MỘT CHUYẾN VỀ NƯỚC

 
 

 

Chiếc máy bay của hãng hàng không Úc chở gia đình tôi về đến phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 8 giờ tối và gần hai giờ sau chúng tôi mới đặt chân vô nhà bà ngoại ở quận Tân Bình. Chuyến này về nước,tôi đưa hai thằng con về lại Đà Nẵng thăm ông nội. Chúng đã về thăm một lần hồi tốt nghiệp trung học, lúc ba tôi mới phát bệnh và nay bệnh  người biến chuyển nặng hơn.Gia đình tôi lại phải ở Sài Gòn gần cả tuần tham dự đám cưới cô con gái của người anh vợ,trước khi đáp máy bay đi Đà Nẵng.Chỉ trong vòng không đầy một giờ bay,chúng tôi đặt chân đến phi trường ĐN.giữa nắng hè gay gắt.Vợ chồng em gái tôi ra đón đã hướng dẫn chúng tôi đến một chiếc taxi đợi sẵn từ trước.Ngồi lọt được trong xe có máy lạnh rồi,chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì thoát khỏi cái nóng như lửa hừng hực ở bên ngoài.Cũng xui,hai lần tôi đều về vào mùa hè nhưng tôi cứ cảm thấy chưa quen lại được thời tiết mà mình từng sống qua một thời gian dài như thế trước đây.  

Khi gia đình vô nhà,ba tôi chẳng biết chúng tôi là ai.Phải nhắc đi nhắc lại bốn năm lần,ba tôi không biết có hiểu chăng mà mỉm cười hiền lành như một đứa bé thơ.Thế nhưng ngày sau,ngay cả  một phút sau,người cũng chẳng nhớ gì nữa.Lại phải nhắc.Lại mỉm cười hiền lành thật tội nghiệp Thực ra,lần này về nước tôi không dự tính đi chơi đâu cả mà việc chính là thăm thân phụ tôi đang bị bệnh Azheimer.Dù chúng tôi không thể nói chuyện với ba tôi,tôi cũng muốn túc trực bên giường người nằm,nếu chẳng bận việc gì.Sở dĩ tôi không thể nói chuyện với ba tôi là vì người nói những chuyện đâu đâu,hình như ở thời nào đã qua lâu lắm,không phải ở thế giới hiện tại.Có trời hiểu ba tôi muốn nói gì.Chính nhờ ngồi cạnh người mà thỉnh thoảng đôi mắt của ba tôi đẫm lệ.Tôi đoán là khi ấy người chợt có chút tỉnh táo để biết có con cháu từ phương xa về thăm nhưng không thể nào trao đổi ngôn ngữ với nhau được nên người đã khóc lặng lẽ như thế chăng ? Thấy người nằm co quắp trên giường,cơ thể ngày càng héo hon,mắt nhìn lơ đảng những đồ vật quanh phòng, tôi hết sức mủi lòng và cảm nhận sự bất lực và tính chất hữu hạn của con người nói chung,ngay cả của khoa học.Khi về già,mỗi người chịu đựng một chứng bệnh khác nhau rồi thân xác tan biến khỏi thế giới này.Tôi chợt nhớ câu thơ cuả một thi hàoVN.:

Ôi nhân sinh là thế ấy !
Như bóng đèn,như mây nổi,như gió thổi,như chiêm bao !

Cũng may là nhờ bà mẹ kế của tôi vốn là một y tá bệnh viện ĐN.đã tỏ ra  thành thạo trong công việc điều dưỡng.Tôi rất an tâm và thường nói vui là “Dì là một vị thiên thần mà Chúa kịp thời gửi đến cho ba con”.Dì tỏ ra dễ chịu để chấp nhận câu nói trên của tôi.Phải nói thật,tôi mang ơn dì vô cùng đã săn sóc ba tôi như một người mẹ và người vợ cộng lại.Việc tắm rửa,cho ăn uống,thay quần áo v.v. được bà dì thực hiện gọn gàng và nhanh chóng hơn tôi gấp bội.Thành thử,tôi về cũng chỉ giúplàm những việc khác,chứ săn sóc ba tôi thì vụng về không quen nên bà dì cáng đáng hết.Do đó,vào những ngày cuối cùng ở VN.bà dì kính mến của tôi đã khuyên tôi nên đi chơi cho thoải mái.Lúc ấy,vợ tôi và hai con đã về Úc trước rồi vì chúng phải trở lại làm việc.

Chẳng biết Huế đã mê hoặc tôi như thế nào mà tôi bỗng nổi máu giang hồ đi ra Huế cho bằng được và đã ở đây 2 ngày 1 đêm.Có thể nói đó là một chuyến đi đầy ngẫu hứng,bất chợt thích đi là đi,có lẽ như người Huế thường nói là “nổi hứng bất tử”,hoàn toàn chẳng dự tính gì trước cả.Tôi ra ga mua vé buổi sáng,trưa đi và buổi chiều đã có mặt ở Huế rồi.

Ngay khi vừa bước xuống ga,cố đô đã quạt vào người tôi một luồng khí nóng ngột ngạt  khiến tôi phải đi ngay chiếc xe ôm đầu tiên chạy trờ tới.Dù trời nóng bức như vài lần tôi về Huế trước đó,những ấn tượng mà tôi cảm thấy bây giờ có phần thay đổi.Ga Huế vào  năm 1979 là một cảnh hỗn độn,bát nháo khủng khiếp chưa từng có và năm 2004 có vẻ khá trật tự,còn năm nay tốt hơn rất nhiều.Chổ mua vé ngăn nắp,nơi ngồi chờ tàu có ghế dựa, cửa ra và vô trông lớp lang,đâu ra đó.Mãi đến nay,tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái cảnh chen lấn kinh hoàng từ trên tàu xuống ga đến hụt hơi lần đầu về Huế sau 1975 vài năm.

Bác lái xe hỏi tôi đi đâu.Thực tình mà nói,tôi cũng chẳng biết đi đâu lúc này nên tôi trả lời là bác cứ chở tôi thẳng đến đường Trần Hưng Đạo,ngay giữa phố rồi tôi sẽ tìm thuê khách sạn ở đó sau.Câu nói làm bác lái xe cười phân trần rằng làm gì có khách sạn bên kia phố mà ở bên này.Tôi nhận ra bác ta nói đúng.Bác liền chở tôi đi thuê một khách sạn mà bác quen biết,nằm trên đường Đội Cung,một con đường tôi chưa nghe tên bao giờ suốt mấy năm ròng rã họcở Huế.(Đó là đường cấm trước đây có giây thép gai rào hai đầu đường,nằm thẳng góc với đường Lê Lợi,song song với đường đâm thẳng qua cầu Trường Tiền chạy ngang Quân Vụ Thị Trấn trước 1975).Tôi nóng lòng về ngay khách sạn sẽ thuê để tắm một phát cho đã vì trời nóng qúa.Cảnh vật hai bên đường lướt qua nhanh nhưng tôi cũng thấy được trong khu vực cư xá giáo sư đại học sừng sững một khách sạn trông nguy nga,bề thế.Hay nói như ngôn ngữ trên báo đài hàng ngày bây giờ ở trong nước là hoành tráng (lại Hán Việt !).

Tắm rửa xong xuôi,tôi cảm thấy nhẹ nhàng thư thái cả người và khởi sự đi thăm bạn bè.
Tôi đi xe ôm đến nhà thằng bạn gần nhất nhưng đợi gần nửa giờ chưa thấy Xuân đi làm về,tôi vội tìm xe khác đi thăm Nguyễn Thắng dù chỉ biết Thắng có phòng mạch ở gần cầu Sắt,chứ không biết địa chỉ đích xácở đâu.Mầy mò hỏi thăm,tôi mới biết Thắng được khá nhiều “nhân dân” chung quanh đây biết rõ lý lịch như một công an chính hiệu “con nai vàng” nắm vững lý lịch người dân trong khu vực mình quản lý.Sở dĩ tôi muốn đến thăm Thắng là vì lần trước về,tôi tiếc đã “hụt”gặp Thắng.Người nhà điện thoại cho biết hai vợ chồng Thắng vừa ra khỏi nhà Khoảng năm 1979-80,tôi có gặp Thắng một lần ở Sài Gòn trong một tình huống có thể nói là khá bi hài.Thắng đang băng qua đường Lê Thánh Tôn thì gặp tôi lúc ấy hơi chệnh choạng vì rượu,đang ngất nga ngất ngưỡng bên lề đường.Tôi và Thắng cùng lên tiếng chào hỏi nhau rồi mỗi người đi một nẻo.Thật ra,cả hai có lẽ đã muốn tránh nói chuyện trong tư thế tôi cũng chẳng có mấy bình tĩnh.Cả Thắng và tôi lúc bấy giờ đang ở trong cùng một cảnh ngộ bế tắc như nhau.Thắng từng vượt biên thất bại ở Huế và đã trả giá cho những hệ lụy ấy còn tôi đang sống lây lất ở Sài Gòn sau khi tìm hết cách bỏ chạy khỏi Đà Nẵng với đủ lý do và lý do cuối cùng là đi “tìm đất canh tác”.(Sau năm 1975,tôi khăn gói đi “cải tạo” tập trung từ Sài Gòn nên khi về bị quản chế tại Đà Nẵng,tôi không còn được hành nghề nữa.Chẳng biết tại sao,có lẽ tôi bị đánh giá là kẻ ngoan cố chống cộng…quá đà vào miền Nam đến giờ 25 chăng ?).Như vậy thì gặp nhau để nói cái gì đây ? Chẳng lẽ than thân trách phận ? Điều này thậm vô ích mà chẳng ai muốn làm cả.Vả lại,thời ấy câu “im lặng là vàng” trở thành một châm ngôn…xử thế !

Tôi bước mà như “nhảy”vào nhà,Thắng quay nhìn và nhận ra tôi ngay “A Dương! Ông không thay đổi mấy”.Thắng nói tiếp”mình nhìn là biết liền”.Còn tôi chỉ nói “chúng mình lâu qúa mới gặp lại”.Có người đưa bệnh nhân vào,tôi vội nói với Thắng rằng chuyện tôi thăm là phụ còn chuyện khám bệnh là chính,rằng Thắng cứ làm việc tự nhiên,rồi sẽ nói chuyện sau v.v. Nghe Thắng nói có Võ Đại Lợi từ Mỹ về,tôi thoáng ngạc nhiên và bổng nảy ra ý định họp mặt bạn bè ngay tối hôm đó.Thế là chúng tôi gọi phôn í ới dồn dập và cuộc họp mặt xảy ra trong nhà hàng Paradise,đối diện khách sạn Morin (tức Đại học  Khoa học cũ),nằm cạnh bờ sông Hương,gồm có Nguyễn Thắng,Trần Đình Lập,Tống Văn Xuân,Võ Đại Lợi,Trần Kiêm Kỳ và tôi.Tiếc là Hồ Đắc Tự vừa rời Huế trở về bệnh viện huyện trước đó mấy giờ.Chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm cũ,những bạn bè ai mất ai còn và hiện nay ở đâu.Ngoài ra,khoá 8 không còn ai ngoài các bạn kể trên làm việc ở Huế.Thật sự mà nói,tôi không nhận ra Lợi vì Lợi trông mạnh khỏe và có bề ngoài chải chuốt hơn thời sinh viên.Hình như tóc chưa bạc trong khi Xuân bạc tóc gần hết.Lập vẫn thế,trông không già mấy và vẫn nho nhã như xưa.Thắng đã lấy lại được phong độ cũ.Kỳ có vẻ thay đổi,trước ít nói nay cũng nổ như pháo,nhất là khi Lợi thông báo đã mang về  cả ký Levitra (?).Còn vài bạn khác tôi đã gặp mặt ở Đà Nẵng như Nguyễn Hữu Phùng có phòng mạch ở nhà.Tôi cùng với Phùng đi chơi, tắm biển ở bãi biển được một tạp chí du lịch Mỹ bầu là 1 trong 5 bãi biển nổi tiếng nhất của thế giới ! Đúng hay sai,tôi không biết người ta dựa vào tiêu chuẩn nào nhưng nước xanh trong vắt đến nỗi khi tôi lội ra xa vẫn nhìn thấy những mảnh sò dưới chân mình có hình thù và màu sắc gì.Còn ở Sài Gòn, tôi đã cùng với Trương Đình Liêm,Phan Chánh Ba,Vũ Quốc Vượng họp nhau ở một nhà hàng. Liêm nay về hưu,mở phòng mạch tư,thỉnh thoảng “đằng vân” qua Mỹ thăm 2 cô con gái ở đó.Phải công nhận một điều là nhìn Liêm,bệnh nhân có thể tin tưởng mình sẽ khỏi bệnh.To cao và hồng hào,chỉ tiếc cái miệng hơi méo một chút,nếu “soi” cho kỹ.Ba cũng vừa về hưu,từ Biên Hòa lên SG.có tài xế chở bằng xe riêng như một nhà qúy tộc. Vượng chẳng phong lưu gì hơn mấy bạn kia mà có vẻ già đi nhiều,có lẽ do ảnh hưởng mấy bệnh nhân tâm thần chăng,biết đâu do thường xuyên sợ bị  “khện” bởi người bệnh lên cơn điên vào một ngày…xấu trời nào đó ? Chuyện tôi tìm gặp Vượng ở SG.cũng khá…vất vả.Sau khi được cô y tá cho địa chỉ,tôi hì hục quay xe chạy ngay về nhà Vượng.Mẹ của Vượng ra cửa trả lời là bác sĩ Vượng đang ngủ trưa,tôi xin bà cho gặp vì tôi đi xa tới đây và bà lên lầu...dựng cổ Vượng dậy để cho tôi gặp(!). Đây là một kinh nghiệm”không làm phiền người hàng xóm đang cần sự yên lặng nghỉ ngơi” khi về nước: muốn gặp ai,đừng đi buổi trưa từ 12-2,3 giờ chiều.Còn Lợi lại được Thắng mô tả như một nhân vật trong…tiểu thuyết.Thắng có thể có lý do để cưòng điệu như thế nhưng tôi bật mí ngay giữa bàn tiệc là mình từng sống gần 10 năm không một mảnh giấy tờ hợp pháp ở SG:.chuyện khó tin nhưng có thật !.Tuy nhiên nghe Lợi kể chuyện,tôi cũng phần nào ngầm đồng ý với Thắng.Đó là chuyện đàn anh ĐVQ.tố cáo Lợi là CIA nghe cũng thật ngô nghê và buồn cười mà cũng có cán bộ tin ! Thắng vốn là người kín đáo cũng đã vui miệng tiết lộ một “bí mật nhà nước” mà từ lâu chúng tôi không hề biết là Thắng gốc người Nam Định chứ không phải Quảng Trị.Nghe vậy,tôi mới hỏi là có bà con “râu ria” gì với ông Trường Chinh không mà Thắng trông giống ông chủ tịch này qúa! Giống thật chứ chẳng chơi ? Từ gương mặt cho đến chiều cao có phần khiêm tốn như nhau! (Thắng có hỏi tôi địa chỉ e-mail một anh bạn gốc Quảng Trị là Lê Cảnh Luận,vốn cùng khóa 8 . Nếu Luận có đọc bài này,cho tôi biết địa chỉ để tiện liên lạc).

Sau cuộc họp mặt vào buổi tối hôm ấy,tôi tạm biệt luôn các bạn vì có chút việc riêng trước khi về lại Đà Nẵng.Tôi đi thăm bà chị đang làm Bề Trên một dòng nữ tu ở Phú Cam và đồng thời thăm một vài người đẹp mà tôi từng quen biết ở đó. Khách sạn VN. bây giờ có cái tiện lợi là cho thuê xe gắn máy nên tôi xử dụng loại xe này để chạy lung tung khắp Huế,từ 6 giờ sáng cho đến trưa.Tôi chạy về hướng Gia Hội tìm gặp Nguyễn Văn Thông,có liên lạc qua e-mail trước đó và hai đứa lên Nam Giao uống cà phê vườn vào sáng sớm.Tôi chạy qua các dòng tu ở Phú Xuân,dọc theo sông Hương lên đến tận Chùa Thiên Mụ.Tôi chạy vào Kim Long thăm lại ngôi trường tiểu học tôi đã học thời niên thiếu.Huế nay nhiều cây xanh hơn thời trước cũng phải vì một số khu vực có dân cư bị giải tỏa như những xóm chạy dài từ đầu cầu Bạch Hổ lên tận Chùa Thiên Mụ trước 1975 (tôi có chụp hình trong chuyến đi này).Tôi định đến nhà Kỳ bên Quốc Lộ 1 ở An Hòa nhưng khó định vị nổi ngôi nhà Kỳ tôi từng đến chơi mấy lần vì cảnh vật nay đổi khác rất nhiều.Cũng thật tình cờ,tôi ghé thăm Đại học Y khoa Huế sau khi ngừng xe trên đường Ngô Quyền,trước cổng trường nhìn vào.Trong bài thơ ”Trường cũ Huế xưa”,tôi có câu mở đầu như sau :

Trở về Huế-của-tháng-ngày-xa-cách
Tôi ghé thăm trường cũ cũng bất ngờ
Như áng mây bay phất phơ tình cờ
Chân mình bước chẳng ai xô đẩy tới !

……………
Tuy nhiên,chuyến tàu trưa này sẽ đưa tôi vào lại ĐN.Tôi không còn thì giờ bao nhiêu.Giã từ Huế với nhiều kỷ niệm thân thương của một thời thơ mộng !  Một chuyến đi tuy ngắn ngủi và thật vội vàng nhưng cũng đủ làm lòng tôi dịu lại trong hai ngày nắng hè oi bức của miền Trung “xứ dân gầy”,một vùng “đất cày lên sỏi đá” đang chập chững đi vào vận hội mới: hoà nhập với thế giới hôm nay (?) !

Phạm Đình Dương.
Huế tháng 5/07.

Gửi lại dấu chân trên sân trường đỏ nắng
thở hít gió trời tìm thử chút hương đưa
phượng vào hè chưa thấy nở nhiều hoa
tôi lặng lẽ chào các em quay gót !

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved