NGƯỜI VIẾT: BÁC SĨ LÊ ĐÌNH THƯƠNG
Mùa hè năm ngoái, nhân cuộc họp mặt thường niên của hội tại nam California, tôi được anh Lê đình Thương cho xem sơ bản thảo cuốn sách nhỏ anh vừa viết xong. Tháng 4 vừa rồi , anh gởi tôi cuốn A Life Changed vừa in xong. Anh muốn tôi đọc trước, để sửa soạn giới thiệu sách của anh trong ngày ra mắt tại Thư viện Huntington Beach vào chủ nhật mồng 5 tháng 8, 2007, tức ngày hôm nay. Xin cảm ơn anh Thương.
Chỗ bạn bè cùng học, cùng chơi, cùng sống, cùng đi qua những đoạn đường, kề cận nhau trong suốt gần 50 năm, được bạn thương, tin, giao việc cho làm là một điều vui mừng. Vậy nên, tôi đã được đọc sách anh viết trước những bạn khác của anh. Tôi đọc một lần, hai lần. Có lẽ ở tuổi này, không ai còn can đảm đọc một cuốn sách đến hai lần, dầu là một kiệt tác. Nhưng quả thật tôi đã đọc A Life Changed hai lần. Không phải vì nhu cầu đọc để viết bài giới thiệu. Có nhiều người viết bài giới thiệu sách thật dài, thật hay mà không cần đọc quá 5 trang sách. Tôi nghĩ cũng có thể làm như vậy. Nhưng tôi đã đọc “Một Đời Nổi Trôi” ( tiêu đề sách tôi tạm dịch ra tiếng Việt, và có hỏi ý anh, nhưng anh không trả lời ) hai lần, vì một cuốn hút nào đó. Sách đã đưa tôi về một quá khứ thật gần gũi, một quá khứ 50 năm, hay dài hơn vậy nữa. Một quá khứ của người viết, của tôi, của bạn, của nhiều cuộc đời, nhiều thế hệ. Như chỉ là một cái chớp mắt của thời gian, nhưng là một khối nặng kỷ niệm trong đáy sâu lòng người. A Life Changed đã đưa tôi về một thời đã qua, một thời tưởng đã quên đi, tưởng đã xếp lại.
A Life Changed là một cuốn tự truyện, an autobiography, theo đúng nghĩa. Xem phớt qua, người đọc có cảm nghĩ đó là cuốn sách viết cho riêng anh, như một ấn tự, viết lại những riêng tư cho chính mình, như một gởi gắm cho vợ con, cho những người thân yêu nhất, những bè bạn gần gũi nhất. Nhưng càng đọc, cái cảm giác đó nhẹ đi, nhường chỗ cho một xâm lấn, ban đầu mơ hồ, rồi càng lúc càng rõ nét: hình như qua từng giòng chữ, từng trang sách, như có sự hiện diện của mình trong đó. Để cuối cùng khi gấp sách lại, chuyện của bạn mình không còn là chuyện của riêng tư, mà đâu đó, cũng là chuyện của chính mình, qua hoài niệm và một chút ngậm ngùi thích thú.
Vì quê hương đó, cái xóm làng, những con đường, những bụi tre, gốc chuối,...trong Một Đời Nổi Trôi cũng là quê hương của tôi, của anh. Cái dòng họ, gia phả, những người thân quanh quẩn cũng chỉ là một phần cái gốc rễ chung của mọi anh em mình. Cái đạo lý, cái ý sống, đời sống, nếp sống, lối suy nghĩ, niềm vui, ước vọng, cái nỗ lực, cố gắng vươn lên, cho đến cái cam chịu, nhẫn nhục, khổ đau, cái thăng trầm, cái thành đạt,... cũng là những cái gì rất gần, rất giống nhau của chung mọi anh em mình, của một lớp người, một thế hệ. Niềm say mê, nỗi chán chường, tình yêu, người yêu, cái đẹp nhận thức, từ cái nắm tay cho đến nụ hôn đầu đời, cho đến nỗi chết, như là một rập khuôn. Và đó là cái đồng hương, đồng điệu, đồng sàng của anh em chúng ta. Chứ không như nơi đây, chỉ khác nhau một con số thật nhỏ trong dãy số an sinh, con người đã là những cá thể riêng biệt, phân cách. Phân cách đến ngàn đời.
Chúng tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời ngày theo học y khoa ở Huế. Anh em chúng tôi, ở đây tôi muốn nói gồm tất cả những sinh viên trong bốn, năm khóa đầu của trường Y Huế, chúng tôi là một khối khá thuần nhất.. Chúng tôi thương, quý nhau, nâng đở, giúp nhau, chia xẽ, lo cho nhau trong mọi chuyện học hành, cũng như trong đời sống riêng tư. Chúng tôi cùng chơi, cùng học. Không đố kỵ, không ganh ghét. Thương là sinh viên nổi bật thời đó. Thương học giỏi, tận tình giúp đở được nhiều bạn trong chuyện học hành. Nghề chơi của Thương cũng nhất, nơi nào có chuyện chơi là có Thương. Thương chơi cái gì cũng trội hơn người khác, đam mê hơn người khác, từ đua xe, té xe, kề cận với nguy hiểm, cho đến chuyện cờ bạc vụn, đánh tennis, thụt bida...Thương hòa đồng, nóng tính, nhưng dễ nhịn. Cho nên, Thương nhiều bạn. Thương là con một, lại là con cưng. Hai bác Tuân thương con, nên thương bạn của con. Nhà anh thời đó cũng gần như nhà chúng tôi. Trong cái tình đó, chúng tôi đi qua những năm học khó khăn, những xáo trộn của thời cuộc, của đất nước. Có lẽ cũng nhờ cái tình đó mà chúng tôi đi hết được học trình, mà trường tồn tại cho đến ngày nay. Rồi chúng tôi vào lính. Rồi tan hàng, rã đám, cùng qua những trạng huống đau thương. Để cuối cùng cũng gặp lai nhau nơi đất khách, quê người, nối tiếp lại những ngày tháng cũ, kẻ mất, người còn, người thành công, kẻ ít may mắn. Nhưng cái tình thì vẫn còn đó, như ngày nào. Qua trên hai trăm trang giấy, Thương đã viết lại hết mọi chuyện đó. Cho nên, cái tự truyện của Thương cũng là cái tự truyện của anh em chúng tôi.
Chỉ một điều anh em chúng tôi không ngờ đến là người thay chúng tôi, viết nên cuốn tự truyện lại là Thương. Vì Thương chưa bao giờ là người thích viết văn, thích gặm nhắm chuyện đời, hay mọi chuyện lớn nhỏ quá đến ngày hôm sau. Thương ít nghĩ sâu, bộc trực trong cung xử, thẳng thắn trong giao tiếp. Nên ai cũng nghĩ anh dễ quên, dễ sống. Vậy mà anh đã nhớ, đã viết lại trong một cái bình thản hiếm thấy, viết rất thật, rất giản dị, ghi lại sự việc từ một góc cạnh dễ thương, hóm hỉnh nhất.
Như chuyện tình yêu, My love story, Thương gặp Túy, người vợ của anh bây giờ, lúc mới 11 tuổi. Hoang sớm, nói theo tiếng Huế, nên có lúc anh bị thầy Quyến cấm cửa vì bị hiểu lầm là playboy, với bad reputation ( trang 33). Anh có thể có nhiều người yêu ( sometimes going out with other girls, trang 35), nhưng anh chỉ có một tình yêu. Và anh đã chiến đấu đến cùng để có được tình yêu đó. Trọn đời, anh chỉ có một tình yêu, cho đến bây giờ và mãi mãi.
Về cuộc chiến , My life in the military, Thương viết:
“ Kể cũng là một trạng huống kỳ cục, người trong một nước cứ mãi đánh giết nhau, trong khi những thế lực ngoại bang cứ mãi giật dây. Thẳng thắn mà nói, tôi không tin cuộc chiến ý thức hệ này là một tất yếu. Mãi cho đến biến cố Mậu thân, thấy được cái dã man của những người cộng sản, tôi mới có dịp suy nghĩ kỹ hơn, mới nhận thức được sự căm thù sâu xa giữa những người cùng một dân tộc. ( trang 64 )...
“ Điều khôi hài là tôi cũng chẳng biết cái ngày tận thế đã đến vào hôm 30 tháng tư năm đó. Suốt 3 ngày hai đêm liền, tôi làm việc không nghỉ trong phòng mỗ, vừa bận, vừa mệt, làm chi còn thì giờ theo dõi tin tức. Lúc đang giữa ca mỗ, một người y tá hớt hãi loan tin “ Chúng ta đã đầu hàng. Ông Dương Văn Minh đã đầu hàng.”
“ Tôi không tin được chuyện đó!...
“ Một lúc sau, tướng Phạm Hà Thanh, chỉ huy trưởng tổng y viện Cộng hòa, họp anh em chúng tôi lại, nói lời giả biệt: “ Tôi không còn là chỉ huy trưởng của các anh nữa. Tôi chỉ muốn cảm ơn các anh đã ở lại và chu toàn nhiệm vụ cho đến giờ phút cuối. Từ lúc này, chúng ta là tù binh. Tôi đã được lệnh trao quyền chỉ huy cho lực lượng mới.” Và chúng tôi chào nhau, lần cuối....
“ Và như thế chấm dứt cuộc đời quân ngũ của tôi. Tôi đã ở trong quân đội, ngành quân y 7 năm rưởi. Tôi về nhà hôm đó, trĩu nặng lo âu không hiểu ai sẽ chăm sóc những người bệnh binh còn nằm lại, lòng buồn vui lẫn lộn, buồn vì thua trận, vui – có lẽ vậy, vì cuộc chiến đã chấm dứt....Túy mừng thấy tôi về. “ Vậy là xong, it’s over!” nàng nói, giọng có chút bùi ngùi. Trí não của chúng tôi ngỗn ngang những suy nghĩ mâu thuẩn. Chúng tôi ngồi lặng yên bên nhau cho lòng lắng xuống. Rồi tôi buồn bã cởi bỏ bộ quân phục, vĩnh viễn rời bỏ chúng, rời bỏ bộ đồ trận mà tôi đã khoát trên người, ngày đêm, trong suốt bảy năm qua. Ờ, thì cũng tốt thôi. Well, might as well. (trang 65, 66)
Tôi chỉ trích dẫn một đoạn ngắn, để xin được hiểu vì sao tôi đã đọc Một Đời Nỗi Trôi hai lần. Có một người nào viết hồi ký, viết tự truyện, dẫu là một nhà văn, khiến người đọc ứa nước mắt, như những đoạn văn Thương viết. Những đoạn văn như thế này đầy cả trong hai trăm trang sách.
Thương cũng viết về tình gia đình, gia tộc, và lòng hiếu thảo. Bác Quyến gái đã chết trong vòng tay hai vợ chồng Thương-Túy. Vợ chồng Thương-Túy cũng phụng dưỡng hai bác Tuân trong nhiều năm, trong những hoàn cảnh cực nhọc, cho đến ngày hai bác thay nhau nằm xuống khi tuổi đã cao lắm. “ Vậy mà, không hiểu tại sao, tôi luôn có cái mặc cảm tội lỗi khi bà tôi, cha mẹ chúng tôi lìa đời lúc tuổi già. Có lẽ tôi phải kề cận, gần gũi cha mẹ tôi nhiều hơn, có lẽ còn biết bao nhiêu điều tôi còn có thể làm được để cha mẹ tôi sống vui hơn cho đến cuối đời.” Ai trong chúng ta cũng có ý nghĩ đó. Ai cũng tự dằn vặt về những điều không trọn, mà mãi vẫn không nói được nên lời.
Trong một đời nổi trôi đó, Thương cũng đã trãi một năm, tám tháng, bốn ngày trong trại tù cải tạo. Có lẽ không dài lắm so với những người khác. Nhưng dài ngắn gì đi nữa thì cũng chỉ là số phần, là một nổi trôi trong cuộc đời, một vết hằn in sâu. Những ngày trong lao tù đó cũng là những trang sách thật hay, thật sống. Và để thấy thêm một điều: trong anh không có hận thù.
Rồi vượt biên. Rồi những ngày tháng làm lại. Những cố gắng, những nỗi vui mừng qua cuộc trả nợ áo cơm để nuôi mình, nuôi vợ, nuôi con nên người. Có bao nhiêu điều được gói ghém lại trong chừng đó trang sách.
Không có gì để nói nhiều hơn nữa. Không ai có thể nói nhiều hơn khi cuộc đời, cuộc sống là những trường thiên.
Thế hệ của chúng ta, của chúng tôi, là thế hệ không biết nói dối. Cảm ơn anh Thương đã nói dùm chúng tôi điều đó. Trong suốt cả cuộc đời, Thương có ba lần nói dối ( sự bất quá tam ). Tôi không nhớ rõ, sau khi gấp sách lại, Thương đã nói dối trong những trường hợp nào, và đã phạm bao nhiêu điều răn trong thánh kinh. Nhưng với kinh nghiệm của anh em chúng mình, thế nào cũng phải có ít nhất một lần dối mẹ, một lần dối vợ, và một lần dối người dưng. Lần nói dối hình như là cuối cùng của Thương, là nói dối ông hàng xóm để có được một chân chăn ngựa trong những ngày đầu định cư ở New Jersey, để có việc làm nuôi vợ, con, có chút tiền gởi về giúp đở cha mẹ. Ngày qua đi, tình người và ngựa mỗi ngày một thân thiết hơn, để một hôm anh tìm được chân lý khi đổ bo bo cho ngựa ăn, và nhớ lại những ngày trong tù cải tạo, anh nói với ngựa, “ tao với mày thân nhau cũng phải, vì tao với mày cùng ăn một thứ thức ăn.” ...I whispered into the horse ‘s ears, “ May be we get along well because we ate the same kind of food.” (trang 142). Những ngày tháng đã và đang qua đi của Thương, hình như cũng là những chuổi ngày tháng, thân phận của mỗi anh em chúng mình, của chú ngựa bạn của Thương, nơi quê hương thứ hai này.
Thương viết A LIFE CHANGED bằng Anh ngữ. Thương viết cho tôi “ Thật ra viết tiếng Mỹ cũng khó khăn cho moi, và cần có người giúp sửa lại cho đúng. Nhưng đó chính là ý định của moi: nhiều người viết qua giai đoạn lịch sử này rồi, nhưng nghĩ lại tụi nhỏ đâu có đọc được. Ý định của moi là viết cho tụi nhỏ, viết cho những người Mỹ quen biết đọc để thấy rõ hơn tại sao tụi mình phải bỏ xứ phiêu bạt bốn phương.” Hẵn vậy. Thương sử dụng một thứ tiếng Anh đơn giản, thứ tiếng Anh của những thế hệ di dân thứ nhất, dễ đọc, dễ hiểu, và gần gũi, nhưng không kém nhuần nhuyển. Những tụi nhỏ Thương nghĩ đến, cũng là những tụi nhỏ của anh em chúng mình. Cho nên, lại một lần nữa, xin cảm ơn Thương.
Một lúc nào đó, cuộc sống chỉ còn là những hoài niệm, và càng lúc sẽ càng nghèo thêm. Mỗi người đi mang theo một phần đời của chính mình. Đến một lúc nào đó, khi nắng chiều đã xuống, cầm trong tay cuốn sách của Thương, đọc sách khi mắt đã mờ, mờ vì thời gian, mờ vì tuổi lớn dễ xúc động, để được sống lại với bao nhiêu người xưa, chuyện xưa, sống với một sự trở về, thì âu đó cũng là chút niềm vui hiếm có vậy.
Người điểm sách: Nguyễn Văn Thuận
tháng tám, 2007.
|