BẢN SẮC CỦA CON NGƯỜI XỨ HUẾ

 
 


Bùi Minh Đức

Xuyên qua ngôn từ của người Huế cũng như qua các lời hò dân gian của xứ Huế, chúng ta có thể biết đượcnhiều về cuộc sống bên trong của người xứ Huế, có thể hiểu được lối suy nghĩ của họ, tâm tư của họ, có thể thấy được đôi nét về cá tính của họ, về đời sống của họ, về hình ảnh của họ. Nói chung, ta có thể nhìn thấy được bản sắc của con người xứ Huế qua ngôn từ của họ. Bản sắc của con người đó có rất nhiều đặc tính “rất chi là Huế”. Trong khi biên soạn quyển”Từ Điển Tiếng Huế”, chúng tôi đã rất thích thú với các điều đã nhận xét được và chúng tôi xin phép được chia xẻ một vài điều đó với quý vị ngày hôm nay.

1/ Người Huế trọng đạo lý, trọng một nếp sống trong khuôn khổ Khổng Mạnh. Do đó, lối nói văn hoa của họ là phương tiện để dạy dỗ con cháu và họ hàng, nói ít mà hiểu nhiều, nói súc tích, không cần nói giông dài, để dễ sinh chán nghét. Ví dụ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”là một câu tục ngữ của dân gian ta nhưng họ đã dùng như sau: “con nà! Nhà mình nghèo nhưng mình còn có danh giá của nhà mình, mô có bỏ được. Đói cho sạch rách cho thơm con nà!” Khuyên con không nên vay mượn làm đám cưới cho lớn thì bà mẹ thủ thỉ: “con ơi! Giàu làm kép hẹp làm đơn ai chê đám cưới ai cười đám ma, chuyện chi mình làm khổ đến mình”.

2/ Người Huế trọng lễ nghĩa ngay cả trong lời ăn tiếng nói, trong khi “hầu chuyện”với các bậc trưởng thượng nhất là ở chốn quan trường, trong các gia đình quan lại, trong các gia đình thể giá. Họ dùng những chữ không nơi nào khác dùng, với các từ ngữ riêng biệt và cách nói riêng biệt. Ví dụ họ dùng chữ “thời: thay vì chữ ‘Ăn” (xin mời anh thời). Nếu ăn đã no và muốn rời mâm đứng dậy, họ phải xin lổi trước khi gác đũa: “con xin lổi không hầu cơm tiếp các bác được”, hoặc “con xin kiếu”. Họ không nói “ăn cơm” mà họ nói “dùng cơm”, họ không nói “ăn đã no” mà họ nói là họ “ăn đã vừa”. Họ vòng tay khi nói chuyện với các vị “trên vai trên vế” họ. Ngay cả cái vòng tay, cũng có nhiều cách: quá kính cẩn thì họ “chắp tay vái” hoặc “vòng tay trước ngực”, Lễ phép thì họ “chắp tay dưới bụng”, thủ lễ thì “tay năm tay” đặt trên bụng dưới, nếu chỉ lịch sự mà thôi thì “tay đan tay” để thỏng xuống, nhưng nếu là cùng trang lứa thì hai tay chỉ “để thỏng” xuống hai bên cạnh sườn. Họ không “chào nhau” mà thường là họ “vái nhau”. Khi nói chuyện với ai, họ dùng toàn “thưa” và “dạ”. Họ thưa gởi khi nói với các bậc bề trên. (“thưa Anh, em đã  làm  rồi, thưa anh em đã hiểu ý anh”…v.v). Họ dùng chữ “dạy”khi nói đến “lời phán bảo” của các bậc trưởng thượng (Anh đã  dạy thì em xin vâng). Hai chữ “dạ bẫm” thường ở đầu môi chót lưỡi của họ: “Dạ bẩm em ăn rồi”
Đôi khi họ lại còn quá lễ phép với “dạ bẩm thưa”hoặc “Dạ bẩm thưa anh”hoặc “dạ kính anh”(Dạ bẩm thưa anh, em đến  để xin ý chỉ của anh” tức là em đến để ý kiến của anh, hoặc “Dạ bẩm thưa anh, em không dám có ý kiến chi”…). Thất cả đều do hai chữ lễ nghĩa mà thành.

3/ Người Huế rất tế nhị và họ có đủ chữ để diễn tả cái tế nhị đó. Ví dụ cái ăn cái uống là cái tồi tàn nhưng tùy theo từng trường hợp tế nhị khác nhau, họ sẽ dùng những chữ riêng biệt trong ngôn từ để phân biệt rỏ ràng ý kiến của họ. Thường thì nói là “ăn”, lễ độ với bậc bề trên thì họ nói là “thời”, thân mật thì là “ăn ba miệng, nót ba hột”, bực bội thì dùng “tộng, chứa, dộng, tạp”v.v..Và họ đã diễn tả được đúng ý nghĩ của họ qua các chữ Huế dặc sệt này.

