Bức tranh chim én và chiếc lông gà

 
 

Thay lời tựa:
Tất cả nhân vật, tình tiết trong câu chuyện sau đây đều là hư cấu, nếu có sự trùng hợp với đời thường là ngoài ý muốn của tác giả, xin quý độc giả tha thứ.


Thời tôi còn nhỏ, trong gia đình chỉ có ba mạ tôi đi làm nuôi chúng tôi đi học. Tôi là anh đầu với ba em trai, bốn em gái. Trong nhà hiếm khi có được bữa cơm tươm tất, phần lớn là cơm độn sắn khô. Được cái tôi khá khéo tay, nên gia đình tiết kiệm được tiền trong những chuyện lặt vặt: sửa nhà, sửa cửa, bắt điện, sửa xe đạp…Ba cái tài vặt này, ai ngờ lại rất có điểm với mấy cô sinh viên Y Khoa Huế kiêu kỳ. Một cô phục quá, ký hợp đồng thuê tôi (không lương) suốt đời. Nhưng đó là chuyện về sau.

*
*    *
Lên đại học, tôi vào Sài Gòn, chỉ về thăm nhà dịp hè. Mấy năm đó, mạ vẫn để dành việc chờ tôi về làm. Cái đèn phòng khách chập chờn lúc ẩn, lúc hiện, mạ nói:

    -Thôi ráng, chờ đến hè thằng Hảo về làm.

Mấy chiếc xe đạp cà tàng của tụi em tôi, đi được vài chục mét là tuột xích. Mạ nói:

    -Thôi ráng, chờ đến hè anh Hảo về lộn xích cho.

Nhờ mấy cái “thôi ráng” đó, mà ngay cả Tí Nị, cô em gái út của tôi cũng trở thành chuyên gia sửa tuột xích. Dạo đó, Tí Nị học lớp chín trường Đồng Khánh, từ nhà đến trường, xe tuột xích vài ba lần. Mỗi lần như vậy, Tí Nị không coi là chuyện lớn: vạt trước, vạt sau áo dài dắc lên lưng, móc xích cho tròn vào líp, móc xích cho được nửa vòng dĩa, tay phải cầm ghi đông, tay trái nắm yên xe nhấc bổng bánh sau lên, Tí Nị đạp pedal cái rẹt: xong. Tôi chắc là Tí Nị lấy mất rất nhiều cơ hội hành hiệp trượng nghĩa của mấy anh Quốc Học. Chỉ tội cho vạt áo dài trắng của Tí Nị, mấy góc áo biến thành màu nâu từ lúc nào.
Trong số các công việc “thôi ráng”, tôi thích nhất là sơn xe. Chỉ tốn ít tiền mua sơn, chịu khó cạo lớp sơn cũ, đánh giấy nhám thật kỹ, sơn lớp lót cực mỏng, sơn lớp chính đều tay, là tụi em tôi đã có chiếc xe “mới”. Hồi đó, tụi tôi không có tiền mua “đề can”, nên sơn xong tôi phai vẽ “đề can” cho sườn xe. “Bút” để vẽ “đề can” là một lông cánh của gà trống (phía gần nách), tỉa cho gần hết lông, chỉ chừa lại chút xíu ở đầu lông. Bút này vừa mềm, vừa mảnh, có thể kẻ những đường thẳng và mỏng như sợi chỉ, tha hồ vẽ bông ba, hoa lá. Xóm tôi ít người nuôi gà, nên để tìm được chiếc lông vừa ý, tôi phải đi lang thang, lùng sục bờ bụi mấy ngày.
Tí Nị thích quanh quẩn khi tôi làm việc, vui vẻ khi tôi sai vặc. Những lúc như vậy, anh em tôi nói chuyện tầm phào:

    -Lớn lên Tí Nị thích làm chi?
    -Tí Nị thích làm cô giáo cấp ba.
    -Vì răng Tí Nị thích làm cô giáo cấp ba?
    -Ví Tí Nị đi dạy thêm được.
    -Rứa Tí Nị thích cái chi nhứt?
    -Tí Nị thích có một ngày ăn toàn cơm trắng không độn khoai.

Nói xong, Tí Nị cười lỏn lẻn rồi vào lui cui trong bếp. Tí Nị là như vậy: giản dị, dịu dàng, khiêm tốn, vui vẻ.
Hình như ba mạ tôi sanh nhiều con quá, nên đến phiên Tí Nị, nó nhỏ con, lại không nhận được bao nhiêu chất thông minh của mạ tôi. Tí Nị học không giỏi. Cuối năm lớp chín, nó phải nộp thêm một bài thi vẽ (làm tại nhà) để được cộng điểm lên cấp ba. Đề tài là vẽ một cặp chim én đậu trên cành mai. Tí Nị thức suốt đêm, nó vẽ hai con én trông từa tựa như hai bộ xương hóa thạch của con khủng long bay thời tiền sử. Tí Nị xin tôi vẽ giùm để đủ điểm lên lớp. Dạo đó, tôi quan niệm rằng, nếu đủ sức thì lên lớp, không đủ sức thì phải học lại, nên dù Tí Nị và mạ tôi hết sức năn nỉ, tôi vẫn cương quyết không vẽ giúp. Thế rồi tôi quên bẵng chuyện đó, hết hè tôi vào Sài Gòn.

Mấy tháng sau, ba tôi viết thư báo tin Tí Nị không lên được lớp mười, lại thêm thời buổi gạo châu củi quế, đành xin cho Tí Nị học lớp đào tạo cô giáo nhà trẻ. Vậy là ước mơ làm cô giáo cấp ba của em tôi tan thành mây khói. Tôi buồn và ân hận quá. Sợ Tí Nị giận, hè năm đó tôi không về thăm nhà. Mấy chiếc xe đạp đương nhiên không được mang lớp sơn mới.

Hè năm sau, nhớ nhà, nhớ mấy đứa em, tôi lại về. Ra ga đón tôi không có Tí Nị, mạ nói em phải đi dạy tận Phong Điền, cuối tuần mới về nhà.
Ăn tối xong, nhân tôi hỏi thăm chuyện Tí Nị, mạ lấy ra một cuốn vở cũ được bọc cẩn thận trong một lớp giấy báo:

    -À, năm ngoái, Tí Nị lượm được môt cái lông gà thiệt đẹp, nó ép trong vở, để dành chờ hè con về, nhưng rồi con không về…

Mở tập vở, đưa tôi chiếc lông gà, giọng mạ bùi ngùi:

    -Tuần rồi, trước khi ra Phong Điền, nó dặn mạ cất kỹ, nếu con về thì đưa…

Cầm chiếc lông gà, nước mắt tôi rưng rưng.
Chiếc lông gà nhẹ bỗng mà chứa cả tấm lòng đứa em thương anh.

*
*    *
Cho đến bây giờ, ba mươi mấy năm sau, gia đình tôi sang Mỹ, con trai tôi học đại học, Tí Nị đã có gia đình, nhưng câu chuyện chiếc lông gà chưa bao giờ phai trong lòng tôi.
Tháng trước, có gia đình người bạn vừa sang định cư, cậu con trai học hết lớp mười hai bên mình và học rất giỏi, qua đây muốn vào thẳng đại học phải làm ba bài luận bằng tiếng Anh. Để cho chắc ăn, cậu kia gọi con trai tôi nhờ làm giúp mấy bài luận.
Con tôi sang Mỹ từ năm chín tuổi nên suy nghĩ có phần Mỹ hóa, nó lý luận nếu cậu kia thật sự giỏi thì phải tự mình làm.
Tôi kể cho con nghe chuyện bức tranh chim én và chiếc lông gà. Nghe xong, nó rơm rớm nước mắt, lặng lẽ đi làm bài luận.

Mỗi khi nghĩ đến chiếc lông gà năm xưa, tôi thương Tí Nị quá, thương cô em út bé bỏng mà trái tim đôn hậu, dịu dàng. Nếu như ngày xưa tôi vẽ giúp bức tranh chim én, thì cuộc đời em biết đâu đã rẽ sang một ngã tốt đẹp hơn, và tôi đã không phải mang chiếc lông gà nặng trĩu trong lòng…Tôi biết em không hề giận tôi, nhưng tôi chưa bao giờ tha thứ cho mình…cho đến hôm nay.

Austin, mùa Thu 2005
KH – Một chàng rể Y Khoa Huế

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved