NHỚ VỀ TRƯỜNG CŨ hay là NHỚ HUẾ?

 

Phạm Đình Dương

Nhớ về trường ĐH YKHuế là nhớ về “Huế thơ và mộng”. Đối với tôi, hai nổi nhớ ấy nhập làm một, dính liền nhau như hình với bóng, đến nổi nói cái nầy không thể quên đề cập đến cái kia. Nếu lờ đi sự khắng khít có tính hữu cơ nầy, ắt hẳn tôi sẽ cảm thấy nhạt nhẽo và vô duyên thế nào! Trong cuộc đời tha hương, nổi nhớ lại càng khắc khoải khôn nguôi đối với những người cựu sinh viên từng xuất thân từ ngôi trường Y Khoa Huế, trong đó có tôi.

     Huế là nơi tôi đã trải qua thời tiểu học, sau khi tôi di cư vào miền Nam cùng với mấy bà cô và dì. Đó không phải là chuyến di cư chính thức theo thỏa thuận 90 ngày từ hiệp định Genève mà là chuyến “đi chui”. Trước đó ba má tôi đã vào sinh sống ở Huế để tôi ở lại Quảng Bình với ông bà nội. Vì gia đình có khá nhiều ruộng đất, ông bà cũng phải thoát đi luôn, sợ bị đấu tố. Thế là tôi ở lại với mấy cô dì. Làng tôi ở khá xa thị trấn Ba Đồn nên chẳng ai biết thời hạn 90 ngày nói trên, một phần do mấy ông cán bộ làng muốn giấu kín và phần khác, mấy cô dì là đàn bà không mấy quan tâm đến chính trị. Khi ông bà tôi đi rồi, tôi mới được phép cắp sách đi học vỡ lòng, kể như được chiếu cố vì là con mồ côi “tại chổ” hay vì có người bà con tôi làm nghề dạy học can thiệp cho tôi đi học. Tôi phải đi bộ đến 5 cây số để theo học lớp vỡ lòng. Do đó, khi tôi học nữa chừng, mấy cô dì mới được ba tôi nhắn về làng nhờ họ mang tôi đi luôn. Tôi vẫn còn nhớ rõ mình đã mò mẫm đi trông đêm tối đen như mực. Đã lầm lủi đi như thế qua nhiều ngôi nhà, chó lại sủa râm ran khiến mấy cô dì  vừa đi vừa sợ thót tim. Có một lần trời hơi sáng nhưng cũng phải cố đi cho kịp đến chổ trú ẩn, khi qua cầu tôi không cách nào đi được vì thấy cầu cứ trôi đi. Cầu nầy chỉ được bắc qua bằng các thanh sắt song song nhưng rời nhau, có lẽ cầu cho xe lửa chạy. Nghe tôi cứ than cầu trôi đi không được, mấy cô dì hình như đã hiểu ra khuyên tôi đừng nhìn xuống nước mà nhìn ngay trên những thanh sắt. Thấy tôi đi chậm chạp quá sẽ gây trở ngại cho chuyến đi, một bà cô trẻ và mạnh nhất bồng tôi mà đi. Cũng may, cuối cùng cũng đi trót lọt chứ không thì mắt tội với mấy bà cô bà dì thân thương của tôi, nếu họ bị bắt lại. Thật sự, lúc đó tôi không nghĩ là mình may mắn. Sau nầy tôi mới cảm thấy mình may mắn biết bao!

     Thấy tôi đã lớn mà chưa được học hành nhiều, ba má tôi gởi tôi lên Kim Long học nội trú để nhờ mấy bà xơ kềm kẹp. Chính nhờ thế mà tôi học ở đây đã nhảy lên được mấy lớp. Sau đó, ba tôi dời nhà về gần trường  tiểu học Sainte Marie, Phú Xuân và tôi học lớp chót ở đó. Tôi vẫn nhớ các bảng danh dự của trường nầy là do nữ họa sĩ Marie Mộng Hoa ở của Thượng Tứ trình bày rất đẹp mắt. Tôi cũng được hân hạnh ôm đều đều mấy cái bằng nầy về nhà để khoe ầm lên nên tôi vẫn còn nhớ mãi. Nhân nhắc đến của Thượng Tứ, tôi lại nhớ một lần mẹ tôi đem tôi đến BS Lê Khắc Quyến khám chữa bệnh  tai mũi họng. Phòng mạch BS Quyến cũng ở gần nhà nữ họa sĩ. Điều buồn cười là mẹ tôi phải dụ năm lần bảy lượt tôi mới chịu đi chữa chạy. Nghĩ đến là tôi thương lại mẹ tôi, một người mẹ trong những người mẹ VN điển hình suốt đời lo lắng cho chồng con.

     Những ngày học ở trường tiểu học Phú Xuân là vui nhất. Hầu như suốt ngày, bọn trẻ con chúng tôi bơi lội bì bỏm trong dòng sông Hương trong vắt. Có nhiều khi còn táo bạo bơi qua bờ bên kia để hái trộm bắp, thỉnh thoảng bị đuổi chạy tán loạn mà vẫn cười đùa khoái chí. Tội không hiểu sao hồi ấy mình dám liều bơi xa như vậy. Đúng là tuổi trẻ coi trời bằng vung! Khi tôi ngồi viết những giòng nầy, người dân Mỹ và đồng bào mình ở Texas đang chuẩn bị tinh thần để chống lại “nàng”Rita, sau khi bà chằn Katrina đã nổi cơn tam bành tàn phá Louisiana. Tuy nhiên, những cơn lụt xẩy ra hằng năm tại Huế lại là cơ hội cho chúng tôi đi lội nước và cũng là dịp được nghỉ học mấy ngày. Sau nầy, tôi đọc truyện “anh phải sống” của Khái Hưng, tôi mới cảm nhận thế nào là giòng sông chảy xiết cuồn cuộn hung hãn đến nổi nó cuốn phăng đi tất cả. Sức mạnh của thiên nhiên quả là dễ sợ. Ôi thũa còn thơ ngây vô tư biết bao! Trong khi người lớn lo sợ lũ lụt gây nguy hiểm, bọn nhãi ranh chúng tôi chẳng biết gì, cứ vui lội nước. Huế vào mùa hè hoa phượng nở thật là đẹp tuyệt vời. Những hàng phượng khoe màu đỏ rực rỡ bên bờ Hương Giang xanh mềm mại, chạy dài từ Phú Xuân đến thành phố. Tôi cũng nhớ những cây trứng cá bọn trẻ chúng tôi cứ trèo lên hái ăn những trái đỏ hườm. Trước trường tiểu học sưng sững một cây bàng rậm rạp cao ngất đến mấy chục thước cũng là nơi bọn trẻ trèo lên hái trái tận ngọn. Mùa hè về cũng là mùa ve trổi lên khúc nhạc vui buồn lẫn lộn! Bọn trẻ con chúng tôi đã bắt ve bằng những cây sào tẩm mủ mít ở ngọn. Đôi khi còn nướng chúng ăn ngon lành. Món ăn đó vừa bùi vừa thơm(?)

     Kim Long là một địa danh nhiều năm về sau, đối với tôi, còn đáng nhớ hơn nữa vì nổi tiếng với câu thơ mà theo truyền thuyết được vua Thành Thái đã cao hứng làm ra “Kim Long có gái mỹ miều, Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi”. Khẩu khí của ông vua đúng là không thể chê được! Tôi từng sống nội trú và học ngay trong trường tại đây mà vẫn biết những cô gái này toàn là các tuyệt thế giai nhân, dù tôi còn nhỏ. Làn da họ trắng nỏn trắng ngà có lẽ nhờ ăn những trái cây trồng trông các khu vườn vừa um tùm vừa âm u như măng cụt, đào, dâu…nhất là vú sữa. Lọt vào các khu vườn đó chẳng khác nào lọt vào một thế giới thần bí linh thiêng! Sắc đẹp của họ trở thành một bí mật phải khám phá như những khu vườn vắng lặng và kín đáo kia. Vua quyền uy mà bị mê hoặc như vậy huống chi dân đen còn thèm khát đến chừng nào nhỉ!

     Huế với thời tiểu học của tôi đã trôi qua trông thơ mộng quá! Lên trung học, tôi giã từ cố đô vào học ở Đà Nẳng và rồi vận may xui khiến thế nào tôi được thi đậu vào trường YK Huế. Khi Nguyễn Hữu Phùng đến nhà báo tin tôi đậu khá cao, tôi vẫn chưa tin. Phùng với tôi vốn là cựu học sinh trường công lập Phan Chu trinh, trong đó còn có Huỳnh Cầm, Hoàng Kim Dũng đều là bạn cùng lớp đệ nhất. Lẽ ra, Phùng phải đậu cao hơn tôi mới phải vì Phùng từng là học sinh xuất sắc về khoa học. Cùng xóm với tôi, còn có Vũ Văn Trọng đậu cao hơn nữa. Thật ra trước khi vào thi Y Khoa, tôi may mắn được một bậc “tiền bối”…thi trượt truyền…bí kíp. Tôi bèn ôm lấy cuốn từ điển Larousse dày cộm mà đọc đủ mọi vấn đề và đủ mọi lãnh vực trên trời dưới đất. Các thầy dạy Y Khoa muốn rằng các thầy thuốc thì phải thông thiên văn đạt địa lý, nên đã cho thi một môn gọi là kiến thức tổng quát. Thế là tôi trúng tủ, nào là hảy kể tên năm nhạc sĩ cỗ điển danh tiếng quốc tế, nào là hảy kể tên năm thành viên trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn…Có một câu làm tôi bí tị nhưng tôi cũng trả lời kiểu “xin thầy thông cảm”. Đó là câu “ai là tổ sư nhu đạo?” Tôi vốn ốm yếu, trói gà không chặt, có biết võ nghệ, võ rừng là gì đâu. Tôi liền đi ẩu một đường võ “vô chiêu” trả lời ấm ớ tổ sư nhu đạo là một người Nhật. Ngoài ra tôi cũng nhớ bài luận văn đại khái là y học có phải vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật không? Cái khoảng nầy thì tôi không đến nổi tệ. Chứng minh về trước thì quá dễ, y học là một khoa học, đúng hơn nữa, là một khoa học thực nghiệm. Còn về sau, tôi chứng minh dựa vào giá trị chân thiện mỹ, vào quan niệm nghệ thuật, vì nghệ thuật và vì nhân sinh, hết sức thoải mái, cứ như nước chảy mây trôi…hay không bằng hên là vậy đó! Vào được rồi, tôi cảm thấy cần phải tồn tại theo đúng câu triết lý “tồn tại hay không tồn tại đó mới là vấn đề”. Năm học Dự Bị Y Khoa tại ĐH Khoa Học, tôi đã xính vinh với nhữn bài thực tập vật lý và hóa học. Xui cho tôi là người chung một nhóm gồm 2 người thực tập với tôi là Võ Việt Cường, hiền lành và chậm chạp còn hơn cả tôi nữa.. Học được một năm, người bạn hiền như cục đất của tôi không được may mắn tồn tại để lên học tiếp Y Khoa. Sau biến cố Mậu Thân, anh phải đi lính. Một con người thánh thiện như thế, giết con kiến anh còn chưa dám, huống chi giết người! Thật là “thủa trời đất nổi cơn gió bụi, khách…hiền lành nhiều nổi truân chuyên”. Năm lên YK I, cả lớp vào học tạm ở YK Saigon. Trong thời kỳ nầy, sinh viên YKH cũng tham gia với sinh viên YK Saigon tiễn đưa linh hồn giáo sư khả kính Trần Anh vào cỏi không hận thù. Hai bộ mặt sinh viên “trâu đánh” nổi đình đám nhất là H.T.M. và D.V. Đ cuối cùng không chọn con đường “cứu nhân độ thế” mà chọn con đường chính trị “mưa tanh gió máu”. Trong bài “ký ức đen về một ngôi trường đỏ” đăng trên Tập San Y sĩ Canada năm 1990, tôi đã nhắc đến những thảm kịch của lớp tôi trùng với những biến cố chính trị của đất nước, nên bây giờ tôi không dám viết lại. Chỉ xin đốt nén hương lòng cho những người bạn đã ra đi vĩnh viễn: Nguyễn Thế Hậu, Tôn Thất Dũng, Phan thị Kim Liên, Nguyễn Tấn Triển, Lê Thị Mỹ và nay Phan Tiêu Tư và Lê Đức Minh. Trong chuyến về VN tháng 6/2004 tôi có gặp anh Phan Tiêu Tư ở Huế, tay bắt mặt mừng ngay trước nhà anh, nhìn ra bờ sông, đường Huỳnh Thúc Kháng. Dù trước đó Phùng đã cho tôi biết anh bị ung thư phổi nhưng gặp anh thấy anh cỡi trần nói chuyện vẫn vui vẻ, vẫn lạc quan, tôi lại tưởng anh sống thêm vài năm nữa. Không ngờ anh ra đi nhanh quá! Tôi tiếc là khi vào Saigon, tôi không ghé lại phòng mạch để thăm anh trước khi về lại Úc. Còn Lê đức Minh thì ngay ngày 30/4/75 từ nhà nhìn ra đường Trương Minh Giảng, tôi thấy rõ Minh chạy về hướng Saigon cùng với cả gia đình trên một chiếc xe hơi. Kể từ đó, tôi không còn biết Minh đi hay ở lại. Qua đây tôi mới biết Minh định cư ở Bắc Âu, nay cũng đã lìa bỏ cuộc đời. Ngắn ngủi thay cho kiếp người “sinh ký tử quy”!

     Cũng trong chuyến về đó, tôi đã gặp lại Tống Văn Xuân và Trần Đình Lập, cả hai vẫn giữ chức vụ trưởng phòng suốt mười mấy năm. Chỉ tiếc là tôi không gặp được N.T. người sau khi bị bắt vì tội vượt biên bị CA kéo sềnh sệch ngoài đường như một tội phạm nguy hiễm. Thời thế mở cửa. nay N.T. đã được phép mở phòng mạch tư kiếm sống. Gặp lại các bạn tôi chỉ nói những chuyện vu vơ ngày trước là thoải mái thôi. Hình như có một bức màn vô hình khiến chúng tôi hoàn toàn tránh nói về chuyện thời sự. Làm sao mà tôi dám nói những điều cấm kỵ để bạn tôi phải lâm vào một tình thế khó xử nhỉ? Giã từ hai bạn xong, không biết ma dẫn lối quỷ đưa đường thế nào mà tôi trực chỉ bến đò tìm chổ ngủ mới lạ chứ? Tôi lại còn rủ thằng em rễ và em ruột tìm thuê đò để ngủ. Dù trong túi, tôi còn rủng rỉnh tiền bạc dư sức thuê khách sạn cho cả ba anh em. Thật ra, tôi về Huế vào mùa hè, ngày thì nắng chang chang, đêm thì nóng hừng hực. Mát mẽ nhất là thuê một chiếc đò ra giữa dòng sông Hương, để nó trôi lờ lững, mình tha hồ nằm thẳng cẳng nhìn trời ngắm sao như thời tuổi trẻ còn là sinh viên đầy ắp mộng ước! Tôi bắt chuyện vơí anh chị chủ đò, nghe họ than vãn đủ điều, nói chung là bất mãn với cuộc sống chỉ biết hôm nay không biết ngày mai sẽ ra sao. Khi đò chèo ra giữa sông rồi, tôi hỏi nhỏ thằng em ruột có biết bơi không. Tôi hỏi lẩn thẩn thế là vì tôi chợt liên tưởng đến trước đó một vị chức sắc tôn giáo từ Anh về đã bị cướp giết ngay ở khách sạn HG, sát khúc sông mà đò tôi thuê đang cắm sào. Tôi tự hỏi làm sao tên cướp dám ngan nhiên ra tay như vậy ngay trong khách sạn được bộ, sở nhà nước CS quản lý? Giết người chứ đâu phải cướp của thôi đâu! Phải khôn ranh đến quỷ quyệt mới có thể làm tướng cướp chứ! phải biết tính tóan thế nào để có con đường rút lui mà thoát hiểm, nếu thất bại chứ? Nếu hắn ta hành động một mình là điều hết sức vô lý! Chính vì sự vô lý nầy mà câu tôi hỏi thằng em cũng vô lý nốt. Điều buồn cười là khi về lại nhà người thân, em gái tôi và mấy đứa cháu nhìn ba anh em chúng tôi có vẻ ngờ vực cái gì đã xẩy ra sau một đêm ngủ đò. Dù sao, ngủ đò “chay” như anh em chúng tôi có lẽ là trường hợp ngoại lệ, cũng hệt như các động từ bất quy tắt trong Pháp và Anh ngữ!

     Thú thật phải xin lỗi quý thầy và các đàn anh, em viết về nỗi nhớ là chỉ nhớ các bạn cùng lớp. Tôi về Huế mà rất ngại ghé vô trường cũ, dù Phùng ở Đà Nẳng đã hỏi tôi có ra tham dự lễ kỷ niệm mấy chục năm tốt nghiệp của lớp sẽ tổ chức tại trường không. Tôi nghĩ chẳng có gì ngờ nghệch cho bằng khi tự nguyện dẫn xác vào một ngôi nhà mà khách phải cẩn thận, phải tự kiểm duyệt từng lời ăn tiếng nói. Nhảy ra khỏi khuôn khổ là điều cấm kỵ, chỉ thua cái tội phạm húy thời phong kiến xưa. Các trường ĐH hoàn toàn nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước CS. Chế độ nầy xem độc quyền chính trị cho phép chi phối tất cả, từ giáo dục đến tôn giáo. Nếu tôi vào ngôi nhà đó thì chủ nhân sẽ có quyền xét nét nhìn tôi như người từ hành tinh khác hiện xuống! điều nầy làm tôi lĩnh hội được khi gặp lại người thầy giáo trung học của tôi ở trường tư thục SM Đà Nẳng, trước 1975 hoạt động nằm vùng trong mạng lưới trí vận, nay đã bị loại ra khỏi mọi chức vụ trang trí “hình thức”. Tôi thật thà thưa với thầy nếu nước ta cũng có đa đảng như Campuchia dân chủ thì gần như tất cả người VN ở hải ngoại sẽ về xây dựng đất nước. Lời nói của thầy như một thùng nước lạnh tạt vào mặt tôi rằng các anh ở phương tây sống trụy lạc hoang đàng, làm sao các anh có đủ tư cách để xây dựng đất nước VN? Lời nói của một người không còn một chút đạc quyền đặc lợi gì trong tay mà còn thế, thử hỏi các kẻ quyền cao chức trọng còn hống hách đến chừng nào nhỉ?!

     Nhớ lại Huế năm 2004 tôi về thấy khác hẳn với Huế của năm 1975. Thay đổi rất nhiều đến độ chóng mặt. Dĩ nhiên, thay đổi về kinh tế chứ không phải về chính trị. Trong thực tế, xả hội làm ăn theo lối kinh tế tư bản nhưng về lý thuyết, CS vẫn bám chặt chủ nghĩa Mác Lê để giữ khư khư chiếc ghế quyền lực. Có thể nói đó là một tình hình “treo đầu dê, bán thịt chó”. Nghịch lý và mâu thuẫn! Người ta chỉ lo làm ăn chụp giựt để sống qua ngày, chẳng còn quan tâm gì đến tình hình chính trị và xả hội. Kẻ có chức quyền thì tha hồ làm giàu mà không có cơ chế nào dám kiểm soát. Người ta sống với chủ nghĩa “Mackeno” theo ngôn ngữ châm biếm trong nước, nghĩa là “mặc kệ nó”. Sự phân cách giàu nghèo quá rỏ một trời một vực, không thể tưởng tượng nổi. Xã hội bất công cùng cực. Cách mạng chân chính là làm cho xả hội tốt hơn chứ đâu phải làm tồi tệ hơn như thế! Người thầy thuốc Nguyễn Dan Quế là một tấm gương can đảm hiếm có, dám tranh đấu trực diện ngay giữa lòng chế độ. Mỗi người chúng ta có một hoàn cảnh riêng để góp phần mình vào việc dân chủ hóa VN, bất kể trong hay ngoài nước. Điều khác biệt lớn nhất giữa thể chế dân chủ và độc tài là chế độ độc tài xem người dân chẳng ra gì nên họ không hề sợ dân, ngược lại chính phủ dân chủ sợ dân sẽ bất tín nhiệm đảng mình bằng quyền tự do bầu cử mà hiến pháp quy định.

     Viết về dĩ vãng có lẽ khó mà cạn nhưng cũng không thể bất tận. Chính vì khối tình cảm dạt dào trong tôi khiến cho tôi viết lan man từ chuyện trường cũ, về chuyện Huế rồi nhảy xổ vào tình hình đất nước. Lan man thế nầy chẳng khác nào con đò không bến, bập bềnh trên giòng sông Hương. Nhớ về trường cũ, hầu như tất cả cựu sinh viên đều nhớ một sự kiện đáng trân trọng là nữ sĩ Nhã Ca, một con người đầy tài năng của miền sông Hương núi Ngự, đã dành trọn số tiền được giải thưởng văn chương VNCH tặng cho trường YKH. Tác phẩm của bà được thưởng là “giải khăn sô cho Huế” trong đó nữ sĩ cho người ta thấy một trong những thảm kịch của chiến tranh VN. Qua trận đánh Tết Mậu Thân (1968), Huế không chỉ lãng mạn với thơ và mộng, mà còn là nơi chôn vùi bao người con xứ Huế, những nạn nhân vào giờ phút thiêng liêng nhất của dân tộc. Phải chăng nhớ Huế thì phải kêu lên như người Huế rằng “ răng mà nhớ Huế dữ rứa hè” mới đầy ý nghỉa? trong tiếng kêu than đó, niềm hạnh phúc xen lẫn với khổ đau trùng điệp. Tuy nhiên, tìm về kỷ niệm giữa cố đô Huế bây giờ là một điều ngoài tầm tay với. Thành phố Huế trầm lặng và yên nắng ngày nào như những khu vườn âm u tịch mịch ở Kim Long chỉ còn trong trí nhớ. Tôi đã về. Đã đi, đứng, nằm, ngồi. Đã hít thở, ăn uống giữa Huế ngày nay huyên náo và bụi bặm. Huế của tôi đã thực sự không còn nữa. Kỷ niệm nào cũng trở nên hoang đường, như một điều không có thật, như sương, như khói, mơ hồ và lãng đãng biết bao!

                                                                                                      Australia, ngày 27 tháng 9, năm 2005

 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved