GIÁO SƯ KHOA TRƯỞNG BÙI DUY TÂM

 
 

Vĩnh Chánh

Sau khi Ban Chấp Hành HAHYKH đồng quyết định chọn “20 Năm Kỷ Niệm YKH Hải Ngoại” làm đề tài cho Tập San năm nay, tôi cứ mãi do dự không biết phải viết một bài như thế nào để đóng góp vào Tập San. Sau những đắn đo suy nghỉ, qua những trao đổi ý kiến trong nội bộ, tôi tự nhận lãnh trách nhiệm viết một bài về Giáo Sư Bùi Duy Tâm, một tên tuổi đã gắng bó với thế hệ chúng tôi tại Đại Học YK Huế. Xin bạn đọc hãy xóa bỏ những dị biệt chính trị để cùng tôi  lùi lại vào thời gian mà chúng ta đang là sinh viên y khoa trong những năm cuối của thập niên 60 và những năm đầu của thập niên 70.

Giáo Sư Bùi Duy Tâm được chính thức bổ nhiệm làm khoa trưởng Đại Học YK Huế vào cuối năm 1967 khi tôi mới bước chân vào năm thứ nhất của trường. Khi được biết Thầy là một Bác Sỷ Y Khoa có luôn cả bằng Ph.D về Biochemistry ở Mỷ, chúng tôi rất ngưỡng mộ và mơ hồ nhìn thấy một hướng đi mới của Viện Đại Học Huế và của Trường YK. Chúng tôi sẳng sàng chờ đợi những thay đổi, những bổ sung nhân lưc quan trọng trong ban giảng huấn cũng như sự cọng tác thân thiện và hữu ích của các giáo sư thuộc Đại Học YK Saigon. Biến cố Mậu Thân không những đã mang đến nhiều đau thương chết chóc cho toàn thành phố Huế, mà còn gây nhiều tổn thất tinh thần và vật chất cho trường YK Huế qua cái chết của các giáo sư người Đức và sự mất tích của Thầy Nguyển Văn Đệ. Đứng trước tình trạng không có đủ các thầy, nhất là sau khi các giáo sư ở Saigon không thể bay ra Huế để dạy một cách thuận lợi, Giáo Sư Bùi Duy Tâm đã làm một quyết định không tiền khoáng hậu, đầy thử thách và rất ư mạo hiểm, chỉ có thể tìm thấy được ở con người có đầu óc bén nhạy, can trường và quyết tâm. Đó là quyết định tạm dời trường YK Huế vào Saigon. Quyết định nầy không những đã giúp chúng tôi khỏi bị mất một năm học và thực tập, và khỏi bị động viên, mà còn là một cái mốc đưa trường YK Huế lớn mạnh và vững vàng thêm trong tương lai về sau. Theo với sự dời trường, Thầy đã cụ thể giúp đở rất nhiều chúng tôi bằng cách tìm cho phương tiện di chuyển vào Saigon, và các nơi tạm trú cho sinh viên xa nhà. Thầy đã tranh đấu để chúng tôi có những nơi để học, dù đó là ở Đại Học Vạn Hạnh, ở trường Quân Y, ở trường Dược, ở trường YK Saigon, ở Viện Pasteur… Cùng với Thầy, Giáo Sư Võ Đăng Đài, và quý Ông tổng thư ký Lê Cảnh Đạm, Vĩnh Tiên đã tận tình tận lực chu toàn trách nhiệm nên chỉ sau 2 năm chúng tôi trở về Huế tiếp tục học lại trong ngôi trường thân yêu, để từ đó lớn mạnh trong sự săn sóc của một ban giảng huấn hùng hậu và đầy đủ khả năng hơn trước. Rồi Y Học Đông Phương đã được giảng dạy đầu tiên tại đây đã cho chúng tôi biết sơ khởi thế nào là “Thương Hàn Tạp Bệnh Luận” hay “ kinh mạch, âm dương”, và “châm” khác với “cứu” như thế nào; lời thề Hipocrate khi ra trường đã được thay thế bằng lời thề Hải Thượng Lãng Ông; lễ phục khi tuyên thệ là quốc phục…

Ngoài cách hành xử cứng rắn nhưng đầy hiểu biết của một vị khoa trưởng, Giáo Sư Bùi Duy Tâm còn là một vị thầy có tâm hồn nghệ sỉ và rất tình cảm. Tôi còn nhớ những lần Thầy tổ chức cho cả trường đi chơi bằng thuyền từ dưới Đông Ba lên đến lăng Minh Mạng, hay những đêm nghe nhạc trên thuyền ở sông Hương, hoặc những đêm dạ vũ tại trường với ban nhạc gồm các anh Hà Thúc Như Hỷ, Hoàng Thế Định, Phạm đăng Thiện… , hoặc cùng chở nhau đến lăng Tự Đức rồi chạy qua lăng Khải Định, để cùng nhau hát hò với sự thành lập ngay tại chổ ban nhạc “les tuberculeurs”gồm các anh Trần Nhật Trí, Đồng Sĩ Nam và Trần Tiển Ngạc để phụ họa với các ca sỉ bạn của Thầy như Thu Hà, Hồng Vân, Ngọc Minh…. Các bạn tôi cũng không thể nào quên được lần Thầy tổ chức  trại hè lịch sử tại đảo Phú Quý với sự cọng tác của Hải Quân và ban ca đoàn Gió Khơi trước khi trường chính thức trở về Huế. Cũng không quên được chuyến đi chơi hè năm 1971 tại Đà Lạt với gia đìnhThầy Cô, Thầy Đài, và các bạn Hớn, Chủ, Chữ, Châu, Tiến. Chưa  bao giờ mà tinh thần đoàn kết thân ái giữa các thầy trò và các đồng môn lại cao đến thế, chưa bao giờ mà toàn thể sinh viên cùng nhau muốn học nhiều như vậy và cũng chưa bao giờ có một Khoa Trưởng mà được các sinh viên quý mến và cảm thấy gần gủi như thế. Bạn có phải là một trong những người đã từng nhận được phần thưởng học giỏi cuối năm do Thầy Tâm đích thân phát không? Hay có phải bạn đã thay phiên chở Thầy đi đây đó mổi khi Thầy ra Huế, mặc dù có sẳn xe của trường dành riêng cho Thầy. Ngay khi Huế vừa tan mùi khói súng sau Tết 68, Thầy đã bay ra làm việc ở trường YK và mang theo một phái đoàn văn nghệ sĩ trong đó gồm có chị Nhã Ca và thân hữu Chu Mai để uỷ lạo sinh viên chúng tôi. Khi chúng tôi chưa chịu lên xe GMC để vào quân trường Đống Đa theo chương trình huấn luyện quân sự học đường trong mùa hè, Thầy đã được chở đến bằng xe Honda và dỗ dành chúng tôi với một câu nhẹ nhàng nhưng rất hữu ích mà mãi đến bây giờ tôi không thể nào quên “các cậu phải nhớ là ở đời có những lúc mình cũng phải làm những điều mà mình không muốn”. Thế là tất cả chúng tôi leo lên xe, hứng khởi và sôi động.

Mùa thu năm 1969, chúng tôi bắt đầu năm thứ ba tại Huế. Trường đã được sửa sang lại, thư viện có nhiều sách và tài liệu mới, ban giảng huấn có thêm nhiều khuôn  mặt mới, như các đàn anh và đàn chị thuộc khóa 1 và 2; đặc biệt là cặp thầy cô Tôn Thất Chiểu & Bùi Bội Tiên và Bửu Châu & Hạnh Phước, mà theo ý kiến riêng của tôi nếu không có thầy Tâm không chắc các cô Bội Tiên và Hạnh Phước đã chịu thôi làm ở phòng sinh hóa YK Saigon đề về đất thần kinh dù là đi theo chồng. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều giáo sư khác như quý thầy Nguyễn Văn Tự, Bùi Minh Đức, Lê Bá Nhàn… đang du học ở Đức…Các giúp đở từ ngoại quốc tiếp tục đổ vào, theo với số bác sỉ làm việc tại bệnh viện để hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên. YK Huế đang trong đà bành trướng mạnh, các đàn anh ra trường vững vàng trong nghề nghiệp dân y hay quân y, thì bổng nhiên Thầy Tâm rời bỏ chức vụ khoa trưởng YK Huế vào cuối năm 1972. Lòng sinh viên chúng tôi rất trong trắng, không biết chính trị ở đàng sau nên chúng tôi đã bày tỏ thái độ chống đối bằng cách rầm rộ đưa tiển Thầy ra tận sân bay, mang theo nhiều biểu ngữ bày tỏ cảm tình sâu đậm dành riêng cho Thầy; Ban đại diện sinh viên YKH cũng có tặng Thầy một tấm tranh sơn mài rất giá trị của họa sỉ Nguyễn Tăng vẽ các cô gái Huế tóc thề, tay ôm cặp trước cổng Thượng Tứ. Trên bức tranh có 3 câu viết tặng: “Toàn thể Sinh Viên Đại Học Y Khoa Huế (1967-1972) kính tặng Giáo Sư Khoa Trưởng Bùi Duy Tâm, Người đã đến trong Gian Nguy và ra đi khi An Bình”. Thầy đã như một vị chỉ huy biệt kích nhảy dù, không e ngại gian khổ, vượt qua bao thữ thách, đem đến chiến thắng, mang các con cái về lại nhà, nhưng Thầy lại ra đi sau đó vì một sứ mạng khó khăn hơn với nhiều thách đố hơn đang chờ đợi tài quản trị và ngoại giao khéo léo của Thầy. Và như thế trường YK Minh Đức, con đẻ của Thầy, được chính thức thành hình ngay tại Saigon.

Sau biến cố mất nước năm 75 với những trôi nổi đau khổ, tôi đã bặt tin của Thầy. Cho đến mãi sau nầy, gần cuối thập niên 80, tôi mới hay biết Thầy định cư tại vùng San Francisco và có tham gia nhiều cuộc hội họp với các anh chị em trong HAHYKH trong những năm sơ khai. Lần gặp lại Thầy trong buổi lễ tưởng niệm thầy Lê Văn Bách năm 2002, trông Thầy vẫn không mấy thay đổi, cũng một cách nói chuyện nhiệt tình như xưa. Thầy đã cho chúng tôi xem lại những tấm hình “thời sự” của những năm Thầy có mặt ở Huế. Trông lần họp thường niên của HAHYKH vào tháng 8, 05 vừa qua, tôi có mời Thầy tham dự, nhưng rất tiếc là Thầy bận đưa Cô đi cruise thăm nước Greenland và Iceland vào thời gian đó. Qua các cuộc nói chuyện với bạn bè, tôi vui mừng biết được Thầy nay đã “đạt”, xa lánh “đường trần mưa bay gió cuốn” và đang tích cực làm việc ngày đêm chờ đợi ngày “gát kiếm”. Tôi muốn chung vui với Thầy Cô về sự thành đạt của các em, trưởng nam Bùi Duy Linh, một BS gây mê, trưởng nữ Bùi Việt Hà, quản lý của một trung tâm YK, thứ nam Bùi Duy Thiện, orthodontist hiện đang là giáo sư tại ĐH UCSF và út nữ Bùi Duy Việt Hồng, một BS Gia Đình. Tôi ước mong có ngày được gặp lại Thầy Cô để bày tỏ sự biết ơn của kẻ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, để được xem lại tấm tranh sơn mài năm nào đã ghi đầy đủ sự nhớ ơn của tất cả chúng tôi mà Thầy vẫn trân trọng treo ngay chính giữa phòng khách của gia đình dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, và tôi cũng muốn kể cho Thầy Cô nghe những tên tuổi, thành tích của những sinh viên năm xưa của Thầy hiện đang thành danh ở trong nước hay ở bên ngoài. Nếu điều nầy có làm ấm lòng Thầy trong tuổi xế chiều, thì đó là một vinh dự cho tôi.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved