Tôn Thất Sơn
Một ngày mùa đông năm 2004, Tường Ngọc chợt nói với tôi ‘’Mình đều làm công cho bệnh viện, theo điều kiện hiện hành mình được nghỉ 4 tháng có lương để học thêm về nghề nghiệp, tội chi mình không đi Bắc Kinh học thêm châm cứu anh hè’’. Tôi nói ‘‘Ừ , anh sắp nghỉ hưu rồi , mình phải lợi dụng cơ hội, chớ nếu không, mất đi cũng uổng’’. Thế là chúng tôi liên lạc với Trung tâm Châm cứu Cổ truyền Trung Hoa tại Bắc Kinh qua internet với một giáo sư và một bác sĩ mà chúng tôi quen biết từ mùa hè 2004.
Y sĩ chuyên khoa tại Nauy.
Trước khi tiếp tục câu ‘‘chuyện tầm phào’’ này, tưởng cũng nên vắn tắt vài hàng về điều
kiện làm việc của người y sĩ tại đây.
Người y sĩ tùy theo sở thích hay ‘‘định mệnh an bài’’ , chọn nghề y sĩ xí nghiệp, y sĩ gia đình, y sĩ bệnh viện, hay y sĩ điều hành ở các ty/sở. Không ai làm 2 công việc một lúc cả. Người y sĩ ngành nào cũng được quyền học thêm hậu đại học để tiến xa hơn trong nghề.
Tiến trình của 1 y sĩ bệnh viện: sau khi thi tốt nghiệp đại học y khoa là 6 năm rưởi, người y
sĩ trẻ xin làm việc với tước vị ‘‘y sĩ phụ tá’’ ( assistent lege ). Người y sĩ trẻ vừa làm việc ngành mình chọn vừa đi học thêm các khoá hậu đại học, đến khi hội đủ điều kiện về ly thuyết lẫn thực hành, tùy theo ngành từ 5 đến 12 năm, người y sĩ được một hội đồng chuyên khoa của Y sĩ Đoàn chấp nhận là chuyên khoa. Từ đó người y sĩ có quyền nạp đơn xin với chức vụ tạm dịch ‘‘Y sĩ Trưởng’’ (overlege) và được làm việc vĩnh viễn nếu không muốn đi nơi khác hoặc không bị lầm lỗi phải bị thải hồi, trong khi y sĩ phụ tá chỉ có quyền làm trong bệnh viện tối đa là 5 năm. Người ‘‘y sĩ trưởng’’ có quyền cứ 5 năm một lần được phép nghỉ 4 tháng có lương để học thêm một cái gì đó tùy mình chọn.
Tường Ngọc chuyên về sản phụ khoa, khi đi học châm cứu được hưởng 100% lương còn thêm phụ cấp một số tiền khá nhiều cho việc chi phí di chuyển, ăn ở v.v..Bệnh viện nơi tôi làm việc, chuyên về phục hồi chức năng, chỉ phụ cấp một phần nhỏ mà thôi.
Tiếp xúc với Trung tâm Châm cứu Bắc Kinh ( Acupuncture and Moxibustion Institute of China Academy of Traditional Chinese Medicine).
Vào mùa hè năm 2004, tôi cùng Tường Ngọc, nhà tôi, sang Bắc Kinh theo khóa học 3
tuần lễ về châm cứu. Người Nauy vốn nghi ngờ bất cứ cái gì gọi là ‘‘xa lạ’’ trong khi dân Trung Âu như Pháp, Đức, Anh v.v.. đã chấp nhận dùng châm cứu từ cả hơn 30 năm nay rồi.
Người Nauy mới bắt đầu để y đến châm cứu vào khoảng 5 năm trở lại đây. Một số khu sản phụ khoa bắt đầu để y đến châm cứu cho sản phụ kể từ khi công chúa Nauy yêu cầu dùng châm cứu để dễ sinh con. Tường Ngọc đi Bắc Kinh học thêm châm cứu sau khi học một khóa vỡ lòng ở Nauy rồi. Cá nhân tôi, có ít nhiều khái niêm về châm cứu nhờ học nơi một người đồng hương cách đây 20 năm tại Toulouse bên Pháp. Được vợ khuyến khích đi theo đở tay đở chân cho nàng, phải bỏ tiền túi mà đi ...du học. Từ đó chúng tôi quen với bác sĩ và giáo sư châm cúu y ở Bắc Kinh. Việc liên lạc để học hỏi phải nói là rất dễ dàng, vì qúy vị Đông y Trung hoa này rất ưa thích mỹ kim.
Chúng tôi đi Tàu 3 tháng nhưng lập chương trình học 2 tháng rưỡi. Yêu cầu một chung cư
với đầy đủ nhu cầu thiết yếu và ấn định ngày nhập học: trung tuần tháng 02 năm 2005.
Ngày mới đến
Chúng tôi đáp xuống phi trường Bắc Kinh vào xế trưa ngày 16 tháng 02 năm 2005. Người Trung Hoa vừa ăn Tết xong. Bắc Kinh đang lạnh, nhiệt độ vào khoảng 2-5 dương độ Bầu trời xám đục, thỉnh thoảng cơn gió từ Siberia thổi về, lạnh vô kể cho bộ hành. Theo ước hẹn, tài xế của chồng nữ bác sĩ Zhaohui Liu sẽ đón. Chờ hoài có đến cả giờ đồng hồ, cuối cùng phải nhờ một
nhân viên ở phi trường gọi dùm số điện thoại đã cho từ hồi chúng tôi còn ở Nauy. Té ra ông con trời đứng chờ bên ngoài phòng đợi trong khi tiếng Anh tiếng u chả có lấy một chữ hộ thân. Mọi liên lạc được thể hiện qua dấu tay.
Khi xe đổ trước sân chung cư, BS Liu đã chờ ở sẵn. Qua thỏa thuận bằng e-mail, nghĩ rằng chúng tôi một mình một chợ trong apartment rộng rãi, nào nhè không phải thế là không phải thế. Được giới thiệu chủ nhà là bạn thân thiết với BS Liu.
Vài nét về Bắc Kinh
Đây là lần thứ ba chúng tôi đến Bắc Kinh. Lần đầu vào năm 1997, cũng ngay sau dịp tết nguyên đán, cở 7-8 tháng trước khi Hongkong trở lại vào tay Tàu cộng sau 100 năm bị đế quốc Anh xâm chiếm. Nơi trung tâm thành phố, nhà nước trưng một tấm bảng to đếm lui từng giờ. Sau 8 năm, Bắc Kinh thay đổi bộ mặt, từ nhiều nhà gạch nhỏ bé đổ nát ở quanh trung tâm, nay rất nhiều chung cư mọc lên thay thế. Đứng bên ngoài nhìn vào, lối kiến trúc và màu sắc rất bắt mắt. Mỗi khu với 1 số chung cư làm thành 1 đơn vị gia cư bao bọc bởi bờ thành, có bảo vệ mặc đồng phục gác cổng. Có dịp nói chuyện với 1 hướng dẫn viên du lịch trẻ ở Quế Lâm, bảo ‘‘bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong rỗng tuếch không hà‘’.
Thành phố không biết rộng bao nhiêu, ước chừng có vẻ rộng bằng Paris (?), với 13 triệu dân cư. Hầu như không thấy nhà riêng. Thắng cảnh ‘’vĩ đại ‘’ của Bắc Kinh dành cho du khách ngoại quốc và ngay cho người Tàu ở các tỉnh xa thì ai cũng biết, khỏi cần kể ra đây làm chi.
Hệ thống di chuyển công cọng gồm xe buyt, xe taxi, xe điện và tàu điện ngầm (metro). Taxi 1 chuyến vào khoảng 1.5 - 2.5 mỹ kim, nếu xa lắm cũng 5 mỹ kim là nhiều. Tằi xế taxi không bao giờ đọc địa chỉ viết bằng mẫu tự la-tinh. Xe buyt mỗi chuyến cở 25 cents. Metro mỗi chuyến chưa được 50 cents. Tuyến metro chỉ có 1 đường ngang theo trục nam bắc và 1 tuyến chạy đường vòng quanh thành phố, và đương nhiên đi ngang quảng trường Thiên An Môn, nơi hơn 1 lần vào khoảng 5 ngàn sinh viên tắm máu đào dưới hàng trăm cổ xe tăng của lực lượng quân đi nhân dân Trung Cộng vào năm 1999. Lần này chúng tôi vì ở hơi lâu nên tiết kiệm, nghiên cứu đi metro, té ra cũng chẳng có chi khó. Trên metro, nhiều thanh niên thiếu nữ cũng biết nhường chỗ ngồi cho người già như cụ Sơn. Phần đông thanh niên hay thiếu nữ ăn mặc lịch sự, tay xách túi đựng computer cá nhân, cài điện thoại di động nơi thắt lưng quần.
Ngoài đường, lưu lượng xe hơi nay có vẻ lấn số lượng xe đạp. Công chức cở cấp trung lái xe nhỏ. Người có tiền nhờ buôn bán, nhờ ăn hối lộ phần đông lái xe Đức sản xuất như Mercedes loại 300 E trở lên, Audi loại A6, BMW cở 500 hoặc 700 và màu xe thường đen giống như ở Âu châu dành cho các cấp VIP nhà nước. Kính xe đen láng khiến người bên ngoài không thây được gì bên trong. Chủ nhân các xe xịn đó luôn có tài xế. Ở Bắc Kinh hoặc ở bất cứ đâu trên
đất nước Tàu, ở ngoài đường cái, xe hơi ưu tiên số 1, xe gắn máy ưu tiên 2, xe đạp ưu tiên 3
và người đi bộ ưu tiên bét dù có lằn vạch trắng dành cho bộ hành. Khác hẳn Âu châu, Bắc Mỹ v.v..bộ hành ưu tiên 1 ! Đường dành cho xe đạp rộng không thua chi đường dành cho xe hơi như ở các thành phố Âu châu. Đường dành cho xe hơi rộng rãi không khác chi ở Mỹ. Người đạp xe đạp, người đạp xe ba gác, ai cũng ăn mặc tươm tất nếu không nói là đẹp đẽ.
Có dịp ngồi lâu đường Nanjing Road là đại l chính của Thượng Hải chờ Ngọc đi ‘’ rửa mắt ‘’ áo quần, đồ nữ trang, tôi có dịp nhìn rõ mấy người bán trái cây dạo ở ngoài đường phố: mặc dù gánh hàng nhưng có người mặc veston, chân đi dầy da, thắt lưng lủng lẳng cell phone, không có vẻ chi lam lũ hết. Trên đường phố đông người qua lại, nhân viên vệ sinh luôn quét rác bỏ vào xe ba gác có thùng đậy kín. Họ làm việc liên miên. Hễ rác vừa thải ra là có người hốt ngay. Cũng trên đường phố Thượng Hải, có những người lượm rác ‘‘nghiệp dư‘’: đó là những thanh niên hay người xồn xồn ăn mặc không rách rưới và dơ dáy như bợm rượu chúng ta thường gặp trên đường phố Âu châu. Họ kéo bao tải hay xe 3 bánh bằng tay trái, tay phải ‘‘trang bị‘’ 1 cái kiếng. Mỗi khi đi ngang thùng rác, họ đưa nghiêng
cái kiếng vào miệng thùng rác, thế là thấy rõ cái họ muốn lượm, thường là chai nhựa đựng nước ngọt. Cách hành nghề của họ khiến tôi nghĩ đến họ bắt chước nha sĩ.
Việc buôn bán mua sắm
Những ngày cuối tuần, khách đi mua sắm đông nghẹt. Người dân địa phương thì vào các shopping centre, còn khách du lịch mũi lõ đi ‘‘chợ trời’’. Chuyện buôn bán thì thượng vàng hạ cám. Muốn mua b đồ vía 20-30 mỹ kim, 1 đôi dày kha khá cở 10-20 mỹ kim hãy ra chợ trời ! 1 cuốc taxi 2-3 mỹ kim là tới đó : Hong Qiao ( đọc là Hồng Chao ) market, Silk Street với 3-4 từng lầu. Muốn mua 1 b đồ vía từ 1000 đến 2000 mỹ kim, 1 đôi dày da Y 400-500 mỹ kim hãy đến mấy tiệm sang ở trung tâm. Mãy bà mấy cô muốn mua ví, xách Louis Vuitton , Burburry, Gucci, Channel, Fanda ‘‘nhái’’ ( copy ) , hãy hỏi mấy cô bé bán chợ trời. Họ phải thu dấu vì sợ bị bắt vì làm đồ gỉa lậu, giá 10-20 mỹ kim. Những món ‘‘thứ thiệt’’, giá cả không khác biệt so với Âu châu hay Bắc Mỹ. T-shirt hiệu Polo, Crocodile ‘‘nhái’’ giá 12-15 mỹ kim cho 5 cái, nhiều màu trông hết sẩy, mặc sức mà gom. Mặc vào ai bảo là giả, kể cả sau khi giặt xong ! Tôi chỉ đủ sức chọn mua đồ chợ trời ! Gọi là ‘‘chợ trời’’ nhưng mà các gian hàng đều nằm trong những từng lầu với nhiều sạp hàng rất ngăn nắp. Ở gần Silk Street có chợ trời nằm bên dưới hầm tàu điện hầm. Xin đừng nhầm lẫn Silk Street với Silk Market vì nơi đây họ bán tơ lụa mắc ra gì cho du khách. Tiếng Anh tiếng Mỹ của dân bán chọ trời thật ba chê, theo thao bất tuyệt, nào là ‘‘OK, OK’’, nào là ‘‘by for me my friend’’ hoặc ‘‘you kill me’’ khi khách trả 1 món hàng vừa đúng gía. Nói thách là nghề của các nàng. Ngọc thường trả 1/8 - 1/4 so với giá người bán cho. Các bà mặc sức mua South Sea Perles, rẻ rề so với gía cả ở Nauy hay ở Phước Lc Thọ. Nếu các ông đi mình ên, mua bao nhiêu chuổi hột trai về cho bà xã, cho con gái và cho ...bồ nhí .
Những buổi chiều đi học về, nhiều khi tôi mệt muốn nghỉ xả hơi thì Tường Ngọc lấy metro và taxi đi ‘‘khám phá’’ thành phố. Có những tiệm buôn bán đồ xịn với hiệu nổi tiếng thế giới. Các tiệm buôn này sang trọng không khác chi ỏ Beverley Hills ở Holywood. Nhớ lại lần đầu tiên đến Bắc Kinh năm 1997, vào mấy tiệm áo quần hỏi mua cái áo vest cho mình. Hõi , mấy người bán hàng lắc đầu, chỉ tay vào cái bụng .. nước lèo của tôi, khiến tôi cưới méo xệch. Nhìn lại chung quanh, chẳng có người nào lục tuần đi shopping, mà toàn thanh niên cở 40 trở xuống, ai bụng cũng xép ve. Mấy ông con trời này vẫn còn duy trì 1 tiệm bán đồ kỷ niệm cho du khách thứ thiệt và tiệm mang tên Friendship Store ‘‘Tiệm buôn Hữu nghị’’, gian hàng đắt ba chê. Tiệm buôn Hữu Nghị ở Thượng Hải đồ trưng bày càng đẹp và càng đắt kinh khủng hơn nữa.
Lần đầu đi mua đồ ở các tiệm ở Bắc Kinh cách đây 8 năm, vào các shopping centre lúc nào cũng có tiếp viên ăn mặc đồ vía đàng hoàng sạch sẽ. Sau khi chọn ví dụ 1 đôi dày, đưa tiếp viên ngõ y muốn mua, ở đâu cũng nghe độc nhất 1 câu tiếng Anh ‘‘Only one’’,
Có nghĩa là chỉ có 1 đôi để trưng bày, không bán. Chúng tôi hồi đó tự hỏi ‘‘Rứa không biết tiền mô mà trả công cho nhân viên trong khi họ chẳng bán chác chi cả !’’. Thế nhưng lần này thì khác, hàng hoá tràn ngập. Gần nhà chúng tôi ở, nguyên 1 con đường chen chúc các tiệm ăn, ban đêm đèn điện lấp lánh vui nhộn. Hàng ăn nào cũng có ít nhất 2 người tối tối ra đứng trước sân mời chào níu kéo khách. Xe của khách ăn tối ít khi chịu đậu bên lề đường mà ‘‘thượng’’ lên lề đường làm cản trở lưu thông cho khách bộ hành. Trên đường phố chỉ thấy cảnh sát lưu thông lái xe bình bịch. Ở mỗi ngã tư đèn xanh đèn đỏ lại có thêm 1 người mặc đồng phục kiểu dân sự điều khiển lưu thông bằng còi như còi trọng tài đá banh. Một lần tôi đi qua đường vì đèn xanh cho bộ hành bật sáng, nhưng giữa đường lại bị xe bên phải tức là phía đèn đỏ đâm vào người tôi để quẹo phải, tôi phản đối bằng cách đập tay vào kính xe nhưng tài xế vẫn lái qua mặt. Tưởng thế là xong mạnh ai nấy đi, nào nhè tự dưng sau lưng tôi 1 người xô mạnh vào lưng khiến tôi súyt chúi nhủi. Quay nhìn lại, té ra cái ông tài xế là 1 thanh niên mắc đồ vía đậu xe ngay giữa công lộ, chạy theo xí xô sừng sộ với tôi, khiến người đìều khiển lưu thông phải lắc đầu. Từ đó tôi hiểu rằng, người Tàu lái xe hơi luôn cho rằng mình ..là chủ nhân ông trên công lộ. Xăng nhớt rẻ hết sẩy.
Học châm cứu
Hè năm 2004 chúng tôi theo 1 nhóm người Nauy sang Bắc Kinh học 4 tuần. Năm nay
chúng tôi yêu cầu làm 1 chương trình học 2 tháng rưỡi, tạm gọi là ‘’ advanced course ‘’. Tường Ngọc học cách chữa 1 số bệnh về sản phụ khoa, bệnh mập phì. Tôn Thất Sơn học châm cứu chống đau bắp thịt/gân/xương, bệnh về trung tâm thần kinh vân vân...
Chúng tôi theo chương trình hàng ngày như của sinh viên y khoa Huế ngày xưa: sáng đi lâm sàng chiều học ly thuyết. Buổi trưa được nghỉ 2 tiếng đồng hồ. Tiếng Anh là ngôn ngữ tiếp xúc. Chúng tôi gặp 1 số người từ Iran, Đức, Malaysia, Mỹ, Tây ban nha. Phần đông người từ Mỹ và 1 số từ Đức đã tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Ngoài ra sinh viên các quốc gia khác không biết gì về tây y. Mỗi lần giáo sư giảng bài đều có thông dịch viên. Các thông dịch viên này rất tinh thông tiếng Anh và cũng rất rành tên các huyệt đạo.
Trong những bữa đi lâm sàng, nhiều khi bị bệnh, chúng tôi leo luôn lên giường vạch lưng vạch bụng cho giáo sư ‘’ châm ‘’ và cả ‘’ cứu ‘’ luôn thể. Sau mỗi lần, móc túi dúi vào tay giáo sư 100 Yuan ( = 12 mỹ kim ) . Phải dùng chữ ‘’ dúi ‘’ vào đây, vì chung quanh giáo sư ít nhất cũng có 4-5 sinh viên ngoại quốc bu học. Bệnh nhân người bản xứ thường trả 1 số tiền rất nhỏ cho nhà nước qua văn phòng tiếp tân mà không trực tiếp cho bác sĩ . Lần này chúng tôi gặp 1 trường hợp bệnh nhân khác đặc biệt tưởng cũng nên kể qua. Đó là 1 người Ái Nhỉ Lan tuần 3 lần đến châm cứu chỗ chúng tôi thực tập. Ông này đi với vợ là người Tầu. Ông ta khi mô cũng vui vẻ đùa với vợ trong khi châm cứu. Tay chân và cả cơ thể bị teo cơ. Cách đó 3 năm ở Ái Nhỉ Lan, bác sĩ tây y cho cái định bệnh ALS và dự liệu ông sẽ chết trong vòng 6 tháng. Bệnh nhân lúc đó ăn uống không được da bọc xương nằm trên giường chờ chết. Người phối ngẫu không chịu thua, bàn với gia đình mang chồng về Bắc Kinh chữa trị. Sau 10 lần châm cứu ông ta bắt đầu ăn được, sau đó tình trạng sức khoẻ hồi phục dần. Khi chúng tôi gặp, ông ta đi châm cứu cũng đã 10 tháng. Có 1 trường hợp khác mà người bác sĩ châm cứu cũng như TV Tàu kể lại 1 cách hãnh diện: 1 nữ phóng viên truyền hình tên Tina tốt nghiệp Đại học Nam Cali Hoa Kỳ, từng phỏng vấn Bill Gates.
Trong 1 chuyến nghỉ hè cùng bạn bè sang London chơi. chẳng may cô ta bị tai nạn thảm khốc tàu lửa cách đây 3-4 năm chi đó. Bạn chết. Cô ta bị thương não bộ trầm trọng. Sau nhiều cố gắng, bác sĩ Anh chạy làng, thông báo não bộ hết họat động. Gia đình không chấp nhận, yêu cầu 1 bác sĩ đông y từ Tàu sang Anh cho š kiến. Với 1 thời gian chờ đợi ngắn kỷ lục vì tòa đại sứ Tàu tham dự vào, người bác sĩ đông y sau khi xem xét bệnh nhân kết luận não bộ vẫn còn hoạt động, bệnh nhân chưa chết. Bác sĩ Anh nói rằng nếu thế hãy mang về Tàu mà chữa. Sau 1 thời gian dài chữa trị ở Bắc Kinh, bệnh nhân bắt đầu tỉnh lại, rồi từ từ sinh hoạt bình thường sau nhiều ngày tháng cam go tập luyện cơ thể. Mục tiêu bệnh nhân đặt ra: chạy Marathon và trở lại nghề phóng viên truyền hình như xưa! Hiện nay bệnh nhân đã chạy được 1 nghỉn 5 km!
Người học tây y không thể 1 sớm 1 chiều hiểu những ly giải bệnh lš theo đông y/châm cứu. Nếu ai đã đọc quyển Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung đều biết Lệnh Hồ Xung sở dĩ học hết bí kíp võ công của kỳ nhân trong thạch động là vì đầu óc anh ta trong sạch như tờ giấy trắng, ngược lại nhiều tay cao thủ võ nghệ tuyệt luân đã đến đấy bao nhiêu năm mà càng đọc bí kíp càng bị tẩu hỏa nhập ma, vì đầu óc họ đã nhuốm ‘‘bụi trần’’với môn võ khác mất rồi.
Dùng hiểu biết về tây y để hiểu nguyên lš bệnh đông y, người y sĩ tây y không cách chi hiểu cái logic của sự chẩn đoán và điều trị được. Có nhiều trường hợp khoa Châm cứu chỉ có 1 định bệnh trong khi tây y có nhiều định bệnh khác nhau. Cũng có trường hợp tây y chỉ có 1 cách trị bệnh cho 1 bệnh trạng trong khi khoa Châm cứu có nhiều cách chữa trị. Sau khóa học, tôi có 1 kết luận ba phải: 1 cách tổng quát, bệnh trạng phải được châm cứu theo đường kinh mạch đi ngang qua cơ quan hay khu vực bị bệnh. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 4-5 lần đến hàng tháng trời, mỗi tuần 2-3 lần.
Giáo sư - Phòng ốc
Theo sự hỏi han, ở Bắc Kinh có cở 100 giáo sư về châm cứu. Nơi tiếp đón sinh viên ngoại quốc là
Trung Tâm Y Khoa Châm Cứu Cổ Truyền Trung Hoa tại Bắc Kinh. Trong hệ thống giáo dục người ta có những cấp bậc Giáo sư, Phụ tá Giáo sư và y sĩ phụ tá. Trong hàng trăm bệnh viện ở Bắc Kinh nơi đâu cũng có 1 khoa dành cho Châm cứu. Có nhiêu trường hợp người y sĩ tây y bó tay, thường họ đẩy sang cho y sĩ châm cứu lãnh. Có bệnh nhân bị ho sau khi được mỗ tim mà tôi đoán là dây thần kinh phản xạ ho bị dao mỗ đụng nhằm, được giao cho y sĩ châm cứu. Các bệnh nhân bị strokes đều giao cho y sĩ châm cứu. Có 1 thời gian tôi đến khu bệnh nhân bại xụi, 1 nữ y sĩ 1 buổi sáng châm cứu cho cả 10-20 bệnh nhân, cô ta làm việc luôn tay. Phần đông bệnh nhân được thân nhân mang đến. Trong khu đó không có y tá, y công. Phòng đầy bụi bậm không được chùi rửa. Các dụng cụ để tập đi được dùng để mắc áo lạnh. Nhưng quân y viện tôi đến thực tập thì trang bị máy lạnh trong giường bệnh. Ở bệnh viện này ngoài y sĩ châm cứu còn có y sĩ đấm bóp.
Trung Tâm Châm Cứu là nơi chữa trị ngoại chẩn không hề có y tá hay y công. Các giường bệnh để bệnh nhân nằm kề san sát nhau không có màn ngăn cách, thành thử không bao giờ có sự bảo vệ ‘’ đời tư ‘’ bệnh nhân. Sự chẩn bệnh của y sĩ cũng đơn giản : nghe sơ sài bệnh nhân kể về triệu chứng, xem lưỡi, thế rồi châm kim .Bệnh nhân nếu không mang theo kim châm riêng, thì đều phải dùng kim đã hấp lại nhiều lần. Không hiểu da người Tàu chai cứng hay kim qúa đùi nên không cách nào tôi đâm kim được, bị thầy chê qúa sức. Người y sĩ phải tự thay ra giường cứ 1 tuần 1 lần.
Trung tâm có nhiều phòng chữa bệnh ngoại chẩn thường từ 8 đến 15 giường. Mỗi đơn vị chữa trị như thế có 1-3 giáo sư, và 2-3 y sĩ phụ tá. Giáo sư biết nói tiếng Anh không nhiều. 1 số y sĩ phụ tá có người chuyên tiếng Đại hàn, người tiếng Nhật. 1 lần, 1 người Nhật trẻ đến chữa trị, ông ta ăn mặc rất chửng chạc, khi xong, ra về cúi rạp đầu chào người thầy thuốc 1 cách trang trọng. Chúng tôi gặp nguời Mỹ, Pháp, Đức đến chữa bệnh họăc họ làm việc ở Bắc Kinh hoặc họ từ quốc gia họ. Bàn ghế ở Trung Tâm, rất bết bát. Chân ghế như sắp rụng ra, có cảm tưởng như đã hiện hữu vào thời Mao Trạch Đông chưa ra đời. Thắc mắc, được trả lời rằng nhà nước không chịu đầu tư tiền bạc vào ngành đông y. Sinh viên ngoại quốc vào học đông, các y sĩ đông y làm ra tiền trong khi các quan chức đảng viên có quyền hành chánh lại tiêu pha hết. Những người có tước hiệu giáo sư thường sang 1 số quốc gia Âu châu chữa trị châm cứu hàng mấy năm. Ông giáo sư mà chúng tôi tin tưởng từng ở Đức mấy năm. Khi chúng tôi sang Bắc Kinh, nghĩ rằng học được kinh nghiệm từ ông ta, nào nhè mới có tuần lễ, ông ấy sang Singapore làm việc luôn cả năm.
Sau này có dịp xuống thành phố Quế Lâm du lịch, chúng tôi có dịp vào quan sát 1 bệnh viện châm cứu, họ dùng châm cứu kèm theo thuốc bắc. Cách châm cứu đau lưng, khác hơn chút. Cách châm huyệt đạo cũng thay đổi tùy người. Ở 1 bệnh viện quân đi tại Bắc Kinh 1 nữ y sĩ trung tá có lối cầm kim rất đẹp. Ở 1 bệnh viện khác, 1 ông giáo sư châm kim tưởng chừng như đang ‘‘phóng kim’’ ào ào vào các huyệt đạo giống như người ta ném mũi tên vào hồng tâm. Thường thường ‘‘sinh viên’’ muốn chụp ảnh hay quay phim bệnh nhân và y sĩ lúc nào tùy hỉ. Chỉ ở khoa chữa bệnh bại xui vì tai biến mạch máu não, tôi không được phép chụp ảnh bệnh nhân.
Du lịch ra khỏi Bắc Kinh
Hè 2004, trong thời gian học chúng tôi lợi dụng cuối tuần cuối tuần đi xem Trường An ( Xi’An ) nơi người ta đào lên những mô hình bằng đất quân đi của Tần Thủy Hoàng trong khi người ta vẫn chưa biết m ông ta ở mô. Ra đi bằng hoả xa, về bằng máy bay. Hoả xa chạy 1 đêm, sáng ra tới nơi, có hướng dẫn viên du lịch đón. Toa ngủ có 4 giường, mỗi giường đều trang bị TV dẹt.
Lần này, chúng tôi dành 2 tuần lễ đi xuống miền Nam Trung Hoa. Đi cruiseship dọc theo Dương Tử Giang, bắt đầu từ Trùng Khánh và ngừng lại ở Vũ Hán. Lấy Thưọng Hải làm bàn đạp chúng tôi thăm Quế Lâm, Tô Châu, Hàng Châu .
Kỷ niệm để lại cho Tường Ngọc: Cruise Dương Tử Giang hạng bét vì người ta dùng thời gian để ăn nhiều trong khi thời gian lên bờ ít. Các chiêu đãi viên trên cruise đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong chuyến du ngọan. Khi khách đến hoặc đi họ ra cầu tàu đón hoặc tiễn, vào giờ ăn, làm chiêu đãi, buổi tối làm diễn viên trình diễn. Việc nào họ cũng xuất sắc. Quế Lâm rất nên thơ. Con tàu ngược giòng sông Li đưa chúng tôi lên miền sơn cước tạm trú qua đêm 1 thị trấn tên Yangshuo. Núi non ở Quế Lâm đặc biệt vì ngày xưa vốn nằm sâu dưới biển, đến khi hình dạng trái đất thay đổi, biển biến thành đất liền. Những trái núi thấp dầy đặc trong vùng là nguồn hứng cho họa sĩ nước Tàu. Chúng ta thấy rải rác núi non vẽ theo lối thủy mạc nơi nhiều bức tranh nổi tiếng.
Chúng tôi đến Hàng Châu vào cuối tháng 3, hoa đào nở rộ với liễu rũ quanh bờ Tây Hồ rất đẹp. Cũng vì hướng dẫn viên săp xếp không phù hợp với lòng ao ước phải thấy tức thì Tây Hồ nên có sự hờn giận của bà vợ tôi, may mà cuối cùng người đẹp cũng hài lòng sau khi hướng dẫn viên đảo lộn chương trình. Tôi thích thú các trình diễn trên nước ở Quế Lâm trong khi Tường Ngọc không ưa vì ở ngoài trời ban đêm gió lạnh. Taxi ở Thượng Hải giống như xe du lịch loại lớn. Taxi ở Bắc Kinh cở Renault 4 của Pháp. Từ 2 năm trở lại đây ở Bắc Kinh họ dùng xe Huyndai loại dù nhỏ nhưng rộng rãi hơn chút.
Anh em hội ngộ
Kể từ ngày đi vượt biên , ngoại trừ các quốc gia Âu châu và Hoa Kỳ, chúng tôi đặt chân lên 1 số quốc gia Á châu như Hongkong, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Hoa, nhưng chưa từng trở về Việt Nam. 1 lần lên máy bay ở Hongkong chờ đi Đài Loan, bên cạnh là máy bay đi Saigon. Lòng tôi xao xuyến lạ kỳ. Tôi ao ước được lên máy bay đi Việt Nam liền tù tì, nhưng không làm được và không thể làm được. Thật cay đắng. Trong chuyến đi Bắc Kinh lần này,tôi liên lạc và yêu cầu các em tôi sang Bắc Kinh để tôi được thăm. Sau trên mấy chục năm xa cách, anh em không ngờ còn thấy lại nhau. Mạ tôi nay đã 94 tuổi, chân run không đi được, gửi theo hình trong video. Ngày chia ly, ai cũng bùi ngùi nhưng không dám khóc. Chẳng biết trước khi nhắm mắt còn thấy lại được nhau lần nữa ???
Những điều trái khoáy
Ở ngoài đường, thỉnh thoảng người Tàu chính hiệu bà lang trọc hỏi đường chúng tôi thay
vì hỏi những bộ hành khác, chứng tỏ bên ngoài chúng tôi không khác người địa phương
chút nào. Thế nhưng nếp suy nghĩ khác nhau nhiều.
Vụ thuê nhà. Chúng tôi nghĩ rằng khi đã thỏa thuận thuê 1 apartment thì dù rộng hay hẹp chúng tôi toàn quyền 1 mình, trong khi người Tàu nghĩ rằng apartment rộng tại sao không nhét thêm 1 người để tăng thêm lợi tức. Hôm mới tới, BS Liu trong khi chỉ phòng ốc cho chúng tôi, thông báo rằng trong apartment chúng tôi thuê có thêm 1 thanh niên Tây Ban Nha trọ học châm cứu, vì apartment rộng rãi và lại "dư" 1 phòng trống. Nghe xong hai chúng tôi muốn té xỉu xuống sàn nhà. Phải mất 2 tuần lễ "phấn đãu" cò cưa với BS Liu chúng tôi mới "đá" đuợc người bạn bất đắc dĩ ra khỏi chung cư. Đêm mô đi ngủ cũng sợ ông thanh niên đưa du đảng vô cướp.
Tưởng sang Bắc Kinh sẽ theo học với 1 số sinh viên khác với Trung Tâm Châm cứu, nhưng BS Liu lại cho chúng tôi làm ‘‘sinh viên học tư’’, chúng tôi trả tiền trực tiếp cho bà và bà ta ‘‘thuê’’ các giáo sư và bác sĩ cũng làm việc tại Trung Tâm đó ‘‘dạy tư’’ . Trước khi sang Bắc Kinh chúng tôi hỏi giá cả giờ học, giờ thực tập trong thời gian 10 tuần lễ. Chúng tôi dự định dùng 2 tuần lễ cùng với anh chị từ Mỹ bay sang đi Nhật rồi Thượng Hải. Nào ngờ vào giờ chót họ bị kẹt, khiến chúng tôi đổi chương trình du lịch không sang Nhật nữa Sợ rắc rối giấy tờ với nước Cộng sản đại cột kệt nên trước khi đi Bắc Kinh chúng tôi lo từng chi tiết ở Nauy, nhưng cuối cùng chúng tôi lại bị rắc rối vì cái vụ kỷ càng đó, khiến BS Liu bắt buộc phải "khổ theo", chạy lui chạy lại ba lần mới được công an cho phép ở lại thêm 2 tuần đến cuối tháng 04-05 . Tiếp theo đó phải quà cáp ‘’ mang ơn ‘’ cái người ’’ chứng nhận cuội’’.
BS Liu bắt buộc chúng tôi phải trả tiền học và thực tập cả 12 tuần. Chúng tôi khước từ, thế
là những màn hỷ nộ ái ố diễn ra. Hết màn lên ruột đuổi ông khách không mời lại đến màn
chạy giấy tờ với công an rồi đến màn đòi tiền v.v.. Khổ vì những lẩm cẩm xẩy ra.
Trong 2 tuần lễ ở miền Nam Trung hoa, có khi chúng tôi theo hướng dẫn viên du lịch được tổ chức từ hảng du lịch địa phương, đồ ăn không hợp miệng. Chúng tôi nhiều lần chỉ cho hướng dẫn viên thấy chén dĩa đựng đồ ăn sứt cạnh v.v.. Có lần đồ ăn dở qúa, chúng tôi phải kêu riêng món cá hấp và nằm sô pha chờ họ đi .. câu cá. Lần vào 1 khách sạn ở Yangshuo, khăn trải giường đã dùng rồi nhưng được vuốt lại để dùng tiếp.
Tàu Cộng theo 1 chính thể mà thế giới đã vứt bỏ từ cuối thế kỷ trước. Vừa mới đây Quốc hội Âu châu lên án với nghị quyết 1481 nhưng cũng rất muốn sánh vai cùng thế giới để 1 ngày nào đó ngồi trên đầu thế giới luôn. 1 điểm son của cảnh sát. Buổì chiều hôm ở Quế Lâm, trên đường đi phi trường để trở lại Thượng Hải, tài xế xe chúng tôi tông nhằm 1 chiếc xe du lịch. Không tài xế nào chịu tài xế nào về chuyện lỗi phải, đương nhiên cảnh sát phải dính vô. Chiếc xe chở chúng tôi phải ‘‘về bóp’’ . Sợ trễ chuyến bay, xe cảnh sát đưa luôn chúng tôi đi phi trường.
Món ăn Tàu.
Kể chuyện đi Tàu mà không nói đến món ăn xứ náy, là điều thiếu sót lớn. Chúng tôi không được ăn sơn hào hải vị nấu theo kiểu Tàu như thế nào, song món ăn bình thường trong các tiệm ăn chẳng hợp khẩu vị . Món Vịt Bắc Kinh mà sách vở hay nhắc đến, chẳng thấy ngon, nhưng cũng món đó mà nấu ở Nauy, lại ngon hơn. Ở Trường An, được giới thiệu nhiều kiểu dumpling khác nhau, ăn vô chán ngấy. Vào tiệm ăn, thường chúng tôi chọn món cá hấp. Mỗi khi đi ’’ kéo ghế ’’, thế nào 1 chú cá sống vì chúng tôi mà thác oan. Hồi lần đầu tiên đến Bắc Kinh, tình cờ gặp giữa đường người ta bán khoai nướng. Ăn củ khoai vàng rệu chảy nước đường nóng hổi trên môi trên lưỡi giữa khí trời lạnh, thật tuyệt. Sau này chúng tôi canh chừng, mỗi khi xuống ga metro nhìn quanh xem có khoai nướng để mua đem về nhà ăn. Người Tàu tổ chức những quầy hàng ăn bình dân ở tầng dưới các shoping centre, với nhiều món khác nhau rất vệ sinh, không hợp khẩu vị nhưng rẽ. Chỉ cần 1.2 mỹ kim là có 1 tô mì.
Khi trở lại Nauy
nói về món ăn Tàu, Tường Ngọc kết luận ‘‘chỉ có món khoai nướng là ... ngon nhất hạng’’.
Nói chuyện ăn mà quyên chuyện ... ị, là 1 thiếu sót lớn nếu chúng ta ở trên đất Tàu. Ở đó
cho đến nay họ có 2 hệ thống cầu tiêu: loại cầu ngồi thoải mái như ở Âu Mỹ và 1 loại
ngồi chò hỏ. Ở các nơi du lịch thì còn sạch sẻ, chứ ở các nhà hàng, ga xe lửa dơ dáy vô cùng. Nhiều khi .. buồn ..,bước vô thấy 1 đống nơi cầu chò hỏ, mình bị ..bón và bước ra ngay. Đi chơi phố, đi shopping, nhớ mang theo giấy ...đi ị.
Kết luận:
Theo lịch sử đông y Tàu, ngành châm cứu cùa Trung Hoa đẵ có 15-16 thế kỷ trước Tây lịch .
Chứng tích còn để lại là kim châm làm bằng đá. Nguời Tàu có 1 nền văn minh xưa cổ với 1 số kiến trúc vĩ đại và đất nước họ có phong cảnh tuyệt vời như Tây hồ, như Quế Lâm v.v.. Chúng tôi không ưa chế độ cộng sản, nhưng chúng tôi vẫn thích ngắm cảnh trí, công trình của người xưa. Riêng về khoa chữa bệnh thì đông y góp 1 phần nào công trình cho nhân loại, chúng tôi muốn học hỏi. Biển học vô bờ. Có thể 1 ngày nào đó chúng tôi nếu chưa chết sẽ đặt chân trở lại đất nước của ‘‘bọn giặc Bắc phương’’ để ngắm cảnh, để học thêm về Châm Cứu, trong khi chờ 1 ngày nào đó trở lại Quê Hương, 1 lần trước khi nhắm mắt.
Chớm Xuân Bắc Âu 2006
Tôn thất Sơn |