Đại Học Y Khoa Huế.

 
 

Lê Bá Vận

Trường Trung Học Đồng Khánh và Khải Định từ lâu đã là niềm kiêu hảnh của Huế, kinh đô miền Trung. “Cẩm thượng thiêm hoa”, trên gấm đã đẹp lại thêm hoa, với sự thành lập của Viện Đại Học Huế, gồm trường Đại Học Y Khoa, một điểm son của nền Cọng Hòa sơ khởi. Nhưng thế rồi, với ngày 30/4/75 tất cả đều bị quét sạch, cái gì còn lại chỉ là bóng ma của một nền giáo dục tự do, và nền Đại Học tự trị trước kia nay được quản lý chặt chẻ như tất cả cơ quan khác theo chỉ tiêu pháo lệnh Trung Ương. Nhìn lại quá khứ, trong ấn phẩm kỷ niệm 40 năm Viện Đại Học Huế (1957-97), Ban Biên tập đã chia quá trình chuyển hóa Viện Đại Học Huế thành các giai đoạn sau (Dòng Việt 1997-tr.3):

  1. Giai đoạn 1957-63: Thời kỳ xây dựng phát triển
  2. Giai đoạn 1963-66: Viện Đại Học  bị phân hóa, tan rã lãnh đạo do các biến chuyển chính trị, tôn giáo.
  3. Giai đoạn 1966-75: Viện ĐH nổ lực phục hồi, song do tình hình mọi mặt khác xưa chỉ sống còn chờ ngày chạy lọan.
  4. Cuộc diện sau 1975: Viện ĐH Huế sống dưới chế độ cọng sản, dưới sự trấn áp của chủ nghĩa Mác lê.

Sự sắp xếp các giai đoạn của Viện ĐH Huế nói chung là như thế. Song trường Y Khoa có những nét đặc thù riêng. Tôi nghĩ nên chia các giai đoạn ở ĐH YK Huế theo các thay đổi lãnh đạo. Thật vậy mỗi lần thay đổi khoa trưởng ở YK là mổi lần sóng gió và có “tân quân tân chế”. Điều này khác hẳn với ở các trường ĐH khác trong viện, mà các lãnh đạo hoặc xin thuyên chuyển vào Sài Gòn, hoặc du học dài hạn, tư nguyện rời bỏ chức vụ. Do trên, tôi chia các giai đoạn chuyển hóa ở ĐH YK Huế như sau:  Giai đoạn (1) 1961-1967;  Giai Đoạn (2) 1967-1972;  Giai Đoạn (3) 1972-1975; Giai Đoạn (4) sau 1975.

DHYKH

1. Giai Đoạn 1961-67. Bách sự đầu nan. Nhưng đầu xuôi đầu lọt. ĐHYK Huế thai nghén khó khăn, nhưng khi đã chào đời, thì tỏ ra cứng cát, không thể hủy diệt. Thật vậy, ĐHYK Huế có những thế mạnh rỏ rệt, về đội ngũ giảng huấn, cơ sở thực hành lâm sàng, cận lâm sàng. Đội ngũ giảng huấn thượng thặng, hùng hậu gồm:

  • Các GS, BS Đức Quốc, lâm sàng và khoa học căn bản đầy đủ dược phẩm, dụng cụ từ Đức. GS Thạc Sĩ Nhi Khoa H. Krainig, trưởng đoàn, có quyết tâm đào tạo SV Huế thành những mẫu người y sĩ đầy đủ khả năng không thua kém bất cứ một ĐHYK nào trên thế giới, Tôi nghĩ nền y Khoa Anh và Đức coi như hàng đầu Châu Âu.
  • Các GS và BSĩ Pháp trong phái bộ hợp tác kỹ thuật Pháp về Ngoại phẫu.
  • Các BSĩ quân y Hoa Kỳ thường năng lui tới làm việc tại BV Huế, Đà Nẳng.
  • Ban Giảng Huấn Việt, trẻ, có thực học gồm nhiều cựu Nội Trú Bệnh Viện, cũng có ba Ngoại Trú Bệnh Viện xuất sắc mà nay đều đã ra người thiên cổ từ nhiều năm.
  • Một số đông BSĩ Việt ưu tú được BSĩ LK Quyến mời từ Pháp quốc về BViện Huế hoặc Trường YK từ những năm 57-58.
  • Khoa học cơ bản gồm các Tiến Sĩ Khoa Học, Sinh Hóa, Dược Lý, Vi Sinh…cùng nhiều Dược sĩ cùng làm việc với phái bộ Đức quốc.

BS NV Thuận (khoá 1) cho biết: “Trò ít, thầy nhiều, biết mặt biết tên, trốn học mỗi buổi sáng cũng không xong, đi trể một giờ cũng thấy khó chịu.” Ở ĐHYK Hà Nội, Sài Gòn có như thế không? Cơ sở thực hành gồm BViện Huế, và sau đó thêm BViện Toàn Khoa Đà Nẵng. BViện Huế là một bệnh viện Trung Ương, trên cả BViện Toàn Khoa, Đa Khoa, chuyên khoa. BV TU Huế gồm 1400 giường bệnh, lớn nhất toàn quốc hồi đó, cả Hà Nội lẫn Saigon. BS LK Quyến, Giám Đốc BVTU Huế, đồng thời là Giám Đốc/Thanh Tra Y Tế Trung Phần, quyền uy rất lớn, đã chuẩn bị đầy đũ từ lâu kế hoạch biến BVTU Huế thành một BV thực hành cho một trường YK: mời các BS từ Pháp du học trở về, trang bị phong phú khoa Dược, khoa Xét Nghiệm, Ngân Hàng Huyết. Đặc biệt X. Quang là một thế mạnh với BSĩ NKN Anh, chuyên khoa X. Quang từ Pháp về làm Trưởng Khoa. BVTU Huế làm đầy đủ các xét nghiệm phục vụ điều trị và giảng dạy giống hệt ở BViện Bạch Mai (Nội), BViện Phú Doãn (ngoại) ở Hà Nội trước 1954 mà tôi biết rõ, và giống hệt BViện Chợ rẩy, Bình Dân ở Saigon các năm 60. Không thiếu một xét nghiệm nào, mà lại có lợi điểm là tập trung phương tiện và nhân sự về một nơi. Các năm đầu thập niên 60, tôi là BSĩ Thường Trú của BVTU Huế, trong Ban Giám Đốc, nên hiểu rõ, và so sánh được với ở Hà Nội lẫn Saigon cùng thời điểm (Hà Nội thì trước 54).

GS R. Discher lại thiết lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại ngay khoa Nội, để làm một số xét nghiệm đặc biệt, điều này tôi không thấy ở Hà Nội hoặc Saigon. Về Bệnh Mô (pathology) thì các bệnh mẫu, ai cũng phải gởi về Viện Pasteur, ca khó gởi qua Pháp. Sau này YK Huế có BS TT Chiểu, Trưởng Khu. Với cơ sở, quá trình giảng dạy và học tập trên, với thông minh và chịu khó của con dân Huế, con dân Miền Trung, sản phẩm đào tạo tất phải hàng xịn.
Tôi không có đó, nhưng nghe thuật lại, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, các SViên YKHuế tạm lánh vào Saigon học tập cùng với các SViên YK Saigon, được đánh giá so sánh “cù cưa ngang ngữa”, “bạng duật tương trì”, thậm chí có khi “ ta già tám lạng, bạn sém nữa cân”. Đặc biệt khóa 1, khóa con so đầu lòng được các đàn em gọi là khóa huyền thoại, khóa trưởng tràng, rất xuất sắc, song các khóa kế tiếp xem ra cũng đồng cân đồng lạng không thua sút. Tuy vậy, quyền huynh thế phụ, anh Hai, Đại sư huynh là lớn lắm. Ra trường nay 40 năm (67-07), “tứ thập bất hoặc” (quá sức chín chắn). Vẫn biết: “Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập”, song nếu được người khen, mà nếu đó là AMA (American Medical Association) khen ngợi thì thật là phấn khởi. ĐHYK Huế thành lập và sinh tồn không hề phụ thuộc vào quyết định của AMA -mặc dầu Trường luôn cố tranh thủ sự giúp đở của cơ quan này và có đôi chút thành công các năm gần cuối 75- do đó sự đánh giá cao của AMA đối với Trường là khách quan và giá trị. Người Mỹ không nói bâng quơ, họ nói là có cơ sở, có bằng chứng rõ ràng: Có lửa tất có khói, có gió tất có sóng, là những hiện tượng vật lý thiên nhiên; có tích mới có tuồng, có đơn đảng mới có tham nhũng là những hiện tượng văn học nghệ thuật, chính trị xã hội luôn nghiệm đúng. Có răng rồi mới rứa.

Năm 1973, ĐHYK Huế có tổ chức Hội thảo Y Tế Cộng Đồng. Tiến Sĩ Ira Singer thuộc AMA ở Saigon đã ra Huế tham dự luôn mấy ngày. Năm 74, BSĩ Hoover, AMA Saigon ra Huế. Trường YK Huế đã dành chiếc Mazda mới của Trường cho BSĩ Hoover xử dụng tự lái suốt ngót một tuần lễ để đi công việc, tiếp xúc, tham quan này kia, tìm hiểu tất cả gì ông muốn biết, không hề có sự giàn cảnh của Trường. Tôi nghĩ TSĩ I. Singer và BSĩ Hoover đã thu thập được nhiều tài liệu để đến năm 1988 viết một bài nhận định về YK ở VN trước 1975 trong đó có đánh giá cao ĐHYK Huế. BS TT Sum có viết về điều này trong T.San 1991, BS NV Thuận lại nói rỏ hơn trong Dòng Việt 1997. Như sau, tôi chép lại:
Trong một cuốn sách về Trường YK Saigon (Saigon Medical School, an experiment in international medical education) bởi các Bsĩ GH. William Ruhe, M.D, Norman W. Hoover, M. D, và Ira Singer, Ph.D, do AMA xuất bản năm 1988 có đoạn nhận xét về Trường YK Huế: “…the University of Hue had a vigorous school of Medicine with a majority of young faculty providing excellent instruction to approximately 60 students in each class. In many ways, the school at Hue seemed likely to surpass the school at Saigon in moving forward with modern techniques of medical education. This was due partly to the presence of a young and vigorous faculty in Hue, and partly to the lack of resistance to change by traditional entrenched faculty and political structures.” (Dòng Việt 1997, Tr. 91).

Về lãnh đạo Trường trong giai đoạn hồng hoang là GS LT Vĩnh, Khoa Trưởng đầu tiên, song chỉ nắm chức danh, giúp xúc tác, sau ít tháng trở về Pháp, không sang lại. Xét nội bộ, và để qua một bên các khía cạnh chính trị gây tranh luận, BS LK Quyến đã chứng tỏ là vị khai sơn tổ sư. SV YK Huế coi như có hai ông Thầy mà vừa là Cha. Đó là GS. H. Krainig và BS LK Quyến (bọ Quyến, bọ là tiếng Huế rất thân thương để gọi cha). Không có hai vị Thầy và Cha đó chưa chắc họ (SViên) tất cả đã trở thành những Bác Sĩ tài ba làm rạng danh cho Trường ngày nay. BS Quyến cũng là một huynh trưởng chí tình của ban Giảng Huấn Việt. Ông đã tìm cách lần lượt gởi tất cả đi học nước ngoài, Pháp có, Anh có, chủ yếu ta đi Đức với sự giúp đỡ của các GS Đức ở Trường. Tôi cũng không là ngoại lệ. Tuy tôi không xin đi Đức, nhưng tôi rất mến nước Đức. Quê ngoại tôi có tên là Đức Phổ (Đức và Phổ đồng nghĩa) một xả lớn mà tôi rất yêu thương. Đến nổi lúc nhỏ tôi thuộc lòng bài vè những gần 30 câu, kêu gọi thanh niên Việt Nam tùng chinh qua giúp Pháp đánh Đức, thế mà tôi vẫn không mong Pháp thắng Đức thua. Chuyện con nít, nhưng tình cảm đó không phai nhạt. Tôi không đi Anh, Pháp, Đức vì vào khoảng cuối năm 64, đầu 65 tôi thi và có bằng ECFMG; BS Quyến cạy cục gởi tôi đi học Mỹ sau đó.

BS LK Quyến có công to lớn với Trường, nhân từ bác ái như thế, tôi nghĩ mỗi khi hội Ái Hữu họp mặt quan trọng nên dành đôi phút tưởng niệm người Thầy này, và cả GS Krainig. Sau khi BS Quyến từ giả Trường (lại lý do chính trị!) thì để lại một khoảng trống lãnh đạo. Các BS LV Bách rồi TT An, rồi LV Bách trở lại, lần lượt hình như làm Trưởng Ban Đại Diện Trường và tình hình ban giảng huấn Việt lúc đó cũng có rối răm nội bộ trong nhiều tháng, e hơn cả năm cho đến khi BS BD Tâm được bổ nhiệm làm Khoa Trưởng chính thức thì “thế lớn trong thiên hạ mới thu về một mối, lòng người mới ổn định” và một kỷ nguyên mới bắt đầu. Để đánh giá giai đoạn này theo phương thức “gia đình 4 tốt” áp dụng sau 75, tôi ghi nhận:
Lãnh đạo : ½ tốt (vì có dính chính trị). Ban giảng huấn: 1 tốt
Sinh Viên: ½ tốt ( vì có xuống đường, Chính trị). Quan hệ Viện : 1 tốt
Tổng cọng: 3 tốt, vừa đủ để đạt chỉ tiêu xuất sắc (đây là những từ Cách Mạng về bình bầu thi đua, sơ tổng kết, dùng lâu quen tính. Xin sẽ điều chỉnh dần).

2. Giai Đoạn 67-72. Cuối 67, GS BD Tâm đảm nhiệm lãnh đạo Trường đem lại một niềm tin tưởng mới, một sinh khí mới: nắng hạn gặp mưa rào, cây héo gặp tiết xuân. Nhưng rồi, đất bằng bỗng nổi phong ba, chỉ ít tháng sau xẩy ra thảm họa biến cố tết Mậu Thân 68. Huế bị phá hủy khá nhiều và hoàn cảnh Trường đặt ra một thử thách lớn cho tài lãnh đạo của vị Tân Khoa Trưởng. Dĩ nhiên “xa đáo sơn tiền tất hữu lộ” xe đến trước núi tất có đường đi, thế nào cũng có giải pháp này kia cho YK Huế; song 36 chước, tạm chạy vào Nam là thượng sách. Nhưng “có cứng mới đứng đầu gió” phải có bản lãnh mới làm tốt được việc này, và GS BD Tâm đã thành công. Cũng trong tinh thần “lá lành đùm lá rách” ĐH YK Saigon, các BV Saigon, BV Grall (Pháp), Tổng Y Viện Cọng Hoà (quân y) đã mở rộng vòng tay cưu mang SV Huế (BS NV Thuận, Dòng Việt, Tr. 90) trong khoảng thời gian lánh nạn. Trở về Huế học lại, yên được khá nhiều năm, đỏ da thắm thịt thì lại xẩy ra biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa Quảng Trị 1972. Q .Trị thất thủ và tái chiếm, trận đánh ác liệt, song Huế không là bải chiến trường. Trường chạy lánh vào Đà Nẳng rồi lại ra bắt đầu niên khóa mới thì cuối năm 1972, do tình hình mới đặt ra, GS BD Tâm rời chức vụ lãnh đạo. Một Khoa Trưởng mới được chính thức bổ nhiệm qua tiến trình: biên bản Hội Đồng Khoa, đề cử Viện, quyết định Bộ và lễ nhậm chức trọng thể.

Đánh giá giai đoạn này có thể như sau:
Lãnh đạo: tốt; Ban Giảng Huấn : tốt; Sinh Viên : tốt; Quan hệ Viện : kém.
Tổng cọng: 3 tốt, đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất sắc.

3. Giai Đoạn 72-75. Giai đoạn này rất ổn định, “bất lao nhi hoạch” thừa hưởng được các thành quả các đời trước “khai quốc kiến quốc”. Đặc biệc Ban Giảng Huấn có nhiều bạn tốt nghiệp từ trường mẹ ra. Đó là chiến thuật “Dĩ chiến dưỡng chiến” dùng chiến lợi phẩm của chiến tranh để nuôi dưỡng chiến tranh, dùng các cựu SViên để nuôi dưỡng về lâu về dài. Các tân Giảng Nghiệm Viên này là những cựu SViên ưu tú nhất của Trường. Tôi xem các bạn này như là những cựu Nội Trú BV thời chúng tôi, chẳng qua Trường không mở kỳ thi tuyển mà thôi (kỳ thi Nội Trú mở trong lúc còn là SViên, phải tự học để thi). Có thể đánh giá giai đoạn này như sau:

Lãnh đạo: tốt, vững như kiền ba chân (ban Giám Hiệu); Ban Giảng Huấn: tốt
Sinh Viên: tốt; Quan hệ Viện: tốt.
Tổng cọng : 4 tốt, vượt chỉ tiêu xuất sắc.

Trường quá ổn định về đủ mọi mặt. Ở Đà Nẳng thì Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà được thành lập với sự bảo trợ của Viện ĐH Huế trong không khí tưng bừng, tin tưởng. Ai ngờ, mà thường là vậy, bầu trời trong vắt quá, yên tỉnh quá, không gợn một tí mây, không một ngọn gió lại thường là điềm báo cho những cơn bão tố dữ dằn nhất sắp sập đến. Cơn sóng thần địa chấn 30/4/75 kéo đến điên cuồng nhận chìm đắm cả miền Nam tự do trong đau thương tan tóc. Tính ra từ năm Dự Bị Y Khoa đầu tiên (1960) cho đến ngày cuối cùng cuả nền Quốc Gia Cọng Hòa "mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình" cũng bằng thời gian cô Kiều luân lạc giang hồ. Trong mọi hoàn cảnh ĐHYK Huế vẫn mạnh mẽ vươn lên. Các cựu Sinh Viên trường, chạy lạc qua xứ người, đã thành danh làm vẻ vang cho Trường. Họ đã thành lập Hội AHĐHYK Huế Hải Ngoại, tập trung đồng môn mọi khóa trước sau, làm nơi nương tựa, vui mừng gặp mặt, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau "Ong cùng tổ, Chim cùng bầy, Birds of a feather flock together".

4. Giai Đoạn sau 75. ĐH YK Huế vẫn còn đó. Nó không thể hủy diệt. Xác cũ hồn mới nó vẫn phat triển, trổ thêm cành, lá, hoa. Song bầu không khí tự do, tự trị, trân trọng từ xưa trong đời sống sinh hoạt Đại Học nay chỉ còn là dĩ vãng.

Các giai đoạn chuyển biến ở ĐH YK Huế thì như thế. Luận công lao thì sao? Ai có tên trong bảng Phong Thần? Cũng đã hơn 30 năm sau ngày 30/4/75, ta có thể yên tâm có những nhận định chin chắn, mà cũng là dễ dàng thôi.
BS LK Quyến công lao lớn nhất, vượt xa, dựng nước, trăm ngàn khó khăn.
GS BD Tâm công lao lớn, giữ nước giải nguy.
Các GS LV Bách, NV Tự, TT An, VĐ Đài, NM Hùng đều công lao lớn, giúp điều hành Trường trong những hoàn cảnh khó khăn, hoặc những thời gian dài.

Trong bối cảnh trên, tôi thì sao?
“Thật vàng không sợ chi lửa” Tôi cũng tự xin làm bản tự phê, tự kiểm, khai lý lịch, (khai từ khi đẻ, lẫn họ hàng, bạn bè, giúp chống cọng ra sao!). Chuyện này tôi làm quá quen thuộc, làm lui làm tới thời tôi còn ở với các ổng, sau 1975. Tôi xin làm bản tự khai như sau.
Từ 1960 đến 1972 tôi an phận thủ thường, chỉ chú ý chuyên môn, Trường và Bệnh Viện, nhưng cũng không đến nỗi: “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn” vì cũng có đôi chút quan sát nhận xét chung quanh. Đó là những năm lắm chuyện này kia ở nội bộ Trường, Viện, Huế. “La mã không xây dựng trong một ngày”. Thời gian tôi làm Khoa Trưởng, những năm tháng trước cuối tháng 4/75, tuy có nhiều chương trình, nhiều hoài bão, và nhất là nhiều thiện chí, song đúng như lời GS VĐ Đài đã nhận xét: “thời gian quá ngắn để Thầy có thể đem hết tài năng của mình ra thi thố” (T.San 06, Tr.12). “Cháo nóng húp quanh, nợ trả dần”. Nợ vừa vay, cháo còn nóng, rút cuộc tôi cũng chưa hoàn thành được việc gì, cái gì cũng còn nữa sống nữa chín. “Vô công bất thọ lộc”, không công lao, tôi chẳng giám nhận tước lộc gì đặc biệt. Luận công rồi xét tội thì trong thời gian trên tôi cũng chưa làm gì thất thố, các bạn bè không ai mếch lòng (tôi chủ quan nghĩ thế), trên dưới hòa thuận chung lo việc Trường. Vậy là vô công, vô tội. Lòng tôi cũng thư thái và đôi chút an ủi “ thà một phút huy hoang rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Giọng ngâm thơ cảm khái, thấm lòng của Hồ Điệp (Giục giã) khiến người cảm cảnh.

Tôi muốn thêm một điều: như là một Khoa Trưởng cũ, Khoa Trưởng cuối cùng trước 1975 của chế độ Cọng Hoà VN, và sau 75 còn ở lại Trường một thời gian, tôi muốn vinh danh một vài cá nhân mà tôi nghĩ đã làm rạng danh YK Huế, vượt ra ngoài khuôn khổ Trường. Đó là:
- BS LV Bách, lúc ở với V. Cọng, các cán bộ cao cấp và gia đình khi đau ốm đều đến BS Bách, chỉ tín nhiệm BS Ngụy, bụt nhà không thiêng. VC kính trọng anh Bách, tôi cũng thơm lây.
- BS NV Tự, qua chậm nhưng đạt được những thành quả rất cao về điều trị và giảng dạy mới, làm rạng rở cho ban Giảng Huấn ĐH YK Huế. Tôi nghĩ BS Tự đã là Thầy khi vào residency môn học đã giảng dạy lâu năm tại quê nhà (T.San 2006, Tr. 153).
- BS BM Đức, tác giả cuốn Từ Điển Tiếng huế, một công trình biên soạn công phu, rất đáng ca tụng và làm cho mọi người biết đến trường YK Huế, ngoài lãnh vực chuyên môn cứu nhân độ thế.
- Nhưng sau cùng, và chắn chắn trên tất cả là tập thể các Bác Sĩ, cựu SViên ĐH YK Huế, trong Hội Ái Hữu YK Huế Hải Ngoại.
Các bạn ấy đã thành công nhiều lãnh vực ở xứ người. Nhiều người tôi biết, nhiều người không, nên không nêu danh tánh. Chỉ biết các bạn đã là những Giáo sư nổi tiếng, những danh y Hoa Đà, Biển Thước, những nhà văn lỗi lạc, lừng danh, những nghệ sĩ ưu tú hàng đầu, những nhà kinh doanh thành công vượt bực, và còn nữa. Các bạn quá giỏi “Sóng Trường Giang lớp sau dồn lớp trước”; các bạn xứng đáng là những đứa con yêu của Trường, làm rạng danh cho Trường, cho Huế, cho nước nhà.
Tôi tri ân các bạn.

North York, đầu Feb. 2007

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved