HƯƠNG CỐM QUÊ XƯA

 
 

Hương Lan

                            
*** Để nhớ về Phan Thiết của thời thơ ấu ... ***

Con bé rời xa mảnh đất sỏi đá khô cằn nơi có sông Cà Ty - Mường Mán chảy ngang ấy đã lâu lắm rồi, nhưng vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong ký ức những kỷ niệm nho nhỏ, vụn vặt _ chỉ chờ những ngày mưa giăng đầy trời trên xứ người, hay những ngày lạnh lẽo cuối Đông, giáp Tết là ùa về, làm con bé mơ màng, khắc khoải, bồn chồn nhớ về chốn cũ, nơi mà quanh năm suốt tháng chỉ có gió cát mịt mù, đồng khô cỏ cháy. Có lẽ những ngày tháng đầu tiên ấy đã ghi khắc trong tâm khảm, nên cứ hiện rõ mồn một như chuyện của ngày hôm qua, chứ không phải là của năm nào xa lăng lắc, khi tuổi con bé chưa đếm đủ trên hai bàn tay nhỏ xíu...

Nhà con bé ở trong "động cát"- nơi chỉ có toàn cát là cát, quanh năm không nhộn nhịp, ồn ào như bên phố chợ. Cứ mỗi năm, con bé lại háo hức mong chờ những ngày giáp Tết; không phải chỉ để ra phố chợ, mà là còn để được nghe tiếng khua "lịch... kịch..., bịch... bịch... " từ nhà hàng xóm vọng sang, khi người ta gõ vô khuôn gỗ, đóng cốm cho thật dẽ, thật chắc. Ban đêm, mùi thơm nồng của gừng quyện lẫn với hương thơm nhẹ nhàng của cốm nếp mới, của nước đường thắng hòa thành một mùi đầy hấp dẫn, đầy sức quyến rũ, đến nỗi lôi tuột con bé vốn sợ ma ra khỏi nhà, chạy sang nhà hàng xóm, đứng lấp ló sau cửa sổ xem người ta đóng cốm.

Có lẽ chỉ ở vùng Phan Thiết, Bình Thuận mới có món "cốm hộc" độc đáo này. Không phải quanh năm lúc nào cũng có bán ngoài chợ, mà phần lớn được làm thủ công trong gia đình những ngày cận Tết thôi. Nhìn những gói cốm hộc vuông vức bọc giấy màu, giấy hoa, hai đầu dán hai cái bông bằng giấy thủ công cắt thật khéo, khó mà kềm lòng không thử xem món cốm bên trong thơm ngon đến mức nào !

Cốm hộc được làm từ lúa nếp - đem rang bung ra, nở lớn như hoa, trắng tinh, trắng hơn cả bắp rang. Chẳng hiểu vì sao ở Phan Thiết người ta gọi lúa nếp rang bung này là "nổ"; có lẽ vì những tiếng nổ lốp bốp nghe giòn tan khi rang nếp trong lò xoay? Hầu như không nhà nào có cái nồi rang đủ lớn, đủ sức nóng để rang cốm nổ cả, nên đến giáp Tết là các lò rang nổ nằm trên đường dẫn xuống biển Thanh Hải ăn nên làm ra, rang suốt đêm ngày không ngơi tay. Hình như một ký-lô lúa nếp rang lên được lưng một bao cát cốm nổ, đóng lại cũng được hai, ba hộp cốm hộc như chơi.

Nổ đem về được sàng sảy cho rơi hết vỏ trấu, đem "ngào" với nước đường thắng nấu với gừng giã nhuyễn, rồi cho vô khuôn gỗ, đóng chặt thành từng hộc hình chữ nhật bề dài chừng một tấc, vuông vắn, đem ra bọc giấy hoa, giấy màu cho kín, dán thêm hai cái hoa giấy hai đầu là xong hộc cốm. Hình như ở Phan Thiết người ta hay thắng nước đường đóng cốm hộc bằng đường cát vàng hay đường mía, nên bao giờ cắt ra, miếng cốm hộc luôn có màu vàng lợt óng ả, xen lẫn giữa lớp cốm là những mảnh gừng cay cay, ngọt ngọt, ăn hoài không ngán.  

Về sau, người Phan Thiết chế ra thêm món cốm lát - làm bằng nổ trộn với nước đường cát trắng - không có gừng mà có va-ni, đóng lại thành từng lát nhỏ, mỏng, bên trên bỏ miếng mứt thơm hay nho khô cho đẹp, rồi vô bao nylon bán cho du khách ghé ngang Phan Thiết đem về làm quà cho bà con, bạn bè. Tuy trắng, đẹp, nhưng cốm này không đậm đà như cốm hộc ngày Tết có mặt trong nhà người dân Phan Thiết.

Cốm hộc được bày trang trọng trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên lúc Giao Thừa về ăn Tết với con cháu, và khi hết ba ngày Tết cúng tiễn ông bà đi. Cúng xong, con cháu được hoan hỉ chia lộc no đủ đầu năm với những hộc cốm đầy đặn, đủ màu sắc. Nhâm nhi miếng cốm hộc vuông vức, nằng nặng, vị cốm dẻo, giòn, thơm mùi gừng, - nhấp ngụm trà ướp hoa lài cho ấm lòng, vui với gia đình, bạn bè những ngày Xuân ngắn ngủi, ta tạm quên đi những lo âu, phiền muộn của đời thường ...

Nhà bác Tám Thiết hàng xóm đối diện nhà con bé năm nào cũng đem cả mấy bao tải nổ về đóng cốm. Cứ đến ngày 22 âm lịch là nhà bác Tám đóng cốm hộc, để hôm sau có cốm cúng tiễn ông Táo về trời. Bác có mấy anh con trai, người nào người nấy cao lớn, kéo cái cộ xay lúa bằng tay của bác Tám quay vèo vèo, nhìn theo muốn chóng mặt. Bác Tám còn có mấy chị con gái thật giỏi giắn, nên cả mấy bao tải nổ mà cả nhà xúm lại, hì hục đóng cốm chỉ một buổi tối là xong .    

Nhà con bé ít người, toàn con nít nên không tự đóng cốm hộc lấy được. Thường thì mẹ con bé nhờ mấy anh con bác Tám đóng dùm thêm vài hộc cho mấy nhóc ăn chơi cho vui; hơn nữa bạn bè của ba mẹ con bé năm nào cũng cho cốm hộc nhiều lắm, không cần phải đóng cốm ở nhà. Có năm, mấy mẹ con hăm hở đi mượn khuôn gỗ bên nhà bác Tám về đóng thử vài hộc cho biết. Hì hà hì hục gõ, đóng, dán lại đàng hoàng, nhìn cũng đẹp phải biết! Đến Tết cắt ra thì mới thấy "tay nghề" còn non lắm: Bánh cốm không chắc, cắt ra bị rời rạc, không vuông vức như của người ta! Thì ra là tại tay yếu, đóng cốm chưa đủ chặt đó thôi .

Tiếng thì thụp của chày gỗ đóng cốm vang xa trong đêm không trăng. Hàng xóm nghe là biết ngay nhà nào đang đóng cốm. Sự tò mò, háo hức được xem đóng cốm hộc lấn át nỗi sợ ma, con bé ban đầu còn đứng lấp ló ngoài cửa sổ, một lát sau đã sà xuống bếp coi mấy chị nấu nước đường gừng, sảy vỏ trấu hồi nào chẳng rõ. Con bé lăng xăng đi tới đi lui, hết nhìn mớ cốm hộc bọc giấy xanh đỏ đủ màu đang cao dần lên, đến mấy cái bao tải nổ đang vơi đi trông thấy. Nó giúp chị Ba lượm vỏ trấu còn mắc trong nổ, sàng sảy không ra, lâu lâu lại chạy tới giúp chi. Năm trét hồ lên giấy gói cốm. Chị Hai thắng nước đường xong, đem "ngào" liền với nổ, trộn cho đều xong là kêu con bé lại "nếm thử coi vừa ngọt chưa". Nếm hết đợt này tới đợt khác, con bé tì tì ăn cốm quá nhiều, no óc ách vì cứ khát nước nên uống nước hoài. Đến lúc mẹ con bé phát hiện ra nó đang chơi bên nhà hàng xóm, sang gọi về đi ngủ thì trời đã khuya. Con bé lơn tơn đi trước về nhà, tay vẫn còn cầm nắm cốm ngào đường chưa "nếm" hết...

Khi chia tay cái thị xã nhỏ bé đầy tình người ấy, đi về miền Lục Tỉnh Tây Nam bộ - nơi lúa gạo trù phú, trái cây bánh mứt ê hề, con bé không ngờ rằng nó lại nhớ món cốm hộc đó đến như vậy mỗi độ giáp Tết. Nó nhớ tiếng chày của anh Tư, anh Sáu đóng cốm, nhớ cái cảm giác âm ấm của nắm cốm ngào đường chi. Hai đưa cho nó "thử", và nhớ ray rứt mấy cái màu xanh đỏ sặc sỡ của những bông giấy chi. Năm cho phép nó dán lên hộp cốm - mà dán xong rồi nó còn nghiêng đầu ngắm nghía cái "kỳ công" vừa làm xong, xem có ngay ngắn chưa, có đẹp không... Con bé năn nỉ mẹ viết thư về chốn cũ, nhờ bạn bè gởi về cho vài hộc cốm, ăn cho đỡ nhớ quê. Đường xa, gói quà dù đã được cô bạn của mẹ con bé bao bọc kỹ càng mà cũng không tránh khỏi sự săm soi của nhân viên bưu điện, họ làm lủng lỗ chỗ mấy nơi. Mấy chú tí trong toa hàng, nhà kho thừa cơ nhào vô gặm tiếp món cốm lạ miệng. Đến lúc mẹ con bé được họ gọi tới lãnh gói quà ra thì Tết đã qua lâu lắm rồi, giấy màu gói cốm rách tả tơi, cốm bị khoét lủng tứ bề. Con bé nhìn mấy hộc cốm mà xót xa cho một ước mơ không trọn vẹn ...

Cô giáo cũ dạy con bé năm lớp Một đọc thư con bé kể mà thấy thương quá, năm nào cũng để dành lại vài hộc cốm, trông nó về để cho. Bẵng đến mười năm sau, khi đã lớn, ra Tết, con bé một mình về thăm chốn cũ. Nó đi tìm thăm lại cô giáo xưa, nay tóc đã muối tiêu vì thời gian, người ốm o, khắc khổ - duy chỉ có ánh mắt sáng khi cười vẫn như thuở nọ, khi con bé chập chững vào lớp Một. Cô nhận ra trước và gọi ngay tên bé, dù nó về không báo trước cho ai cả. Qua phút ngỡ ngàng, con bé mừng muốn khóc khi cô lôi ra từ trong tủ mấy hộc cốm thật to, gói buộc kỹ càng, mà dù nhà có con cháu đông, cô vẫn để dành, vì... "biết đâu... năm nay con nhỏ nó về..."

Xuân Kỷ Mão 1999
Hương Lan

 
 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved