THI CỬ THỜI TRƯỚC

 
 

Tôn Thất Sang

Nhân diện bật tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong

...bóng người đẹp bây giờ không biết ở nơi nao
Chỉ thấy hoa đào năm trước còn cười cợt với gió đông...
Cứ mỗi lần nhớ lại bài cổ thi của Thôi Hiệu, Điệp lại thấy lòng bâng khuâng, nghe chừng cái giá buốt của mùa đông như ấm lại, Tết đã gần kề, một mùa xuân nữa lại đến, nhưng mỗi ngày tuổi đời lại chồng chất.  Bạch câu quá khích, thời gian như bóng ngựa trắng vút qua khe cửa!
Tần ngần nhìn gương soi đã thấy đôi mắt rộn dấu chân chim, khóe miệng đã kéo dài thêm ra, mái tóc đã nhuộm muối tiêu, gốc râu đã lắm sợi bạc. Lưng đã cảm nhận được trước được sự đổi thay của thời tiết, đau như dần mỗi khi trái gió trở trời! Gặp chúng bạn cùng lứa, đã thì thầm hỏi nhau toa thuốc bí truyền của vua Minh Mạng Nhất dạ ngũ giao, sinh lục tử.

Điệp bâng khuâng nhớ lại, đã qua bao nhiêu lần rồi, hoa mai vàng lại rộn nỡ trước sân nhà, làm rực sáng cả một góc, phía có hòn non bộ rêu phong cổ kính với bốn lão Ngư, Tiều, Canh, Độc mang nặng gánh thời gian.
Chàng nhớ lại lúc còn nhỏ, mỗi lúc trời nhá nhem, tay cầm nén hương theo lời mẹ baỏ, ra thắp ở Bàn Trời(bàn Thiên) đặt trên bức bình phong, trấn ở cổng chính, gần hòn non bộ. Mỗi lần đi ngang qua đó, chàng lại len lén nhìn lên, và trong cái tranh sáng tranh tối, tự nhiên chàng cảm thấy rờn rợn...
Chàng như cảm thấy được hai ông Tiên ngồi đánh cờ trên đỉnh núi cao, mơ hồ như mỉm cười vẫy tay bảo chàng rót rượu. Nhìn lại bốn ông kia, chàng lại sợ hơn nữa vì cả bọn đang nhìn chàng đăm đăm và xa xa dường như vang lên tiếng cười sản khoái trêu ngươi của cả bọn, hòa cùng tiếng suối róc rách của khu rừng âm u đến rợn người. Những cảm xúc ngây thơ ảnh hưởng qua truyện tàu đo,ù đã theo chàng hết bao nhiêu năm tháng, và đôi lúc đã cho dệt cho chàng những giấc mộng thần tiên.
Sau này, khi lớn lên, cũng như mọi người dân cố đô thân yêu, phải xa xứ làm ăn, mỗi khi về thăm nhà, lúc trời nhá nhem đi qua ngọn giả sơn cũ, chàng cảm thấy sao cảnh rừng núi như thu lại quá nhỏ, lòng dửng dưng, không còn nỗi sợ hãi mơ hồ kỳ thú của tuổi hoa niên ngày trước. Tự nhiên chàng nuối tiếc, bâng khuâng như mình đã đánh mất một vật gì quí giá vô ngần mà chắc chắn trong suốt cuộc đời còn lại chàng sẽ không bao giơ có được!
Chàng xót xa thèm muốn được có lại tâm hồn thuở tuổi thơ ngây trong khoảng khắc, tuy nhiên chàng đã già, chàng không thể níu kéo được thời gian. Có chăng chàng chỉ liên tưởng lại quá khứ bằng tìm cách nhớ lại quãng đời niên thiếu đã qua, giờ đã trở thành dòng kỷ niệm để còn một chút gì thương nhớ mà thôi..

Điệp nhớ lại kỳ thi Trung Học Phổ Thông của chàng mấy mươi năm về trước...
Dĩ nhiên, trong chúng ta, ai cũng mang nhiều kỷ niệm vui buồn của kiếp học trò đằng đẵng chín năm qua các trường Trung và Tiểu học. Đã kinh qua nhiều cuộc thi từ tiểu học, trung học đệ nhất cấp, bán phần và toàn phần. Làm thân phận cá vượt vũ môn, cho dến khi được trở thành bà tú, hoặc ông tú thì cũng phải trầy vi tróc vảy! Các ông bà tú trẻ với tương ai rực sáng đang chờ đón ở ngưỡng cửa đại học mà mỗi phân khoa là một thế giới muôn màu huyền bí, mênh mông, đầy hấp dẫn, giao động không ngừng như những dòng sông rực rỡ muôn màu cùng đổ ra biển cả mênh mông kỳ bí - biển cả của tri thức...
Thế nhưng trong chúng ta, không phải ai cũng có vận may trong thi cử, không phải ai trong chúng ta cũng hanh thông. Có những bạn không may, vì việc nhà, việc nước đã phải sớm giã từ mái trưởng thân yêu đi vào quân đội, đi làm việc... Có bạn vẫn mãi trắc trở tương lai vì thi cử lận đận do nền học chánh quá nặng nề và từ chương!

Điệp nhớ vào khoảng 1957 hoặc 1958 gì đó, chàng là cậu học sinh Đệ Tứ của trường Nguyễn Tri Phương, đang lo dùi mài kinh sử để luyện thi Trung Học Đệ Nhất Cấp (Diplome).
Thời đó, học sinh thường phải làm một bài luận Pháp văn và lại phải thi vấn đáp (orale) sau khi đổ thi viết nữa.
Nơi chàng ở, có cô bạn hàng xóm tên Lan, học Đồng Khánh rất xinh. Nói là hàng xóm nhưng nhà nàng cũng cách mấy vườn cau rộng mênh mông và mấy hàng rào tre xanh biếc.
Thời đó, học sinh Đệ Tứ còn ngây thơ và trong trắng lắm, trai gái gặp nhau không dám nhìn thẳng, chỉ nhìn xeo xéo thôi. Nếu bất ngờ hai luồng nhởn tuyến gặp nhau thì cứ như là sét đánh, trống ngực đánh thình thịch, mặt đỏ như gấc, phải vội làm nghiêm nhìn đi nơi khác. Tuy nhiên trong lòng thì thấy thích và bâng khuâng thế nào ấy...
Cô bạn Điệp dễ thương lắm - nói là bạn, chứ thật tình Điệp chưa nói chuyện với nàng lần nào - da như trứng gà bóc, tóc mây tha thướt, má đỏ môi hồng, mắt trong như nước hồ thu, nhìn vào như bị thu hút vào một khoảng không gian êm ái lắm. Điệp vốn nhác gan, thử lần tay đếm lại thì Điệp có nhìn mấy lần và hình như nàng cũng có nhìn phớt lại hai ba lần, nàng tên Lan thì phải. Điệp chợt mỉm cười nói thầm, đúng là cái tên định mệnh. Để ý, chàng thấy Lan hiền từ, chăm học và rất ít khi ra ngoài.
Thời đó, nhất là đến mùa thi, học sinh thường học bài rất khuya, Có nhiều người, vì trời rất oi bức, nên thường đem bài vở ra cột đèn ngoài đường học cho mát; vả lại có nhiều bạn bè, hỏi bài cũng tốt. Tuy nhiên, có nhiều cậu, ham vui, không chịu học, mà đấu hót lung tung làm mất rất nhiều thì giờ!
Đã 11 giờ đêm, xa xa đã vang lên tiếng sực tắc của xe phở bác Chung đầu xóm, cả bọn chợt thấy bụng cồn cào, chờ xe phở đến. Xe chưa đến mà đã thấy mùi thơm sực nức. Bác Chung chào mọi người rồi vội vàng làm cho mỗi đứa một tô theo đơn đặt hàng, có thằng lại mua xí quách, vừa ăn vừa đố bài vở, cãi nhau ỏm tỏi!
Từ giằng xa, Lan đột nhiên xuất hiện, đi cùng thằng em trai nhỏ. Cả bọn chợt ngừng nhai bẽn lẽn, im lặng. Lan cũng bối rối, nàng nắm chặt tay đứa em, mặt đỏ bừng, vội đưa cho bác Chung chiếc cà men, miệng lý nhí:
-Bác bán cho con tô phở.
-Cô Lan dùng phở gì?
Nàng luống cuống nói nhanh:
-Gì cũng được bác ơi, cho con nhanh lên để con về học bài thi nữa.
Thấy nàng tội nghiệp quá, Diệp lấy hết can đảm, nói một câu, mong xóa đi nỗi thẹn thùng quá đỗi của nàng:
-Lan học bài hết chưa, nghe Lan học giỏi, năm nay chắc đổ kỳ đầu?
Lan ngạc nhiên, thoáng nhìn Diệp, rồi lý nhí:
-Không chắc đâu, Lan sợ lắm!
Diệp đánh bạo, bồi thêm:
-Lan đừng lo, Lan học chăm và giỏi thì sẽ đậu được kỳ đầu thôi mà...
-Học tài thi phận, Lan sợ lắm!
Nói rồi, nàng lúng túng gật nhẹ đầu chào cả bọn, và nắm tay thằng em, vội vàng rảo bước.
Cả bọn nghe câu Lan sợ lắm lập đi lập lại đến hai lần và câu học tài thi phận, cũng đâm lo ngang; chờ Lan đi khỏi, vội vàng học tiếp, vì chợt nhớ ra rằng còn có ba ngày nữa là đến ngày thi.

Năm đó, bài luận pháp văn ra một đề tài khá hóc búa, đã làm nhiều thí sinh, giở khóc giở cười; đề bài luận bắt tả quán ăn nhỏ bên đường l'auberge. Đọc xong, nhiều thí sinh cắn bút suy nghĩ, không biết auberge là cái gì đây? Túng quá rồi đoán già, đoán non, mơ màng như đi trên mây!
Riêng Điệp hiểu đề nên làm được nạp bài rồi ra về thơ thới hân hoan. Ngang qua cầu Trường Tiền, thấy dáng ai quen quen đạp xe đàng trước, nhìn kỹ, thì ra Lan. Trong lòng đang vui, vì làm được bài, Diệp tự nhiên có can đảm vượt lên phía trước, đi song song với Lan hỏi:
-Lan làm bài được không?
Lan rầu rĩ như muốn khóc:
-Chắc rớt rồi anh ơi, Lan lạc đề rồi; Lan tả cái cà dái dê! (l' aubergine).
Nói rồi, Lan tự nhiên khóc rưng rức, làm chiếc xe đạp chao đi chao lại. Diệp nghe nàng tả trái cà dái dê, suýt cười lớn, tuy nhiên kìm lại được, hơn nữa, nhìn nàng quá thảm não, nên thừa cơ nắm lấy tay nàng giữ lại thăng bằng, bàn tay mịn và mát lạnh, và an ủi nàng bằng một câu thật là vô duyên:
-Lan tả trái cà còn đỡ, có đứa tả người chăn cừu (le berger) và có đứa lại tả cái sạp báo nữa (aubette) kia!
-Rứa còn đỡ, có mấy đứa ngồi gần Lan, nó tả con chó berger nhà nó nữa kìa! Rồi nàng nhoẽn miệng cười tươi như hoa.
Diệp chưng hửng, cũng vội cười vuốt theo và triết lý đàn bà khó hiểu thật khóc đó, cười đó!. Tuy nhiên thấy nàng vui, Diệp vội vàng nịnh thêm một câu:
-Thôi, ngày mai Lan ráng làm toán cho ngon lành, toán hệ số 3, có thể vớt diễm cho bài luận pháp văn cũng nên.
Rồi có lẽ vui quá hay vì lâu lâu mới có dịp đi song song và nói chuyện với cô láng giềng xinh xắn, chàng lại phan một câu vô duyên hơn trước:
-Lan cũng không lạc đề nhiều lắm đâu, vì những quán ăn nhỏ, đôi lúc cũng thường chiên cà dái dê cho khách dùng lắm!
Rồi Diệp hý hửng chờ đợi nàng biểu đồng tình, không dè Lan cau mặt, nguýt chàng một cái nên thân và nhanh chân phóng xe đi mất! Diệp chưng hửng Trời, đúng là đàn bà!...

Trong một tuần chờ đợi kết quả, Diệp không gặp Lan, chắc vì buồn nên không ra khỏi nhà.. Cả bọn học sinh thì náo nức, thường tụ tập, đoán già đoán non xem ai đậu, ai trượt, hồi hộp đến rớt tim ra ngoài..Đài phát thanh thì cứ ra rả bản nhạc Mùa Thi của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, rất dễ thương, nghe qua là thấy cả một trời ngây thơ trong trắng, bâng khuân, xao xuyến náo nức của những sĩ tử trong thời mới lớn, đang hồi hộp đợi ngày Bản Hổ Đề Tên để sung sướng cùng với gia đình cùng bè bạn, hay Bản Gót Phơi Tên thì không khéo biến thành Tử Sĩ!, thân trôi lờ đờ trên dòng sông Hương thương mến cũng không chừng!

Hôm nay mùa thi, bao nhiêu người đi
Đây ồn ào, đó nghẹn ngào
Buồn vui ngày thi
Đây bao bộ mặt cười ra nước mắt
Than câu học tài thi phận!
Đây bao tiếng cười khúc khích khoe rằng
Phen nay tau trược, thì ai đậu cho
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi!
Vui nghẹn ngào, khóc cùng cười
Buồn vui vì mi..

Học tài thi phận; cuộc đời không thiếu gì sự tréo cẳn ngỗng. Có người hy vọng thì trượt, có người ít hy vọng thì lại đổ! Học tài thi phận là tâm sự an ủi của kẻ không may. Thi rớt tuy buồn thật, tuy nhiên nghe giọng ca trong như thủy tinh, vui như tết của cô ca sĩ nào đó (chị Hà Thanh?) luyến láy câu:
Than câu học tài thi phận.. ư.. ừ
thật dễ thương và nhí nhảnh, nên nỗi buồn cũng vơi đi phần nào..
Rồi cũng đến ngày treo bản, ngày trọng đại của cả ngàn thí sinh đã tới.
Sân trường Nguyễn Tri Phương rộng mênh mông là thế, mà giờ đây cũng ngập đầy cả Sĩ Tử. Nét mặt của anh nào anh nấy căng thẳng như những thùng thuốc nổ. Thời gian như keo đặc lại. Bỗng có tiếng ồn ào trên lầu hai, mọi người nhìn lên, thấy xuất hiện một toán thầy cô ăn mặc chỉnh tề, gương mặt nghiêm trọng, với chồng hồ sơ trên tay, họ đang tiến gần lại loa phóng thanh.
Không khí trên sân đột nhiên căng thẳng, mọi người chong mắt nhìn, con ruồi bay ngang cũng nghe! Tiếng của ông tổng thư ký vang qua loa phóng thanh ồm ồm:
-Yêu cầu tất cả thí sinh giữ yên lặng. Sau đây là kết quả của kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, khóa ngày... tháng.., năm...
-Số ký danh 05 Nguyễn văn Ái
-Số ký danh 15 Trần văn An
-Số ký danh 25 Lê văn Ân...
Mọi người ồ lên một tiếng - Trời số ký danh nhảy như ngựa kiểu nay thì trượt vỏ chuối cứ như là sung rụng
Tiếng loa phóng thanh yêu cầu giữ trật tự, rồi số ký danh lại tiếp tục nhảy như ngựa! Có tiếng cười sung sướng, có tiếng chưởi thề xen lẫn với tiếng thở dài, tiếng nấc nhẹ... thôi thì đủ cả âm thanh hỷ, nộ ái, ố...
Càng gần đến số ký danh mình, Điệp càng hồi hộp, tim đánh như trống trận, mặt tái, tai ù, mắt hoa đầu váng; chợt chàng mơ hồ nghe xướng tên mình, Điệp nhảy cỡn lên, nhưng muốn ăn chắc, chàng hét to lên hỏi thằng bạn bên cạnh. Khi nó gật đầu xác nhận, chàng vội vàng lấy xe đạp, phóng nhanh về nhà để học lại bài, ngày mai vào vấn đáp.
Chàng không quên đạp xe ngang nhà Lan, ngóng cổ nhìn vào. Chợt thấy thằng em nhỏ của nàng đứng ở cửa, tay ôm con mèo tam thể mà mặt nó dàu dàu.
-Sao em buồn vậy, Diệp hỏi.
-Chị Lan đi coi bản về, bị rớt nên tức mình đánh con mèo, em bênh nó, chị đánh em luôn, nó liến thoắng trả lời.
Diệp tức cười, nhưng ngậm miệng lại được:
-Em nói chị Lan đừng buồn, kỳ sau sẽ đậu. Em đưa giúp chị gói ô mai này được không?
Thằng nhỏ vùng vằn không giám nhận, sợ bị chị nó đánh sản. Điệp thở dài cho luôn nó gói ô mai và dông tuốt về nhà học bài. Cả nhà đợi chàng và chúc mừng vì đã nghe đài phát thanh đọc tên.
Sau hai ngày thi vấn đáp, Diệp cũng đậu luôn...
Những ngày sau khi trả nợ đèn sách thành công, là những ngày vui không kể xiết; nào gia đình, nào người thân, nào bè bạn mời mọc, chúc mừng; nhưng vui nhất là được ăn suốt ngày.
Những bạn không may bị rớt thì sầu đời, ruồi đậu không buồn xua, nhưng sau một quảng thời gian thì lại bắt đầu học lại để thi kỳ hai.
Có một số ù không may, vì số điểm quá thấp, bị Tên phơi bản gót- danh sách bị niêm yết ở một bảng đan bằng gót - bị cấm không cho thi kỳ hai; thì thật là tội nghiệp, họ mang mặc cảm hầu như suốt đời, có nhiều người tự vẫn! Không biết ai là tác giả của luật khoa cử quá khắc khe và tàn ác này. Một thời gian sau thì chế độ bản gót mới bị bãi bỏ!!
Riêng cô bạn hàng xóm thì từ ngày treo bản cho đến nay, Diệp không gặp lại nàng, chàng đã nhiều lần lạng xe qua lại trước cổng nhà mà vẫn không thấy nàng xuất hiện. Muốn hỏi thằng nhỏ bồng mèo, thì cũng không thấy tăm hơi nó đâu.
Bỗng một hôm, nghe tin đồn có một cô gái nhảy cầu Bạch Hỗ tự vận.  Điệp lạnh toát người, chợt nghĩ đến Lan. Lòng đầy thương cảm, chàng chạy vội qua nhà Lan, nhìn vào thì thấy cửa đóng then gài, lại càng nóng ruột, Điệp đánh liều vào nhà kế bên hỏi thăm thì họ cũng ngơ ngác không biết, và nói cũng có nghe tin đồn có người tự tử. Điệp dò hỏi và tìm ra nhà người bà con Lan ở tận Kim Long. Điệp hồi hộp vào nhà, sau khi tự giới thiệu là bạn cùng thi một khóa và hàng xóm với Lan, chàng mới dược người nhà cho biết; sau khi thi rớt, Lan buồn quá nên đã cùng cô em bà con vào Saigon ở nhà bà cô ruột. Hai chị em sẽ ở Saigon để luyện thi kỳ tới.
Điệp thở phào nhẹ nhõm vì thấy nàng vẫn bình yên, vẫn quyết tâm theo đuổi sự học. Chàng cầu mong sao cho Lan sẽ có kết quả tốt trong kỳ thi tới. Điệp chỉ thầm trách sao Lan ra đi mà không một lời từ giã người bạn láng giềng có may mắn hơn nàng là đã đậu kỳ thi vừa rồ. Ngưòi láng giềng đã luôn luôn nghĩ nhiều đến nàng. Có lẽ nàng tự ái vì bị rớt chăng, hay giận chàng vì những lời nói không tế nhị của chàng khi nói về bài luận pháp văn mà nàng bị lạc đề khi nàng tả trái cà dái dê?!
Riêng người con gái nhảy cầu Bạch Hỗ, sau nay được biết đó là một phụ nữ trẻ ở Dưỡng Trí Viện thuộc khu Thần Kinh, Bệnh Viện Trung Ương Huế.
Điệp an tâm khi thấy Lan không phải là nạn nhân, tuy nhiên, chàng vẫn có một nỗi bâng khuân rờn rợn, là hồi đó, sau những mùa thi cử, thường có những vụ trầm mình trên sông Hương lặng lờ, mà cao điểm là ở khoảng cầu Bạch Hỗ, tựa như có cái hồn của những sĩ tử phải biến thành tử sĩ!
Kỳ thi thứ hai năm đó, không biết Lan có đổ được không, và cũng kể từ ngày đó, nàng ở luôn Saigon và không bao giờ Điệp gặp lại nữa!...
Cuộc tình đó, nếu có thể gọi nó là cuộc tình; chỉ như một thoáng mây bay, gợi nhớ nỗi bâng khuân, lưu luyến. Những câu hỏi đáp ngô nghê của tuổi học trò, ngây thơ trong trắng; tuổi của dỗi hờn chưa chín tới, tuổi của những dị ứng thi cử đầy mặc cảm. Những thắc mắc thuần khiết trong việc học hành, của hình học, của đại số, của parabol, của hyperbol, của lượng giác, của quỹ tích.. hay trong văn học là những điển tích người lớn kỳ bí của truyện Kiều; không bao giờ dám đi xa hơn nữa, vì sợ lạc đề..
Cuộc tình đó, nếu có thể gọi là cuộc tình, có gợi nhớ và thi vị hóa thêm chăng nữa; cũng chỉ bằng vào cái nắm đuợc bàn tay búp măn, mịn màng, mát lạnh...với nổi e ấp, ngại ngùng!

Tôn Thất Sang
Nov - 2006

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved