Văn và Văng
Gần đây, “Mệ” Vĩnh Chánh có mời tôi viết một bài cho Tập San YKH. Tôi không phải là văn sĩ. Nếu văng (có chữ G) thì tôi đúng là “văng sĩ”. Bởi vì, sau 30/4/75, tất cả quân cán chính bị đá vào trại tù gọi là “học tập cải tạo”, sau khi ra trại, lại bị đá vào một xã hội hỗn tạp, “may mắn” được sắp vào hạng từ 10 đến 13. làm sao mà xây dựng xã hội được! Trong khi đó thì các Ngài có đảng điếc rảnh tay xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Rồi sau 30 năm, xã hội mới đó như thế nào? Là một xã hội mới, văn minh, tự do, dân chủ… trong khẩu hiệu, nơi mà nhà thương biến thành nhà ghét, người không có tiền thì đành chịu chết vì không có tiền điều trị, những bà mẹ vì quá nghèo phải đến bệnh viện bán máu, lấy tiền trả học phí cho con; một xã hội đầy tham nhũng, thối nát, nhan nhản những tệ đoan như xì ke, ma túy, đĩ điếm ngoài đường.
Vậy thì mình cũng nên “văng” ra ngoài xã hội đó, như tâm sự của một người bỏ nước ra đi:
Ta đi trốn nắng, trốn người
Trốn ta đau khổ, trốn đời tang thương.
( Nguyễn Ngọc Thuận- tù ngục và tâm thức lưu đày)
Sau đây tôi xin kể một vài chuyện vui buồn của thời tôi còn khoác chiếc áo blouse trắng.
“ Dạ, cho em nằm dưới”
Hồi đó, vào năm thứ 3 YK, tôi đi thực tập 3 tháng ở khu Sản tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tôi phải đở đẻ khoảng 30 ca, sau đó phải đúc kết lại thành tập để nộp cho vị giảng nghiệm viên xem xét, thẩm định. Khu Sản Phụ Khoa có dành một phòng riêng cho SVYK, có giường 2 tầng và 1 bàn, 1 ghế để ngồi học. Trong khi đó, các chị nữ hộ sinh hoặc những học viên của trường Nữ Hộ Sinh (NHS) thì không có điều kiện ưu đải như chúng tôi. Họ đến làm việc từ chiều cho đến sáng hôm sau thì về nhà. Nếu có mệt, họ chỉ biết ngồi nghỉ tại bàn làm việc mà thôi.
Khoảng 1 tháng rưỡi sau khi tôi đến khu Sản, vào một đêm nhân tôi vừa xong 1 ca đở đẻ và đang còn ngồi nơi bàn để học bài trong phòng kể trên, có một cô học viên nữ hộ sinh đang trực đêm đó, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh tươi, xuất hiện và nói với tôi: “xin cho em nghỉ lại đây đêm nay”. Tôi cũng thiệt tình, chỉ vào cái giường mà nói: “Em muốn nằm ở trên hay ở dưới, tuỳ ý” (Xin quý vị hiểu cho: lòng tôi ngay thẳng, không có ý xiên xẹo đâu nghe!). Cô ta trả lời nhỏ nhẹ: “Dạ, cho em nằm dưới”.
Câu chuyện chỉ có thế thôi nhưng về sau đã có một sự xầm xì trong dư luận. Các học viên NHS từ đó bị cấm bén mảng đến phòng trực của SVYK. Và câu chuyện đó biến thành một chuyện tiếu lâm truyền miệng trong trong SVYK cũng như trong giới NHS, bắt đầu bằng mấy chữ “ở trên hay ở dưới” và “cho em ở dưới”.
Cũng chỉ tại cặp mắt kính!
Rồi thời gian đi qua, tôi làm đám hỏi với người mà sau nầy trở thành “bà xả” bây giờ. Trong đám NHS có một cô quen biết vị hôn thê của tôi nhưng lại chưa hề biết mặt tôi, chỉ biết tôi có đặc điểm mang kính cận thị. Trong lớp tôi lúc ấy lại có một anh bạn tên là Trịnh Bình Tây. Bạn Tây cũng có dáng người cở tôi và cũng đeo kính cận. Khi đến phiên bạn Trịnh B. Tây trực ở khu Sản, mỗi khi anh ta mở miệng chuyện trò vui vẻ với bất cứ cô nào thì đều bị cái cô NHS quen với hôn thê tôi “kê tủ đứng”: “Ê, anh nầy có vợ rồi mà còn tán tỉnh lung tung!” Cho đến một hôm, có ai đó chỉ cho cô ta thấy mặt tôi, cô ấy biết mình lầm, thì bạn Bình Tây mới thôi bị châm chọc.
Sau khi ra trường, tôi được biết tin bạn Trịnh B. Tây đã qua đời vì chấn thương sọ nảo do tai nạn lưu thông. Thảm thương cho bạn cùng lớp với kiếp người quá ngắn ngủi!
Lấy máu thử? Dễ gì!
Lúc gần ra trường, giáo sư Discher có ý hướng dẫn tôi làm một luận án về tác dụng của một số thuốc mới trị bệnh giun sán ở người VN (thuốc từ Đức gởi qua). Bà vợ thầy Discher nguyên là một chuyên viên phòng thí nghiệm đã hướng dẫn tôi làm các tests ở phòng thí nghiệm của Bệnh Viện. Để xem tác dụng của thuốc có ảnh hưởng trên chức năng của gan, mỗi bệnh nhân phải được thử máu 3 lần, trước khi điều trị, trong khi điều trị và sau khi điều trị.
Nhưng có một điều mà tôi không ngờ tới là tâm lý bệnh nhân người việt mình rất sợ bị lấy máu. Lấy máu lần thứ nhất thì còn dễ, nhưng qua lần thứ 2 hoặc thứ 3 thì rất khó khăn. Để hoàn thành luận án, tôi phải lấy máu khoảng 30 người bệnh. Thời gian nầy, tôi đã rút máu được chừng từ 5 cho đến 7 bệnh nhân. Mặc dù thầy Discher có nhìn thấy sự cố gắng trong công việc của tôi, nhưng trước thái độ khó khăn của bệnh nhân, tôi chan nản, đành bỏ dở nữa chừng; lấy lý do phải về quê để kềm những em thi rớt, tôi không tiếp tục công trình nầy nữa.
Ra trường- Nhà tan cửa nát
Cuối năm 1967, tôi ra trường. Đầu năm 68, toàn thể chúng tôi nhận được lệnh nhập ngũ (khóa trưng tập 10). Tất cả đến trình diện tại trường Quân Y ở Saigon để làm thủ tục, lãnh quần áo, giày, nón quân đội cũng như vải để may lễ phục. Trong khi chờ đợi học hành chánh quân y và quân sự tôi về thăm nhà cha mẹ ở Phan Thiết. Vui với gia đình được vài ngày, lúc tôi trở về lại Saigon thì trận Mậu Thân xẩy ra.Tôi bàng hoàng sửng sốt khi nghe tin ngôi nhà cha mẹ tôi bị sụp đổ hoàn toàn. Bao nhiêu năm cố gắng dành dụm, cha mẹ tôi mới tậu được ngôi nhà, nơi ghi dấu bao kỷ niệm của đời tôi, thì trong chốc lát nó đã trở thành bình địa! Cũng may là cha mẹ và các em tôi đã chạy thoát trước khi nhà đổ. Của mất nhưng may người vẫn còn!
Về phần vợ con tôi ở Huế thì ra sao? Lòng tôi nóng như lửa đốt, rất mong tin mà không tìm ai mà hỏi. Rồi một bữa nọ có người bà con từ Huế vào cho hay là vợ con tôi chạy loạn cùng ông bà nhạc tôi, tất cả đều bình yên trở về lại nhà nhưng đang thiếu thốn đủ thứ. Biết được tin nhà, tôi vừa mừng vừa lo. Hai đứa con tôi lúc đó còn quá nhỏ, một đứa mới 3 tháng, còn đứa kia 1 tuổi rưởi, làm sao có đủ sữa cho chúng trong tinh trạng hổn độn nầy?! Tôi lên gặp Y Sĩ Đại Tá Trần Minh Tùng, bấy giờ là chỉ huy trưởng trường Quân Y để xin phép về Huế. Ông nói: “thời buổi bây giờ, không ai được cấp phép cả”. Tôi đáp: “Thưa Đại Tá, ngoài ấy không biết vợ con tôi sống chết như thế nào, nếu không được cấp phép, tôi cũng ra đi”. Ông rất thông cảm nói: “Tôi không thể nào cấp phép cho anh được. Thôi anh đi thì cứ đi, mà ráng đừng quá 14 ngày.” Tôi cám ơn ông và “vù” ngay.
Ra Huế Cứu Trợ
Thấy biểu ngữ của đoàn cứu trợ của Sinh Viên Khoa Học, tôi đã định đi theo nên ghi tên ngay. Nhưng hôm sau, khi đi trên đường Trương Minh Giảng, ngay trong Đại Học Vạnb Hạnh , tôi thấy cũng có một đoàn cứu trợ khác của Sinh Viên ra Huế sớm hơn đoàn kia những 2 ngày, nên tôi vôị ghi danh tham gia và được chấp nhận. Trước khi ra đi, tôi có gặp Thượng Tọa Thích Minh Châu và được trao một xách thuốc theo đoàn cứu trợ. Chúng tôi được chở trên phi cơ quân sự ra Đà Nẳng, sang qua 1 phi cơ khác trước khi đến Huế. Khi ngồi yên trong máy bay, nhìn kỹ lại tôi mới biết là mình đang ngồi trên những bành đựng đầy đạn dược. Tôi nghĩ dại: nếu chẳng may chiếc máy bay nầy rớt xuống và nổ tung thì dẫu một mảnh xương nhỏ cũng không tìm ra! Nhưng rồi phi cơ cũng đáp xuống Phủ Bài an toàn. Sau đó, chúng tôi được xe quân đội chở vế chùa Diệu Đế. Dọc theo đường đi, giấy vụn, rác rưởi ngập lối, kèm theo mùi xú uế nống nặc bốc lên, do những tử thi chưa được cất dọn.
Cả đoàn lưu lại chùa Diệu Đế. Riêng tôi, về ở lại nhà người bà con bên vợ, cũng ở gần đó, nơi mà vợ con tôi đang tá túc. Còn nhà cha mẹ vợ tôi ở trong Thành Nội đã bị sập đổ.
Gặp lại “người xưa”
Mỗi ngày tôi theo đoàn đi cứu trợ quanh thành phố Huế chứ không đi xa. Một buổi chiều, trên đường về, tôi gặp lại cô học viên NHS năm xưa khi tôi còn thực tập ở khoa Sản; hình ảnh cô đó đã gắn liền với câu chuyện tiếu lâm trong mấy năm trước. Bây giờ cô thiếu nữ ngày nào tươi tắn ấy nay đã biến thành một người đàn bà mặt mày tiều tuỵ, trên tay bồng một đứa con nhỏ, và nàng đang đi ngược chiều với tôi. Tôi chận lại và hỏi thăm. Cô ta kể rằng cô đã bỏ học nữa chừng để đi lấy chồng, bấy giờ là một thiếu úy. Chồng cô tữ trận khi cô vừa sanh đứa con. Trong túi không mang theo tiền, tôi bèn mở xách thuốc ra, chọn cho cô ấy một vài loại thuốc như thuốc bổ, thuốc cảm cúm... Tôi an ủi cô và khuyên cô gìn giữ sức khoẻ để sống và nuôi con. Tôi xót xa cho thân phận nàng: xưa ngây thơ, xinh xắn, nay sầu não ủ ê; con thì dại mà đã mồ côi cha!
Về lại Saigon
Sau khi xong công tác cứu trợ, đoàn chúng tôi về lại Phủ Bài chờ máy bay quân sự về lại Saigon. Trong khi chờ đợi, chúng tôi thấy có một chiếc máy bay chở linh mục Cao Van Luận cũng sắp bayvề Saigon. Bấy giờ cha Luận đang là Chủ Tịch Ủy Ban Tái Thiết Cố Đô Huế. Người trưởng đoàn bèn xin với cha Luận cho đoàn cứu trợ được tháp tùng . Cha đồng ý. Chúng tôi lên phi cơ, cha Luận ngồi trước, cả đoàn ngồi đằng sau. Vừa cất cánh khoảng 15 phút thì máy bay thình lình đáp xuống lại phi trường. Viên phi công xin với cha Luận cho đổi máy bay khác, vì máy bay nầy có một động cơ bị hư. Thiệt hú hồn!
Sau Tết Mậu Thân, các quân trường xung quanh Saigon không an toàn, nên chúng tôi được đưa đi học quân sự tại trường Võ Bị Đà Lạt khoảng 1 tháng rưỡi, rồi lại về Saigon học hành chánh tại trường Quân Y.
Thầy đã ra người thiên cổ!
Sau khi học quân sự và hành chánh quân y cũng như đang chuẩn bị bắt đầu làm việc tại Tổng Y Viện Cọng Hòa, tôi nghe tin từ Huế là người ta đã tìm được những tử thi của các giáo sư Discher, Krainick và vợ và Alterkoster. Vài ngày sau chúng tôi được tập họp lại trong nhà nguyện nhỏ của Bệnh Viện Grall, để dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn những vị đó, trước khi những cổ áo quan của họ được chuyển về Đức chôn cất.
Chúng tôi ngậm ngùi, thương tiếc! Họ là những người vì tinh thần nhân đạo mà rời bỏ quê hương mình đến Việt Nam. GS Krainick chuyên về Nhi Khoa, lúc nào cũng điềm đạm, nhân hậu, các sinh viên đều xem như cha nên đã gọi ông là “bọ”khi đề cập đến ông. GS Discher hiền hòa, thân ái, chỉ vẻ tận tinh. Bà Krainick lúc nào cũng vui vẻ. BS Alterkoster còn trẻ trung yêu đời. Bây giờ, than ôi, tất cả đã nằm yên trong mấy tấm ván! Tôi nghe nói, lúc tìm ra các tử thi, họ đã bị trói chặt 2 tay, rồi bị bắn vào đầu. Thật là dã man kinh khủng! Tôi không hiểu tại sao có những người lại nhẫn tâm đến thế khi ra tay giết hại những GS YK, những người phụng sự cho mục đích nhân đạo. Các GS trên đã đóng góp nhiều công sức với trường ĐHYKH. Không thể nào có sự lầm lẫn giữa người Đức và người Mỹ, mà đó là chính sách khủng bố vô nhân đạo của những người mang tiếng là cách mạng.
Trước khi chia tay nhau về đơn vị mới, BS Thuận, người cùng khóa, đề nghị làm một bia tưởng niệm dựng ở trường YKH để tưởng nhớ đến các GS Đức đã hy sinh cho trường. Chúng tôi đã góp tiền và xây dựng một bia nằm cạnh trường.
Sau 30/ 4/75, tôi nghe nói tấm bia trên đã bị phá bỏ. Tôi cảm thấy thấm thía buồn. Người ta có thể phá bỏ tấm bia, nhưng làm sao xóa bỏ được hình ảnh những vị thầy đáng kính phục trong tâm trí mọi người, mọi sinh viên của những lớp đầu tiên. Đó là một chuyện ám ảnh tâm trí chúng tôi suốt đời.
Rủi mà may
Định mệnh nhiều khi bất ngờ. Sau khi Thầy Discher bị ám hại, đã có lúc tôi hồi tưởng lại cái thời tôi làm xét nghiệm máu cho luận án về giun sán…Giả sử như tôi không gặp trở ngại về tâm lý bệnh nhân, tôi đã phải về lại Huế để gặp thầy Discher sửa tập Luận Án vào thời gian đó, chắc gì tôi còn sống và biết đâu thân xác tôi sẽ mãi mãi nằm trên Suối Đá Mài hay ở khu 9 hầm! Có lẽ nhờ Ơn Trên che chở mà tôi đã thoát khỏi tình huống nghiệt ngã đó!
Thấm thoắt vậy mà đã hơn 40 năm trôi qua. Tôi quên sao được những ngày đầu còn xanh, tâm hồn còn trong trắng, cho đến ngày tôi ngỡ ngàng bước vào nghành Y, rồi biết bao kỷ niệm thân thương cùng bạn bè ban ngay đến lớp, ban đêm đi trực bệnh viện. Đến khi ra trường chúng tôi như đàn chim tung cánh, mang những mộng ước thật đẹp, thực hiện lời thề Hypocrate. Thế rồi, một cuộc đổi đời! Miền Nam VN rơi vào tay cọng sản. Anh em cùng một khóa như đàn chim tan tác, kẻ nằm xuống, người vào tù, người bỏ xứ đi tìm Tự Do, kẻ thì quay về phục vụ cho chế độ bất nhân.
Về sau trong những dịp họp mặt, chúng tôi gặp lại nhau nơi hải ngoại, thật là thân ái. Chỉ nhìn vào mắt nhau cũng đủ nhớ về những ngày vui buồn, lo âu trong các kỳ thi, những chọc phá lẫn nhau thủa còn đi học.
Bây giờ trường ĐHYK cũ tuy đã xa nửa vòng quả đất, nhưng có lúc trong tâm tưởng tôi bắt gặp lại hình ảnh của trường cũ, bạn xưa; lòng bồi hồi lại nhớ đến những ngày xưa đã trôi qua thật nhanh như bóng câu qua của sổ. Và chắc hẳn hình ảnh trường cũ, bạn xưa sẽ không bao giờ lạt phai trong tâm tưởng của mọi người.
Lê Bá Dũng
Y.K. Khóa I
Montclair, CA. 6/9/2005
|