ĐÔI DÒNG TƯỞNG NIỆM

 
 

 

Cứ mỗi lần đi ngang bệnh-viện trung ương Huế là một lần tôi chợt nhớ đến Chị Cả tôi đã từng nằm điều trị tại đấy, với sự chăm sóc thật đặc biệt của một số bác sĩ nam nữ người Đức. Tôi đã có lần được tiếp xúc với ba vị với tư cách người nhà của bệnh nhân và thông dịch viên luôn thể.  Vị nam bác sĩ tôi còn nhớ được lõm bõm tên là Bác-sĩ Altekoester, người dong dỏng cao hơn tôi đến một cái đầu (tôi cao vỏn vẹn có một mét bảy muơi). Mặt mày ông khôi ngô và hiền từ. Hai nữ bác sĩ kia cũng người Đức, nhan sắc rực rỡ không khác gì hai ngôi sao màn bạc Hollywood.

Nhưng điều tất cả bệnh nhân và gia-đình của họ không ngớt trầm trồ về những bác sĩ Đức nầy, là lòng thương người bệnh của họ, một lòng thương xuất phát thật tự nhiên, thật chân thành, không hề pha lẫn một chút dè dặt hay phân biệt nào.

Tôi thường tự hỏi, động cơ nào đã đưa đến bên cạnh những người bệnh nhân gầy gò xanh xao, khốn khổ này, một loạt nam nữ trí thức nhất, đẹp đẽ nhất, thông minh nhất của nước Đức xa xuôi hùng cường?

Vì thực tế khó tin vẫn diễn ra trước mắt tôi, là hàng ngày, những bác-sĩ Đức này bằng những cử chỉ ân cần, dịu dàng, thật kiên nhẫn, họ đã săn sóc tất cả mọi người bệnh trong phòng với lòng thương chân thành và bình đẳng tận tụy xuất phát từ trái tim mình.

Niềm thắc mắc ấy càng trở nên mãnh liệt hơn khi nhiều tháng về sau, tôi lại có dịp gặp cả hai ông bà Krainick tại tư thất trong viện Đại học Huế. Số là thời-gian nầy, tôi được giao nhiệm vụ tìm một khu đất công thích hợp để xây dựng một bệnh viện Tâm Thần do Tây Đức tài-trợ.  Bệnh-viện sẽ vừa là nơi điều-trị cho bệnh nhân Việt-Nam, vừa là nơi thực tập lâm sàng cho các sinh viên y khoa đang học tập với các bác sĩ giáo sư Đức của Viện. 

Được tin tôi đã nhắm được một khoảnh đất thuận tiện trong thành phố, bà Krainick mừng quá liền cho mời tôi đến nhà và trang trọng giới thiệu với chồng công khó tôi đã đóng góp cho dự án. Đấy là lần đầu tiên tôi được vinh dự làm khách quý của đôi vợ chồng Giáo sư Đức nầy, tán thưởng những truyền thống gia đình và sự gắn bó trong nếp sống tình cảm của một đôi vợ chồng Đức, và mơ hồ cảm nhận được phần nào những động lực đã đưa đẩy giòng đời của họ đến nơi đất Việt xa xuôi của miền Viễn Đông Á Châu. Tuy nhiên, do trở ngại vấn đề hành chánh giữa đôi bên, khu đất này đã được đưa vào xử dụng cho một mục đích khác, kết quả là khu tâm thần được thành lập trên môt cơ sở cũ, gần khoa Lao bấy giờ.

Sau này, khi biến cố Mậu Thân xẩy ra, được biết cả hai Ông Bà Krainick cùng một số người ngoại quốc bị thảm sát cùng hàng ngàn dân chúng, tôi mới cảm nhận được thật sâu sắc tất cả tính chất cao quý trong tâm nguyện của họ. Tôi không rõ lắm họ theo tôn giáo nào, nhưng hiển nhiên có một sự trùng hợp lạ lùng giữa hành trạng của họ với một số hành giả theo giới bồ tát (bodhisattwas) trong đạo Phật: đó là các bậc bồ tát hành hạnh bố thí mà không câu nệ hình thức: không kể của cho, cách cho, người nhận của cho, cả ba đều coi như không.  Ngay cả sinh mạng quý báu của mình, họ cũng coi như không,  thế nên còn gọi là “hành bố thí tam luân thể không”.

Thì ra chẳng cứ ở quốc độ nào, hay ở thời gian nào,  những bậc hành giả có nhân cách phi thuờng, có tâm nguyện vĩ đại vẫn hiện hữu trên thế gian nầy. Không màng đến quyền uy sắc tài danh lợi,  họ chỉ tha thiết tâm nguyện : trên thì cầu bản thân tiến bộ tâm linh, dưới thì ngày đêm giúp đỡ chúng sanh giải thoát phiền não. Họ vẫn thường xuyên có mặt bên cạnh mà chúng ta không hề hay biết !

“Tuổi già hạt lệ như sương,” mắt tôi vẫn thấy cay cay và ươn ướt khi nhắc chuyện xưa, chuyện diễn ra đã ngót bốn thập niên mà như chỉ vừa mới xẩy đến hôm qua.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày tốt nghiệp của các anh chị bác sỹ khóa 1, khóa đầu tiên của Trường Y Khoa Huế, tôi cầu mong các anh chị may mắn, luôn luôn đem kiến thức và lòng nhân ái để giúp người, giúp đời. Tôi không phải là người trong y giới, nhưng con em tôi đã từng theo học và tốt nghiệp ở trường này. Tôi biết vào lúc ấy, hầu như tất cả các bác sỹ vừa tốt nghiệp xong phải gia nhập vào quân đội, góp xương máu, kiến thức, kinh nghiệm, nhằm bảo vệ Đất Nước trong cơn nguy biến, chỉ một vài người ở lại Trường làm giảng huấn viên đào tạo cho thế hệ tương lai. Sau đó, trong lao tù cải tạo ở miền Trung  sau 1975, tôi đã từng gặp lại một số anh chị. Điều cảm kích là các anh chị đã luôn luôn hiên ngang ngửng đầu trong cảnh đọa đày, khốn khó, cố gắng sống còn và giúp đỡ người khác vươn lên, đứng dậy.

Ước mong các anh chị  dù đang ở trong nước hay hải ngoại, dù đang vất vả hành nghề, hay đã ”gác kiếm dao” trở về vui thú điền viên, khi nào cũng nhớ đến những vần  thơ  sau đây của  Nguyễn Du, để cảm thấy, sau bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc biến động vô thường, tâm hồn mình vẫn được an nhiên bất biến, vẫn không già cỗi với tuổi đời chồng chất. Trái lại, vẫn hồn nhiên trẻ đẹp, nhờ biết cho nhiều hơn là nhận, và biết thuởng thức cuộc đời có ý nghĩa dù sống ở đâu và trong hoàn cảnh nào:

“Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân,
Bắt phong trần, phải phong trần.
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao,
Có đâu thiên vị người nào…

Có Tài mà cậy chi Tài,
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.
Đã mang lấy Nghiệp vào thân.
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”

Tháng 5/ 2007, nhớ xuân Mậu Thân Huế 1968.
Viết theo lời kể lại của thân phụ
BS. Nguyển Phước Bảo Tiên, Khoá 14.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved