CHUYẾN ĐI THĂM MIỆT DƯỚI

 
 

Trần Qúy Trâm

Thân tặng vợ chồng B.S Nguyễn Diêu miệt dưới.

Mùa thu năm 2009, vợ chồng tôi làm một chuyến thăm “miệt dưới”. Cái danh từ “miệt dưới” không biết có từ lúc nào. Theo tôi gọi nước Úc là “miệt dưới” là do người tỵ nạn Việt Nam sau 30 tháng Tư năm 75 qua Úc định cư, dịch theo chữ “Down Under” gọi bằng từ “miệt dưới” giống như miệt vườn, miệt Cần Thơ, miệt Cái Răng để nhớ lại một vùng miệt xa xôi nào đó ở vùng Nam bộ, một kỷ niệm thân thương qua từ “Miệt”.

            “...em về miệt dưới Mỹ Tho,
Cho anh viết tặng một câu thơ tình...”

Chiếc máy bay Boeing 747-400 của hãng hàng không United Airline từ phi trường quốc tế Los Angeles chở chúng tôi trên một chặng đường thật dài, bỏ lại sau lưng một cảnh thu sầu ảm đạm, lạnh lẽo rét mướt của vùng Cali, vượt hơn 7500 miles gần 15 giờ bay, tới Sydney rồi đổi máy bay về Melbourne. Đi tàu bay nầy có cái là rẻ, nhưng thức ăn thì rất yếu, toàn là thức ăn Mễ. Mấy bà chiêu đãi viên tuổi đáng bà nội, bà ngoại rất lười đi phục vụ hành khách, thỉnh thoảng đi qua đi lại mời toàn “nước”. Tôi buộc lòng kêu beer thì được một chai beer lùn màu xanh VB sản xuất tại Victoria, uống cho dễ ngủ. Sau nầy hỏi mấy dân nhậu ở Úc, họ nói đó là bia “vợ bỏ”.

Đi đón tại phi trường là ông bà sui gia vợ chồng đứa con trai và 2 cháu nội. Một tháng sau, có thêm một cháu nội gái ra chào đời nữa tại xứ “miệt dưới” này. Tôi có cơ hội đi ta bà qua Úc dài dài.

Những ngày ở Melbourne.

Melbourne, người Việt ở rất đông. Ở đây giống như ở Việt Nam, nhưng cao cấp hơn một chút. Người Việt tập trung nhiều nhất ở khu Footscray và Saint Albans. Vào buổi chiều trên con đường Hopkins tới khu vực trước chợ, người đông vô kể. Khoảng 6 giờ chiều, giá cả nhiều món hàng sụt xuống đến 50-60%. Như một Kilogram xoài trong ngày 10 Dollars Úc 1 Ký, khoảng 6:30 chiều, một anh “cà ri cay” nói tiếng Việt rất giỏi, “8 đồng một ký đây, mại dô mại dô.” Số dân Ấn độ qua đây rất nhiều, đa số là sinh viên du học, họ làm bất cứ nghề gì, kể cả tập bán hàng cho người Việt. Một buổi chiều tôi tình cờ gặp hoàng thân Bảo Chủ ở khu chơi Footscray. Hoàng thân ăn mặc rất lịch sự giống như một “gentleman” người Anh thực thụ.

Từ chỗ tôi ở Saint Albans đi lên city bằng xe lửa. Tới nhà ga Flinders thật là đồ sộ, hàng ngày hàng trăm chuyến tàu đi và về. Tiếng còi tàu với nỗi nhớ của người đi xa, nhớ về vùng đất mẹ xa xôi:

“... Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế.”

Cái âm thanh mà tôi ghi nhớ mãi đó là tiếng kêu “tạch tạch” mỗi khi khách bộ hành bấm đèn giao thông để đi qua được nghe rất vui tai.

Buổi chiều ở Melbourne, trời trong xanh. Cuộc sống người dân ở đây thanh bình quá, đi lang thang dọc bờ sông Yarra thơ mộng để tâm hồn mình thanh thản. Xa xa tiếng tàu điện leng keng như mời mọc khách tha phương:

“... Người ơi người ở đừng về...”

Ngồi bên bờ sông, ngồi bên cạnh một ông Tây câu cá từ sáng tới chiều chưa có một con cá. Ông Tây vẫn cứ vui vẻ ca hát. Tô điểm bên bờ những cây hoa xen vàng Wattle rực rỡ chao ơi là thơ mộng.

Chơi bài War ở Casino Crown thú thật với các bạn, không có bạn Nguyễn Diêu thổ công của Melbourne, thì chúng tôi không có những cuộc vui chưa từng có ở Melbournne. Diên dẫn chúng tôi vô Casino Crown.

Khác với Mỹ, casino đây ở ngay trung tâm thành phố. Xây bên bờ sông, quang cảnh rất nên thơ. Muốn shopping thì cũng vô casino, vì casino này là một dãy shopping với rất nhiều mặt hàng, đi cả ngày cũng chưa đủ. Crown này còn chơi máy, trúng thối bằng tiền coin 1 đồng, giống như những casino ở Mỹ những năm trước. Có một chỗ chơi kêu là “war” (chiến tranh). Cách chơi rất đơn giản nếu bên cái có con bồi, tôi có con đầm, thì tôi thắng. Cách chơi nầy thắng cũng nhanh và sạt nghiệp cũng rất nhanh. Chơi xong thắng hay thua, xuống hàng ăn tô mì thịt quay, ngon đáo để, hay đi ra ngoài ghé tiệm tàu, ăn cháo đêm, đủ loại cháo chủ yếu là cháo bào ngư, vì ở Úc có rất nhiều bào ngư, hay cháo đuôi Kangaroo rất bổ dưỡng. Ông ăn vào bà khen hay.

Căn nhà bạc triệu welcome các bạn

Nhà Nguyễn Diêu, anh bạn già của tôi ở Melbourne ở khu Yarraville rất đẹp trị giá cả triệu bạc. Bạn Diêu dành 2 phòng rất sang trọng để tiếp đón các bạn hiền tới Melbourne ở lại vui chơi. Một người bạn tốt chưa từng có. Nguyễn Diêu tuyên bố: “Anh em nào xuống miệt dưới, tao sẽ tiếp đón như ông tướng từ A tới Z.”

Buổi họp mặt đầu tiên, có Nguyễn Đình Hòe, Bảo Chủ và Hồ Ngọc Ánh và vài người bạn thân khác. Chúng tôi nói chuyện, ăn uống, và hát karaoke. Nguyễn Diêu đem chuyện “cái quần Biệt Động Quân và Lai Đức Thuần” ra kể, ai nấy đều cười bể bụng.

Mấy ngày sau, nhân đi dự ngày hội của Hải Quân, Nguyễn Diêu đạo diễn để tôi chụp chung với các hoa hậu phu nhân (các vị nầy vốn là cựu hoa khôi của các miệt như Huế, Đà Nẵng...) để làm cái cảnh “gươm lạc giữa rừng hoa.” Nguyễn Diêu nói: “Đợt sau hy vọng sẽ có nhiều gươm lạc giữa rừng hoa khác nữa.” Cám ơn các chị đã cho tôi một kỷ niệm rất đẹp, một bức ảnh rất ư là “thân thiện”.

Lang thang ở Phillip Island

Thời tiết ở Melbourne thay đổi 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong 1 ngày. Thành thử chúng tôi thủ trong xe 1 cái áo lạnh. Buổi sáng trời se se lạnh, tiếng chim ríu rít báo hiệu một mùa Xuân về, đến trưa nhiệt độ lên 40° C. Ngoài khơi trời lặng im. Trong không khí có cái gì khác thường. Rồi nhiệt độ bắt đầu hạ xuống khoảng 20° C. Mùa Thu lại tới. Đến tối trời bắt đầu lạnh, mùa Đông phải mang áo ấm. Chúng tôi, vợ chồng Nguyễn Diêu và vợ chồng tôi, làm một chuyến đi thăm đảo Phillip, một thắng cảnh nổi tiếng nhất của Melbourne, cách xa khoảng 140 Km. Tới nơi, dừng lại quán bên bờ biển ăn fish and chips ngon tuyệt, để chờ tới coi chim cánh cụt (Penguin) hàng ngàn con, trên đường về tổ (những cái hang) mà người ta đào sẵn. Diện tích đảo khoảng 340 Hecta, nằm dọc theo bờ biển. Đàn chim lặng lẽ đi từng đàn về tổ, gọi là Penguin Parade, giống như trong truyện Bạch Tuyết và 7 chú Lùn. Các chú Lùn trên đường về nhà thì tình cờ gặp cô nàng Bạch Tuyết. Rất tiếc, vì đường xa, nhiều khúc đường khó lái, nên chúng tôi phải về sớm, không tham dự vào cuộc diễn hành của Bầy chim cánh cụt được. Cám ơn vợ chồng bạn Nguyễn Diêu đã hướng dẫn cho chúng tôi tham quan một quang cảnh vô cùng đẹp đẽ.

Nước Úc với tiếng lóng

Những ngày ở nhà, dẫn cháu nội Richard đi học, tôi có quen một ông Tây ở cạnh nhà. Nói chuyện với ông rất khó nghe vì thỉnh thoảng ông dùng tiếng lóng. Ai tới Úc phải học dăm ba chữ lóng. Có vậy mình mới hòa nhập rất nhanh vào đời sống của dân Úc.

Năm 2004, một cặp vợ chồng Úc ở Melbourne chịu chi ra $5000 để mua đứt trademark cho câu: “Aussie, Aussie oi oi oi!”

Aussie: Australia
Oi! : Hello
Câu này dùng để ca ngợi vẻ đẹp của nước Úc.

Kangoroo: tiếng lóng Roo

Cục cưng: sweetie (sweetheart)

Ông xã: Hubby (husband)

Ngày 18 tháng 12: chúng tôi sẽ rời Melbourne để về lại Sacramento, California. Bỏ lại đây các bạn bè thân thuộc. Cho tôi gởi lời cảm ơn chân thành đến vợ chồng bạn Nguyễn Diêu, vợ chồng bạn Nguyễn Đình Hòe với cái biệt danh “Trẻ mãi không già”. Thay mặt bạn Diêu tôi thân ái mời các bạn thuộc mọi lứa tuổi của Y Khoa Huế du hành một chuyến về miệt dưới, bạn Diêu sẽ lo cho các bạn từ A đến Z.

Ngày chúng tôi rời Melbourne cũng là ngày Bé nội gái Katherine tròn 1 tháng. Nét bé bỏng và hồn nhiên của cháu và của 2 cháu nội trai Richard, Raymond khiến cho chúng tôi sẽ quay lại miệt vườn nhiều lần nữa.

Xin từ giã.
Tata: thank you
Cheerio: good bye
Avagood weekend mate: good bye friend

Sacramento ngày 4 tháng 5 năm 2010
Trần Quý Trâm

 
 
Copyright 2007-2010. ykhoahuehaingoai. All rights reserved