TƯỞNG NHỚ LM CAO VĂN LUẬN VÀ BS LÊ KHẮC QUYẾN

 
 

Tô Đình Đài

Sau khi tốt nghiệp Trung Học đệ nhất cấp ở Đà Nẳng năm 1956, tôi ra Huế vào học trường Quốc Học. Trong ba năm học ở đây, tôi có cơ duyên được linh mục Nguyễn Văn Thích, vị linh mục lớn tuổi có uy tín, dạy tôi sinh ngữ hai, Hán Tự. Ngoài dạy chữ, với sự tậm tâm và niềm tin sâu sắc, linh mục đã truyền cho tôi “đạo đức thánh hiền”. Tôi xuất thân từ gia đình nho giáo, gia đình tôi nhiều đời làm nghề thầy thuốc Bắc ở vùng nông thôn Quảng Nam. Tôi mồ côi cha từ lúc 4 tuổi. Do vậy tôi chỉ được biết tổ phụ tôi qua bà nội bởi các chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ. Và qua mẹ tôi bởi những bài hát ru con trữ tình và rung động.
Khoảng năm đệ nhị Quốc Học, vì tinh hiếu kỳ, tôi tìm đến phòng mạch BS Lê Khắc Quyến, để tìm xem hình ảnh của một bác sĩ, mà từ lúc nhỏ ở thôn quê và đến lúc ra sống ở thành phố tôi chưa hề biết.
Với gương mặt hiền lành, giọng nói đầy tình cảm, BS hỏi tôi: “Con quê ở đâu?”
Tôi lễ phép trả lời (tôi nói giọng quảng): “Con quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam”.
BS dịu dàng nhìn tôi: “BS biết quê con nghèo lắm! con ráng học hành sau nầy giúp đở người nghèo”.
Và sau đó, BS hỏi tôi về tình hình bệnh tật. Lúc đó tôi chỉ có mụn trứng cá. BS giải thích, cho toa và cho lại tôi tiền khám bệnh để mua thuốc.
Bước ra khỏi phòng mạch BS, hồn tôi nhẹ hẵn, tưởng chừng như qua một giấc mơ. Tôi thì thầm: Bác sĩ là thế!!
Rồi tôi lại tưởng nhớ đến các thầy thuốc Bắc ở nông thôn, nhất là ông Nội tôi, một thầy thuốc được nhiều người ca tụng về đạo đức thương người.
Ba năm sau tôi được nhận vào năm thứ nhất YKH. Tôi lại gặp BS Quyến. Với tác phong giản dị và hiền lành, ông là khoa trưởng ĐHYKH. Lúc ấy BS nhìn tôi như nhớ lại điều gì. Còn với tôi, BS là tấm gương sáng mà tôi phải theo.
Cuối năm thứ II, chúng tôi bắt đầu đi bệnh viện, nhưng chỉ thực tập công việc của người điều dưỡng. Không biết đây có phải là sáng kiến của BS khoa trưởng hay không! Năm thứ III, chúng tôi thực tập bệnh viện với chức năng thầy thuốc. Khi được chuyển về khoa truyền nhiểm- lúc đó dịch tả ở Thừa Thiên đang hoành hành- chúng tôi được hướng dẫn ăn mặc gọn gàn, ống quần vén trên mắt cá. Và được khuyên nên dẩm chân trên các khoảng đất trống đã được rắc vôi trắng. Chúng tôi lại gặp BS Quyến, trưởng khoa truyềm nhiểm. BS đã chân thành nhắc nhở chúng tôi:
-Bệnh nhân là quyển sách sống. Các con phải quý trọng các quyển sách ấy. Khi ra trường các con đừng bao giờ quên ơn họ- kể cả suốt đời của một ông thầy thuốc.
Và cũng trong thời gian nầy, BS đã cho phép chúng tôi tập trung tại phòng khách tư gia của BS trong các buổi tối để được ăn bánh ngọt, uống nước trà, đồng thời được nghe BS giãng dạy những điều cần thiết mà sinh viên phải biết khi đi thực tập ở bệnh viện như giao dịch với y tá và bệnh nhân…và BS cũng truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm về chuyên môn nhất là những trường hợp cấp cứu khi trực gác. Và BS khuyên chúng tôi tìm hiểu và nêu lên nhữnng thắc mắc nếu có để cho BS giải đáp.
Thời gian nầy chúng tôi cảm thấy tràn đầy hạnh phúc khi được người thầy, người cha dành nhiều thì giờ quý báu để chỉ vẽ và dìu dắc với tình thương và trách nhiệm cho những đúa con đầu lòng của YKH (xin thúc nhẹ BS Lê Đình Thương về suy nghỉ nầy)
Đến khi ra trường, BS lại giúp tôi hoàn thành luận án tiến sĩ YK.
Sau khi động viên vào phục vụ quân đội, tôi tình nguyện chọn vào miền Nam. Nhận công tác ở bệnh viện Tiểu Khu Phước Long hẽo lánh để tránh các liên hệ mà tôi không muốn ngay từ lúc còn đi học. Xa Huế, xa Thầy, xa bạn bè. Tôi có nhớ có một lần ghé thăm BS Quyến ở Saigon, nhưng tôi quên mất địa chỉ.
Chiến tranh kéo dài. Máu lữa lan tràn. Với trách nhiệm nghành nghề, tôi đem hết sự hiểu biết để phục vụ thương binh, mong xoa diệu phần nào nổi đau đớn. Tôi thường không cầm được lòng khi thấy cảnh chết chóc, thương tật của anh em binh sĩ, mầm non của đất nước và của những thường dân vô tội. Tim tôi thường xốn xang đau nhói khi nghe những tiếng khóc đau thương thất vọng của những người vợ, người cha, người mẹ khi phải vĩnh biệt người thân của mình mà không hiểu vì sao!! Niềm đau đón của một người dân, một BS khi nhìn thấy quê hương dân tộc mình đang gánh chịu một trách nhiệm quá lớn. Một đất nước đang chịu điêu tàn đổ nát bởi cuộc chiến tranh không biên giới. Tôi chỉ biết than thở với trời đất, trãi niềm đau trên trang giấy với những vần thơ ngậm ngùi, chua xót. Thỉnh thoảng có xướng họa thơ cùng y sĩ Thiếu Tá Đặng văn Trì; hay viết thơ chòng ghẹo các bạn BS Phạm Đình Chí, Y Sĩ Đại Tá Đổ Xuân Dụ và cả ông Biện Lý Sóc Trăng; đồng thời cũng viết nhiều bài cầu nguyện thống thiết, mong nước nhà sớm có hoà bình…để xoa dịu bao niềm đau.


Giờ phút lịch sử 30/4/75 đến. Thất vọng và hải hùng, ngược với lòng mong mỏi trông chờ của người dân miền Nam. Quá hốt hoảng, tôi nghe lời một người bạn tốt, Dược SĩVũ Tuyết Phương đem hai con nhỏ lên Saigon để cùng tẩu thoát. Rủi thay, khi tôi đến nhà cô ta, người nhà cô ta bảo là gia đình cô đã dọn chạy ra phi trường. Buồn và lo sợ cho những ngày sắp tới. Tôi quay về lại Sóc Tăng để gánh chịu những khổ đau đang chờ sẵn. Nhưng cũng may mắn, lúc đó BS Trần Phước Thọ, đàn em YKH khóa 6, làm ở bện viện dân y quen biết nhiều người với đủ thành phần. BS Thọ có tài xoay sở, giúp đở kéo tôi về làm việc tại bệnh viên dân y Sóc Trăng ngay từ lúc ban đầu. Do vậy, lúc kêu đi cải tạo tôi chỉ ở lao xá của tỉnh và không bị nếm mùi hành hạ đau khổ, đói khát như tại các nhà tù cải tạo ở miền Nam hay miền Bắc. Rời khỏi nơi tù tội, tôi như người mất hồn. Lần cuối cùng gặp BS Thọ ở chợ Sóc Trăng, vì quá cẩn thận, nên BS Thọ chẳng nói với tôi lời chia tay trước khi vượt biên. Sau đó để thử thách, họ đua tôi về vùng nông thôn sâu trong huyện Mỹ Tú với tư cách là BS lưu nhiệm để săn sóc sức khỏe cho dân nghèo tại đó.
Không cách nào khác tôi phải chấp nhận. Âu cũng là số trời. Tôi chỉ còn biết cố làm việc, tạo điều kiện giúp đở bệnh nhâ để quên đi mọi tủi nhục. Tôi làm cả tớ lẫn thầy. Khoảng hai năm sau, với sự đóng góp của địa phương, một bệnh viện huyện với nhà tranh vách lá gồm khoảng 80 giường bắt đầu hoạt động ở đầu cầu Bà Luôi, huyện Mỹ Tú trong phương tiện thô sơ thiếu thốn. Thuốc men dùng gồm cả Tây và Đông. Bệnh viện chỉ có 1 BS ngụy là tôi, hai y sĩ cách mạng, hai y tá lưu dụng và số còn lại chưa học chuyên môn. Buổi sáng tôi khám bệnh, giải quyết bệnh nặng, phòng mổ, phòng sanh…buổi chiều lên lớp dạy chuyên môn cho các thanh niên nam nữ tình nguyện để họ sẽ trở thành y tá, y sĩ  sau nầy.
Khoảng 1980, có người bạn tên thợ Tòng (tiệm vàng) ở chợ Xẽo Dừa bí mật đến tìm tôi, khuyên tôi nên đi vượt biên với gia đình ông ta, khỏi lo chi phí. Nhìn công việc bệnh viện đang dở dang, nghỉ đến bệnh nhân nghèo trong vùng đang tin tưởng chờ đơi tôi săn sóc bệnh tật cho họ hằng ngày, tim tôi đau nhói. Nhớ lại tiểu sử BS Hurago mà tôi đã từng đọc- nhớ lời dạy của BS Lê K. Quyến, tôi trình bày sự thật trong lòng tôi với người bạn tốt ấy. Ông ta hiểu tôi. Và ông hứa, đến nước Mỹ, ông sẽ cố gắng dành dụm gởi về cho tôi một ít tiền để mua thuốc giúp dân nghèo. Công việc chưa thực hiện, tôi được tin ông Thợ Tòng đã qua đời ở Mỹ vì bệnh tiểu đường. Con cháu ông hiện sinh sống ở California.
Ngày tháng nặng nề trôi qua. thử thách khó khăn chồng chất. Hồi đó, bạn học cùng lớp có BS Hoàng Quỳnh ở thành phố Cần Thơ, tuy không dám lộ vẽ thân lắm, nhưng hiểu nhau. Chúng tôi nhìn chừng nhau để mà sống. Có lần lên Saigon, tôi ghé thăm bạn cùng lớp, BS Nguyễn Minh Triết, người của chế độ. Triết rất tốt, dẫn tôi đi ăn tối. Chúng tôi không đã động đến chính trị. Nhưng trong thâm tâm, BS Triết có vẻ thương hại tôi “như kẻ sa chân thất thế”. Nhưng chuyện đời ai biết được ngày mai. Chữ BS “lưu dụng” như dây thòng lòng đeo cổ, làm chúng tôi luôn lo lắng và đau đớn. Nhớ lời Mẹ tôi dạy hồi còn nhỏ “phải sợ Trời”, “thương người là ý của Trời”, và “Trời không phụ người hão tâm”.
Thế rồi, năm 1992 con trai đầu lòng của tôi, Tô Đình Vũ, tốt nghiệp BS ở Saigon. Hiện cháu đang sinh sống ở Canada. Năm 1996 tôi xin về hưu non. Năm 1997, gia đình tôi lại ra đi. Đến đất mới gặp nhiều khó khăn mới. Lúc đó tôi đã gần 60 tuổi. Từ lao động trí óc trở thành lao động chân tay, thân thể rã rời, ác mộng hằng đêm. Lúc mới làm, hảng thịt bò IPB thấy tôi có vẽ lèo quèo, không gọn gàn; supervisor quay tôi mấy buổi chiều, tôi biến thành “người máy”, hồn vía lên mây. Đến nổi, khi ra về, tôi không còn nhớ lock number, đành mang bộ đồ hôi thối về nhà. Nhiều lúc tôi không hiểu đây là đâu? Mình là ai? Và đang làm gì? Ở VN đã khổ, qua Mỹ càng khổ hơn. Nhưng khi nhìn các con, tôi mới nhận được sự thật. Không cách nào khác. Mọi việc đều do số trời. Hết hảng nầy sang hảng khác. Thân già yếu luôn bị công nhân trẻ ăn hiếp. Supervisor Mỹ thì kẻ ghét người thương. Rồi từ từ vài bạn VN tốt, bạn Mỹ tốt giúp đở. Các thanh niên truyền giáo Mỹ đến nhà. Như nước về nguồn, gió mây về hội, tôi đi nhà thờ, tôi đọc thánh kinh. Tim óc tôi như thân cây khô héo lâu ngày từ chuyển mình, tươi tỉnh và sống lại. Mọi khổ đau, thử thách đã qua. Lá rụng về cội.
Bây giời tôi đã hiểu-tôi là ai- đã và sẽ làm gì.
Tôi chân thành kính trọng biết ơn:
Linh Mục Nguyễn Văn Thích Đã đặt chữ “NHÂN” vào trái tim son trẻ của tôi.
Linh Mục Cao Văn Luận, người có công đào tạo đội ngũ trí thức miền Trung VN, đã dạy tôi môn triết học năm Đệ Nhất Quốc Học Huế.
BS Lê Khắc Quyến- hình ảnh một ông Thầy, một người Cha- Trái tim BS đã soi sáng và dìu dắt tôi trong suốt sự nghiệp y đạo.
Các thầy Đức, Việt Nam, Pháp, Mỹ, ông bà cha mẹ tôi. Các ân nhân, bạn bè, nhất là song thân BS lê Viết Kiểu (79 Đinh Bộ Lĩnh, Thành Nội), người mà tôi không bao giờ quên được, đã xem tôi như con trong nhà, suốt 10 năm trời tôi học ở Cố Đô Huế. Bạn thân: Các BS Lê Q. Tái, Lê Bá Dũng,Tạ Q. Hát…và tất cả bạn bè khác đã giúp đở và diều dắt tôi trở thành một ông Thầy Thuốc.
Các bệnh nhân chiến tranh VN, dân nghèo vùng nông thôn sâu ở tỉnh Sóc Trăng đã giúp tôi hoàn thành lời thề nghề nghiệp.
Và đặc biệt 56,000 lính Mỹ và Thế Giới Tự Do đã hy sinh ở chiến trường VN. Và 500,000 lính Mỹ thương tích tật nguyền với bao nổi khổ của gia đình họ. Hàng vài triệu sinh linh VN, thân xác trở thành tro bụi và biết bao người phải gánh chịu sự hành hạ, khổ đau, đói khát trong các trại cãi tạo tập trung, bạn tôi, BS Lê Bá Khá, đã chết trong trại tù nói trên… và biết bao nhêu dân chúng phải chịu cảnh đau thương do hận thù chiến tranh để lại.
Và sau 30/04/75, biết bao nhiêu người VN, bạn bè phải chịu nhiều gian khổ mất mát, nhục nhã đau đớn hoặc đã gởi mình trong đại dương sâu thẳm trong các hành trìng tìm tự do. Chuyện “vượt biển”của BS Đoàn Yến đăng trong Tập San YKH năm 2000 đã nói lên nổi đau khổ nầy. Bạn cùng lớp, BS Mai Văn Tuấn đã mất tích trong chuyến vượt biển cho đến bây giờ. Và đặc biệt Y Sĩ Trung Tá Trương Hoàn San, chỉ huy trưởng quân y viện Trương Bá Hân ở Sóc Trăng, người mà tôi rất kính mến, cũng đã gởi mình ở biển sâu.
Riêng tôi được trời thương, được thoát nạn trong cuộc chiến tàn sát Mậu Thân ở Huế năm 1968, được thoát chết trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại thị trấn tỉnh Phước Long Bà Rá. Và cuối cùng, gia đình tôi được di dân đến miền đất hứa tự do thân yên nầy.
Do vậy tôi không thể nào quên ơn hàng triệu người nằm xuống để cho tôi được sống ngày hôm nay.
Tôi luôn nhớ ơn trường ĐH YKH. Năm nay trường được 45 tuổi. Đã có 38 khóa bác sĩ ra trường, đang phục vụ trên toàn quốc VN, nhiều nhất là miền nam VN, cũng như trên toàn thế giới tự do. Công ơn to tác nầy do các vị sáng lập: Linh Mục Cao Văn Luận, BS Lê Khắc Quyến và các thầy người Đức, các BS, Dược Sĩ VN trong ban Giảng Huấn đầu tiên. Chúng ta cũng không quên được các thầy Đức và BS Nguyễn Văn Đệ đã bị tàn sác trong Mậu Thân Huế.
Cuối cùng tôi xin gởi lời thăm, chúc mừng các bạn cùng khóa, cũng như các bạn đàn em đã và đang tiến mạnh trong cuộc sống ở xứ người, thế hệ thứ hai càng thành công rực rỡ và Hội YKH Hải Ngoại bền vững.

Iowa City, 2005.

Tô Đình Đài

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved