ĐÊM Y KHOA NĂM ẤY.

 
 

 

Mấy mươi năm đã trôi qua, trước 1975, đại học Y Khoa Huế của chúng ta, hằng năm thường tổ chức Đêm Y Khoa truyền thống vào những ngày trước Tết âm lịch để thầy trò, bạn bè, gia đình sinh viên, cùng nhau họp mặt, hàn huyên tâm sự, chuyện trò trong một không gian thật đầm ấm, thân mật trong những ngày cuối đông với âm sắc của ngày Tết gần kề; để rồi sau đó, thầy trò tạm biệt, cùng nhau nghỉ Tết một thời gian.

Đôi chim Xuân đến giường,
Chim báo tin xuân đã về trong giấc mộng..
(Xuân Thì)

...Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Cất cao ly nầy...
(Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương)
...
Những bản nhạc Xuân đã ngân vang, rộn ràng phát thanh, mọi người như cũng lây lan nổi vui của đất trời. Trong sự chuyển dịch bất biến của tạo hóa, Xuân đến, Đông đi, nhìn lại niên lịch, lật bật đã đến ngày 23 tháng chạp, ngày mà nhân gian, mọi nhà rộn rịp, cúng đưa ông Táo về trời chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế để tấu trình những việc tốt xấu của mọi nhà trong năm. Thượng Đế nghe xong sẽ cho “rút ưu khuyết điểm” mà thưởng thiện, phạt ác, hoặc có “phương hướng khắc phục” cho từng gia đính trong năm mới. Mọi người Việt Nam, vào thời điểm đó, nhất là ở Huề vội mua sắm vàng mã, đôi hia, chiếc quạt, áo binh, hạt nổ và một ít tiền vàng bạc cho Ngài tiêu, và nhất là một con ngựa giấy thật tốt cho Ngài Táo dùng trong cuộc hành trình vạn dặm “round strip”...

Dân trường Y chúng tôi lại càng háo hức gấp bội, lo chuẩn bị và tập dợt mọi thứ, vì năm nay, ngoài việc cúng kiếng truyền thống nhân ngày lễ “Ông Táo Về Trời” để cầu hồn cho những xác chết vô thừa nhận mà các sinh viên mỗ thực tập, học về cấu trúc của cơ thể học. Lễ cúng kiếng này, người ta gọi là lễ xác chết (Fête de Macchabée) để cầu cho linh hồn họ được Siêu Thăng Tịnh Độ hoặc được ở nơi chốn Vĩnh Hằng - tùy theo, họ là người theo Phật giáo hay Thiên Chúa giáo. Họ được xem như những người đã hy sinh cho khoa học, đem thân xác mình, phụng sự Y giới. Họ đã đem ấn bản thực tế của cơ thể mình để giúp sinh viên trường Y, mổ xẻ,khám phá, những cấu trúc kỳ bí của xương, thịt, mạch máu, giây thần kinh, não bộ, các cơ quan nội tạng v. vv. - một bí ẩn độc quyền, thiêng liên của Tạo Hóa, mà thời trung cổ, những kẻ nào dám đem xác người mà mổ xẻ; sẽ bị kết tội là phù thủy, không tuân theo luật Chúa và sẽ bị lên giàn thiêu!

Toàn thể giáo sư cùng sinh viên trong toán mổ xác, tất cả đều kính trọng và nhớ ơn họ. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi, có một vài anh rắn mắt, thực hiện vài chiêu tinh quái để hù nhau chơi. Có một lần, không biết anh nào, lấy sợi chỉ, cột vào “cái đó”, đợi lúc mấy chị mỗ thực tập “vùng ấy”; anh chàng bèn giật nhẹ sợi dây, làm “cái đó” gật gù đứng thẳng. Mấy chị đỏ mặt, rú lên sợ hãi và ù té chạy làm cả phòng cười thoải mái..
Có anh còn bồi thêm câu:
-À đồng hồ chạy lại rồi, chỉ đúng 12 giờ.
Anh chàng này lập tức nhận ngay một cái lừ mắt, bén như dao!

...Tôi nhớ, năm 1968, sau một thời gian khá dài dạy học và làm việc căn thẳng để xây dựng Đại Học Y Khoa Huế, Giáo Sư Krainich lại đang thời gian dưỡng bệnh, nên ông đã có ý định hưu trí.
Giáo Sư  Discher mãn nhiệm, ông đã đưa gia đình về Đức; đáng lẽ phải nghỉ vacation một thời gian, thì ông vội bay trở lại Huế để kịp giảng dạy sinh viên cho xong chương trình!
Bác sĩ Alterkoster cũng đáng lý trở về Đức, nghỉ ngơi, tuy nhiên ông lại theo lời mời của người bạn gái, ở lại Huế cùng ăn Tết vói gia đình người đó!

Năm đó, buổi lễ cúng kiếng và cầu hồn cho những xác chết là chuyện thứ yếu; mục đích chính của chúng tôi với chủ đề “Đêm Tống Biệt” để đưa tiễn các thầy lên đường trở về cố quốc an dưỡng nhân những ngày nghỉ Tết truyền thống. Đó là một special party thể hiện tình lưu luyến của đám học trò, thương mến và luyến nhớ các thầy. Một tình cảm rất Đông Phương và rất Việt Nam.

Cuộc đời thường có những trùng hợp ngẫu và có nhưng linh cảm báo trước chăng?
Chủ đề của đêm đó là Đêm Tống Biệt và bản nhạc nền là bản Biệt Ly của Doãn Mẫn
Chúng tôi lên chương trình tập dợt khá công phu, ở lầu hai của trường, và thỉnh thoảng dợt ở nhà anh Hà Thúc Như Hỷ. Tôi nhớ ban nhạc gồm: Hoàng thế Định - Lead Guitar & Accord, Hoàng thế Hiệp - Bass, Hà T. Như Hỷ - Violon, Nguyễn Xuân Thanh - Guitar Hawaii, Tôn Thất Sang - Drum.
Cảm thấy còn thiếu tiếng tiêu réo rắt, chúng tôi nhờ anh Tần Hưng Toàn mời anh Đặng Nho với tài nghệ tuyệt vời phụ họa Saxo...Thế là ban nhạc tạm ổn.
Mỗi lần tập dợt ở lầu hai, chúng tôi lại làm phiền các lớp đang có giờ học. Có lần, Giáo Sư Kraiknich - Bon Papa - đang dạy về Nhi Khoa ở lớp kế bên, chúng tôi mở volum thật lớn, tay trống lại đập ồn ào quá cỡ; Bon Papa phải chạy vội ra, đến gần ban nhạc, ngón tay trỏ của bàn tay phải để dọc theo giữa miệng, con mắt trái nheo lại, miệng Papa mỉm cười và chu lại suỵt thật lớn, xong Papa nheo mắt nhìn từng nhạc công, mỉm cười nói nhỏ nhẹ:
Silence! Silence!..
Rồi ông xoay mình trở về lớp dạy tiếp..
Chúng tôi sững người, cảm động nhìn theo...

Ban trang hoàng, thiết trí sân khấu ở giàng đường thì có Võ Đăng Đàn, Ngô Trọng Thọ, Lê Thị Mỹ và một số bạn khác. Đàn nhanh tay, nhanh miệng; ở đâu có anh là ở đó có tiếng cười giòn tan như pháo nổ!

Việc nội trợ đã có các chị: Tinh Châu, Tường Ngọc, Diệm Trinh, Thiết Tranh, Bích Thụy v. vv..
Tiếp tân, chạy giấy tờ thì đã có Đặng ngọc Hồ, Hoàng Năng Cầu...
Bác Cách và anh Khôi lo việc sắp xếp bàn ghế và trật tự.
Mọi người ai cũng vui vẻ chu toàn công việc..

Thấm thoát “Đêm Tống Biệt” đã đến.
Đêm đó, khuôn viên Đại Học Y Khoa được trang hoàng lộng lẫy với từng dẫy dài đèn và hoa giấy, xen kẽ với những chùm bong bóng đủ màu sắc. Trong giảng đường, không gian lộng lẫy, thỉnh thoảng những cụm Confetti đủ màu sắc được tung lên từ mọi phía, long lanh như những chùm hoa ngũ sắc rơi xuống từ trời cao làm tan đi không khí lành lạnh của mùa đông giá rét và không gian như chợt ấm lại!

Quan khách lần lượt đến. Bạn nào cũng có đôi lứa, hoặc cùng đi với vợ, các bạn còn độc thân thì kề vai sát cánh với bạn gái. Tài từ giai nhân dập dìu.

Phòng thiết trí sân khấu ở lầu hai, cánh trái. Trong tiếng nhạc êm dịu, tiếng chào hỏi xôn xao, ban tiếp tân làm việc cật lực, tiếp đón quí vị giáo sư và quan khách cùng bạn bè vào vị trí giảng đường. Chúng tôi nhận thấy hầu như đủ mặt: ông Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, quí vị Khoa Trưởng các phân khoa khác cũng như quí thầy trong ban giảng huấn Việt - Đức của đại học Y Khoa. Tất cả quí vị đều tươi cười và nhìn chúng tôi với đôi mắt trìu mến.

Mở đầu chương trình, anh trưởng ban tổ chức, ngỏ lời chào mừng các vị giáo sư và quan khách cùng các sinh viên hiện diện, chúc mừng năm mới sắp đến (Mậu Thân), mọi người sẽ được dồi dào sức khỏe, an khương và thịnh vượng. Anh cũng thay mặt các anh chị em Y Khoa, ngỏ lời cám ơn các vị Giáo Sư người Đức đã bỏ công giảng dạy, chỉ bảo tận tình, giờ đã mãn nhiệm, sắp trở về quê hương yêu dấu của quí vị. Anh bày tỏ lòng lưu luyến của toàn thể sinh viên Y Khoa đến quí vị, lòng xót xa của người học trò sắp giả biệt những người thầy kính yêu!

Không khí như lắng đọng, tâm hồn mọi người xúc động, nghẹn ngào.

Trong phần văn nghệ, các bạn sinh viên đã đặc hết tâm hồn trình diễn những bản nhạc trữ tình, lãng mạn, nói lên tấm lòng lưu luyến của kẻ ở, người đi. Bản “Tiễn Em” đã làm xúc động mọi người, tiếp theo những ca khúc khác, mặc dầu kẻ trình bày không chuyên nghiệp, nhưng cũng gây hào hứng không ít...

Tối hôm đó, phần trình diễn ảo thuật do Patrick Hoa (Coco) biểu diễn đã làm không khí giảng đường sôi động hẳn lên. Với đôi bàn tay điêu luyện và ảo diệu, Hoa đã nuốt vào miệng rất nhiều lưỡi dao Giller rồi anh chiêu một ngụm Coca. Kế tiếp Patrick cho tay vào mồm, lần lượt kéo từng lưỡi Gillert ra, lưỡi nào cũng sắt như nước, cắt chuối như bỡn! Tôi thấy BS. Erich Wulf, giáo sư dạy neuro và tâm thần, Bác sĩ giáo sư Kauffman - dạy Physio - nhiều lần dứng lên nhìn cho rõ và cho nhiều tràng pháo tay tán thưởng Patrick Hoa nồng nhiệt.

Đến phần “bắt cóc bỏ dĩa”, ai bị kêu lên trước có quyền chỉ định người kế tiếp; không khí trở nên náo động và hồi hộp, không biết mình có bị mời lên sân khấu không?!. Tôi nhớ, hình như BS. Alterkoster và BS.Nguyễn Văn Đệ (bào huynh của BS.Nguyễn Văn Tự), đều “được”mời lên sân khấu hát hoặc kể chuyện rất sinh động.

Kế đến là phần nhạc chủ đề của Đêm Tống Biệt, bản Biệt Ly của Doãn Mẫn,  đã được chúng tôi đặt cả tâm hồn diễn tấu trong từng trường canh một. Tiếng Saxo ấm và não nuột của Đặng Nho, tiếng violon dìu dặt của H.T. Như Hỷ, tiếng Hạ uy ấm vút cao của Nguyễn Xuân Thanh, hòa cùng lead và rythm Guitar của anh em H.T Định và Hiệp trong thể điệu Slow marche mà tiếng trống lồng theo rất có hồn, nhịp điệu buồn như tiễn đưa một linh cữu!

Bóng ai sống trong hồn tôi
Xa cách nhau mong chi tìm thấy đâu ngày vui,
Biệt ly, nhớ nhung từ đây...

Tuy là bản nhạc Việt Nam, nhưng âm nhạc là ngôn ngữ quốc tế thể hiện tâm hồn, nội dung chất chứa bên trong. Với tiết tấu buồn và lưu luyến, với không khí trang nghiêm, lắng đọng; tôi nhìn các vị giáo sư người Đức, cảm thấy quí vị hiểu, quí vị đang cảm thông tấm lòng của đám học trò, nét mặt quí vị cảm động, ngẩn ngơ đến rưng rưng!..

Cuộc vui nào rồi cũng tàn, cuối cùng, chúng tôi đánh bài “Au Revoir” và hầu như mọi người, thầy trò cùng đứng dậy, cùng nắm tay nhau, vừa hát vừa nhìn nhau lưu luyến; trong ánh mắt như thầm nói rằng đây chỉ là việc chia tay tạm biệt bình thường; một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp lại nhau, cùng xây dựng một thế hệ Y Khoa, với tương lai rực sáng.

Trời đã khuya, lạnh và đầy sương.
Chậm bước xuống thang lầu, nhìn ra bãi đậu xe, thấy gia đình Giáo Sư Discher vừa lên chiếc Volswagen màu xanh đậm, rất quen thuộc với đám sinh viên. Vào xe xong, thầy còn quay lại với chúng tôi, vẫy tay cười thân ái.
Bác Sĩ Giáo Sư Krainick với phu nhân, dáng to lớn, kề vai nhau đang cưới cưới nói nói với vài vị quan khách nào đó.
Bác Sĩ Nguyễn Văn Đệ đang lùi xe...
Bác Sĩ Alterkoster đang thân mật chuyện trò với người bạn gái Việt Nam...
Dư âm của bản Biệt Ly đột nhiên lãng đãng, bàn bạc trong tôi! Linh tính như báo hiệu một điềm xấu sắp xảy ra chăng? Bài hát định mệnh chăng?

Tôi chợt nhớ Panneau của H.T.Như Hỷ vẽ, treo trên tường cánh trái của sân khấu, cũng với chủ đề “Tống Tiễn” các giáo sư Đức hưu trí về nước, sau khi mãn nhiệm kỳ:

Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén Quỳnh uống cạn, nhớ chiều trúc ty.

Panneau với nét phác họa thật đẹp và tình tứ, với con sông và chiếc thuyền con chở người đi, đang xa dần. Trên bờ, một tráng sĩ, áo trắng màu tang chế lộng gio,ù vừa xuống ngựa, tay cầm cương bồi hồi nhìn theo. Panneau mang máng gợi nhớ đến hình tượng tráng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch, một lần đi là không trở lại; một linh cảm xấu nữa chăng?!

Trời đã khuya lắm rồi, quan khách đã về hết, trả lại quang cảnh quạnh hiu với tòa building Y Khoa đang còn xây dang dở; chung quanh là hồ rau muống với những nụ hoa tím biên biếc lãng mạng, hai bên là đồng lúa hạt còn  ngậm sương.
Đâu đây, tiếng ễnh ương và côn trùng đang tấu khúc “Symphonie Pastoral” kỳ diệu muôn thủa.

Xa xa, phía Nam Hòa, vang vọng một vài tiếng súng lẻ tẻ, thỉnh thoảng một tràn đại liên xé gió giòn gia,õ xen vào những vạch đạn lửa, kẻ trên bầu trời từng tia đỏ rực như ai đó đang cầm từng cục than hồng tung thẳng lên không trung đầy ma quái...
Về hướng Tây, tít tận chân trời, ánh hỏa châu khi tỏ khi mờ, lơ lửng, mênh mang, tinh nghịch và huyền bí, hấp háy như đôi mắt kỳ bí xảo quyệt của Vị Thần Chiến Tranh đang hờm sẵn đâu đây...

Cali...
Tôn Thất Sang.

 

 
 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved