Chuyện thơ mùa Thu ở California

 
 

   Cám ơn anh Chánh rất nhiều trong thời gian qua đã đưa anh em Y Khoa Huế lại gần nhau. Những họp mặt, trao đổi, chuyện trò.  Những “Vui mà không quá lố, buồn mà không bi ai.” Những giây phút đó đã đem lại cho anh em hy vọng và niềm vui mới nơi đất khách quê người.

Thiết nghĩ. Ngoài tình yêu và thân phận con người đầy giông bảo, có mấy ai thoát khỏi sự cô đơn, ngay cả với chính nội tâm mình? Nhưng có cơ hội để những bức xúc ấy tuôn trào tự do, là cả một trời khác biệt. Chỉ có tình thân hửu thật sự, không so đo toan tính, không gò bó bởi cái hệ lụy bên ngoài mới kiến tạo được điều đó.

Thân gởi anh và các “bạn trẻ”  bài thơ Tân hình thức (New Formalism Poetry). Cùng lời giới thiệu của nhà thơ Khế Iêm (Blank Verse) .  Thơ gần gủi, sờ nắm được bên cạnh mình. Như ngôn ngử hằng ngày thân thuộc. Như những viên aspirin khi nhức đầu nóng sốt. Như mùa thu nhẹ nhàng đến tự khi nào không hay…

Đôi lời giới thiệu về nhà thơ Khế Iêm:

Khế Iêm tên thật là Lê Văn Đức, sinh năm 1946 tại Nam Định. Du hoc tại Pháp trước 1975 sau đó tái định cư tại Hoa Kỳ. Ông là chủ biên Tạp Chí Thơ từ 1994-2004 tại California. Nhiều bài thơ của ông đã được dịch sang Anh ngử và xuất hiện trên Xconnect (volume lll, Issue ll), Literary Review (Winter 2000), The Writers Post. Các tác phẩm được xuất bản như Hột Huyết (Blood Seed) 1972, Thanh Xuân (Youth) 1992, Dấu Quê (Vestiges of the Homeland) 1996, Thời của quá khứ (A time of past) 1996, Tân Hình Thức, Tứ Khúc, và nhiều tiểu luận khác 2003. Bài viết Thơ Tân Hình Thức sau đây đã được xuất bản trong tuyển tập Thơ Không Vần (Blank Verse) giới thiệu một cái nhìn mới về Thơ trong văn học Việt Nam Hải Ngoại.

TÂN HÌNH THỨC BƯỚC RA TỪ  NỀN VĂN HỌC SUY TÀN

Với hai yếu tố đơn giản, vắt dòng và kỹ thuật lập lại, thơ Tân hình thức Việt chuyển mọi thể thơ có vần như 5, 7, 8 chữ, lục bát thành những thể thơ không vần. Chỉ như thế thôi cũng đã là cuộc cách mạng then chốt của một nền thơ. Cũng nên nhắc lại, thơ không vần là thể thơ của thơ tiếng Anh, được tiếp nhận bởi những nền thơ khác, cùng ngôn ngữ trọng âm, như Đức và Nga... Vì thế đây là thể thơ mang tầm quốc tế và là thể thơ mạnh nhất qua nhiều thế kỷ, với tên tuổi thiên tài của nhiều đất nước. Nhưng tại sao phải chuyển qua không vần, trong khi thơ có vần đã là những thể thơ truyền thống của thơ Việt, với những nhà thơ tài danh?

Vào thời đại Internet, nhu cầu tiếp thu và am hiểu lẫn nhau càng lúc càng cao, thơ phải thoát ra khỏi cái ao tù ngôn ngữ để hoàn tất chức năng rộng lớn hơn, tạo sự cảm thông giữa các nền văn hóa. Với cơ chế thơ vần, người làm thơ bận tâm tìm chữ, tìm vần để đạt tới cái hay của ngôn ngữ nên không có mục đích chuyển tải tư tưởng và đời sống. Ngay cả thơ tự do cũng khó hiểu vì ý tưởng rời rạc, rơi vào trò chơi tìm chữ hiếm, chữ lạ. Vì thế khi chuyển dịch, người đọc không phải ngôn ngữ Việt không hiểu bài thơ muốn nói gì, hoặc không thấy có gì trong đó. Cuối cùng thơ hoặc những dạng văn học nặng về tu từ chỉ để thưởng thức riêng cho một bộ tộc, cùng ngôn ngữ và văn hóa. Vả lại, ở một thời đại mà mọi sự thay đổi nhanh đến chóng mặt, làm sao một nền tảng mỹ học hàng thế kỷ còn thích hợp được với thời gian? Ngay sự khác biệt giữa các thế hệ cũng được tính theo chu kỳ ngắn nhất. Chỉ cần 5 năm sau từ nước ngoài về thăm quê hương, người Việt đã không còn nhận ra bề mặt xã hội trước đó. Văn học cả trong lẫn ngoài đã không còn bắt kịp với đời sống xã hội, hoặc bất động, hoặc suy tàn.

Nền văn học hải ngoại được hình thành vững chắc và sôi động có lẽ vào khoảng đầu thập niên 1980, sau những năm ổn định đời sống và quần tụ được với nhau thành những cộng đồng hải ngoại ở khắp nơi trên thế giới. Nền văn học đó bao gồm những khuôn mặt tên tuổi của miền Nam trước 1975, những khuôn mặt mới trưởng thành sau 1975, với thành phần vượt biên và định cư theo diện tỵ nạn hoặc di dân, và thành phần trẻ hơn một chút, ra khỏi nước vừa đến tuổi trưởng thành, còn tiếng Việt đủ để hình thành một lớp nhà văn trẻ mới. Có lẽ vì vậy mà nền văn học hải ngoại còn được gọi là nền văn học miền Nam kéo dài. Bởi tên tuổi chính cho nền văn học này là những nhà văn nhà thơ đã nổi danh ở miền Nam trước đây. Cách biểu hiện vẫn như cũ chỉ khác nội dung, nói lên tâm trạng hoài niệm về một đất nước gặp cơn ly tán. Nhưng đến cuối thập niên thì nền văn học đó rơi vào bế tắc. Đến đầu thập niên 1990, hai nguồn tiếp sức cho văn học hải ngoại từ trong nước là phong trào văn học Đổi Mới, tập trung nơi tờ Hợp Lưu, và dòng thơ ngoài luồng chính, còn được gọi là Thơ Trẻ, tập trung nơi Tạp chí Thơ. Văn học hải ngoại trở thành cái nôi, lôi cuốn sự chú ý ở cả trong lẫn ngoài nước. Nếu tính như thế thì nền văn học đó đã có một chiều dài trên 20 năm, và là một nền văn học khá đặc biệt và sung sức. Nhưng chu kỳ của một nền văn học thường kéo dài khoảng 10 năm, rồi bắt đầu chuyển qua một thời kỳ khác, hoặc sẽ được tiếp nối bởi một thế hệ sau. Những khuôn mặt chủ yếu của nền văn học tiếng Việt ở hải ngoại, bây giờ đã mệt mỏi sau hai thập niên, không còn khả năng tiếp nhận thêm điều gì mới. Ngay thế hệ những nhà văn Đổi Mới và những nhà thơ trong phong trào Thơ Trẻ (đến nay đã không còn trẻ nữa) trong nước cũng không còn sáng tác, và nếu có thì cũng đã lạc điệu. Không ai có thể kéo dài quá khứ, không ai có thể kéo dài thời gian. Một nền văn học đã hết sinh khí của nó và đang đi vào thời suy tàn.

Dấu hiệu suy tàn của nền văn học hải ngoại đã thấy rõ. Những tác giả nổi tiếng ở thập niên 1980 và1990 đa số đã không còn sáng tác, hoặc cầm chừng, hoặc lập lại những gì đã viết. Những tạp chí văn học số người đọc ít dần. Nhưng có lẽ, qua sinh hoạt, nếu tinh ý chúng ta sẽ nhận ra, một số nhà văn nhà thơ đang tìm cách mang tác phẩm của mình về nước in ấn, để tìm kiếm người đọc mới. Vì nền văn học trong nước vẫn còn dưới sự kiểm soát của quyền lực nhà nước nên muốn in lại tác phẩm và có tiếng vang, phải được sự công nhận của nhà nước. Điều nghịch lý, thời thế và xã hội đã đổi thay. Một thế hệ mới trưởng thành ở trong nước sau thời mở cửa, có những tâm tư khác hẳn thế hệ trong thời chiến tranh. Ngay chính những tác phẩm của thời Đổi Mới họ cũng không còn đọc nổi. Mỗi thế hệ có một nền văn học để nói lên tâm tư tình cảm của họ. Không một thế hệ nào muốn một thế hệ khác làm giùm cho mình một nền văn học. Vì thế những tác phẩm ở hải ngoại mang về trong nước in ấn, không những thế hệ sau mà ngay thế hệ đồng thời với họ, cũng không mấy ai chia sẻ, vì khác biệt về chính kiến, về hoàn cảnh trong thời chiến tranh chia cắt.

Nhưng không phải ai cũng được nhà nước chọn cho trở về. Nền văn học hải ngoại chạy theo sinh hoạt, trở thành cái bung xung của chính trị. Một số cá nhân khai thác những sơ sót nhỏ nhặt của người khác để gây sự chú ý, biến sinh hoạt văn học mang tính khách quan, vô tư thành một đấu trường. Trong lúc đa số, khi không còn sáng tác nữa, họ quay về với đời sống bình thường, coi nền văn học đó như một giấc mộng thoáng qua. Đó là một trong những nét đẹp của nền văn học hải ngoại. Thật ra để hóa giải trò hỏa mù này cũng không khó, nếu chúng ta nhận ra rằng sơ sót là một phần đời sống, như trong âm có dương, trong cái hay có cái dở, trong hỗn mang ẩn chứa những yếu tố trật tự. Sơ sót đến với ta hàng ngày hàng giờ, theo ta đến hết cuộc đời, và làm chúng ta thực sự hiện hữu (1). Nếu chấp nhận, nó sẽ làm chúng ta lớn lên, nếu sợ hãi, nó sẽ làm chúng ta nhỏ lại. Như vậy thì cũng chẳng cần phải hóa giải, vì nó đã là một phần trong cuộc sống. Chúng ta chỉ trở thành lớn lao nếu dám ôm lấy mọi cái xấu, cái ác cũng như cái thiện của đời. Nhà văn Trung hoa Lâm Ngữ Đường so sánh: “Một viên chủ bút Mỹ lo đến bạc đầu vì không muốn thấy một lỗi in nào trong tạp chí của ông. Viên chủ bút Trung hoa khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra ít nhiều lỗi trên báo.”  (2)

Vả chăng ngôn ngữ, là một phương tiện tương đối, luôn luôn biến đổi, thì những ý tưởng mà nó chuyên chở cũng không bao giờ đúng thực. Và khi chấp vào văn tự, chấp vào ngôn ngữ, chấp vào đúng sai thì chính chúng ta mới thật sự rơi vào sai lầm. Làm sao chúng ta hiểu được thơ, hiểu được văn học? Nhìn suốt thế kỷ 20 ở phương Tây, những phong trào tiền phong, cuối cùng thơ văn chỉ là một trò chơi ngôn ngữ và ý tưởng, và hội họa là trò chơi màu sắc và đường nét. Khi đã nói là một trò chơi thì có gì là ghê gớm. Những gì được gọi là cao siêu thì nay cũng chỉ còn là một cách nói. Quan niệm “làm mới” (make it new) như kim chỉ nam suốt thế kỷ, chẳng qua là tìm mọi cách, qua chữ, chuyên chở những ý tưởng kỳ dị làm kinh ngạc người đọc. Nhưng bây giờ thì văn chương đã mất phép màu của nó, chẳng còn khả năng làm kinh ngạc ai, mà chỉ phơi bày sự kênh kiệu và nhàm chán. Không có cách nào khác, người nghệ sĩ phải trở về chứng thực tài năng, làm sao cho người đọc phải đọc tác phẩm của họ.

Cũng như Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc và Sáng Tạo ở miền Nam thập niên 1960, Văn học Hải ngoại là hồ sơ đang khép lại để chờ những nghiên cứu của những nhà nghiên cứu văn học. Những cái hay, cái dở, những khuyết điểm và ưu điểm sẽ được lọc ra một cách công bình. Nhưng lý do chính của sự suy tàn là nền văn học này không có thế hệ kế thừa. Quay nhìn lại sau 30 năm, một thế hệ rất trẻ nay đã trưởng thành. Đây chính là thời kỳ sung mãn trong sáng tạo, khi họ vừa bước khỏi ngưỡng cửa học đường với những trang bị về kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ nhất. Nếu trong một xã hội bình thường thì chính họ đang bắt đầu một giai đoạn mới của văn học. Nhưng họ lại đang sáng tác bằng ngôn ngữ nơi đất nước họ sinh ra và lớn lên, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức... vì đó là ngôn ngữ của họ. Họ là một thế hệ bị bứt rễ và không còn thuộc vào nền văn học Việt. Nhưng để sáng tác, họ phải đi tìm bản sắc và nguồn cội văn hóa của chính họ để làm chất liệu. Đó là sợi chỉ mờ nhạt liên hệ giữa họ và văn học hải ngoại, giúp chúng ta giải quyết sự khủng khoảng suy tàn hiện nay. 

Để kéo họ trở lại, chúng ta cần có phương tiện để tạo sự cảm thông và làm gạch nối giữa những thế hệ có cùng một nền văn hóa, nhưng lại viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cả ở trong lẫn ngoài nước.  Phương tiện đó là thể thơ không vần của Tân hình thức. Chúng ta lại cần tới một thế hệ bản lề, sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại từ lúc rất nhỏ, còn tiếng Việt và có khả năng tiếng Anh tự nhiên, làm công việc chuyển dịch. (Bởi vì khi chuyển dịch, được ý thì mất lời. Cái hay của lời bị mất nhưng còn cái ý, nên cần có ngôn ngữ tự nhiên của người dịch để cứu vớt cái hay của lời.) Nếu với hai yếu tố đơn giản, vắt dòng và kỹ thuật lập lại, chúng ta chuyển các thể thơ có vần thành không vần; thì với hai yếu tố, thơ không vần và nhân sự chuyển dịch, lại một lần nữa, chúng ta bắt được một tầm nhìn mới, đưa thơ Việt ra khỏi cái tù túng của ngôn ngữ. Như vậy, trong khi đi tìm kiếm cái hay mới (dĩ nhiên phải hy sinh cái hay cũ), chúng ta nắm được chiếc chìa khóa, mở cánh cửa và bước ra khỏi nền văn học đang suy tàn. Khi bị thúc đẩy tạo sự cảm thông giữa nhiều thế hệ với nhau, chúng ta nhận được những lực hổ tương mới. Một đằng được kích thích bởi những nhà văn Việt  thành công ở nước ngoài, như Linda Lê (trở thành nhà văn nổi tiếng của Pháp). Những nhà văn trẻ trong nước chắc chắn mong muốn được đọc Linda Lê, đồng thời họ cũng muốn Linda Lê đọc họ. Chính lực hổ tương đó là động lực mạnh mẽ để thể thơ Tân hình thức chắp thêm cánh, đưa thơ Việt tới một chân trời khác.

Qua những nhận xét trên, không phải chúng ta cho rằng thơ vần điệu và tự do Việt đã lỗi thời. Mỗi thời đại gồm có nhiều thế hệ sống chung với nhau, nhưng mỗi thế hệ lại có cung cách biểu hiện khác nhau. Trong đó, thơ Tân hình  thức đáp ứng cho một thế hệ mới nhất. Và dĩ nhiên nó phải đáp ứng được những điều kiện phù hợp với thời đại của nó. Vì thơ Tân hình thức chỉ là một thể thơ, một hình thức diễn đạt, nên vượt qua được sự hạn chế nội dung của từng nền văn học, từng thế hệ và thời đại. Hình thức là phương tiện nối kết giữa các thế hệ với nhau. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, nó còn phải có khả năng đưa thơ Việt thoát ra khỏi những giới hạn của ngôn ngữ, để có được tiếng nói ngoài thế giới.3 Thơ tân hình thức kết hợp của nhiều kinh nghiệm, giữa thơ vần và thơ tự do, giữa ngôn ngữ và thơ tiếng Anh và tiếng Việt. Cũng như lục bát, thơ Tân hình thức dễ làm mà khó hay, có khả năng biến hóa và đẩy tới tùy theo tài năng của người làm thơ.

Đặc điểm của thơ Tân hình thức là dễ hiểu nhờ tính truyện, cùng với sự mạnh mẽ và liền lạc của ý tưởng. Ngôn ngữ trong thơ là ngôn ngữ đời thường, giản dị, trong sáng và chính xác, chuyên chở được tâm tư tình cảm có thực từ đời sống, nên dễ chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, và lôi cuốn người đọc nước ngoài. Đó là ưu điểm không thể loại thơ nào có được. Không chỉ vậy, người đọc không thể tách riêng một cá nhân nhà thơ hay một bài thơ ra để chê hay khen, vì tất cả là tập hợp của rất nhiều giọng điệu, nhiều tâm tư, nhiều cách diễn đạt khác nhau của một tập thể duy nhất là thơ Tân hình thức. Tên tác giả hay dịch giả cũng mờ nhạt trước sự chuyển động rầm rầm của những bước chân của đoàn lữ hành mới. Có lẽ vì thế mà nhiều người quen cách đọc thơ cũ không nhìn thấy cái hay của nó, phản ứng lại vì bị choáng ngợp bởi cái hùng tâm của phong trào.

Trong khi cái hay của thơ vần và thơ tự do Việt nằm nơi tài năng người làm thơ, tùy theo cách chọn chữ chọn lời, dàn dựng âm thanh của ngôn ngữ, sao cho khi đọc lên nghe cho du dương hoặc khác lạ. Chữ gợi nơi người đọc hình ảnh và cảm xúc, và người đọc cảm nhận được cái hay của từng lời từng chữ, nương theo cảm khoái để buông rơi vào trạng thái mơ hồ. Ý nghĩa của bài thơ nằm trong tính chất mông lung, không rõ nghĩa, và người đọc có toàn quyền suy diễn theo cách của mình, nhưng phải hiểu rằng không có ý nghĩa nào là đúng thật. Cái hay của thơ không nằm nơi ý nghĩa mà nằm nơi hình ảnh và tính gợi cảm của ngôn từ. Cách làm thơ hoàn toàn dựa theo quan niệm thẩm mỹ, ý ở ngoài lời. Mỗi dòng thơ vì vậy có cái hay riêng. Không thể dùng cách đọc của dòng thơ  này áp dụng vào dòng thơ khác. Đọc như thế thì chỉ thấy cái dở chứ không bao giờ thấy được cái hay của thơ.

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế, với khoảng hơn 1 triệu người Việt rải rác khắp các tiểu bang, so sánh với 300 triệu dân số Mỹ, chắc chắn không ai có thể tìm thấy sắc dân Việt trên bản đồ Mỹ. Nhưng sắc dân đó lại quá nổi tiếng nhờ chiến tranh Việt nam và cuộc vượt biển thương đau do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Nền văn học hải ngoại, thoát thai từ đó, là một trường hợp khác thường, luôn luôn bị ám ảnh bởi bóng ma chiến tranh, pha trộn giữa chính trị và văn học. Chúng ta cũng cần ghi nhận, với lớp di dân thứ nhất, viết bằng tiếng việt, thì các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Đức... chỉ là ngôn ngữ thứ hai, vừa đủ để tiếp nhận thông tin và sinh hoạt. Vì không phải là tiếng mẹ đẻ nên không thể vượt qua những lỗ hổng văn hóa, khó có thể hội nhập, rung cảm và am hiểu thật sự văn học và học thuật phương Tây.

Hơn nữa, là một cộng đồng di dân và tỵ nạn, có khuynh hướng bảo tồn văn hóa nên không có những thách thức nồng cháy, cọ sát với nền văn hóa khác và phát huy văn học. Để thể hiện đầy ắp những tình tự mang theo từ quê hương cũ, những người viết của nền văn học này, trong suốt hơn 20 năm, cũng chỉ cần tới những thể thơ và phương pháp cũ. Bởi cách diễn đạt mới luôn luôn kéo theo những nội dung mới. Và ngược lại, khi nào cần diễn đạt những nội dung mới, chúng ta mới có nhu cầu tìm kiếm những hình thức mới. Tân hình thức có lẽ là trường hợp duy nhất rút tỉa được từ những phân tích, suy nghiệm về ngôn ngữ và thơ tiếng Anh có bài bản, và áp dụng vào thơ Việt. Tân hình thức còn nối kết được với thế hệ thứ hai ở hải ngoại, đưa thơ và văn học ra khỏi tính chất làng thôn, nhập vào cuộc chơi với những nền văn học khác. Đó chính là con đường sáng của thơ Việt, và Tân hình thức chẳng phải đang tự tạo cho nó và nền văn học Việt một phong cách lớn đó sao?

(1) Bức tranh Guernica của nhà danh họa bậc thầy Picasso từng bị chê là: “một mớ lộn xộn những bộ phận cơ thể mà bất cứ một đứa trẻ 4 tuổi nào cũng có thể vẽ.” Nhưng có lẽ chính những nét vẽ vụng về đó lại tạo nên cảm xúc thật cho người xem, và bức tranh đã trở thành một tác phẩm lớn của thế kỷ. Toàn bích, điêu luyện, trau chuốt quá có khi lại giả tạo, phải có một chút vô tình vụng về, sai sót mới thật được.

(2). Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang), Một quan niệm sống đẹp, (The Importance of Living) do Nguyễn Hiến Lê lược dịch.

NGUYỆT

Em mong manh như liễu rũ, ngày
trôi qua, và năm tháng trôi qua…
nhưng sao em không trôi đi. Những

tưởng tất bật cuộc đời, sẽ làm
mờ đi nụ cười em, xa lắc. Vậy
mà không em ơi, trăng cùng nguyệt

tận, trăng nửa vầng, nụ cười em
nửa miệng. Trăng tròn nhớ ngực em
thanh tân. Trăng rất tròn, em ơi,

rất tròn trong trí tưởng..

 ________________________________________________________________________
Nguyển Phước Bảo Tiên

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved