MỘT THỜI VĂN KHOA

 
 

  
Cao Thanh Tâm

Trong những ngày phơi nắng mưa bán thuốc lá ở ngã năm của thành phố nhỏ này, tôi tình cờ gặp lại thầy Hảo, thầy giáo cũ của tôi cách đây mười hai năm, ngày tôi mới vào đại học. Ngày đó thầy dạy lớp văn học đại cương cho lớp chân ướt chân ráo mới rời bậc trung học với nhiều mộng ước cao hơn trời.
Lớp Dự bị văn khoa nằm ở lầu hai, dươí lầu là lớp SPCN của trường Đại Học Khoa học. Đây là căn phòng rộng với nhiều dãy bàn ghế liền nhau cho từng người. Tuy nhiên  cũng có khi hết chỗ,  nếu đi học trễ; đóù là những ngày có giờ của thầy Hảo hoặc giờ của các giáo sư ở Saigon ra dạy dồn dập trong vài ngày ở Huế. Những ngày đó chúng tôi học lu bu, mờ cả mắt, mấy thầy cứ trông dạy cho hết bài mà bay về Saigon chứ không nghĩ cho nỗi khổ của lũ sinh viên tập sự này.
Những ngày mưa dầm ở Huế trời tối rất sớm mà phải học đến tám giờ tối! Những đứa ở xa trường, tận bên tả ngạn như tôi thì thật khổ. Trường Văn khoa chỉ có một chiếc cầu thang nhỏ,nên khi tan học đứa nào cũng chen nhau chạy như bị ma đuổi, có lúc còn bị một tên rắn mắt nào đó tắt điện, thế là một cảnh hoạt náo được diễn ra tại thang lầu như bị động đất, tiếng léo nhéo của mấy cô ngã xô lên nhau chen lẫn tiếng cười tinh quái của mấy anh cùng lớp, nổi nghịch ngợm như át cả tiếng gió mưa dai dẳng và cái lạnh tái tê của xứ Huế.
Năm đầu tiên của lớp dự bị văn khoa có thật nhiều kỹ niệm khó quên khi tâm hồn mình còn tinh anh như tờ giấy mới; cuộc đời phức tạp và đầy chông gai như dừng lại bên ngoài cửa lớp. Có lẽ trời còn thương cho những người mới từ giả khung trời tuổi thơ, đang hướng về tương lai với tất cả trái tim đầy nhiệt huyết, nên muốn ban cho họ những ngày vui sau cùng trước khi bung ra với cuộc đời đầy giông bão.
Hồi đó trường Văn khoa và trường Luật là nơi có nhiều con gái.  Nhiều người nhận xét rằng con gái văn khoa bao giờ cũng dịu dàng đằm thắm hơn ở các khoa khác. Phải chăng vì thế mà những giờ học chung, bao giờ giảng đường cũng đầy ắp, sinh viên các khoa khác thường tụ về đây chăm chỉ như để học thêm.
Thật ra thì chỉ tổ gây trở ngại cho những người chăm chỉ học hành, bọn họ còn chiếm hết cả chỗ ngồi của giảng đường. Những giờ ấy thì  người ngồi dãy sau, kê cả vở lên lưng người ngồi trước mà viết hối hả cho kịp theo lời thầy giảng từ chiếc micro trên bục. Có khi may mắn được một đứa bạn thân giữ chỗ dùm bằng cách vất đại một cuốn tập nào đó lên các ghế trống thì thật là một hạnh phúc vô cùng.
Trong suốt mấy giờ học, dù có nhiều tên ở khoa khác đến quấy rầy nhưng tuổi trẻ cũng rộng lòng tha thứ. Các cô chăm chỉ ghi bài, không hề bị phân tâm vì những cái nhìn của các anh ngoại khoa. Còn tất cả con trai trong lớp thì ngầm xem nhau là anh em rồi, ít ai trong lớp có tình ý khác với nhau, chắc có lẽ bụt nhà không thiêng mà cũng có lẽ ngày ngày gặp mặt nhau lo cho cái cử nhân dự bị gần chết ai hơi đâu mà lo việc vớ vẩn.  Ngày đó thoát được cái chứng chỉ dự bị là kề như đi được nửa đường vì lớp dự bị có nhiều môn và nhiều thầy quá nên không biết kể từ bao giờ chúng tôi đồng lòng gọi chứng chỉ dự bị là cử nhân dự bị'!
Thầy Lê văn Hảo hồi đó được xem như là giáo sư chủ nhiệm của lớp. Trong tuần chúng tôi mong đợi giờ văn học đại cương để lắng nghe những bài giảng như những bài nói chuyện duyên dáng, hài hước và ý nhị của thầy. Rất đông anh em sinh viên kính trọng thương yêu xem thầy như một người anh cả và thường lui tới nơi thầy ở là khu cư xá giáo sư đại học ờ gần Tòa đại biều chính phủ.
Năm học 66 - 67 ngày đầy tháng của đứa con trai đầu lòng của thầy đã được tổ chức ở đó. Rất đông các bạn trong lớp dự bị của tôi đã đến chung vui cùng gia đình thầy. Vợ thầy hồi đó là chị Lin, học trên tôi một lớp ở Đồng Khánh. Hôm đó tôi còn nhớ chị Lin buộc chiếc băng đô màu vàng khi chị ra chào chúng tôi, thầy nói:
-Xin trân trọng giới thiệu với các em đây là bà Lê văn Hảo.
Chúng tôi đã vỗ tay thật dòn dã vì hầu hết đều biết chị Lin, người đã cùng chúng tôi tập văn nghệ với nhau, cùng vũ bài Blue Haiwaii và cùng hát với nhau trong đại hợp xướng Đêm trong rừng của hai trường Quốc Học Đồng Khánh do thầy Văn Giảng điều khiển.( Hai đêm văn nghệ Quốc Hoc Đồng Khánh vào đầu năm 1964).
Ngờ đâu đó là lần gặp chị sau cùng. Biến cố Mậu Thân thầy Lê văn Hảo đi theo phía bên kia, vô bưng, và hai mẹ con chị Lin ở lại.
Mấy năm sau chị Lin mất vì bịnh lao và gia đình chị nuôi dưỡng thằng bé cho đến ngày thầy về sau 75, với người vợ mới từ Bắc vào thì cha con mới gặp nhau!
Tôi vẫn còn nhớ chị Lin nói với tôi hôm ấy rằng :
-Hồi đó Lin và anh Hảo thường đi dạo ngoài bờ sông , nơi có bầy nai nên Lin đặt nó là thằng Nai.
Nghĩ đến chị Lin, tôi bùi ngùi nhớ dáng người mảnh mai với mái tóc man dại cuả các cô gái đảo Haiwaii của chị. Hình ảnh chị trong đêm văn nghệ ngày xưa còn mãi trong  tôi.
Giờ học mà chúng tôi sợ nhất, phải là giờ Triết Đại cương của thầy Lâm ngọc Huỳnh, khoa trưởng văn khoa lúc bấy giờ. Vợ thầy là cô Trương Tuyết Anh dạy Văn Chương Anh Mỹ. Lúc đó tụi tôi thường kháo nhau rằng thầy cô đều khó tính vì lấy nhau đã lâu mà chưa có con, ngày nào bọn tôi cũng cầu cho cô sinh được một thằng con trai cho lũ sinh viên được nhờ. Trời đất chắc cũng thương bọn tôi nên năm 1967, cô sinh được một thằng con trai, thế là lời nguyện của những cô sinh viên dự bị đã được đáp ứng.
Giờ Phương pháp sử của cha Nguyễn Phương cũng được chúng tôi yêu thích, có khi cha rất khó nhưng cũng có khi cha vui vẻ trêu chọc chúng tôi một cách hồn nhiên sau giờ học. Cha ăn nói rất bạo, những giờ học đầu tôi thật tình ngạc nhiên với phong cách dạy của cha. Cha nói rằng các ni cô và các soeur đùng học giờ của cha vì “Tôi ăn nói rất bạo!”. Dần dần tôi cũng quen đi và tìm thấy những sâu sắc qua lời giảng thâm thúy của cha.
Giáo sư Lê hữu Mục, mỗi hai tháng ở Saigòn ra dạy, cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Tôi nhớ mãi những bài học về nghệ thuật viết văn đã được thầy giảng với cả tâm hồn mà hồi đó tôi chỉ cố học để đi thi chứ chưa thấy hết tinh thần của những bài học này như khi lớn lên, ra đời có cơ hội đọc sách vở nhiều, tôi mới thấm được những ý tưởng mà hồi đó tôi cứ cố nhồi nhét vào đầu trong những giờ học dồn dập khi thầy ra Huế.
Vị thầy khả kính mà tôi quí mến là Giáo sư Hồ Đắc Định với những bài thơ Đường mà tôi còn nhớ mãi đến ngày nay:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang tựa Túy lâu
Hốt kiến bạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế ních công hầu.
hay:
Quân  tri thiếp hữu phu,
Tặng thiếp song minh châu
Cảm quân triền miên ý.
Hệ tại hồng la nhu...
Hồi đó thầy cũng đã gần tám mươi mà dáng đi còn thanh thoát nhẹ nhàng, dáng của một nhà nho.
Giờ Hán Văn làm chúng tôi dễ chịu nhất phải nói là giờ của cha Nguyễn Văn Thích. Cha là một linh mục hiền hòa khả kính với một kiến thức bao la mà sau này những người học trò theo ngành Sử nổi tiếng như các anh Nguyễn Lý Tưởng và Lê Đình Cai đã viết nhiều về cha.
Noel năm 1967, trước Mậu Thân, lớp chúng tôi đã tổ chức liên hoan mừng Giáng Sinh ở nhà cha. Đó là mùa Giáng Sinh tươi đẹp nhất trong đời tôi. Chỉ vài tháng sau thì Biến cố Mậu Thân ập đến như một cơn phong ba cuồng nộ vùi dập lên thời hoa niên tươi sáng của chúng tôi .
Cuối năm 1966 lớp tôi tổ chức Đêm họp mặt thật sôi nổi tại phòng học của lớp Dự Bị Văn Khoa, với sự tham dự của rất đông sinh viên văn khoa cũng như các khoa khác . Trong đêm đó tôi còn nhớ anh Trần đại Hiền của Sư phạm đã hát bài Ca dao mẹ của Trịnh công Sơn rất hay. Lớp tôi đã mở đầu chương trình văn nghệ bằng nhạc phẩm Giọt Mưa Trên Lá, lời bằng tiếng Anh và tiếng Việt với ban tam ca Thúy Loan- Ngọc Thể- Thanh Tâm, được ngợi khen nhiệt liệt bằng những tràng pháo tay kéo dài tràn ra ngoài giảng đường C . Đó là niềm khích lệ rất lớn cho chúng tôi đền bù lại nhửng buổi tập văn nghệ cực khổ vào mùa mưa lạnh như cắt da của mùa đông xứ  Huế và sự  kiên nhẫn của anh Hồ Sĩ Thứ sư phạm Anh văn. Năm đó anh Thứ đang học Chứng chỉ Văn chương Anh Mỹ sát bên cạnh lớp chúng tôi. Anh Thứ đàn rất giỏi nên đã vui lòng bỏ thì giờ giúp chúng tôi tập dợt. Anh cũng đã tập cho tôi hai bài Tình Nghệ Sĩ của Đoàn Chuẩn-Từ Linh  và bài Trách Người Đi của Đan Trường. Đêm họp mặt năm đó có sự hợp tác của bên sư phạm nữa nên chương trình rất phong phú . Chị Quỳnh sư phạm sử địa hát rất hay, tiếc rằng tôi đã quên đề bài hát mà chỉ còn nhớ câu: « Còn trong tay anh bờ vai người yêu, còn trong mắt em mầu nắng ngã chiều. Còn trong tim ta bao nhiêu tình ái, tháng năm chưa hết u hoài vì đời mình còn tương lai...  Chị Quỳnh ơi, bao nhiêu năm trôi qua em vẫn nhớ hoài câu hát và dáng mảnh mai của chị như nhớ cả một thời thần tiên hoa mộng của em...
Ngày đó, lớp tôi có rất nhiều người đẹp, đã lôi kéo nhiều anh bên sư phạm, trên trường Luật và dưới trường Y. Cho đến nay bốn mươi năm sau nhiều bạn trong lớp tôi đã tản mác đi làm dâu ở trường Luật, trường Y, trường sư phạm trước nỗi tiếc nuối của mấy anh cùng khóa!
Hồi đó chúng tôi thường xúm nhau trêu chọc mấy anh Quảng Nam ra học với tinh thần bài ngoại cao độ! Chúng tôi với tinh thần địa phương thường cho rằng con trai xứ Huế thích hợp với chúng tôi hơn con trai  trong Quảng ra thi. Thật ra mấy anh Quảng Nam chăm học đến tuyệt vời, những giờ học tương đối dễ thở một chút, chúng tôi thường kéo nhau xuống giảng đường C tán dóc hay cùng nhau đạp xe đi lang thang nhất là khi trời mưa bay bay; Có một lần, khi chúng tôi cùng nhau cúp cua giờ cha Phương đi xem phim THE KIDS ở rạp Châu Tinh, bất thần gặp lúc cha kiễm soát sĩ số và làm bài kiểm soát là cả lủ cùng nhau chạy tán loạn cả lên. Thật là vui không thể tả! Nhìn vào lớp học, ai cũng thấy rằng hầu hết mấy anh Quảng Nam không hề trốn học, không hề cúp cua. Đáng lẽ ra thì mấy tiểu thơ khôn ngoan phải chọn một trong những chàng này để bảo đảm cho tương lai mới phải chứ!
Bọn tôi cứ mãi lang thang thơ thẩn trong năm đầu làm sinh viên, thấy được ngồi chung dưới giảng đường này tuyệt diệu quá. Mấy anh bạn ở Huế thì lúc nào cũng tự tin hơn vì ở ngay trên quê hương của họ, nhất là đối với các cô cùng lớp vốn có tình đồng môn sâu đậm nên hiếm khi có tình ý vớ vẩn với nhau. Hầu hết mấy anh đã có người em gái nhỏ bên Đồng Khánh, dưới Bán Công hay Nguyễn Du cả rồi... nhưng vẫn có tinh thần ích kỹ quyết bảo vệ các sư muội xinh đẹp tước sự tấn công của những bạn trai phân khoa khác!. Ngược lại mấy cô thì thường có quan niệm chàng của họ phải lớn hơn họ về cả tuổi đời lẫn tuổi lớp...
Những sinh viên xuất sắc của lớp tôi hồi đó bây giờ cũng có những người rất xuất sắc, tung ra bốn phương trời với những thành quả làm hãnh diện cho cộng đồng Việt Nam nói chung và cho trường văn khoa Huế nói riêng...
Phần tôi, một trong những nữ lưu kém may mắn của lớp sau khi ra trường. Biến cố 75 đã đẩy tôi từ lớp học ra Ngã năm, chợ trời, quán cà phê...để kiếm sống. Dù sao hậu vận của tôi cũng may mắn được sống lại một cuộc đời mới ở trên đất nước thứ hai này, để còn có cơ hội sống cuộc sống đúng với tinh thần của một con người tự do; nhất là còn có thể tìm đọc lại những gì thuộc về khung trời cũ của thời niên thiếu tươi hồng.

Vào năm 1998, vào dịp chúng tôi sang Pháp đã được gặp lại cô Hoàng (người vợ sau nầy của thầy) trong buổi gặp gỡ của Hội nhà thơ tài tử Việt nam Hải Ngoại. Cô rất vui mừng gặp lại tôi sau cả mười năm xa cách. Tôi hỏi thăm thầy thì cô chỉ trả lời qua loa về sau bạn bè cho biết từ khi qua Pháp thầy cô đã xa nhau. Tôi ngậm ngùi cho hạnh phúc của thầy cũng như trước kia tôi đã khóc thương khi nghe tin chị Lin, người vợ đầu tiên của thầy mất.
Có nhiều dư luận về thầy Lê văn Hảo về chính kiến, về lập trường chính trị! Thầy đã theo phía bên kia vào bưng sau biến cố Mậu Thân...
Dù tình sư đệ có sâu đậm đến đâu đi nữa, thì thầy trò chúng tôi đã đứng hai chiến tuyến khác nhau.
Nhớ về thầy, một giáo sư khả kính dạy rất hay ngày xưa; nhưng lòng tôi vẫn không thể nào hướng về cái chính kiến có màu đỏ máu ghê sợ mà những người phía bên kia đã nhân danh chủ nghĩa để tàn phá xứ Huế tết Mậu Thân và tiêu hủy hoàn toàn đất nước Việt Nam vào mùa hè 1975.
Hôm nay nhớ về thầy cũ trường xưa cùng tất cả bạn học ngày trước, tâm hồn tôi chợt bừng sống lại, những chuỗi ngày vui đan nhau bằng những sợi kim tuyến lóng lánh và thắp sáng lại quá khứ với những ngọn nến hồng. Lòng tôi thầm ước mong các bạn học cũ đang ở đâu đó tại hải ngoại hay còn kẹt lại trong nước, tình cờ được đọc lại và cùng nhau nhớ về lớp cũ trưởng xưa của chúng ta...
Chắc chưa ai quên dãy lầu Văn Khoa cũ kỹ với chiếc cầu thang nhỏ chứa đầy những hình ảnh và đầy những vết chân của một thời trẻ dại, những bước chân của chúng ta lên xuống như những ước mơ đan dệt tương lai.
Có lẽ những bậc thang đó, vẫn còn vấn vương hơi hớm và dáng dấp của từng chúng ta; nên có nhiều lúc chúng tưởng nhớ, thở dài và trở mình mong quét đi lớp bụi thời gian để trở về quá khứ.                                                  

Cao Thanh Tâm
Mùa Tạ Ơn - 2006.

 

        

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved