LÝ THUYẾT TAM DUY

 
 

BS. Hồ Chung Tú

               Cho hạnh phúc lẫn đau thương của nhân loại

Căn Bản Lý Thuyết

Vũ trụ biến động không ngừng. Đơn vị vũ trụ như tế bào, con người, gia đình, xã hội , quốc gia, thế giới cũng biến động không ngừng. TAM DUY gồm Duy lý, Duy Vật, Duy Tâm tác động trên mổi đơn vị vũ trụ cũng liên tục thay đổi. Một khi đạt được quân bình TAM DUY , đơn vị vũ trụ phát triển điều hòa; bất quân bình TAM DUY sẽ đưa đến xáo trộn huỷ diệt. Sống thuận theo quân bình, biến động TAM DUY, loài người sẽ đạt được hạnh phúc, thế giới bình yên.

 VĂN HÓA

Văn hoá là lối sống đặc biệt của một cơ cấu xã hội, bao gồm những tập quán, suy nghĩ, ngôn ngữ, văn chương, niềm tin, hành động, nghệ thuật, đạo đức, luật lệ được thành hình và lưu truyền từ đời này qua đời khác.Cần phân biệt văn hoá ( culture ) với văn minh (civilization ); văn minh nói đến mức độ tiến hóa của cơ cấu xã hội đó.
Văn hóa thành hình từ đời tiền sử, bắt đầu ít nhất từ năm triệu năm trước, qua các giai đọan, như sự thành hình của dụng cụ săn bắn, khởi sự công nghiệp, vào khoảng 9000 năm trước Thiên Chúa, xây dựng thị trấn vào khoảng 3000 năm trước Thiên Chúa, và hình thành chữ viết vào khoảng 3000 năm trước Thiên chúa ở vùng đất nay là Irak và Trung Hoa.
Trong thời kỳ đời sống hoang dã, sự khám phá ra các dụng cụ săn bắn thô sơ giúp loài người tìm kiếm thực phẩm. Sự khám phá luật sinh sản của cây trái, của súc vật giúp loài người có thể ổn định đời sống xung quanh các vùng đất phì nhiêu của các sông lớn; từ đó đưa đến sự thành hình của các thị trấn đầu tiên. Sự khám phá ra chữ viết giúp loài người trao đổi tư tưởng, ghi chép các nét đặt trưng của văn hoá từ khi thành hình cho đến nay.
Từ những thị trấn sơ khởi này, các cơ cấu xã hội bắt đầu được thành hình với dặc tính văn hoá đặc biệt, đưa đến những nền văn minh đầu tiên: văn minh Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa. Các cơ cấu xã hội từ đó tiếp tục phát triển và bành trướng lan tràn khắp điạ cầu đưa đến sự thành hình của những nền văn hóa cá biệt.

I. Các đặc tính của văn hoá.

  1. Nguồn gốc của văn hoá.

Văn hóa không phải do bẩm sinh, mà do sự học hỏi từ những người trong gia đình, ngoài xã hội qua một tiến trình liên tục từ nhỏ cho đến lớn, trong suốt cuộc đời, từ đời này sang đời khác. Từ đó đưa đến sự thành hình của văn hoá của mổi gia đình, của những vùng riêng biệt, của một cơ cấu xã hội, của một quốc gia, một vùng đất trên địa cầu…

            2. Sự giống nhau của các văn hóa.

Một cách đại cương. mỗi đơn vị xã hội như gia đình, hội doàn, công ty, các quốc gia đều có những nhu cầu căn bản, những giá trị tinh thần căn bản, nên đều có những nét chung về cách sống , lối làm việc , suy nghĩ , hành động… Đơn vị xã hội nào cũng có cách tìm kiếm thực phẩm, chia sẻ thực phẩm, ăn sóc, yêu thương nhau; đơn vị xã hội nào cũng có cách tổ chức xã hôi theo một trật tự nào dó, có cách để áp dụng luật . giải quyết tranh chấp.

3. Sự khác nhau của các văn hóa

Vì văn hóa được thành hình qua sự học hỏi và phản ứng để đối phó với những điều kiện của môi trường, mà điều kiện môi trường cuả các đơn vị xã hội đều khác nhau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho nên văn hóa có những nét khác nhau. Đối với một gia đình, một vùng đất… có điều kiện sinh sống khó khăn, muốn vượt qua những điều kiện khó khăn đó, để sống sót, mỗi người mỗi đơn vị xã hội sẽ có thể có cách sống , cách suy nghĩ, hành động khác vơí những gia đình, những vùng đất có điều kiện môi trường sinh sống phì  nhiêu.
Những nét cá biệt này của văn hoá đã tạo nên những nền văn hóa đặc biệt của mổi cơ cấu xã hội. Những nét cá biệt về văn hóa này của mổi cơ cấu xã hội tạo nên một hình thức cư xử ( behavior ) đặc biệt. Cách cư xử đúng theo tiêu chuẩn đạo đức nào đó được gọi là phẩm hạnh ( con duct ). Phẩm hạnh của người đàn bàn Nhật quý phái , có giáo dục là phải bước sau chồng; đối với văn hoá Âu Châu, phẩm hạnh này bị xem là bất thường, vì vi phạm nhân quyền của người đàn bà. Văn hoá là do sự học hỏi từ môi trường, cho nên phẩn hạnh cũng là do sự học hỏi thói quen từ môi trường. Mổi cơ cấu xã hội hình thành một hình thức phẩm hạnh đặc biệt được chấp nhận cho đơn vị xã hội đó.
Mỗi hành vi, suy nghĩ, hành động… có một hình thức phẩm hạnh được chấp nhận cho mổi cơ cấu xã hội, cho nên mỗi người cảm thấy thoải mái trong nền văn hóa xã hội của mình; bởi vì mỗi người đều hành xử theo cùng một hình thức phẩm hạnh như nhau. Khi phải tiếp xúc, đối đầu với nền văn hóa của xã hội khác, người ta cảm thấy bực bội, ngay cả bị choán ván ( culture shock ). Người đàn bà Nhật sẽ cảm thấy khó chịu khi thấy người đàn bà Âu Châu đi ngang ngửa với chồng; người đàn bà Âu Châu sẽ thấy bực bội khi rhấy người đàn bà Nhật phaỉ bước sau chồng.

      4. Sự biến đổi của văn hóa.

Văn hóa liên tục thay đổi bởi vì điều kiện sinh sống của môi trường thay đổi, vì sự tiếp xúc với các nền văn hoá khác.
Những nhà thám hiểm Tây Ban Nha vào những năm 1500 mang đến sự tiếp xúc của những nền văn hóa khác nhau. Những nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo theo chân các nhà thám hiểm để truyền đạo, đưa đến sự thay đổi văn hóa. Sự thay đổi này có thể dưới hình thức hấp thụ văn hóa (acculturation ) do sự tự nguyện học hỏi, chấp nhận những nét của nền văn hóa mới có tính chất hai chiều; hay dưới hình thức đồng hóa ( assimilation ), do sự áp đặt nền văn hóa của nước chinh phục lên nước bi chinh phục, có tính chất một chiều.

      5. Ảnh hưởng của tôn giáo và triết lý đến văn hóa

Ngoài những ảnh hưởng của môi trường, tôn giáo và triết lý đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến tư tưởng, lối suy nghĩ, hành động, tập quán… đưa đến lối sống đặc biệt của một xã hội, nghĩa là ảnh hưởng đến văn hóa. Bởi thế, tôn giáo và triết lý ảnh hưởng sâu xa đến văn hóa.
Khi không thể hiểu được những biến động và bí mật của con người, của vũ trụ, người ta tự tìm ra cách để giả thích dựa vào niềm tin (Faith ), vào quyền lực thần thánh vô hình, từ đó tôn giáo được hình thành. Tôn giáo đưọc hình thành dưới một hình thức nào đó, có lẽ từ khi loài người hiện hữu trên trái đất, được ghi nhận từ khoảng 60.000 năm trước Thiên Chúa, để rồi đưa đến sự thành hình những tôn giáo lớn.
Khi tìm cách suy luận để cố giải thích những biến động của vũ trụ, của loài người, để tìm một hướng đi cho cuộc sống , triết lý ( philosophy ) được thành hình.
Sự tương quan giữa tôn giáo và triết lý là : ngoài niềm tin triết lý còn có thể là cơ sở căn bản cho một tôn giáo; hoặc khi không còn giải thích được , suy luận được, thì triết lý nhường chỗ cho tôn giáo.

II  TAM DUY

Tam duy tác đông trên mỗi đơn vị vũ trụ, trên con người, gia đình, xã hội, quốc gia, thế gới. Văn hóa là lối sống dặc biệt của những đơn vị vũ trụ đó; cho nên TAM DUY tác động trên văn hóa của mổi đơn vị vũ trụ. Từ bản chất, có lẽ mọi người đều muốn được tự do, thong dong; không ai muốn bị trói buộc, đoàn kết vào một cơ cấu, tổ chức nào. Vì vậy , một khi các cá nhân chịu đứng chung vào một tập thể như gia đình, xã hội quốc gia, thế giới, tất phải có điều kiện chi phối kết hợp, đoàn kết đó.Những điều kiện đó là DL,DV,DT ,là TAM DUY. Tam duy tác động hổ tương cho sự đoàn kết và phát triển của mỗi đơn vị vũ trụ. Đơn vị nào hội đủ ba yếu tố trên , đạt được quân bình TAM DUY, đơn vị đó phát triển điều hòa. Khi ảnh hưởng của một hay hai yếu tố bị suy giảm và yếu tố còn lại phát triển, ảnh hưởng mạnh mẻ hơn thì đơn vị đó còn hy vọng sống sót. Bất quân bình TAM DUY sẽ đưa đến xáo trộn , tan rã đơn vị vũ trụ.

  1. Văn hóa cá nhân:
  2.  

Từ trước , người ta chỉ nói đến văn hoá gia đình, xã hội quốc gia… Thật ra , con người là đơn vị căn bản của các tổ chức trên, cho nên ở đây chúng ta bàn đến văn hóa cá nhân. Văn hóa cá nhân là lối sống dặc biệt của một cá nhân đưa đến một cách hành xử (behavior ) đặc biệt của cá nhân đó. Cách hành xử này chịu ảnh hưởng sinh vật ( biology,nature )như ảnh hưởng của di truyền ( gene )về thông minh, khả năng đặc biệt về tóan, âm nhạc, khoa học…; và chịu ảnh huởng của môi trường ( nurture ) là gia đình, xã hội.
Các yếu tố DUY LÝ, DUY VẬT, DUY TÂm phối hợp động tác trên lối sống của cá nhân. Từ nhỏ cá nhân học hỏi, suy nghĩ, hành xử và sinh sống thuận theo các giá tri đạo đức, luật lệ của gia đình, theo điều kiện kinh tế, theo tôn giáo và triết lý mà gia đình theo đuổi. Đây là một tiến trình dài trong hàng chục năm; cho nên đối với những gì người đó đã làm, đã suy nghĩ, đã sống , người đó cho là đúng; và tất cả đã thành một lối sống mang sắc thái đặc biệt của cá nhân đó .Khi tiếp xúc với văn hóa khác,môi trường khác, người đó cảm thấy khó chịu, bực bội chống đối. Họ còn mang cái lề lối của nếp sống đặc biệt đó áp dụng cho thế hệ con cháu; họ có thể không nhận ra rằng những điều mà họ cho là đúng, có thể đã không còn thích nghi với thế hệ kế tiếp. Từ đó đưa đến sự xung đột với con cháu, với những thế hệ nối tiếp ( culture gap ).Tùy theo khả năng thích nghi, sự thay đổi lối sống và phẩm hạnh này có thể vô cùng khó khăn;   trừ phi người đó phải trải qua những biến động lớn, những kinh nghiệm đau thương.
Những thiếu niên đã trải qua những biến động khổ đau của chiến tranh trong cuộc di tản đã nhận ra giá trị thật, đau thương của cuộc đời. Nếu không ngã quỵ, họ đã từ đó có thể có một nếp sống mới; họ vươn lên thành những người thành công ở miền đất lạ. Những thiếu niên lớn lên ở vùng đất mới, có điều kiện sinh sống thừa thải, thường hình thành một nếp sống mang tính chất thụ hưởng, ít chịu khó làm việc, học hành cực nhọc. Tương tự như vậy, những người như con út, con cưng, con cầu tự cũng có nếp sống như trên. Những người này còn đòi hỏi được săn sóc, được giúp đỡ, được hưởng ân huệ chứ không nghĩ là họ cần làm những điều tương tự cho kẻ khác; bởi lẽ, từ nhỏ đến lớn, họ chỉ biết nhận chứ không biết cho, không biết phát. Họ có thể trở nên ích kỷ, từ những suy nghĩ của một tình trạng như một bệnh tâm lý, đòi hỏi mọi người xung quanh phải lo cho mình và chống đối nếu không được như ý.
Thay đổi hay cải thiện nếp sống của những thiếu niên trong hai trường hợp sau là một công việc vô cùng khó nhọc. Họ cần được cung cấp phương tiện vật chất ( DV ); nhưng vật chất thừa thải càng khuyến khích họ hưởng thụ nhiều hơn. Họ cần được săn sóc với tình thương ( DT ), dùng đức để trị; nhưng quá nhiều tình thương có thể dung dưỡng những tánh hư tật xấu.Họ cần được áp dụng luật lệ ( DL ), nhưng luật lệ quá nghiêm khắc làm cho họ trở nên thụ động, giảm đi khả năng sáng tạo, họ cần được sự áp dụng uyển chuyển quân bình TAM DUY để giúp họ có thể vươn lên và thành công trong cuộc đời.
Sự cải thiện hay thay đổi nếp sống theo quân bình TAM DUY cũng phù hợp với phương pháp trị liệu làm thay đổì cách cư xử ( behavior modification ) dựa trên thí nghiệm của B.F. Skinner ở Mỹ. Ông nhốt một con chuột đói vào trong cái hộp; trong hộp co cái cần nhỏ móc với hộp đựng đồ ăn ở bên ngoài. Lúc đầu con chuột bị đói nên chạy tứ tung, bất ngờ đạp lên cái cần làm đồ ăn từ hộp đựng bên ngoài rơi vào trong hộp của chuột để chuột ăn. Lần sau , chuột học hỏi, không chạy lung tung trong khi đói nữa mà cứ đến đạp lên cái cần là có đồ ăn rơi vào. Dùng cái phần thưởng đồ ăn, Skinner đã giúp thay đổi cách cư xử ( behavior ) từ việc chay lung tung đến việc đạp lên cần đồ ăn. Từ đó ông đi đến kết luận là có thể giúp chuột học hỏi thay đổi cách cư xử từ việc chạy lung tung thì bị trừng phạt là không có đồ ăn , đến việc đạp cần để được thưởng là có đồ ăn rơi vào.
Thí nghiệm này đưa đến việc giáo dục, thay đổi cách cư xử bằng cách trừng phạt hay khen thưởng. Các giáo viên khen thưởng các trẻ em học hành chăm chỉ và cư xử đàng hoàn trong lớp bằng các đồng tiền bằng đồng.Sau lớp học, các em đổi các đồng tièn này để lấy kẹo, đồ chơi. Bằng cách này, các giáo viên có thể thay đổi cách cư xử và cách làm việc của một số trẻ em yếu kém, phá phách. Trong TAM DUY, thưởng bằng cách cung cấp nhu cầu vật chất, tình thương; và phạt bằng kỹ luật gia đình để thay đổi nếp sống, giáo dục con cái thiếu niên.
Quân bình TAM DUY là quân bình biến động. Các giá trị vật chất, đạo đức và luật lệ cần liên tục thay đổi qua thời gian và không gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cá nhân nào đạt được tình trạng quân bình , biến động TAM DUY giữa đời sống vật chất, giá trị tinh thần và luật lệ; cá nhân đó sẽ phát triển và đạt  được một nếp sống điều hòa, hạnh phúc.

            2. Văn hóa và gia đình:

Gia đình nào cũng có một lich sử, có thế hệ khá giả,thành đạt; kế tiếp có thế hệ suy đồi. Lý do là vì TAM DUY quân bình hay bất quân bình. Thế hệ của ông cố làm việc cần cù, học hành chăm chỉ, theo khuôn phép luật lệ, nghiêm chỉnh, giữ vững tinh thần đạo đức: ông cố đã thành đạt. Thế hệ kế tiếp tiêu pha, luật lệ lỏng lẻo, tinh thần đạo đúc yếu kém nên thế hệ này suy đồi. Thế hệ con cháu, từ đời sống bất hạnh , lại làm việc khó nhọc, lại học hành chăm chỉ theo khuôn phép luật lệ, đạo đức, thế hệ con cháu lại thành đạt, vươn lên.
Đời sống của mổi thế hệ cũng có lúc thăng trầm; nhưng nếu giữ TAM DUY được quân bình thì gia đình vẫn được bền chặt, dù cho đời sống có gặp khó khăn. Tiền bạc dồi dào, đời sống vật chất dư thừa, nhưng nếu tinh thần đạo đức yếu kém, luật lệ thiếu nghiêm chỉnh thì gia đình có nguy cơ tan rã.
Tôn giáo và triết lý giúp ấn định những tiêu chuẩn căn bản đạo đức; nhưng những tiên chuẩn đạo đức này phải đựơc thích nghi cho phù hợp với điều kiện xã hội đổi thay. Cố giữ những tiêu chuẩn đạo đức cũ  trong một xã hội đã thay đổi sẽ đưa đến những tranh chấp có thể làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, gây hận thù giữa những người thân, do bất đồng quan đìểm đạo đức , giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái, giữa thế hệ trước và thế hệ sau.
Giáo dục con cái theo tinh thần độc tài hay dân chủ? Cả hai đều có giá trị tùy theo trình độ khôn lớn của con cái. Giáo dục là hướng dẫn chứ không phải là dẫn dắt, là hướng dẫn từ phía sau chứ không phải là kéo đi từ phía trước, để đứa trẻ được tự do phát triển theo tinh thần dân chủ. Nhưng nếu đứa trẻ chưa đủ trí khôn để quyết định chính chắn hay sắp ngã quị thì phải hành động độc tài để cứu vãn kịp thời. Muốn được như vậy, cha mẹ cũng phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm để có thể phối hợp uyển chuyển giữa dân chủ , độc tài trong việc hướng dẫn con cái.Dân chủ hay độc tài chỉ là hai danh xưng ở hai mức độ khác nhau của tiến trình dẫn dắt, kiểm soát liên tục.” Tề gia, trị quốc , bình thiên hạ”, nhưng đôi khi , tề gia còn khó hơn cả trị quốc vì những liên hệ tình cảm gia đình nên những quyết định khó sáng suốt, khó nghiêm chỉnh. Có nhiều nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo thế giới tài ba nhưng đã thật bại khi lãnh đạo gia đình. Hành động độc tài không thích hợp sẽ làm đưá trẻ thiếu tinh thần sáng tạo, làm đứa trẻ trở nên thụ động, nhút nhát, làm trí thông minh không được phát triển vẹn toàn. Cha mẹ cũng phải biết sự giới hạn của mình. Tùy theo điều kiện gia đình, cha mẹ phải biết lúc nào cần rút lui sự bảo bọc , quyết định và can thiệp vào đời sống của con cái; để con cái biết tự lập học hỏi giá trị thực, khó khăn , phức tạp của đời sống ngoài gia đình, để trưởng thành và phát triển. Có lẽ gia đình Á Đông không ấn định rõ rành giới hạn này, tiếp tục săn sóc và luôn cả xâm phạm vào đời sống riêng tư của con cái, dù con cái đã trưởng thành, đưa đến hoặc xung đột trầm trọng, hoặc biến con cái thành những kẻ mãi phụ thuộc vào gia đình, thiếu trách nhiệm.
Nếp sống dặc biệt của một gia đình sẽ đưa đến sự đụng chạm khi tiếp xúc với nếp sống dặc biệt của gia đình khác, bởi vì sự quan niệm khác biệt đối với giá trị vật chất, đạo đức, tinh thần , pháp luật. Một gia đình buôn bán có thể đặt quá nặng giá trị vật chất; một gia đình nghệ sĩ có thể đặt quá nặng giá trị nghệ thuật. Sống và lớn lên trong môi trường gia đình của mình, trong suốt gần hơn 20 năm, cá nhân của gia đình có thể chỉ nghĩ rằng giá trị vật chất hay tinh thần của gia đình mình là tốt nhất. Từ đó đưa đến sự tranh chấp khi phải tiếp xúc với một gia đình khác. Đây cũng là lý do của tranh chấp trong hôn nhân; sự tranh chấp có thể dai dẳng từ năm này sang năm nọ, là nguy cơ của hôn nhân có thể tan vỡ nếu vợ chồng không biết nhường nhịn, thích nghi quan điểm khác nhau, nếp sống khác nhau, văn hoá khác nhau.

              3. Văn hóa và các công ty

Mỗi công ty đều có một lối điều hành và phát triển riêng biệt, tạo thành nếp sinh hoạt cá biệt, văn hóa cá biệt của mổi công ty.
Duy vật tức quyền lợi, là yếu tố quan trọng nhất ở hầu hết các công ty, trừ các công ty vô vụ lợi. Mọi người kết hợp, đoàn kết ở công ty chỉ vì mục đích hưởng lợi để bảo đảm đời sống vật chất cho cá nhân mình, gia đình mình. Một khi cá nhân không còn hưởng được lợi, thì cá nhân đó sẽ tự động rời công ty. Một khi công ty không còn sinh lợi hay mang lại lợi tức cho nhân viên thì công ty sẽ bị tan rã.
Duy Lý qui định tương quan trách nhiệm và quyền lực giữa các nhân viên của công ty. Vì quyền lợi nêu trên, mỗi cá nhân buộc phải theo các quy luật của công ty.
Duy Tâm gồm tinh thần ( morale) và lý tưởng ( ideal ) của công ty. Tinh thần do sự hòa hợp, uy tín , tín nhiệm. Mặc dù vì quyền lợi , mọi người phải tuân theo điều lệ của công ty; nhưng nếu thiếu tinh thần, các điều trở nên ép buộc, hiệu năng của mỗi người sẽ sa sút. Điều lệ phù hợp với tinh thần thì trở nên hữu lý; ngược lại, điều lệ sẽ trở nên phi lý độc tài. Yếu tố này tạo thành một thứ quyền lực tinh thần, có khi còn hữu hiệu hơn là quyền lực pháp lý. Mổi nhân viên dù ở cấp điều hành hay thừa hành, muốn tạo được cái thế để bảo đảm chỗ đứng của mình thì cần phải tạo cho được quyền lực tinh thần này và tốt hơn nữa , nếu còn được phù hợp với quyền lực pháp lý. Mổi quyết định đối với nhân viên hay đối với khách hàng phải cho phải đạo và hợp lý. Nếu tạo được cái thế về quyền lực pháp lý mà không phù hợp với quyền lực tinh thần thì cái thế đó không lấy gì làm vững chắc. Không sớm thì muộn, cá nhân đó cũng sẽ gặp rắc rối hay cả bị loại ra khỏi công ty. Điều hành công ty mà không phù hợp với đạo và lý đối với khách hàng thì công ty rồi cũng sẽ bị tan rã.
Ngoài tinh thần ra , lý tưởng của công ty là mục tiêu mà mổi nhân viên của công ty cùng hướng tới, cùng cố đạt được. Lý tưởng giúp nhân viên cố hoàn mỹ công việc và  khả năng của mình cho tương lai của công ty, tức là tương lai của mổi nhân viên.
Hòa hợp được Duy Vật , Duy Lý, Duy Tâm, công ty sẽ phát triẻn điều hòa, lợi tức gia tăng, công ty bành trướng.

            4. Văn hoá các tổ chức

Các hội đoàn ( association ), aí hửu, từ thiện, tôn giáo là các tổ chức quần chúng của một quốc gia. Trừ tôn giáo, một cách đại cương, phần lớn những hội đoàn không đựơc đoàn kết chặc chẽ trong một tổ chức hạn hẹp.
Duy Vật, tức là quyền lợi vật chất của hội đoàn chỉ do sự đóng góp tự nguyện của các hội viên. Khác với công ty, các cá nhân không đến với hội vì nhu cầu vật chất nên họ không bị bó buộc.
Duy lý do nội qui của hội qui định thể thức sinh hoạt của hội. Bởi không vì nhu cầu vật chất , nên các hội viên không bị áp lực phải theo nội qui.
Duy Tâm là yếu tố cuối cùng cho sự sống còn của hội. Duy tâm gồm tinh thần ( morale ) và lý tưởng (ideal ) của hội. Lý tưởng tuỳ theo phạm vi hoạt động, với mục đích thân hửu mà thôi..Yếu tố lý tưởng vì thế có thể rất mờ nhạt. Tinh thần của hội do đức độ, kinh nghiệm uy tín và sư tương kính mổi cá nhân ở cương vị điều hành hay là hội viên. Tuy nhiên, tinh thần rất đễ bị sa sút tùy theo mức độ trưởng thành trong lề lối sinh hoạt dân chủ hội đoàn.
Như đã trình bày, Âu Châu quan niệm kiến thức chỉ có giá trị tương đối và liên tục được phát triển cho nên mổi cá nhân của hội dễ đòan kết, phối hợp các kiến thức tương đối của mình để tìm kiếm kiến thức mới, cũng tương đối, để áp dụng cho hoàn cành mới. Sinh hoạt vì thế dễ đưa đến sự đòan kết giữa các hội viên. Trong khi đó, ở Á Châu, người ta quen lối học từ chương các kiến thức của thánh hiền được xem như là chân lý. Vì tin tưởng là học hỏi để tìm đến chân lý, mỗi cá nhân vì có thể nghĩ là mình đã tìm ra chân lý; ai cũng nghĩ và muốn kiến thức của mình là chân lý nên khó hòa hợp, đoàn kết để có kiến thức mới. Tinh thần của hội có thể bị sa sút trầm trọng vì bất đồng quan điểm, đố kỵ, hận thù. Phải chăng, đây là lý do chính làm các hội đoàn chia rẽ, không còn khả năng để sinh hoạt một cách hữu hiệu. Hội có thể vì thế bị suy yếu , phân tán hay tan rã.
Các hội đoàn tôn giáo cũng có nhũng nét của sinh hoạt hội đoàn trên. Nhưng vì đức tin ( faith ), tinh thần và lý tưởng của tôn giáo rất vững mạnh nên tổ chức của tôn giáo vì thế được khá chặc chẽ và đoàn kết hơn.

            5. Văn hoá từng vùng

Tuỳ theo điều kiện về lịch sử, kinh tế, tinh thần, mổi vùng có một lối sống với những nét đặc trưng. Những vùng với đất đai phì nhiêu, đời sống vật chất khả quan sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và bản chất của mổi người. Ở những vùng với đất đai cằn cổi, đời sống vật chất khó khăn, mọi người phải tranh đấu để sống còn. Nếu gần kinh đô, người ta lại tìm mọi cách để tiến gần đến vùng ảnh hưởng để được bổng lộc.
Những nét đặc biệt của đời sống mổi vùng tạo nên sự khác biệt của các vùng, có thể đưa đến tranh chấp. Nếu không biết dung hòa những cá biệt, đất nước có thể bị mối hiểm nguy của sự chia rẽ hay cả chiến tranh. Người Âu Châu cũng đã áp dụng cách chia để trị này. Mỹ cũng đã trải qua trận chiến tranh Nam Bắc đẫm máu.

            6. Văn hóa dân tộc

Qua ngàn năm lập quốc, nếp sống của mổi dân tộc đã trải qua một chặn đường dài để thành hình, phát triển, với những nét đặc biệt, những dân tộc tính. Mọi người , đến một lúc nào đó, đều muốn tìm về nguồn, tìm lại cội nguồn, để biết được những thăng trầm , công đức hy sinh và đóng góp cũa tiền nhân qua những ngàn năm; để từ đó biết nhìn về tương lai cho đời sống của chính mình, cho gia đình, xã hội.

Về duy lý, từ những ngày đầu hoang sơ, mọi người đã hình thành những phương cách cư xử, hệ thống cấp bậc và quyền hành, về mối tương quan giữa mọi người ở vùng đất nào đó của địa cầu. Mối tương quan gần gủi nhất là tương quan bà con ruột thịt, hôn nhân. Trong đời sống cận đại, mọi người đã nhờ vào chính họ hay các cơ quan xã hội để được giúp đỡ; phải chăng nhiều người đã ít nhiều quên đi mối tình thân thiết, ruột thịt trong đó con cái biết ơn, biết kính trọng bố mẹ, biết thương yêu, giúp đỡ, quí mến nhau. Ai quên được mối thân tình quyến luyến đó. Khởi đầu, một cá nhân được trao trọng trách lãnh đạo một nhóm, một bộ lạc, rồi tiến dần đến sự thành hình một thị trấn, rồi một cơ cấu chính quyền Quân Chủ  của một nước. Sự chuyển quyền từ một hành thức lãnh đạo này sang hình thức lãnh đạo khác, đôi khi phải qua những trận chiến tranh làm xáo trộn đất nước, hay ổn định đất nước qua một cơ chế lãnh đạo mớI cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội mới.
Chuyển quyền mà không qua một trận chiến tranh, trong một chế độ Dân Chủ, là hình thức chuyển quyền hoàn hảo nhất; nhưng điều này đòi hỏi những điều kiện cần thiết cho sự thành hình và phát triển của chế độ Dân Chủ: điều kiện khả quan về kinh tế, an ninh quốc phòng va mức độ kiến thức của quần chúng.
Về Duy Vật, từ đời sống hoang sơ, người ta sinh sống bằng cách săn bắn, trồng trọt, chăn nuôi gia súc. Họ xây dựng những nơi trú ẩn bằng nhưng phương tiện thô sơ như đất, cây, lá. Cơ cấu xã hội đầu tiên dần dần được thành hình ở Sumer nay là Irak tại Trung Đông từ khoảng 3000 năm trước Thiên Chúa. Nông nghiệp được thành hình với cách trồng trọt, dẫn thủy, sản xuất thực phẩn để tiêu dùng. Thực phẩm lúc đầu được trao đổi bằng hiện vật, rồi được trao đổi bằng tiền để được tiện lợi.
Khi cơ cấu xã hội càng mở rộng, phát triển phức tạp, thực phẩm cần được sản xuất nhiều hơn, các phương tiện sản xuất càng được cải thiện. Sản xuất lấy phương tiện từ môi trường; phế thải ảnh hưởng môi trường, tất cả có thể gây tai hại cho môi trường. Kinh tế bao gồm sự sản xuất, trao đổi sản vật và dịch vụ cần thiết cho nhu cầu về thực phẩm, quần áo, nhà cửa, nghĩa là nhu cầu về vật chất.
Trong Nền Kinh Tế Tư Bản, việc trao đổi sản vật và dịch vụ không được trực tiếp từ kẻ sản xuất sang người tiêu thụ mà phải qua trung gian của nhà tư bản hay là các công ty, là người hay công ty xuất vốn mua sản vật, thuê công nhân rồi phân phối cho người tiêu thụ để kiếm lợi. Trong Nền Kinh Tế Xã Hội, chính quyền trực tiếp kiểm soát việc sản xuất, trao đổi và tiêu thụ để mọi người được hưỏng đồng đều nhu cầu vật chất. Người ta còn trao đổi các cổ phần sở hữu giữa các công ty.
Các nền kinh tế phát rtiển ở mức độ khác nhau, dựa ít nhiều vào nông nghiệp hay kỹ nghệ. Đời sống kinh tế khác nhau của các cơ cấu xã hội đưa đến những tranh chấp, xáo trọn xã hội có thể vô cùng trầm trọng.

Về Duy Tâm, mọi người trong xã hội chịu ảnh hưởng bởi tôn giáo (religion ) và triết lý ( philosophy ), bởi niềm tin vào các giá trị tinh thần ( values ). Tất cả điều này giúp cho mọi người sống và vượt qua những vấn đề của đời người như hạnh phúc, khổ đau, tai ương, bệnh hoạn, chết chóc… Qua tiến trình tiến hóa trong suốt những ngàn năm, mổi dân tộc đã hình thành một nền văn hóa đặc biệt, giúp đất nước vượt qua những thăng trầm với các nét đặc trưng văn hóa ít nhạt phai.

            7. Văn hóa Đông Tây

Dưới ảnh hưởng của các tôn giáo và triết lý từ hai vùng Á - Âu  xa cách, hai nền văn hóa Đông Tây thành hình khác biệt; khác biệt đến độ Kipling ở Anh, vào những năm 1800 đã viết : “Đông là Đông , Tây là Tây, cả hai không bao giờ gặp nhau.”

Á Châu chịu ảnh hưởng của Lão Giáo, Khổng Giáo, Phật Giáo. Âu Châu chịu ảnh hưởng của Do Thái Giáo, Thiên Chuá Giáo, Hồi Giáo và triết lý của các triết gia như Socrate, Plato, Aristotle, John Locke, David Hume, J.J. Ousseau, Montesquieu…Những quan điểm khác biệt giữa các tôn giáo và triết lý của Á Châu và Âu Châu đã làm cho hai nền văn hóa Đông Tây hầu như hoàn toàn khác biệt.
Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo tạo niềm tin vũ trụ vô cùng bí mật và do Thượng Đế tạo ra.  Socrates chủ trương phải luôn luôn tìm kiếm kiến thức mới. John Locke, David Hume quan niệm kiến thức chỉ có giá trị tương đối bởi vì kiến thức được thành hình qua sự cảm nhận của năm giác quan mà sự cảm nhận này lại bị hạn chế, bởi vì ta không thể nhìn, ngửi , sờ, nếm… mọi việc, mọi vật vượt không gian và thời gian.
Bởi nhu cầu luôn luôn tìm kiếm kiến thức mới vì kiến thức chỉ có giá trị tương đối nên Âu Châu đã liên tục tìm kiếm, khám phá bí mật vũ trụ do Thượng Đế tạo ra, phát triển kiến thức khoa học, thực hiện Cách Mạng Kỹ Nghệ, xây đựng chế độ Dân Chủ, giúp Âu Châu đạt được nền văn minh tiến bộ liên tục.

Khổng Giáo giúp ổn định xã hội bằng cấp bậc , tuổi tác, bằng trật tự vua quan, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Nếu Khổng Giáo đã giúp Á Châu được ổn định xã hội trong những ngàn năm thì trật tự này tạo một thứ áp lực cấp bậc tuổì tác, cấp bậc trật tự xã hội, làm cản trở tinh thần sáng tạo của giới trẻ, cản trở tinh thần hòa đồng giữa già trẻ để liên tục học hỏi, cản trở tính chất linh động dễ tiến bộ của mổi cá nhân trong xã hội, làm trì hoản trầm trọng sự dứt khoát với chế độ Quân Chủ, để tiến đến cơ cấu xã hội tiến bộ hơn. Khổng Giáo đã không nhận ra vai trò quan trọng của thương gia trong việc phân phối sản phẩm từ kẻ sản xuất đến người tiêu thụ, giúp kinh tế phát triển. Bởi thế, kinh tế chỉ có thể phát triển chung quanh nông nghiệp với kỹ thuật thô sơ, nghèo nàn.
Phật Giáo giúp người ta tìm được sự bình an tâm hồn, tránh những cám dỗ trần tục làm xáo trộn xã hội. Nhưng mỗi người đều có một đời sống hôm nay để sống. Phải chăng Phật Giáo cần tích cực hơn để chia sẽ, đóng góp, giải quyết những vấn đề của đời sống hiện tại, làm cho sinh sản được an toàn hơn, sống lâu hơn, chữa trị và ngăn ngừa các bệnh tật, bên cạnh việc quan tâm đến đời sống mai sau.
Lão Giáo khuyên người ta trở về hòa mình với thiên nhiên để được sống bình an. Nhưng người ta không thể sống mãi trong đời sống hoang dã.
Đại cương Khổng Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo giúp Á Châu tương đối có đời sống bình an, nhưng là một đời sống an nghỉ trong những ngàn năm. Cho đến khi phải đối đầu với Âu Châu vào những năm 1800, Á Châu mới nhận ra là Á Châu đã nhận ra là  văn minh Á Châu đã không đuổi kịp văn minh Âu Châu. Sự khác biệt về cơ cấu chính quyền (DL ) giữa Quân Chủ, phong kiến độc tài với Dân Chủ; giữa kinh tế ( DV ) nông nghiệp thô sơ với kỹ nghệ phát triển; giữa các triết lý và tôn giáo ( DT ) đã làm cho TAM DUY giữa Á-Âu bất quân bình, đưa đến xáo trộn: Âu Châu đàn áp, bóc lột Á Châu; nhưng trận chiến tranh giành độc lập đẫm máu giúp Á Châu giành lại chủ quyền, nhưng đất nước càng tan nát , nghèo nàn hơn.
Á Châu đang cố gắng, cẩn thận thực hiện từng bước một để tiến đến Dân Chủ. Nhưng thực hiện chế độ Dân Chủ cần ba điều kiện tất yếu: Giáo dục, Kinh tế, và An ninh quốc phòng. Đại đa số dân chúng, từ dân chúng cho đến cấp lãnh đạo, phải có đủ trình độ kiến thức khả dĩ để có thể dóng góp và thực hiện các sinh hoạt dân chủ hữu hiệu, không gây xáo trộn. Dân chúng phải có đời sống kinh tế khả quan để còn có thể lưu tâm đến sinh hoạt dân chủ, đóng góp tài chánh để chính phủ có đủ phương tiện và sức mạnh thực hiện các chương trình lợi ích cho đất ước, bảo đãm an ninh quốc phòng, khỏi phải ngữa tay xin viện trợ, tạo cơ hội cho ngoại bang lũng đoạn; an ninh lãnh thổ phải được bảo đảm, tránh sự can thiệp cuả các cường quốc qua sinh hoạt của các tổ chức dân chủ nhằm phục vụ quyền lợi của ngoại bang.
Á Châu còn phải thích nghi căn bản tư tưởng của các tôn giáo, triết lý cho phù hợp với nhu cầu tiến bộ của xã hội, phải nghiên cứu các tư tưởng của tôn giáo, triết lý Tây Phuơng cho nhu cầu tiến bộ của đất nước. Tôn giáo và triết lý đã ảnh hưởng cơ cấu xã hội Á Châu trong những ngàn năm. Bởi thế, Á Châu cần có một cuộc Cách Mạng Văn Hóa mới có thể thích nghi kịp thời cho nhu cầu tiến bộ của dân tộc.

Hình: Mạnh Tử

Ngày nào Á Châu thực hiện được chế độ Dân Chủ ( DL ), đạt được nền kinh tế phồn thịnh ( DV ) , thích nghi được các tư tưởng của tôn giáo, triết lý ( DT ) ; và ngày nào Âu Châu học hỏi được các tu tưởng của tôn giáo và triết lý Á Châu để quân bình, để tìm sự bình an; thì ngày đó Âu-Á mới đạt được quân bình TAM DUY, mới đóng góp được cho nền hòa bình chung Âu-Á.

            8. Văn hóa toàn cầu

Các nền văn hóa khác biệt đã được thành hình từ những vùng đất khác nhau của địa cầu. Các sự khác biệt này đã đưa đến những xung đột, tranh chấp, chiến tranh. Từ những năm 1500, Tây Ban Nha dùng thuyền buồm thám hiểm và nối tiền các đại lục. Những cuộc thám hiểm này chỉ để mang tài nguyên  của các đại lục về cho bản xứ. Đến khoảng những năm 1800, Cách Mạng Kỹ Nghệ đã giúp Âu Châu đóng được tàu thuỷ chạy bằng hơi nước, để lại đến các đại lục, đàn áp, khai thác các nước nhược tiểu, mở ra một thế giới thiếu quân bằng, nhân ái. Thế giới đã trải qua hai Đại Chiến vô cùng đau thương vì những tranh chấp về chính trị, kinh tế, lãnh thổ. Cộng Sản đã xuất hiện từ một giai đoạn lịch sử giữa các giới bị đàn áp, bốc lột và thế lực bốc lột , đàn áp.

Trong những thế kỷ qua, khoa học và kỹ thuật phát triển, giúp phương tiện truyền thông khắp địa cầu càng thêm nhanh chóng. Tất cả đã giúp cho,các nền văn hoá được tiếp xúc nhau gần hơn, nhanh hơn, giúp cho sự hoà đồng giữa các nền văn hoá, giúp thế giới xích lại gần nhau.

Về Duy Lý, từ những mức độ phát triển xã hội khác nhau, các nước đang tiến dần từ Quân Chủ, Độc Tài sang Dân Chủ. Nhưng các thề chế chính trị này chỉ là những danh xưng cho tiến trình thay đổi liên tục của cơ cấu lãng đạo xã hội. Ngay cả Dân Chủ cũng không phải là một tình trạng chế độ chính trị cố định ( status ) mà phải hiểu là một tiến trình dân chủ liên tục ( process ). Sự thành hình của Dân Chủ, như đã trình bày, đòi hỏi ba điều kiện thiết yếu về giáo dục , kinh tế và an ninh quốc phòng. Tùy theo mức độ tiến bộ, các điều kiện về giáo dục, kinh tế, an ninh quốc phòng cũng tiến hóa ở những mức độ khác nhau. Cho nên khi nói đến Dân Chủ, không nên chỉ nghĩ ngay đến Dân Chủ Mỹ và Mỹ cũng không nên áp đặt Dân Chủ Mỹ lên các nước khác bởi vì Mỹ có các điều kiện về giáo dục, kinh tế, an ninh quốc gia mà các nước khác chưa có được.Các nước cũng đang cố gắng cải thiện các điều kiện về giáo dục, kinh tế, an ninh quốc phòng để cố hòa đồng các bước tiến về dân chủ với các nước tiến bộ. Thế giới rồi cũng sẽ tiến dến tiến trình Dân Chủ cho toàn cầu trong đó không có một thế lực , một quốc gia nào có thể đơn phương nắm quyền lãnh đạo thế giới. Quyền lãnh đạo thế giới rồi cũng sẽ được trả về cho thế giới.

Về Duy Vật, tất cả các nước đểu bắt nguồn từ nền kinh tế nông nghiệp. Âu Châu thực hiện được cách mạng kỹ nghệ, mang lại những phương tiện lợi ích kỹ thuật cho toàn thế giới, nhưng đồng thời đã đưa đến những xáo trộn khắp địa cầu, bắt nguồn từ những sự bốc lột, bất công ở Âu Châu cũng như ở những nước nhược tiểu. Từ đó hình thành các nền Kinh Tế Xã Hội, Kinh Tế Thị Trường, tùy theo mức độ kiểm soát của chính phủ vào kinh tế. Cùng với những bước tiến về chế độ Dân Chủ, các nước đang tiến dần vào nền Kinh Tế Thị Trường rồi Kinh Tế Hoàn Cầu với Tổ Chức Giao Thương Thế Giới ( WTO ). Sẽ không còn các hình thức đế quốc kinh tế, trong đó các đại công ty thao túng, bốc lột các nước nhược tiểu để lợi dụng trao đổi sản vật hay nhân công rẻ mạt.

 Về Duy Tâm, căn bản tư tưởng, giá trị đạo đúc của các triết lý và tôn giáo ành hưởng đến lốì sống, văn hóa của mổi xã hội khiến văn hóa của các xã hội trở nên khác biệt ở những vùng đất khác nhau trên địa cầu. Giá trị tư tưởng , đạo đức của triết lý và tôn giáo như đã được thử thách qua suốt nhiều ngàn năm làm người ta vững tin rằng những giáo điều này có giá trị tuyệt đối, làm cho Duy Tâm khó biến động cho phù hợp với sự biến động của Tam Duy. Không thay đổi, không thích nghi sẽ đưa đến những tranh chấp giữa cá nhân, trong gia đình, ngoài xã hội. giữa các nền văn minh chịu ảnh hưởng của tôn giáo và triết lý, là mối đe doạ đưa đến chiến tranh, tai hại đến hòa bình thế giới.

Thế giới đang xích lại gần nhau, các nền văn hóa đang được thích nghi để hòa đồng, để cùng tiến đến những giá trị tư tưởng , đạo đức chung cho địa cầu, đóng góp chung cbo hòa bình nhân loại. Với tiềm năng về chính trị, quân sự, kinh tế, Mỹ có thể ảnh hưởng đến lối sống khắp thế giới; nhưng không vì thế mà Mỹ có thể , hay có tham vọng áp đặt văn hóa Mỹ lên khắp địa cầu. Trao đổi văn hóa phải là trao đổi hai chiều để thích nghi để hòa đồng. Từ đó có người e ngại những nét đặc trưng của các nền văn hóa sẽ biến dần. Tuy nhiên, nét đặc trưng nào không làm cản trở bước tiến của xã hội thì những nét đặc trưng đó cần được bảo tồn và những nét đặc trung nào làm cản trở bước tiến của xã hội thì nhưng nét đặc trưng đó cần được điều chỉnh, thay đổi cho nhu cầu tiến hóa của xã hội. Đây cũng là dịp cho một nền văn hóa may mắn được biết đến các đặc trưng của nhũng nền văn hóa khác. Bảo tồn văn hóa phải đi đôi với phát huy văn hóa , tức phải thích nghi và thay đổi để tiến bộ. Nếu chỉ bảo tồn mà không phát huy thì chỉ làm cản trở bước tiến của xã hội. Được như vậy , nét đăc trưng của văn hóa vẫn được bảo tồn trong khi xã hội vẫn được tiến bộ, cho hòa hợp với bước tiến chung của nhân loại, cho sự hòa đồng văn hóa của toàn cầu.
♦          ♦          ♦                                                                                 
Tóm lại, từ vũ trụ bao la vô tận, huyền bí và biến động, sinh vật đã thành hình. Qua hàng triệu năm biến hóa, loài người đã xuất hiện, xây dựng những nền văn minh khá đặc biệt ở những vùng đất xa xôi cách biệt trên địa cầu.
Trong cố gắng cải thiện quân bình TAM DUY của vũ trụ để cải thiện đời sống , loài người đã tạo ra những tình trạng bất quân bình TAM DUY, đưa đến những xung đột dữ dội, những xáo trộn đau thương.

Các nước đang xích lại gần nhau hơn. Liên Hiệp Quốc đang đóng vai trò ổn định trật tự (DL ) cho thế giới. Tổ chức Giao Thương Thế Giới ( World trade Organisation ) đang đóng vai trò ổn định kinh tế giao thương ( DV ) cho địa cầu, giúp các nước cùng phát triển, cùng sản xuất, cùng hưởng lợi, cùng phồn thịnh. Các giá trị căn bản đạo đức và tinh thần (DT ) của loai người cũng giống nhau vì cùng phát xuất từ đạo đức, tinh thần của thiên  nhiên, của vũ trụ. Các tôn giáo giáo đều có cùng một mục đích, rồi cũng đến lúc đoàn kết, hòa đồng. TAM DUY của thế giới rồi cũng sẽ được quân bình, để tiếp tục biến động như sự biến động liên tục của vũ trụ. Thế giới rồi cũng sẽ được hòa bình, phồn thịnh, hạnh phúc. Có được như vậy hay không là tuỳ mỗi đơn vị vũ trụ, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi xã hội, mỗi quốc gia có sống thuận theo quạn bình biến động TAM DUY hay không ?

Socrate

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved