Lao Động Bàng Môn

 
 

Một vài chuyện vui ở với CS

                                                                                        Lê Bá Vận

                    Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
                    Dưới cờ hồng (búa liềm) nhiều nổi truân chuyên.
                    Xanh kia thăm thẳm từng trên,
                    Vì ai gây dựng cho nên nổi này.

-Tân Chinh Phụ Ngâm-

          Ở với CS, các hoạt động bàng môn (phi chuyên môn) thì nhiều: Lao động những năm đầu, dịch vụ về sau. Lao động chủ yếu là giản đơn, chỉ đòi hỏi sức lực, có thể là cưỡng bách, phong trào hoặc thiết thực hơn làm ra lương thực giúp phòng chống đói. Lúc ấy lao động thật căng thẳng, có khi nguy hiểm, bây giờ bình tĩnh nhìn lại cũng thấy buồn cười trong vài cảnh ngộ.

Lãnh đạo trường canh tác-

Lúc đó đã hai ba năm  sau ngày CS tràn chiếm Huế mà kinh tế trong Tỉnh vẫn èo uột, đời sống CBCN Viên ì ạch tại chổ. Bửa ăn chẳng có gì, gạo lắm khi thiếu. Bản thân tôi, BS phẫu, có động đến dao kéo nên có chỉ tiêu lương thực là 12 Kg gạo mỗi tháng. Tài xế xe chở nặng có thể được 16, 17 Kg. Nghe bắt ham. Còn BS Nội, không lao động chân tay, thì nghe đâu chỉ được 8 đến 10 Kg gạo mỗi tháng. Trong đó khoảng một phần ba là bobo, khoai hoặc sắn. Bobo thì đem ra chợ bán dùng xay bột phụ làm bánh mì ổ, sắn khoai bán bù đổi gạo. Nhưng bobo, sắn, khoai để dùng, trộn nấu theo cơm thì ăn cũng khá hấp dẫn. Cho hay khi đói lòng thì ăn gì cũng ngon miệng. Không riêng gì Ngụy, các ông BS Cách mạng, lãnh đạo trường, cứ trông mặt bắt hình dong thì hình như cũng chưa hơn gì thấy rõ. Ban Lãnh đạo trường cùng một số chủ nhiệm các bô môn chia nhau chiếm ở cư xá lầu Krainig dành cho các giáo sư Đức trước, gần cổng sau ra đường Nguyễn Huệ.

Chiều chiều và sáng Chủ Nhật- thứ Bảy cũng là ngày làm việc-họ vẫn ra lao động canh tác ở các thửa ruộng, ao quanh trường: phía trước, cạnh trường Cán Sự Y Tế, và mé bên kia nơi mà sẽ xây lầu ký túc xá sinh viên.

Một hôm, giờ lên lớp vừa tan, tôi ra về theo cổng trước, ra đường Ngô Quyền thì chợt thấy ông BS LVP, trưởng ban Điều hành trường (nghe đâu trước là Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình, Thái Nguyên gì đó) tay áo, ống quần vén cao, đang bì bõm trong ao bùn lúi húi cắt các cọng rau muống. Khi tôi đi ngang thì tình cờ ông nhìn lên, thấy tôi, nhoẻn miệng cười thân thiện. Tôi cũng mĩm cười đáp lễ, thong cảm song không dừng lại hỏi han. Tôi thong cảm không phải do ái ngại cho ông vất vả để nâng cao chất lượng bữa ăn, mà là vì để nêu gương mẫu lao động tốt của một đảng viên CS cấp lãnh đạo luôn ý thức cội nguồn vô sản chuyên chính của Đảng. Tuy Đảng CS là đảng của giai cấp công nhân vô sản, song phải liên minh với nông dân vô sản (búa + liềm) mới đủ cấp số. Mà nếu được vô sản nghèo rớt “mùng tơi” từ đời cha và ông nội- Tam đại bần cố nông- thì là vô sản tuyệt đối, bảo đảm lòng trung kiên sắt đá với Đảng. Hồng hơn chuyên, trên tất cả, lãnh đạo tất cả. Đạo lý đó, mọi đảng viên CS đều nằm lòng, là bất di bất dịch, là tiền đề của vinh hoa phú quý cho bản thân.

Bệnh Viện Huế khai hoang làm rẩy-

Cùng lúc ấy, Đảng ủy và Chính quyền BV Huế phát động phong trào thi đua sản xuất, khai hoang làm rẩy. Một sáng kiến lớn để giúp kinh tế gia đình. Bviện xin được đất trống ở phía An Hòa đi lên. Khoa Dinh Dưỡng được giao quản lý chương trình. CBCNviên chia phiên nghỉ chuyên môn, tự đạp xe đem theo cuốc xẻng lên làm rẩy sáng đi chiều về. Nhà ai ở sẵn ngoài An Hòa hoặc trên Tuần thì thuận lợi hơn. Được ngày đầu, qua ngày thứ hai, một nhát cuốc mạnh làm một quả  mìn nổ, chết một y công ngụy, khoa Dược và làm bị thương một người khác. Mọi người sợ xanh mặt, song “cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem mấy Ổng (CS) xoay hành đến đâu”, cắn răng tiếp tục (đào cuốc để) hoàn thành chỉ tiêu “kế hoạch do Đảng ủy và Bviện đề ra, không thể thay đổi. Ai cũng sợ, nhỡ cảm xúc mạnh, sơ ý bộc lộ bực bội tiêu cực thì nhẹ nhất là lên phòng Tổ chức cán bộ viết bản tự kiểm, lưu hồ sơ về tội danh Bất mãn chế độ, xúi giục phá hoại kinh tế…Rồi dặn bảo nhau nhẹ tay xẻng  cuốc, cảnh giác đề phòng, gặp vật cứng vứt bỏ dụng cụ, dùng tay bươi móc càng chậm càng an toàn. Đến kỳ thu hoạch, sơ kết phong trào cho biết thắng lợi hoàn toàn, đạt chỉ tiêu xuất sắc. Sắn mang về, khoa Dinh Dưỡng chia cho các khoa phòng tùy lớn nhỏ. Khoa Mắt được chia khoảng 20 kí. Qua mùa sau, Đảng ủy và Bviện có lối nhận định mới. Các mục tiêu chính trị của phong trào đã hoàn tất, dù thu hoạch chỉ là tượng trưng. Một phần do lỗi ở CBCN viên ngụy vốn là giới thầy cô công chức ngụy cũ, chân yếu tay mềm, ra nắng xây xẩm, cuốc đất rẩy vừa yếu vừa sợ, mặt khác đường xa lóc chóc, lâu ngày xe đạp vỏ ruột cũ, vỡ bánh đứt xích lung tung càng làm mất thì giờ vá sửa, trì trệ công tác. Đảng ủy và chính quyền Bviện quyết nghị thay đổi phương án làm ăn: tăng công tác chuyên môn, giảm dần làm rẩy, rồi thôi hẳn. Khoa Dinh Dưỡng bàn giao quản lý cho công đoàn Bviện. Từ đó, công đoàn điều người lên ở thường trực trên rẩy để nuôi bò, kéo dài nhiều năm.

Ở đợt làm rẩy này, khoa cử người đi, về báo cáo lại, song bản thân tôi, chủ nhiệm khoa không thấy giấy gọi đi. Năm trước cũng thế, trường ĐHY Huế tham gia công tá làm thủy lợi Nam Thạch Hản một tuần lễ. Tôi là chủ nhiệm bộ môn cũng ở nhà. Cả  hai lần tôi không hề tìm hiểu lý do. Tùy các ổng, gọi đi lao động thì đi, không gọi thì ở nhà lo chuyên môn. Đằng nào cũng được. Đơn giản thôi.

Tôi lao động nuôi trồng-

Quanh trường, trên rẩy, ngoài Nam Thạch Hãn, tôi chẳng dự, không tại tôi. Một lần khác nữa thì tôi lại có đó.

Rất sớm, khoảng tháng 8,9 năm 75, Viện ĐH Huế tổ chức toàn Viện chiến dịch trồng cây xanh Bác Hồ trong một ngày ở vùng đồi phía Thiên An, gần Chín Hầm, lăng tẩm. Cây ươm do Sở Lâm Nghiệp sung cấp chở xe lên. Tuy là dân thành thị da dẽ trắng trẻo, chưa từng cầm cuốc xẻng ra nắng lâu, song tôi cũng như tất cả mọi người đều ra sức đào hố ở đất đồi cứng nhắc, nghiêm túc làm đến đâu, nghỉ thở dốc đến đó. Trời thì nắng gắt, đồi thì trọc. Rút cục, không đến nổi làm hỏng kế hoạch Viện ĐH đề ra, mỗi người trồng được 6-7 cây thong nhỏ, đạt chỉ tiêu. Cũng hồ hởi, tự khen. Lúc đó không ai nghĩ đến chuyện cuốc nhằm bom mìn nổ. Về nhà mới sực nhớ. Cũng gần thành phố, làm gì có chuyện đó. Dù sao cũng chỉ một ngày, và đã qua.. Thêm nữa chắc đuối. Lao động làm đất nhất thời như thế, trong hoàn cảnh kinh tế còn non kém, tôi không chút nề hà, có khi lại còn xem là một dịp tốt để một người lao động trí thức  vận động thể dục chân tay; đặc biệt lần này có cơ hội trao đổi thăm hỏi với các bạn Ngụy cũ ở Trường cũng như ở Viện ĐH.

Lao động là vinh quang , đúng như CS nói, song phải do tự giác tự nguyện, không dính mưu đồ chính trị. Lao động công trường, công ích, nghĩa vụ, kinh tế mới…nếu không cưỡng bách, không đem con bỏ chợ thì chẳng gây sợ hãi nào. Nhưng thực tế lại không phải thế.
Vậy Cọng Sản và Cọng Hòa (Quốc gia) ai đúng ai sai? Tranh luận về chính trị, tôn giáo thì “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” ai cũng giữ ý kiến mình, ai cũng phải. Song dân chủ thật sự thì không đặt vấn đề đúng sai mà là ưa ghét. Hợp ý thì chọn, tùy thời điểm, bất kể sai đúng.

Riêng tôi, về góc độ khách quan, Duy Vật biện chứng, thì thấy không ổn ngay tại cơ sở, chủ thuyết của Đảng CS, đặt nền tảng trên những ngụy đề, hư thuyết khoác danh chân lý, tựa hồ định đề cổ điển: vua là thần tử, con trời, tự phong tự ban đủ mọi thứ quyền hành, để rồi lập luận mạo biện, áp đặt một chiều và thi hành chuyên chính. Đã lỗi thời theo đà tiến hóa. Bàn dông dài về chính trị chỉ gây tranh luận, quay trở lại thực tế trước mắt. Lao động trồng trọt chăn nuôi dễ thông cảm với nhau hơn.

Một buổi sáng nọ, trong giờ giao ban, ban Đời Sống Công đoàn báo cáo sở Nông Ngư Nghiệp thông báo có một số cá giống mới về, tập thể hay cá nhân có thể đăng ký mua, về nuôi lớn tăng thu nhập.   
“Đến La Mã, làm theo người La Mã; đi theo ma, mặc áo giấy”, lúc đó tôi nảy sanh ý kiến vớ vẫn là khoa sẽ lao động nuôi cá, để nêu gương lao động sản xuất cho mấy ông CS. Thật hết nói. “Trứng đòi khôn hơn vịt, b/n ưa qua mặt BS”. Cạnh khoa Mắt là phòng Nguyễn Thiện Thuật cũ đã bị phá hủy hoàn toàn trong biến cố Tết Mậu Thân 68, phơi bày lộ thiên hố xí trống rỗng, tráng xi măng rất sạch sẽ qua 10 năm bỏ không dưới mưa gió. Khoa mua cá giống về thả vào đó. Cũng vui, trưa chiều ra theo dõi cá đớp thức ăn dư của b/n trong khoa. Sau vài tháng cá lớn. Tiếc thay, chưa kịp thu hoạch thì mưa đâu kéo đến tầm tả suốt một ngày đêm làm ngập nhiều nơi trong Bviện, ngập cả hố cá. Trong đêm, cá tran ra ngoài theo mương cống ra song, hoặc tran vào ruộng ĐHYK gần đấy, an toàn. Thật ngoài dự liệu. Nhiều người bàn mua lưới thép đậy lên hố. Phức tạp quá, hố thì dài, rộng, đành thôi nuôi cá.

Lại đến chuyện bồ câu. Một b/n sắp mổ mắt biếu khoa một cặp bồ câu. “Cái khó ló cái khôn” tôi lại nảy sáng kiến tào lao là sẽ mua chuồng nuôi bồ câu. B/n phong phanh nghe được lại hối hả mang biếu khoa thêm một chuồng bồ câu sáu lỗ ra vào, tha hồ rộng rãi. Tôi đặt chuồng lên một trụ bê tong còn sót lại và ràng buột cẩn thận. Hàng ngày xem bồ câu bay lên bay xuống cũng vui mắt và hình dung rồi đây phải mua thêm chuồng nữa mới đủ. Song rủi thay, một sáng nọ, lúc giao ban, hộ lý trực báo cáo một bồ câu đã bị xe Bviện chở nặng cán chết nhãn tiền trước khoa, hôm qua. Thật vô lý, xe cứu thương ai cho phép chạy nhanh trong Bviện! Chắc sự tình có uẩn khúc hoặc do báo oán: năm xưa, khi lái xe hơi từ An Cựu lên theo đường PĐPhùng dọc bờ sông tôi chạy qua một đám bồ câu giữa đường và cán một con chết quay đơ. Nhưng chuyện đó đã lâu rồi. Lần này tôi còn nuôi hy vọng con bồ câu còn lại sẽ cù về một con khác và đâu sẽ vào đó. Chưa được một tuần thì nó lại bay mất luôn, không biết ai bắt hoặc chim nào rủ rê. Chung quang kiểm tra không thấy có nhà nào nuôi bồ câu.

Thất bại hai lần, sự bất cập tam, tôi giao việc nuôi rẹ heo, cuốc trồng các luống khoai quanh khoa cho khoa lo liệu. Nuôi re là khoa góp tiền mua heo giống về giao cho một người trong Khoa đem về nhà nuôi lấy công, sau bán heo chia phần. Song “không thầy đố mầy làm nên” lần này vì không có tôi chỉ tay năm ngón nên mọi người lao động tắc trách qua loa, rồi cũng không đi đến đâu. Sau cùng là dẹp hết. Cầm bằng như các khoa Nội, Ngoại ở các căn hộ trên lầu cao chung cư làm gì có đất để triển khai nuôi trồng! Song cá lóc, bồ câu, heo rẹ, luống khoai cũng đã giúp trút phiền não, để sống còn qua ngày tháng.

North York, May 2006

 
 
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved