Người viết: Từ Nguyên Nguyễn Văn Thuận
Bài viết dưới đây đã được anh NV Thuận gởi cho Ban Biên TậpYKH cách đây trên ba năm nhưng chưa được đưa vào vì khuôn khổ của. Tập San không cho phép. Chúng tôi quyết
định đưa bài lên website vì tính chất lịch sử của bài vẫn tồn tại theo thời gian.
Ban Biên Tập
Thế kỷ 20, thế giới chúng ta đang sống đã kinh qua hai cuộc đại chiến, được gọi là thế chiến.
Thế chiến thứ nhất, kéo dài 4 năm, từ tháng 8, 1914 đến tháng 11, 1918, cuộc chiến đầu tiên tàn khốc nhất trong lịch sử Âu châu, đẩy 65 triệu người vào lửa đạn, 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương. Và đó cũng là cuộc chiến toàn diện đầu tiên trong lịch sử loài người. Các quốc gia tham chiến huy động toàn bộ nhân lực và tài nguyên trực tiếp từ 32 nước vào guồng máy chiến tranh để mưu tìm chiến thắng. Chiến trận khởi đầu từ vùng trung tâm của tranh chấp, quanh biên giới Pháp-Ðức, Ðức-Nga-Ba lan, mau chóng lan ra toàn lục địa Âu châu, và các vùng thuộc địa thực dân ở Phi châu như Togo, Cameron, tây và nam Phi, Á châu, xa mãi đến Trung hoa, cùng các vùng đảo Thái bình dương, và các nước thuộc đế quốc Ottoman mà nay được gọi là Trung đông.
Thế chiến thứ hai, kéo dài lâu hơn - 6 năm, khởi đầu từ lúc Hitler xé hiệp ước Versailles vào tháng 9, 1939, cho đến lúc Nhật ký hàng ước ngày 2 tháng 9, 1945 tại vịnh Tokyo, trên chiến hạm Missouri. Cuộc chiến này mới thật sự là một cuộc thế chiến, với 61 quốc gia bị lôi kéo vào cuộc lửa đạn, 3/4 dân số thế giới ( 1,7 tỷ người) là nạn nhân, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp. 110 triệu người bị động viên vào quân ngũ. Cuối cùng của những giao tranh, 25 triệu người lính đã hy sinh, 19 triệu trên chiến trường Âu châu chống Ðức, Ý, 6 triệu trên chiến trường Á châu chống Nhật. Tổng số thiệt hại nhân mạng lên đến 55 triệu, 44 triệu bên phía đồng minh, 11 triệu bên phe Trục. Tổn thất nhân mạng nặng nhất là Xô Viết Nga, với 13 triệu quân nhân, 7 triệu dân sự, kế đến là Trung hoa, 3 triệu quân, 10 triệu dân. Ba lan, một nước nhỏ, hy sinh 120 ngàn quân, nhưng số thường dân bị giết lên đến 5,3 triệu. Kế đến là Nhật bản, với 1,7 triệu quân nhân hy sinh trên các chiến trường Á châu, và 200 ngàn người dân chết vì hai quả bom nguyên tử dội xuống Trường kỳ và Quang đảo. Mỹ, một nước xa xôi, tách biệt khỏi vùng chiến trận, cũng hy sinh 290 ngàn quân trên chiến trường, và 115 ngàn vì các nguyên nhân khác.
Bên cạnh đó, chủ trương diệt chủng của Hitler cũng tàn sát 6 triệu người Do thái trong cuộc Holocaust, được xem như là những nạn nhân gián tiếp của chiến tranh.
Không kể đến những tàn phá do chiến tranh, những thiệt hại kinh tế, những hủy phá xã hội và các giá trị lịch sử, chiến phí trong cuộc thế chiến thứ hai lên đến mức phỏng định 1 tỷ tỷ mỹ kim. Hoa kỳ tiêu tốn 340 tỷ, kể cả 11 tỷ viện trợ cho Nga, 5 tỷ cho Trung hoa, và 3 tỷ cho 35 nước đồng minh. Ðức đổ 272 tỷ vào cuộc chiến. Nga, 192 tỷ. Anh, 120 tỷ. Ý 94 tỷ. Và Nhật 56 tỷ.
Nguyên nhân của chiến tranh, dù ở mức cục bộ, hay ở mức đại chiến cũng không khác nhau: dùng lửa đạn, lấy giết chóc, sử dụng sức mạnh để thôn tính hay giải quyết tranh chấp. Những tranh chấp có khi xẩy ra từ những lý cớ rất nhỏ, nhỏ đến độ vô nghĩa. Chiến tranh là phương tiện phục vụ bá quyền, đế quyền, hay những trò chơi nhân danh của giai tầng thống trị, chính trị hay tôn giáo, và gần đây hơn, trong các cuộc chiến nổi dậy, giải phóng, cách mạng, nhân danh một ý thức hệ, nhân danh người dân, nhân danh lý tưởng tự do, dân chủ. Nhưng nguyên nhân của chiến tranh cũng thường được bắt nguồn từ những phi lý trong nỗ lực tái tạo hòa bình từ cuộc chiến tranh trước đó, dẫu thời gian giữa hai cuộc chiến có thể cách nhau cả trăm năm, hay vài chục năm.
Sau khi Liên quân đập tan mưu đồ bá vương và thống trị của Napoléon trong cuộc chiến kéo dài từ 1799 đến 1815, Âu châu đã có được 100 năm hòa bình nhờ vào hiệp ước Vienna, nhằm tái lập một cân bằng quyền lực giữa các cường quốc, đồng thời cũng cố chế độ vương quyền trong hệ thống cai trị tại lục địa, vào lúc đó đã bắt đầu lung lay bởi cuộc cách mạng Pháp với sự khai sinh các nguyên tắc dân chủ và chủ thuyết quốc gia.
Cuộc thế chiến thứ nhất không hẵn được bắt nguồn chỉ vì những tranh chấp quân sự. Thế kỷ thứ 19, bước qua đầu thế kỷ 20 là giai đoạn của những ý niệm tự do, dân chủ, công bằng và công lý. Các đế quốc Âu châu do vậy phải dồn nỗ lực củng cố sức mạnh chuyên chế nhằm chống lạisự manh nha của các trào lưu cộng hòa trong. Khuynh hướng đế quyền đã thắng trong hội nghị Vienna, để từ đó đưa đến nỗ lực tài binh và việc hình thành các liên minh quyền lực. Khi Ðức quốc thống nhất thành hình năm 1871, và liên hiệp Áo-Hung ra đời, kéo theo Bảo gia lợi và đế quốc Ottoman, thế quân bình lực lượng không còn tồn tại, và những tranh chấp âm ỉ trong suốt cả thế kỷ bùng nổ. Hoa kỳ nhảy vào cuộc chiến rất chậm, phần vì chủ trương đứng ngoài ( isolationism), phần khác vì những khuynh hướng dị biệt trong các tập thể dân Mỹ gốc Ðức và Anh. Cuối cùng, khi hải quân Ðức không còn hạn chế vùng biển hoạt động, chủ trương đứng ngoài bị lung lay. Ngày 22 tháng 1, 1917, tổng thống Woodrow Wilson đọc thông điệp trước quốc hội. Thông điệp được mang tên Không vì chiến thắng, chỉ vì hòa bình ( Peace without Victory ). Tháng 4, 1917, Mỹ chuyển quân và gởi viện trợ đến phe đồng minh.
Khi kẻ chiến thắng ngồi lại trong tại thủ đô nước Pháp vào tháng giêng, 1919 để giải quyết những vấn đề còn lại của chiến tranh, và mưu tìm một nền hòa bình trường cửu cho Âu châu, thì hội nghị Versailles đã chỉ là một cuộc chia chác chiến lợi phẩm. Tổng thống Wilson của Hoa kỳ cố gắng vận động thành lập một tổ chức quốc tế có năng quyền giải quyết tranh chấp và và điều hành một thứ trật tự chung cho toàn thế giới. Hội Quốc liên ( League of Nations) ra đời, nhưng đã không có đủ thẩm quyền để thi hành nhiệm vụ giao phó. Dầu vậy, tổng thống Wilson vẫn gọi cuộc thế chiến thứ I là Cuộc chiến khai tử mọi ý đồ chiến tranh, the war to end all wars. Trong lúc đó, thống chế Foch của Pháp lại nghĩ Không có hòa bình, chỉ là một cuộc đình chiến 20 năm, this is not peace, it is an armistice for 20 years.
Và quả đúng vậy, đúng 20 năm sau, thế chiến thứ hai bùng nổ, còn tàn khốc, còn kinh khiếp gấp trăm lần cuộc thế chiến thứ nhất. Nguyên nhân gây ra cuộc thế chiến thứ hai, ngoài những bất mãn âm ỉ và những hận thù truyền kiếp giữa các dân tộc, những tranh chấp quyền lợi địa phương, còn có một lý do sâu xa hơn: đó là sự hình thành chế độ cộng sản tại Nga. Trước nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, một hình thái chính quyền xuất hiện: phát xít, facism, theo tiếng Ý. Ðó là một thứ chủ nghĩa quốc gia cực đoan, độc tài quân phiệt, nationalistic, militaristic totalitarianism, thành hình tại Ý dưới thời Mussolini, kế đến là hình thức Quốc Xã, tại Ðức, và sau đó là chủ thuyết Ðại Ðông Á của nhóm quân phiệt Nhật bản. Ðức, Ý, Nhật tạo thành phe Trục.
Phe Trục thua. 30 tháng 4, 1945, Hitler tự tử. Ngày 7 tháng 5, người kế vị, thống chế Karl Doenitz chấp nhận cho ký hàng ước nơi đại bản doanh của tướng Eisenhower, tại Reims. Ngày 8 tháng 5 là ngày V-E Day, Victory in Europe. Ngày 6 và 9 tháng 8, hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Trường kỳ và Quang đảo. Ngày 14 tháng 8, 1945, Nhật đầu hàng.
Suốt trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, khi chiến thắng đã ló dạng, nhiều hội nghị liên tiếp đã được mở ra trong phe đồng minh nhằm giải quyết những vấn đề của chiến tranh, tái thiết Âu châu, và xây dựng hòa bình. Phải nhiều năm về sau, những tài liệu giải mật mới cho thấy từ Casablanca, qua đến Tehran, Portdam,Yalta,... tinh thần hội nghị Versailles vẫn còn tồn tại. Tất cả chỉ là một cuộc chia phần.
Thế giới, sau thế chiến thứ hai, được chia thành hai vùng ảnh hưởng. Ðó là cái thế giới mà những năm về sau thường được gọi là thế giới lưỡng cực. Liên bang Xô viết được chia phần Ðông Âu, xâm chiếm Mãn châu để tạo thế thắng lợi cho Trung cộng. Mỹ bỏ rơi Tưởng Giới Thạch, để giao trọn lục địa cho Mao Trạch Ðông, Ðức và Cao ly bị phân chia. và cuối cùng là một nước Do thái được thành hình ngay trong lòng các quốc gia Ả rập, bên bờ phía đông Ðịa trung hải. Hậu quả là Stalin đã xây dựng được một thế giới đỏ, thiết lập lại chế độ chư hầu, lần hồi trải rộng sự kiểm soát gần cà 2/3 thế giới. Hậu quả là một Tây Âu rữa nát, bất động và thụ động. Hậu quả là một chính sách hổ trợ vô điều kiện Do thái tại Trung đông, để lần hồi ngày càng gây thêm căm thù và chia rẽ giữa các quốc gia Ả rập, hồi giáo và thế giới tây phương.
Hoa kỳ là lãnh tụ của một khối quốc gia tây phương cường thịnh về kinh tế, mạnh về quân sự, và lấy tự do, dân chủ làm căn bản của mọi hình thái sinh hoạt chính trị và xã hội. Mọi trách nhiệm bảo vệ thế giới tự do, phát huy dân chủ, đòi hỏi quyền làm người và quyền được sống hình như đều được đổ lên đầu Hoa kỳ. Sau chiến tranh, Hoa kỳ dồn mọi nỗ lực tái thiết Âu châu, phục hồi kinh tế Nhật, bảo vệ Ðài loan, trải quân ra khắp thế giới để sẳn sàng ứng phó mọi biến chuyển tình hình. Tháng 6, 1950, khi Bắc Hàn tràn qua vĩ tuyến 38, tấn công miền Nam, Hoa kỳ, dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc, cùng một nhóm nhỏ quân đồng minh gồm các nước Gia nã đại, Anh, Úc, và Thổ nhĩ kỳ, tạo thế liên quân để bảo vệ Nam Hàn. Tháng 10, 1950, Trung cộng gởi hàng triệu quân chí nguyện qua giúp Kim Nhật Thành. Cuộc chiến kéo dài 3 năm.
Tây Âu, quá kinh sợ chiến tranh, đã trở thành bất động, để mặc Ðông Ðức xây bức tường Bá linh, tạo thành biểu tượng phân cách Tây và Ðông, để mặc Stalin xua xe tăng và đại pháo đàn áp các phong trào nổi dậy ở Hung gia lợi, Ba lan, Tiệp khắc,...Ðể mặc hàng triệu sinh linh bị tàn sát ở bên kia bức tường ô nhục đó. Tự do, dân chủ, mạng sống con người, chỉ có giá trị ở phía bên này. Quả đúng vậy, đó là một bức tường ô nhục. Không phải ô nhục cho cộng sản. Nhưng là ô nhục cho những con người nhân danh tự do, dân chủ, nhân quyền đã run sợ trước bạo lực, lấy một bức tường để che đậy lương tri, và tự bằng lòng với những gì đang có. Thử đọc lại lịch sử để có một nhận thức rõ ràng về cái tập hợp được gọi là thế giới tự do, ngoại trừ Hoa kỳ, trong suốt 40 năm, từ 1950, cho đến cuối thập niên '80, đã làm những gì để ngăn chận làn sóng đỏ. Tệ hại hơn thế, họ đã bất hợp tác với Hoa kỳ trong cuộc tạo nên một cuộc chiến Việt nam để đưa những tranh chấp, đưa chiến tranh ra khỏi Hoa kỳ, Âu châu, và Tây bán cầu. Và càng tệ hại hơn thế, khi đã có một thời, ngay chính những con người ở bên này bức tường Bá linh, chạy theo cộng sản là một mốt thời thượng trong sinh hoạt trí thức, và trong cách suy tưởng cá nhân.
Ðã có bao nhiêu nhân mạng bị tàn sát bởi cái trí não điên cuồng của hai con người, chỉ có hai con người mà thôi, chứ không nói gì đến chế độ, Stalin và Mao Trạch Ðông? 100 hay 200 trăm triệu? May mắn thay, chế độ cộng sản đã tự bị hũy diệt. Và cái hệ quả bi thảm nhất sau đê nhị thế chiến, gây bởi những bàn tay phù thủy quanh các bàn hội nghị tạo ra, đã được hóa giải.
Cái hệ quả thứ hai, việc cho hình thành một quốc gia Do thái ngay chính giữa lòng các quốc gia Ả rập hồi giáo là còn đó, đeo đẳng, nhức nhối, và nếu không khéo sắp xếp, có cơ sẽ là nguyên nhân của một cuộc chiến thứ 3. Có thể quyết định cho hình thành một quốc gia Do thái là đúng và hợp lý vào thời điểm 1948, sau những tang thương mà dân Do thái đã gánh chịu qua bao nhiêu thế kỷ, và sau hơn 50 năm chịu bao nhiêu hy sinh trong cuộc exodus để tìm về mãnh đất quê hương ngày xưa, nơi vùng đất Palestine đó. Nhưng ngay sau khi một quốc gia Do thái được thành lập, cuộc chiến Ả rập - Do thái đã xẩy ra trong hai năm 1948-1949. Cuộc chiến đầu tiên này có năm nước hồi giáo tham dự: Ai cập, Jordan, Syria, Liban và Iraq. Cũng từ đó đến nay, chiến tranh Trung đông không bao giờ ngưng nghỉ. Cũng từ đó đến nay, Hoa kỳ và Tây phương luôn đứng sau lưng Do thái, cung cấp võ khí, đạn được, hổ trợ kinh tế cho một khối lượng 5 triệu người chống lại cả một thế giới Hồi giáo. Sự hổ trợ nghiêng lệch và không điều kiện này đã lần hồi đào sâu thêm hận thù giữa thế giới hồi giáo và Tây phương. Mặt khác, các quốc gia Ả rập ngày càng suy yếu vì chính sách tận triệt khai thác các nguồn lợi thiên nhiên về dầu hỏa và khí đốt của tây phương, đồng thời với chủ trương làm ung thối đời sống chính trị bằng cách dung dưỡng một giai tầng cai trị bất xứng, bóc lột và tàn nhẫn, để cướp đoạt tài nguyên kinh tế.
Với sự sụp đổ của thế giới cộng sản tại Liên bang Xô viết và Ðông Âu, cái thế lưỡng cực cũng không còn tồn tại. Và khi mà một trật tự mới chưa hình thành, thời cảnh nhiễu nhương ắt phải xẩy ra. Cơ hội vùng dậy cho các quốc gia Ả rập và thế giới hồi giáo đã tới, và một hình thái chiến tranh ắt phải xẩy ra. Hình thái chiến tranh thích hợp nhất cho kẻ yếu là hình thái chiến tranh khủng bố.
Cuộc chiến vùng vịnh, tháng giêng 1991, dưới thời tổng thống George H. Bush, càng đào thêm hận thù giữa các quốc gia hồi giáo và tây phương. Vì Bush không chủ trương triệt hạ chế độ Saddam Hussein, mà chỉ lấy lý cớ giải phóng Kuwait để đưa quân vào Trung đông, thiết lập các căn cứ quân sự tại Ả rập Saudi, Yemen, và một số cứ điểm khác, tạo thế mạnh quân sự trong một thế chiến lược xâm lăng mới. Ngọn lửa âm ỉ trong nhiều chục năm đã tạo sinh ra trong thế giới hồi giáo, vốn là một tôn giáo yêu chuộng hòa bình, những tín đồ cực đoan chủ trương bạo động để giành lại chủ quyền dân tộc và lãnh thổ. Al Qaeda ra đời.
Biến cố 11 tháng 9, 2001 không là một bộc phát nhất thời, nhưng là kết quả của bao nhiêu năm dồn nén vì bị đối xử bất công, bóc lột và khinh khi. Người dân Mỹ bình thường không thấy được cái lý, cái nhân và cái quảù của những hành động khủng bố mà họ coi là dã man khi những trái bom máy bay phá sập hai tòa nhà trung tâm thương mãi ở Nữu ước, hay một góc Ngũ giác đài, giết hại gần ba ngàn người vô tội. Họ không nhớ chính quyền của họ đã dung dưỡng những hoạt động khủng bố tàn sát người Palestine, những võ khí của các quốc gia tây phương, qua bàn tay của những người lính thiện chiến Do thái đã hũy diệt bao nhiêu sinh mạng đàn bà, con trẻ qua bao nhiêu năm tranh chấp, hận thù trên cái lục địa bình an của thế giới hồi giáo.
Chính quyền Mỹ, trong suốt 50 năm, đã không thành công trong nỗ lực hòa giải Do thái - Palestine, và cũng đã chưa một lần thay đổi chính sách đối xử với các dân tộc hồi giáo, sau biến cố 11 tháng 9, đã không thể làm gì hơn là giải quyết chiến tranh bằng chiến tranh. Trận chiến A phú hãn là một thành công, không chỉ vì đã đánh thẳng vào sào huyệt của Al Qaeda, đưa chiến tranh ra xa, nhưng còn đạt mục đích làm người dân Mỹ tin tưởng vào sức mạnh quân sự của đất nước, tin tưởng vào quyết tâm của lãnh đạo, lòng ái quốc, và tự hào dân tộc. Cũng trong thời gian đó, Mỹ sửa soạn cho chiến trang Iraq. Hàng trăm ngàn quân Mỹ đã được đưa qua vùng Vịnh. Hàng trăm triệu tỷ mỹ kim quân trang, thiết bị đã phải tiêu phí. Người dân Mỹ sẵn sàng, và chờ đợi. Chiến cuộc chắc chắn phải xẩy ra, không ai ngăn chận được. Liên hiệp quốc và đồng minh trở thành những yếu tố thứ yếu.
Ngày hôm nay, vào thời điểm cuối cùng của cuộc chạy đua vào tòa Bạch ốc, cuộc chiến Iraq đã trở thành đề tài chính trong cuộc tranh cử. Chính quyền Bush, và cá nhân tổng thống Bush đang chịu nhiều chỉ trích: tắc trách, vội vã, cao ngạo, coi nhẹ đồng minh, tình báo yếu kém, cung cấp dữ kiện thiếu chính xác, ảnh hưởng đến quyết định, ngụy tạo lý cớ để gây chiến tranh, như trong vấn đề WMD, vũ khí hạch tâm, nướng quân vì thiếu trang bị và vũ khí,...và cuối cùng, cuộc chiến Iraq bị kết án là thiếu chính nghĩa.
Trong chính trị của Hoa kỳ, chính sách đối ngoại thường nặng tính lưỡng đảng, dựa trên quyền lợi quốc gia, tư bản, và sức ép quần chúng. Trong bối cảnh hai năm về trước, nếu chính quyền là một chính quyền dân chủ, vị tổng thống đương nhiệm chắc chắn đã không thể có được một quyết định khác hơn. Tin tức tình báo có thể sai lệch, bị bóp méo, hay thiếu chính xác. Iraq có thể có, hay không có, vũ khí có sức tàn phá lớn, đầu đạn nguyên tử, hay vi trùng. Những điều đó thực sự không làm thay đổi quyết định chiến thuật của chính quyền Mỹ, dù là cộng hòa hay dân chủ. Vì những điều đó không phải là mục tiêu chiến lược của cuộc chiến. Và lại càng không đúng khi cuộc chiến được gán ép với những lý tưởng tự do, dân chủ và nhân đạo. Saddam Hussein là một nhà độc tài tàn nhẫn. Ðúng vậy. Nhưng chính quyền Mỹ đã không hy sinh mạng sống của người dân, tiêu phí hàng trăm tỷ mỹ kim vì hàng trăm ngàn người dân Iraq đã chết dưới bàn tay máu của Hussein. Chính quyền Mỹ đã khơi động cuộc chiến Iraq vì muốn biến Iraq thành một chiến trường chống khủng bố, vì muốn trả lại cho người dân một cứ địa an toàn, muốn phục hồi niềm tin quần chúng, muốn đời sống kinh tế và xã hội trở lại bình thường.
Cuộc sống của người dân Mỹ, và của thế giới, hôm nay có khá hơn, có an toàn hơn hai hay 3 năm trước? Câu trả lời tùy thuộc từng người. Chân lý không hẵn lúc nào cũng hiển hiện, và cần thiết. Ðiều rõ ràng là người dân Mỹ đã có lại được đời sống bình thường, bình tỉnh hơn trước biến cố, kinh tế khá hơn, và vững tin hơn vào sức mạnh quân sự của đất nước.
Nhưng một điều khác cũng rõ ràng, là chính quyền ông Bush đang sa lầy tại Iraq, và cuộc chiến chống khủng bố đang có nguy cơ lan rộng, kéo dài. Cuộc chiến Iraq hôm nay đã trở thành cuộc chiến đếm xác, như chiến trường Việt nam ngày nào, 35 năm về trước. Nhưng nước Mỹ đang sa lầy không vì thiếu sự hổ trợ của đồng minh, không vì thiếu quân số, không vì trang bị thô sơ, hay vì những sư đoàn vệ binh của Hussein còn khả năng chiến đấu. Nước Mỹ đang sa lầy, vì ông Bush đã không thành công trong việc rao giảng điều được gọi là chính nghĩa trong cuộc chiến: lật đổ Hussein, trả lại cho người dân Iraq tự do, dân chủ, và một đời sống xứng hợp hơn. Không, người dân Iraq, dù căm thù Hussein, đã không đứng bên cạnh những người lính chiến Mỹ để đạp đổ một chế độ độc tài, và xây dựng đất nước. Sự hiện diện của đoàn quân viễn chinh Mỹ, và đồng minh, nay đã biến những người Iraq bình thường trở thành những tín đồ hồi giáo cực đoan, đang sẵn sàng chết cho một cuộc thánh chiến, và đang biến những nỗ lực bình định thành những cuộc tàn sát kẻ ngoại đạo, tà đạo. Chiến trường cũng biến thể, từ quy ước, nay trở thành vùng đất cho những hoạt động khủng bố công khai và hàng ngày. Bên cạnh những người lính Mỹ và đồng minh bị chết vì những trái bom xe, còn cả trăm người, mang đủ mọi quốc tịch, trong lãnh vực dân sự vụ bị bắt cóc, bị chặt đầu vì những đòi hỏi của quân khủng bố không được thõa mãn. Và như vậy, dẫu còn hạn chế, quân khủng bố đã mặc nhiên tuyên chiến với thế giới.
Song song với chiến trường Iraq, những hoạt động khủng bố của nhóm tín đồ hồi giáo cực đoan còn trãi rộng đến nhiều nơi như Nam dương, Phi luật tân, ...và gần đây nhất, tại Beslan, Nga.
Một khi những đòi hỏi khó thể tương nhựơng của quân khủng bố không được đáp ứng, một khi những người dân vô tội tiếp tục bị chặt đầu, những xác trẻ thơ vẫn bị xé banh vì chất nỗ, và mức dộ chịu đựng kiệt quệ, thế giới bắt buộc phải phản ứng. Chiến tranh khủng bố sẽ lan rộng. Những người hồi giáo ôn hòa, vì lý do tôn giáo hay chủng tộc, sẽ trở thành cực đoan, kình chống lại tây phương. Thế giới có trên 1 tỷ người theo hồi giáo. Một cuộc chiến giũa những người hồi giáo chống lại những kẻ ngoại đạo sẽ là một cuộc thế chiến sẽ còn tàn khốc gấp bội cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai. Viễn tượng đó thật là kinh khủng.
Từ Nguyên Nguyễn văn Thuận.
|