4/ Người Huế thường kín đáo “nói khéo” để sửa sai giùm người khác hoặc dạy bảo người khác bằng cách nói bóng nói gió, đôi khi có thể bị người khác xứ hiểu lầm mà cho là “Huế thâm hiểm”. Ví dụ: khi ngồi ăn cơm, bà gia hỏi nàng dâu: “Trái ớt còn sống phải không con, Mạ thấy hắn nhúc nhích” là bà ta muốn nhắc khéo nàng dâu lần sau cần phải để trái ớt trên dĩa nhỏ kẻo khi quay mâm, trái ớt lăn qua lăn lại không mấy lịch sự. Và đó chỉ là một lời nhắc khéo. Ngoài ra, họ còn xét người rất nghiêm khắc. Người mà họ không thích, “không trọng vọng” cho lắm thì thường được họ kêu là “đồ”. Chúng tôi đã đếm được 176 “đồ” liên tiếp trên 7 trang trong quyển Từ Điển Tiếng Huế, đi từ “Đồ ăn không ngồi rồi, Đồ ba cha tám mẹ” cho đến “Đồ yêu ma quỷ quái, Đồ yêu tinh hà bá”.

5/ Người Huế là người đôi lúc cũng “ngang thiên cứng đầu”, “ngang tàn bướng bỉnh”. Họ thường nói một cách khẳng định: “tui rứa đó, mầm chi tui!”. Cái cứng đầu và cái thái độ khăng khăng “chẳng chẳng”, “ăn nói ngang thiên”, “không chịu ai” này đã là tác động của biết bao sự kiện lịch sử ở Huế, đi từ cái cứng đầu của Phụ Chính Tôn Thất Thuyết nhất quyết đánh Tây vì không chịu được sự nhục nhã để cho lính Tây ngang thiên đi qua Cửa Ngọ Môn, đã đưa đến ngày Thất Thủ Kinh Đô năm 1885, cho đến phong trào xuống đường của sinh viên Huế hồi 1960-1970 chống sự xâm nhập của nền văn hóa ngoại lai đã làm cho người Mỹ nể sợ cái khí khái đó, phải lẩn tránh cầu Tràng Tiền cùng thành phố Huế, không dám ngang nhiên “xâm phạm” Huế như đã làm ở những nơi khác. Chọc người Huế giận lên thì chắc chắn là họ sẽ gồng người lên, “cứng cổ cứng đầu” chống đối lại, với thái độ thách đố “mần chi được tui” hoặc “mần chi tui thì mần”. Họ “thích” nói nghịch lại ý kiến mà người ta muốn bắt họ theo, để tỏ ra cái độc lập của mình, cái “dứt hạng” của mình vì họ “không phải cá mè một lứa”. Thái độ của họ thường là thái độ “bất phục”, thái độ không chịu nhục, không chấp nhận bị làm nhục, “ra chi thì ra”. “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”!

6/ Cũng với ý tưởng trên, người Huế thích làm khác người, thích lập dị: “tui đặc biệt lắm”, “tui mô phải dỡn” hoặc “với tui mô phải dễ”. Nhưng nói nhẹ nhàng thì họ sẽ nghe theo. Điều này, mấy “O Đồng Khánh” biết mấy “Ôn Khải định” hơn ai hết. Xứ Huế của họ cũng đặc biệt lắm: “Huế mền là dứt” tức họ cho xứ Huế của họ là nhất hơn hết thảy hoặc “Huế mền đặc biệt lắm anh ơi” tức xứ Huế mình đặc biệt lắm anh nhỉ. Nói thế thôi chứ họ cũng không dám “coi thường” người khác với kiểu “mục hạ vô nhân” vì dù sao, họ cũng đã có dịp chung đụng với các Thầy Đồ từ tứ xứ đến Huế để đi thi nhiều lần rồi nên cũng đã “biết tài nhau lắm rồi”.

7/ Người Huế lớn lên và khi gần về già thì hay “chướng”. “Cục chướng” của đàn ông Huế đã “vang danh thiên hạ”, “tiếng nổi ba phao”, “cả thế giới đều biết”, và đã thành một tập quán. Không bà vợ Huế nào là không có kinh nghiệm về cái chướng của đức phu quân người Huế của mình, cái chướng bất chấp sự hiểu biết tối thiểu của con người đồng loại. Mỗi “ông dôn” Huế là một ông sếp trong nhà, một ông quan uy quyền tuyệt đối, một ông chồng, thứ “chồng chúa vợ tôi”. Đã thế, ông chồng đó lại còn hay cãi, “cãi bay cãi biến”, “cãi bướng”, “cãi cối cãi chày”, “cãi chạy tội”, và thường hay ngụy biện.. Đôi lúc, họ còn “nói lắt léo” để cố gắng lấn át câu chuyện không mấy tốt đẹp dính dáng đến họ. Ví dụ: say túy lúy càn khôn thì họ cãi: “tui say mô mà say, say sưa sáo bổ thì có”, rồi họ nói đến lưới cá trên đầm phá: “bởi vì say cắm sưa, nên chi sáo bổ. Cơ chi say dày, dông tố quản chi” (ca dao Huế). Cái chướng đó, cái cù lần đó, cũng là đặc điểm của những con người nam xứ Huế. Nói “lạy Phật lạy Thánh”, nhiều bà vợ Huế lại hãnh diện về cái chướng “rất chi là đàn ông” đó của ông chồng mình và xem đó là biểu tượng của tình yêu vợ chồng xứ Huế. Thiệt là nghịch lý.

8/ Người dân xứ Huế vốn cũng thích nghịch ngợm, bông đùa. Họ thích nói lái, ví dụ :Mụ Đắc ngậm miệng nói không được”. Ngôn từ nói lái của người Huế thường đượm màu “sinh lý”. Ví dụ: “Ai bắt nổi tau, bắt cụ thì có”, hoặc câu chuyện của một người thợ mộc bị một khách hàng nữ “la khéo” qua lời hò: “Tiếng đồn anh thợ làm khéo, Em đem qua một bức, mực mẹo anh cũng có dò. Cớ làm sao anh không đưa cái lưỡi chàng vô chấn mộn để mộn lò khó coi”. Nghe ra thì toàn tiếng nhà nghề của thợ mộc thuận nhỉ nhưng nếu cắc cớ nói lái lại hai chử “mộn lò” thì lại thấy ngứa tai vô cùng. Họ cũng thích “nói hoang, nói tục”, “thích chuyện tiếu lâm” khi cùng nhau giỡn cợt vào những lúc an nhàn thư dãn. Có thể nói là họ “hoang ngầm”, điều này có thể được dẫn chứng qua câu hò đối đáp của xứ Huế về “đan đát” như sau: “Anh ơi, liệu mà đát đặng thì đan, chớ có gầy ra rồi bỏ đó, thế gian cười”. Người con trai ưỡn ngực hãnh diện trả lời: “Anh đây đang cũng giỏi mà đát cũng tài, Lận thì trên nhún xuống mà nức thì chui ngoài chui vô”. Tài tình là câu hò dùng một loạt các từ nghề nghiệp “đan, đát, lận, nhún, chui”, kết hợp rất thuần nhĩ, không khác gì những nang tre trong thúng mũng mà họ đã đan. Nói theo Triều Nguyên, tác giả “Hò đối đáp nam nữ Thừa Thiên Huế”, thì quả thật họ đã ởm ờ tinh nghịch khá tài tình. Đôi khi lộ liễu hơn nữa, họ cười với nhau một cách hồn nhiên khi có người bạn vô tình mang tấm giấy của ai tinh nghịch găm vào sau lưng áo ba chữ: “Trụ tam đợi” (tức hoang dâm ba đời)! Và như vậy, cho dù đang đùa dỡn, họ vẫn sính dùng chữ Hán, vẫn theo “lễ nghĩa” tránh chữ “Đại” kỵ húy bằng chữ “Đợi”, theo lối nói trệch để tỏ lòng kính trọng các bậc trưởng thượng của thời xưa! Họ cũng “dám nói”, và chắc cũng “dám làm”. Hãy nghe họ cợt đùa với các “nàng” cùng lứa với họ qua câu ca dao Huế: “Anh trèo lên động Mu Rùa, Cho anh chơi chịu đến mùa trả khoai”. Chớt nhã đến thế là cùng! Nhưng họ cũng sành tâm lý lắm qua câu hò Huế khác: “cây suông cành lá cũng suông, Gái khun trai dỗ lâu ngày cũng xiêu!”

9/ Về mặt sinh sống thường ngày của dân chúng trong một cộng đồng, thông thường người ta đánh giá qua một vài yếu tố như: ăn, nói, làm và chơi. Trong quyển “Từ Điển Tiếng Huế”năm 2004, chúng tôi đã ghi được 12 trang với 324 chữ “ăn”, 14 trang với 575 chữ “nói”, 8 trang với 270 chữ “làm” và 4 trang với 65 chữ “chơi”. Nhu vậy suy diễn ra, ta thấy người Huế chú trọng nhất là “ăn”(324 chữ) và “nói”(575 chữ). Cái “ăn” quan trọng đã đành nhưng đối với dân Huế, cái “nói” lại càng quan trọng hơn, cho phép chúng ta nghĩ đến hình ảnh trường kỳ tranh thủ cho cho cuộc sống, một cuộc sống không mấy dễ dàng gì. Với tỷ lệ giữa “làm” và “chơi” quá cách biệt (270 chữ “làm” so với 65 chữ “chơi), chúng ta thấy ngay là cuộc sống của người dân Huế là cuộc sống cần cù làm ăn, cuộc sống không mấy rộng rãi dễ hưởng thụ. Một cuộc sống vật lộn với môi trường thiên nhiên, một cuộc sống vật lộn để dành sống. Cũng trong quyển “Từ Điển Tiếng Huế” này, chữ “cơm” đã được nhắc đến 63 lần, trong khi chữ “hò” chỉ được nhắc đến 47 lần mà thôi. Quả thật người dân Huế trong quá khứ cũng như trong hiện tại đã phải “ham làm” hơn là “ham chơi” và cái “ăn” luôn luôn vẫn là mối ưu tư hàng đầu của họ.“Quê tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn”

10/ Và cuối cùng, một đạc điểm khác của người Huế là tánh thích tự mình cười cợt mình, tự mình khôi hài với chính mình, tự mình “hành hạ” mình. “Chuyện của các Mệ” rất được dân chúng Huế ưa thích vì nó ngộ nghĩnh, “đầy dẫy cái phong lưu cốt cách” của họ, cái con người bên trong của họ. Chuyện các Mệ này hồi xưa chính ngay Vua Khải Định lúc sinh thời cũng đã mê nghe kể và còn bắt các cận thần ghi lại để nhớ, để đọc chơi, để cười. Người dân Huế cũng đã tìm thấy chính mình trong câu chuyện của các Mệ. Họ cười không phải là “cái cười chọc Mệ”, cái cười phá phách, xỏ xiên, để chọc giận “mấy Mệ Hoàng Phái” như ta nghĩ. Họ tự cười họ, cười cái “cù lần” của họ trong tình huống đó. Thật ra, họ thích được là người trong câu chuyện, được ngang nhiên “ăn nói trịch thượng”, được ngang nhiên “cãi cối cãi chầy”. Họ coi họ là các Mệ đó. Nghe những chuyện như Mệ leo lên cây mít để hái trộm trái mít, bị bắt quả tang lại còn chống chế là “Ta đã hái giùm cho kẻo hắn rớt xuống trúng đầu thiên hạ mà còn trách ta” rồi lại còn dọa “chém. đầu tụi bây” nếu “chọc ta quýnh ta bổ xuống cho mà coi”, không ai mà không thấy khôi hài, vui cười. Họ thích nghe chuyện của họ qua chuyện “Mệ nớ” không tiền mà dám “ngồi vắt chưn chữ ngũ” kêu mụ hàng quán đòi “chém. củ khoai lang”. Họ chính là Mệ “đi lộn đôi guốc” bị người ta “bắt được tay day được cánh” rồi lại còn thủng thỉnh dạy đời “Tại răng mi dám mua đôi guốc giống ta” và  “cho mi đó” chứ không phải là trả lại cho người ta kèm theo lời xin lỗi. Họ tự thấy họ “oai vang”, :chơi kiểu mấy Mệ”, “chơi kiểu đi nước trên”. Làm mấy Mệ nớ sướng thiệt. Họ mong mỏi được như mấy Mệ nớ vì nếu được vậy, cuộc sống khó khăn hằng ngày của họ,“cuộc sống chạy cơm”, sẽ có phần dễ chịu hơn, chịu đựng được hơn. Nếu họ là mấy Mệ đó, họ có thể “cho thiên hạ biết tay”, họ có thể “đối đầu” được với thiên hạ khắp nơi. Lối sống của các Mệ đó, một lối sống “đặc thù” không nơi nào có, là lối sống trong tâm tưởng của người dân Huế. Đó là lối sống của “Huế tui”.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về sự tìm hiểu đặc tính của con người xứ Huế qua ngôn từ của họ. Nói một cách khác, ngôn từ của người Huế là cửa sổ được bỏ ngõ để nhìn vào tâm hồn của họ. Nếu chúng ta càng đào sâu vào kho tàng ngôn ngữ của người Huế, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy thêm được nhiều đặc tính cố hữu khác của họ, tìm thấy thêm được những đường nét đặc thù khác của các con người đất Thần Kinh, Phân biệt được bản sắc của con người sông Hương núi Ngự, đúng như lời của GS Cao Xuân Hạo đã nói: “giữa tiếng nói của một dân tộc và nền văn hóa của dân tộc ấy chắc chắn phải có một mối quan hệ nhất định”.

California, 11/ 2005.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved