Các Giáo sư Bác sĩ Đức và gia đình tôi

 
 

 

Tôi xin kể vài mẫu chuyện về các giáo sư bác sĩ người Ðức có liên quan đến gia đình tôi. Theo thứ tự thời gian, những câu chuyện vui có buồn có diễn ra như sau:

Mẹ tôi

Huế, năm 1963, sau khi phát hiện ra bệnh ung thư tử cung, gia đình tôi vội vã đưa mẹ tôi vào bệnh viện Grall ở Sài Gòn để chữa trị. Mẹ tôi đã được giải phẫu cắt bỏ tử cung và buồng trứng cả hai bên cùng phần phụ thuộc, kể cả các hạch bạch huyết liên hệ. Họ cũng thực hiện điều trị quang tuyến (radiotherapy) cho mẹ tôi.

Một thời gian khá dài mẹ tôi sống như chưa hề có bệnh hoạn gì. Ðột nhiên đến giữa năm 1965, di căn ung thư bột phát. Grall đành bó tay. Mẹ tôi trở lại Huế. Từng ngày, từng ngày những cơn đau đớn dữ dội liên tục hành hạ thân xác mẹ tôi. Tôi đã đi hầu hết các phòng mạch bác sĩ ở Huế để xin cấp thuốc Morphine cho mẹ tôi. Mỗi bác sĩ đều đã cấp cho mẹ tôi 14 ống thuốc chích giãm đau rất mạnh đó. Bộ Y-Tế đương thời hạn chế số độc dược bảng B trong đó có Morphine, và chỉ được cấp cho mỗi bệnh nhân 2 lần và mỗi lần 7 ống mà thôi.

Cùng đường, tôi đánh bạo đến gõ cửa giáo sư bác sĩ Ðức, mong được thầy giúp đở. Thầy Discher mở cửa ân cần tiếp tôi. Tôi trình bày tất cả diễn tiến bệnh của mẹ tôi và cũng xin thầy thông cảm rằng mẹ tôi không còn khả năng di chuyển đến bệnh viện. Thầy đã vui lòng đến nhà khám bệnh cho mẹ tôi.

Hôm đó là một ngày mưa gió nặng nề của tháng 10, thầy Discher lái chiếc xe Volkswagen màu lục đậm chạy từ từ theo chiếc xe Mobylette củ kỹ của tôi. Thầy khám cho mẹ tôi rất lâu. Dù biết rằng bệnh mẹ tôi không còn chữa được nữa, nhưng gia đình tôi vẫn trông mong vào phép nhiệm mầu nào đến qua vị giáo sư tài ba và đức độ nầy. Thầy ngồi lại nói chuyện với ba tôi và anh tôi khá lâu. Thầy trao cho tôi một mảnh giấy gởi ngân hàng huyết thuộc bệnh viện Huế. Thầy bảo tôi lấy máu mẹ tôi và bỏ vào ống nghiệm để đem đi cùng lúc. Tôi đứng tần ngần và lo nghỉ không biết ngân hàng huyết có dám cấp cho tôi mang máu chuyền ra khỏi bệnh viện hay không, vì đó là trái luật. Như hiểu được tâm sự tôi, thầy vỗ vai tôi an ủi và quả quyết là ngân hàng huyết sẽ làm theo lời trong giấy thầy đã viết.

Trời đã tạnh mưa, thầy đến bắt tay mẹ tôi và nói vài lời an ủi rồi chào từ giả mọi người trong gia đình tôi. Con đường Nguyễn Du trước mặt nhà chúng tôi khá thấp so với những nơi khác, vì vậy sau trận mưa, nước ứ đọng đã lên đến một phần ba bánh xe hơi, nhưng chưa ngập ống khói xe. Thầy tôi cố nổ máy xe nhiều lần vẫn không hiệu quả. Tôi đề nghị với thầy là đẩy xe lên cầu Ðông Ba rồi thả cho xe xuống giốc, khi có trớn thì gài số, xe có cơ sẽ nổ máy. Thầy đồng ý, hai thầy trò khom lưng đẩy qua khỏi đoạn đường ứ nước, rồi lên giốc cầu. Làm đến lần thứ hai thì xe bật rồ máy sau khi phát ra một tiếng nổ bùng ở đàng ống khói xe. Không biết kẻ nào chơi nghịch đã lấy giấy báo tẩm nước rồi nhét vào ống khói xe thầy. Thầy chỉ lắc đầu về cái trò chơi ngỗ nghịch đó. Trời thật mát thế mà cả thầy lẫn trò đều thoát mồ hôi đầm đìa.

Từ đó về sau, mỗi lần đến khám bệnh cho mẹ tôi, thầy đã cẩn thận đậu xe trước tiệm Hồng Thuận bán mè xững bên kia cầu Ðông Ba, rồi rão bộ qua cầu về hướng nhà chúng tôi.

Thầy còn đến thăm và khám bệnh cho mẹ tôi nhiều lần nữa và cũng cho mẹ tôi chuyền máu hoặc những bình dịch chuyền gồm chất đạm và sinh tố đủ loại. Thầy chỉ ngưng đến thăm viếng khi sức khỏe mẹ tôi không còn chống chõi được nữa.

Sau Tết Mậu Thân, nghe tin thầy Discher cùng với vợ chồng giáo sư Krainick và bác sĩ Alterkoster bị thãm sát, mọi người trong gia đình tôi bàng hoàng, đau đớn. Bên cạnh cái tang chung của gia đình Y-Khoa Huế và cả người dân Huế, gia đình tôi còn mang thêm cái ơn sâu đối với thầy Discher, là vị ân nhân cao quý, tôn kính biết bao. Mỗi lần ba tôi nói về mẹ tôi là ông không quên nhắc đến thầy Discher.

...Bên cạnh cái tang chung của gia đình Y-Khoa Huế và cả người dân Huế, gia đình tôi còn mang thêm cái ơn sâu đối với thầy Discher, là vị ân nhân cao quý, tôn kính biết bao...

Hai thầy trò

Một buổi tối mùa đông 1966, trời mưa như trút nước. Tôi đang nằm đọc sách trong phòng trực sinh viên Y-Khoa, chợt cô y-tá phòng Nguyễn Hữu Sum B đến gỏ cửa và báo có bệnh trở nặng. Tôi vội vàng khoác chiếc áo trắng rão bước theo cô y-tá. Sau khi khám, thấy bệnh tình trầm trọng ngoài khả năng giải quyết của mình, tôi chạy nhanh đến phòng trực bác sĩ, cũng là phòng làm việc của bác sĩ Discher. Ðêm đó, nhằm phiên trực của bác sĩ Alterkoster. Tôi gõ cửa nhiều lần nhưng chẳng ai trả lời. Không do dự, tôi ra xe, rồ máy chạy lên nhà thầy Discher. Ngay sau tiếng gỏ cửa lần đầu, vợ thầy ra và cho biết là thầy không có ở nhà. Tôi bối rối thật sự. Tôi đành trình bày sự thật với cô là không có bác sĩ trực đêm nay. Cô chỉ cho tôi đường dẫn đến nhà bạn của thầy trên đường Phan Ðình Phùng.

Tôi vào đúng một biệt thự lớn và gõ cửa. Một người Mỹ bước ra hỏi tôi cần gì, tôi nói là cần gặp bác sĩ Discher. Thầy bước ra kinh ngạc nhìn tôi ướt đẫm như chuột phải lụt. Tôi trình bày sự việc ở bệnh viện. Thầy không có xe tại đó, vì từ chiều người bạn thầy đã đến đón thầy tại nhà.Tôi nói rằng tôi có thể chở thầy.Thầy đồng ý. Thế là thầy ngồi phía sau xe gắn máy Mobylette Pháp củ kỹ của tôi. Vạc sau áo mưa của tôi trùm lên người thầy. Với loại Mobylette cũ, phải đạp cho xe có trớn rồi mới bật máy nổ được. Trọng lượng của hai thầy trò cọng lại cũng khá lớn nên tôi đạp không nổi,vì vậy thầy đã phải vợi 2 chân xuống mặt đường, phụ thêm cho sức đạp của tôi. Cuối cùng thì xe cũng nổ máy và ngon trớn về phía bệnh viện. Hai chân dài, thầy phải chống vào hai bên trục bánh xe sau, nên hai đầu gối xoạt ra hai bên. Nếu ai nhìn thấy hai thấy trò chúng tôi lúc đó sẽ buồn cười lắm, vì chiếc xe thì nhỏ mà bên trên thì khối người to lớn, aó mưa căng phồng, bạnh ra hai bên rất lớn, vải áo mưa cứ đánh phành phạch trong gió.

Thế rồi chuyện đâu vào đó, thầy cứu kịp bệnh nhân, gọi điện thoại cô đến đón thầy về nhà, tôi thì được ngủ say như trẻ con sau khi vận động bắp thịt khá nhiều vì chiếc xe bắn máy củ rích.

Sáng hôm sau, vừa đến bệnh viện thực tập như mọi ngày, đang dựng xe thì anh Tôn Thất Hứa trờ tới, anh hỏi ngay:

-Ê Ðịnh, tối qua mi chở thằng mô mà to dữ rứa?

-Ðừng nói tầm bậy! thằng mô à? thầy Discher đó.

-Răng mà mi phải chở ông rứa?

Tôi kể chuyện đêm qua, Hứa cười chảy cả nước mắt./.

Cháu tôi

Tôi có đứa cháu gọi bằng cậu ruột, 9 tuổi. Cháu bị bệnh lạ, cứ đến buổi chiều là sốt lâm râm, người cứ như hôn mê và thân thể thì mềm nhũn ra như bún. Lúc đầu mới phát bệnh, chị tôi đã đưa nó đi nhiều nơi chạy chửa nhưng không kết quả. Chị quyết định đưa nó vào phòng nhi đồng thuộc Bệnh Viện Trung Ương Huế. Nằm tại đó một thời gian khá dài, nhưng người ta không tìm ra được định bệnh rõ ràng dù mọi thử nghiệm đều đã được thực hiện. Chẳng những cháu không thuyên giãm mà ngày càng nặng thêm. Không nói thì ai cũng biết thằng bé chỉ còn đường chờ chết. Chị tôi chẳng biết làm gì khác hơn là ngồi ôm con vào lòng, nước mắt ràng rụa. Không chịu nỗi với cái cảnh đau lòng ấy, tôi đánh bạo đến hỏi thầy Discher. Thầy hỏi tôi mọi diễn tiến bệnh của cháu tôi và đồng thời nghiên cứu kỹ về tập hồ sơ bệnh lý của cháu mà tôi đã mượn tạm từ các cô y-tá. Thầy còn đến tận phòng nhi đồng quan sát đứa bé. Về đến phòng làm việc, thầy ngồi trầm ngâm suy nghĩ, rồi bỗng như thầy vừa tìm ra được giải pháp gì, thầy điện thoại gọi thầy Wulff. Tôi đứng chờ ở phòng ngoài. Hai thầy đàm luận khá lâu, rồi thầy Discher mở cửa phòng, bảo thôi:

-Anh về bảo chị của anh xin cho cháu nhỏ xuất viện bên phòng nhi đồng, rồi đến ngày mai, thứ năm, xin cho cháu nhập viện vào Nguyễn Hữu Sum A. Nhớ khai nó là 14 tuổi.

Tôi dạ dạ rồi chạy đi ngay. Tôi suy nghĩ mãi về lời thầy dặn một hồi mới vỡ lẽ ra; rằng phải khai thằng bé 14 tuổi mới được điều trị tại phòng người lớn nam giới do thầy phụ trách.

Mọi việc diễn tiến đúng như lời thầy . Khi cháu tôi đã được yên vị, thầy Discher và thầy Wulff cùng đến khám cho cháu thật lâu. Hai thầy còn mang cháu vào phòng khám riêng của thầy Discher nằm trong ngôi nhà tọa lạc cạnh phòng Nguyễn Hữu Sum A. Ngôi nhà nầy được ngăn ba, gian chính giữa lớn nhất dành cho phòng thí nghiệm của sinh viên y-khoa thực tập, gian bên phải là phòng cho sinh viên y-khoa trực và phòng bên trái rộng gấp đôi bên phải dành cho phòng làm việc và phòng thí nghiệm riêng của thầy Discher, và một phòng nhỏ dùng làm phòng quang tuyến X. Sau hai ngày thực hiện mọi khám nghiệm, kể cả lấy nước tủy sống để thử nghiệm và điện não đồ, hai thầy hội chẩn trong phòng riêng một hồi và cho gọi tôi vào. Thầy Discher bảo tôi gọi mẹ đứa bé đến để thầy cần nói chuyện.

Tôi bàng hoàng lo nghĩ, không biết chuyện gì sẽ xẩy đến cho cháu tôi. “Bệnh nan y không thể chữa?”, “Nó sẽ chết trong vài ngày tới?”…Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong trí tôi với đoạn đường ngắn từ đó cho đến phòng bệnh của đứa bé. Chị tôi cũng hoang mang không kém, nhưng có thể chị không hiểu rõ sự việc trong chuyên môn bao nhiêu.

Sau khi hỏi về hoàn cảnh gia đình chị tôi, thầy Discher vào trọng tâm của vấn đề. Thầy báo cho chúng tôi biết là thằng bé bị viêm màn não do vi trùng lao đến thời kỳ trầm trọng. Thầy còn hỏi là chị tôi có đồng ý để thầy bơm thuốc trụ sinh vào người thằng bé theo đường tủy sống. Chị tôi nói là chị hoàn toàn tin cậy vào mọi phương thức chữa bệnh của hai thầy. Thầy Discher giải thích cho chị tôi rõ là cách thức chữa trị đó có hy vọng cứu sống cháu, nhưng thuốc cũng có những phản ứng phụ có thể làm cho cháu bị mù mắt trong thời gian dài hoặc vĩnh viễn.

Sau thời gian quá lâu sống trong tuyệt vọng, nay biết được là con mình có thể sống được dù phải mang chứng tật gì, chị tôi không ngần ngại, gật đầu đồng ý.

Chỉ qua ba ngày chữa trị, bệnh thuyên giãm thấy rõ. Nhưng phải hơn hai tháng sau, cháu mới hoàn toàn bình phục. Sau đó thì cứ mỗi ba tháng, chị tôi lại phải đem cháu trở lại phòng làm việc của thầy Discher để tái khám cùng với một vài thử nghiệm.

Ðúng như lời hai thầy đã nói, cháu trai tôi được khỏi bệnh, nhưng cháu bị mù mắt vĩnh viễn. Cơ thể cháu phát triển bình thường, nhưng riêng đôi mắt thì chẳng thấy dấu hiệu khả quan nào.

Hai mươi năm sau, đôi mắt cháu trai tôi có khá hơn chút ít, nhưng cháu cũng chỉ thấy được dạng người hoặc vật trong khoảng cách gần và chỉ thấy lờ mờ. Cháu lớn lên cũng giống như bao người khác, đặc biệt là có biệt tài về âm nhạc.Cháu học đàn guitar từ người anh ruột. Cháu lại có tâm hồn nghệ sĩ giống cha cháu, và đã sáng tác một số nhạc phẩm tình cảm nhưng chỉ phổ biến trong gia đình và bạn hữu. Người thanh niên tật nguyền đó cũng có người yêu, dù cuộc tình lãng mạng và rất dễ thương đó chẳng đi đến đâu. Cô gái ấy rồi cũng lấy chồng, nhưng mỗi lần gặp tôi, cô cũng vẫn hỏi thăm về người tình cũ và luôn gọi tôi bằng cậu một cách thật tự nhiên. Cháu tôi giờ đã trên 40 tuổi và hiện vẫn sống chung với gia đình người anh ruột ở Sài Gòn./.

Zephyrhills,05 tháng 3 năm 2002
Hoàng Thế Ðịnh

 

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved