VÀI KỸ NIỆM VUI BUỒN KHÓA I Y KHOA HUẾ

 
 

Lê Đình Thương

Được biết trường Đại Học Huế mở thêm phân khoa Y Khoa, tôi bị điệu từ SàiGòn trở về theo lớp PCB đầu tiên năm 1960, lúc ấy còn mượn phòng ốc của Đại Học Khoa Học, khu Morin. Năm thứ nhất YK mới dọn về gần nhà ga, cùng khu ốc với Viện Hán Học. Trên 50 tên ngổ nghịch cứ giữa hai lớp học là trèo lên hàng rào xi măng bên vệ đường Nguyễn Hoàng chọc ghẹo các nữ sinh Đồng Khánh đi ngang. Như thế mà vui hơn là khi dọn hẳn về Trường mới xây nằm giữa đồng An Cựu quạnh hiu.

Tấm hình để đời của khóa 1 với GS Krainick đứng giữa như một người cha hiền hòa...

Giựt giải bóng đá Toàn Viện năm 1961:

Đội đá banh YKH 1 mới ra lò, tôi chạy hàng tiền phong chẳng làm bàn nào, còn Nguyễn Đại Hiền phòng thủ mà lên đá lọt lưới quyết định, đem cúp về cho YKH.

Nhớ Thầy Lê Huy Chước phụ tá huấn luyện, lúc ấy có chiếc xe độc đáo hiệu Borgward, kiểu Isabella 2 cửa, giờ này muốn biết phải vào bảo tàng viện xe hơi. Xe rú như bò rống mỗi khi bác sĩ Chước dọt ra về trước những cặp mắt thèm thuồng của đám sinh viên. Lúc ấy hình như Thầy còn có biệt hiệu Marlon Brando Huế.

Nhớ cây bàng cổ thụ bên ngoài phòng học năm thứ nhất, tôi còn giữ hình chụp cả lớp dưới bóng cây. Giờ đây vài bạn đã ra đi vĩnh viễn: Vĩnh Tùng, Phạm Bá Khá, Trịnh Bình Tây, Đặng Ngọc Hồ, Bố Minh…và nhất là Giáo Sư Krainick, đứng giữa như một người cha hiền hòa. Không thể tưởng tượng được sau nầy ông đóng góp cả mạng sống mình cho YKH cùng với vợ, Giáo Sư Discher và Giáo Sư Alterkoster trong thảm sát Tết Mậu Thân 1968.

Năm thứ II, trường ốc đã xây xong được một cánh, chúng tôi về đó giữa bao tiếng ồn ào của công trường đang xây cất. Tôi nhớ nhất là cái máy đóng cột, kéo lên nện xuống rất chói tai, khó tập trung cho lớp học. Nhưng rồi phải tập quen và quên đi.

Chúng tôi học với cả ba thứ tiếng : Anh, Pháp ,Việt. Ai chép được bao nhiêu, cuối giờ so với nhau đúc kết thành một bài khá đầy đủ, về đánh máy, quay ronéo, phát cho cả lớp học chung. Vì thế khoá YK I chúng tôi rất gắn bó với nhau.

Người con gái độc nhất trong lớp, chị Phạm thị Xuân Quế anh em coi như con trai luôn còn gọi chị là “anh Quế”. Chị tuy kém ngọai ngữ nhưng chịu khó chăm học, cả lớp hùa giúp. Ngược lại chị cũng coi chúng tôi như em út, có chọc gì chị cũng tỉnh bơ, hoặc mắng lại: “Đồ quỷ!”

Người con gái thứ hai làm quản thủ thư viện là cô Hường, cô lọt vào mắt xanh của bạn Hoàng Đại May. Hèn gì thư viện có cuốn sách báo gì mới là tụi này có nhanh chân mấy cũng chậm một bước, cô nàng đã giữ lại cho chàng ta rồi. Tan lớp học Hoàng Đại May vừa chở cô lên xe Lambretta là đã bị cả lớp theo dõi. Một bầy phóng xe đuổi theo như đàn ong, đuổi tận lên núi Thiên An, Đồi Vọng Cảnh… Đuổi chán rồi mới kéo nhau về núi Ngự Bình ăn bánh bèo, hay lên Kim Long ăn bánh ướt thịt nướng. Tôi nhớ bạn Hoàng Quỳnh lúc nào ăn cũng khoẻ, chất cả chồng diã bánh bèo cao quá đầu.
Ăn no rồi tìm đến bến xe đò khu thụt bi-da gần Thượng Tứ. Trong nhóm tôi có Đặng Ngọc Hồ đánh hay, ăn cá đều. Không ngờ bây giờ bạn đã ra người thiên cổ cùng với Trịnh Bình Tây, đánh hụt nhiều mà chưởi thề cũng nhiều. Mong hai bạn tiêu diêu miền cực lạc có bàn bi-da giải trí , để nhớ một thời thân tình với nhau.

Nói đến ăn, phải nhắc đến món ăn thịt cầy. Không biết từ đâu tôi kiếm được một tay đầu bếp nấu cầy hết sẩy. Thế là “hội cầy” ra đời, cả lớp thỉnh thoảng họp lại nhậu nhẹt ở nhà tôi, ba má tôi không dám ăn, thường đi tránh cho cả lớp tự do. Bạn nào lúc đầu sợ, bị phỉnh là thịt bò, ăn rồi thấy ngon, nhập bọn ngay. Có hôm đi mua thịt không ra, không biết ai nẩy ra sáng kiến lấy xe đi cán chó. Thế là có mấy tên hung hổ leo lên xe gắn máy, xe scooter hướng về mấy đường làng tìm chó chạy rong mà cán. Nói cho vui chứ có cán con nào! Chỉ tội ba con chó làng hôm ấy phaỉ chạy thục mạng không hiểu mấy thằng điên kia làm trò gì. Người ta nói ăn thịt cầy ra đường bị chó sủa, tôi thấy cũng đúng. Sau này qua Mỹ, đi bộ ngang nhà nào có chó nó cũng sủa tôi mặc dù mấy chục năm chưa có dịp ăn lại. Cái mùi ấy đáo để thật.

Ở nhà ba má tôi tuy đạo Công Giáo nhưng vẫn giữ tục lệ kỵ giỗ ông bà. Ông ngoại tôi tên Tôn Thất Viên mất sớm, lại có bạn Tôn Thất Viên trong lớp YKH I, trùng cả họ lẫn tên, hiện giờ ở Hawaii. Thế là mổi lần kỵ ông ngoại tôi, cả lớp kéo nhau về ăn giỗ không thiếu năm nào, bởi vì nhằm cuối tháng sáu, gần nghỉ hè, một dịp cho anh em gặp nhau ăn uống trước khi chia tay. Cả lớp gọi là “ ăn giỗ ông Viên Ngoại”.

Mấy dịp nghỉ lễ, lại thêm trò xì phé ruồi hoặc tứ sắc. Tôi nhớ một năm dịp Noel, gia đình tôi đi lễ đêm về trong lúc anh em còn ở nhà tôi sát phạt xì phé. Ăn reveillon xong, tiếp tục xây sòng kéo dài tới qua ngày hôm sau, ra sân đứng chụp hình , đứa nào mặt mủi cũng bơ phờ, hình ấy tôi còn giữ.

Một người bạn tuy không bao giờ đánh bài gì, nhưng sòng bài nào anh cũng có mặt, chạy lanh quanh giúp chia bài, sửa soạn đồ ăn, đấm bóp anh em, không quên chỉ chỏ chọc phá làm cho cuộc họp nào cũng vui nhộn lên: đó là anh Phạm Bá Khá. Anh đã hy sinh trong trại tù Cộng Sản năm 1976. Một người bạn được cả lớp quí mến, anh sẵn sàng giúp người, đầy sáng kiến, thông minh, chăm học, hiền lành, không bao giờ nặng tiếng với ai. Một ví dụ về óc sáng kiến cuả anh: có một muà hè chúng tôi đi chơi biển Cảnh Dương, anh Khá đã trèo lên cây dừa, xoi hai lỗ vào trái dừa, một lỗ để thông hơi, còn lỗ kia anh dùng giây chuyền serum đặt vào, xong anh xuống ngay dưới cây dừa nằm tréo chân lại ,thảnh thơi đặt đầu ống kia vào miệng mình, thế là anh uống nước dừa tươi nhất thế giới! Anh là khuôn mặt khả ái nhất lớp tôi. Tôi không bao giờ quên được Khá.

Một kỷ niệm nhỏ đáng buồn cười là một đêm tôi trực chung với Hoàng Quỳnh ở Bệnh Viện Huế, hình như năm thứ ba. Chúng tôi có nhiệm vụ giữ chià khóa nhà xác. Bỗng nữa khuya, ông cai bệnh viện hốt hoảng chạy vào: “Ai bật đèn trong nhà xác sang choang bác sĩ ơi!” Anh Quỳnh nhìn ông ta bông đuà: “Chắc là một cái xác bị quỷ nhập tràng chứ gì” Ông ta trợn mắt, có vẻ không bằng lòng: “Bệnh viện là nơi nhiều ma quỷ, không nên đuà cợt như vậy”. Nghe vậy hai đứa tôi cũng hơi ớn mà cũng phải đi xem sao. Rón rén đến mở cửa, ổ khoá vừa xoay, thình lình một tiếng hét từ trong, cùng lúc ấy cánh cửa mở tung. Nói thật lúc ấy tôi muốn rụng tim nên không thấy rõ hình dáng người vừa xô hai đứa tôi ra để chạy tuốt vào bóng tối mất dạng.
Sau phút hoàn hồn , vào kiểm soát , không mất xác nào: vậy là không phải qủy nhập tràng rồi! Sáng mai báo cáo, chúng tôi được bác sĩ Mẫn làm detective giải thích y như Sherlock Holmes dẫn giải Dr Watson: Đây là một bài học về necrophilia. Trại điên ở cạnh nhà xác, một bệnh nhân mắc chứng necrophilia (ưa làm tình với xác chết) thường hay moi cửa sổ mò vào, hôm đó vô tình đụng phải chốt mở đèn, thấy chúng tôi đến hắn sợ bị bắt mới hét lên làm chúng tôi phân tâm để xô cửa chạy trốn. Tên này điên gì mà khôn thế, còn làm cho hai cậu sinh viên trường thuốc một phen vỡ mật.

Sáu năm YK rồi cũng qua nhanh. Năm cuối còn đi thực tập nhiều nơi ngoài Bệnh Viện Huế: Về Phú Bài làm việc với nhóm quân y sĩ Mỹ, được ăn hotdog , uống coca cola, coi xiné trong lều .Vào Đà Nẵng được Giáo Sư Đinh văn Tùng dành cho một căn nhà nhỏ trong khuôn viên bệnh viện, còn biệt phái cho một chiếc xe hơi International Scout, ra bải biển đổi qua 4X4 chạy trên bãi cát. Đây là chưa nói đến công lao dạy dỗ chí tình của bác sĩ Tùng, cho chúng tôi nhiều vốn liếng hữu ích trước ngày ra trường.

Để kịp ngày tốt nghiệp, chỉ có Nguyễn Văn Thuận, Hoàng Quỳnh, Lê Quốc Bảo và tôi bốn đứa tranh thủ hoàn tất được luận án. Phần tôi bê bết nhất, hấp tấp nhờ một ông già đánh máy stencil hộ. Khổ nổi cái máy đánh chữ của ông quá cũ kỹ, chữ được chữ mất, tôi phải ngồi bên đánh vần từng danh từ y khoa. Rồi còn sang hình, quay ronéo, đóng thành sách. May rồi cũng kịp. Ngày 30 tháng 11 năm 1967, bốn đứa con ra đời đầu tiên cuả trường Đại Học Y Khoa Huế.

Chưa kịp thở, đã có lịnh động viên. Gia đình chỉ còn ba má tôi nên theo luôn vào Sàigòn cuối năm 1967 để tôi trình diện khoá 10 Trưng Tập Y Nha Dược. Thế là may mắn thoát được thảm trạng Tết Mậu Thân. Căn nhà 20 đường Cao Bá Quát Huế bỏ trống, nơi mà lớp YKH I chúng tôi hay tụ họp ăn nhậu vui chơi sau này chỉ còn đống gạch vụn.
Kỹ niệm 7 năm học còn nhiều, phải để dành chỗ cho các bạn khác cũng không ít kỹ niệm đáng nhớ. Có thể nói là 7 năm khá thú vị tuổi sinh viên, với nhóm bạn thân tình cùng chung khắc khổ, vui buồn từ bước phôi thai, từ những viên gạch đầu tiên của Trường, đã cho tôi cái may mắn gặp và thân những người bạn quý trong đời.
Xin cám ơn tất cả đã dành cho tôi tình bạn quý báu:

 Không gì hơn tuổi sinh viên
 Sáng say tình bạn chiều điên tình đời.

                                    Nhớ lại 45 năm.


Các bạn thuộc khóa 1 đã quá cố:

Trịnh Bình Tây
Phạm Bá Khá
Đặng Ngọc Hồ
Vĩnh Tùng
Đỗ Văn Minh

Các bạn đang ở Mỹ:

Lê Quốc Bảo (CA)
Nguyễn Văn Thuận (TX)
Tôn Thất Viên (HI)
Đoàn Yến (CA)
Hầu Mặc Sửu (LA)
Tạ Trọng Thu (CA)
Tô Đình Đài (IA)
Lê Bá Dũng (CA)
Ngô Trọng Thọ (MD)
Hà Thúc Như Hỷ (CA)

Các bạn đang ở Âu Châu:

Tôn Thất Sơn ( Norway)
Tôn Thất Hứa ( Germany)
Trần Hửu Thế ( France)

Các bạn đang ở Úc Châu:

Lê Hồng Sơn
Mai Văn Tuấn

Các bạn đang ở Canada:

Võ Văn Đàn

Các bạn đang ở Việt Nam:

Phạm Thị Xuân Quế
Bùi An Bình
Trần Viết Phồn
Bửu Hàm
Nguyễn Đại Hiền
Phạm Lương Giõng
Hoàng Đại May
Nguyễn Minh Triết
Lê Quang Tái
Hoàng Quỳnh

Xin cám ơn tất cả đã dành cho tôi tình bạn quý báu…

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved