KỶ NIỆM VỚI MỘT THI SĨ CHẾT TRẺ

 
 

Chắc không ai không nghĩ rằng VŨ HỮU ĐỊNH là tên thật, chứ không phải là bút hiệu của một thi sĩ, tác giả những lời thơ “Còn một chút gì để nhớ để thương” nổi tiếng nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Thật ra, Vũ Hữu Định là bút danh của Lê Quang Trung sinh năm 1942 tại phường Hải Châu (cũ), Đà Nẵng.(*)

Tôi quen với Vũ khoảng năm 1970. Chính qua nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tôi mới biết Vũ. Trước, tôi chơi thân với Lộc, một nhạc sĩ du ca cùng thời với Trần Đình Quân và Tôn Thất Lan ở Đà Nẵng. Cùng thời du ca nhưng Lộc chỉ ở lứa tuổi học trò của 2 ông nhạc sĩ thầy giáo này. Trong nhóm bạn còn có Trần Dzạ Lữ và A Khuê (tác giả tập thơ “Vàng bay” xuất bản ở Đà Nẵng). A Khuê có bề ngoài cổ quái nhất trong nhóm, áo quần bẩn thỉu, tóc tai bù xù, râu ria tua tủa không khác gì một thành viên của Khất Cái bang. Còn VHĐ thì tương đối sạch sẽ hơn. Có lẽ vì công việc, anh luôn luôn để áo trong quần chứ tóc thì bờm xờm không chải. Khi đi đầu ngẩng lên, mắt nhìn thẳng về phía trước mà  không để ý một ai và mặt thì lúc nào cũng đỏ gay. Nhà thơ của chúng ta nổi tiếng tửu lượng cao, uống ngày uống đêm, lúc nào cũng uống được nếu sẵn tiền trong túi hoặc bạn bè đãi đằng. Vũ người thâm thấp, tròn trịa trông rất khỏe mạnh. Anh ăn to nói lớn, năng động, xông xáo có lẽ do anh lăn lộn với đời từ nhỏ, trải qua cả chục nghề, không khác văn hào H. Miller. Tầm thường như ở đợ, đánh giày đến đạo mạo như “phó giám đốc” trẻ bụi đời. Lần đầu gặp anh đi với Lộc, tôi chỉ chào hỏi qua loa. Lần thứ hai, khi tháp tùng phái đoàn của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến của Gs.Bông từ Huế vào Đà Nẵng, tôi lại gặp anh trong ban nhạc hát chào mừng phái đoàn. Từ đó, tôi quen thân với anh hơn. Mỗi lần nghỉ học, tôi thường phóng xe máy vượt đèo Hải Vân về thăm nhà và nhân tiện thăm anh luôn. Bạn bè anh rất nhiều vì tính anh sôi nổi và dễ hoà đồng, trong số đó có hoạ sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Tôi nhớ một lần theo anh xuống nhà ông bạn họa sĩ này cùng với Lộc. Đó là một ngôi nhà sàn, sát bãi biển, thuộc xóm đạo Thanh Đức. Nơi này đã từng xảy ra một thảm kịch: cuộc đốt phá tanh bành nhà cửa có động lực chính trị dưới thời tướng Thi làm tư lệnh vùng vào năm 1966. Phong cảnh chung quanh nhà Nhuận ở, rất thơ mộng, với vườn dừa mát mẻ bao quanh, lại thêm những âm thanh rì rào đều đặn của sóng biển vọng vào, nghe cực kỳ êm ái và thanh thoát. Nhuận thuê nhà này làm phòng vẽ và nghỉ ngơi. Thật là đắc dụng và hữu tình. Chúng tôi nói chuyện ầm ỹ và hào hứng đến nỗi quên cả đói. Qúa trưa, mới thấy “kiến bò trong bụng”, VHĐ bèn trổ tài nấu nướng một bữa cơm tôi thấy chưa bao giờ ngon thế ! (Anh vốn sành ăn uống nhậu nhẹt được chúng tôi xem như “đệ tử ruột” của Tản Đà tiên sinh). Nhuận cười bảo: “Mày mở tiệm nhậu được đấy và tao sẽ ghi sổ ăn chịu”.” “Mày đừng lo, khách sẽ đông lắm”, Lộc pha trò tiếp. Cả bọn cười vui với những câu nói đùa. Đang khi ngã ngớn giữa bữa như vậy thì lù lù hai nhân vật ăn mặc rất lịch sư, một nam một nữ, xuất hiện. Chàng bận đồ complet, mang cà vạt đàng hoàng, râu ria xồm xoàm như Che Guevera (thủ lãnh du kích Nam Mỹ, thần tượng sinh viên lúc bấy giờ), tay cầm dù che cho nàng là người đẹp vận đồ đầm. Họ cặp kè nhau đủng đỉnh tiến vào. Cả bọn nhìn ngạc nhiên hỏi nhau không biết ai nhỉ ? Nhuận vội bảo “Lê Nhược Thủy đấy ! Dân ở đây cứ gọi là ông tây bà đầm”. Bấy giờ, tôi mới nhận ra vì trông anh chàng hóa trang tài tình, khác hẳn hình dáng sinh viên tôi gặp nhiều lần. Thú thực, tôi không biết tại sao Thủy lại đổi lốt như vậy. “Đi với bồ thì không việc gì phải thay hình đổi dạng ”,VHĐ nói. Tuy thế khi họ vào, anh cũng mau mắn đứng lên nấu thêm vài món cho cặp này ăn. Về sau, tôi mới biết lý do Thủy hoá trang như vậy là vì chính trị. (Hồi ấy, chiến dịch Phượng Hoàng đã khám phá ra mạng lưới nằm vùng trong hàng ngũ sinh viên Huế khiến cho tổ chức bí mật này bị vỡ lở và mạnh ai nấy chạy. Kẻ nằm vùng thực sự thì tìm cách trốn vào bưng và người nào chưa theo VC ở lại thì thuộc diện tình nghi. LNT.thuộc số sau này nhưng anh ta sợ thẩm vấn lôi thôi khi chưa tốt nghiệp đại học nên đành phải đánh lá bài “tẩu vi  thượng sách”). Vào năm 1972, cuộc chiến  đi đến cao điểm của sự khốc liệt. Chiến tranh VN có thể là “trò chơi”dưới con mắt của nhà thơ nhập cuộc Nguyễn Bắc Sơn trong câu thơ ông viết “Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi”.Trong khi thi sĩ Hà Thúc Sinh đi  “Dạo núi mình ta” (một thi phẩm của  HTS) kiểu thoát tục thì nhà thơ VHĐ của chúng ta “nhập thế” theo cách riêng. Anh dấn thân để sống thực với niềm khao khát phải làm một cái gì đó dù nhỏ nhoi để đất nước được tốt đẹp hơn. Anh không đi trên mây hay ảo tưởng về cuộc chiến. Không bất chấp tất cả, anh tỏ ra vừa thực tế một vài điều vừa bất cần một vài điều. Dám nói dám làm, anh là người hợp nhất giữa lời nói và hành động. Một phần ngang tàng và ngông nghênh, một phần sành sỏi về nhân tình thế thái, tất cả đều có trong con người Vũ thi sĩ. Anh có thời trông coi một trung tâm “bụi đời” chuyên lo việc xã hội cho các trẻ em vô gia cư. Trung tâm này nằm đối diện với Trung tâm y tế Toàn khoa ở Đà Nẵng nên anh thường ra vào bệnh viện để liên hệ về vấn đề sức khỏe cho các em. Anh có khiếu về đàn hát chỉ thua Lộc ở tài sáng tác trong khi Lữ, Khuê và tôi mù tịt về âm nhạc, chỉ biết thưởng thức là cùng. Có lẽ chính nhờ tham gia du ca mà VHĐ có bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc trở thành bài hát nổi tiếng một thời. Thuở còn sống, anh tâm sự là rất mê giọng hát “vượt thời gian” của Thái Thanh, người đã hát “tới nhất”, theo VHĐ, bản nhạc “Còn một chút gì để nhớ để thương”, và mong một ngày đẹp trời nào đó được diện kiến nữ ca sĩ tài danh này.

Bẵng đi một thời gian khá lâu,tôi được trưng tập vào quân đội giữa lúc tình hình miền Nam chao đảo nghiêm trọng rồi Sài Gòn thất thủ nhanh như một tia chớp ngoằn nghoèo phóng vụt qua bầu trời một lần để tan biến và tôi khăn gói đi cải tạo rồi được “tạm tha” về thì tôi bất ngờ gặp anh trong một buổi tối họp dân phố phường Thanh Bình, Đà Nẵng. Trông bề ngoài anh vẫn không có gì thay đổi, vẫn ăn nói bộc tuyệch như xưa nhưng trong chổ riêng tư, anh thật tình khuyên tôi không nên qúa tức bực mà phải chịu đựng trong lúc thất thế này. Điều anh khuyên tôi rất hợp lý là vì chế độ CS thường cố ý dồn người dân đến tận chân tường để nạn nhân tất phẫn uất lên sẽ phản ứng thiếu sáng suốt rồi khi ấy họ mới có cớ để triệt hạ không thương tiếc. Tôi thấy anh có vẻ dày dạn kinh nghiệm ứng phó trong tình thế mới này dù anh chưa bị “cải tạo” lâu ngày gần 3 năm như tôi. Thời kỳ đó, gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác trong đó có gia đình tôi sống khá thê thảm, ăn bữa no bữa đói. No nhờ ăn độn thêm khoai, sắn, bắp hoặc bo bo nếu không thì đói. Đã thế, mẹ anh lại bị bệnh bán thân bất toại nằm liệt giường nhiều năm kể từ sau 1975. Lương bỗng chế độ mới không đủ cho cả nhà anh tiêu pha nên việc chạy chữa cho mẹ anh thêm phần khó khăn. Cũng may lúc ấy,một người bạn biết về Đông Y đã đến châm cứu “từ thiện” cho mẹ anh. Tôi cũng tiếp tay một phần theo lối Đông Tây Y kết hợp, cố giúp anh trong khả năng và hoàn cảnh bị quản chế của mình. Sau thời hạn quản chế một năm, dù chưa nắm trong tay giấy phục hồi quyền công dân, tôi đã “chạy” một giấy phép đi đường vào Sài Gòn để tìm… cơ hội vượt biên. Ít lâu sau, tôi được tin anh từ trần qua Lữ và Lộc. Lúc ấy, Lữ từ miền Trung và Lộc từ Rạch Giá không hẹn mà gặp nhau ở Sài Gòn. Trừ A Khuê chẳng biết trôi giạt về đâu, còn lại 3 chúng tôi liều lĩnh sống không hộ khẩu giữa thành phố bất trắc đầy dẫy những con mắt rình mò phát hiện kẻ phản động! Riêng tôi chẳng có lấy một tờ giấy tạm trú hợp pháp mà chỉ có giấy chứng nhận hội viên câu lạc bộ của Hội Trí thức Yêu nước mà tôi bất đắc dĩ phải “núp bóng” trong tình thế ngặt nghèo này.Tin nhà thơ VHĐ qua đời làm tôi bàng hoàng sửng sốt. Anh từ giã cuộc rong chơi trần gian ngày 21-02-1981 (tức ngày 17-01 Âm lịch). Cái chết của anh thật oái oăm. Theo lời các bạn, anh đột ngột ra đi khi ăn mừng người anh trở về từ trại tập trung cải tạo. Có lẽ vì vui qúa, anh đã qúa chén và rớt từ trên gác xuống đất rồi đi luôn khi ngồi hay đứng gần lan can. Bình thường, anh uống rượu thì bạn bè không ai địch nổi. Thời thế buồn nản  sau 75 đã làm anh “dụng tửu phá thành sầu”. Trước kia, anh uống một thì nay anh uống nhiều lần hơn bội phần. “Tiệc rượu bất hạnh” đã kết liễu mạng sống của nhà thơ khi anh chưa qúa tuổi 40. Nếu miền Nam không sụp đổ,chắc chắn tài năng của anh đang phát triển sẽ có điều kiện bay cao bay xa hơn nữa trong vòm trời thi ca VN.

Hình như có một linh cảm về cái chết mà chỉ nửa tháng trước khi qua đời, VHĐ đã sáng
tác bài thơ “Kiểm điểm đời mình” hay “Bài thơ năm 40”.Anh không quên thú nhận “giỏi
nghề rượu từ thuở mười lăm” và thành thật báo tin rằng “chờ ta đến xin nhớ phần rượu tặng”. Không chừng các bậc tiền bối xưa như Lý Bạch và Tản Đà sẽ thưởng cho anh một chén rượu đặc biệt để chào đón một người sinh sau đẻ muộn cũng có “tữu tài” và thi tài như mình.Theo thiển ý của tôi,trong những sáng tác viết sau 1975, có lẽ bài “Những mộ quán”diễn tả được niềm thương tiếc của anh về một đất nước đã trở thành mộ quán?! Dù vậy, anh vẫn tin tưởng đất nước ấy sẽ hồi sinh qua lời thơ “Anh vẫn tin em sẽ quay về!”.

Dương Hoài Ninh.
Australia.

(*) Theo Đặng Tiến, sinh quán của VHĐ ở tỉnh Thừa Thiên nhưng trú quán ở Đà Nẵng. Tôi ghi theo thư của vợ anh, chị Vân, gửi tôi năm 1991.
Cũng có chút liên quan đến YK Huế là em gái của VHĐ (ở Mỹ) là một thành viên Du Ca hải ngoại và là phu nhân của cố bác sĩ Phan Bá Em,YKH.

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved