THÁNG BA ĐEN! THÁNG TƯ ĐEN!

 
 


Tôn Thất Sang

Tuấn xem lại ổ đạn, cẩn thận đóng chốt an toàn của cây colt 45, xóc lại chiếc áo giáp nặng nề, kiểm soát mọi người, và sau đó chàng mới dìu vợ lên chiếc xe jeep nhà binh bây giờ đã quá đầy người. Vợ chàng đang mang thai đứa con đầu lòng được gần 6 tháng. Nhìn nàng bụng mang dạ chửa mà đất nước đang hồi dầu sôi lửa bỏng, bất giác Tuấn thở dài thương cảm!
Đà Nẵng đang ở vào cảnh hỗn loạn cùng cực của một bầy cá đủ loại đang bị lúng túng trong chiếc rọ khổng lồ. Ngoài đường, binh lính thuộc mọi quân binh chủng như rắn không đầu vì không có cấp chỉ huy, lang thang, hỗn loạn, vô trật tự. Có nơi đã xảy ra một vài vụ cướp! Bây giờ là ngày 29-3-75, ngày cuối cùng của thành phố lớn thứ hai của miền Nam trước khi lọt vào tay CS! Ðêm qua VC đã pháo kích phi trường Đà Nẵng, căn cứ Hải Quân Tiên Sa. Ðã có nhiều trái đạn lạc vào nhà dân ở Phước Tường và bãi biển Nam Thọ gây tử thương cho nhiều gia đình. Quân CS đang, vượt qua đèo Hải Vân trên đường tiến quân vào Đà Nẵng. Tuấn biết điều đó, nhưng lúc nào chàng cũng trọng trách nhiệm và muốn liên lạc chặt chẽ với đơn vị nên chàng vội vàng mang vợ và gia đình lên Liên đoàn Công Binh Chiến Ðấu đồn trú tại Hòa Khánh gần vùng biển Nam ô. Chàng đã cho tài xế nghỉ sáng nay để anh ta thu xếp gia đình.
Tuấn lái xa cẩn thận dọc đường Thống Nhất, gần đến ngã ba Cây Lan, chàng nghe tiếng đạn nổ giòn xen lẫn với nhiều tiếng la hét quát tháo. Nhìn về phía kho gạo ở phía trái, gần ngã ba vào Tổng Y Viện Duy Tân, Tuấn thấy dân chúng và lính tráng đông như kiến đang chen lấn giành nhau vào kho gạo mà cửa chính đã bị phá ra thật lớn. Thỉnh thoảng những tràng đạn chỉ thiên lại vang lên từng nhịp làm mái tôn như rung lên với những lỗ vở ra toang hoác ở mái. Cũng may là lính tráng chỉ bắn chỉ thiên để hù dọa nên không có ai bị thương! Tuấn thở dài, nhìn dân chúng và lính tráng đẩy từng xe cải tiến đầy gạo được chuyển từ kho ra. Chợt Tuấn cảm thấy chua xót khi thấy anh em binh sĩ, mới ngày nào đây là những chiến binh gan dạ, xông pha trận mạc, giữ gìn từng tất đất, không hề lùi bước trước quân thù. Nay, vì sự phản phúc bội ước của ngoại bang... vì sự bất tài của chóp bu và do sự ngã giá theo điệu con buôn của tập đoàn tư bản và tập đoàn CS quốc tế, đồng minh với Việt cọng,  mà miền Nam Việt Nam phải chịu muôn vàn đắng cay tủi nhục, hy sinh cả một quân đội hùng mạnh đứng vào hàng thứ tư trên thế giới! Tuấn chua xót nhìn anh em trong cảnh sẩy đàn tan nghé, đang tan ra từng mãng nhỏ, đang tự hủy dần vì cái ngu dốt của cấp lãnh đạo với quân lệnh “Di tản chiến thuật” cũng gần đồng nghĩa với “ Chưa đánh đã chạy”! Giờ đây, cấp chỉ huy không còn, vợ con ly tán, nhà cửa thất lạc nên anh em rất dễ bức xúc làm càng!
Giao thông như tắt nghẽn, vì hầu như dân chúng đều đỗ ra đường, lao xao như gà mất mẹ, kẻ xuôi, người ngược gọi nhau inh ỏi, hoang mang cùng cực. Dòng xe ngược chiều từ Hòa Khánh đổ về như khựng lại, trên trần xe, thúng mủng, nồi niêu xoong chảo, con nít, người lớn đeo la liệt. Họ nói trong vẻ hốt hoảng là CS đã vượt đèo Hải Vân, gần đến ngã ba Hòa Mỹ rồi, họ kêu gào, khóc lóc, tất cả đều mang vẻ hốt hoảng, hoang mang của ngày tận thế! Ðang miên man suy nghĩ, chợt Tuấn như chợt tỉnh vì tiếng ai gọi lớn:
-Bác sĩ, bác sĩ đi dâu đó?
Ðịnh thần nhìn lại, chàng thấy Trung Úy Thủy, phó ban Tài chánh Liên Ðoàn, đang nhảy vội xuống xe lam, đến bên Tuấn.
-Chào anh Thủy, đang định lên Liên Ðoàn đây, Tuấn trả lời.
Thủy cười như mếu,trách nhẹ:
-Cái ông này, Liên Ðoàn di tản lúc 2 giờ sáng hồi hôm rồi. Ðại tá Liên Ðoàn trưởng cùng đi với các đại đội trưởng Cầu Nổi, Cầu Ghép, Công Sự Nhẹ, Chỉ huy công vụ và Khai Quang rồi.
-Bằng phương tiện gì?-Tuấn hỏi.
-Lên phà do Ðại đội Cầu nổi và Cầu Ghép thiết kế. Tất cả lên pha, ra tàu lớn đậu ngoài vùng biển khơi Nam Ô. Thôi BS trở lại Đà Nẵng đi, VC về đến Nam Ô rồi. Tuấn cảm ơn Trung Úy Thủy và chúc anh bình an. Thủy chào chàng và vội vàng chạy đeo lại chiếc xe lam hồi nãy vẫn còn nhích tường bước như rùa bò. Ðó là lần cuối cùng chàng gặp Trung Uý Thủy!
Tuấn tìm cách trở xe lại. Chàng đi ngược lại phía đường Nguyễn Hoàng vì lối này tương đối ít người hơn. Nhìn sân Ga vắng ngắt chợt Tuấn có cảm giác rờn rợn. Một toán TQLC không có cấp chỉ huy đang từ sân ga tràn ra đường. Ðể ý Tuấn an lòng vì thấy họ không có vũ khí, tuy nhiên thấy anh nào cũng thủ tay trong áo trận, không biết trong ấy có lựu đạn hay không! Hai ba anh tiến đến xe Tuấn với thái độ hung hãn, toan chận lại, nhưng chàng bình tĩnh ứng xử nên không có gì đáng tiếc xảy ra. Nhìn các anh lính đằng đằng sát khí, mất trật tự, chàng thở dài tiên đoán rồi thành phố sẽ có những cảnh cướp giật xảy ra trong cảnh hỗn quan hỗn quân này!
Tuấn nhớ lai ba ngày trước: 26-3-75, cố đô Huế thân yêu của chàng cũng đã lọt vào tay Cộng quân, cũng do lệnh Di tản chiến thuật của từ chóp bu đưa xuống, lại thêm có vài chỉ huy trưởng thiếu trách nhiệm tìm cách chạy lấy thân, đem con bỏ chợ làm  cho nhiều binh đoàn bộ binh không có kế hoạch rút quân hoàn chỉnh đến nỗi tất cả các đơn vị hầu như đều rút về cửa Tư Hiền, kể cả các Tiểu Ðoàn TQLC 3, 4, 5, 7 , Tất cả đều tập trung quân ở một vị trí mà phía sau là mé biển Ðông, có lẽ các chỉ huy trưởng muốn bắt chước Hàn Tín lập “Bối Thủy Trận” để quân sĩ hết đường thoát mà chiến đấu đến cùng chăng?! Tuy nhiên cũng vì phơi mình ra khơi khơi không có vị trí che chở phòng vệ nên anh em binh sĩ đã bị thiệt mạng rất nhiều dưới những tràng đạn đại liên cũng như súng cối của CS! Tuấn cũng nghe những binh sĩ đã thoát được từ vùng biển chết ở cửa Tư Hiền từ Huế vào kể cho nghe những vụ bắn giết nhau trên chiếc hạm to lớn 801 giữa TQLC và bộ binh mà phần thiệt hại cho bộ binh rất nhiều. (Sau nầy khi đến Mỹ, đọc lại hồi ký “ Tháng ba gãy súng” của  Ðại Ðội phó đại đội 4, tiểu Ðoàn 4 TQLC - Cao Xuân Huy - kể lại những cảnh kinh hoàng trên bãi biển cửa Tư Hiền của những toán quân không còn cấp chỉ huy, cùng những cảnh  TQLC bắn người trên vận tải hạm 801 và những cảnh tự sát tập thể đầy oai hùng của anh em binh sĩ thề không quyết sa vào tay giặc, Tuấn không khỏi bùi ngùi thương cảm cho số phận những quân nhân của giờ thứ  25! )
Trở về nhà, ở tòa Ðặc Ủy Giám Sát vùng I ở  góc đường Ðộc Lập và Thống Nhất, Tuấn thay vội bộ quân phục. Nhìn Khu Giám Sát Viện với người đi kẽ ở vội vã, nét hooang mang hiện trên nét mặt mọi người, Tuấn thấy lòng như trùng xuống, hoang mang trước cảnh đổi thay của đất nước! Nhìn ra phía bờ sông Hàn, phía tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ, chàng thấy những cuộn khói đen mịt mù bay lên xen lẫn với những tiếng nổ nhỏ, chàng biết các nhân viên sở Mỹ đang hủy hồ sơ. Trên không hai chiếc trực thăng HU1B đang vần vũ tìm cách di tản những người Mỹ còn sót lại. Tự nhiên Tuấn cảm thấy một nỗi tức giận không kiềm chế được mà chàng ước gì có trong tay một khẩu đại liên thì -chàng cũng không ngại bắn vào một trong hai chiếc đó, rồi ra sao thì ra! Ðó là nổi tức giận đầy cảm tính của những người trong cuộc chơi bị kẻ đồng hành phản bội,  cuộc cờ chưa tàn mà đã vội hy sinh sĩ tốt, xe pháo của mình để chạy lấy thân, sống chết mặc bây! (Sau nầy khi ở tù trại Kỳ Sơn, Tuấn cũng đã nhiều lần hỏi cảm tưởng của các bạn tù từng phục vụ ở các đơn vị tác chiến. Chàng còn nhờ Ðại Úy Giản, đại Ðội trưởng đại đội dù đóng ở cầu Phan Thanh Giản cũng đã tức giận trả lời là anh suýt ra lệnh xạ thủ đại liên bắn vào các trực thăng Mỹ đang tìm cách di tản những người Mỹ và những ông to bà lớn trên các cao ốc gần đó, tuy nhiên anh đã kìm hàm kịp thời nên cuối cũng không có việc gì đáng tiết xảy ra). Lần hồi, chàng hiểu ra rằng kết quả của cuộc chiến Việt Nam chỉ là hệ quả của cuộc mua bán đổi chác vì quyền lợi của tập đoàn Tư Bản và của tập đoàn phù thủy Cộng Sản quốc tế mà CS Việt Nam cũng chỉ là một thành viên, một con cờ mà thôi!
Tuấn chua xót, nhìn vợ, bụng mang dạ chửa đang loay hoay lôi hết những bộ quân phục của chàng đem ra đốt, nàng cũng cẩn thận đem luôn tất cả giấy tờ, hình ảnh kỷ niệm trong thời quân ngũ! Chàng chợt nực cười khi thấy nàng loay hoay cố đốt cháy cho hết những hình Playboy hấp dẫn mà chàng đã có công cất giấu trong hộc tủ từ bấy lâu nay. Vừa đốt, nàng vừa phì cười đay nghiến:
-Bọn VC vào mà thấy những hình yêu quỉ nầy thì chúng cho ở tù mút mùa!
Tuấn chợt vui vẻ bảo vợ:
-Em đừng lo, bọn VC mà thấy những của nợ nầy thì chúng sẽ thu dấu để đêm tối đem ra xem cho sướng mắt mà trầm trồ : “sao cái món gì của Tư Bản cũng to và thơm thế!”
Vợ chàng lại cằn nhằn:
-Anh còn lưu những thư từ gì nữa không? anh có những chỗ cất giấu bí mật mà buổi nay em mới biết!
Trong khoảng khắc chàng chợt khám phá ra rằng lòng ghen tuông của đàn bà nhiều khi lại đáng sợ hơn Việt Cọng nữa! và chàng cảm thấy may mắn là trước đó đã đốt kịp những bức thư tình của những người “tình lỡ” trước khi nàng lục đến, nên vô tình tránh được những màng vấn đáp đến “nhức xương”!
Nhìn ngọn lửa tàn lụi dần, Tuấn có cảm giác chua xót như cuộc đời bình yên của chàng, gia đình chàng, Tổ Quốc chàng rồi cũng phôi pha dần theo năm tháng dưới chế độ hà khắc của CS; và quãng đường tiếp theo, chỉ là những cơn bão tố phũ phàng...
Chàng nhớ lại, mới vài tháng trước đây, chàng và vợ đã xem phim “Docteur Jivago” ở rạp Kim Châu ở đường Ðộc Lập. Chàng cảm thương cho số phận người Bác Sĩ không may, đã sinh ra trong thời nhiễu nhương bị Cộng Sản cướp chính quyền, ăn không đủ no, lạnh không đủ cũi để sưởi ấm đến nỗi phải đi tìm, đánh cắp những khung cửa sổ để làm cũi, nhóm lửa. Chàng đã ghê sợ những trại tập trung lao động khổ sai dưới cái lạnh cắt người của vùng Tây Bá Lợi Á... Chàng cũng thương cho mối tình lãng mạng của Lara và Jivago và nhất là bài tình ca bất hủ “ Chanson de Lara” mà cũng là bản nhạc nền cho phim... Chàng nhớ sau khi xem cuốn phim xong, có nhiều người đã khóc, chàng nhìn lên đôi mắt vợ, thấy long lanh. Tuấn xúc động, hỏi nhỏ:
-Nếu lỡ mai sau miền Nam cũng chịu cảnh VC xâm chiếm thì em có sợ không?
-Nàng rùng  mình nắm chặt tay chàng nói nhỏ hơn:
-Ðừng nói gở anh, em sợ lắm!
Trong mơ hồ, chàng chợt có linh cảm rồi cuộc đời mình sau nầy cũng sẽ có những nỗi khổ tương đồng với Jivago!
Tiếng kêu của con mèo Luna làm Tuấn trở về thực tại. Vợ chàng vội vàng trộn đồ ăn cho cả bầy bảy con mèo của chàng. Nhìn nàng đang trìu mến vuốt ve từng con vừa khóc vừa nói nhỏ với chúng những lời từ giã, lòng Tuấn như se thắt lại. Chàng biết rồi đây vợ chàng và chàng sẽ vĩnh biệt bầy mèo cưng yêu quí này, vì ngay cả số phận của cả hai người cũng chưa biết trôi dạt nơi nao trong khi từng binh đoàn VC đang ồ ạt tiến vào thành phố!
Bầy mèo là niềm yêu thương của cả hai người. Vợ chàng  đặt cho mỗi đứa một tên: Luna -con mèo mẹ dịu hiền hai màu đen trắng, lông mướt như nhung- là thủy tổ của bầy mèo mà nàng đang nuôi, mang trên cỗ chiếc ribbon màu đỏ. Kế đó là Nu, Ni,Bi, Bốp, Lu, La. Sáu con sau nầy đực cái đều có và đủ màu kể cả tam thể. Theo thứ tự đẻ trước sau, nàng đeo ribbon có các màu cam. vàng, xanh, lam, chàm, tím theo hiện tượng tán sắc bảy màu của mống trời, tượng trưng cho niềm vui và hạnh phúc. Bầy mèo là niềm thương nổi nhớ, là niềm kiêu hãnh là nguồn vui của cả hai người; thế mà giờ đây nàng sắp phải xa lìa chúng; còn nỗi khổ nào hơn! Không dừng được, Tuấn cũng vội ôm lấy con Bốp, con mèo đực to nhất, hai màu đen trắng mà chàng thương mến nhất vì nó có đôi nét giống chàng là có rất nhiều đào! Nó vội dụi đầu vào má chàng cất tiếng rù nho nhỏ nũng nịu, tự nhiên Tuấn thấy mình muốn khóc...
Những nhà trong khu Giám sát viện cũng đã trống vắng nhiều. Nhìn những đống tro tàn còn ngún lửa, chàng thấy hình như trong những sợi khói mỏng manh đó còn vấn vương ấm áp tâm sự của những kỷ niệm vàng son  mới ngày nào, những kỷ niệm mà chàng biết sau nầy khó có thể mà gặp lại  một khi đã bị cai trị dưới chế độ CS!
Khoảng quá trưa thì VC xuất hiện ở dường Thống Nhất, họ di chuyển bằng xe Molotova còn mang cả cành lá ngụy trang đã khô héo. Dòng xe di chuyển chậm, những cán binh còn quá nhỏ ngồi hai bên thành xe ôm súng ở tư thế chiến đấu. Ðoàn xe đi chậm như diễn hành . Nét mặt họ còn mang nặng nỗi nhọc mệt và hoang mang ngạc nhiên trước cảnh bỏ ngõ và sự thịnh vượng giàu sang của thành phố. Chính họ cũng không tưởng cái chiến thắng không ngờ của họ thật ra đã được dàn xếp từ những tập đoàn tư bản chóp bu, những tay lái buôn súng đạn, đã buôn bán ngay cả thân xác của những đồng đội mình, cuốn theo vòng quỹ đạo của tập đoàn CS quốc tế, hy sinh thân xác của các đồng chí ngây thơ - sinh Bắc tử Nam - kích thích thuyết “chuyên chính vô sản” bằng bạo lực! Chúng đã huỷ diệt nhân mạng cả mấy triệu đồng bào cả hai miền và ngay cả sinh mạng các cán binh còn vương nét thơ ngây! Chúng quyết tâm củng cố cho được quyền lực của đảng và của chính mình bằng cái triết thuyết Cọng Sản tàn bạo, phi quốc gia và không tưởng của chúng!
Tháng Ba 75 là tháng thọ đại nạn của miền Trung!!! Khởi đầu là sự thất thủ Ban Mê Thuộc kể từ sáng ngày 11-3-75 do sự đánh giá quờ quạng của viên tư lệnh chiến trường không biết đâu là điểm, đâu là diện, cuối cùng đã trúng kế dương đông kích tây của địch!
Quyết định Cam Ranh đơn phương của Nguyễn văn Thiệu vào ngày 14-3-75 cho cuộc triệt thoái Cao nguyên, rút bỏ Quân Ðoàn II và mặc cho số phận của hơn 100.000 dân hai tỉnh Pleiku, Kontum và gia đình binh sĩ, là một ván bài thấu cáy với chính quyền Mỹ để mong vớt lại viện trợ. Than ôi ván bài xả láng đã thua hết vốn! Lệnh bỏ Quân Ðoàn II đã gây nên hậu quả dây chuyền , rối loạn quân tình và làm sụp đổ theo cả những Quân Ðoàn còn lại  và cuối cùng toàn miền Nam  đã rơi vào tay CS!
Ngày 17-3-75 rút bỏ Quân Ðoàn II cũng là ngày Trung Ðoàn 53 Bộ Binh bị tràn ngập vị trí phòng thủ ở Phước An sau hơn một tuần chiến đấu cô đơn! Họ đóng chốt tử thủ và đã hy sinh đến người lính cuối cùng - chữ Tử Thủ đúng nghĩa của những Anh Hùng, da ngựa bọc thây- chứ không phải từ miệng của những viên tướng điếm đàng, miệng hô tử thủ trong khi một chân đã ở trên sàn máy bay!!
Ngày 26-3-75, lệnh “Di tản chiến thuật” tiếp theo làm mất tiêu xứ Huế ngàn năm văn vật và cũng đã làm thiệt mạng không biết bao nhiêu quân và dân trên đoạn đường vượt thoát bằng đường biển từ Thuận An, Tư Hiền (nhất là Tư Hiền ) vào Danang!
Danang mất vào ngày 29-3-75, cái thế môi hở răng lạnh đương nhiên khi Huế đã không còn nữa!
Saigon và toàn miền Nam có tháng Tư đen, riêng miền Trung có tháng Ba đen. Ba đen, Tư đen hay Năm đen nói chung là nỗi nhục mất nước của con dân chúng ta. Chúng ta không cần ai giải phóng, chúng ta chỉ muốn có Hòa Bình, Ðộc Lập và nhất là phải có Tự Do trên mọi lãnh vực…
Hôm nay, ngoảnh nhìn lại cũng đã qua hơn 30 rồi tháng Ba đen, Tư đen!
CS nói quê hương đổi mới đã nhiều. Thế nhưng chỉ đổi mới cái võ bên ngoài của một vài thành phố, có cao ốc hào nhoáng hơn, có khách sạn lộng lẫy hơn, có khiêu vũ trường rộn rịp hơn...Tuy nhiên "xét vấn đề đừng nên xét hiện tượng mà phải xét bản chất". Khách sạn, vũ trường chỉ là những "hiện tượng" dễ làm mọi người võ đoán!, “bản chất” là ở đoàn hành khất phải lìa bỏ xứ lên Saigon và các thành phố lớn kiếm ăn, bản chất là ở dân chúng giàu nghèo càng ngày càng cách biệt; tư bản đỏ sống như đế vương, trong lúc đám dân đen còn quá lầm than khổ cực, cơm độn ăn không đủ no! Nạn buông hương bán phấn lan tràn khắp mơi nơi, bản chất là xuất cảng các em gái ngây thơ qua các nước làm nô lệ tình dục để kiếm ngoại tệ, bản chất là đem giang sơn hoa gấm dâng cho tàu cọng để mua bả vinh hoa, củng cố thế lực đảng để cai trị được trường tồn… vân vân và vân vân..
Ðó mới là bản chất, mới là “cốt lõi” của vấn đề..!
Cầu xin ơn trên gia hộ cho Dân tộc Việt Nam chóng hưởng được những gì Tự Do và Hạnh Phúc dù chỉ trong giới hạn tối thiểu nhất!

Tôn Thất Sang.

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved