BỐ TÔI THẦY HÙNG

 
 

Bích Vân

Ông cựu chủ tịch Hội Ái Hữu Y khoa Huế vừa meo cho tôi, nhắc nhở lời hứa đóng góp bài vở cho tập san Y khoa Huế, như năm ngoái. Tôi đọc meo xong, giật thót người và … lo quá xá là lo. Lo là phải, vì biết đào đâu ra thời giờ để thực hiện lời hứa đây, trời ???? Nhưng nếu đề tài mà anh Vĩnh Chánh đề nghị là viết về thầy Hùng, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, thì còn ai có thể thích hợp hơn và rành rọt hơn nữa ???? Vả lại, các sinh viên Huế chỉ biết Bố tôi dưới khía cạnh một ông Thầy super giỏi nhưng quá ư là khó tính, khét tiếng, chứ rất ít người biết đến khía cạnh "mềm mại" và đầy khôi hài tính của Bố tôi.

Vả, tự trong thâm tâm tôi nghĩ, bài viết này cũng tựa như một bài điếu văn (tuy muộn màng) để cho tôi tạ cái lỗi đã không báo hiếu được, đã không ở cận kề được trong những giây phút cuối cùng của Bố tôi.

Thầy Hùng, vâng, Bố tôi, một trong hai giáo sư thực thụ (professeur titulaire) của Huế những năm đầu 60. Dậy môn Pharmacologie cho các sinh viên Y khoa. Ngoài ra, Bố tôi còn phụ trách môn Môi Trường Sống cho tất cả các sinh viên của các phân khoa khác thuộc viện đại học Huế. Và là phó Khoa trưởng đại học Khoa Học, dậy môn Hóa Hữu Cơ. Những giai thoại về Bố tôi thì nhiều quá chừng chừng, thuộc đủ mọi thể loại, mâu thuẫn và … "cực kỳ".

Các sinh viên nào đã từng học với Bố tôi đều không thể nào quên được vẻ mặt hách–xì-xằng và khó đăm đăm của Bố tôi. Cộng với dáng người to lớn (rất) đẫy đà, tiếng nói sang sảng và quần áo lúc nào cũng "tip-top" chỉnh tề khi đi dậy, Bố tôi quả là một hung thần đối với sinh viên. Nếu bảo rằng Bố tôi là hung thần của các sinh viên Huế thời đó, thời những năm 60 đến tận 75, chắc cũng không ngoa lắm. Có sinh viên nào ở Huế khi nghe đến tên thầy Hùng mà không khỏi lắc đầu le lưỡi và rùng mình vì khiếp vía??? Mà không chỉ với các sinh viên Y Huế, các sinh viên Dược Saigon cũng hãi không kém. Nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.

Còn nhớ hoài hồi mới ra Huế học và còn ở chung một nhà với Bố tôi, chứ chưa xin vào ở với các Soeurs trong lưu xá Jeanne d´Arc, những đêm nào mà bố tôi thức khuya ngồi chấm bài thi là cả nhà cũng hết ngủ. Tại sao lại hết ngủ ư? Là tại vì cứ chốc chốc Bố tôi lại quăng bút, xô ghế đứng bật dậy và kêu ầm lên :"Chết chửa, chúng nó dốt như thế này mà ra làm bác sĩ thì thiên hạ chết hết mất thôi !!!" hoặc "Thế này mà cũng đòi ra bác sĩ thì .. còn giời đất nào nữa !!!" … Và thế là như sung rụng, và thế là có rất nhiều bộ mặt thiểu não sau mùa thi. Mặc dù khi đi thi môn Dược lý, Bố tôi cho phép các sinh viên đem cả va-ly sách vở vào phòng thi và tha hồ mà tra tra cứu cứu.

Ấy là chưa kể cái tính hơi kỳ quặc của Bố tôi là ghét cay ghét đắng những ông học trò nào mà “học dốt“. Ghét thậm ghét tệ. Ghét không tả được. Ghét lắm cơ. Và dĩ nhiên, ngược lại, cứ hễ thông minh học giỏi là Bố tôi "chịu" ghê lắm, sao cũng được. Được tuốt luốt, kể cả chuyện bén mảng đến nhà rù rì hay ngồi nghe nhạc cùng với tôi. Vâng, chỉ cùng nghe nhạc thôi, chứ còn … cùng bước ra khỏi cửa, dù chỉ đi dạo loanh quanh gần nhà thôi cũng… cấm tuyệt!

Bây giờ hai thứ tóc trên đầu rồi mới hiểu tại sao lại bị cấm cản như thế. Chứ hồi đó, hồi mới ra Huế ở với Bố tôi, chao ơi là hậm hực và … uất! Đang ở Saigon với Mẹ được tự do bay nhảy là thế, tự dưng mò ra Huế để rồi … đi học hàng ngày cũng phải chờ ông Kỳ tài xế đưa đi và đón về. Ông Kỳ mà đến đón học chậm ấy à? Cứ đứng như trời trồng trước cổng trường mà chờ, nhé. Chớ có dại dột mà đi bộ về nhà là … bị mắng chí chát ngay. Ôi khổ! Ôi chỉ muốn nổi loạn! Sau vài chục lần dỗi (Bố rủ đi đâu cũng lắc đầu), sau vài chục ngày cứ ăn cơm xong là rút vào phòng đóng cửa im ỉm (không thèm léo hánh ra phòng khách xem Tivi buối tối) …và còn nhiều trò nữa cơ, để phản đối bàn tay sắt của Bố tôi, những buổi tan trường về, đi chậm chậm qua những con đường im ắng, sao mà thích thế, hở giời??? Những năm đó, Huế vẫn còn lặng lờ lắm, vâng, thơ mộng lắm. Thủng thỉnh đi dọc theo con sông An Cựu phía đằng sau nhà tôi mà xem, gần lầu bà Từ Cung, chỗ gần cầu Kho Rèn ấy mà. Êm ả. Và rô-măng-tít quá thể.
Hay thiết thực hơn một tí, làm sao quên được những giờ học buổi chiều tan ra đúng lúc Chaffengeon, bên cạnh cư xá Xavier, cho ra lò mẻ bánh pâté-chaud thơm phưng phức còn nóng hổi. Còn hạnh phúc nào hơn hạnh phúc này, nhất là vào những ngày mùa đông mưa phùn lạnh làm tím rịm mấy đầu ngón tay??? Hoàng hôn trên Đàlạt + thọc tay vào túi áo manteau + hạt dẻ nóng = thua xa lắc xa lơ !!!

Khuôn mặt của tôi giống Bố tôi lắm, ai cũng bảo vậy. Và tôi cũng thấy vậy. Nhớ năm ngoái sang Cali chơi, hẹn đi ăn trưa với anh chị Vĩnh Chánh, vừa bước vào tiệm nem nướng Brodard, anh Vĩnh Chánh đã thảng thốt kêu lên: "Trời, anh tưởng như gặp Thầy !!!" Và anh nhìn sững … sợ (dấu nặng!!!). Mặc dù, hơn 30 năm trước, anh Vĩnh Chánh cũng thuộc nhóm học trò cưng của Bố tôi. Và những học trò cưng của Bố tôi thì ít lắm nhé, phải không anh Chánh nhỉ.

Nói đến các học trò cưng của Bố tôi, tôi lại nhớ đến anh Chữ. Bố tôi cứ tấm tắc khen mãi, quý anh Chữ lắm, rủ về nhà ăn cơm rất thường. Tiếc là anh Chữ đã mất rất trẻ, sau một tai nạn máy bay. Một học trò cưng nữa mà Bố tôi cũng rất quý là anh Phạm Kỳ Nam, đã trình luận án ra trường với cái thèse về Ma Túy của Bố tôi. Và một "cục cưng" nữa là anh Dương Đình Châu, cưng lắm. Cưng và tin tưởng. Tin tưởng đến nỗi, Bố tôi khó khăn là thế, réglo với cô con gái rượu là thế, vậy mà anh Dương Đình Châu là "tuteur" của tôi, chỉ có Anh mới được quyền lãnh tôi ra khỏi nội trú để về nhà những ngày cuối tuần. Thời gian này thì cả gia đình của Bố tôi đã về Saigon ở hẳn, sau "mùa Hè đỏ lửa", và căn nhà số 10 đường Quỳnh Lưu chỉ còn em Trung của tôi (cũng học Y Huế) với anh Dương Đình Châu trọ ở đó, và con bé Huê người làm.

Và những ngày cuối tuần này là những ngày thật sự thoải mái và tự do. Và tôi tận hưởng sự tự do và thoải mái. Những danh lam thắng cảnh trứ danh của Huế, luôn cả những hang cùng ngõ hẻm của Huế, những món ăn thức uống đặc biệt của Huế, ...v...v.. tôi "nếm" đủ, thừa mứa. Mối tình dai dẳng với Huế nảy sinh từ những ngày khó quên được này. Cảm ơn Huế, cảm ơn anh Châu đã che chở, đã nói dối và chống đỡ cho tôi trước những tra hỏi mỗi lần Bố tôi bay ra Huế dậy học. Nói thì nói thế, chứ tôi biết, Bố tôi quý tôi nhất trong số các anh chị em. Và Bố tôi áp dụng triệt để câu : "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Và tôi còn biết, tại sao Bố tôi tỏ vẻ (?) nghiêm khắc như thế với tôi. Chẳng qua là để tránh những tủn mủn và tỵ nạnh rất đàn bà của … bà. Vâng, bà ghẻ. Tôi bướng bỉnh lắm (cái trán dô là bằng chứng) nên không thể "nuốt cho trôi" những câu nói cạnh nói khóe, những đá bàn đá ghế và giận cá chém … Bố tôi. Nhưng tôi cũng nhạy lắm cơ. Chỉ cần một cái liếc mắt, một cái cau mày của Bố tôi, tôi đánh hơi được ngay. Nên tôi nhắm mắt lại, "ực một cái" rồi đi về phòng vùi đầu vào sách vở và … nhạc. Năm cuối cùng của Trung học ở Providence, tôi là chouchou của Linh Mục Nguyễn Tiến Huynh hiệu trưởng, được phê excellente élève suốt năm. Nhờ những cái tỵ nạnh và tủn mủn.

Thế rồi bước chân lên đại học, Bố tôi bảo tôi "vào mà ở trong nội trú với các Soeurs". Tôi biết, nguyên nhân lại cũng do những tủn mủn và tỵ nạnh. Càng tốt. Tôi vào ở với các soeurs, thở phào nhẹ nhõm. Lòng vui như mở hội. Bàn tay sắt của Bố tôi được các Soeurs bọc một lớp nhung từ đó. Và có lẽ Bố tôi vì đỡ mệt óc nên "dễ chịu" thấy rõ. Chiều chiều đi học về, tôi thường thấy xe Bố tôi đậu trước cổng nội trú tự bao giờ, đến đón tôi đi ăn ở ngoài. Dúi cho tôi ít tiền ăn quà vặt và thường mua sắm cho tôi những thứ linh tinh lỉnh kỉnh của thế hệ yéyé. Nhớ mãi cái jupe tua tua bằng da bò mầu nâu, cái ví da tua tua và cái ceinture cùng bộ, trông hippy không thể tả được. Tôi happy, mê tơi mù tử. Và còn mãi trong óc tôi cái cười tủm tỉm của Bố khi thấy tôi thay ra ngay cái áo dài đang mặc (vừa đi học về mà lỵ) để khoác liền bộ cánh mới, diện tút xụyt.
Nhưng thích nhất là những buổi tối được tháp tùng vào thăm ông đại úy dược sĩ Gilkey với Bố tôi, vào cơ quan "Mắc-Vy" xem các ban nhạc tứ phương trình diễn nhạc Mẽo. Sao mà mê thế, sao mà thích thế. Miệng lẩm nhẩm hát theo, bài nào cũng lẩm nhẩm hát theo. Mắt mở to, say sưa. Bố tôi chiều tôi, biết cô con gái mê nhạc Mẽo, nhạc Tây từ thuở bé.

Về Saigon được hơn một năm, Bố tôi cũng bắt tôi về Saigon theo. Coi bộ không yên tâm. Thế là đành giã từ Huế, chấm dứt những ngày "tung giời" và tuyệt vời. Đến giai đoạn này, về lại Tân Định sống với Mẹ, tôi lại như con cá được thả vào cái hũ (tương đối rộng) và tha hồ mà tung tăng bơi lội … trong hũ. Bố tôi yên tâm, chỉ việc đưa mẹ tôi từng bịch lăng quăng đổ vào hũ, đã có mẹ tôi chăm sóc cá bé lẫn cá nhớn. Cứ thế cho đến tận 75. Thế rồi đảo lộn. Đảo lộn tùng phèo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Và Bố tôi cũng "đảo" kỹ hơn, chăm chú hơn và lâu hơn vì rục rịch dọn nhà từ Làng đại học Thủ Đức về Phú Nhuận, phóng xe Honda đến Tân Định cái rẹt ... 10 phút là cùng.

Bố tôi tạm thời thuê lại miếng đất và nhà ở của ông Ba Bản, trở thành láng giềng thân thiết của ông vua Bầu cải lương. Cái "tổ hợp" hóa chất của Bố tôi lên như diều trên mảnh đất này, đơn đặt hàng bay như bươm bướm. Đã bảo Bố tôi sáng chế, phát minh ra đủ thứ mà lỵ, thay thế cho những thứ từ từ biến mất ... bói 7 ngày ra không ra, trên thị trường. Công việc mà nhiều thì dĩ nhiên công nhân cũng phải nhiều. Thế là anh em con cháu, họ hàng, bạn bè, hàng xóm ... xúm lại, bố tôi trưng dụng tuốt (cái khía cạnh "mềm" này của Bố tôi, tôi chịu). Nhiều gia đình nhờ cái "tổ hợp" này mà cũng xoay sở uyển chuyển được hơn một tí, trong cuộc sống. Có tới 3 "ca" thay phiên nhau hoạt động liên tục và gần 100 công nhân già trẻ lớn bé, từ tướng đến binh quèn. Chị em chúng tôi cũng chia "ca" với nhau, ngày ngày đến đấy, đến cái tổ hợp sát nách nhà Bố tôi, tập tễnh làm công nhân. Tổ hợp hóa chất là tư. Công ư? Bố tôi là giám đốc kỹ thuật của Công Ty Dược Phẩm 2 tháng 9 đấy. Oai và hách phải biết. Tư và công loạn xà ngầu, nên Bố tôi bận rộn ghê lắm, dĩ nhiên. Bận rộn luôn cả cái chuyện sáng sáng phát tiền, dặn con bé người làm đi chợ phải mua những gỉ những gì nữa cơ (nói khe khẽ chứ, nhé. "Cô" vẫn còn đang ngủ, say lắm đấy, giời ạ !!!)

Tôi quyết định bỏ học, đầu năm 77, chạy áp-phe coi bộ thức thời hơn. Óc đầy những hoang mang, chả còn chỗ đâu nữa mà nhét chữ vào. Độ một tháng sau thì Bố tôi biết được, phóng xe Honda đến Tân Định chưa kịp dựng xe cho ngay ngắn đã nổi trận lôi đình, nộ khí xung thiên (mấy bận cơ đấy + 3 cái tát xiếc nổ đom đóm mắt) rồi lại dỗ ngon dỗ ngọt, xuống giọng năn nỉ. Tôi im lặng, nghĩa là ... không là không. Đã bảo cái trán bướng mà lỵ, vả lại ích gì cơ chứ, tôi nghĩ vậy lúc bấy giờ. Khối bác sĩ đã ra trường và những người bằng cấp cả đống, đầy dẫy ngoài chợ trời và chợ đời kia kìa, có mấy ai đã "kiếm khá" bằng tôi, với ba mớ hột xoàn cẩm thạch truyền tay từ người này sang tay người kia ??? Tôi phụ giúp mẹ tôi tiền đi chợ mà, tự lấy cớ vậy, cũng chính đáng chứ bộ.

Rồi tôi có ông xã xệ, Noel 77. Rồi chúng tôi có thằng cháu Xù, năm 78. Mấy tuần lễ nằm trong bệnh viện Saint Paul, thập tử nhất sinh vì sinh mổ rồi nhiễm trùng làm độc, tôi bắt gặp nhiều lần ánh mắt lo lắng của Bố tôi những lúc vào thăm tôi, một mình. Những tủn mủn và tỵ nạnh không bủa vây những lúc đó, giữa hai bố con. Tôi hiểu và thương Bố tôi, bình thường như bất cứ một đứa con gái nào khác thương Bố.

Vào nằm thêm 2 tuần lễ nữa trong nhà thương Từ Dũ, Bố tôi xốc tôi về nhà Tân Định nằm cho sạch sẽ và chữa lấy. Thế mà khỏi. Bố tôi "mát tay" hay nhờ cái lý luận logique về cách dùng thuốc theo kiểu của Bố tôi mà tôi khỏi bệnh? Tôi không biết.

Thằng cháu Xù được ông Ngoại cưng nhất, cháu ngoại đầu tiên mà lỵ, và thường được ông Ngoại đến đón về chơi, thường lắm. Rất nhiều buổi sáng, Bố tôi đến hỏi thăm thằng cháu Xù đã ngủ giậy chưa, đi ăn sáng với Ông hay Ông dắt ra chợ mua cho ít trái cây để tẩm bổ, gớm khổ, sao mà thằng bé gầy quá thế này, tạng người gì mà bé tí téo. Phải thế đâu, chắc có lẽ không đủ chất bổ béo, nên choắt choeo như những đứa trẻ thời đó, thế thôi. Lúc bé lại bú sữa mẹ đầy trụ sinh nữa. Thế mà bây giờ cháu như cái sào, thưa Ông Ngoại, thể thao và nghệ sĩ ghê lắm ạ. Và học khá nữa, tôi vẫn thường tự kiêu thầm, chắc nhờ "Gen" của ông Ngoại. Nhắc đến vụ nghệ sĩ, tôi chả biết phải nghĩ như thế nào. Bố tôi học violon từ hồi xửa hồi xưa, đàn ... nghe cũng được. Nhưng thôi, tôi không muốn nhắc tới cái côté nghệ sĩ đàn địch này của Bố tôi, tôi sợ tôi không được khách quan. Tính tôi xưa nay kỳ cục, không thích cái gì là ...tránh. Cái vụ đàn địch này, có lẽ cái tính ... thích nghệ sĩ này của Bố tôi, là nguyên nhân cái mối quan hệ phức tạp của gia đình tôi, giữa Bố tôi với mấy anh chị em chúng tôi. Thôi, tôi không nên nói động tới. Tránh. Các bạn Y Khoa Huế hiểu rất rõ tại sao, phải không ạ?

          Bắt đầu là gia đình của Chú tôi vượt biên đi Mỹ, rồi gần một năm sau đến lượt ba đứa em gái út của tôi đi chui "bán chính thức" sang Tây. Ông xã xệ của tôi cũng đi Đức, để tìm đường bảo lãnh cho vợ con. Và rồi đến lượt mẹ tôi và gia đình giáo Hào, cậu em tôi cũng được các anh chị tôi bảo lãnh qua Strasbourg. Nhà Tân Định chỉ còn lại gia đình của em Trung và hai mẹ con tôi cố thủ chờ ngày đến phiên, đi nốt. Thời gian này, Bố tôi rất thường đến thăm. Khi thì rủ đi ăn tiệm, khi thì đi Đalat, khi thì đi Vũng Tầu. Tội nghiệp, Bố tôi quay như cái chong chóng, mệt đứ đừ mà vẫn phải quay. Căn bệnh tiểu đường (diabète) của Bố tôi phát sinh từ đây, chắc vậy. Ngày nào cũng phải đi ăn tiệm đầy những mỡ màng. Nay tiệc tùng, mốt đãi đằng tiếp tân. Tại nhà. Các nơi. Bà thích thế mà. Công việc căng thẳng chưa đủ, còn phải điên đầu đối phó với những mánh khóe tiểu xảo của một thế giới "ma mãnh" mà mọi người, trừ Bố tôi, đều thấy rất rõ. Tội nghiệp Bố tôi. Cái nghiệp của Bố tôi, mẹ tôi thường bảo vậy.

Chịu đựng mãi như thế, chịu gì thấu. Sức người cũng có hạn. Vâng, sức người cũng có hạn. Cái hình chụp Bố tôi gửi sang, năm cuối cùng trước khi ngã bệnh, anh em chúng tôi nhìn không nhận ra. Gầy xọp, già trước tuổi. Mẹ tôi nhìn hình chỉ chép miệng rồi thở dài, không nói gì cả.
Hè năm đó, năm 95, như mọi năm, gia đình em Loan và em Hằng về VN chơi và thăm Bố tôi. Ông con rể người Pháp, Proviseur một trường ở Strasbourg, năm nào cũng yêu cầu vợ (chỉ nên chọn) về VN để nghỉ hè vì phục lắm, ca tụng không tiếc lời trước sự hiểu nhiều biết rộng và các công trình hay dự định của ông Bố vợ, nói chuyện rất hợp và dứt không ra.

Thế rồi đùng một cái, nghe tin Bố tôi được chở vào nhà thương, mê man. Anh bác sĩ Trần Viết Phồn chăm sóc cho Thầy, mấy đứa con gái săn sóc cho Bố những giây phút cuối. Ở bên này, chúng tôi quýnh quáng gọi khắp các hãng bán vé máy bay để điều đình mua cho bằng được vé, bay về ngay lập tức, ở bên kia xin nhập cảnh hộ. May ra thì kịp, các em bên đó bảo vậy.

Nhưng không kịp nữa, em Hào về đến nơi, thằng con trai đại diện các anh chị em bên này về đến nơi, chỉ kịp nhìn thấy Bố lần cuối rồi nắp áo quan được đậy lại…

Những bức điện thư thay đoạn kết.
Sent: Saturday, December 04, 2004 2:26 AM
Kính gởi anh Hứa và Bích Vân cùng các anh chị,
Tôi đã giữ bài điếu văn viết cho thầy Nguyễn Mạnh Hùng nay gần 10 năm. Mỗi lần nhớ thầy, tôi lại đem ra đọc. Những kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi đối với Thầy là một dấu ấn thật đậm, có một cái gì đó gần đời mình với thầy mà tôi không lý giải được cho tới hôm nay, ngày mà tôi xấp xỉ lúc thầy ra đi. Xin gởi đến Bích Vân, con thầy một kỷ vật còn lại.
Nếu Bích Vân bằng lòng, tôi sẽ vô cùng hạnh phúc gởi bài điếu văn này qua đường bưu điện cho Bích Vân. Và với Vĩnh Chánh, nếu được, bạn có thể xử dụng bài điếu văn này như là một lời tri ân với thầy Nguyễn Mạnh Hùng trên tờ Tập San Y khoa Huế.
Chúc các anh chị sức khỏe.
Hồ Đắc Duy - Khóa 6 YK Huế .

Sent: Saturday, December 04, 2004 3:47 PM 
Subject: cảm ơn anh DUY
Thưa anh Duy,
Em đọc đi đọc lại mãi bài điêú văn của Anh. Em cũng đã chuyển (qua Mail) cho các anh em của em cùng đọc. Tụi em rất xúc động được anh Duy truyền lại cho một kỷ niệm về Bố em và cảm ơn Anh đã có lòng cất giữ bâý lâu. Rứa mà cả năm nay mâý anh em liên lạc với nhau để cùng lo vụ Học Bổng cho các sinh viên khuyết tật của Trường, không thâý anh Duy đả động chi hết. Như các Anh đã biết, lúc Bố em mất, tụi em không về hết đâỳ đủ để lo ma chay cho tươm tất. Cho đến giờ này, tụi em mỗi khi nhớ lại cũng vẫn còn áy náy.
Xem lại video có quay những cảnh các Anh các Chị đại diện cho Trường Y Khoa Huế đến phúng viếng, em nhận ra nhiêù người quen biết, vì em cũng có học trong trường hai năm (72 và 73).
Tiện đây em cũng xin gửi đến anh Phồn sự biết ơn của tụi em. Anh Phồn đã hết lòng lo cho Bố em những ngày cuối cùng, tụi em không bao giờ quên.
Nêú anh Duy đã có nhã ý trao lại cho tụi em bài điêú văn, xin Anh cứ giữ hộ thêm ít lâu nữa. Có thể khoảng Tết, em sẽ về và đến thăm Anh Chị. Và xin đem bài điêú văn về đặt lên bàn thờ của Bố em, cùng với bức tranh chụp Trường những năm 60 mà anh Hứa đã gửi cho em hồi Hè. Anh Duy đừng gửi qua bưu điện, lỡ mất thì tiếc lắm.
Nêú anh Duy và anh Chánh cho phép, trong tờ Tập San Y Huế phát hành kỳ tới, em xin được viết vài giòng về Bố em kèm theo bài điêú văn của anh Duy, nhé ?
Một lần nữa, em cảm ơn anh Duy nhiêù và chúc các Anh mọi sự an lành.
Em, Bíchvân .

Sent: Saturday, May 07, 2005 4:57 PM 
Subject: Re: radio
Thưa anh Duy , BV chờ mãi không thấy Anh gửi cho BV những infos về Anh để BV soạn bài đọc giới thiệu về Anh một chút, trước khi đọc bài thơ Khóc Mạ. BV đành viết .. à la BV vậy, như thế này về Anh.
Anh Duy duyệt xong, nếu thấy có điều gì không vừa ý, xin Anh cho biết và BV sẽ sửa lại ngay theo ý của Anh. Những lần radio trước, anh Duy và các Anh ở bên nhà có theo dõi không ạ ? 
Để tiếp tục chương trình, BV xin được giới thiệu sau đây một bài thơ của anh Hồ Đắc Duy.
Thưa quý vị, nếu quý vị là đọc giả thường xuyên của khoahoc.net, chắc quý vị không lạ gì với cái tên Hồ đắc Duy, nhất là đối với những người con dân của Huế, cái họ Hồ Đắc chẳng mấy ai là không biết. Anh Hồ đắc Duy là một đàn anh mà BV kính phục vô cùng. Ngày mà BV bắt đầu chập chững vào học trường Y khoa Huế thì anh Duy đã sắp sửa ra trường. Sự kính phục không chỉ vì tại mình là lớp đàn em, mà BV kính phục anh Duy còn vì những công trình thiện nguyện của anh ở bên nhà. Câu “lương y như từ mẫu, với anh Duy, đầy đủ ý nghĩa nhất.
Và sự kính phục không chỉ dừng ở đó, thưa quý vị. Những bài viết của anh, nhất là những bài khảo cứu rất công phu của anh về lịch sử, về các địa danh phần lớn ở miền Trung, đã cho thấy sự hiểu nhiều biết rộng. Vì thế nên phục, vì thế nên kính. Ngoài ra, BV không quên được ngày ông Cụ BV qua đời, chính anh Duy là người đã soạn một bài điếu văn thật hay, thật cảm động về tình nghĩa thầy trò. BV xin thay mặt gia đình cảm ơn anh Duy.
Và thưa quý vị, bây giờ BV xin đọc bài thơ “Khóc Mạ của anh Hồ Đắc Duy, một đóng góp của Anh cho khoahoc.net nhân ngày Lễ Mẹ. 

Sent: Saturday, May 07, 2005 5:21 PM  
Subject: Re: radio
Chào cô Bích Vân,  Mình sợ nhất là nói về mình nên chỉ im lặng là hay nhất. Anh Duy không được như BV nghĩ đâu. Chỉ có một điều là khi anh viết về Bố của em mới thật là sâu đậm.
Em không biết chuyện giữa anh và Bố em những ngày ông cụ về già, chuyện là chuyện của mấy đứa XÌ-KE, một đề tài mà Bố em thích nhất. Cái thèse về Ma túy “Cách Xử Dụng Ma Túy của Dân Ghiền Xì-Ke VN”, Bố em in thành một quyển sách mỏng bià mầu trắng do Viện Đại Học Huế xuất bản. Về sau anh làm trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Chợ-Quán, anh lập ra một phòng dành riêng cho mấy bệnh nhân XÌ-KE MA-TÚY và anh kiểm tra lại lý thuyết của Bố em trên thực tế, và anh báo cáo những diễn tiến bệnh lý cho Bố em hàng tuần.
Và đôi khi Bố em giúp anh dịch mấy bài anh viết ra tiếng Pháp nữa, vì anh rất dốt ngoại ngữ. Ông cụ luôn luôn la anh về chuyện đó, nhưng lúc nào ông cũng dịch giùm hết. Chưa bao giờ ông cụ từ chối những điều anh yêu cầu.
Bố em rất thích đi săn, ở nhà có mấy cây súng săn treo ở phòng khách, ai tới thăm, Bố em rất thích kể chuyện này lắm. Ông thầy nói to, tiếng Tây chen lẫn tiếng Việt rất là vui. Ông nói có khi anh không hiểu, hỏi lại tiếng Việt là gì, ông thầy trợn mắt: thế mà TOI cũng không biết à??
Khi ông thầy biết anh đậu Thủ Khoa khóa 6, ông khoái lắm, ông nói với mọi người: Dr.Duy há, học trò cưng của tớ đấy... còn nhiều chuyện nữa.
Khi nào có chè hột sen (từ Huế), BV đọc bài Hồ Tịnh Tâm để biết là loại hột sen ra sao, vợ anh nấu hột sen đó với đường phèn, sau đó anh chạy xe mang qua cho Bố em lúc chè còn đang nóng vì nhà Bố em và nhà anh Duy cách nhau chưa tới 2km. Còn Tết thì ông cụ lúc nào cũng cho anh 2 cái bánh chưng... Còn nhiều nữa, khi nào về SG chơi, anh sẽ kể cho em nghe.
Anh Đinh Sơn Thắng cũng là một người mà Bố em yêu mến. Thân. Hồ Đắc Duy.

Sent: Sunday, May 08, 2005 2:13 AM 
Subject: Re: radio
Thưa anh Duy , Cảm ơn anh Duy đã cho BV biết thêm về những công việc của Bố em lúc còn sinh thời. BV hoàn toàn không hay biết chi hết. Bài điếu văn của Anh bây giờ lại còn mang nhiều ý nghĩ hơn nữa, với tụi em.
Bài soạn để đọc giới thiệu về anh Duy như thế, BV không sửa lại nữa. Nhưng xin phép Anh, trong những lần phát thanh tới, thể nào BV cũng phải xin của Anh một vài bài viết cho chương trình, và BV sẽ xen vào những chi tiết anh Duy vừa kể. Kính Anh. Em, BíchVân .

Sent: Monday, August 29, 2005 9:54 PM 
Subject: Tập San Y Khoa Huế
Hi Bích Vân, BíchVân có thể viết cho tập san Y K Huế vài bài không? Chắc chắn phải có một bài về Thầy Hùng đó nghe. Khoảng tháng 10 thì anh cần phải có để bắt đầu edit từ từ.
Rất cám ơn về những tin tức truyền thông B.Vân đã gởi. Có vẻ lúc này B.Vân bận lắm phải không? Như vậy là mừng cho Vân đó, vì sẽ giảm cơ hội để hút thuốc.
Phải nói là giọng cô phát ngôn viên B.Vân rất dẻo và rất truyền cảm. Thành thực khen Vân đó. Có vẻ đây là 1 cái job rất thích hợp với BVân.
Anh Hứa gởi bài qua cho Chánh đi, lẽ đương nhiên là sau khi nhờ B.Vân sửa lỗi chính tả, hỏi / ngã cho đúng hẳn rồi hẵng gởi qua. Cuối tháng 10, đầu tháng 11 là phải cho xong nghe qúy vị.
Bên này đang “hồ hởi” làm Tập San đây. Thân mến, anh Chánh.

Sent: Friday, September 02, 2005 9:20 AM 
Subject: điếu văn
Thưa anh Duy, BV vừa bắt đầu được vài hàng viết cho tập san Y khoa Huế, anh Vĩnh Chánh lại vừa nhắc nhở. Hai anh em mình viết chung không, về Bố em, anh Duy nghĩ sao ạ??? BíchVân.

Sent: Friday, September 02, 2005 11:05 AM 
Subject: điếu văn
Chào BVân, Anh muốn Tập San Y Khoa Huế nếu có đăng thì đăng nguyên bài điếu văn của anh đọc trước linh cửu của Bố em, không bỏ một câu nào hết, trong đó bao gồm tình thầy trò và các công trình của Bố em. Bố em là Phó khoa trưởng của Khoa học. Và bên Y là giáo sư chef département Pharmacologie, GS thành viên trong Hội Đồng Trình Luận Án và hội đồng thi Lâm Sàng. Bố em cũng còn là GS của trường Đại Học Dược Khoa Saigon. Em tìm thêm trong danh sách giáo sư của trường Đại Học Dược Khoa SG, hình như ai đó có viết một bài này trên mạng internet. Khi anh em Y Khoa họp lại, khi đó anh Phồn và anh May chù trì đề nghị anh viết bài điếu văn để đọc. Một ngày và suốt đêm đó, anh ngồi để viết và khi đọc bài điếu văn, không nén được xúc động, anh khóc đến mấy lần. Những năm cuối đời của ông cụ, anh hay qua nhà Bố em chơi vì nhà anh ở đường Lê văn Sỹ, còn nhà Bố em ở đường Trần Huy Liệu, chỉ cách nhau hơn 1 cây số, vả lại mấy bài viết về Y khoa, anh dốt tiếng Tây nên nhờ Bố em dịch ra tiếng Tây, thầy Văn dịch tiếng Anh, hai ông Thầy đó bị anh "làm phiền" nhiều nhất, nhưng ông thầy nào cũng vui vẻ hết. Anh có làm chung một bài thuyết trình về đề tài MA TÚY, bài thuyết trình đó nhan đề là NGÔN NGỮ VÀ CÁCH XỬ DỤNG MA TÚY CỦA DÂN NGHIỀN VIỆTNAM, lúc đó anh đang làm BS trưởng khoa Khoa Sốt Rét Xì Ke tại bệnh viện Chợ-Quán khoảng năm 1980.
Để anh hỏi lại anh Phồn xem còn cái ảnh nào trong đám tang ông cụ không? nếu có, anh sẽ scan gởi cho BV. À mà BV còn giữ bài điếu văn đó không? nếu bị virus thì anh sẽ gởi lại cho. Chúc cả nhà sức khỏe. Thân mến. Hồ Đắc Duy.

Sent: Friday, September 02, 2005 11:59 PM
Subject: Re: điếu văn
Thưa anh Duy, Bài điếu văn làm sao mà mất được ạ, BV vẫn giữ đấy chứ. Chỉ có điều là bản scan không được rõ lắm và có một vài chỗ phải đoán vì không biết đó là chữ gì. Nhưng ca va, anh Duy ơi, BV chép lại có lẽ không đến nỗi sai đâu ạ. Vâng, BV sẽ viết như thế nào đó để có thể lồng nguyên vẹn bài điếu văn vào. Và em sẽ đưa anh Duy duyệt khi nào viết xong ạ.

Điếu Văn đọc trước linh cửu thầy Nguyễn Mạnh Hùng.

Trước linh sàng Thầy, đại diện cho các thế hệ Bác Sĩ của trường đại học Y Khoa Huế từ khóa 1 cho đến bây giờ. Chúng con thành kính nghiêng mình đảnh lễ. Trộm nghĩ rằng:

Đời người thấp thoáng, ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cõi phù sinh vân cẩu áng mây bay.
Sống ngẩng mặt nhìn đời
Thác vẫn cười nơi chín suối
Vui với ai !
          Cười với ai !
Hiền phụ thấp thoáng ngoài khung cửa
Lũ trẻ cười đùa ở trong sân
Nay xuôi tay nhắm mắt, tuổi dương gian 64 năm dài mà ngắn
Dài vì cuộc đời trôi nổi, như sóng gầm vang lúc bão táp, như âm thầm lặng lẽ đêm ba mươi.
Nếp nhăn thời gian đã hằn trên vừng trán
Ngắn vì sống chưa thỏa chí bình sinh vì tình nghĩa vợ chồng tuổi  lục tuần qua chưa hết
Ngắn vì sở học chưa truyền đủ cho lũ học trò còn đang muốn học
           Thương tiếc Thầy ơi !
           Ngàn thu vĩnh biệt
Sá gì một chút công danh để lại cho đời
           Vừa tuổi thanh xuân, xuất dương du học Pháp quốc mang về bằng Tiến sĩ dược khoa Đại học Paris.
Những mong làm sáng danh cho đất Việt mến yêu,
Làm vẻ vang cho giòng họ Nguyễn Mạnh
Khi đảm nhận chức vụ Giáo sư rồi thăng dần phó Khoa Trưởng, quyền Viện Trưởng các đại học nổi tiếng, lòng những bồi hồi nặng nề thêm trách nhiệm gánh vác trên vai
Thấp thoáng sân trường Đại Học Dược Khoa Saigon, trường đại học Khoa Học Huế rồi Đại Học Y Khoa đất Thần Kinh văn vật
        Ôi ! nơi đó
Vẫn còn in bóng ông giáo sư nghiêm nghị mà thân tình
Làm Thầy mà dậy học trò như đạo làm cha
       Tiếc thay ! Thương thay !
Rút từ tim mình cái nghĩa khí
Rút trong óc mình cái sở học
Thâu lượm tri thức của người nước ngoài Âu Mỹ, của nhân loại để làm giầu thêm tri thức cho đám môn đồ.
        Vĩnh biệt Thầy ơi !
Chúng con, một đám môn sinh trường Đại Học Y khoa Huế. Những người đã thụ hưởng từ Thầy cái tri thức quý hiếm đó.
Đã mang ơn dậy dỗ của Thầy để trở thành người hữu dụng cho nhân quần xã hội
        Buồn vui lẫn lộn
Nhớ lại những ngày tháng thân thương, đọc sách miệt mài thức trắng bao đêm
Phảng phất đâu đây nặc nồng mùi hóa chất trong phòng thí nghiệm Hóa Vô Cơ
Và còn đâu nữa hình ảnh của bình cổ còn vươn dài với đám chuột bạch chạy lăng xăng
Còn đâu nữa những lần cân, những lần đo, những lần chích, những dãy số dài đáp số đã làm bạc thêm từng sợi tóc trên đầu Thầy.
Ôi đã mấy chục năm qua rồi mà tưởng như giấc mộng
Bỗng dưng nay vĩnh biệt, tiếc thay Thầy ơi !
Kẻ âm, người dương. Kể sao cho xiết ! Nhớ khi trước bảng giảng bài, học trò chúng con làm sao không nức nở
         Sinh ly ôi đau xót
         Tử biệt thà lặng thinh
Bâng khuâng tưởng niệm trước giờ động quan, thoáng chốc bên tháp hỏa đàn.
        Trà tỳ chút bụi hư không !
        Lửa Tam Muội hừng hực đầy trời
        Phảng phất linh hồn người quá cố
Giờ đây! Trước linh cửu của Thầy, bọn học trò chúng con có đứa đỗ thành danh vinh hiển, cũng có đứa còn lận đận lao đao. Nhưng không! Vĩnh viễn không quên Thầy lúc bình sinh.

Môn sinh Hồ Đắc Duy, khóa 6 Y khoa Huế,
kính soạn dưới sự chỉ giáo của các bạn đồng môn.                          
Saigon ngày 12 tháng 8 năm 1995.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved