Từ Nguyên Nguyễn Văn Thuận
Hôm nay, thứ sáu 20 tháng tư, 2007, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, cả nước Mỹ đang bắt đầu đi vào một mùa thương khó, để tang cho những người trẻ nạn nhân trong vụ thãm sát tại trường đại học kỹ thuật Virginia. Ðúng giữa trưa, giờ miền đông, từ các thánh đường từng hồi chuông đổ giọt buồn bã như những giọt nước mắt ngậm ngùi. Và những ngọn cờ cũng được kéo xuống nửa chừng trên khắp nước trong hai ngày, tiễn đưa người vào cỏi vĩnh hằng.
Cũng vào ngày thứ sáu đó, nước Mỹ làm lễ tưởng niệm 13 em học sinh chết trong vụ thãm sát tại trường trung học Littleton Columbine, Colorado, đúng tám năm trước Tất cả đều chỉ là những cái chết phi lý, vô nghĩa. Những cái chết vì bạo lực xẩy ra hàng ngày trên một cái đất nước được xem là thanh bình nhất. Rồi mọi chuyện cũng sẽ qua đi, cuộc sống vẫn trôi, và những thãm trạng tương tự cũng sẽ tiếp diễn.
Thế giới vẫn mĩa mai nền văn hóa Mỹ là nền văn hóa súng đạn, a gun culture. Và mới đây, một tờ báo ở Úc gọi Mỹ quốc là một câu lạc bộ súng đạn, “America, the gun club “. Khắp trên thế giới, không có một nước nào thả lỏng luật lệ, và có chủ trương cho phép người dân thủ đắc, sử dụng vũ khí một cách bừa bãi như nước Mỹ. Bất cứ người dân Mỹ nào trên tuổi vị thành niên cũng có quyền, và có thể, mua giữ súng, súng ngắn, súng dài, súng săn, súng tự động, và ngay cả một số võ khí tấn công. Nói chung chung, 90/100 người Mỹ có súng, với 270 triệu võ khí cá nhân lớn, nhỏ lưu hành. Người Mỹ giữ súng để tự bảo vệ, để chơi, để khoa trương sức mạnh, và cũng để giết người, giết từng người, hay từng loạt. Bạo lực, bạo hành do vậy là đặc thù trong đời sống, một hình thái không hẵn là đương nhiên, nhưng phải chấp nhận như tất yếu trong một xã hội động. Và như vậy, khi nhét súng vào trong tay người dân, từ người trẻ 5,7 tuổi cho đến người già, thì nước Mỹ đã có tội với người dân khi mặc nhiên tạo cơ hội, và dung dưỡng, để bạo lực bộc phát thành những hành động có tầm tàn sát tập thể. Mỗi năm, 30,000 người Mỹ chết nhãm vì súng. Chết tức tưởi.
Người Mỹ biết vậy. Nên cứ mỗi lần có biến động chết người vì súng đạn, người dân lại đặt vấn đe kiễm soát, giới hạn sử dụng võ khí cá nhân. Những cuộc tranh luận vô bổ, với những lý lẽ cũ xưa lại được đưa ra, và cuối cùng vẫn không thay đổi được tình trạng. Phe chủ trương chống hạn chế, ai chết mặc ai, vẫn viện dẫn, đồng thời giải thích một cách méo mó tinh thần và ngôn từ của tu chính án số 2 “ quyền được trang bị để tự vệ là quyền hiến định”. Họ lập luận võ khí không giết người, chỉ người giết người, súng là biểu tượng sức mạnh, là phương tiện hữu hiệu nhất ngăn chận bạo lực. Phe chủ trương hạn chế đòi hỏi phải có những đạo luật hợp lý hơn trong việc buôn bán và sử dụng võ khí cá nhân, vì nếu không cho phép sử dụng súng đạn bừa bãi, thì những vụ tàn sát tập thể đã không xẩy ra. Phần đông những người Mỹ có một trí óc bình thường đều nghĩ vậy. Nhưng xứ sở này không là xứ sở của những trí óc bình thường, của những con người bình thường, ordinary people. Xứ sở này là xứ sở của tài phiệt, lấy sự thành công và phồn thịnh để biện minh cho phương tiện. Kỹ nghệ mạnh nhất của nước Mỹ là kỹ nghệ chiến tranh. Súng đạn là phương tiện giết người thông dụng nhất. Mọi vụ tàn sát tập thể đều gây ra bởi súng đạn. Từ nhiều năm, mọi nỗ lực lập pháp nhằm đưa ra những hạn chế tối thiểu mua bán và sử dụng võ khí cá nhân trong nhiều chục năm qua đều thất bại, mặc cho không biết bao nhiêu nạn nhân đã gục xuống vì súng đạn, và cái nền văn hóa súng đạn vẫn là cái trò cười cho thế giới.
Văn hóa súng đạn là sản phẩm tất yếu của một nền văn minh viễn tây, thảo dã, cuồng khấu, thành hình từ ngày những người Âu châu đầu tiên đi tìm đất sống đặt chân lên bờ biển phía đông của vùng đất nước này. Súng đạn là phương tiện tồn tại, tìm sống, chinh phục. Súng đạn là phương cách giải quyết mọi tranh cải, tranh chấp. Và bằng súng đạn, nước Mỹ được khai sinh. Không có gì khó hiểu khi thấy người Mỹ tôn thờ súng đạn như thần vật. Súng đạn là sức mạnh của người Mỹ. Ðiều tốt đẹp là bằng súng đạn, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Mỹ đã xây dựng được, và xiễn dương một nền dân chủ tiên tiến nhất của thế giới. Cho nên, mặc cho những thãm kịch gây nên bởi súng đạn, mọi nỗ lực thay đổi luật lệ, hạn chế sử dụng súng đều khó thành hình vì đã xúc phạm đến cái góc cạnh “ corner “ thiêng liêng đó.
Người Mỹ thực tế, không sử dụng luật pháp như những trói buộc, mà chỉ quan niệm luật pháp như một bảo đảm tốt cho sự vận hành của đất nước. Họ chấp nhận hai mặt của một vấn đề, cân nhắc tốt xấu, lợi hại trước khi thay đổi. Vậy nên, nước Mỹ chỉ có một hiến pháp, và trong suốt gần 250 năm, hiến pháp chỉ được tu chính 27 lần, dầu hiến pháp còn nhiều bất toàn. Luật pháp cũng vậy, không canh cải nếu những hiện hành không gây trở ngại cho trật tự xã hội, hay sự cường thịnh của quốc gia. Những điều luật mới hạn chế việc mua bán súng cũng không thay đổi tình trạng khi đã có 270 triệu võ khí cá nhân lưu hành trong dân chúng.
136 năm trước, năm 1871, Hiệp hội của những người có súng, National Rifle Association, NRA, thành hình vì ý thức được tình trạng sử sụng súng ống bừa bãi, và mục đích của hội nhằm huấn luyện, kiểm soát việc sử dụng võ khí cá nhân. Cương lĩnh cùa NRA đến nay không thay đổi, dầu trong thực tế NRA đã trở thành một tổ chức bảo vệ cái cốt lõi của nền văn hóa súng đạn, và phục vụ cho kỹ nghệ chiến tranh. Ngày nay, NRA là cánh tay nối dài của tài phiệt võ khí, có sức mạnh thao túng hậu trường lập pháp với trên 3.5 triệu hội viên, với một ngân sách điều hành hàng năm trên 100 triệu, không kể đến những số tiền không hạn chế giành cho những vận động hành lang. NRA nhắm đối tượng vào những chức vụ dân cử thuộc đảng cộng hòa, do vậy các dự luật hạn chế võ khí phần lớn bị phá hỏng vì các dân biểu cộng hòa. Và chủ trương chống hạn chế được đồng hóa một cách oan uổng như là một chính sách của đảng cộng hòa, được quần chúng ủng hộ. Theo những dữ liệu được báo Politico đưa ra, trong các cuộc bầu cử năm 2006, các ứng viên cộng hòa nhận tiền từ các nhóm Pro-gun 166 lần nhiều hơn từ các nhóm anti-gun. Còn các ứng viên dân chủ chỉ nhận được 3 lần nhiều hơn từ các nhóm pro-gun. Và như vậy đã rõ ràng quốc hội này là quốc hội của ai. Và như vậy, đã rõ ràng ai là chủ nhân ông của đất nước này.
Năm 1981, James Brady, tùy viên báo chí của tổng thống Reagan, bị hung thủ ám sát tổng thống Reagan bắn bị thương vào đầu khiến ông suốt đời tàn phế. Vấn đề kiểm soát vũ khí cá nhân được đặt ra, và một dự thảo luật được đệ trình quốc hội. Dự luật đề nghị một số biện pháp không có gì quá đáng như: không được bán súng cho những người có tiền án, những kẻ tại đào, những người có tội hình sự, hay những người mắc bệnh tâm thần. Luật cũng đòi hỏi một thời gian suy tra lý lịch 5 ngày, được xem là thời gian xét lại cho người muốn mua súng – “ cooling off period “-, đặt lệ phí mang súng, và buộc người có súng phải có giấy phép, v.v...Chỉ có vậy thôi mà dự luật cũng bị ngâm trong suốt 7 năm, mãi đến 1994 Brady Law mới có hiệu lực. Ở đây không chỉ là vấn đề tiền bạc, hay thiệt hại trong lợi nhuận mua bán súng, nhưng là vấn đề quyền năng, là mặc cảm sức mạnh, cùng cái kiêu hãnh của những con người đã tạo cho Mỹ quốc một sức mạnh. Cũng vì vậy mà NRA đã không nhượng bộ.
Nước Mỹ có một quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ đất nước trước nguy cơ xâm nhập của ngoại bang. Nhưng từ buổi đầu lập quốc cho đến nay, quân đội Mỹ đã chưa một lần nào được sử dụng trong cái mục tiêu chính đáng đó. Người lính Mỹ đã có mặt trong hai cuộc thế chiến của thế kỷ 20, đã chủ động trong hai cuộc chiến Triều tiên và Việt nam, đã hiện diện trên hầu hết các vùng nóng của thế giới, trung đông, A phú hãn, Iraq,...Bao nhiêu máu xương con em đất nước đã đổ xuống trong các cuộc viễn chinh, không vì sự tồn vong, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, hay vì một đe dọa trực tiếp nào trên sinh mạng của người dân Mỹ, nhưng đã đổ xuống để hoằng dương một ý thức hệ, đổ xuống cho một nền hòa bình của thế giới. Ðó cũng chỉ là một cách nói, một cách diễn giải. Trong thực tế, những sự can thiệp nhiều khi không với những lý do chính đáng cũng đã tạo nên những cáo buộc Mỹ như một nước xuất cảng chiến tranh, phục vụ cho kỹ nghệ súng đạn, và cuồng đồ bá chủ. Kỹ nghệ quốc phòng là sức mạnh của Mỹ quốc.
Cũng vậy, nước Mỹ có một lực lượng an ninh nội xứ – home security – lớn, mạnh, và tốn kém nhất thế giới. Nước Mỹ có được an ninh, ổn cố nhờ vào một hệ thống luật pháp vững chắc, luôn thích ứng, và một ý thức trọng pháp cao độ của người dân. Người dân tuân hành luật pháp, vì biết luật pháp chặt chẽ được áp dụng triệt để, không thiên vị. Người cảnh sát, nhân viên an ninh được sợ, nễ, không chỉ vì nhiệm vụ bảo vệ người dân, mà còn vì mọi hành sử đều được đặt trên căn bản tinh thần hy sinh, hy sinh cho người khác được sống. Nhưng làm sao người cảnh sát có thể ngăn chận và bảo vệ hữu hiệu người dân khi trong tay người dân còn lưu giữ một số lượng võ khí nhiều hơn bất kỳ số võ khí của một đội quân, một lực lượng an ninh nào trên thế giới, và khi cái đất nước 300 triệu dân này còn đầy dẫy những người mắc bệnh tâm thần, bất bình thường trong ý thức và cung sử, luôn sẵn sàng gây hại cho người khác, và cho chính bản thân mình.
Xét lại tất cả mọi vụ giết người tập thể xẩy ra trên nước Mỹ trong 40 năm qua: UT Austin 1966, Jim Jones 1978, Oakland Elementary School, Greenwood-South Carolina 1988, Branch Davidians ở Waco 1993, Columbine-Colorado, 1999, và rất nhiều vụ khác xẩy ra trong mấy năm gần đây, cảnh sát địa phương và an ninh liên bang đã không thành công trong một nỗ lực nào nhằm ngăn chận , giải thoát hay tiêu diệt hung thủ. Tất cả mọi vụ việc đều có một kết cục bi thãm với một số nạn nhân bị thãm sát và hung thủ tự kết liễu.
Cho Seung-Hui bắt đầu nỗ súng giết hai sinh viên trong khu nhà ngủ lúc 7:30 sáng. Hàng trăm cảnh sát, nhân viên FBI, SWAT đã có mặt ngay tại hiện trường, điều tra nghi can, và ban hành mọi biện pháp an ninh. Kết quả sơ khởi : hung thủ đã tẩu thoát. Hai giờ sau, hung thủ trở lại, đột nhập khu trường kỷ sư, đi từ phòng này qua phòng khác, với hai khẩu súng ngắn trên tay, và chỉ trong 9 phút, cho nỗ trên 200 viên đạn, giết chết thêm 30 sinh viên, giáo sư. Với sự hiện diện tại hiện trường, hàng trăm nhân viên an ninh cũng đành thúc thủ. Không ai nghi ngờ tính hữu hiệu của lực lượng an ninh. Nhưng vấn đề vẫn còn đó: nếu Cho Seung-Hui có nhiều đạn hơn, hay trong tay Cho có thêm một khẩu Glock 9mm, loại súng ngắn mạnh và nhanh nhất, mức độ tàn sát có thể khủng khiếp hơn, có thể hàng trăm sinh viên đã bị bắn chết trước khi vụ việc kết thúc. Mọi cáo buộc quá sớm về tính hữu hiệu của lực lượng an ninh đều vội vã, hồ đồ khi cuộc điều tra chỉ mới bắt đầu. Nhưng nếu biến cố vừa qua, hay trong tương lai, là một vụ khủng bố có dự mưu, có tổ chức, có kế hoạch, xẩy ra trong một siêu thị, một cao ốc, hay trong một trung tâm thương mãi lớn, với hàng ngàn người chen chúc, thãm trạng xẩy ra có thể còn thê thãm đến chừng nào ?
Suốt trong mấy ngày qua, các hệ thống truyền thông đã dồn hết nỗ lực đưa ra từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của cuộc thãm sát VA Tech, một phần để thõa mãn tính hiếu kỳ, và dễ xúc động trong nhất thời của người dân Mỹ, phần khác, đi tìm nguyên ủy của hành động, đặt vấn đề trách nhiệm, khơi động một vụ án lớn, biến đau thương thành tiền bạc, và cuối cùng đưa hung thủ và 32 nạn nhân đi vào lịch sử. Sẽ còn nhiều khúc ngoặt bất ngờ.
Suốt tuần qua, cha mẹvà người chị độc nhất của Cho Seung-Hui đã phải thay đổi chỗ ở hàng ngày để tránh bị nhận diện. Mẹ của Cho tự tử, nhưng được cứu sống. Cũng chiều thứ sáu vừa qua, Cho Sun-Kyung, chị ruột của Cho Seung-Hui, gởi đến báo chí, và đến gia đình các nạn nhân những lời xin được tha thứ:
“ Chúng tôi cảm thấy nhục nhằn, tuyệt vọng, bất lực và mất mát đến cùng kiệt trong nổi đau thương này. Chị em tôi đã lớn lên bên nhau, yêu thương nhau, nhưng giờ đây tôi có cảm tưởng như chưa bao giờ được biết em tôi là ai.
“ Gia đình chúng tôi sống bình an, gần gũi, và thương quý nhau. Em tôi vốn dĩ ít nói, dè dặt, nhưng luôn cố gắng để hòa đồng. Chúng tôi có bao giờ nghĩ được rằng em tôi có thể tàn bạo đến độ đó. Em đã làm thế giới này đổ lệ. Còn chúng tôi cũng đang sống trong cơn ác mộng.
“ Chúng tôi xin được hớp tác với giới hữu trách để tìm hiểu vì sao những hành động vô nghĩa này đã xẩy ra. Vì chính chúng tôi, chúng tôi cũng không hiểu được nguyên ủy của sự việc. “ Cho Sun-Kyung nói thêm.
Cho Sun-Kyung tốt nghiệp đại học Princeton, khoa kinh tế, và hiện làm việc trong bộ ngoại giao Mỹ. Cô thông minh hơn nhiều triệu người Mỹ bình thường. Và cô vẫn không hiểu được những phi lý trong cái xã hội cô đang sống.
Năm 1981, hung thủ ám sát tổng thống Reagan cũng chỉ vì mối tình câm với cô đào Jodie Foster, và muốn được người đẹp để ý. Hôm nay, trong một nổi tuyệt vọng cùng cực của một tình trạng tâm lý bất bình thường, Cho Seung-Hui đã nã súng giết người. Hai vụ việc không có gì khác nhau. Cả hai đều muốn có một chỗ ngồi trong lịch sử, lịch sử của những anh hùng chung chiếu với những kẻ khốn cùng, khốn nạn. Lịch sử đó là lịch sử của Mỹ quốc. Tội phạm không chỉ có một mình Cho Seung-Hui. Tội phạm cũng là những con người đã bỏ súng vào tay anh.
Ðã đến lúc, hay chưa, nhìn lại cái nền văn minh viễn tây, và nền văn hóa súng đạn, bắt đầu những chuyển hướng, để nước Mỹ này thật sự là xứ sở của những cái Ðẹp, như những người Trung hoa di dân 200 năm trước hằng mong đợi và đặt tên cho đất nước này? Câu trả lời không có trong thời đại chúng ta đang sống.
Cho nên, chỉ xin được cầu nguyện cho tất cả.
Từ Nguyên Nguyễn Văn Thuận.
23 April, 2007.
|