Tưởng nhớ bạn Trần Tiễn Sum.
Sinh, Lão, Bịnh, Tử là lẽ thường của tạo hóa. Rốt cuộc, ai trong chúng ta cũng phải lìa cõi đời này để đi về chốn khác, Vĩnh Hằng hay Niết Bàn tùy theo lòng tin của mỗi người.
Ở cái tuổi kề cận tám mươi, lòng vẫn cảm thấy luyến tiếc, xúc động khi chứng kiến, cũng như nghe tin báo thầy cô, bà con, bạn bè từ từ rủ nhau ra đi.
Trong vòng một năm vừa qua, từ tin Giáo Sư Lê Thanh Minh Châu qua đời, rồi đến đàn anh Hà Thúc Như Hỷ, tiếp theo là bạn cùng khoá 5 Nguyễn Đăng Tri. Toàn là những nhân vật đã có qúa khứ huy hoàng, về nghề nghiệp, văn học, nghệ thuật. Những vị đã cống hiến và để lại cho đời kho tàng tinh thần qúy báu.
Tuần rồi, lại nghe báo tin một bạn đồng khóa nữa là Trần Tiễn Sum vừa mới rủ nợ đời.
Cũng như đàn anh Hà Thúc Như Hỷ và bạn Nguyễn Đăng Tri, người viết bài này có rất nhiều kỷ niệm đẹp và khó quên với người quá cố Trần Tiễn Sum.
Chúng tôi quen biết Sum (gọi tên tắt cho thân) từ năm 1966 tại Ykhoa Huế. Ngoài những bạn cùng tiếp tục lên năm thứ nhất trường y khoa từ APM như Minh Tường, CoCo, Trí, Nhơn, Phan Xuân Tứ, Danh, Phúc, Đại v.v.., lại có thêm nhiều bạn mới như Cư, Minh, Ký và Sum...
Vẫn nhớ mãi hình ảnh một người có dáng dấp thanh tao, gầy với cặp mắt kiếng cận thị trên mặt. Sum rất xã giao, hiếu khách với tất cả mọi thành phần trong xã hội. Với cách nói chuyện thuyết phục người nghe, Sum có thể đối phó với bất cứ ai trong mọi trạng huống .
Nói về đường học vấn và nghề nghiệp, Sum khi nào cũng bày tỏ rõ ràng là anh có một hướng đi cố định là anh phải trở thành một bác sĩ giải phẩu. Anh đã vạch chương trình cho tương lai của mình. Sau khi hoàn tất chương trình học về lý thuyết và thực tập, Sum đã tiếp tục theo đuổi giấc mơ trở thành một chuyên khoa về giải phẩu thẩm mỹ. Vào năm thứ Sáu y khoa, với sự khuyên khích của Thầy Bùi Duy Tâm, Sum đã vào Saigon thực tập plastic surgery tại khu Barsky ở bịnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, Sum đã được trường y khoa Huế giữ lại làm giảng nghiệm viên.
Sau tháng Tư, 1975, Sum và gia đình di tản qua Mỹ, và Sum lại tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình.
Sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện giải phẩu tổng quát, (khoảng ba năm) tại California, với thư giới thiệu của thầy cũ ở Barsky, Sum đã được nhận vào chương trình chuyên khoa giải phẩu thẩm mỹ ở bịnh viện Mount Sinai, thành phố New York.
Tốp nghiệp xong, Sum hành nghề giải phẩu thẩm mỹ ở phòng mạch tư, cũng như mổ xẻ tại binh viên Henry Mayo thuộc vùng Santa Clarita, phiá Bắc Los Angeles cho đến cuối đời.
Từ khi quen biết Sum, khi nào cũng thấy anh là một người có chủ đích, rất nhiệt tình với đường lối, công tác mà anh đã vạch ra. Lúc đang là sinh viên, Sum đã từng là chủ tịch ban đại diện Y Khoa Huế.
Cũng với lý do dễ hiểu vì Sum hoạt động trong ngành hướng đạo từ Thiếu cho đến Tráng. Sum luôn chứng tỏ mình là một lãnh tụ (leader).
Vào khỏang năm 1969, Sum tụ tập một số sinh viên y khoa, cũng như các phân khoa khác để sinh hoạt trong phân bộ Hồng Thập Tự (HTT) Huế, và anh là chủ tịch.
Kẻ viết bài này cũng bị cuốn theo lời khuyến khích cuả Sum, và dấn thân vào những sinh hoạt do Sum đề ra. Từ HTT cho đến những công tác sau này.
Ở Saigon, Sum vẫn có nhiều sinh hoạt và trách nhiệm. Khi nào bận chuyện gì đó, Sum hay nói khéo là nhờ Nam giúp giùm giảng dạy cho đoàn viên HTT ở Saigon; khám bịnh xá Cán Sự Y tế ợ Chợ Rẫy (không biết anh tìm đâu ra nhiều tuy dô vậy).
Cho đến năm 1986, khi đã có sự nghiệp hành nghề vững chắc, Sum mới điện thoại bàn về việc tập họp các bác sĩ tốt nghiệp y khoa Huế, với mục đích giúp đỡ, tương trợ cho họ trong vấn đề hành nghề tại Mỹ. Buổi họp được tổ chức tại tệ xá Đồng Sĩ Nam với sự hiện diện đông đảo. Từ thầy Bùi Duy Tâm cho đến các đàn anh khoá Một, Hai, và các anh em khác. Sau buổi tiệc, theo đề nghị của Sum, một Hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại đã được hình thành với anh Đoàn Yến, khóa một là chủ tịch. Sum là phó chủ tịch, và Đồng Sĩ Nam là tổng thư ký. Sum thật là hăng say và nắm phần chủ động trong tiến trình giúp đỡ anh chị em y khoa Huế. Năm 1987, Sum tổ chức một buổi họp mặt huy hoàng tráng lệ tại tư gia của anh ở Encino, Bắc Los Angeles. Ngày hôm đó, có sự hiện diện của Giáo Sư Âu Ngọc Hồ, Thầy Nguyễn Văn Tự và đàn anh Võ Văn Cầu từ Texas qua. Anh em có mặt đă đồng thuận bầu Sum vào chức vụ chủ tịch hội. Sum đã cải tổ lại cơ cấu của hội. Về địa dư, hội chia đia bàn hoạt động thành bốn vùng, với đại diện củ mỗi vùng. Dưới thời Sum làm chủ tịch với châm ngôn củng cố tình đoàn kết giữa hội viên , Sum đã triệu tập một buổi họp mặt ở Hoa Thịnh Đốn. Sum đã thuyết phục thânh công để một vài nhân vật chống đối vẫn tham dự buỗi lễ vui vẻ. Sum với tinh thần phục vụ cao độ, lại tổ chức nhiều buổi họp mặt từ Canada (chủ tịch Lê Đức Tâm) đến Florida (Đương Kim chủ tịch Lê Đình Thương cũng là chủ tịch năm 1993). Vào khỏang 1995, lúc anh Lê Quốc Bảo làm chủ tich, một vài bắt đồng xảy ra, làm trì trệ và đưa đến sự bất hợp tác của vài hội viên nồng cốt. Vi bận bịu với chương trình giúp đỡ trường y khoa Huế và nhiều công tác tư khác, Sum chỉ giữ chức cố vấn cho hội. Dù vậy, anh vẫn chủ động trong việc đề nghị, cũng như ủng hộ những vị làm chủ tịch hội sau naỳ, từ Võ Văn Cầu, Lai Đức Thuần, Trần Quang Hân, Trần Tiễn Ngạc, Vĩnh Chánh, Võ Văn Phác, Lê Văn Chỉnh, Phan Tiên Thái...
Trong khoảng thời gian cuối đời, Sum vẫn còn đầy đủ năng lực để ra ra cuốn sách dày hơn 500 trang với tựa “Dòng Lịch Sử Việt Nam” 1856-1996, và bản Anh Ngữ “The stream of VietNam History” do Trần Tiễn Khanh là em ruột của Sum phiên dịch.
Với quá trình hoạt động trải dài từ thời niên thiếu cho đến cuối đời, đời sống của Sum thật là quá ý nghĩa. Sum đã để lại cho đời biết bao công trình đáng giá.
Sum mất đi nhưng di sản vẫn tồn tại và tiếng thơm sẽ mãi mãi trường tồn,
Đồng Sĩ Nam