HUẾ ... ĐÀ NĂNG

 
 

 

Tháng 7 năm 1973, chúng tôi vào thực tập ở TRUNG-TÂM Y-TẾ TOÀN KHOA ĐÀ NẲNG (xin gọi tắt là TK/ĐN: Toàn khoa Đà-Nẵng ; hay BV/ĐN: Bệnh-Viện Đà Nẵng) và được chia phòng ở trong khu nhà dành cho nội-trú, còn mới .
.
Thành phố Đà Nẵng thì không lạ gì với chúng tôi, vì qua mấy lần Huế bị lâm vào chiến cuộc ( Mậu Thân 1968, mùa Hè 1972,..v..v...), phần lớn thị dân Huế vào Đà Nẵng lánh nạn ở nhà bà con hay nhà tạm cư, chờ yên lại quay về.
Chúng tôi được chia việc, phân công trực gác và hoà nhịp ngay với guồng máy đang chạy.  Lần đầu tiên trong đời đi học, chúng tôi nhận được một ít lương. Ông Bác-Sĩ Giám-Đốc ( B.S G.Đ ) Toàn Khoa Đà Nẵng Đ. V. T. cùng vài Bác Sĩ khác, kể cả các B.S từ Thuỵ-Sĩ hay B.S từ Pháp đến giúp đỡ bệnh viện, dành một ít thì giờ để giảng dạy về trị liệu hay cấp cứu .
Một nơi mà mọi người đã trải qua những giờ phút êm đềm là phòng đọc sách, cạnh phòng mổ. Phòng tuy nhỏ nhưng mát mẻ vì có điều hoà không khí và yên tĩnh vì cách ly tốt, sách nhiều màu vui mắt chất lên đến trần nhà .
Hiếm có Bệnh viện nào ở Việt Nam vào thời đó mà tổ chức chu-đáo như vậy, dành cho nhân-viên phương tiện để tra-cứu và học hỏi ngay khi làm việc.
Lúc mới vào B.V Đà Nẵng, ngày đầu trực phòng cấp cứu rất đông bệnh nhân, sau một  ngày làm việc từ sáng đến tối không có gì lạ , 1 nội trú đã viết vào quyển sổ nhật ký để trong phòng trực , cảm tuởng sau 1 ngày trực, dựa theo câu tựa đề của quyển truyện Pháp đang thịnh hành của E.M.R.:
-" À l'Ouest , rien de nouveau ! " (Ở miền Tây, không có chi mới lạ).
Mới vào làm, cứ nghĩ rằng ai mà để mắt tới quyển sổ ấy...
Vậy mà Ông Giám Đốc Bệnh Viện, dù bận việc, vẫn xem những điều các nội trú ghi lại trong ngày và đã viết trả lời :
-" Il y a toujours du nouveau en ce monde ". (Trên đời này luôn luôn có những điều mới lạ).
Ông luôn luôn có những chỉ dạy và lời khuyên bảo ân cần, đúng lúc cho đám người trẻ …

 Con đường từ Huế vào Đà Nẵng và Đà Nẵng ra Huế rất hiểm trở, đã đi qua mãi, nhưng mỗi lúc nó lại có 1 vẻ đẹp riêng. Có ngày sương mù dày đặc, xe phải mở đèn chạy giữa ban ngày. Có mùa hoa vàng nở khắp núi rừng, triền dốc. Có mùa hoa lau nở trắng phơ phất trong gió ...Và nhìn xuống dốc đá sâu thẳm , sóng ầm ầm dội vào ghềnh.
Cái Ải trên núi là chứng tích của 1 thời lịch sử có vua có quan. Ngày nay đã có 1 đường
hầm ngầm đục xuyên qua núi nối liền 2 vùng, mà khi đi qua 3 cái đèo và núi non, khí-hậu thay đổi khác biệt thấy rõ ..
Đà Nẵng cũng có những nơi đáng xem như Bảo-Tàng Chàm, Ngũ Hành Sơn .... Những bãi cát trắng với rặng thùy dương mà tới cuối tuần mới có thì-giờ rảnh đi với cả nhóm .
Thỉnh thoảng Bệnh-Viện tổ chức cho nhân viên đi khám bệnh, phát thuốc ở các làng quê hẻo lánh, thời ấy gọi là " Y tế về làng ". Đến nơi mới thấy làng quê xơ xác vì chiến tranh, thiếu thốn mọi mặt, kể cả y-tế. Trẻ em thông thường là bệnh giun sán, nhiễm trùng ...và thiếu sự săn sóc.
Cũng nhân dịp đi với phái đoàn, chúng tôi đã lên thuyền ra thăm đảo Chàm ngoài khơi của Hội An và thăm phố cổ Hội An (mà mãi đến năm 1999 được UNESCO  công nhận là di sản văn hoá thế giới, cùng với khu di-tích Chàm ở Mỹ Sơn).
Bệnh Viện Đà Nẵng cũng là nơi mà 2 người bạn học cùng lớp đã nằm bệnh chỉ trong một thời gian rất ngắn rồi ra đi vĩnh viễn vào năm cuối y khoa, chưa kịp thi ra trường: Cô bạn K.L và bạn TR. đã qua đời rất nhanh và bất ngờ.
Trong lần đến thăm TR., Ông Bác Sĩ Giám Đốc T.K Đà Nẵng đã nói đến bệnh viêm phổi cấp tính gây nên do Virus với hội chứng hô hấp cấp tính trầm trọng. Ông bày tỏ mối lo ngại , sẽ có thể có khả năng các nhân-viên y-tế trong Bệnh Viện gặp nguy cơ lây nhiễm và có thể, 1 trận dịch do virus bộc phát do lây truyền qua tiếp-xúc với bệnh nhân hay với chất thải ra từ đường hô-hấp của bệnh nhân . Đặc -biệt là số tử vong sẽ cao nơi nhân viên y tế !!.
Ông Giám Đốc đã nói đến SARS từ năm 1973. May mắn đã không xảy ra 1 trận dịch lúc ấy ở Đà Nẵng , mà mãi đến cuối năm 2002 và về sau, thế giới mới trãi qua cơn lo sợ với SARS và hiện tại với dịch cúm gà, cúm gia cầm...
Cho tới năm 1973, phòng giải phẫu của Toàn Khoa Đà Nẳng đã làm được 6 trường hợp cột Động mạch Hạ vị (Cột ĐMHV, Ligation of Hypogastric Artery). Với 5 truờng hợp thành công và 1 thất bại do bệnh nhân quá yếu kém và mất nhiều máu trước đó .
Ông Bác Sĩ Giám Đốc đã cho chúng tôi xem 1 tập tài liệu mỏng viết về phương-pháp mổ này, tiếng Pháp đối chiếu với tiếng Ý, với phần lịch-sử, cơ-chế , chỉ-định ...v..v...
Henry Gray (1821-1865) viết sách " Anatomy of the human body " (1918) đã mô-tả chi-tiết về Collateral circulation ( vận hành máu phụ ) sau khi cột Động Mạch Hạ Vị (Ligation of Hypogastric artery). Có thể tìm xem tài liệu này trên Internet.
Hypogastric artery ( Động Mạch Hạ Vị ) cung cấp máu cho các vách che phủ và nội tạng (Viscera) của vùng chậu (Pelvis), vùng mông, cơ quan sinh dục ...
Nếu muốn tìm tài liệu về phẫu thuật này, có thể tìm trên Internet, dùng Computer :
***  Đánh máy với chữ Anh vào khung tìm kiếm (Search) của  Computer :
" Ligation of the Hypogastric Artery", hay 1 tên khác của động mạch hạ vị  : " Ligation of the Internal Iliac artery " .
Bấm: Tìm (Click : Search),  sẽ thấy nhiều bài viết bằng chữ tiếng Anh về đề tài trên.

 ***  Nếu đánh máy chữ Pháp :" Ligature de l'artere  Hypogastrique " vào khung "Tìm" , sẽ có nhiều tài liệu chữ tiếng Pháp .
Năm 1894, Howard Kelly viết :" Ligation of the internal iliac artery for hemorrhage in hysterectomy for carcinoma uterus in John Hopkins Hospital " (Cột Động Mạch Hạ vị ngăn xuất huyết khi mổ cắt tử cung bị ung thư trong Bệnh Viện John Hopkins).
Bệnh Viện John Hopkins là nơi Ông B.S. Giám Đốc đã  tu nghiệp chuyên khoa 2 năm (1960).
Phẫu thuật cột Động Mạch Hạ Vị dùng cấp cứu, làm ngưng xuất huyết trong trường hợp khẩn cấp, khi các cố gắng cứu giúp khác đã thất bại .
Sau khi cột ĐMHV chừng 45 tới 60 phút, sẽ có Collateral circulation ( Vận hành máu phụ )
BURCHELL (1968) đã chứng minh được điều này bằng cách chích chất cản quang vào mạch máu của bệnh nhân rồi chụp nhiều hình hệ thống động mạch tương ứng cùng đo áp suất động mạch, trước và sau khi mổ cột Động Mạch Hạ Vị , và kết luận : Không thấy có hiện tượng thiếu máu hay hoại tử (Ischemy, gangrene) sau khi cột ĐMHV.
Việc lập bản tường-trình phân tích và quan-sát sẽ dựa theo: tuổi của bệnh nhân, chỉ định: sản hay phụ khoa , kết quả ...v.v...
*** Chỉ định cột Động Mạch Hạ Vị trong sản khoa: thường là xuất huyết sau khi sinh ( PPH ), vỡ tử cung. Hiếm thấy hơn: Placenta previa ( Nhau bám chắn đuờng truớc), Morbidly adherent placenta (nhau bám cứng không lóc) ...
*** Chỉ định cột ĐMHV trong phụ khoa : Ung-thư cổ tử cung (Carcinoma cervis) ngăn ngừa xuất huyết trong khi mổ cắt tử cung. Hiếm thấy hơn : Ovarian tumor(buớu buồng trứng), Choriocarcinoma (Ung thư tế bào nuôi)....
Ngày ấy, chỉ ở các trung-tâm chuyên-khoa, các Bác Sĩ  được huấn luyện để cứu sống bệnh-nhân bằng phẩu thuật Cột Động Mạch Hạ Vị, làm cầm sự xuất huyết vùng chậu quá nặng nề gây tử vong, khi các cố gắng cứu giúp khác đã thất bại hay không thể làm được.
Nguyên nhân xuất huyết có nhiều, nhưng thông-thường là xuất huyết sau khi sinh hay do vỡ tử cung. Cắt tử cung có thể làm cầm sự xuất huyết,  nhưng khiến người đàn bà không sinh được nữa, nên không tiện cho người đàn bà còn trẻ và ít con.
Cột ĐMHV tuỳ trường hợp có thể 1 bên hay 2 bên, trong phúc mạc hay sau phúc mạc.
Ông B.S Giám Đốc đã vui lòng cho chúng tôi tìm hiểu về đề tài này từ năm 1973.
Ông bảo:
- "Đề tài này đặc biệt lắm, nhưng trước khi làm nên cẩn thận đi xin ý kiến ".
Ông viết ra trên giấy, thuộc lòng, 1 dàn bài bằng tiếng Pháp.
Nhưng vào thời điểm ấy (1973), phẩu thuật Cột ĐMHV chưa phổ biến rộng rãi như về sau này . Việc dùng Computer để kiểm chứng hay tìm kiếm thông tin và tài liệu cũng chưa thông dụng. Ai nghe nói đến cột Động-Mạch cũng nghĩ ngay đến hậu quả tai hại như Ischemy,  Gangrene ...thiếu máu và hoại tử bộ phận cơ thể tương-ứng .
Chúng tôi về trình lại với Ông Giám Đốc  việc không thuận lợi, và tìm kiếm 1 đề tài khác, thông thường hơn .
Bệnh viện Huế ngày ấy còn rất mới, phòng chứa hồ sơ với 4 vách tủ giấy tờ cao lên tận trần nhà . Việc tìm tài liệu hay hồ sơ bệnh nhân ở Bệnh Viện hay ở Thư Viện mất nhiều thì giờ , phải dùng thang leo lên cao, lục trong đống giấy tờ vàng úa đầy bụi bặm nhiều năm .
Mãi đến tháng 3 năm 1975, chúng tôi mới có thể quay về Toàn Khoa Đà Nẵng  xin ông Giám Đốc cho làm đề tài cũ : Cột Động Mạch Hạ Vị, vì cũng đã cảm thấy ngay từ đầu là nó đặc biệt, và cũng bởi vì trong thời điểm ấy các chuyên viên y-tế trong các trung tâm chuyên khoa đuợc tu nghiệp và đuợc huấn luyện để cấp cứu bệnh nhân với nhiều phuơng
pháp mới , do đó mà cách mổ cột Động Mạch Hạ Vị  đuợc biết nhiều hơn truớc.
Ông BS Giám Đốc, tử tế giúp đỡ ngay cho công việc của chúng tôi .
Năm ấy, 1975, chiến tranh leo thang, nhất là sau vụ Watergate, cuộc tiến chiếm các thành phố vùng Cao-Nguyên xảy ra nhanh chóng. Nguời dân các vùng cao nguyên  về đồng bằng tị nạn như suối trào thác đổ . Sau đó đến luợt nguời dân vùng đất đầu giới tuyến Quãng Trị và Huế vào Đà Nẵng lánh nạn đi suốt ngày đêm trên đuờng đèo Ải Vân như 1 giòng sông cuồn cuộn chảy....  Và số bệnh nhân ở Bệnh Viện TK Đà Nẵng cũng tăng lên rất nhiều, thiếu giuờng cho nguời bị thuơng bị bệnh nằm. Nhưng bệnh viện TKĐN vẫn hoạt động tốt.
Rồi một ngày cuối tháng 3, 1975, bước vào Bệnh Viện TK Đà Nẵng, chúng tôi lạnh cả người : Bệnh Viện vắng hoe !!. Bệnh nhân và nhân-viên Bệnh Viện ...không thấy ai cả, vắng lặng đến phát sợ !.
Buớc sang bên phía trái, nhìn vào Phòng Cấp Cứu, trái tim của Bệnh Viện : chỉ thấy có bàn, ghế, tủ .
Đi sâu về bên phải tới truớc  Phòng Mổ, mọi ngày đèn điện sáng rực, nay tối đen . Cả bệnh viện nằm trong bóng tối và im lặng hoàn toàn.
Không dám đi sâu vào bên trong, chúng tôi vội vàng ra phố. Đường sá không người !!  Nhà nào cũng cửa đóng then cài, nhiều cái bảng vội vàng treo lên trước nhiều nhà: " Bán nhà gấp. Giá rẻ.”
Cướp có vũ trang hoành hành. Chợ Cồn trống trải, không ai đến.
Một chiếc xe phóng thanh chạy khắp các nẻo đường, loan bản tin lạc quan rằng tình hình Đà Nẵng rất an-ninh, ổn định. Đồng bào không nên hoang mang, giao động. Đài phát thanh địa phương cũng loan tin tương tự và cho phát những chuơng trình thuờng ngày .
Nhà nào cũng có những nhóm nguời tụ họp lại quanh cái Radio để nghe nhiều nguồn tin-tức khác nhau mỗi ngày , mong nắm bắt đuợc tình hình chung với những tin mới gần với sự thật nhất . Nhiều nhà vội vàng đi khỏi  Đà Nẵng bằng mọi cách: theo đuờng không, đuờng bộ, đuờng biển ...truớc khi mọi ngã đuờng đều bị vây chặt .
Sau mấy ngày căng thẳng và lo âu cùng cực, cuộc sống lại dần trở về nhịp cũ. Mọi người lần lượt trở về, cũng nhanh chóng vội  vàng như khi ra đi .
Bệnh viện chật cứng thương nhân bệnh nhân, họ nằm ra giữa lối đi, hay bất cứ chổ nào có bóng mát. Đồ đạc áo xống để ngổn ngang.
Người ta cũng vào Bệnh Viện để tìm người thân mất tích, hay vào nhà xác kiếm người gặp nạn không thấy về . Những con đường trước B.V kinh niên ổ gà và bùn lầy được sửa chữa gấp gáp, trong thời gian kỷ lục, để đón thương nhân và bệnh nhân.
Một buổi sáng đầu tháng 4 năm 1975, chúng tôi đứng ở hành lang truớc Phòng Sinh, phía đối diện là Phòng Nhi Khoa, nhìn tới truớc là căn nhà dành cho các nội trú, 1 bên là Chùa, 1 bên là Nhà Thờ, kế Nhà Thờ là nhà xác. Như trong 1 cơn ác mộng, chúng tôi thấy 1 dòng nguời từ các phía đổ về nhà xác, rồi 1 dòng nguời từ đó đi ra, trên mũi ai cũng che bằng 1 cái khăn, rồi tiện tay chùi luôn nuớc mắt nuớc mũi đang tuôn trào..., tiếng khóc, tiếng nấc, tiếng than van .... mùi tử khí xông ra thật xa .
Trong những ngày đó nhiều nguời đã chết với nhiều cách khác nhau mà bình thuờng không thể tuởng tuợng ra đuợc, và trong cơn hoãng loạn, lo thoát thân là trên hết, không ai để ý cứu giúp ai .
Chúng tôi chọn 1 con đuờng vắng cạnh Bệnh Viện đi xa, để dằn xuống những cảm xúc, và chính ngay lúc ấy đã cảm nhận rằng: dù Bệnh Viện, nhà nội trú, Đà Nẵng ...., tất cả vẫn còn đó, nhưng những ngày sắp tới, cuộc sống trong tuơng lai và ngay cả chính lòng mình nữa, tất cả  rồi sẽ không bao giờ trở lại giống như những ngày truớc đây nữa ...!
Thời gian sau đó trên bầu trời thành phố Đà Nẵng vần vũ phi đoàn F5E đang tập trận, gây tiếng động ầm ầm vang trời trong nhiều ngày ...Những nguời chủ mới của phi-truờng Đà Nẵng đã âm thầm, bảo mật, sửa chữa gấp mấy chiếc F5E bị hư bỏ lại trên phi trường Đà Nẵng.
Trước đó đã có tin là phi trường Đà Nẵng và phi cơ sẽ bị phá huỷ khi bỏ Đà Nẵng, để phía bên kia không dùng được nữa, nhưng rồi những nguời ra đi đã không làm như dự tính.
Viên phi công đã thả bom Dinh Độc Lập, lái phi cơ ra Đà Nẵng, ở trong đoàn F5E đang tập trận này .
Thuở nhỏ, vì có thù nhà, viên phi công đã thay tên đổi họ, lên Sài Gòn học và được tuyển đi học lái máy bay ở Mỹ. Về nước, đi thả bom những vùng ven, đã thả bom xuống Dinh Độc Lập rồi bay ra Đà Nẵng, và đã dẫn đầu đoàn F5E vào ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. Các đội phòng không miền Nam ở dọc đuờng không phản ứng vì thấy rõ là phi đoàn F5E và từ trên không vọng xuống tiếng Mỹ đúng giọng của người đã học lái từ Mỹ về :
- "Đây là phi-đoàn của Không-Lực Mỹ " .
Mãi đến khi mấy chiếc F5E đã thả hết bom xuống phi trường Tân Sơn Nhất và bay
về hướng Đà Nẵng , mới có những phát đạn phòng không muộn màng bắn lên .

 Cuộc chiến sau đó nhanh chóng chấm dứt, người ta cảm nhận rất rõ ràng mọi việc khi nghe Nguyễn Văn Thiệu đọc bài diễn văn cuối cùng từ chức .
Có rất nhiều người đã khóc hết nước mắt vì những mất mát quá lớn. Rất nhiều nhà có thân nhân đi xa mấy chục năm trước, về thăm, nên cũng có những giọt nước mắt mừng vui . Có những bà Mẹ đã xuống tóc ăn chay trường vì đã khấn nguyện xin Trời cho Con về nhà bình an .
Nhưng tất cả mọi người đều lo âu vì đã linh cảm trước 1 thời hậu chiến sẽ có rất nhiều khó khăn ..
Con đường về nhà , về quê ... những nẻo đường Việt-Nam dẫn đến các miền đất nước đã thông suốt để người đi xa trở về với mái ấm thân yêu và người thân đang ngóng đợi .
Lịch sử tự nó tái diễn ....Đệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến , bài học chiến tranh Việt Nam ...còn quá mới mẻ. Nhưng người ta thường vô tình hay cố ý quên đi bài học đau thương ấy. Vì quyền lợi, vì tham vọng, vì nhiều lý do ...Và cứ rơi vào cái vòng lẩn quẩn hết sức nguy hiểm của chiến tranh và chạy đua võ khí nguyên tử.
Những dòng sông bất tận nguời lánh nạn chảy dài cuồn cuộn trên triền dốc  núi rừng Ải Vân từ Huế vào Đà Nẵng hay trên khắp các nẻo đuờng Việt Nam suốt 30 năm đã đi vào dĩ vãng , nhưng những dòng sông nguời lánh nạn ấy vẫn liên tiếp tuôn chảy trên những đất nuớc khác, với những dân tộc khác, nhắc nhở rằng hành tinh nhỏ bé của chúng ta chưa có một ngày nào thật sự bình yên .
Nhân loại đang ở trên đỉnh cao của văn-minh nhưng cũng, hơn bao giờ hết, đang ở sát bên vực thẳm của thảm họa chiến tranh bấm nút, chiến tranh nguyên tử ....
Thiên-tai, bệnh dịch, khủng bố, tội ác, chiến tranh ...hơn bao giờ hết, đang kết hợp , hoà quyện lại, đe doạ nhân loại trên quy mô lớn toàn cầu .
Bản hoà-tấu kinh-hoàng của ma-quỷ đã lên đến âm-bậc rất cao !.

                          ******************

 Chúng tôi tìm thăm Ông và Bà B.S Cựu Giám Đốc Toàn Khoa Đà Nẵng trong 1 buổi họp mặt ở nước ngoài, gần 30 năm sau. Chúng tôi, vài người trong nhóm nội trú ở Đà Nẵng, đã chân thành cảm ơn Ông tử tế với đám người trẻ ngày ấy và đã cho tìm hiểu đề tài " Cột Động Mạch Hạ Vị " đặc biệt, đúng như Ông đã nói .
Chúng tôi đã trình với Ông là cái đề tài ấy, theo như chúng tôi biết, đã giúp cứu sống ít nhất vài mạng người , ở các Bệnh viện rất xa các trung tâm chuyên khoa có chuyên viên .
Đã có những Bác Sĩ khi về bệnh viện xa xôi, hẻo lánh, trong lúc nguy cấp, bệnh nhân bị xuất huyết trầm trọng nằm chờ chết, không còn cách nào nữa, với các phương tiện thời hậu chiến : chuyền máu, nước biển, thuốc men, dụng cụ ...tất cả đều thiếu thốn, đã đánh liều cột Động mạch Hạ vị vì có nghe Ông BS Giám Đốc nói, gián tiếp hay trực tiếp . Và rất lo lắng sau đó vì chưa từng được học, chưa từng được trông thấy làm lần nào, chỉ cột ĐMHV vì cùng đường, không còn cách nào nữa, và cũng vì tin vào lời Ông B.S Giám Đốc.
Một cuộc chạy đua với cây kim đồng hồ thời gian và thần chết trong hố bụng đầy máu với những dây thần kinh, động mạch , tĩnh mạch ...lẫn lộn , nhạt nhoà .
Bệnh nhân sống ...đem lại cho người giải phẫu niềm vui thầm lặng.
Ông B.S Giám Đốc BV cũng đã cười vui khi nghe mẩu chuyện nhỏ trên. Ông đã nói rất đúng, cách đây 30 năm, vẫn luôn có những điều mới lạ xảy ra mỗi ngày trong cuộc đời thuờng , dù rằng mọi sự trên đời đều lập đi lập lại ...tái diễn duới ánh sáng mặt trời .

 Rồi không lâu sau đó, được tin Ông bệnh nặng và qua đời, để lại cho mọi người quen biết, xa ...gần, thương tiếc và đau buồn .
Cuộc đời, y nghiệp, y đức của Ông vẫn mãi là tấm gương sáng cho đám hậu sinh chúng tôi .

                     ***********************

 Thời gian qua ....rồi cũng có lúc, như những đàn chim thiên-di quay về chốn cũ trong 1 ngày nắng ấm mùa Xuân, những người của mấy chục năm trước về thăm lại chốn cũ , người thân .
Đà Nẵng, Huế , trường Y, Bệnh-viện ...lần lượt hiện ra trước mắt những người đi tìm lại một thuở đã qua mất. Những kỷ niệm vui buồn thời trẻ như còn mới nguyên trong lòng mà cảnh cũ đã có quá nhiều thay đổi !!...Những thành phố lớn rộng ra và hầu như không còn đất trống trong suốt chiều dài và chiều ngang của đất nước, người ta tận dụng hết đất đai để sản xuất, trồng trọt , xây dựng...Nguời ta đang hối hả theo kịp đà tiến của toàn vùng , toàn cầu để mong bắt lại thời gian đã để mất và những cơ hội đã lỡ ... Muộn còn hơn không ...
Bao nhiêu nước đã trôi qua sông Hàn , sông Hương ??. Nhìn những người trẻ nhanh nhẹn ra vào Trường Y, Bệnh Viện ... như thấy lại chính mình ngày xưa, đã lo lắng học hành, thi cữ , trực gác và lòng đã hy vọng vào tương lai .

 Tận trong đáy lòng, ai cũng hy-vọng vào 1 tương-lai tươi sáng của quê nhà. Cho dù hiện tại có quá nhiều khó khăn chồng chất, thiên-tai dồn dập, bệnh dịch hoành hành... Rất nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của toàn cầu...
Những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong thời chiến tranh thì vẫn đã , đang và sẽ diễn  ra ở những nơi khác trên thế giới , trên những đất nuớc khác, với những dân tộc khác,  với  màu da khác ...bởi vì vẫn có những nguời  cầm quyền không hề học bài học nào của lịch sử ..
Nhưng, còn sống là còn hy-vọng, bởi vì quê-hương Việt Nam có 1 quá trình lịch sử lâu dài phấn đấu, đã vượt qua những thời kỳ lịch sử đen tối nhất , bởi vì quê hương có đông đảo những người con vẫn thầm lặng làm việc cần cù để đưa cuộc sống đi lên, để cho những mơ-ước trở thành hiện thực ...

 Lời Vua Salomon ( Thành Jerusalem, Israel ) gần  3.000 năm truớc  vọng về :
- " Tất cả mọi sự trên đời đều có một thời tiền-định . Một thời sinh ra, sống, và 1 thời để chết . Một thời gieo trồng, 1 thời gặt hái. Một thời phá tán, một thời xây dựng. Một thời hủy diệt, một thời hàn gắn. Một thời khóc, một thời cuời . Một thời yêu, một thời ghét . Một thời lặng thinh, một thời lên tiếng. Một thời tìm kiếm, 1 thời buông trôi . Một thời góp nhặt, 1 thời buông bỏ . Một thời chiến tranh, một thời hoà bình ...
Tất cả đều quy về 1 nơi ...Tất cả đều từ đất bụi mà ra, và sẽ trở về với đất bụi ..."

 Có phải chúng ta, đã qua đuợc thời chiến tranh huỷ diệt tàn phá, may mắn đang sống trong thời hoà bình hàn gắn xây dựng , truớc khi đi về cõi tiền định ....??

LÊ T.L.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved