Tôn Thất Hứa
Thân tặng nhừng người bạn đang sống xa quê. Chân thành cám ơn Thầy bác sĩ Tô Đình Cự. Thầy giáo sư Thân Trọng An. Thầy cố Giáo Sư Đinh Văn Tùng. Các Trưởng toán giải phẫu Tổng Y Viện Cộng Hoà 1968 - 1969. Cố bác sĩ Nguyễn Đắc Lập. Bác sĩ Phạm Hữu Trác đã dẩn dìu những bước đầu trong ngành vá, may, cắt, cột, đốt.
Thôi con còn nói chi con
Sống nhờ đất khách chết chôn quê người
Lớp Lý Hoá Sinh - PCB - đầu tiên (1960 - 1961) có đến 600 sinh viên ghi danh, 200 - 220 người theo học thường xuyên lý thuyết và thực tập và cuối cùng có 175 sinh viên ghi tên dự thi cuối năm để lên xếp lớp năm thứ I Y Khoa. Một niên học khó quên nhất trong đời vì tôi thiếu chuẩn bị hành trang : kiến thức vạn vật, gạo bài cho thật nhuyễn .....
|
BS H.J. Candela, BS C.G. Dupuis và BS Momin (Ghi chú: chị Lê Thị Mỹ đi bên cạnh BS Momin và ... một đồng môn, ai nhận ra được xin cho biết tên. Cám ơn. |
Chen chúc lớp YK 1 đại học y khoa Huế với con số 30 mạng người đến từ khắp các nẻo đường đất nước, gồm có các sinh viên mới trúng tuyển PCB tăng cường thêm các bạn từ SPCN Vĩnh Tùng (chết vào năm thứ 2), Đặng Ngọc Hồ, Tạ Tích, Trương Thanh Trừng, Nguyễn Minh Triết, ngoài ra còn có niên trưởng Nguyễn Văn Thuận, nha sĩ Trương Như Sản từ Paris về và dược sĩ Phạm Thị Thiều Oanh. Mỗi một đứa trong lớp có một năng khiếu riêng...chỉ có phần ăn thô nói tục thì đà có sẵn trong máu, ngồi bàn chuyện "ducting" đấu suốt ngày không chán, nhóm khác thì ham thọt bi da, chơi bài tứ sắc, đánh phé tuy nhiên chúng tôi hòa đồng vói nhau rất nhanh.
Kỷ niệm sâu đậm với tôi với các bạn YK 1 trong niên học 1961 - 1962 là trận đấu chung kết mà tôi có tham dự, sau khi oanh liệt đá bại đội Khoa Học ở trận chung kết với tổng số trên 1000 sinh viên đội bóng YK nhận chức vô địch toàn viện. 11 cầu thủ được cả lớp đứng bên ngoài cổ vũ la hét, chị Phạm Thị Xuân Quế cũng la làng la xóm khan cả cổ họng. Chiến thắng bất ngờ nhờ công ơn của những thủ quân biết chuởi Đ.M. ngon lành Nguyễn Đại Hiền, Trương Thanh Trừng và thủ môn danh tiếng miền Trung của đội bóng Ngôi Sao Y Tế do bọ Quyến làm ông bầu, anh Diệm là nhân viên của trường. Tối hôm đó, đoàn tuyển thủ và cả supporteurs được thầy Lê Huy Chước đãi ăn bánh bèo Tây Thượng một trận no bể bụng để rồi chiều hôm sau vào giờ anatomie nghe thầy Zwirner khen "more legs less brain". Ham mê đá banh cũng là một cái bệnh mà nó cứ dằng dai đèo bồng với tôi cho đến ngày hôm ni, hàng tuần vào ngày thứ Hai tôi vẫn còn vác đôi giày da tham dự những trận thư hùng với những đối thủ "con voi" to con hơn và cân nặng xấp hai nhưng...... lại chạy chậm hơn "con ngựa" của năm Nhâm Ngọ.
Sau 2 năm cực kỳ khó nhọc nuốt trôi được những môn học cơ bản, những sinh viên y khoa của những ngày tháng còn non choẹt chúng tôi tập tểnh đi dần vào thế giới ta bà của bệnh tật.....45 năm trôi qua, 45 năm nước chảy qua cầu.....bến cũ lâu đài bóng tịch dương.
Những buổi thực tập lâm sàng được chia ra nhiều chuyên khoa khác nhau : nội, ngoại sản...... Tôi không thích cái khoa nội, học một chuyên ngành mà tim, gan, lá lách không sờ thấy (foie & rate non palpable), còn hai cái vú thấy ngon lành mà không được sờ, muốn bóp cho bằng thích thì lại không được xoa...... nhưng rồi các bác sĩ nội cũng phải tìm cách chữa mò chữa mẫm những cơn bịnh tim can phổi phèo nhờ stethoscope, palpation + percussion...; tôi theo hẳn về cái môn mổ bụng người để cho bàn tay phải rờ, bàn tay trái bóp và cái đầu khỏi phải nghĩ ngợi nhức xương.
Những ngày tháng đầu vào học phẫu thuật chiến tranh với số lượng nạn nhân không đáng kể tại Bệnh Viện Trung ương Huế, tôi được các thầy Tô Đình Cự, Thân Trọng An, Moulin và Aprosio dậy dỗ cho những thao tác căn bản. Tôi không quên được cái đêm lựu đạn do bọn khủng bố ném tại hội chợ tại Thương Bạc vào tháng 10 năm 1964 gây thương vong rất lớn; suốt đêm hôm đó tôi có mặt bên cạnh bác sĩ trực, Thầy Lê Huy Chước và được Thầy cho phép tung hoành một trận sướng tay, để sáng hôm sau Thầy đã dẫn toàn thể nhân viên trực qua ăn sáng tại tiệm cà phê Phấn, áo quần còn dính đầy máu. Đây là lần đầu tiên trong quãng đời sinh viên, hôm đó tôi đã làm lễ "khai đao" bắt đầu làm quen với dao, kéo, kìm, kẹp, nạn nhân chiến tranh và định hướng cho cái nghiệp chướng mà tôi sắp bước vào. Năm 1982, Thầy và Cô đã đến Wuerzburg thăm gia đình đứa học trò năm xưa, hình ảnh của một Marlon Brando hào hùng vẩn còn lưu luyến trong tim của bao nhiêu tài nhân thành phố Huế và đám học trò của Thầy. Xin cám ơn Thầy đã để lại cho các môn sinh những kỷ niệm thật êm ả trong cuộc sống đầy phong ba và bão táp, tập thể môn sinh nguyện cầu Thầy Cô có những giây phút an lành vào tuổi xế chiều còn lại.
Thời gian ngắn ngủi để học hành êm ả vô tư kể từ ngày bước chân vào ghế nhà trường phải chấm dứt khi biến động miền Trung bùng nổ vào tháng 04.1966. Che đậy dưới nhiều mầu sắc tranh đấu khác nhau, các sinh viên của nhiều phân khoa của Viện Đại Học Huế dưới danh nghiã "Quyết Tử" đã mang chính trị vào học đường, đã có mặt tại tỉnh Quảng Nam làm xôi động chính trường và xáo trộn cuộc sống của đám dân cùng đinh; trong bối cảnh lịch sử đen tối này, sinh viên Y Khoa Huế đã mở rộng thêm tầm hoạt động trong nghề nghiệp. Qua sự tận tình giúp đỡ của Bác Sĩ Giám Đốc Đinh Văn Tùng, chúng tôi đã trở thành những nội trú lão luyện nhờ kiến thức y khoa căn bản đã thâu lượm được tại trường mẹ, có đủ chức năng nghề nghiệp để phục vụ cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Toàn Khoa Đà Nẵng. Tập thể sinh viên Y Khoa Huế xin cám ơn sự cưu mang của cố giáo sư Đinh Văn Tùng.
|
BS Momin đang giảng bài.
Ghi chú: nhận ra Sr. Bông, Mẹ Bề Trên dòng Mến Thánh Giá Huế, Giám đốc phòng khám bệnh từ thiện Kim Long,
Khóa 09/Ykhoa Huế. (Khóa 9 còn có bác sĩ Thượng Toạ Thích Hải Ấn hiện ở Huế và Linh Mục Thanh, tin tức sau cùng ở Cần Thơ.) |
Thời gian nội trú của cuối chương trình học, chúng tôi đã có những lần trực gác xây xẩm mày mặt phải gọi thêm bạn giúp để giải quyết những ca cấp cứu; cũng có những buổi tối rảnh rang đi ăn chè chợ Cồn, có nhóm thì chia phe chơi bài Tứ Sắc; trong đám dẫn nhau đi đánh bài ni có 2 bạn đã thành con rể cho một bà mẹ "chiến sĩ" của thành phố Quảng Nôm Đà Nẵng, cũng có những đứa lợi dụng thời giờ rảnh rỗi đi nghễ hay đi ve gái. Sung sướng ở giai đoạn cuối cùng của thời gian tầm sư học đạo để bọn chúng tôi chuẩn bị xuống núi mong trở thành ông thầy thuốc mẫu mực, các bạn cùng lớp rất mồm to miệng lớn đã mạnh dạn tán hươu tán vượn, thề non hẹn biển sẽ yêu em suốt đời và..... có đứa bị các cô vác guốc đuổi chạy có cờ vì hắn ta bạo phổi dám xin "xin thoả chí" một chút. Trong thời gian được ăn học, có thêm trách nhiệm công việc chữa trị hàng ngày, tôi cũng đã qua những giây phút lo lắng khi phải đương đầu những khó khăn nghề nghiệp, phần lớn những trường hợp cấp cứu và nạn nhân bom đạn. Với nạn nhân chiến tranh thì may mắn là bên cạnh tôi đã có một bác sĩ người Hoa Kỳ, bác sĩ Herod được chúng tôi "rửa tội" thành bác sĩ Hùng mà chúng tôi đã chịu ơn và học hỏi rất nhiều. Là một phẫu thuật viên rất yêu nghề, vui tánh và tận tình với công việc, đã chỉ dẫn cho tất cả chúng tôi rất kỹ càng bổn phận nguời cầm dao mài kéo. Cả bọn kháo nhau là bác sĩ Hùng có Board về Giải phẫu, có tên trong cuốn sách "Who's Who in the World".
40 năm trôi qua... 40 năm nước chảy qua cầu...vật đổi sao dời... sự phát triển của ngôi trường Mẹ cũng tăng dần với thời gian, tiếng vang của đám dân Y Khoa Huế đã được thế giới lắng tai nghe; tôi trân trọng lật cuốn Who's Who in the World đã tìm thấy trong suốt 10 năm qua tên của nhiều thầy thuốc gốc Việt đang mài miệt làm việc tại các nhà thương đại học, hụp lặn nghiên cứu trong các labô những công trình y khoa hay buông mình cho các chương trình nhân đạo ở những vùng đất hoang vu của Phi Châu & Ấn Độ hoặc những góc trời chân biển nơi có đám dân nghèo khốn khổ đang cần đến những bàn tay triù mến của những lương y. Lý lịch của một số các đồng môn đã được bôi son tô đậm bằng hàng chữ tuyệt đẹp : .... graduated Hue Medical School/Vietnam 19..., oai thay và vinh dự thay cho tập thể Y Khoa Huế của chúng ta.
Trong khoảng thời gian này, bọn chúng tôi vẫn thường bị các nữ y tá gây mê Hoa Kỳ phàn nàn vì các nội trú sau khi tháo tác xong các vết thương do chiến tranh hay do tai nạn lại còn ráng gân cắt luôn cái ruột thừa mặc dù không sưng........Các y tá đã báo cáo lên cấp trên và cuối cùng đã đồng ý cho kéo dài thêm cuộc mổ để các ông thầy cắt luôn khúc ruột oan nghiệt tránh trường hợp chết oan vì bị ruột thừa viêm mà không có khả năng đến bệnh viện chữa trị do tình trạng y tế kém mở mang các làng xóm.
Chương trình học giải phẫu chiến tranh vẫn đeo đuổi tiếp sau ngày ra trường 9/1967 tôi còn học hỏi thêm tại Tổng Y Viện Cộng Hoà (TYVCH), 27th Surgical Hospital APO San Franscisco 96325, Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương và cuối cùng là Trường Đại Học Y Huế.
Một vài con số thống kê đã cho biết : 70.000.000 lít thuốc khai quang, 500kg bom đạn / 1 đầu người dân được dội xuống trên một mảnh đất 330.363 km2 với dân số 80.000.000 người, đã giết hết 1.500.000 trâu bò, 40.000 súc vật dùng để chuyên chở như ngựa, lừa thì .... con số người bị thương và chết thật đáng kể : số binh sĩ tử thương 2 miền là 1.120.000 (miền Bắc 920.000 + miền Nam 200.000) thêm với 800.000 thường dân bị nghiệt ngã vì bom rơi đạn rớt vướng phải (350.000 phía Bắc + 450.000 phía Nam) cộng vào 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ tử trận (theo nguyệt san Der Spiegel, số 17 ra ngày 10. 04. 2004).
Hậu quả chiến tranh Việt-Nam đã mang lên những bài học trong quân sử nhân loại và đã tìm ra thêm được một vài khái niệm mới cho y học thế giới. Năm 1968, lần đầu tiên trong lịch sử y học, các quân y sĩ Hoa Kỳ dựa trên những ca kích xúc phổi tại các bệnh viện quân sự Hoa Kỳ ở Đà Nẳng đã mô tả "Đà Nẵng Schock Lung" như sau :
"Hiện tượng Đà Nẵng Schock Lung được các người thầy thuốc chú ý tới vì số tử vong rất cao gần như 100% cho các nạn nhân chiến tranh tại Việt-Nam. Diễn tiến đưa đến cái chết của nạn nhân là hậu quả do chức năng suy yếu lần mòn của hai lá phổi lúc nào cũng như nhau : mất máu do các vết thương tạo nên giảm áp lực mạch máu, hồi sức thành công sau khi cầm máu và trường hợp cần thiết phải được cấp tốc chuyền máu, cho thuốc giảm đau thật sớm, chuyển ngay nạn nhân đến các bệnh viện dã chiến có đầy đủ trang thiết bị. Tại nơi đây, phần lớn các thương binh được hồi tỉnh trở lại sau khi được can thiệp và chăm sóc đầy đủ. Lạ thay, chỉ một vài ngày sau nghĩa là trong giai đoạn đang còn dưỡng bệnh, bỗng nhiên nạn nhân suy hô hấp cấp tính mặc dù trước đó hai lá phổi nạn nhân hoạt động hoàn toàn tốt đẹp để rồi phải chết sau đó một vài ngày".
Có hai danh từ thường được dùng :
Victor Charlie : danh hiệu truyền tin để gọi Việt Cọng, đổi nhanh thành tiếng lóng => Charlie.
Medics có thể là một y sĩ giải phẫu, một y tá phòng bệnh, một phi công trực thăng... họ là những sĩ quan hay là những ngưòi lính "đơ dèm cùi bắp" (2ème classe) không vũ khí để chiến đấu mà họ đến để chăm sóc các thương binh hay bệnh nhân tại tuyến đầu của mặt trận.
Chiến tranh Việt-Nam là lối đánh du kích, các trận đánh được diễn ra trên các đồng bằng thóc lúa của miền Nam vùng IV chiến thuật, hay vùng đồi núi của vùng II và I chiến thuật. Đành rằng có những trận thư hùng mà đối thủ mặt đối mặt như tại các mặt trận ở Huế, Quảng Trị, Tết Mậu Thân, Khe Sanh.. nhưng phần nhiều các trận đánh diễn ra ban đêm kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ sau đó thì Charlie ẩn nấp trong đồng ruộng hay đồi núi. Charlie có súng tốt, mìn tối tân, súng mortier nhưng thiếu trọng pháo. Charlie mang theo tất cả vật dụng và súng đạn trên lưng hay xử dụng chiến lợi phẩm để tấn công lại địch thủ. Cũng vì các yếu tố nêu trên, thương binh phía đồng minh phần lớn do hỏa tiễn, mìn, các vật nhọn và chấn động xương, cộng thêm một số binh sĩ chết và bị thương không đáng kể gây ra do phi cơ oanh tạc nhầm vị trí hay pháo binh chấm sai toạ độ. Vết thương do vật nhọn gây nên do những thân tre vót nhọn chôn dưới đất có tẩm phân người để gây nhiểm trùng làm thủng gót giày "botte de saut" chiếm 1% tổng số người bị thương, làm tê liệt sức chiến đấu của người lính khá dài.
Dựa theo cuốn hồi ký : Vietnam Studies - Medical Support 1965-1970 (General Surgeon Neel) cho biết kể từ tháng 01.1965 đến 12.1970 có 133.447 thương bịnh cần điều trị.
. 97.659 được chuyển đến các bệnh viện, một số đã chết trước khi đến các bệnh viện dã chiến
. 33.000 thương binh nhẹ được các y sĩ tiền tuyến săn sóc, phần lớn đã trở lại cầm súng chiến đấu cùng đồng đội.
Theo thống kê thì số thương binh chết tại các bệnh viện trong cuôc chiến đấu tại ViệtNam là 2,6% so với số tử vong trong Đệ Nhị Thế Chiến là 4,5%, mặt trận tại Đại Hàn là 2,5% đưa đến kết luận là không thể làm giảm thiểu số lượng chết của các thương binh sau khoảng cách trên 20 năm của các cuộc chém giết đồng loại trong nhiều môi trường chiến đấu ngã nghiệt, khả năng giết người của các vũ khí chiến tranh hung bạo hơn, phương tiện chuyên chở nhanh hơn và cách thức sửa soạn + săn sóc và cách chữa trị rút kinh nghiệm sau 3 thời kỳ chiến tranh đã cải thiện rất nhiều.
Như đã trình bày trên, Charlie chiếm giữ các mặt đường thì sự di tản thương binh chỉ còn dựa nhờ vào máy bay bay trực thăng. Một thương binh có thể chết ngay tại tiền tuyến hay trên trực thăng đang quay lượn trên đường đến bệnh viện dã chiến gần nhất. Có nhiều chiến thương không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần sau nhiều cố gắng của quân y sĩ tại các bệnh viện trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi trúng mìn, bom, đạn; qua thời gian thử thách 24 tiếng đồng hồ này thì khả năng sống sót lên đến 99%.
Có 3 yếu tố quan trọng sau đây quyết định sự sống chết của thương binh :
v Linh động của sự vận chuyển
v Khả năng chữa trị và săn sóc các bệnh viện dã chiến
v Trình độ giải phẫu các quân y sĩ tiền tuyền.
1. Linh động của sự vận chuyển: đang trên đường đến Pleiku để thăm viếng binh sĩ, bất chợt qua máy truyền tin tôi nhận được "SOS" => có một thương binh trầm trọng ở gần Komtum. Tàu bay chuyển hướng nhanh đến tọa độ được báo cáo, người thương binh bị trúng đạn vào 2 đùi chân, 1 xương đùi bị gãy, nạn nhân cần phải di tản gấp. Charlie đang còn gần nơi bãi đáp tiếp tục nã đạn vào trực thăng trong lúc tôi đang cố gắng hoàn thành nhanh một cái nạn kép trước khi trực thăng bay lượn về hướng Pleiku cách trận tiền chỉ có 50 cây số.
Trên đường bay đến điểm hẹn tôi đã ra lệnh cho một máy bay caribou nổ máy chờ sẵn để chuyển tiếp theo kiểu dây chuyền người thương binh về Nha Trang cách đó 120 cây số, tôi cũng đã vào tần số ra lệnh cho bệnh viện chuẩn bị máu, báo động khẩn cấp cho các quân y sĩ để chuẩn bị gây mê và giải phẫu. 190 phút sau khi bó xong cái kẹp nạng nhanh nhất của đời làm lính của tôi, người thương binh được 2 toán mổ 2 đùi chân bị trúng đạn, 1 giờ sau đó người lính bất tử tỉnh dậy và kêu đói. Hồi ký trên đây là một quân y sĩ (thứ VIP) cho thấy sự vẩn chuyển linh động, quyết định đúng lúc để săn sóc thương binh.
(trực thăng UH - 1U Dust off Iroquoir : trực thuộc Phi Đoàn Tải Thương Không Vận 172 Hoa Kỳ, đã hoạt động đắc lực trên chiến trường Việt-Nam từ năm 1963-1973 thì được trở về hậu cứ ở tiểu bang Iowa. Năm 2002, Không đoàn đã tặng 1 chiệc trực thăng UH-1H được đặt đài kỷ niệm ở Úc)
2. Khả năng của các bệnh viện Dã Chiến: Phương tiện di chuyển dồi đào, di tản thương binh nhanh chóng, liên lạc được với máy móc tối tân, thêm vào những bệnh viện dã chiến tối tân được thiết lập ngay gần tiền tuyến. Tại Việt-Nam, quân đội Hoa Kỳ được trang bị bằng những bệnh viện dã chiến vào điều kiện số 1 : máy móc y tế hiện đại, có máy điều hoà nhiệt độ, nhiều quân y sĩ giải phẫu, chuyên viên đánh thuốc mê & hồi sức kinh nghiệm, máy chụp quang tuyến và có thật nhiều máu dự trữ. Những bệnh viện Dã Chiến đầu tiên được dựng lên bằng lều vải không thể đứng vững theo thời gian vì gió, mưa, bão táp, lụt lội bất thường của vùng nhiệt đới, cho nên những túp lều vải được thay thế bằng những căn nhà được xây cất tử tế, có tường bao quanh và có mái che mưa nắng vững vàng. Tính đến tháng 12. 1968 trên 4 vùng chiến thuật có những 24 bệnh viện Dã Chiến theo mô hình kể trên, ví dụ bệnh viện Dã Chiến 95th Evacuation Hospital tại Qui Nhơn. Để để đáp ứng theo nhu cầu chiến trường, những bệnh viện Dã Chiến di động bằng lều vải vẫn được dựng lên và hoàn thành công tác cứu người rất tốt đẹp, đây là những bệnh viện có thể tháo ráp, điều động nhanh chóng. Điểm đặc biệt của những bệnh viện di động là cứ 5 người lính thì có 1 người vũ trang để chiến đấu, bên cạnh đó có y sĩ tiền tuyến và nhân viên cứu cấp; tất cả đã có kinh nghiệm dồi dào sẽ có mặt ngay tại tuyến đầu mặt trận để chăm sóc thương binh. 3rd Surgical Hospital tại Đồng Tâm là một điển hình cụ thể cho loại bệnh lưu động trên.
(quân đội Hoa Kỳ chú trọng rất nhiều về vấn đề tiếp vận. Cao điểm của chiến tranh chỉ có khoảng 67.000 - 90.000 quân nơi tiền tuyến, phần còn lại của đạo quân 540.000 người làm thành một cái đuôi tiếp vận khổng lồ, cứ 1 tay súng tại chiến trường thì có 6 đến 8 người phục vụ đằng sau, nơi hậu phương)
3. Y sĩ giải phẫu tiền tuyến: Có mặt tại tuyến đầu của mặt trận là những người thầy thuốc trẻ đầy nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp. Những quân y sĩ lần đầu tiên nhận nhiệm sở đều được các đồng nghiệp có thâm niên quân vụ hướng dẫn trong giai đoạn đầu từ 3 - 4 tháng. Thời gian phục vụ ở tuyến đầu là 1 năm rồi trở lại Hoa Kỳ để lại tiếp tục điều trị các chiến thương mà họ đã xử sự đúng hoặc sai tại chiến trường Việt-Nam.
Ø Vết thương ở chiến trường Việt-Nam là những vết thương nhiễm độc do vi trùng bơi lội trong đồng ruộng ngập nước dơ bẩn, mặt đất thì đầy phân người.
Ø Cẩm nang của một y sĩ giải phẫu tiền tuyến là phải cắt bỏ thật sạch sẽ hơn là cố giữ lại phần cơ thể bị tổn thương; những miếng da, những bắp thịt sẽ làm đẹp vết thương cũng là nguồn gốc gây nên những trường hợp nhiểm trùng cấp tính.
Ø Muốn có kết quả tốt, chiến trường Việt-Nam đòi hỏi những người y sĩ gây mê hồi sức nhiều kinh nghiệm, có thật nhiều máu, huyết thanh và dung dịch thay máu; chữa phỏng, chống xúc kích và cuối cùng là biết làm sạch vết thương...débridement.
Thiopental, Halothan: là 2 loại thuốc ngủ và thuốc mê được ưa chuộng nhất trong giai đoạn lịch sử này, thêm vào Nitous Oxide (N2O), dưỡng khí và các loại thuốc dãn cơ.
Máu và Plasma expander : Máu được chuyển từ Hoa Kỳ sang và đã cứu sống rất nhiều thương binh, một thương binh sống sớt sau khi được chuyền 91 lít 1/2 máu. Số tử vong rất cao cho các nạn nhân phỏng.
Bài học giải phẫu chiến tranh được thu ngắn gọn như sau:
(1) Débridement: làm thật sạch vết thương.
(2) Vết thương để hở sau khi đã làm débridement.
(3) Kéo dài thời gian cần thiết để khâu kín vết thương.
(4) Cắt bỏ phần ruột bị chấn thương và tổn thương.
(5) Khâu các vết thương phần mặt; dây thần kinh, phần gân các bắp thịt phải được che kín.
(6) cố gắng bảo vệ xương càng nhiều càng tốt.
(7) đắp kín phần đầu các vết thương tay chân sau khi cắt bỏ phần da thịt hư hỏng.
Giai đoạn đầu chống xúc kích gặp rất nhiều khó khăn, nhưng rồi nghề dạy nghề, phải chuyền dung dịch Ringer Lactate với thể tích cần thiết để duy trì lượng máu nuôi dưỡng cơ thể, trường hợp ứ nước trong 2 buồng phổi (oedème pulmonaire) dùng thuốc lợi tiểu. Có 3 trung tâm có thận nhân tạo để điều trị các ca hậu phẫu bị suy thận, kết quả rất khích lệ với tỷ số 50%.
Khui bụng ngay dù còn nghi ngờ, cắt bỏ lá gan trái nếu điều kiện đòi hỏi, kiếm cách bảo tồn tối đa 2 quả thận; trước khi đóng bụng lại phải rửa kỹ càng hố bụng, không quên đặt ống thông và hút. Các y sĩ giải phẫu tiền tuyến sẽ có dịp may tĩnh mạch, nối bypass cho các vết thương động mạch, fasciotomie sẽ trở thành thói quen nghề nghiệp. Huy động nhiều toán giải phẩu cùng một lúc để rút ngắn thời gian mổ. Kinh nghiệm cho thấy, kết quả sẽ tốt hơn khi tất cả các vết thương được săn sóc cùng một lượt, qua một cuộc giải phẫu, tránh cách chữa trị tạm thời hay chia thành nhiều giai đoạn hoặc chờ đợi cho hết cơn xúc kích. Ổn định được tình trạng sức khoẻ, cho di tản ngay ra khỏi Việt-Nam nếu biết là sau hai tuần người thương binh chưa có thể chiến đấu được.
Như đã biết, chiến tranh Việt-Nam là một cuộc chiến tranh du kích, tiếng súng êm lặng 2 hoặc 3 tuần nhưng cũng có thể cùng một lúc phải đón nhận 100 thương binh. Các bệnh viện quân đội các cấp luôn luôn có 1/2 số giường trống để đón thương binh.
Cẩm nang để cứu người của người y sĩ giải phẫu tiền tuyến qua lớp bụi thời gian vẫn không có nhiều thay đổi, trong lần công tác 1991 tại biên giới Pakistan - Afghanistan qua chương trình của Y sĩ không biên giới - Médecin sans frontière - physician without border - Aerzte ohnen Grenzen - trước khi lên đường, chúng tôi được các bậc "sư phụ" huấn luyện lại tay nghề.... thật ra cẩm nang chỉ là những kinh nghiệm được viết thành sách mà tôi đã có những bài học đáng đồng tiền bát gạo rồi được thực hành cùng với các thầy, các niên trưởng tại Bệnh Viện Trung ương Huế, Bệnh Viện Toàn Khoa Đà Nẳng, Tổng Y Viện Cọng Hoà của gần 30 năm trước đó.
Ngoài những điểm chính đã thu lượm được theo cách thức Mỹ tại 27th Surgical Hospital APO San Franscisco 96725, tôi không quên được những quy luật phía Việt-Nam của các đàn anh đã dạy ở Tổng Y Viện Cộng Hoà : cứt chảy trong bụng, máu rỉ trong não bộ là 2 trường hợp "urgent" phải khui ngay. Bao nhiêu lần phòng lựa thương Tổng Y Viện Cộng Hoà đầy ngập thương binh, vết thương từ đầu đến chân, những bác sĩ toán trưởng có nhiều vụ lựa thương theo ưu tiên nặng nhẹ, khẩn cấp hay còn chờ đợi, nguy hiểm đến mạng sống hay chưa !!... để được khiêng vào phòng mổ?? Số lượng phòng mổ, bác sĩ giải phẫu, nhân viên gây mê và phụ mổ có giới hạn cho nên không thể cùng lúc thanh toán hết lượng người bị thương đang nằm la liệt, có những hôm vết thương bụng quá nhiều, chúng tôi đục bụng rồi đặt 1 hay nhiều penrose tuỳ theo nặng nhẹ để làm giảm viêm màng bụng tổng quát. Có nhiều ca thương binh chuyển về quá trễ vì chiến trường đang cao độ, người y sĩ của chiến trường và y tá không thể xông vào xốc thương binh sớm hơn dưới cơn mưa bom đạn, khi họ về đến tay chúng tôi thì đã có mùi hôi nồng nặc, màng bụng đã nhiểm trùng độ cao, sau khi khâu hay cắt + nối các vết thương ruột, các ông anh đã không đóng bụng lại, mà làm irrigation - drainage với eau dakin & Nacl. Số tử vong rất cao vì không biết theo dõi lượng Na+, K+ trong máu, cân bằng lượng Protein. Thử nghĩ đây cũng là "chapitre" đầu của phương thức "second look" để chữa trị các viêm màng bụng nặng của y học hiện đại, năm 1975 khi tôi đã trình bày kinh nghiệm giải phẫu chiến tranh tại Việt-Nam tại khu giải phẫu Đại Học Wuerzburg bị các đồng nghiệp cho là "brutal". Các niên trưởng TYVCH đã nghĩ ra từ năm 1968 - 1969 để chữa trị các nhiễm trùng màng bụng cấp tính & kinh niên, cũng vì không có điều kiện thích hợp để nghiên cứu thêm cho nên ngành quân y Việt-Nam đã mất hẳn cơ hội làm rạng danh một Tổng Y Viện Cộng Hoà Việt-Nam, "second look made in TYVCH VN."
Claymore là một loại mìn mới ra lò của Hoa Kỳ, đây là mìn được châm ngòi bằng điện. Mìn định hướng được và thường quay thấp về hướng 2 hạ chi, do đó các thương binh vẩn còn tỉnh táo, bị khai thác trước khi được săn sóc. Claymore cũng cứa đứt ruột với nhiều mảnh ly ty nếu mìn được gài theo một góc độ cao hơn, những vết thương bụng do mìn Claymore gây ra thì hết thuôc chữa mà chỉ còn cảnh "sinh Bắc tử Nam" mà thôi. Nắm được sức công phá của mìn Claymore, Charlie đã quay ngược hướng mìn 180 độ làm tổn thương rất lớn cho phe đồng minh.
Tết Mậu Thân, lần đầu tiên người dân thành phố Huế nghe tiêng súng "tặc cù cù" của súng AK, loại súng chế tạo tại Tiệp Khắc; sức tàn phá của súng AK và M16 rất đáng kể : với sức xoáy rất mạnh sau khi lọt ra khỏi nòng súng, sự công phá của viên đạn rất bạo tàn làm nát vụn xương gây rất nhiều khó khăn cho các nhà giải phẫu chỉnh hình vì nạn thiếu xương. Nói chung người Việt-Nam đã thử lửa với các loại mìn đế quốc và súng vô sản với da, xuơng & thịt của mình.
Trong thời gian từ 1968 – 1972, tôi đã tham dự những ca mổ của 4 bệnh viện khác nhau phần nhiều do chiến tranh mang đến, một số ít như ruột thừa viêm, mổ lấy thai, lủng dạ dày..... thường gặp phải tại các nước chậm tiến.
Mãi cho đến cuối năm 1972, sau khi cố thủ mùa hè đỏ lửa ở Bệnh Viện Trung ương Huế qua sự hổ trợ tích cực của Giáo Sư Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu, các thầy Lê Bá Vận, Võ đăng Đài và Bùi Minh Đức, tôi đến CHLB Đức qua chương trình Deutscher Akademischer Austauschdienst (DAAD) - German Academic Exchanges Service - Office Allemand d' Echanges Universitaires - tôi mới được học giải phẫu tổng quát và lồng ngực với ông thầy cũ, giáo sư Ruprecht Zwirner tại Đại Học Wuerzburg.
Xin chân thành cám ơn Giáo Sư Viện Trưởng và các Thầy để tôi có được ngày hôm nay.
Trong công việc hàng ngày ở khu ICU qua sự kết hợp 2 chuyên khoa đã học đuợc: giải phẫu + gây mê hồi sức (Anesthesiology & Intensiv Care Unit) cứ lảng vảng hàng ngày bên tai tôi: Đà Nẵng Schock Lung - ARDS (Adult Respiratory Distress Syndromm) - Schock Lung - Capillary leak syndrom - Fat embolism - Traumatisch feuchte lunge..... biểu hiệu cho kích xúc phổi gây nên bởi nhiều nguyên nhân cho nên được gán thành ra nhiều danh từ y học khác nhau. Sự chẩn đoán, triệu chứng cũng như diễn tiến cơn bệnh, sinh lý bệnh lý học kích xúc phổi rất đa dạng, do đó chữa trị thật là vô cùng khó khăn, các quân y sĩ Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đã mô tả : phản ứng tức thời của bộ máy hô hấp. Có 2 dạng thức như sau:
□ Tổn thương trực tiếp : chấn thương lồng ngực (traumatismes thoraciques), bầm phổi (contusion pulmonaire unilatérale ou bilatérale), sưng phổi (pneumonie), aspiration (trong khi hôn mê hay nhiễu loạn phản xạ nuốt => thức ăn hay dịch trong bao tử trào vào 2 lá phổi).
□ Tổn thương gián tiếp : do tổn thương của nhiều cơ quan khác nhau (polytraumatisé), viêm phúc mạc tổng quát, nhiễm trùng máu (septicémie), nhiễm độc (intoxication) và tình trạng xúc kích (choc).
Nhiễm trùng vẩn là động lực chính đưa đến xúc kích phổi, một điều được khẳng định là một khi xúc kích phổi đã xuất hiện thì cơn bệnh đã trở nặng, phương pháp hay nhất và luôn luôn có kết quả tốt là phòng ngừa. 37 năm sau khi được mô tả lần đầu tiên tại Đà Nẵng, chiến tranh Việt-Nam đã chấm dứt cũng 30 năm, nhưng ... Đà Nẳng Schock Lung vẩn còn được bàn cãi hàng ngày và sẽ tồn tại mãi với y học và sẽ sống mải với công việc hàng ngày của những người thầy thuốc làm việc tại ICU.
Cứ mỗi lần nghe Đà Nẵng Schock Lung, tôi lại nhớ đến quê hương Việt-Nam thân yêu. Đành rằng dự hậu của Đà Nẵng Schock Lung thường là "irréversible" không khả quan cho lắm, nhưng vẫn có những trường hợp bệnh nhân thoát khỏi tử thần.
Tôi cũng cầu mong cái "choc" kinh tế, nạn tham nhũng, nạn ăn chận và đút lót tại Việt-Nam trong một ngày nào đó sẽ được "réversible". Hãy khai tử những tệ đoan trên mảnh đất Việt-Nam để tất cả con dân Việt hưởng được cuộc sống thanh bình và no ấm.
Phút cầu kinh
Sống trong bom đạn, mỗi một người trong chúng ta cũng đã có những mất mát tình cảm to lớn. 1968, tập thể Y Khoa Huế đã đón đón nhận vành khăn tang với cái chết tử đạo cho nền y học Việt-Nam qua họng súng trong tầm bắn gần: các thầy Krainick và Bà, thầy Discher và thầy Alterkoster. Các Thầy đã chọn cái chết hiển thánh ngay tại đất thần kinh, nơi các Thầy đã đến dạy cho các môn sinh cái nghề nhân đạo và cứu người. Đau đớn thay chúng con không cứu được các Thầy.
Một năm sau, 1969 lớp chúng tôi lại từ giã bạn Trịnh Bình Tây, bị xe của người bạn đồng minh đụng phải ở Hoà Vang, Anh đã đựợc làm craniotomie tại 3rd Evac Hospital / Đà Nẵng, được cứu chữa tận tình nhưng tử thần cướp Anh đi để lại Chị Minh Lý và các cháu. Hình ảnh của Tây sau gần 40 năm cách ly đang còn in sâu trong tiềm thức chúng tôi. Tây học trên tôi 1 lớp ở Trung học. Chúng tôi đã có những buổi đi cắm trại vui nhộn, những trận xì phé thâu đêm suốt sáng, bánh bèo Tây Thượng, bún bò bà Rớt và những buổi đi chơi xa theo Lê Đình Thương, bọn tôi đã đèo nhau xe 2 bánh vào Đà Nẵng. Đầu năm 2005, con trai đầu lòng của bạn Tây và chị Minh Lý có về thăm nhà. Cháu đến từng nơi gặp lại các bạn học của bố, trước khi chia tay từng người một, cháu ngậm ngùi thưa : cháu về không mang theo quà để biếu các bác, cháu xin để lại 100 USD để tỏ lòng thảo. Chỉ mới một lần về của cháu đã mang lại cho bác Phạm Thị Xuân Quế một số tiền kệch xù để Bác Quế lo "nồi cháo tình thương"; chén cháo cho những người đang thiếu ăn, những con bệnh đang trong giai đoạn chờ chết. Tất cả các bạn cùng lớp đã dồn quà của cháu giao lại cho chị Xuân Quế. Chị Xuân Quế là ngưòi đang lo phòng bệnh khám miễn phí Thượng Lạc, chương trình cấp học bổng cho học sinh nghèo và "nồi cháo tình thương" tại Huế. Sự yểm trợ tài chánh cho chị Quế sẽ đến tận tay nhóm ngưòi không gia đình, không con cái, tật nguyền và ốm đau.
Hôm ni ngày 01.03.1969, đang hí hoáy tại phòng cấp cứu Tổng Y Viện Hoà, "capitaine" Nguyễn Đại Hiền không được vui vẻ, tôi mớm hỏi thì được dịp nước mắt của Hiền trào ra xối xả và mếu máo : Bà già khóc quá chừng khi lính mang cái đàn guitar của thằng em moi về. Vâng, bạn Hiền tủi thân là phải, một viên đạn vô tình nào đó đã cướp mất người em ruột của bạn cũng là em ruột của thầy Nguyễn Hữu Trí dạy Physique lớp PCB của bọn tôi : Nhạc sĩ Dũng Chinh, Anh đã sáng tác nhiều tác phẩm đang còn lưu truyền, đã phổ nhạc bất hủ bài thơ "màu tím hoa sim" của thi sĩ Hữu Loan. Chiến tranh đã làm gia đình Nguyễn Đại Hiền mất một người em, gia tài mẹ Việt-Nam mất đi một nhạc sĩ trẻ tài hoa, Dũng Chinh vẫn còn sống mãi với "Màu Tím Hoa Sim", với hồn dân tộc.
Trong khuôn viên của bệnh viện nhà binh lớn nhất của Việt-Nam, tôi đã có những ngày trực không có giờ giải lao, những đêm mổ sáng đêm và sống trong tình anh em rất đầm ấm. Anh Phạm Hữu Trác là một toán trưởng, sau này về làm lớn ở Cục Quân Y là một Ông Anh vui tính, chỉ bày rõ ràng mà cứ hễ gặp tôi là nói tiêng Tây... ngay cả năm 1991, vào cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh vừa bước xuống bục gổ sau khi tôi trình bày một đề tài y khoa tại Paris, Anh đã khẽ gõ vào đầu rồi tuôn ra "......lại cái thằng này". Năm 1969, Anh ra thanh tra Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, thay vì chễm chệ ngồi xe Jeep, ngồi tửu lâu với cấp chỉ huy, Anh đèo xe honda đi ăn cháo lươn ... với thằng em. Cái dễ thương của Anh là không tìm thấy cái đường phân chia Bắc, Trung, Nam hay "formation" bên tây, bên tàu, bên mỹ hay "lô canh" tại Viêt-Nam Hà Nội, Huế hay Sàigòn. Với Anh tất cả là một nhà, đã lèo lái Hội Y Sĩ Việt-Nam tại Canada, Hội Quốc Tế Y Sĩ..... Theo Tử Vi của bác sĩ Từ Uyên chấm trong Tập San Y Sĩ số 166, thì cung nô của Anh không được tốt ... bị trâu bò húc cho bể bụng ... chó cắn cho rách quần. Anh Trác ơi, đó là hiện tượng âm dương của trời đất, phường ăn cháo đáo bát thì đi mô cũng đụng hết; chết đứa ni thì trời sinh thêm đứa khác... luân hồi nhà Phật mà, thế gian ni còn tồn tại thì không khi mô thiếu cái bọn qua cầu rút ván ... tụi nó chưa cưa cẳng ông Anh là may, còn "cái thằng này" luôn luôn nhớ đến ông Anh lắm đó.
Anh Nguyễn đắc Lập cũng là một toán trưởng hiền lành, bao nhiêu việc trong ngày trực Anh đều cố gánh lấy một mình ..."khi cần moi sẽ cho đi tìm toi", chúng tôi lại có dịp gặp gỡ nhiều lần trước và sau 1975 tại Pháp. Tôi còn nhớ rất rõ ràng vào lần gặp đầu năm 1976 tại Bệnh Viện Necker /Paris , theo ý kiến anh Lập : chúng ta có nhiều đồng nghiệp nằm trong chuyên ngành giải phẫu nhưng chưa có một ai lo sửa soạn + chuẩn bị trước cũng như săn sóc bệnh nhân sau khi mổ, đề nghị nên có người học chuyên ngành Réa. để sau này có thể mổ lớn tại quê nhà như thay thận ... (anh Lập là urologie và chị Thư néphrologie). Sự nhận xét của anh Lập rất đứng đắn, cũng là một yếu tố mạnh thúc đẩy tôi đi học thêm một ngành mới Réanimation - ICU.
Tập san Y Sĩ số 111 tháng 4.1991, bs Nguyễn Duy Vững đã thay mặt tập thể y sĩ Việt-Nam chia buồn về sự ra đi quá sớm của niên trưởng Nguyễn đắc Lập. Anh bị suy gan cấp tính vì bị nhiễm “vi rút“ khi mổ xẻ cho bệnh nhân. "Nguyễn Đắc Lập đã nằm xuống vì y nghiệp", Anh mất ngày 17.01.1991 tại Paris.
Một vài hàng tưởng nhớ đến Anh, anh linh Anh hiện nơi đâu ? nơi quê nhà hay đang còn lưu lạc ở phương trời Âu!!! Trong tâm tư của Anh khi sống cũng như trước khi từ giã gia đình ruột thịt bạn bè, Anh đã lo và mãi mãi còn chu toàn bổn phận của một lương y.
1976, tập thể chúng tôi đã bị phân tán khắp năm châu bốn biển, đang học tập cải tạo gần Phạm Bá Khá, anh Đoàn Yến đón nhận được tin người bạn thân bị tử thương vì vết thương bụng do mìn trong trại, chỉ một mình Anh Yến đã gánh chịu hết khổ đau thay cho cả lớp chúng tôi. Cảnh biệt ly lúc mô cũng thật não lòng nhất là với Phạm Bá Khá, một người bạn rất dễ thương của lớp học. Đoàn Yến, một đồng môn & đồng khóa từ Nha Trang đến Huế quây quần với tập thể chúng tôi suốt 7 năm học, Anh là một mẫu người rất nặng tình với tất cả bạn bè, Anh đã lái xe hoa cho Khá vào ngày cưới, lần này thì trên hai vai, Anh gánh quan tài đưa bạn đến nấm mộ hoang. Chúng tôi biết Anh đã trải qua những giờ phút khốn khổ của quãng đời, đã sống trong chốn lao tù địa ngục ... nơi không có tình ngưòi, thiếu tình thương mà chỉ tìm thấy có ... tình nghi và hận thù. Xin chia xẻ niềm đau xót và cầu mong hận thù nguôi dần trong tim Anh.
Theo kinh Pháp Cú của nhà Phật : rồi cái già cái chết vẫn theo ta ở cuối giòng sanh mạng......, Năm 2000, người đầu tiên ra đi theo kiếp luân hồi, chúng tôi phải chia tay với người bạn rất vui tính, Đặng Ngọc Hồ là dân SPCN sang đầu quân Y Khoa. Vào năm thứ II Y Khoa, kể cả tôi có tất cả 6 anh em trong lớp tham dự cuộc chạy băng đồng giải Viện Đại Học, đặt nhiều hy vọng nơi Trương Thanh Trừng vì Trừng có tập dợt. Khán giả ngỡ ngàng khi Hồ dẫn đầu về tới đích đoạt giải chạy vô địch toàn Viện vì Anh chẳng tập tành khỉ khô chi cả. Hồ có biệt tài là giả tiếng súc vật như chim hót, chó sủa, mèo kêu, vượn hú ... và có lẽ là một con người rất hiếm hoi trên thế giới này còn "skin muscle" để nhúc nhích lỗ tai. Đây là môt loại bắp thịt mà súc vật : ngựa, trâu, bò...ve vẩy lỗ tai để đuổi ruồi, đuổi muỗi ... Trong giờ học Anatomie, Hồ đã chìa lỗ tai cho ông Thầy Zwirner: "I show my ear" làm ông Thầy giật mình vì tưởng mình đang đi theo với Trư Bát Giới qua Tàu để thỉnh kinh.
Thời gian phục vụ ở Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, Hồ nổi tiếng về mổ chấn thương sọ não: trépanation hay craniotomie; một bệnh nhân được Hồ mổ và Phồn chăm sóc hậu phẫu đã hồi tỉnh sau 2 tháng hôn mê, một kỷ lục vào thời điểm đó, trong lúc mà chúng tôi thiếu rất nhiều phương tiện để theo dõi. Tôi là tài xế Honda chuyên nghiệp cho Hồ mỗi khi đi nhậu, nhậu cho sướng rồi Hồ lắc lư ôm cứng để tôi chở về nhà. Thời gian này Hồ có cháu trai nối tông đường, Tifo là tục danh của cháu, bị sa dái (hernie inguinale) Hồ và Lờ Vờ (tiếng lóng gọi tên Lệ Vân khi anh chị còn ve nhau vào những năm cuối chương trình học) dặn khi mô ông bẹn bị nghẹt thì gọi chú Hứa mổ cho. Chị Vân là người duy nhất trong đám nội tướng của các bạn cùng lớp gọi tôi bằng "chú" Hứa để khẳng định chỗ đứng thật gần gũi với gia đình Đặng Ngọc.
Năm 1970 đắc cử Nghị Viên Thành Phố Huế, Hồ được giải ngũ, sau 1975 Trưởng Khu Nội Bệnh Viện Sùng Chính, trên đường đời, Hồ đã thành công trong sự nghiệp. Hồ chơi xả láng và rất đẹp với tất cả bạn bè, là người đề xướng thành lập Hội Cựu Sinh Viên Y Khoa Huế tại Sàigòn, có mặt trong tất cả cuộc gặp gỡ với anh chị em cùng trường và Anh rất nặng tình với Bọ Quyến.
Năm 1993, sau trên 20 năm, chúng tôi có dịp cụng ly nhau tơi bời tại một nhà hàng có bạn Phồn, Hàm, May, Hồ, Nguyễn Xuân Ái, Đinh Sơn Thắng, Phan Tiêu Thu, và các đồng môn các tỉnh Đồng Nai Biên Hoà ... nhớ đến cái giai đoạn mà Hồ uống bao nhiêu bia thì tôi hầu đủ số coca cola, có lúc tôi phải uống dến 09 - 10 chai coca thiệt muốn chết vì phải chạy theo bạn. Rồi cứ như rứa ... những năm tiếp theo cứ mỗi lần tôi về, Hồ cầm tay Lờ Vờ lại có dịp ngồi bên nhau cạnh tách cà phê, tô phở, hủ tiếu cùng với nhóm Cái Bang 6 đứa của lớp học, thiếu mặt 2 tay tổ của khoá I : Bùi An Bình ở Huế, Lê Quốc Bảo tại Cali. Còn lại 4 đứa tụi tôi mà Ngọc Điệp bà xã của Phồn cứ thủ thỉ bên tai chồng: bạn bè của ông "dôn" tui chi mà kỳ cục quá: đã Hàm - Hồ mà lại còn Thất - Hứa, thiệt không ai ngửi nổi ... bọn tôi khen hai anh chị còn đẹp duyên chán, bọn trẻ thấy cảnh hữu tình phải còn ghen. Hồng nhan bạc mệnh, năm 1999 chị Lệ Vân bỏ Hồ và các cháu ra đi..., thế rồi một cơn đau ở vùng hạ sườn phải không thể trấn áp được bằng những loại thuốc chống đau, đi siêu âm mới tìm thấy là Hồ gặp con bịnh quái ác. Hồ vẫn sống hồn nhiên và ... trong những lúc nhàn rỗi đã có dịp than thở với bạn bè: cuộc đời qua nhiều thăng trầm, nói chung sướng nhiều hơn khổ. Sống được như ri cũng mãn nguyện rồi, có điều tội cho mấy đứa con, năm kia bà Nội mất, năm rồi mang tang của Mẹ, bây giờ sắp chia tay cha - 4 năm 3 đại tang không biết tụi nó chịu đựng nổi không!? .... ngày 02.08.2000 trên đường trở lại CHLB Đức thì khoảng cách giữa Hồ và tôi chỉ có lớp ván hòm, ngàn trùng xa cách, âm dương ly biệt.
Đặng Ngọc Hồ ơi!!!, bạn ra đi bỏ lại các cháu, bạn bè thân yêu. Bạn vẫn sống mãi trong lòng các đồng môn như một bản nhạc trác tuyệt như những tiếng sóng vỗ triền miên của cửa biển Thuận An; Hội Cựu Sinh Viên Y Khoa Huế sẽ lưu giữ cái tình bằng hữu mãi mãi với thời gian, vĩnh biệt Đặng Ngọc Hồ ... Mong rằng những người tiếp sau mỗi người mỗi việc mới, mỗi người mỗi công tác đẹp mà tôi trong đêm vắng, tôi viết ra những dòng chữ thanh thản cho cõi lòng, cho tình yêu nở hoa, dù hoa được nở trên mảnh đất màu mỡ ... hay tàn tạ giữa một rừng gai đắng cay, cho tình thầy trò mặn nồng và cho những tình bạn muôn thuở, Hồ ơi .......
No coming - No going
No after - No before
I hold you, close to me
I release you, to be so fee
Because I am in you
And you are in me
Không đi đâu, không về đâu
Không trước mà cũng không sau
Cầm tay nhau, mến thương nhau
Rồi phải chia tay cũng không sầu
Vì trong bạn có tôi
Và ... trong tôi có bạn.
Các bạn ơi, các bạn thì đang ngàn trùng xa cách, còn tôi đây thì đối diện với cảnh cũ mà lại thiếu người xưa, nhớ lắm. Vâng, một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ đến với nhau, trở về với cát bụi, với quê hương, và dầu sao ... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau – (Trịnh Công Sơn) |