CA DAO HUẾ... VÀ HỌ NGUYỄN PHƯỚC

 
 

Dòng họ Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoằng Dụ tới Nguyễn Kim đã được thiên hạ cho là những anh hùng cái thế, nhưng phải đợi đến đời con cháu là Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng mới là những tay tuấn kiệt. Anh em Hoàng bấy giờ đang phục vụ dưới cờ của Trịnh Kiểm, lập được nhiều công lao. Nguyễn Uông được phong làm Lạng Quận Công, Nguyễn Hoàng được tước Đoan Quận Công. Rồi Uông chết, người ta nghi Uông bị độc thủ của ông anh rể Trịnh Kiểm. Ư Ký là Thái Phó của Nhà Lê, là cậu ruột của Nguyễn Hoàng, thấy thế nguy liền khuyên Nguyễn Hoàng tạm thời giả ngây dại để khỏi bị Trịnh Kiểm để ý. Trong lúc này gia thần của Trịnh Kiểm là Nguyễn Hùng Long thúc giục Trịnh Kiểm trừ Nguyễn Hoàng để tránh hậu hoạn, nhưng Kiểm còn trù trừ chưa quyết. Nguyễn Hoàng có ý lánh xa Kiểm, nên viện cớ đất Thuận Hóa thường hay bị Chàm quấy nhiễu, Hoàng nhờ chị là Ngọc Bảo vận động với Kiểm để xin vào Thuận Hóa với chức Trấn thủ. Trịnh Kiểm liền chấp nhận ý kiến của vợ.
Tương truyền rằng, khi có mưu định đi Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến cụ Trạng Trình. Cụ Trạng đang đứng ngắm hòn giả sơn trước mặt nhà. Thấy đàn kiến bò theo chân ngọn núi, cụ chỉ vào hòn giả sơn nói rằng:

               Hoành sơn nhất đái
               Vạn đại dung thân

Một dãy Hoành Sơn có thể dung thân cho cả vạn đời. Ý cụ khuyên Nguyễn Hoàng nên vào Thuận Hóa để dung thân
Thế là Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng lên đường vào cuối năm Mậu Ngọ (1558) đời Vua Lê Anh Tông. Sự nghiệp của triều Nguyễn bắt đầu từ đó. Chúng ta thử sưu tầm những câu ca dao, tục ngữ có liên quan đến những sự kiện hay các nhân vật lịch sử dưới triều đại này .

Ông Đào Duy Từ là người Thanh Hóa (1), học rất giỏi nhưng là con nhà xướng hát (xướng ca vô loại!) cho nên không được đi thi. Phẫn chí ông Đào Duy Từ vào Nam, được trọng dụng và giúp chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên rất đắc lực. Chính ông đã xây những chiến lũy kiên cố ở Quảng Bình (như lũy Trường Dục, lũy Thầy) để đàng Trong chống đỡ với đàng Ngoài. Trịnh Tùng thấy ông có tài và hối tiếc đã không biết trọng dụng nhân tài nên gởi sứ giả vào Nam móc nối về với ông Đào Duy Từ. Ông Đào Duy Từ không đáp, chỉ bế con nhỏ mà hát để tỏ lập trường dứt khoát như sau:

          Ba đồng một mớ trầu cay
          Sao anh không hỏi những ngày còn không?
          Nay em tay bế, tay bồng
          Xin đưng lui tới mà chồng em ghen.

Trước đây không ngó ngàng, đến nay thì đã muộn màng quá rồi. Ông Đào Duy Từ ví như là một thiếu phụ "tay bế, tay bồng", yêu cầu đừng lui tới, để chúa Nguyễn khỏi nghi kỵ.

Dưới thời Tây Sơn có câu: Đào Duy Từ

          Nực cười châu chấu đá xe
          Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng

Theo "Việt Nam thi văn hợp tuyển" của ông Dương Quảng Hàm, hai câu trên trích từ Hoài Nam khúc của Hoàng Quang: lúc khởi nghĩa thì quân Tây Sơn còn yếu mà dám chống lại với quân của Chúa Nguyễn, ai ngờ giống y chang câu chuyện trong Kinh Thánh David thắng Goliath

          Số đâu có số lạ lùng
          Con vua lại lấy hai chồng làm vua

Bà Ngọc Bình (em của công chúa Ngọc Hân vợ vua Quang Trung) là con út của vua Lê Hiển Tôn được gả cho Nguyễn Quang Toản tức là vua Cảnh Thịnh. Sau 26 năm lưu lạc ngày 15 tháng 6 năm 1801, Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh lúc này bỏ ngai vàng, ấn tín sắc phong của nhà Thanh chạy ra miền Bắc. Người vợ trẻ của ông là công chúa Ngọc Bình (chắc cũng đẹp lắm) cùng một số cung nữ không kịp theo đều sa vào vòng tay của quan quân nhà Nguyễn. Năm 1802 Nguyễn Vương lên ngôi vua và tuyển bà Ngọc Bình làm thứ phi mặc dù nhiều đại thần can gián. Phải chăng một trò chơi định mệnh? Hai kẻ cừu địc không đội trời chung Nguyễn Huệ Quang Trung và Nguyễn Ánh Gia Long trở thành anh em cột chèo. Bà Ngọc Bình sinh hạ được hai trai là Quảng Oai Công ngày 20.05.1809 (con thứ 10) và Thường Tín Quận Vương ngày 20.10.1810 (con thứ 11)

Nguyễn Văn Khôi con nuôi của Lê Văn Duyệt nổi lên chống triều đình dưới thời vua Minh Mạng. Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An (Gia Định) rồi lan dần đến các tỉnh kế cận. Quan quân nhà Nguyễn từ Huế vào đánh dẹp rất vất vả. Các bà có chồng ra đi chỉ mong cho được:

          Bao giờ bắt đặng ông Khôi
          Lấy thành Gia Định chồng tôi mới về

Ông Khôi chống giữ thành Phiên An được 1 năm thì bị bệnh rồi mất. Quân của ông Khôi còn chống giữ non 3 năm nữa mới thôi.

Hường Bảo là con đầu của vua Thiệu Trị vì không được nối ngôi cha cho nên lấy làm phẫn uất, âm mưu chiếm đoạt ngai vàng cũng bị bại lộ, nên bị em thứ hai là vua Tự Đức bỏ vào ngục rồi chết trong đó. Theo cụ Trần Thanh Mai trong "Tuy Lý Vương" thầy cũ của Hường Bảo là Tương An Quận Công có câu than:

          Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
          Nhớ người đảy gấm, khăn điều vắt vai

Trong cuốn "Cố đô Huế" của Thái Văn Kiểm thì cụ Tùng Lâm Lê Bá Cư (Phó Bảng Cư) cho rằng 2 câu trên là của công chúa Đồng Xuân, con vua Thiệu Trị, để tưởng nhớ vua Hiệp Hòa. Ông này, lúc còn là Hoàng tử Lảng Quốc Công hay mang cái đảy gấm đựng thuốc điếu vấn sẵn móc trên nút áo và cái khăn điều vắt trên vai để lau nước trầu ở miệng, thường hay đi dạo vào buổi chiều, nhất là thường đến thăm công chúa Đồng Xuân.
Cũng vì sự phế bỏ con trưởng lập con thứ, cũng vì tranh giành ngôi báu để phải chết trong ngục, cảnh anh em chém giết nhau lại một lần nữa được thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh phụ họa trong một bài thơ tứ tuyệt

          Ngã sinh chi sơ nhữ vị sinh
          Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh
          Nhứt dường cộng hưởng trấn cam vị
          Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình

được dịch là:

          Tớ đẻ trước khi chú chửa sinh
          Sau sinh chú tớ được làm anh
          Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng
          Cốt nhục mà sao nỡ dứt tình

Bài thơ "ác ôn" được làm ra trong bữa tiệc giữa vua tôi nhà Nguyễn. Vua Tự Đức vừa ăn vừa nói chuyện thơ văn một cách say sưa nên đã cắn phải lưỡi cũng là đầu đề bài thơ đã được thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh làm nhanh nhất. Kết quả là mỗi câu thơ được lãnh một lạng vàng tiền thưởng vì lời thơ hay, nhưng ý thơ lại quá ác đáng bị ghép tội "đại bất kính", vì thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh là thầy vua Thiệu Trị cho nên chỉ lãnh thêm một roi để phạt. Thấy sự đãi ngộ đối với thầy của vua không được thỏa đáng nữa cho nên thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh đã xin cáo quan về nhà dạy học.
Làm vua lúc 19 tuổi đã có vợ rồi, sau đó còn cưới thêm nhiều bà, trong số đó có bà Học Phi, mà đến 35 tuổi vẫn chưa có con. Vua Tự Đức đi tìm an ủi trong bốn chữ "Sinh ký tử quy" nghĩa là sống trên đời này chỉ là tạm bợ, chết mới thật là về nơi muôn đời.
Với tư tưởng đó, Tự Đức quyết định xây một sinh phần nguy nga gọi là Vạn Niên Cơ (tức Khiêm Lăng ngày nay). Lệnh khai trương công trường vào tháng 9 năm Giáp Tý (1864) với dự trù kéo dài 6 năm. Biện lý Nguyễn Văn Chất và Nguyễn Văn Xa muôn tâng công và trổ tài nên chỉ xin 3 năm thì xây xong. Thế là hàng ngàn dân phu, hàng trăm loại thợ dưới sự canh gác của 300 lính hàng ngày nai lưng ra làm từ sáng đến hết canh một. Cảnh khổ sai ấy gây nhiều tang tóc. Tuy Hường Bảo đã chết, con bị cải thành họ mẹ, nhưng vây cánh vẫn còn mạnh để cố loại vua Tự Đức và đưa con của Hường Bảo là Đinh Đao lên ngôi.
Lợi dụng thời cơ này, nhóm Hường Bảo đã tung câu hát để kích thích lòng căm phẫn dân chúng:

          Vạn Niên là Vạn Niên nào?
          Thành xây xương lính, hào đào máu dân

Câu ca dao quả thật không ngoa nhưng cuộc khởi nghĩa chống vua Tự Đức năm 1866 bị thất bại. Nhóm cầm đầu là Đoàn Hữu Trung (con rể Tùng Thiện Vương), Đoàn Hữu Ái và Đoàn Tư Trực (ba anh em quê quán làng Chuồn, An Truyền, Phú Vang), Trương Trọng Hòa, Nguyễn Văn Quý... đều bị lăng trì bêu đầu, tịch thu gia sản. Đinh Đạo cùng mẹ, vợ, con cái tất cả 8 người đều bị treo cổ (theo Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược)

          Nhất giang lưỡng quốc ngôn nan thuyết
          Tứ nguyệt tam Vương triệu bất  tường

nghĩa là:

          Một sông hai nước lời khó nói
          Bốn tháng ba vua, điềm chẳng lành

Một con sông Hương mà bên này (hữu ngạn) là chính phủ Nam triều, phía bên kia (Tả ngạn) là chính phủ bảo hộ mà tượng trưng là tòa Khâm sứ (ngày xưa, các nhà sử địa gia định hướng từ phương Đông sang phương Tây, từ cửa biển, cửa sông hướng về nguồn Trường Sơn thì phía bên mặt là hữu, còn phía bên trái là tả. Ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước chỉ kế tiếp nhau trong vòng 4 tháng. Câu đối rất hay là nói lên hiện tình đất nước lúc bấy giờ, tài tình là còn ghép được tên hai quan phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đương thời ở cuối hai câu.
Sau khi người Pháp đến Huế, dân gian có truyền ca câu hò:

          Mưa trên trời mưa sa xuống
          Gió ngoài Hà Nội gió thổi vô
          Kể từ ngày thất thủ kinh đô
          Ông Tây qua giăng dây thép, họa địa đồ Việt Nam

Khi vua Hàm Nghi lẩn tránh trong dãy Trường Sơn nơi mạn ngược Quảng Bình và Hà Tĩnh, có nghe câu:

          Lần theo dấu thỏ non đoài
          Miễn phò đặng chúa, dám nài chi công

Ngày thất thủ kinh đô 05.07.1885 tức là ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, nhóm chủ chiến phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, lên Tân Sở rồi theo đường núi đến Hà Tĩnh. Tại đây hịch Cần Vương được ban ra khắp nước. Dấu thỏ non đoài là ám chỉ đường mòn trên dãy Trương Sơn rất vất vả.

Phong trào Cần Vương phát động mạnh mẽ ở vùng Nam Nghĩa và Nghệ Tĩnh và những nghĩa sĩ vẫn tiếp tục kháng chiến. Ở Huế có vua Đồng Khánh được Pháp đặt lên ngôi và nhờ có quân đội Pháp nên tạm yên, bởi vậy có câu:

          Ngẫm xem thế sự thêm rầu
          Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi

Theo ông Bửu Kế thì câu này bị cấm dưới thời Đồng Khánh
Cùng một ý niệm như trên, dưới thời Đồng Khánh có câu:

          Một nhà hai chủ không hòa
          Hai vua một nước ắt là không yên

Vua Tự Đức tuy đã lấy 104 vợ mà đến năm 35 tuổi vẫn không có con nên đành phải nuôi ba người cháu gọi mình bằng bác ruột làm con nuôi:
1. Ưng Chân tức là Đức Dục Đức con Thoại Thái Vương
2. Ưng Đường tức Chánh Mông, vua Đồng Khánh con Kiên Thái Vương
3. Ưng Đăng tức Dưỡng Thiện, vua Kiến Phước con Kiên Thái Vương
Sau khi vua Kiến Phước chết, người em vua Kiến Phước, Ưng Lịch lên ngôi là vua Hàm Nghi (01.08.1884). Kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi 13 tuổi lãnh đạo phong trào Cần Vương (nghĩa là hết lòng hết sức với vua). Pháp đưa Đồng Khánh lên ngai vàng nên mới có câu hát

          Một nhà sanh đặng ba vua
          Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài

Vua còn là Đồng khánh, vua mất là vua Kiến Phước, vua thua chạy dài là Hàm Nghi.

Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần thì Kim Long là nơi đô hội. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687) đưa thủ phủ về Phú Xuân, Kim Long lại được giao cho các ông Hoàng bà Chúa. Đặc biệt con gái Kim Long phần đông làm nghề thủ công ở chỗ im mát, lại xuất thân từ các gia đình có nề nếp văn hóa cho nên vừa đẹp, vừa nết na, duyên dáng rất dễ thương... Sự hấp dẫn, nét kiều diễm của con gái Kim Long nổi tiếng và vang xa... Dân gian đã ghi nhận hiện tượng hấp dẫn đậm đà kia qua câu ca:

          Kim Long có gái mỹ miều
          Trẫm yêu, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi

Câu hát không ghi rõ "trẫm" đây là ai, nhưng nhiều người quả quyết chỉ có "Ngài Thành Thái" mới dám "liều" như thế.
Chuyện kể rằng: Vào một ngày trong Tết Nguyên Đán, vua Thành Thái cải trang thành một người dân bạch tinh đi "liều" lên Kim Long để tìm chọn một quý phi.
Đến nơi, nhìn khắp đây đó không gặp được người vừa ý, thất vọng, bèn thuê một chiếc đò ra về. Đò cặp bến, lòng ông bỗng xao xuyến khi thấy cô lái đò trong chiếc áo vá vai, đôi môi ửng hồng rất có duyên. Ông hỏi một câu rất đột ngột:
- Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?
Cô lái đò thiệt tình nhìn ông khách lạ đối đáp:
- Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chừ!
Điệu bộ và giọng nói thật thà của cô gái càng đáng yêu hơn, vua Thành Thái đổi giọng:
- Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!
Nghe rứa cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn lơ qua chỗ khác. Một khách đi đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc chừng như mới đi lễ về, tủm tỉm cười vui vẻ nói với cô gái:
- Nì, o tê! O cứ nói "ưng" để coi thử nờ!
Cô lái đánh bạo nói nhanh:
-"Ưng".
Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mui thuyền. Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng, ông bảo:
- Rứa thì quý phi ngồi để trẫm chèo cho!
Nói xong đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên vui vẻ của mọi người.
Chiếc đò xuôi theo dòng sông Hương êm ả... Cô lái không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra... Đến trước kinh thành, vua đưa đò đậu ở bến Nghinh Lương (trước Phu Văn Lâu) và bảo mọi người:
- Thôi thiên hạ đứng dậy trả tiền đò cho trẫm và tiễn quý phi vào cung!
Mọi người đều làm theo ý nhà vua, tất cả đứng dậy rời đò và đưa cô lái đò Kim long vô Nội làm quý phi của vua Thành Thái.
(Theo lời kể của Bảo Hiền, cháu nội vua Thành Thái, trong cuốn "Chuyện các bà trong cung Nguyễn")
Có người lại giải thích như sau: Thuở ấy ở Kim Long có nhà cụ Nguyễn Hữu Độ (Nay là nhà thơ Vĩnh Quốc Công). Ông này nguyên làm Kinh lược Bắc Kỳ, được Pháp đưa về bàn việc lập vua mới thay vua Hàm Nghi. Ông có ba người con gái rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh (gọi là Thánh Cung), một gả cho em vua Hàm Nghi (Ưng Quyến), còn lại người con gái út chưa chồng là Nguyễn Hữu Thị Nga. Vua Thành Thái thấy cô ta mỹ miều nên hay đi xe song mã lên chơi. Sau này 1895 bà này cũng được đưa vào cung phong làm Huyền Phi. Câu hò trên kia, theo một người cháu của tư đường Vĩnh Quốc Công, do chính miệng của vua Thành Thái nói ra để đùa với cô nàng, rồi lan dần ra công chúng.

Câu hò sau đây được cụ Ưng Bình Thục Gia cho biết là được nhiều người công nhận là có liên hệ với vua Duy Tân:

          Chiều chiều trước bến Văn Lâu
          Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
          Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
          Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
          Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non

Trước Phu Văn Lâu có ngôi nhà mát gọi là Lương Tạ, phía trước có Nghinh Lương Đình (nhà đón gió), sau có bến ngày trước dành cho Long thuyền đậu, nay để cho mọi người đến tắm hay câu cá vào mỗi buổi chiều. Tương truyền rằng vào khoảng đầu tháng 5 năm 1916, Trần Cao Vân giả dạng đến ngồi câu ở đây để chờ gặp vua Duy Tân. Chiếc thuyền thấp thoáng bên sông là chờ sẵn để đón vua trốn khỏi kinh thành. Âm mưu bị bại lộ. Vua bị bắt và bị đày sang đảo Réunion cùng một nơi với vua Thành Thái. Những người chủ mưu như Trần Cao Vân, Thái Phiên... thì bị xử chém tại pháp trường Anh Hòa. Dân Huế cảm thương va chạnh lòng cho non nước.
Pháp đã mộ lính ở các nước thuộc địa chở về đánh giặc thuê cho mẫu quốc trong đệ nhất Thế chiến (1914-1918) và đệ nhị Thế chiến (1939-1945). Vì kinh tế gia đình khó khăn nên có nhiều người phải bỏ Huế ra đi, để lại con thơ, vợ dại, thật đáng thương tâm:

          Anh đi Tây bỏ bầy con dại
          Tay dắt, tay bồng thảm hại lắm anh ơi!

Nền bảo hộ mới đã xuất hiện nhiều vua chúa và quan lại làm tay sai cho thực dân Pháp, chỉ lo vinh thân phì da, còn quốc sự thì phó mặc cho Bảo Hộ, và họ đã làm bẩn lịch sử oai hùng của dân tộc kiêu hùng Việt Nam, nên dân chúng mới đặt ra câu hỏi đáp dí dỏm như sau:

Hỏi:   Vua bù nhìn, quan tay sai
          Đố ai biết, ai đẻ ra ai?
Đáp:   Thằng Tây mới thật đại tài
          Bù nhìn khéo nặn, tay sai khéo tìm

*****

Ngày 20.07.1954 hiệp định Genève được ký kết giữa Pháp và Việt Minh đưa đến tình trạng chia đôi đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Miền Bắc thuộc chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Riêng Miền Nam, vào ngày 23.10.1954 đã tổ chức trưng cầu dân ý và ngày 26.10.1954 chính phủ Ngô Đình Diệm đã tuyên bố Việt Nam là một nước Cộng Hòa theo Tổng thống chế. Bảo Đại, vị vua thứ 13 của triều Nguyễn thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ...

Ghi chú:
Đào Duy Từ (1572-1634): Đệ nhất khai quốc công thần thời Nguyễn sơ; có tài cai trị, giỏi mưu lược. Người làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (Trung Phần). Thông minh, tinh thông kinh sử, sở trường về thơ văn, lại tinh hiểu lý số và binh thư đồ trận. Nhưng là vì con nhà xướng ca (thân phụ là Đào Tá Hán làm Quản Giáp trong nghề ca hát, rồi lên chức Linh Quan, coi đội nữ nhạc trong Đại nội dưới triều vua Lê Anh Tôn) nên không được đi thi. Phẫn chí ông rời Đông Kinh (Hà Nội sau này) đi vào Nam để xây dựng sự nghiệp.
Đến phủ Hoài Nhơn (tức phủ Bống Sơn tỉnh Bình Định ngày nay), ông vào chăn trâu cho một vị điền chủ có tên tuổi ở thôn Tùng Châu. Được quan Khám Lý Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn mến tài, trọng đức, gả con gái cho và tiến cử lên chúa Sãi dùng làm Nội Tán. Từ đó gặp thời vận, suốt 8 năm trời, ông dốc lòng giúp chúa Nguyễn, bày mưu tính kế chống quân Trịnh và có công lớn trong việc xây thành đắp lũy (lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, lũy Nhật Lệ tức Định Bắc Trường Thành- tên gọi dưới thời Thiệu Trị tục gọi lũy Thầy, trên sông Nhật Lệ ở Đồng Hới, Quảng Bình). Ông mất ngày 17 tháng 10 năm Giáp Tuất (1634), được phong tặng chức Tán trị Dực vận, Kim tử Vinh Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh tước Lộc Khê Hầu. Sau, ông được phong làm Phúc Thần, dân chúng lập đền phụng tự. Đời Gia Long ông được liệt vào hạng Công Thần Thượng Đẳng, thờ trong Thái Miếu. Đến đời Minh Mạng, tặng chức Thái Sư Hoằng Quốc Công. Ở huyện Phong Lộc (Quảng Bình) có đền thờ Đào Duy Từ gọi là đền Hoằng Quốc Công.
Lúc còn hàn vi, để tỏ chí hướng của mình muốn đem tài trí giúp chúa Nguyễn và tự ví mình như Gia Cát Lượng bên Tàu. Khi còn ẩn tại núi Ngọa Long, Đào Duy Từ viết bài "Ngọa Long cương vãn" bằng quốc âm theo thể lục bát. Ngoài ra ông còn để lại bài "Tư Dung vãn" cũng làm bằng văn quốc âm theo lối lục bát trường thiên và một bộ binh thư nhan đề: "Hổ trướng khu cơ"(*)
(*) Cao Xuân Dục: DNNTC
Quốc sử quán: Liệt truyện
Dương Quảng Hàm: VHSY- Nha học chính Đông Pháp, Hà Nội -1943.

 
 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved