Trần Thị Thanh Thiện
Các bạn thân mến,
Cuộc đời là một chuỗi những sự tình cờ, và cũng thật tình cờ mà tôi về làm dâu Phan Thiết. Sau bao nhiêu năm với những thăng trầm của cuộc đời, nay Phan Thiết đối với tôi đã quá đỗi thân thương và trở thành quê hương thứ hai của tôi mất rồi. Vì mối cơ duyên tình cờ này mà hôm nay tôi muốn giới thiệu với bạn về nơi đã dung dưỡng tôi từ thuở cơ hàn cho đến ngày nay, như một sự đền đáp.
Phan Thiết là thành phố của tỉnh Bình Thuận, một tỉnh miền Đông Nam bộ, giáp với Ninh Thuận về phía Đông và Đông Bắc, Lâm Đồng về phía Tây Bắc, Đồng Nai về phía Tây và Bà Rịa-Vũng Tàu về phía Tây Nam, biển ở phía Đông-Đông Nam. Với diện tích 7854km² và dân số khoảng 1.090.000, Bình Thuận nằm cuối dãy Trường Sơn, có con sông La Ngà và 6 nhánh sông nhỏ. Sông La Ngà khi đi ngang qua địa phận Phan Thiết để đổ ra biển thì có tên là sông Cà Ty. Phía tả ngạn của sông ngang trung tâm thành phố là Lầu Nước (chateau d'eau) cao 32m được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1934, hiện nay chỉ còn là biểu tượng của Phan Thiết.
Bình Thuận có hai mùa mưa nắng, mưa ít mà nắng thì nhiều nên đất khô cằn, không thích hợp cho việc trồng lúa nhưng rất thuận lợi cho những cây công nghiệp như cao su, hạt điều (casher), tiêu, thanh long và bông vải. Ngày nay, đa số nông dân chuyển sang làm trang trại trồng cây công nghiệp.
Nhưng thế mạnh của Bình Thuận vẫn là biển. Biển Bình Thuận nổi tiếng với rất nhiều hải sản như cá, tôm, mực, cua, ghẹ và sò điệp. Ngư dân nay còn biết nuôi trồng thủy sản để không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu dưới dạng đông lạnh hay sấy khô với sản lượng rất lớn. Nước mắm Phan Thiết vẫn nổi tiếng như xưa, còn sò điệp thì chiếm 75% sản lượng toàn quốc.
Thế nhưng hôm nay Bình Thuận đang phát triển vững chắc là nhờ du lịch. Được thiên nhiên ban tặng một bờ biển dài 192 km mà đẹp nhất là 22 km từ Phan Thiết đến Mũi Né, những bãi cát trắng dài thoai thoải nước xanh trong, ít sóng và hầu như quanh năm có nắng vàng trong tiếng ru muôn thuở của những vườn dừa xanh ngắt nghiêng mình soi bóng luôn làm đắm say du khách dừng chân.
Thật ra, tiềm năng du lịch của Bình Thuận chỉ thật sự được đánh thức từ cuối năm 1995, năm có nhật thực toàn phần mà Phan Thiết là điểm quan sát lý tưởng thu hút hàng vạn du khách trong vàngoài nước. Nhưng chỉ sau năm 2000, ngành du lịch Bình Thuận mới phát triển với rất nhiều dự án, một số của người nước ngoài và Việt kiều nhưng phần lớn là do những nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đó là những beach resort rộng lớn, xinh đẹp với những hàng dừa, hàng cau, cây chuối, cầu khỉ và cả những con suối nhân tạo uốn quanh những bungalow, villa trang bị tiện nghi hiện đại. Hiện đã có 6 seaside resort 4 sao, trong đó Novotel nằm ngay bờ biển trung tâm thành phố với một sân golf 18 lỗ. Những resort 4 sao khác thì nằm rải rác từ Phú Hài (cách trung tâm thành phố 7 km) đến Mũi Né bao gồm Suisse, Phú Hải, Victoria, Panadus và Seahorse. Nằm xen kẽ giữa những đại gia này là khoảng 65 khu nghỉ dưỡng 2-3 sao cũng rất đẹp và thơ mộng không kém, chủ yếu phục vụ du khách Việt nam, Tây balô và những đôi vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật.
Thật tuyệt vời nếu các bạn đến đây sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc để nghỉ ngơi thư giãn và thưởng thức những món đặc sản tươi sống miền biển. Nếu bạn còn trẻ và yêu thích những môn thể thao dưới nước thì ở đây ngoài bơi lội ra, bạn vẫn có thể chơi wind surfing ở Sailing resort (3 sao) và lặn biển ở VNScuba (2 sao) nữa đấy.
Tuy vậy, Bình Thuận không chỉ có biển. Nhiều danh lam thắng cảnh nơi đây với bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo đã thu hút rất nhiều du khách viếng thăm hàng năm. Bạn hãy cùng tôi đến thăm một số nơi tiêu biểu nhé.
Chùa núi Tà Cú
Núi Tà Cú cao 649m nằm cách Phan Thiết 30 km về phía Đông Nam.Chùa nằm lưng chừng núi ở độ cao 475m, do nhà sư Trần Hữu Đức xây dựng năm 1879, còn gọi là Linh Sơn Trường Thọ. Công trình kiến trúc này gồm có Cổng Tam Quan, Điện Thờ, Tượng Phật, Tháp Mộ và Hang Tổ. Đặc biệt phía sau chùa ở vị trí cao nhất cách chùa 100m là tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn. Tượng Phật này thuộc loại độc đáo nhất Việt Nam, ở tư thế nằm nghiêng, dài 49m do kỹ sư Trương Đình Ý chủ trì xây dựng năm 1962. Cách đó khoảng 50m là nhóm tượng Tam Thế Phật bao gồm A Di Đà, Quan Thế Aâm Bồ Tát và Đại Thế Chí. Cả ba tượng này đều cao 7m, nét mặt hiền từ nhân hậu. Để lên đến đỉnh núi, bạn sẽ phải qua hàng trăm bậc tam cấp uốn lượn giữa rừng cây cổ thụ quanh năm xanh tươi trong tiếng chim ríu rít chuyền cành, tiếng lá lao xao rì rào trong gió lẫn tiếng suối róc rách chảy. Từ cổng chùa nhìn về hướng Đông, lướt tầm mắt qua những vòm cổ thụ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một màu xanh ngút mắt của biển với mênh mông sóng vỗ và đường chân trời ở tít tắp xa khơi. Trong không gian thiên nhiên hùng vĩ ấy, tiếng chuông chùa ngân vang càng làm cho cảnh chùa thêm tôn nghiêm và u tịch. Thời gian như ngưng đọng trong những khoảnh khắc ấy và bạn sẽ cảm thấy lòng mình thật bình an, tự tại.
Từ tháng 9 năm 2003, hệ thống cáp treo đã đi vào hoạt động để phục vụ cho du khách. Công trình này được thực hiện bởi công ty Doppelmayr Scilbahren của Aùo, mỗi cabin có 6 chỗ ngồi với công suất từ 700 đến 1000 du khách mỗi giờ với chất lượng và độ an toàn khá cao, cólẽ không thua gì hệ thống cáp treo ở Rain forest của Sydney đâu nhé.
Hải đăng Khe Gà
Hải đăng được thiết kế xây dựng bởi kỹ sư người Pháp tên là Chnavat, tọa lạc trên đỉnh của đảo Khe Gà rộng khoảng 20 ha, nằm cách bờ biển 500m và cách thành phố Phan Thiết 45 km về hướng Nam. Hải đăng chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 1900 để định hướng cho tàu bè qua lại vì nơi đây trước kia vốn hay xảy ra tai nạn đắm tàu do thuyền trưởng nước ngoài không thông thuộc địa hình. Hồi đó hải đăng được trông coi bởi 8 người Việt và 1 người Pháp.
Hải đăng được xây dựng khá đồ sộ, cao nhất nước với cột bát giác bằng đá hoa cương không rõ xuất xứ ở đâu. Những mét khối đá 4 cạnh này được chạm khắc thành những khối vuông, cạnh khớp vào nhau. Hình như đã có một cái tháp hoa cương làm sẵn, khi xây dựng người ta chỉ cần sắp xếp những khối đá vào đúng thứ tự, góc và cạnh khớp nhau từ thấp đến cao, và chỉ cần dùng vữa để chúng kết dính lại mà không cần làm gì khác. Tháp cao 35m. Chiều cao từ đỉnh hải đăng so với mặt đất là 41,5m và so với mặt nước biển là 65m. Mỗi cạnh tháp rộng 2,6m. Chiều dày thành tháp từ mặt đất lên đến 6m là 1,6m, càng lên cao chiều dày càng giảm dần và chỗ mỏng nhất ở đỉnh là 1m. Bên cạnh Hải đăng còn có một ngôi nhà lớn hình vuông cạnh 40m, bên dưới là hầm nước sâu 3m, phía trước có cái giếng gọi là giếng Tiên, xa xa còn có một nghĩa trang vốn là nơi yên nghỉ của những công nhân xấu số chết vì tai nạn trong khi xây dựng Hải đăng. Trên đỉnh tháp có một ngọn đèn lớn 2000W luôn được thắp sáng để hướng dẫn tàu bè. Ngọn đèn, máy phát điện và cả 184 bậc thang xoắn ốc bằng thép dẫn lên đỉnh Hải đăng đều được mang từ Pháp sang. Hai hàng sứ trắng dọc theo đảo và vòng quanh chân Hải đăng được trồng từ cuối thế kỷ trước nay vẫn tỏa bóng mát quanh năm làm cho Hải đăng vừa hùng vĩ, cổ kính, vừa duyên dáng mềm mại. Khi nước thủy triều xuống, bạn có thể lội bộ từ bờ ra đảo.
Hiện nay Hải đăng Khe Gà là một điểm tham quan du lịch đẹp, hấp dẫn du khách và là một kiến trúc độc đáo có giá trị lịch sử.
Tháp Chăm Poshanư
Quần thể tháp Chăm Poshanư nằm trên đỉnh đồi Bà Nài thuộc xã Phú Hải cách thành phố Phan Thiết 7 km. Tháp được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ VIII đầu thế kỷ thứ IX theo phong cách kiến trúc Hoalai, một trong những phong cách kiến trúc cổ của Vương Quốc Chămpa để thờ thần Shiva và công chúa Pôshanư. Hiện nay trên toàn quốc chỉ còn một số tháp như vậy như một số di tích ở Thánh địa Mỹ Sơn, Tháp Hoalai ở Phan Rang, tháp Podam ở Tuy Phong
trong đó chỉ có nhóm tháp Poshanư là tương đối còn nguyên vẹn. Đây là nhóm tháp có giá trị rất lớn về lịch sử và kiến trúc. Riêng kỹ thuật xây dựng, làm thế nào để các viên gạch lớn chồng lên nhau mà không có chất kết dính vẫn còn là một điều bí ẩn. Nghệ thuật trang trí trên thân tháp, vòm cuốn, cửa chính ở ngoài và những cửa giả ở bên trong cho đến đỉnh tháp đã cho thấy một khuynh hướng thẩm mỹ đặc thù của phong cách Hoalai. Hàng năm người Chăm từ những vùng lân cận vẫn đến đây để thực hiện những nghi thức cầu mưa và nghi thức tôn giáo khác theo phong tục tập quán của họ. Nhóm tháp Chăm này đã được trùng tu, phục chế hoàn chỉnh từ năm 2000 để đón du khách.
Chùa Hang
Chùa Hang còn gọi là Cổ Thạch Tự. Chùa được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIX, nằm trong những hang động trên vùng đồi núi Cổ Thạch cao trên 64m thuộc xã Bình Thạnh, Huyện Tuy Phong, cách Phan Thiết 105km về hướng Bắc
Cổ Thạch là một vùng núi đá rộng lớn, gồm hàng chục ngàn tảng đá lớn nhỏ, có tảng to bằng cái nhà, có tảng bằng phẳng như mặt bàn, có tảng hình thù bí ẩn kỳ dị, lại có nhiều tảng chồng lên nhau như có bàn tay người sắp xếp. Tất cả ẩn chứa vẻ đẹp hoang sơ độc đáo với nhiều hang động ngoằn ngoèo chui sâu vào lòng núi. Phía trên chùa là núi đá với cây rừng mọc chen chúc quanh năm tươi tốt. Dưới chân Cổ Thạch là biển trong xanh với bãi đá cuội nhiều màu cách đó không xa.Tất cả tạo nên một vẻ hấp dẫn đặc biệt với núi, chùa và biển.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, người xưa cũng đã để lại nhiều di sản độc đáo như những hoành phi, câu đối, Đại Hồng Chung, trống Sấm đều được làm từ nửa đầu thế kỷ XIX. Mỗi năm có hàng trăm ngàn du khách đến cúng Phật và vãn cảnh chùa.
Cù Lao Câu
Cù Lao Câu là một hòn đảo nhỏ mới hoàn thành, cách bờ biển 9km. Nếu đi ghe máy bạn mất khoảng 40 phút để đến đảo. Đảo cách thành phố Phan Thiết 119km về hướng Đông Bắc, dài 1500m, nơi rộng nhất là 700m và chỗ cao nhất là 7m.Từ trong bờ nhìn ra, đảo như một chiến hạm lớn. Toàn đảo được bao quanh bởi hàng vạn tảng đá hình dạng và kích thước khác nhau. Và mỗi khi thủy triều xuống, bạn có thể nhìn thấy vô số những vỏ sò rất đẹp ẩn hiện qua làn nước trong xanh. Biển ở đây có rất nhiều hải sản mà một ngư dân lành nghề có thể đánh bắt bằng các dụng cụ thô sơ nhất. Trên đảo có những giếng nước ngọt tuy cạn và ít nước nhưng nguồn nước thì vô tận nên người ta gọi chúng là giếng Tiên. Hiện nay Cù Lao Câu đang được quy hoạch thành khu bảo tồn sinh vật biển, hứa hẹn một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai.
Đồi Cát Mũi Né
Mũi Né cách Phan Thiết 24km về phía Đông Bắc. Trước kia đây chỉ là một làng chài nghèo và hoang sơ, quanh năm chỉ có hàng dừa làm bạn với biển xanh, nắng vàng và cát trắng.Trong vòng 5 năm qua, tất cả đã đổi thay, duy chỉ có những đồi cát Mũi Né vẫn còn đó làm đắm say bao du khách phương xa và là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Những đồi cát trải dài tít tắp như một tấm thảm khổng lồ óng ả dưới ánh nắng mặt trời. Gió làm đồi cát luôn thay đổi hình dạng và màu sắc, và sau mỗi cơn mưa hiếm hoi, nước chảy tạo nên những vân cát gợn sóng đẹp như tranh thủy mặc. Từ trên đồi cát bạn có thể nhìn bao quát toàn cảnh Mũi Né trải dài duyên dáng, và nếu nhìn ra khơi vào ban đêm, bạn như thấy mờ ảo một thành phố trên biển với hàng ngàn ngọn đèn của những chiếc thuyền đánh cá hay ghe cào mực. Đẹp quá phải không bạn?
Phan Thiết, quê hương thứ hai của tôi bây giờ là một thành phố du lịch như thế đó. Vẫn còn hàng trăm dự án khu du lịch đang xây dựng dở dang nằm dọc theo bờ biểûn từ Phan Thiết về phía Nam tận huyện Hàm Tân và về phía Bắc đến tận huyện Tuy Phong. Nhưng tôi khuyên bạn hãy đến Phan Thiết sau năm 2010. Lúc đó chắc chắn Phan Thiết đã có sân bay và biết đâu có cả TGV? Còn bây giờ thì từ Sài gòn vềø Phan Thiết tuy đường khá tốt nhưng bạn phải mất từ 3 đến 4 giờ đi xe. Biết đâu đến lúc đó tôi vẫn còn ở đây để chờ đón các bạn . Chào bạn và hẹn gặp lại năm 2010 nhé!
Tháng 11/2005 |