Ai ở Huế lâu ngày cũng biết Huế mưa theo nhiều cách, tuỳ vào từng thời điểm trong năm. Mưa Huế thất thường như tính cách của một cô gái mới lớn, mang đến thật nhiều tâm trạng.
Vào độ từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, trời ít khi mưa mà thay vào đó là rưới lên Huế cái nắng hồng hộc của mùa hè. Tuy nhiên vào khoảng thời gian này, đôi khi ông trời cũng cố gắng 'lắc rắc một vài hột' mưa theo như cách nói của người già ở Huế. Những cơn mưa này thật ngắn và và nhiều khi không đủ lớn nên lại càng làm cho không khí càng oi nồng, ngột ngạt thêm. Cái đẹp của cơn mưa rào này, nếu mưa đủ lớn, làm dịu hẳn cả thành phố và in lên bầu trời quang đãng sau đó một cái cầu vồng thật rực rỡ. Đám con nít bọn tôi thường chỉ trỏ lên lên trời và tưởng tượng ra đủ thứ với cái cầu vồng đó. Huế tuy nhỏ nhưng những cơn mưa đỏng đảnh này nhiều khi cũng chỉ dành cho bờ Bắc hoặc bờ Nam sông Hương mà thôi.
"Trời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày"
(không nhớ tên tác giả)
Tôi chắc rằng thi sĩ này đang nói đến những cơn mưa vào khoảng 10 đến tháng Chạp âm lịch ở Huế. Mưa rả rích, mưa da diết, mưa triền miên, mưa như cố làm chậm lại hoặc làm đông cứng tất cả những gì hoạt náo, tươi vui vốn đã hiếm hoi ở cái thành phố này. Vào những ngày này, Huế đã buồn lại càng buồn hơn. Những chiếc áo mưa sùm sụp, những vũng nước đọng và những chiếc lá, cành cây rơi rụng trên đường càng làm cho khung cảnh u ám, trầm mặc hơn. Tôi nhớ da diết những đêm trời mưa và lạnh thấu xương, vào khoảng đầu những năm 70, mấy anh em tụi tôi cùng trùm chung một cái mền ôn tôi để lại, đã thủng lỗ chỗ, vừa lắng nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn vừa mông lung với những suy nghĩ, những ước mơ về một cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn cho gia đình mình. Những lúc như vậy, nếu nghe được một tiếng rao: "Mì nooong-----đê...y", tôi mường tượng thấy một cậu bé còng lưng với bao mì nóng, đi trong ngõ hẹp, mấy tia chớp thỉnh thỏang cắt ngang qua màn đêm, thì hình như cả mấy anh em tụi tôi chợt thấy như cái mền đang đắp lành lặn hơn, dày hơn một chút và dĩ nhiên, thấy mình vẫn còn may mắn hơn một chút. Chúng tôi lắng nghe tiếng rao mì và tiếng chân lẹp xẹp khuất dần, khuất dần sau một con hẻm nào đó… và chìm dần vào giấc ngủ lúc nào không hay.
"Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả, trắng trời Thừa Thiên"
(Vẫn không nhớ tên tác giả)
'Mưa xối xả', 'mưa trắng trời' có lẽ chỉ xảy ra vào giữa tháng 10 cho đến giữa tháng 11 âm lịch. Mỗi lần trời mưa, ba mạ tôi trưng dụng hết thau, chậu, soong, nồi trong nhà để hứng dột. Ngoài sân, lúc đầu nước chỉ ngập và chảy thành dòng dọc mái hiên trước nhà, rồi chảy như con suối nhỏ quanh ra sau hè, khắp sân nổi bong bóng. Tụi tôi ngồi co chân trên giường, sung sướng xếp thuyền giấy thả ra ngoài cửa sổ. Nhiều khi mưa cả tuần hoặc hai tuần không ngớt, mưa như ai nghiêng cả một cái giếng mà đổ hết lên mái nhà. Nước ngập sân lên đến đầu gối.
“Mỗi năm mấy tháng mưa dai quá,
Ba mẹ tôi lo chống dột hòai,
Ông trời biết rứa còn chơi ác,
Bưng giếng nơi mô đổ xuống nhà,
Tụi tôi thơ dại vui thuyền giấy,
Mong sáng hôm sau khỏi đến trường.
*
* *
Lớn lên tôi vẫn thương hoài Huế,
Thương Huế ngày mưa nước ngập đường”
(Thơ của tui)
Rồi sông hồ mặp nước. Sông Hương nước dâng cao, đục ngầu và cuồn cuộn chảy như chưa bao giờ được chảy. Rồi lụt. Ban đầu nước sông Hương lên mấp mé bờ cỏ Thương Bạc. Rồi Đập Đá ngập. Rồi nước ngập các con đường ở bờ Nam như Hùng Vương (đoạn chạy ngang qua cà phê Sứ), Đống Đa, Chợ Cống..., bờ Bắc thì Phu Văn Lâu, Thương Bạc, Bạch Đằng, Huỳnh Thúc Kháng (về phía Bao Vinh) và một số con đường nhỏ trong Thành Nội. Nếu là lụt lớn thì hầu như nơi nào cũng ngập. Và ngập đến vài ngày. Lụt đối với nhiều gia đình còn có nghĩa là gạo thua (gạo tăng giá), là đồ ăn đắt đỏ, là công ăn việc làm ế ẩm, là mất mát (người và của). Hầu như cứ mỗi cơn lụt, dù lớn hay nhỏ, là dân Huế lại nghe đến có người chết đuối: khi thì ở Ngã Ba Bãng Lãng (gần Lăng Minh Mạng, nơi con sông Hương chia làm hai nhánh), khi thì ở Đập Đá, khi thì ở các huyện lân cận như Hương Trà, Phú Vang. Điển hình là hai cái lụt khủng khiếp nhất mà hầu như ai cũng biết: đó là lụt năm 1953 và lụt năm 1999.
Nếu không tính đến những 'mặt trái' của nó, thì mưa lụt Huế cũng mang lại những cái thú, những cái thi vị và đầy ắp kỷ niệm về một thời ở Huế cho những kẻ như tôi. Lụt là dịp mà dân ở thành phố được trở thành những tay câu cá, cất rớ (lưới) nghiệp dư. Bờ hào quanh Thành Nội, đặc biệt là gần các cống như Thượng Tứ, Cửa Sập (sập vào lụt năm 1953)..., và các ao hồ quanh Đại Nội là những nơi lý tưởng để những tay cất rớ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thi thố tài năng. Bờ Nam thì hồi trước có cánh đồng An Cựu, đoạn từ Ngã Tư Âm Hồn (gần bến xe An Cựu ngày trước) cho đến Nhà Hát Lớn bây giờ. Cánh đồng này giờ đây đã 'đô thị hoá' thành nhà cửa, văn phòng, không còn một ao nước nào để thả rớ xuống cả. Một cái thú nữa vào những ngày lụt là 'đi lội lụt'. Nếu nhìn ra đường phố lúc này sẽ thấy rất ít bóng dáng xe cộ, mà thay vào đó là từng nhóm năm bảy người, già có, con nít có, nam có, nữ có, với chiếc quần đùi hoặc quần dài xăng đến tận đùi, tùm hụp trong chiếc áo mưa, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Một vài người còn tỏ ra chuyên nghiệp hơn khi trang bị cho mình một chiếc gậy tre hay gỗ để được an toàn hơn qua những nơi nước xoáy. Hầu hết những người 'đi lội lụt' chỉ nhằm mục đích ham vui, tò mò muốn biết nước cao ngang đâu ở Đập Đá hay Thương Bạc. Ba tôi là một người rất thích đi lội lụt, mỗi lần như vậy đều dẫn tôi đi theo. Sau mỗi lần như vậy, tôi trở về nhà với đôi chân mỏi nhừ, lạnh cóng và bạc phếch vì ngâm nước quá lâu nhưng trong lòng vui và kiêu hãnh như vừa vượt qua được một thử thách nào đó. Những người không lội vì tò mò ham vui thì lội lụt để thăm viếng, trợ giúp bà con hoặc người thân ở những vùng bị ngập.
Nếu không có lụt thì có một cái thú khác nữa là đi uống cà phê với bạn bè hoặc người yêu (dân Huế gọi là bồ). Để ngồi với bạn bè thì tôi thường chọn các quán trên đường Trần Thúc Nhẫn (dẫn lên Chợ Bến Ngự). Con đường này ngắn nhưng lại có rất nhiều quán cà phê, tập trung ở những ngôi nhà xây theo dạng một villa nhỏ với một khoảng vườn (sân) rộng ở đằng trước. Điển hình quán Số 6. Nếu tôi không lầm thì đây là nhà của một cô giáo từng là hiệu trưởng của trường nữ Đồng Khánh ở Huế. Bên trong ngôi nhà đặt khoảng 4-5 bộ bàn ghế gỗ khá lịch sự còn ngoài vườn có thêm khoảng mươi bộ nữa đặt rãi rác dưới tán cây đào và một số cây gì mà tôi cũng không nhớ rõ nữa. Thức uống hồi đó lui tới một vài thứ đơn giản như: cà phê (đen, sữa, nóng, đá...), nước chanh (đá, nóng). Hồi đó tôi thích quán này không phải do cà phê mà do cái không khí ở quán này. Yên tĩnh và lịch sự. Cái gu nhạc của chủ quán cũng giống như của tôi: nhạc Trịnh Công Sơn và nhạc pop Pháp của những năm 50-60 (tôi đoán thế vì không rành lắm về âm nhạc ngoại quốc). Nhớ những chiều mưa rả rích cuối tuần ngồi với một vài đứa bạn thân ở quán này, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa 'khẩu' đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho đến khi tối mịt mới chịu rời quán. Năm kia khi tôi về lại quán Số 6 thì cách bài trí, nhạc, khách...tất cả đã khác xưa, tôi thấy như mình vừa mất một cái gì đó....
Nhưng để thật sự cảm được cái đẹp-buồn của mưa Huế thì nên ngồi ở quán Sông Xanh nằm trong một con hẻm gần Đập Đá, nhìn ra Sông Hương. Tiếng hát khàn khàn, chậm rãi của Khánh Ly, những giọt cà phê đều đặn, cái lạnh ngấm ngầm xuyên qua quần áo, những hạt mưa bên ngoài khung cửa sổ rơi xiên xiên qua những tán lá cây, một dòng sông đang trãi mình trong mưa đầy vẻ cam chịu... tất cả tạo nên một cảm giác buồn buồn, nằng nặng khó tả. Tôi và vợ lại thường chọn một quán nằm bên kia đập đá, lấy tên một loài hoa. Quán này nằm lọt thỏm trong một khu vườn thật lớn ở Vỹ Dạ. Có lẽ chỉ có những kẻ đang yêu mới chọn quán này để ngồi vào ngày mưa vì chỗ ngồi hoàn toàn không có tường vách gì cả, trên đầu là một mái nhà lợp tranh. Gió thổi xuyên qua cây cối trong vườn làm lạnh thấu xương nhưng hai đứa hầu như không để ý gì cả!
Càng gần tới Tháng Giêng Âm lịch thì mưa nhỏ dần nhưng vẫn còn dai dẳng lắm. Mưa làm cho cái lạnh càng da diết; ngược lại những cơn gió mùa Đông Bắc lại làm cho mưa có vẻ ẩm ướt hơn. Tôi nhớ như in những hôm gò lưng trong mưa lạnh đạp xe dọc nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… đưa đón người yêu đi học từ khi còn ở Đồng Khánh, rồi lên đến Y Khoa Huế. Gió thổi ngược vào người làm chiếc xe nặng trịch, chiếc áo mưa không đủ che cho hai ống quần và cổ áo nên làm mình lạnh thêm. 'Khổ' như rứa mà vẫn vui vẻ tự nguyện làm 'công tác' này trong suốt mười mấy năm cho đến khi cô nàng ký hợp đồng chung thân với tôi.
Về cuối mùa mưa - trước và sau Tết một chút - thường có những cơn mưa phùn, mưa bụi. Đối với những kẻ lãng mạn thì một trong những cái thú là rảo xe qua những con đường nhỏ rợp bóng cây quanh Đại Nội hoặc dọc theo hai bờ sông Hương dưới cơn mưa bụi này để cảm nhận được cái tiết trời lúc giao mùa này.
Thế rồi một buổi sáng nào đó thức dậy, nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời quang đãng hẳn, không khí nhẹ đi, cây cối như cũng tỉnh ngủ hẳn ra cùng mình…
Phía Đông dần dần hén lên một chút nắng. Ai đó dưới nhà nói: "A! Ngày ni nắng rồi! Tết ni mà ông (Trời) nắng cho vài ba ngày để đi thăm bà con thì sướng biết mấy!". Cả xóm tục tục sửa soạn, lôi áo quần, mền mùng ra phơi hết cho kịp nắng. Ừ! Hình như sắp hết mùa mưa rồi thì phải.
KH
(Một người rể Y Khoa Huế)
Austin, Summer 2005
|