ĐÊM KINH HOÀNG Ở MỘT BỆNH VIỆN

 
 

Trần Qúy Trâm

Sau khi đi cải tạo về, đầu năm 1977 tôi được nhà nước Cộng sản bố trí công tác tại Bệnh viện Đại lộc. Nói là “bố trí công tác” chứ thực ra là một hình thức quản thúc, không cho đi đâu để công an dễ kiểm soát. Trong lúc tôi bị quản thúc tại Bệnh viện, ở Đà Nẵng có nhiều chuyến vượt biên trót lọt, nhưng tôi đành chịu vì đi về nhà không được. Một buổi trưa thứ Bảy, tôi dọt ẩu về Đà Nẵng thăm nhà. Sáng thứ Hai, anh Liêm - Bệnh viện trưởng - kêu tôi vô xài xể rồi nói: “Chiều thứ Bảy anh về Đà Nẵng không xin phép, có người báo cáo anh về hoạt động”. Tôi không biết, tôi hoạt động cái gì, chỉ về nhà tranh thủ làm vài cái vasectomie để kiếm thêm thu nhập, vì gia đình rất kẹt. Tôi phải làm tờ kiểm điểm từ nay không tái phạm nữa. Trước tôi, ở Bệnh viện có B.S Cao Ngọc Trản (sau tôi mấy khóa) phụ trách khoa ngoại; tôi khoa nội.  Hai anh em ở chung một phòng. Trản có nhiều kinh nghiệm về việc đề cao cảnh giác, tai vách mạch rừng. Nhất là đề phòng mấy B2 đang theo dõi tôi ngày đêm vì tôi là Bác sĩ ngụy thứ thiệt, mà lại binh chủng Biệt động quân nữa. Bác sĩ Trản ra trường, vì con một không đi lính, nên được cân nhắc làm trưởng khoa ngoại. Ở đây người nào tốt xấu B.S Trản đều báo cho tôi biết, nhất là vấn đề ăn uống, ăn sung mặc sướng là có vấn đề đó. Mấy ngày đầu ở nội trú ăn cơm bo bo với nước mắm thum thủm pha muối mặn chát chúa ăn không nổi nên tôi cẩn thận đem đồ ăn ở nhà lên, đựng trong lon Guigoz ngụy trang rất kỹ. Cẩn thận hơn nữa, tôi trang bị một lò than để hâm đồ ăn. Khi ăn hai anh em đóng cửa cẩn thận, rồi nhẹ nhàng gắp vội từng miếng thịt, thưởng thức cái hương vị đậm đà của thức ăn. Thức ăn thường là Fast Food vì sợ Bệnh viện phát hiện mình có tư tưởng tiểu tư sản, nên vợ tôi thường bới thức ăn mà tôi thích nhất: món ruốc kho sả. Khổ một cái là khi hâm lên thì mùi thơm của thức ăn bay lên nồng nàn, hương thơm cứ thế mà len qua khe cửa, đập vào mấy lỗ mũi của mấy bà cán bộ ở phòng bên cạnh. Tôi đã bị theo dõi, nên vào một buổi chiều cuối tuần, cán bộ nhân viên đi về nhà hết, B.S Trản cũng về nhà ở Ðà Nẵng (vì Trản không dính ngụy, được vô biên chế, nên ưng đi đâu thoải mái). Tôi đang nhâm nhi mấy món ăn của vợ tôi vừa mới mang lên ngày qua, đang gặm miếng xương sườn non nóng hổi ngon đáo để thì đùng một cái cửa mở toang (tôi quên cảnh giác đóng chặt cửa), hộ lý Sa tông cửa vào, miệng la bải bải: “Hết đường chối cãi rồi nhé, anh ăn đồ ăn cực kỳ, mấy lâu nay anh dấu, chết anh nhé. Anh khai là anh ăn đồ ăn toàn mắm dưa, mà sao thấy toàn là thịt cá cao cấp không hà…” Tôi cứng miệng (cũng còn vì trong miệng còn cục xương, nuốt lốn không được nên tôi cười xòa: “Báo cáo chị Hộ lý, đó là thịt c… đó, rẻ lắm, lâu ngày thèm thịt nên mới cải thiện một chút, thì chị bắt gặp. Xin chị bỏ qua đừng báo cáo anh Phấn - thủ trưởng cơ quan”. Hộ lý Sa không đợi mời, bỏ vội mấy miếng thịt vô miệng, nuốt ừng ực. “Chà, thịt bò thứ thiệt, ngon quá xá, mà anh xạo thật, anh nói là thịt c…” Anh cứ cho em ăn, em không báo cáo đâu. Anh Phấn có hỏi em, anh ăn gì, em báo cáo là anh ăn muối mắm cực khổ lắm. Anh Trản cho em ăn dài dài…” Ðược thể, tôi nổi nóng lên quát: “Nè, tao nói cho mi biết, mi có ưng ăn thì xin tao cho, mi mà báo cáo thì cái Ðảng mi cũng mất, vì sẽ bị kỷ luật vì liên hệ với ngụy.”

Hộ lý Sa, chữ nghĩa không biết, vẻ mặt đần độn. Mới tuyển vô làm Hộ lý vì ở đấy cần gánh nước từ dưới chân đồi lên bệnh viện cả trăm thước không ai gánh nổi. Y thị trước đây thời kỳ lính Cộng hòa đóng ở núi Lở (tức là đồi 50) y thị cũng có mối tình tha thiết với một anh lính Cộng hòa, nên cũng thông cảm với ngụy nên y thị hứa là không báo cáo, ngoài ra trong khoa phòng họp có chuyện gì liên quan đến tôi là y thị báo cáo cho tôi biết liền, nên tôi biết trước để đề cao cảnh giác.            
Hộ lý Sa có một sức mạnh kinh khủng. Bệnh viện nằm trên đồi, giếng nước ở dưới đồi, thế mà Hộ lý Sa được phong là “Kiện tướng gánh nước” và là đối tượng kết nạp Ðảng.

Một buổi tối trời mưa to, sấm chớp ầm ĩ, gió rít lên từng hồi, nghe như tiếng ma quái oan hồn của hàng trăm mộ ở quanh chân núi Lở, có tiếng con chim rất lạ mà tối nào tôi cũng nghe nó kêu. Nào là “sắp tới rất cơ cực!” “vượt biên mới hết cực” “mai nầy mới thấy cực”. Tiếng con chim lạ cứ kêu lên giữa đêm khuya. Tôi đang cố dỗ giấc ngủ đầy ác mộng của mình, bịt tai để không nghe tiếng chim kêu tha thiết thì bỗng cửa mở, B.S Trản người ướt như chuột lột, mặt mày tái nhợt xô cửa vào phòng la to: “Chết rồi! Anh Trâm ơi! Bị bể rồi” Tôi la lên: “Cái gì bể?” Trản nói: “Chuyến vượt biên tối qua bị bể, công an bắt hết, một mình tôi chạy thoát. Anh cất dấu dùm mấy đồ đạc của tôi. Tôi dọt đây. Ai hỏi thì anh nói : ngày qua tôi có trực ở đây. Công an đang vây bắt tôi.” Nói xong, B.S Trản mặt mũi tái ngắt, phóng xe chạy mất hút. Ngoài trời vẫn mưa gió não nùng. Người tôi run lên. Chắc phen nầy công an cũng tới bắt lại mình, vì mình có liên hệ với B.S Trản. Tôi cất dấu ít đồ dùng và sách vở của Trản rồi chờ công an tới. Quả thật, một lúc sau mấy chị Y tá trên đường vê nhà, công an chận lại không cho đi, ùn ùn chạy về Bệnh viện. “Chết rồi! Không biết chuyện gì mà công an không cho người nào ra vô Bệnh viện hết.” Mấy người xôn xao lo lắng thầm thì với nhau. Mấy phút sau, một đoàn công an đông đảo, súng ống nạp đạn sẵn, điện ở Bệnh viện tắt vì trời mưa bão to quá, công an dùng các đèn pha cực mạnh xua đàn chó sủa inh ỏi. Họ ập vô phòng của chúng tôi. Một công an chĩa súng vào tôi quát: “Anh thấy thằng Trản chạy đi đâu? Nói mau! Khôn hồn phải khai báo rõ”. Tôi chối là không biết gì cả. May mắn Hộ lý Sa ở ngoài hộc tốc chạy vào la lối: “Anh nầy là B.S Trâm, không phải B.S Trản, anh mới vào làm việc tuần vừa rồi. Ngày qua, anh mới vừa chữa bệnh cho anh Châu, thủ trưởng của các anh đó!” Ðược thể, tôi la toáng lên: “Việc gì mà các anh lại điều tra tôi!” Mãi tới khuya, sau nhiều giờ lục lọi, tịch thu đồ dùng cá nhân của B.S Trản, công an mới rút lui. Tôi nghe một công an nói vào máy điện đàm: “Báo cáo Ðồng chí thủ trưởng, tên Trản đã chạy thoát.” Thật là một đêm kinh hoàng. Ðêm đó tôi thức suốt sáng. Phần lo cho B.S Trản không biết có chạy thoát được không. Phần lo cho mình, không biết họ tìm B.S Trản không ra, họ sẽ tới bắt mình. Hai ngày sau, các Y tá Bệnh viện xầm xì to nhỏ là B.S Trản đã bị bắt, và đang bị giam tại kho đạn Ðà Nẵng. B.S Trản sau tôi mấy khóa, sau nầy nghe nói chạy chọt được thả ra và làm tại Bệnh viện Quận Nhất. Tôi thường tới chơi và 2 anh em rất thân thiết. Không hiểu sao, cách đây mấy năm, B.S Trản bị “Ramollissement cérebral” liệt một phần thân thể, nằm một chỗ rất tội nghiệp. Ngày nay, nhớ lại cái đêm kinh hoàng đó, tôi thấy như rợn tóc gáy khi nhớ lại cái quang cảnh kinh sợ đêm hôm đó. Tôi thầm nghĩ: “Nếu mình vượt biên đêm đó, công an bắt mình, chắc họ đánh chết quá”, vì mình là ngụy thứ thiệt.           

B.S Trần Quý Trâm

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved