mưa lụt. 

Có lẻ những điều đó đã tạo nên nét đặc thù của người con gái Cố Đô. Lần đầu gặp anh, cô gái Huế anh yêu rất e lệ, nhưng ánh mắt tha thiết, thâm trầm khó hiểu của nàng dành cho anh, đã làm tim anh xao xuyến, khó quên.

Trong anh, Huế là một bài thơ dài vô tận, như dòng sông Hương lững lờ trôi ngang qua khắp xứ Huế. Ai đã đặt tên cho một dòng sông đã ru hồn những lãng tử đã có duyên gặp được nó?  Nét tĩnh lặng nên thơ đã len vào tim. Những mái tóc thề mượt mà ôm lấy bờ vai thon, buông xuống ngang lưng cùng những chiếc áo dài trắng đơn sơ tinh khiết, đã như dòng thơ êm đềm đưa hồn khách vào giấc mộng đẹp miên man mà ít có ai muốn tỉnh giấc.

Người con gái Huế, thùy mị rất chung tình. Vậy mà… có một lần, nàng đã bỏ Đà Lạt về Huế, kín đáo rời xa anh thật im lặng, không một lời từ giã! Nếu anh không đi tìm nàng, thì…không biết chuyện gì sẽ xảy ra!...

Em có biết không! Lúc gặp em, anh yêu em bằng ánh nhìn đầu tiên… nhưng rồi những lúc xa nhau, tưởng rằng mất em, lòng anh như đã chết…

Lần đó tim anh như vỡ  vụn tan tành. Nay anh phải cẩn thận giữ thật chặt hạnh phúc mà anh đã nắm bắt được.

Anh thầm nghĩ mình phải tìm hiểu thêm những gì ấp ủ trong trái tim sâu lắng kia. Có điều gì âm thầm mà nàng dấu kín trong lòng không nói cho anh biết! Cũng như một xứ Huế thật rất lạ và đặc biệt, nhẹ nhàng từ tốn, nhưng thấm sâu vào hồn của những ai đã gặp được Huế.

Một xứ Huế với tiếng “dạ” nghe ngọt lịm, nhưng không có nghĩa là đồng ý, vì nó hay đi kèm với câu: “Dạ, răng cũng được….”. Rứa mà, nếu không hiểu, làm sai ý “ai đó” thì phải năn nỉ không biết bao lâu mới được “huề”! Cho đến khi nào nghe tiếng Huế nhỏ nhẹ thủ thỉ bên tai: “Dạ, rứa cũng được…” thì mới chắc. Điều đó đã làm anh chới với..

Một xứ Huế nhỏ mà lễ nghĩa không thiếu, chan hòa tình cảm thâm thúy, dịu dàng, đậm đà, nên thơ. Nơi mà trên khắp các nẻo đường, từ người ngồi trên những chiếc xe hơi sang trọng cho đến các o gánh nặng trên vai, giàu nghèo ai cũng mặc áo dài, dù đôi lúc “chiếc áo dài nhà nghèo” đã sờn, được vá nhiều mảnh, một xứ Huế rất nhỏ, với cuộc sống đơn giản, nhiều khó khăn:

Miền Trung nghèo lắm ai ơi

Đông thời thiếu áo, Hè thời thiếu ăn…

… một xứ Huế mà mùa Đông chan hòa những dòng mưa mịt mù trắng xóa, như than khóc cho thân phận Cố Đô, mỗi năm  phải gánh chịu tai ương:

“Trời rằng, Trời hành cơn lụt mỗi năm…”

Xứ Huế thơ mộng, đã từ từ thấm vào hồn và tim anh. Cám ơn Trời đã cho anh có duyên được gặp Huế, tuy chưa lâu dài nhưng đủ cho anh yêu Huế. Cám ơn Huế đã chấp nhận để anh trở thành một phần tử của xứ mộng mơ. Còn rất nhiều điều anh cần hiểu về xứ Huế quá bí ẩn và khác lạ. Có ai dám nói là mình hiểu hết Huế không?

…Có thể nhiều lúc cuộc sống quá bận rộn, khiến có lần ta chậm trễ, không thấy con đường đáng lẽ mình phải đi. Lần đó, anh đã   trả giá rất đắt. Sự xa cách em yêu hơn hai năm, hai năm dài phủ đầy nhớ nhung đã khiến hình ảnh nàng trở thành bất tử trong mảnh tim tan nát đầy tuyệt vọng…. Nhưng điều quan trọng là trong thẳm sâu của niềm đau đó, anh luôn định hướng, và biết rõ nơi mình sẽ đến…

Ôi! Huế ơi! Huế đã đi vào tim. Anh yêu Huế vô cùng, vì Huế trong em, và em trong Huế…

 

  Rất nhớ…

        

   *** Trở lại mục lục 99Độ