Bão Sầu Riêng

 
 

Ký, Hồ Ngọc Ánh

Ngủ đang ngon giấc, Quốc chợt giật mình bởi tiếng gõ tuy nhỏ, nhưng dồn dập trên cửa sổ, nghe như ai đang lấy móng tay gõ rào rào trên cửa kiếng. Anh ngồi dậy, bật đèn, vén màn. Bên ngoài, trời mưa mù mịt, trắng xóa cả màn đêm. Mưa nặng hạt quất vào cửa như cả một bầy chim đang lao nhanh vào phòng anh, bỗng bị chận lại bởi tấm cửa kiếng khổng lồ, mõm chim đập vào kiếng lách tách. Quốc nhìn đồng hồ, mới hai giờ sáng. Anh cố trở lại với giấc ngủ, nhưng chịu. Vừa ở California qua Singapore tối hôm qua, bị trái giờ nên một khi đã bị thức giấc thì khó mà ngủ lại được. Quốc bỗng thèm thuốc, ngồi suy nghĩ bâng quơ một hồi, anh quyết định mặc quần áo, nhét vào túi hai lon bia lạnh trong mini-bar rồi bước xuống đường. Người gác cửa nhanh tay mở cánh cửa cho anh:

-Ông không ngủ được à?

Quốc đáp:

-Không. Bị trái giờ. Tôi đi ra ngoài hút thuốc.

-Sao ông không hút trong phòng? Trời đang mưa mà.

Quốc gật đầu:

-Thỉnh thoảng tôi mới hút, nên hút trong phòng ngủ, là tôi bị dị ứng không ngủ được.

Đưa tay chỉ ra ngoài trời, người gác cửa lịch sự hỏi:

-Thưa ông có cần dù?

Quốc khẽ lắc đầu, anh bước hẳn ra ngoài.

Khách sạn Hilton, Singapore trong đêm mưa
Ảnh: Nguyên Hân HNA

Trước khách sạn Hilton nơi anh ở, là con đường Orchard nổi tiếng sầm uất của Singapore. Bờ lề đi bộ dành cho khách bộ hành được gắn mấy cái ghế băng. Quốc chọn một cái tương đối ít bị nước giọt, ngồi xuống. Mưa giờ có bớt đi, hai hàng cây cao với tàn lá sum sê rũ nước trông như đám người ngủ gật trong chuyến xe lữa khuya giấc về sáng; nhưng nhờ đó, anh đỡ bị ướt. Bên kia đường, âm thanh từ những hộp đêm trong Orchard Tower như trườn qua đường phố ướt đến nơi Quốc ngồi. Ở đó, ban ngày là tòa nhà thương mãi, nhiều cửa tiệm bán đủ mọi thứ máy móc, áo quần, mỹ phẩm… ở bên dưới, và văn phòng làm việc ở những tầng trên. Nhưng ở tầng hai và ba, Orchard Tower có khoảng chừng năm, sáu cái clubs. Buổi tối, sau chín giờ, lúc các tiệm bắt đầu đóng cửa là lúc các clubs bắt đầu đời sống đêm. Người từ khắp nơi đến Singapore làm việc ngắn hạn rất đông, nhiều người đàn ông trong số họ đến đây uống bia, nghe nhạc sống và tìm gái. Những clubs này cũng là nơi hoạt động của các cô gái ăn sương tương đối thuộc loại cao cấp, biết nói tiếng Anh đủ để giao dịch với người ngoại quốc, nên không phải chịu cảnh đứng đường như ở khu đèn đỏ Geylang. (2)

Nếu khách từ muôn phương đổ đến, thì các cô buôn phấn bán hương cũng từ muôn hướng đổ về. Nhiều nhất là người Thái, Phi, Trung Quốc, Nam Dương, một ít người Nga. Đặc biệt, những năm sau này, khi visa đi lại giữa hai nước Singapore và Việt Nam được cấp tại chỗ, dễ dàng hơn, thì các cô Việt Nam qua đây rất nhiều; một số làm ở đây, và đa số hành nghề ở khu Joo Chiat, nơi có nhiều quán Karaoke.

Bar Cao Bồi ở Orchard Tower trên đường Orchard Road. Ảnh: Nguyên Hân HNA

Đã gần ba giờ sáng, cơn mưa giờ đã dứt, sương khuya đổ xuống làm mờ cả lòng đường. Nước mưa thỉnh thoảng nhỏ vào cổ, vào mặt Quốc, anh cũng chẳng buồn lau. Cái cảm giác nhồn nhột, vô hại thế mà vui. Trời giờ thật mát. Bên kia đường, trước mặt Orchard Tower, có ba cô gái bước băng qua đường, đi về phía Quốc ngồi. Anh cúi đầu, tránh nhìn họ. Anh biết, giờ này mà còn ngồi đây, thì làm sao người ta không hiểu lầm anh là khách làng chơi, đang chờ đợi một điều gì? Một trong ba cô mượn anh cái bật lữa bằng tiếng Anh giọng lơ lớ, anh nghe một trong ba cô, trông chừng trẻ nhất nói với bạn bằng tiếng Việt:

-Em rét quá rồi. Em đi về trước đây, ngày mai bệnh mất.

Người mượn hộp quẹt trả lại cho anh, nói vu vơ làm quen, bằng tiếng Anh:

-Anh từ đâu đến? Người Singapore?

Quốc mỉm cười, anh trả lời cũng bằng tiếng Anh:

-Tôi người Việt Nam.

Điếu thuốc đưa lên môi cô ta bỗng khựng lại, cô hét lớn, đánh vào vai anh:

-Thật không? Anh là người Việt Nam?

-Cô ở đâu qua? Nghe là biết mấy cô người Bắc, nhưng ở chỗ nào ngoài đó?

-Chúng em từ Hà Nội qua ạ.

-Nhưng giọng cô không phải giọng Hà Nội.

-Vâng. Em gốc người Hải Dương, nhưng học Cao đẳng Kinh tế ở Hà Nội trước đây.

Quốc đứng dậy, nhường ghế cho ba cô gái ngồi. Lúc đầu, anh lắng nghe ba người nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng chen vào hỏi vài điều anh muốn biết. Càng về sau, anh lại là người nói nhiều hơn vì phải trả lời nhiều câu hỏi của mấy cô. Minh Thúy, một trong ba cô đùa với anh:

-Bây giờ anh bị chúng em vây rồi nhé. Anh sợ con gái Bắc không?

Quốc đùa trả lại:

-Không, anh chỉ sợ công an Bắc thôi.

Cô “Moon” Nguyệt cười phá lên:

-Ối! Đã là công an thì ở Bắc hay Nam gì cũng đáng sợ cả anh ạ.

Quốc đổi đề tài:

-Sao qua mãi tận đây? Sao đi xa thế? Không tìm được việc gì làm ở Hà Nội hay sao?

Nguyệt đưa tay chùi giọt nước mưa trên má, cô cúi đầu trả lời:

-Anh ơi, chúng em qua đây làm cũng vất vả lắm chứ. Tốn cả một ngàn rưỡi đô-la Sing cho cả tiền vé, tiền phòng, tiền ăn hàng ngày để qua được đây. Visa nhập cảnh chỉ cho phép ở lại Sing hai tuần một lần qua. Nên chúng em phải tranh thủ trong hai tuần để lấy lại vốn, và dư ra để đem về. Như anh thấy đó, tối này chúng em được gì đâu, hỏng việc. Mất thì giờ, lại tốn tiền taxi.

Trời đã ngã về sáng khi ba cô ra về. Quốc ngồi ráng lại hút thêm điếu thuốc cuối cùng trước khi lên phòng. Mùi ẩm của mưa khuya, mùi son phấn của mấy cô như vẫn còn quyện lại trong sương sớm, thỉnh thoảng những giọt nước mưa rơi xuống từ vòm cây tán rộng kêu lách tách trên thùng rác bên cạnh. Đâu đó tiếng kêu của loài quạ sống trong thành phố vang lên rời rã. Quốc thấy ngây ngây như thế nào ấy. Cái cảm giác anh đã từng gặp đâu đó, trước đây, dạo làm việc ở Pusan, Hàn quốc. Cuối tuần, có những đêm về sáng, anh và những người bạn vẫn còn ngồi uống bia với mấy cô bar girls ở Texas Street người Hàn quốc bên vĩa hè, sau khi các clubs đã đóng cửa như thế này. Quốc nghĩ cũng lạ, mấy cô gái Việt Nam anh vừa gặp, họ làm như anh là người quen, hỏi anh lung tung mọi thứ để biết thêm về Singapore này, mà anh cũng có cảm tình với họ, hay thông cảm cho hoàn cảnh của họ? Cái cảm giác anh chưa có trước đây với mấy cô người ngoại quốc anh đã từng gặp. Cái thời còn độc thân, vì công việc anh phải đi nước ngoài một năm hết cả tám tháng trời.

-Nếu có việc làm đủ để nuôi thân thì chúng em qua đây làm gì. Nghề này nhục lắm anh ạ.

Lời tâm sự của Thúy như con ốc thật lớn xoáy xuyên qua cả xác lẫn hồn, siết chặt anh vào cái ghế băng đang ngồi. “Ừ, không ai đi trách nhau vì trời đang mưa, hay sẽ nắng.” Nhưng vì sao mà nên nỗi này? Ai sẽ phải “trả lại nắng trong tim, trả lại thoáng hương thơm và những ngày tháng êm đềm” (3) cho những Thúy, những Nho, những Nguyệt đang lang thang, vất vưởng ở quê người như đêm nay?

Xa xa về phía đường Scotts, lòng đường sũng nước phản chiếu ánh đèn đêm như những đường chỉ màu kẻ vụng về trên mặt giấy.

***

Quốc băng qua đường đến tiệm bán thẻ SIM ở Orchard Tower để nạp thêm thẻ. Số tài khoản còn lại trong điện thoại anh thấp lắm rồi. Giờ còn sớm, các cửa tiệm còn bán buôn tấp nập.

-Chào anh.

Quốc quay lại, Minh Thúy đang đứng với người bạn gái. Anh ngạc nhiên, và bỗng cảm nhận có chút vui mừng trong lòng.

-Anh mua SIM à?

-Không. Anh nạp thêm thẻ.

Quốc chào “Grape” Nho, bạn của Thúy, anh đã gặp tuần rồi.

-Cô “Moon” Nguyệt đâu?

-Nó ra sau anh ạ.

Thúy vừa trả lời vừa bấm máy nhắn tin cho ai đó, ngón tay chạy thoăn thoắt trên hàng nút.

- Sao hôm nay đi làm sớm thế?

“Grape” Nho vuốt tóc cười:

- Chúng em hẹn nhau ăn tối ở cái tiệm Thái đằng kia kìa, sau đó chúng em ở lại làm việc luôn.

- Ủa, anh tưởng mấy cô nấu ăn chung ở khách sạn chứ?

- Không ạ. Khách sạn chúng em thuê phòng cực nhỏ. Họ chỉ cho ở ba người một phòng. Thêm em vào nữa là bốn. Trưa qua ban quản lý đi soát phòng, em phải chui vào trốn trong tủ đựng quần áo. Mắc cỡ quá anh ạ. Đó, chỗ ở nhỏ vậy làm sao mà nấu nướng! Chỉ có nấu nước sôi ăn mì gói là được thôi.

Khách sạn Hilton, Singapore. Ảnh: Nguyên Hân HNA

Trông hai cô gái như hai cô sinh viên của thời anh mới lớn năm nào. Không trang điểm, chỉ thấy một tí son trên môi. Một người cắt tóc ngắn, một người để tóc dài, không nhuộm vàng, không uốn, còn vương nét thơ ngây. Quá đỗi dễ thương.

-Anh xong việc ở đây rồi. Nhưng ngày mai anh sẽ đi Việt Nam ba ngày trước khi về lại Ca-li, vì chị về Việt Nam làm công tác từ thiện và bị bệnh bên đó cả tuần nay. Chẳng biết khi nào gặp lại hai cô, luôn tiện đây anh mời ăn tối với anh.

Quốc quay lại trả tiền nạp thẻ, để hai cô bàn với nhau. Anh thấy ngộ nghĩnh, nếu anh nói chuyện với người ta, thì hiểu nhau hết, nhưng để cho hai người nói chuyện với nhau, thì thật tình, hai cô nói quá nhanh, giọng Bắc tíu tít như chim hót, anh phải rất để ý mới hiểu được.

-Vâng, chúng em cám ơn anh.

Lời cám ơn thay sự nhận lời.

Quốc đưa hai cô băng qua đường, trở lại khách sạn Hilton.

-Hôm nay có đồ biển, ăn bao bụng (4), lại được uống rượu vang thả dàn đấy.

Sau khi hướng dẫn Thúy và Nho đi lấy đồ ăn, Quốc ngồi tiếp chuyện hai người. Anh uống nhiều hơn ăn, buổi ăn trưa hôm nay vẫn còn làm anh đầy bụng.

Cả Thúy và Nho ăn ngon miệng, nên ăn thật nhiều. Món nào cũng muốn thử, lại thêm hai ly rượu vang trắng nhỏ, hai cô giờ mặt hồng hồng và ứng xử rất tự nhiên. Nho cầm cái điện thoại cầm tay anh để trên bàn lên xem, cô lật lại mặt sau:

-Số phôn của anh đây à?

-Đừng nghen. Đừng gọi anh nghen. Chị mà biết được thì anh phải bỏ việc này mà đi tìm việc khác đấy.

Quốc nghiêm mặt. Nho cười thật hiền:

-Không đâu. Em biết và em hứa. Sẽ không gọi anh đâu.

Lúc đưa hai người ra lại đường Orchard Road, là lúc con đường nhộn nhịp nhất, tấp nập những người qua lại hai bên lề đường, và xe như mắc cửi giữa lòng đường. Phía bên kia, Orchard Tower bắt đầu chuyển về đời sống đêm. Từ bên này nhìn qua, Country Jamboree Club mà Thúy và Nho gọi là “Bar Cao-bồi” ở tầng hai đang nháy đèn mời mọc. Chờ cho hai người băng qua đường xong, Quốc ngồi xuống chiếc ghế băng nơi anh đã ngồi và gặp các cô tuần trước. Suốt buổi ăn tối, anh rất muốn biết cái cuộc đời đằng sau của hai cô, hoàn cảnh nào đưa đẩy hai người qua đây mà anh không biết mở lời bằng cách nào. “Bằng cách nào đi nữa, cũng là một sự tàn nhẫn!”

Anh chợt nhớ đến cô bé đứng cắt thịt gà tây hôm nay ở Sembawang Shipyard. Biết lễ Tạ ơn có ý nghĩa quan trọng đối với người Hoa kỳ, nhất là lúc họ phải bận công tác xa nhà, xưởng đóng và sửa chữa tàu Sembawang đã mời một số Sĩ quan Hoa Kỳ làm việc ở bộ Tư lệnh Hải vận có văn phòng nằm ở Singapore và những người Hoa kỳ đang làm việc trên các tàu biển, dàn khoan Hoa kỳ hiện đang sửa chữa ở xưởng, ăn trưa theo truyền thống Lễ Tạ ơn với ban quản trị shipyard hôm nay. Quốc đang chịu trách nhiệm sửa đột xuất một chiếc tàu dầu của Hải quân Hoa kỳ bị rò nhớt ở hệ thống chân vịt ở đây, nên cũng được mời. Họ tổ chức rất trang trọng. Thực đơn có gà tây đút lò, bánh bí ngô nướng, củ cải đỏ, bánh táo, rượu vang và sâm-banh chảy thả dàn. Đó là một phần của tiếp thị trong quan hệ thương mãi với đối tác, vì Hải quân Hoa kỳ xưa nay là một khách hàng thường xuyên và “sộp” của họ. Sembawang Shipyard thuê ban nhà bếp của khách sạn Marriott đưa thức ăn đến và phục vụ khách. Cả người chạy bàn nam lẫn nữ đều rất trẻ, khoảng chừng dưới hai mươi lăm tuổi, mặc đồng phục đen có huy hiệu đỏ của Marriott Singapore thêu trên áo, nhưng Quốc nhớ nhất là cô bé đứng cắt gà tây. Khuôn mặt thơ ngây của đứa con gái mới lớn, tưởng như còn sót lại những mụn mằn tuổi dậy thì, thanh thoát nét hồn nhiên. Khi quan khách đã nhận phần gà tây và ngồi vào bàn, là lúc rãnh rỗi cho mình, cô bé đứng chấp hai tay sau lưng, đưa cặp mắt một mí nhìn quanh, vô tư lự như cặp mắt bò lúc đang nhẫn nhơ gặm cỏ. Bắt gặp ánh mắt của Quốc nhìn mình, cô rút vội hai tay đan chéo trước bụng, rồi khẽ cúi đầu chào anh với nụ cười thật tươi, niềm nỡ. Cái khuôn mặt còn vương nét thơ ngây làm Quốc chợt nhớ đến Minh Thúy, Nguyệt và Nho.

Không biết cô bé Wendy người Singapore cắt thịt gà tây kia thu nhập một tháng bao nhiêu, nhưng chắc chắn cô không phải nhọc nhằn hằng đêm ở xứ người như Thúy, Nguyệt và Nho kia… Quốc choàng tỉnh khi có tiếng cười phá lên của những người khách bộ hành đi ngang qua chỗ anh đang ngồi. Quốc đứng dậy, bước vào khách sạn, anh cần chuẩn bị hành lý để trả phòng ngày mai. Thấy người bảo vệ khách sạn đang giữ cửa thang máy có ý chờ anh, Quốc bước nhanh và gật đầu cám ơn.

-Chúc ông ngủ ngon.

Từ phòng anh nhìn xuống bên kia đường, bar Cao-bồi đèn vẫn nháy, nhưng qúa xa để anh không còn nghe tiếng nhạc xập xình vọng lên. Không biết Thúy và Nho giờ có còn ở đó không? Tối nay có được ngủ ngon không? Hay sẽ bị xẻ sống như hai con gà tây trong buổi ăn trưa Lễ Tạ ơn ở xưởng đóng tàu Sembawang hôm nay bởi một bàn tay trắng đen vàng đỏ nào đó!

***

Khi nghe lời thông báo trên phi cơ, Quốc chợt nhớ điện thoại cầm tay vẫn còn mở, anh lấy ra tắt trước khi phi cơ cất cánh là cùng lúc anh nhận được tin nhắn qua máy; không chấm, không phết, như đạn vãi ra từ nòng súng liên thanh: “cám ơn anh tối hôm qua nhé anh ơi tiền ăn tối qua là rất lớn ở việt nam bão sầu riêng đang đi vào phía nam của mình đấy anh nhớ để dành tiền giúp đồng bào mình trong đó nhé. em grape nho.” Quốc thấy cay ở sóng mũi. Anh thở dồn dập. Anh lấy tay lắc mạnh mũi của mình.

-Xin anh vui lòng tắt máy trước khi phi cơ cất cánh.

Cô tiếp viên hàng không Việt Nam trong chiếc áo dài đỏ huyết viền vàng với phù hiệu trống đồng Ngọc Lũ trước ngực trông rất đỗi duyên dáng, lịch sự nhắc anh. Anh khẽ gật đầu.

Chiếc phi cơ của Hàng Không Việt Nam giờ tăng tốc bay cao vút vào bầu trời xanh ngắt

Trước mặt anh, trên chiếc máy truyền hình nhỏ, chương trình đang đến phần giới thiệu Việt Nam với du khách ngoại quốc: một thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ, một cố đô Huế đầy di tích và thắng cảnh, một thủ đô Hà Nội anh hùng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh trông cực kỳ hoành tráng suốt thời gian hội nghị APEC… Có ai ở đó biết lời nhắn gởi của cánh hoa chùm gởi hôm nay ở xứ người? Anh co tay và đập vào sống mũi mình lần nữa, lần nữa. Anh đập mạnh hơn, và mạnh hơn, cố chận cho được cái cay cay đang dâng trào…

Chiếc phi cơ của hãng hàng không Việt Nam giờ tăng tốc bay vút cao vào giữa bầu trời xanh ngắt mang theo ngoài hành khách, hành lý trên mình, là niềm vui lẻ loi của Quốc (5), và lời nhắn nhủ của Nho trong lòng nó, hướng về quê mẹ.

Mùa Giáng Sinh/2006

Copyright © 2006–2007 DCVOnline



(1) Bão Durian, ập vào miền Nam Việt Nam ngày 5 tháng 12 năm 2006, ngay sau hội nghị APEC kết thúc ở Hà Nội. Thiệt hại nặng nhất là các tỉnh duyên hải miền Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… Bà Rịa-Vũng Tàu bị tàn phá nặng nhất với hơn 6.700 nhà bị phá hủy. Bão Durian đã để lại 63 người chết, 19 người bị mất tích, hơn 1,000 người bị thương, và hơn 200,000 nhà bị sập hoặc mất nóc. Ngoài ra, khoảng 810 tàu đánh cá bị lật.
Nguồn: PM Dung pledges no Durian victims left hungry
(2) Geylang và Joo Chiat: Geylang đúng ra là một khu vực thị tứ đông đúc, nhưng ở đó có một khu vực ăn chơi (red light district) nổi tiếng ở Singapore. Khu đèn đỏ này có những nhà chứa có treo đèn lồng đỏ bên ngoài cửa, nghĩa là có đăng ký với chính phủ, và cũng là nơi các cô làm tiền đứng tìm khách làng chơi ở lề đường. Nên nói đến Geylang là người ta thường nghĩ đến khu vực ăn chơi này, nằm ở Lorang (tiếng Mã Lai là con đường nhỏ) 16-28. Joo Chiat Road cũng nằm trong khu vực Geylang này, nơi có nhiều quán rượu và Karaoke; ở đó người địa phương và du khách thường là du khách Á châu đến uống rượu và cũng là nơi khách bán hương tìm về kiếm khách.
(3) Lời trong nhạc phẩm “Đời Gọi Em Biết Bao Lần”, một sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và cũng là nhạc phẩm chính trong phim “Tội Lỗi Cuối Cùng”; dựng và trình chiếu cùng năm 1979. Phim do các tài tử Phương Thanh, Minh Châu, Diệu Thuần, Đặng Việt Bảo, Bùi Cường… đóng, và đạo diễn Trần Phương thực hiện. Phim đoạt giải thưởng Bông Sen Bạc, Liên Hoan Phim lần V, năm 1980.
Nguồn: Hãng phim truyện Việt Nam
(4) Ăn bao bụng = all you can eat.
(5) Ý thơ:
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

“Ta Về”, Tô Thùy Yên

 

 

 
 
mission | staff | researches | announcements | events
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved