MỘT VÀI CHUYỆN VUI Ở VỚI CS

 
 

 

Lê Bá Vận

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ hòa, chữ Cọng khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy làm đau đớn lòng.
Tân Đoạn Trường Tân Thanh

Sau năm 75, kẹt ở lại với Cọng Sản, ai chẳng đau lòng. Song nếu tạo được một triết lý mới để sống còn, thì cũng có những mẫu chuyện vui nhỏ.

      ĐHYK Huế xóa tên
Giữa tháng 5/75, nhân viên ban giảng huấn ĐHYK Huế còn kẹt lại ở Sàigòn sau khi hoàn tất thủ tục trình diện ở Viện ĐH Sàigòn, được cấp giấy đi đường để trở về nhiệm sở cũ. Tất cả nay thuộc diện Ngụy quân, Ngụy quyền và trong hồ sơ cách mạng có mã số diện 01, 02 gì đó. Chúng tôi thuê xe đò cùng gia đình lếch thếch trở về Huế. Một số ít vẫn ở lại Sàigòn. Về đến Huế là rã đám, sẩy đàn tan tác nghé. Từ nay gặp nhau không hỏi han, chỉ mỉm cười gật đầu nhẹ. “Gặp thời thế thế thời phải thế”.Có thân phải tự lo, đừng láng cháng gây nghi ngờ mà mắc họa. Về nhà, hôm sau tự động đến trình diện ban Lãnh đạo mới tạm thời, được gọi là ban  điều hành trường Y Huế. Thế là danh xưng ĐHYK Huế đã là dĩ vãng. Từ nay là ĐHY Huế, gọi tắt là Trường Y Huế. Gọi mãi cũng quen miệng. Vì không còn danh xưng Trường Y Khoa, nên cũng không còn danh xưng Khoa Trưởng, mà rồi đây khi Trường ổn định sẽ có một Hiệu Trưởng- Hiệu Trưởng trường ĐH Y Huế. Toàn trường gồm các cán bộ công nhân viên, nhân viên ban giảng huấn được gọi chung là cán bộ giảng. Phòng nhân viên được gọi là phòng tổ chức cán bộ, quyền hành rất lớn; phòng tài chánh là giáo tài; phòng học vụ đổi tên là giáo vụ. Khoa được đổi tên là bộ môn và các chủ nhiệm bộ môn: Nội, Ngoại…tương đương với chủ nhiệm khoa nội, khoa ngoại…ở bệnh viện. Lâu dần cũng quen với các danh xưng mới. Toàn trường nay đông người hơn với các bộ môn mới: Mác Lê, Xã Hội, Sinh ngữ, ban Công An trường và Sinh viên 2 hệ Chính quy, Chuyên tu tại chức.
Viện ĐH Huế lại có một số phận hẩm hiu. Trong thời quá độ, có một ban điều hành viện. Sau ít năm, viện giải thể; trường Y không còn thuộc bộ Giáo Dục mà trực thuộc bộ Y Tế quản lý. Các trường ĐH khác thì trả về bộ sở quan của  mình để đảm bảo chỉ tiêu đào tạo cán bộ.

     Thử thách đầu tiên
Làm xong thủ tục trình diện ở trường, như một đám hàng thần lơ láo, mọi người trở về nhà, ngóng chờ giấy gọi lại đi làm, nếu có. Bằng không sẽ có tai họa lớn. Bản thân có thể bị gọi học tập cải tạo, con cái khó học lên đến ĐH. Nhẹ hơn là đi lao động sản xuất ở vùng đồi núi, kinh tế mới Nhưng mọi việc đều tốt lành. BS LVB được giữ lại chức vụ cũ nay gọi là phó ban điều hành Trường Y, BS ĐVQ được cử làm ủy viên ban Điều hành. Các  người khác là cán bộ giảng.
Trong khi mọi người đều đã nhận việc thì tôi vẫn ở nhà. Tôi đã từ chối không qua Khoa Ngoại ở Bệnh Viện Huế với lý do không đúng chuyên môn- Tôi nguyên là Trưởng khoa Mắt. Không phải là tôi khó khăn và không hiểu biết khoa Ngoại đang thiếu BS, song về khía cạnh khoa học, giảng dạy, tôi muốn CS đánh giá cao ĐHYK Huế: Một ông Khoa Trưởng trọng chuyên môn tất kèm theo một ĐHYK tốt, và ngược lại. Hơn tuần sau có giấy gọi tôi đi làm lại ở Khoa Mắt..
Một vấn đề khác gây phiền phức cho tôi là chiếc xe hơi Mazda mới của Trường. Tôi cùng tài xế đem xe di tản vào Đà Nẳng. Chỉ hôm sau đường bộ Huế- ĐN bị cắt đứt, dân chúng phải chạy ra cửa Thuận An để di tản. Chết cũng nhiều. Chiếc Mazda được để lại tại văn phòng đại diện Viện ĐH Huế. Tôi thì dùng xe hơi riêng. Lúc tôi ờ Sàigòn trở lại Trường, ban điều hành Trường cứ phàn nàn về sự mất mát chiếc xe Mazda và như hàm ý tôi chịu trách nhiệm đã không bảo quản tốt và có thể đền xe. Song không lâu, Trường phát hiện xe đó đang được UB Nhân Dân ĐN xữ dụng ngon lành. Huế, Đà Nẳng là hai giang sơn khác biệt. Có đòi mà không có trả. Luật lệ CS là vậy. Đành xếp hồ sơ, coi như đưa xe vô nội.

      Vỡ lòng chính trị
      Đầu tháng 6/75, địa phương tổ chức suốt mỗi tối trong một tuần lễ, từ 8 giờ đến khuya cho nhân dân trong phường. Tôi đã dự học, cùng đồng bào, ngồi xổm trong sân rộng ở nhà góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ, sau nầy là nhà BS HTChâu. Đó là lần đầu tiên tôi được vỡ lòng chính trị CS. Cán bộ địa phương lên lớp theo bài bản và hấp dẫn: nào là ở nước ta nhân dân tự do đi lại, có nghĩa khi có nhu cầu chính đáng, thăm viếng, chữa bệnh, thì có quyền nộp đơn xin đi lại lên ủy ban địa phương- Nào là quyền tự do bầu cử, ứng cử. Người ứng cử có quyền nộp đơn. Địa phương gồm chính quyền, Mặt Trận Tổ Quốc, đoàn Thanh Niên CS, đoàn phụ nữ…họp xét để loại các thành phần xấu, gây rối, lý lịch không rõ ràng, rồi chuyển đơn lên ban bầu cử. Nào là ở nước ta, Nhân Dân làm chủ, nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo. Qua các lớp chính trị ấy, nhân dân giác ngộ và tỉnh ngộ nhiều cũng như quán triệt đường lối chủ trương của Đảng và Bác và trách nhiệm làm chủ của mình một cách đúng đắn.
Sau khi học xong các khoá hè chính trị về Duy Vật biện chứng và kinh tế Mác –Lê do viện ĐH tổ chức cho cán bộ giảng ngụy, và giảng viên cao cấp từ Hà Nội vào, tôi cảm thấy rất vững về lý luận chính trị Mác-Lê. Vấn đề khúc mắc Nhân Dân làm chủ cũng dễ giải thích thôi, chẳng hạn: Nhân Dân làm chủ, phải hiểu là nhân dân lao động mới làm chủ, lại phải là nhân dân lao động tập thể, lại phải là NDLĐ tập thể XHCN, rồi phải là công nhân tập thể tiên tiến XHCN vì công nhân là giới trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, đương nhiên làm chủ. Chưa đủ, phải là thành phần ưu tú nhất của CN tập thể XHCN, đã giác ngộ Cách mạng và qua thử thách để được chọn kết nạp vào đảng CS để lãnh đạo. Đảng CS là đội tiền phong của giai cấp công nhân, không do dân bầu ra (Tần Thủy Hoàng cũng thế thôi!) song đại diện cho tất cả và là cái quyền thứ tư, tối thượng, trong một nước CS để lãnh đạo 3 quyền kia: LP, HP và Tư Pháp, mà đảng viên CS nắm tất cả các chức vụ đầu não. Có vẻ muốn nhân dân làm chủ thực sự, phải ban cho họ đầy đủ 3 quyền: quyền bầu cử dù bầu một quốc hội vô quyền, quyền phát biểu là khắc tinh của độc tài tham nhũng, quyền bất đồng ý kiến, là khắc tinh của độc tôn.

     Các BS CS thành thật
     Năm đầu sau biến cố 75, Khoa Mắt và TMH sinh hoạt chung. Một Y Sĩ gây mê, đảng viên CS, làm chủ nhiệm khoa (y sĩ miền Bắc tương đương cán sự y tế miền Nam). Còn có một BS lớn tuổi, rất chất phác, làm TMH. Họ đều rất lễ độ với tôi. Có hôm tôi chỉ cho ông BS giấy xét nghiệm máu của bệnh nhân có b/cầu 12,000/mm3, ông ta ngơ ngác thú thật không hiểu bạch cầu là gì, và 12,000/mm3 là gì. Năm 92, ở Sàigòn, một BS mắt, chức vụ và cấp đảng cao, có đi tu nghiệp về mắt ở Pháp, mới về lại, đã thành thực nói với tôi “nghe anh nói võng mô (retina) có 10 lớp, tôi thật chẳng biết, không hiểu ở sách nào?”Các ông BS trên thành thực đối với tôi, song chưa chắc đối vớí các đồng nghiệp khác. Tôi thông cảm: miền Bắc chiến tranh kéo dài, nhu cầu đào tạo cán bộ y tế cao cho nhân dân và chiến trường. Công nhân , nông dân (là đồng minh tự nhiên của công nhân) ít học nhưng là đảng viên, hoặc đối tượng đảng được tuyển chọn làm hộ lý (tức là y công miền Nam), rồi lên phụ y tá, bổ túc văn hóa đọc viết lên làm y tá, bổ túc thêm một ít văn hóa và cứu thương lên y sĩ, một số y sĩ học chuyên tu tại chức ít năm rồi thành BS theo nhu cầu thời cuộc; họ ít học, không đọc sách chỉ nghề dạy nghề. Tất nhiên các sinh viên y hệ chính quy  nếu là từ học sinh xuất sắc ở Trung Học trúng tuyển trường Y thì giỏi hơn nhiều. Song chỉ là thiểu số. Các con em Huế, hoặc bất kỳ ở đâu trong nước, nếu trúng tuyển trường Y nhờ điểm cao chứ không phải gian lận thi cử hoặc được nâng đỡ hạ nhiều mức thang điểm theo diện chính sách: thương binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng…thì nhất định là xuất sắc, nhất là nếu trau dồi thêm ngoại ngữ để tham khảo sách báo y. Nhân dân VN luôn thừa thông minh và chịu khó. Vấn đề là phương pháp tuyển chọn và đào tạo.

      Ban Đời sống- Phiếu C
Tiêu chuẩn lương thực. Mỗi buổi sáng ở khoa, trước khi bắt tay làm chuyên môn, thường dành nửa giờ để giao ban, có khi kéo dài quá một tiếng, để báo cáo tình hình bệnh nhân trong khoa, phổ biến chính sách, phát động hoặc tổng kết các phong trào thi đua, bình bầu các danh hiệu “lao động tiên tiến”, “chiến sĩ thi đua”. Nhưng náo nhiệt hơn cả là lúc ban đời sống báo cáo các mặt hàng đã được phân phối kỳ nầy: 3 vỏ xe đạp, 3 sợi xích xe đạp, 4 bánh xà phòng răng, 4 bàn chải răng, 10 bao thuốc lá, 4 mét vải sơmi…được chia công bằng từ hộ lý lên chủ nhiệm khoa là tôi. Kẻ tranh món này, người giành món khác, xem ra ai cũng có nhu cầu cao. Nhưng phải nhường nhịn nhau theo tinh thần XHCN, mọi người vì mình, mình vì mọi người. Nếu rõ ràng xe đạp anh chị vỏ mòn nhiều sắp thủng thì khoa dành cho anh chị mua vỏ xe lần này. Nếu anh ghiền nặng thì khoa dành thêm tiêu chuẩn thuốc lá, mà ai cũng ưa dù không hút vì có thể đem bán ở chợ, để nâng cao đời sống, khắc phục khó khăn. Tôi ngồi nghe cũng thấy vui tai và thấy thương mến Khoa nhiều hơn.
Ở bộ môn cũng vậy. Một hôm một công nhân viên đến gặp tôi và trình bày “Trường được phân phối mặt hàng đặc biệt; cứ hai người được mua chung hơn một mét vải để may một quần tây. Thôi BS đừng bắt thăm, em chưa có quần tây. BS nhường cho em kỳ này lần sau đến phiên BS lấy vải”. Tôi vui vẻ đồng ý, tôi đã có vài ba quần tây, và hiểu kỳ sau sẽ là mặt hàng khác và tôi và ông ấy sẽ không có dịp ghép chung nữa. Một mặt khác có thể giúp ông ấy nâng cao đời sống: ra chợ bán hoặc
đổi bù thứ vải kém chất lượng để may quần. Quả đúng như vậy. Thời gian qua thấm thoát, tôi được nâng lương, đủ mức để có tiêu chuẩn được cấp
phiếu C về lương thực. Lúc ấy toàn trường Y chỉ có hai (gồm cả tôi) hoặc ba người là có phiếu C về lương thực. Quá phấn khởi, có phiếu C thì mua thêm hang ở cửa hàng C chỉ dành cho cán bộ có từ phiếu C trở lên (C, B, và A). Có phiếu C thì có được mua thêm với giá cung cấp 2 chai bia, 1 lon sửa đặc, nửa ký thịt, 5 gói thuốc lá và linh tinh khác mỗi tháng. Tuy phấn khởi nhưng đến lúc đó mới biết chẳng lợi lộc gì mà còn mất thì giờ chờ chực, đến mà hàng chưa về kịp. Có người bảo phải quen thân với cán bộ công nhân viên cửa hàng mới thuận lợi. Nhà tôi không ai uống rượu, hút thuốc, lại neo người, nên sau đó cũng không có dịp dùng phiếu C. Có nhu cầu ra chợ mua có liền, như nhân dân bình thường hoặc như các cán bộ khác chưa có phiếu C.

            Tôi học thêm tiếng Nga
            Trường tổ chức nội bộ dạy tiếng Nga cho cán bộ giảng ngụy. Tôi biết rỏ, không trau dồi cập nhật kiến thức chuyên môn thì làm sao giảng dạy có chất lượng! Hiện nay ở thư viện trường các sách giáo khoa tạp chí Pháp Anh đều cũ. Song về tiếng Nga thì hàng tháng về đầy đủ cập nhật sách giáo khoa và tạp chí đủ bộ môn. Cho nên động lực học tiếng Nga của tôi rất mạnh và tôi thành công nhanh chóng trong khi các anh em khác chỉ học lơ là chiếu lệ. Điều bất ngờ là ban Lãnh đạo trường biết chuyện này rất hài lòng và suy diễn: thì ra anh ấy đâu có tư tưởng chống Liên Xô, chống Cách Mạng! và liền đưa tôi vào biên chế chính thức của trường, một điều mà tôi chẳng quan tâm đến quá mức. Xem ra người ta cố tìm hiểu thái độ của tôi từ đầu. Ngay ngày đầu trở về Huế, tôi đã tâm nguyện giữ uy tín cho ĐHYK Huế, phô bày tính vượt trội của trường. Anh em trong ban giảng huấn cũ còn tùy tiện du di, riêng tôi là con chim đầu đàn cũ “quan trên trông xuống, người ta trông vào” tôi rất tự trọng, nhã nhặn, khiêm tốn nhưng  không hạ mình, tránh phát biểu đề cao chế độ, hoan hô Cách Mạng, ca tụng cá nhân. Trong các bài thâu hoạch viết nộp trường sau học tập chính trị, tôi không có những câu “Muôn vàn cám ơn CM đã đổi đời cho tôi, đem tôi từ chổ tối ra sáng, làm cuộc sống của tôi có tinh thần, có ý nghĩa..”Các câu sáo ngữ tương tự luôn có trong các bài thu hoạch được giảng viên hoặc tự tác giả đem đọc nghe chung. Viết ra như thế, mỗi người đều có lý do riêng, song phần lớn là muốn được yên thân, hoặc cố ý đánh lạc hướng chú ý của CS để tìm cơ hội tẩu thoát sau này. Riêng tôi, tôi viết ca tụng các thành tựu khoa học kỹ thuật của nhân loại (không phải của Liên Xô theo bài bản) chứng minh bằng những điều tai nghe mắt thấy trong thời gian tôi ra nước ngoài du học (lúc biến cố Mậu Thân tôi đang học ở Mỹ) hoặc công du (thời kỳ tôi làm khoa trưởng). Và tôi ước nguyện VN sớm đạt các thành quả tương tự, bắt kịp thế giới. Năm 85 lúc tôi từ giả Huế vào Nam, BS VHT, người Quảng trong Ban Lãnh Đạo trường, nói riêng với tôi “anh là người duy nhất tôi kính phục trong bạn bè”. Lời nói đó là thực, song không hiểu BS VHT thành thật được mấy phần. Cũng không có lý do gì để ông ta xả giao đưa đẩy.
     Về phần khác, từ năm 80, các con tôi cũng tấp tểnh xin thi vào ĐHY Huế. Nếu trượt thì thật bẻ mặt. Thí sinh rất đông, song chúng trúng tuyển nhất nhì gì đó; được gọi đi Liên Sô học Y, song xin học tại Huế. Về sau, từ Sàigòn chúng vượt biển qua được Thái Lan.

      Dự họp Tỉnh Ủy-
      Một ngày nọ tôi nhận được công văn Tỉnh ủy (ủy ban chấp hành đảng CS tỉnh Bình Trị Thiên) mời dự họp tại trụ sở tỉnh ủy ở Tam Tòa, Thành Nội. Đến nơi:thấy tất cả ngồi xung quanh một bàn dài trong phòng họp. Không thấy ai quen! Chương trình họp là các thế mạnh của BTT. Tuy là họp kinh tế song các phát biểu đặc mùi chính trị. Nói chung BTT có sáu bảy thế mạnh gì đó, đủ yếu tố thiên địa nhân, nhân dân cần cù sáng tạo, đã được rèn luyện trong chiến tranh; địa hình thuận lợi, bờ biển dài, ngư nghiệp mạnh, núi rừng bao la rồi rào gỗ quý, khoáng sản sắt kẻm đá vôi…tiềm năng khai thác rất lớn, kỷ nghệ phát triển: nhà vôi, lò máy bia, nước đá…tiểu công nghệ đa dạng; mưa gió thuận hòa cho nông nghiệp…thành phố Huế lại là một trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc tế; BTT nằm trên trục giao thông Bắc Nam, và từ Lào xuống. Tất cả đều rất thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Tôi cũng phát biểu Huế không phải thành phố du lịch tuy có các địa điểm du lịch. Đà Nẳng có thể là thành phố du lịch, mặc dù có ít thắng cảnh nhưng có hạ tầng cơ sở và biết khai thác các địa điểm du lịch của Huế. Tôi lại nêu lên một thế mạnh khác là BTT hợp tỉnh. Mấy ông Tỉnh ủy ngán quá. BTT hợp tỉnh đang được xem là một thế yếu, bất lợi cho phát triển kinh tế. Ban đầu Trung Ương cho hợp tỉnh, tưởng sẽ giàu thêm, không ngờ ba anh nghèo họp lại càng nghèo: quản lý phức tạp, đường sá xa xôi, nội bộ lủng củng. Các ông đang hoàng chỉnh dự án rã tỉnh, ai về nhà nấy. Song vì tôi phát biểu theo bài bản nên chẳng ai chống đối. Kể ra thì tôi có lý “Ba cây họp lại nên hòn núi cao”. Không nên hòn núi cao vì lỗi các ông quản lý chưa tốt, làm ăn chưa giỏi, hạch toán kinh tế chưa thông. Song cũng không tiện tranh luận thêm. Mấy hôm sau khi tôi báo cáo cho trường thì được cho biết Viện ĐH và Trường đã đề cử tôi đi họp buổi đó với tư cách đại diện trí thức miền Nam. Chỉ một lần dự họp đó thôi. Về sau chắc Tỉnh ủy mời người khác.

    Tôi đi Hà Nội họp nghành
     Ban giám đốc Bệnh Viện Huế thường bảo tôi “anh nên tranh thủ đi Hà Nội và Viện Mắt một chuyến”. Tôi chẳng ham vì đã ở Hà Nội nhiều năm, học Y Khoa ngoài đó, nên biết Hà Nội nhiều. Tuy nhiên, khoảng năm 80-81 tôi và BS LVMẫn đáp xe lửa ra Hà Nội dự họp nghành Mắt. Đến ga Hà Nội đã 10 giờ tối. Trời rét và gió. Hai thầy trò vào ngay một khách sạn ba tầng trước mặt ga và được dẫn vào một phòng rộng cùng chung vơí ba bốn người khác đang nằm nghỉ. BS Mẫn yêu cầu KS dành cho tôi một phòng riêng nếu có. Tôi được dắt lên một phòng nhỏ ở lầu ba, có kê một giường, một bàn có ghế và một tủ nhỏ. Nhân viên KS dặn bảo “phòng vệ sinh chung cho cả lầu ba, bước ra hiên đi dọc hành lang là đến. Tuy nhiên đóng cửa, ống nước nghẹt chưa sửa, không có nước dội cầu nên còn rất bẩn. Có nhu cầu thì xuống lầu trệt, tạm dùng phòng vệ sinh ở đấy, khá hơn. Riêng đi tiểu thì ở bô đặt ở góc phòng, cạnh tủ”.Tôi đã thấy ngại, trả phòng, xuống lại phòng lớn, dưới lầu. BS Mẫn nữa đêm điện thoại đến Viện Mắt và chúng tôi đi xích lô đến đấy. Ở Viện có một phòng nhỏ nhà trệt cho hai thầy trò. Tạm sạch sẽ, song cũng phải bước ra sân một quảng ngắn đến nhà vệ sinh. Rồi phải đi rón rén tránh các chổ bẩn nếu muốn xử dụng cầu. Thiếu nước nên không thể dội cầu thật sạch. Đành vậy. Các hình ảnh ấy tôi vẫn còn nhớ mãi và ngậm ngùi: nhân dân VN ở miền Bắc còn nhiều khó khăn thật. Song tôi cũng không chê bai oán trách gì về chính trị. Sau nhiều năm chiến tranh kéo dài, thiếu thốn là lẽ đương nhiên không thể khắc phục một sớm một chiều. Song thêm vài chục năm nữa mà tình trạng trên còn tồn tại thì không thể chấp nhận và quy được trách nhiệm.
Trở về Huế, BS VHT đảng ủy viên ở trường hỏi tôi: anh ra Hà Nội có ghé thăm lăng Bác chưa?”Tôi thành thật trả lời định đi song về sau không có thì giờ. BS VHT nghiêm nét mặt “chổ anh em, tôi khuyên anh, ai hỏi đừng trả lời thế, không có lợi. Cán bộ đi công tác Hà Nội, bổn phận trước tiên là đến thăm lăng Bác”. Đấy là một trong năm lần tôi đụng độ bác Hồ. Về sau nầy, lúc công tác ở Sàigòn. Tôi còn đi với cả phái đoàn Trung Tâm Mắt TP. HCM ra Hà Nội thêm vài lần, song không hề nghe ai trong đoàn nhắc nhở đi thăm lăng Bác. Xem như đã đi rồi chăng!

    Tôi đi Sàigòn- BV Biên Hòa đóng cửa
Dần dà nhiều người trong ban giảng huấn cũ bằng cách này cách khác đã rời Huế vào Nam. Cuối năm 83, tôi cũng vào Sàigòn để xem tình thế. Anh LNDưỡng, một nhân viên văn phòng cũ BV Huế mách bảo “đến BV Biên Hòa, có nhiều BS YK Huế lắm, BS Tứ, BS Lộ…Sáng hôm sau anh Dưỡng chở Honda tôi đi Biên Hòa, đi đột xuất không thông báo trước. BS PXTứ cùng anh em khác quá mừng rỡ kêu nhau ra chào đón thầy, và nhờ nhân viên đi tìm gọi các BS chưa có mặt lúc đó. BS Tứ hân hoan tuyên bố “bọn em nghỉ khám nghỉ mổ, đóng cửa BV hôm nay, để ra nhà hàng liên hoan gặp mặt mừng thầy”.Thấy tôi còn thắc mắc BS Tứ giải thích “ở đây BS toàn là tụi em, nay đi với thầy ra ngoài tất nhiên là BV đớng cửa nghỉ”. Thầy trò ăn uống đến xế trưa, nhiều người hiến kế nói chung chuyển công tác về các BV tỉnh thì dễ, BV Biên Hòa thì lại gần Sàigòn, nhưng từ trước đến nay chưa BS nào ở Huế được chính thức chuyển vào Sàigòn.
Sáng hôm sau tôi một mình cũng đột xuất đến BV Chợ Quán là nơi có nhiều BSYK Huế công tác: BS B.Hàm, HĐ. Duy, ĐS. Thắng…Thầy trò tụ họp đông đủ, vui vẻ, song không ra nhà hàng liên hoan, chỉ dùng thức giải khát của căntin của BV. BS ĐS Thắng, có bộ râu mũi như Saddam Hussein, và trước đó do tôi bảo trợ luận án tốt nghiệp, tuyên bố “nếu Thầy muốn vào Sàgòn mà gặp em là coi như trúng tủ, mà không tốn kém gì cả”. BS Thắng nói tiếp “Chủ nhật em và thầy Hùng (Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, GS ĐH YK Huế) thường đi săn ở Thủ Đức với ông MCT (chủ tịch UBND thành phồ HCM). Tôi còn ngờ vực thì BS Thắng giải thích “Thầy Hùng rất được Thành ủy và UBND thành phồ HCM o bế vì là một trong 3 trí thức miền Nam đã giúp cho kinh tế sản xuất. Thầy Hùng bào chế các hóa chất dùng cho kỹ nghệ thành phố”. BS Thắng nói thế mà đúng và có kết quả cụ thể.

      Tôi bị trụt quân hàm
Tôi chuyển vào Sàgòn, đăng ký hộ khẩu mới, khai lý lịch ở địa phương. Công an phường ghi lại vào lý lịch tôi: ông LBV, thiếu úy quân y, diện ngụy quân…Tôi ngạc nhiên. Rõ ràng tôi đâu giám khai gian với CM. Về lý lịch,tôi khai tôi là BS trưng tập với cấp bậc Y Sĩ Trung Úy, và giải ngũ năm 1959, qua BV Trung Ương Huế. Tôi cẩn thận khai giải ngũ chứ không phải biệt phái. Qua năm 1960, Nha Quân Y đình chỉ giải ngũ chỉ cho phép biệt phái. CS rất ghét và nghi ngờ chữ “biệt phái”, cho rằng có mức độ công tác đặc biệt. Lúc tôi còn thắc mắc tìm hiểu thì có người bảo “ở Bắc BS ra trường chỉ gắn lon Thiếu Úy Quân Y. Ông công an này rành hành chánh trong quân đội nên tự động sửa sai cho anh, chứ không có gì quan trọng”. Cũng được thôi.

      Bác Sĩ ĐHYK Huế được tăng học vị-
Trong đầu năm 93, tôi nhận được văn thư sở Y Tế TP HCM mời họp đặc biệt. Số là BS NXA đã treo bản hiệu và quảng cáo trên báo: BS NXA, Tiến Sĩ Y Khoa, Giải Phẩu Thẩm Mỹ. Các chữ TSYK đã làm Sở YT nhột nhạt. Ở miền Bắc, sau khi học 6 năm để thành BS, phải qua các nước CS học thêm 1, 2 năm để lấy bằng Phó TS, lại học khoảng 2 năm nữa để lấy bằng TS. Lúc đó ở VN tuy có nhiều TS mọi nghành, và nhiều TS hữu nghị, song hình như mới chỉ có Phó TS YK, rất nhiều. Nay đột nhiên có một TS YK xuất hiện, vượt trên cả.
Tôi được mời họp với tư cách Khoa Trưởng cũ ĐHYK Huế và đã ký vào văn bằng tốt nghiệp của BS NXA. Sở Y Tế yêu cầu tôi xác nhận chữ ký cũng như muốn tìm hiểu về văn bằng này. Cũng nhắc lại, trong tháng 4/75 di tản vào Sàigòn tôi có làm ba việc đáng chú ý. Một là ký vào văn bằng tốt nghiệp BS. Rất nhiều BS nhiều khóa đã gấp rút đến tìm tôi tại nhà để xin chữ ký vào văn bằng tốt nghiệp, đề phòng di tản bất chừng. Hai là tôi đã họp với ĐHYK Sàigòn bàn chuyện sát nhập hoặc hổ trợ. Ba là tôi đã hội kiến với BS Hưỡn, Tổng Trưởng Y Tế, và là một bạn học cũ. BS Hưỡn đề nghị giao BV Vì Dân cho tôi hoàn toàn, tôi có thể cho SV Huế thực tập. Song biến cố dồn dập rất nhanh đến ngày định mệnh 30/4. Trở lại Sở Y Tế, tôi xác nhận văn bằng BS NXA là thứ thiệt. Chữ TSYK là dịch theo tiếng Pháp hoặc Anh ra tiếng Việt. Sinh viên đã học bảy năm ĐH và tốt nghiệp có luận án. Buổi họp kết thúc không nêu kết quả. Song nhiều tháng sau, tôi vẫn thấy bảng hiệu và quảng cáo của BS NXA như cũ, không thay đổi. Nói cho đúng, Doctor Ph.D là tiến sĩ, là văn bằng cao nhất mà trường ĐH cấp. Còn về nghành Y thì chữ Doctor chỉ nên dịch ra việt là (văn bằng ) Bác Sĩ- Y Khoa, Nha Khoa, Thú Y…Trước 75 miền Nam cũng thế, các BS YK có khá nhiều người ra ngoại quốc khối Âu Mỹ học lấy thêm bằng Tiến Sĩ (Ph.D, Doctor) về khoa học cơ bản: Sinh Lý, Sinh Hóa…hoặc các bằng chuyên khoa lâm sàng: Nội, Ngoại…

      Hội Ái Hữu ĐHYK Huế tại Sàigòn
      Các sinh viên YK Huế ra trường sau 75 chỉ được bổ dụng quanh quẩn ở miềnTrung cho nên hội Ái Hữu ĐHYK Huế tại Sàigòn lúc đó, cũng kể như gồm các BS trước 75, tập trung ở BV Chợ Quán số đông, lẻ tẻ một vài người ở BV Sùng Chính, BV Gia Định…Đó là các BS không về lại Huế sau 30/4 năm 75. Một số khác làm BS tư, một số nữa đổi ra dịch vụ buôn bán. Song tất cả đều sinh hoạt họp mặt nhiều lần trong năm, quan trọng nhất là vào dịp Tết, có cả gia đình. Tuy là hội Ái Hữu, song không thấy có Chủ tịch, phó chủ tịch hội rõ ràng. Cũng không có Bản tin hoặc lá thư chủ tịch. Dám là một hội chui, lý lịch không rõ ràng. Lúc tôi chuyển công tác vào Sàigòn, các BS ĐHYK Huế mừng lắm vì từ nay sinh hoạt có thêm Thầy. Lúc đó BS PT Thu thường đứng ra mời họp, có vẻ là chủ tịch. Có lúc tại tư gia, có lúc tại nhà hàng, liên hoan vui vẻ mặc dù ở trong hoàn cảnh: vui là vui gượng kẻo mà…Buổi họp lớn nhất là tại nhà hàng … có đông đủ, thêm một số BS tỉnh và hình như có 1 hoặc 2 BS từ Huế vào. Đến lúc tan tiệc, mọi người đề nghị và BS ĐN Hồ đã hăng hái rút ra tờ 100 đô mỹ chi phí buổi tiệc liên hoan giữa sự vỗ tay hoan nghênh ầm ỹ. Trong buổi tiệc chỉ có tôi là thầy, song biết bao nhiêu là trò cũ. Thật vui và cảm động trong tinh thần thân ái gia đình ĐHYK Huế sống xa trường.

      Hình ảnh xưa-
Nay qua đây, cầm bút ghi lại những sự việc cũ, những hình ảnh xưa dồn dập hiện ra trong tâm tư tôi. Vui có buồn có, song tất cả đều quý giá. Hình ảnh trong khoa gồm Trường và Bệnh Viện, nghiêm túc nhưng thân ái, trong hội Ái Hữu vui cười ca hát song có lúc “Cười lên tiếng khóc hát nên giọng sầu” khi cùng nhắc lại những hình ảnh đau lòng xẩy ra cùng thời đó, đen tối tang tóc. Trong cơn hoạn nạn, người ta cảm thông hơn, xích lại gần gủi nhau hơn, cùng chia sẻ ngọt bùi, tình trường, bạn, thầy trò khắng khít.
Nhìn ra ngoài, hôm nay trời đẹp. Những tia nắng đầu xuân còn rụt rè song cũng thừa ấm áp để rọi tan những đám tuyết mùa đông còn bướng bỉnh sót lại đâu đó trên các bải cỏ đã dớm lấy lại màu xanh. Tôi thấy trong lòng thư thái: những kỷ niệm, hình ảnh cũ, lông bông trong ký ức khá lâu, nay đã được bảo quản để cùng chia sẻ trong Tập San Ái Hữu này.

North York
Đầu Xuân 2006

Thầy Lê Bá Vân và ái nữ Lãm Thúy, YKH khoá 19. Hình chụp hôm kỹ niệm 20 năm ngày thành lập hội AHYKH HN tại Fountain Valley, California tháng 8 năm 2006.

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved