Một cuộc đổi đời...

 
 

 

NL“Giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước...”
“Như có bác hồ trong ngày vui đại thắng, lời bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng...”

Tôi nhớ mãi những ngày đầu khi tôi trở lại trường tiểu học Đức Thắng ở Phan Thiết vào những ngày sau 30 tháng Tư. Tụi học trò được dạy cho mấy bài hát này và đứa nào cũng chuyền tay nhau mấy bài hát để chép lại. Học trò tụi tôi chẳng còn hát vang bài Học Sinh Hành Khúc: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau, học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao...” hay là bài Quốc Ca vào mỗi sáng thứ Hai chào cờ: “Này công dân ơi, đứng lên tiếp lời sông núi...”

Ngày ấy tôi chỉ mới học lớp bốn, còn em trai tôi thì đang học lớp ba. Khi trường bắt đầu mở cửa trở lại thì học sinh trở về trường trong ngơ ngác, đứa còn đứa mất lưu lạc nơi nao không ai biết được. Tôi gặp lại cô Oanh dạy tôi năm lớp ba. Tôi không nhận ra cô cho đến khi cô gọi tên tôi, vì cô đội cái nón lá sùm sụp và mái tóc cắt ngắn của cô giờ mất tiêu được che phủ bằng cái khăn đen đủi xấu xí. Hôm ấy cô có chuyện chi đó nên đi ngang qua trường Đức Thắng; cô không trở lại đi dạy như nhiều thầy cô khác.

Ngày Ba mươi tháng Tư, hôm ấy gia đình chúng tôi đang còn ở Long Xuyên với bên ngoại tụi tôi. Hôm ấy tôi nghe ba tôi xôn xao bàn tán với những người lớn trong nhà: “Dương văn Minh đầu hàng rồi...” Sau đó chính quyền quân quản bắt ba tôi phải trở về quê cũ là Phan Thiết. Họ nói là “ai ở đâu lúc trước thì phải trở về nơi đó.”

Chuyến xe từ Sài Gòn về Phan Thiết mới là một cực hình. Phan Thiết chỉ cách Sài Gòn khoảng 180 cây số nhưng ngày ấy phải đi từ sáng sớm đến tối khuya mới tới Phan Thiết, vì đường sá lởm chởm toàn mô đắp trên đường (do Việt Cộng đắp mô để tấn công quân đội VNCH và ngăn chận giao thông). Tài xế lái xe phải tìm đường vòng đường tắt chớ không đi được đường quốc lộ. Hôm ấy ngồi trên xe cứ bị tưng nảy lên nảy xuống liên tục vì ổ gà ổ trâu. Đến khoảng xế chiều, xe chạy ngang khu rừng lá thì trời đổ mưa. Xe tạm dừng lại để cả đoàn tìm thức ăn cho đỡ đói. Hôm ấy có bà bày hàng bán khoai mì luộc, tôi được bác kia trong đoàn xe đem cho củ khoai mì mà tôi chẳng dám cầm mặc dù lúc ấy đang đói meo vì từ sáng đến giờ chưa có gì ăn. Hồi giờ ba mẹ tôi luôn dặn dò là không được nhận quà ai cho khi chưa được phép. Bác ấy thấy ba mẹ tôi đi tới nên nói thêm: “Con cầm đi, ba mẹ bằng lòng rồi đó!” Bữa đó củ khoai còn nóng sao mà ngon chi lạ... Rồi thì mọi người tìm được một quán cơm, ăn qua quít và xe lại lên đường thẳng tiến về Phan Thiết.

Ngày ấy gia đình tôi trở về lại Phan Thiết với một tương lai vô định không biết mình sẽ ở nơi nào... Trước kia gia đình tôi ở trong trại gia binh của Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch. Bây giờ thời cuộc đổi thay rồi, ai cho phép mình trở lại chốn ấy?

Về đến Phan Thiết thì trời tối mịt. Ba tôi nhớ đến ông bạn ngày trước làm chung Quân Y Viện là chú Phùng nên ghé đến nhờ giúp đỡ. Cũng may nhà chú rộng rãi nên mở lòng tiếp đón gia đình tôi và cho ở nhờ.
Mấy hôm sau đó ba tôi mượn xe chạy lên Quân Y Viện. Nơi ấy bây giờ bộ đội đóng quân chận lại. Ba tôi hỏi xin được trở vô lấy ít món đồ trong nhà nhưng họ chẳng cho phép, nên ba tôi trở về buồn thiu. Coi như gia đình tôi đã mất tất cả rồi, đồ đạc áo quần đều ở trong khu nhà ấy. Có mớ chén kiểu xưa của mẹ tôi gìn giữ hông dám dùng đến thì có ông kia “đệ tử” của ba tôi hứa giữ giùm trước khi gia đình tôi ra đi. Giờ đây ba tôi đi tìm để xin lại thì ông ấy nín luôn không trả. Đời là thế!

Rồi thì lệnh tập trung cải tạo ban ra, sĩ quan phải đi tập trung cải tạo 30 ngày. Mẹ tôi mua vải dù may cho ba tôi cái võng, và chuẩn bị ít thức ăn khô cho ba tôi đem đi ăn qua ngày. Tôi nhớ mãi hôm ấy cả nhà đang xôn xao vì ba tôi và chú Phùng đang chuẩn bị lên đường. Tôi đút cơm cho con bé em tôi và nó hỏi ngây thơ: “Ba đi rồi ba về hả?” Tôi trả lời với nó rằng: “Ừ, ráng ăn cho giỏi đi, ba đi rồi ba về.” Có ai ngờ được 30 ngày tập trung cải tạo đã trở thành hơn 6 năm tù qua 2 lần ở tù lây lất hết bao nhiêu trại cải tạo! Và mấy mẹ con tôi đã sống khốn khó ra sao khi không có ba tôi ở nhà, và mẹ tôi phải đương đầu ra sao với cái lũ công an khu vực ấy.

Trong mấy năm ba tôi đi cải tạo, mẹ tôi ngày ngày đạp xe đi dạy học và nuôi lũ tụi tôi 4 đứa. Hồi ấy mẹ tôi dạy Việt văn. Chồng thì đi cải tạo mút mùa vì cái hạn 30 ngày đã qua lâu rồi, trong khi đó mẹ tôi hàng ngày đứng trên bục giảng ngợi ca, rao giảng về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, về hạnh phúc ấm no... trong khi có hôm mẹ tôi đi dạy buổi sáng ra khỏi nhà mà chẳng có gì lót dạ. Có hôm nọ, có tên học trò kia giơ tay xin phát biểu: “Nghe nói chồng cô có nợ máu với nhân dân, ai cho cô được phép đứng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa?” Hôm ấy mẹ tôi về kể mà ngậm ngùi... Ba tôi bao nhiêu năm làm bác sĩ chỉ biết cứu người mà nay bị gán ghép là “nợ máu với nhân dân”!

Chương trình H.O đã đưa được bao nhiêu là gia đình quân nhân chế độ cũ sang Mỹ định cư, trong đó có gia đình tôi. Cuộc sống của gia đình tôi đã sang một trang khác. Ba tôi ngày nay được hít thở không khí tự do, sống trong một thể chế tự do, chẳng còn phải lo sợ đêm đêm không biết mình lại bị bắt đi tù lúc nào... Chị em chúng tôi được học đại học như ba mẹ chúng tôi mong ước, được sống trong một đất nước mà giá trị con người được bảo đảm, luật pháp được tôn trọng.

Ba mươi lăm năm đã qua rồi, từ ngày 30 tháng Tư năm ấy. Bạn bè của ba tôi người còn kẻ mất. Vợ chồng Chú Phùng ngày xưa cũng đã mất lâu rồi. Lâu lâu ba tôi gặp lại được người quen xưa, mừng mừng tủi tủi nhắc chuyện năm nào hồi còn là đồng nghiệp, rằng “ngày xưa xa lắm lâu rồi” ...

Ngọc Lan
30/4/2010

 

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved