Nguyễn Văn Tự
Sau ngày họp Tân Niên của HAHYKH tại nhà BS Nam, BS Chánh đưa nhà tôi và tôi thăm vùng biển đẹp của Cali. Trong gió chiều lộng thổi, tôi không ngờ lại có ngày hôm nay, đứng lặng nhìn nắng đẹp trãi dài trên sườn đồi có nước xanh bao quanh.
Theo yêu cầu của Chánh và với sự góp ý của nhà tôi, tôi hứa sẽ cố gắng viết bài cho Tập San sắp đến đánh dấu một khoảng thời gian của HAHYKH Hải Ngoại.
Tôi không biết viết gì hơn ngoài ghi lại đây những gì còn nhớ của một quãng đời đã qua. Hai mươi hai năm trước, gia đình tôi đến Norwood, cách Boston khoảng 15 miles trong một đêm đầu xuân, sau một chuyến bay dài từ Thái Lan theo chương trìng ‘ODP” do em gái nhà tôi bảo lãnh. Ở tuổi đời đã 48 và trước bao nhiêu yếu tố mgoài tầm tay, tôi có nhiều lo lắng khi nghỉ đến tìm cách nuôi sống gia đình, ổn định việc học hành cho con cái và sửa soạn thi cử mong trở lại được với nghành nghề trước đây. Thế rồi nhà tôi và tôi đều nhanh chóng kiếm được việc làm gần nhà. Hai con lớn được nhận vào ĐH Boston, hai con nhỏ học tại trường địa phương. Để có quyệt tâm hăng say trong chuyện học thi hằng ngày, tôi phải tự tạo một niềm tin, niềm tin rằng “tương lai tùy thuộc vào những gì đạt được trong hiện tại và là sở hữu của những ai biết sửa soạn cho tương lai”. Tôi luôn luôn tin tưởng “cùng tắc tấc biến” và “tuyệt xứ phùng sinh”.
Sự học hành đã được thúc đẩy nhờ những giúp đở tinh thần và tài liệu y khoa từ các đồng nghiệp đến xứ nầy trước tôi, nhất là thư thăm, hỏi của GS Lê Thanh Minh Châu, nguyên Viện Trưởng viện ĐH Huế, gợi ý tiếp xúc với BS Đinh Văn Tùng. Trong thời gian vừa làm vừa học ở Norwood, tôi đã hoàn tất kỳ thi FMGMS để lấy bằng tương đương. Sau đó gia đình tôi chuyển về Boston để tiện việc học hành cho các con chúng tôi ở ĐH. Tại Boston, tôi được nhận làm giáo sư môn Sciences tại trường Brighton HS. Trong khi vừa dạy vừa học tôi đã hoàn tất kỳ thi “FLEX” tại Florida, một kỳ thi duy nhất dành cho những BS ngoại quốc đã hành nghề tại quê nhà trên 10 năm và được hai BS đang hành nghề tại Florida xác nhận. Đây là một thời cơ thuận lợi mà tôi đã quyết tâm nắm lấy và quyết tâm thành công.
Vào khoảng thời gian ấy, anh Đinh Văn Tùng đến Boston cùng với một số giáo sư thuộc ĐHYK Texas tại Galveston để tham dự khóa họp chuyên ngành. Qua sự gợi ý của anh Tùng, tôi đã gặp phái đoàn ĐH tại khách sạn và trình bày sơ qua quá trình sinh hoạt trong y nghiệp của tôi. Một thời gian sau đó, tôi được chính thức chấp nhận đến Galveston để được interview với các GS trưởng ngành và phụ trách chương trình đào tạo chuyên khoa. Cuối cùng Hội Đồng Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ đã chấp nhận tôi vào Residency program tại University of Texas Medical Branch (UTMB) at Galveston.
Nhận được tin vui trở lại con đường y học, tôi xin nghỉ dạy tại Brigton HS và cùng nhà tôi về Galveston. Trên đường đi chúng tôi được anh Bữu Châu đón ở một nơi gần xa lộ I 10 và đưa về nhà nghỉ qua đêm. Không khí gia đình và sự ân cần đón tiếp của gia đình Bửu Châu & Hạnh Phước đã cho tôi một lắng dịu nào đó trong niềm lo âu và một sự nâng cao tinh thần trong quyết chí đầy thử thách. Ngày hôm sau chúng tôi đi Galveston. Đến Galveston, chúng tôi được anh chị Tùng niềm nở đón chào. Ngày dọn vào căn nhà mới thuê, tôi xúc động nghe những cầu chúc may mắn của anh chị khi muốn tôi dùng chiếc giường “kỷ niệm” mà GS Dillard đã tặng cho anh chị khi anh chị khởi đầu lại y nghiệp tại Galveston. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở cho tôi, nhà tôi lại bay về Boston để chăm sóc các con và tiếp tục làm việc tại trường học. Ngày tiễn nhà tôi vào airport, tôi cảm thấy buồn thấm thía và trên đường trở lại vùng biển cả Galveston, tôi cảm thấy quá cô đơn vì “nghìn trùng xa cách” đúng như Lamartine đã viết “un seul être vous manque et tout est dépeuplé”.
Tôi tìm cách vượt thắng những cảm nghỉ u hoài thương tiếc bằng tư tưởng “ngày về không xa”. Điều đáng ngại nhất là những cảm giác buồn chán lo ngại khó khăn bắt gặp mỗi một khi thức dậy sáng sớm để sửa soạn đi vào bệnh viện. Tôi đã cố gắng vượt qua bằng tập thể dục ngay khi vừa mới thức dậy và luôn luôn sống trong hy vọng với niềm tin cố hửu rằng “a new day is always a better one”. Những ngày cuối tuần, nổi nhớ thương vợ con thường trở nên ray rứt mỗi khi “buồn trông cửa bể chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” và buồn viễn xứ cũng được phôi pha phần nào khi có bạn bè xa gần đến thăm hoặc mời ăn uống. Trong những độ nghỉ hè hay nghỉ lễ dài ngày, nhà tôi và các con có về thăm. Những lần thăm viếng đó tuy mang lại những ngày vui đẹp, nhưng lại chỉ làm tăng thêm nổi nhớ thương khi lại xa cách.
Sau ba năm làm việc tại UTMB ở Galveston, tôi được nhận làm Chief Resident tại the University of Texas Health Science Center (UTHSC) tại Houston. Tôi đã đạt nhiều thành công trong điều trị và nghiên cứu. Tôi đã có dịp trình bày kết quả nghiên cứu nhân dịp Đại Hội Sản Phụ Khoa tại Tulsa, Oklahoma. Và tại đây tôi gặp lại anh Tùng và một số GS của UTMB. Cuối năm, ngày mãn khóa đào tạo chuyên khoa, tôi được công nhận là một “outstanding chief resident”. Trong buổi lễ, ngoài bằng khen thưởng, tôi nhận chiếc ghế danh dự kỹ niệm có ghi khắc the UTHSC at Houston. Riêng nhà tôi được trao tặng hoa, hiện kim và bằng khen “UXOR MEDICI” vì có công giúp chồng nuôi con.
Rời Houston sau khi tốt nghiệp, tôi về lại Boston làm việc tại Brigham and Women’s hospital, một teaching hospital của ĐHYK Harvard và thuộc vào nhóm chuyên khoa Harvard Vanguard Medical Associates. Tôi được nhận vào Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (FACOG) một năm sau khi trở thành diplomate of ABOG (American Board of Obstetrics & Gynecology). Thời gian làm việc ở Boston tôi nhận “Diamond Award” vì thành quả điều trị và trong teaching tôi được mang danh hiệu “Daniel D. Fedeman Outstanding Clinical Educator” do các BS tốt nghiệp năm 2000 của ĐHYK Harvard trao tặng.
Cũng trong thời gian trên tôi đã có dịp gặp lại những đồng nghiệp, thuộc YK Saigon và YK Huế tại các Đại Hội Y Sĩ Thế Giới ở Canada, Pháp, Mỹ và Úc. Mỗi lấn gặp gỡ là mỗi lần vui vẻ chuyện trò nhắc lại kỷ niệm xưa, là mỗi lần quyến luyến khi chia tay giả từ. Ngoài những ngày vui ấy, tôi không quên những thời gian đau xót khi được tin những đồng nghiệp ra đi vĩnh viễn: Trần Quang Hân, Đinh Văn Tùng, Tạ Quang Hát, Nguyễn Khoa Nam Anh và Bửu Châu. Riêng đối với anh Tùng, nhà tôi và tôi đã trở về Galveston ở tại khách sạn Flagship để đến thăm anh hằng ngày trong một tuần. Giờ đây mỗi lần nhắc lại quãng đời đã qua, những ngày vui buồn chỉ còn là những kỷ niệm và “thạnh suy” cũng chỉ là “cỏ hạt sương đồng” (thạnh suy như lộ thảo đầu phô). Soát xét lại những gì đã đến cho tôi, tôi thường nhắc nhở với bạn bè và gia đình rằng tài sức của mình chỉ là “yếu tố thuận lợi”(facteur prédisposant), còn cơ may, hay duyên lành mới là “yếu tố quyết định” (facteur determinant) trong mọi thành quả.
Dẫu biết rằng “thân như bóng, chớp có rồi không” (thân như điển ảnh, hửu hoàn vô) trong cuộc sống đầy vô thường nầy, tôi không khỏi ngậm ngùi tiếc thương mỗi khi nghỉ đến những người thân thương đã cùng tôi sinh hoạt dưới mái trường YK Huế một thủa nào và đã để lại trong cuộc đời tôi những dấu ấn khó phôi pha. |