Lê Bá Vận
Chuyến tôi đi dự họp mặt ở Đại Hội Kỷ Niệm 20 năm thành lập Hội Ái Hữu ĐHYK Huế Hải Ngoại (1986-2006) tại Little Saigon đầu tháng 8/ 06 vừa rồi thú vị và bổ ích, mang về được Tập San kỷ niệm và một hộp đồ trúng số tại Đại Hội, chưa kể bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm cũ và mới. Sau đó lại nhận được Bản Tin số 2 có các bài tường thuật khá chi tiết về Đại Hội và dư âm của nó. Lại còn CD và DVD của các buổi họp mặt. Như vậy tôi thu hoạch cũng được bề bộn.
Do ở lâu với mấy Ổng, không giống lông cũng giống cánh, sau mỗi kỳ học tập chính trị, phải viết bài thu hoạch nộp cơ quan, để L. Đạo xem cái gì đã vào được đầu óc mình, biến chuyển ra sao, qua đó đánh giá được nhận thức chính trị, khả năng giác ngộ C. Mạng, đã gội sạch tư tưởng Ngụy chưa. Hể cứ hồng là hơn chuyên, liệu đó mà thu hoạch, mà viết lách. Lâu ngày thói quen thành một bản năng thứ hai, lâm sự là tôi viết thu hoạch, không viết tường thuật. Tường thuật thì khá khách quan, thu hoạch mỗi người một khác. Tùy phúc phần, cơ duyên, thiên tư mỗi cá nhân mà mức độ giác ngộ về C. Mạng, về tôn giáo, về võ thuật Kim Dung khác nhau. Do đó lần này đi Đại Hội về tôi viết bài thu hoạch.
Trước tiên tôi kiện cáo về những đoạn tôi đòi thêm vào bài “Lao Động Bàng Môn” tôi viết trong T.San Kỷ Niệm 2006, song lại không được thỏa mãn. Cũng lổi tại tôi vì gởi chậm. Tuy nhiên tôi nhắc lại đây vì có dụng ý để dùng cho các đoạn sau, chủ yếu:
- Mưa ngập nhiều nơi trong Bệnh Viện, ngập cả hồ cá. Trong đêm cá tràn ra ngoài…vào ruộng ao ĐHYK gần đấy, an toàn “được trường chiếu cố”.
- Cái khó ló cái khôn, tôi lại “sinh sự” nảy sáng kiến tào lao…
- “Cô” bồ câu còn lại, để phù hợp với chim nào rủ rê.
- Cầm bằng như các khoa Nội Ngoại…làm gì có đất để triển khai nuôi trồng! “đở vô duyên công hoài của phí”, “dòn lãng nhách xôi hỏng bỏng không”.
- Một đoạn khá dài nhận xét về lời chúc tết trong lá thư Chủ Tịch.
Sau đó, và quan trọng hơn, là những thông tin của tôi có sai lầm và thiếu sót, cũng trong bài LĐBMôn, viết vội, cần đính chính, sửa sai. “Cận đăng tắc minh” sống dài ngày với các Ông CSản, trí tuệ tôi trở nên sáng suốt nhận thức được bí quyết thành công và cũng là ưu điểm có tính vượt trội của Đảng: đó là thẳng thắng công nhận trước Nhân Dân những lổi lầm sai trái (C.Trị, K.Tế, Q.Lý…) và đề ra các biện pháp sửa sai, sửa mãi vòng vo tam quốc, đơn đảng ai làm nấy sửa, quýt làm cam chịu. Qua bên này tôi thấy sự việc lại khác hẳn. Ở bên này, sai là chối quanh chối quẩn, là xuống đa đảng khỏi sửa, “có mợ chợ đông ai đi trong Quảng ai trông mợ về”! quít làm quýt chịu. Hai chế độ, hai chiến thuật. “ Chân lý bên này dãy (núi) Pyrenees (Pháp), lại là nghịch lý bên kia (Spain). Ai hay ai dỡ, biết theo bên nào: “ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận, quay đầu về Sở sợ Tề ghen”. Hay là chọn theo ưa ghét? Riêng tôi thì tôi chọn ngay phương án thứ nhất: tôi công khai công nhận lỗi lầm và xin sửa chữa; đó là phù hợp với đạo lý, với quyền lợi riêng tư. “Quá nhi năng cải thiện, mạc đại nhiên”. Có lỗi mà biết sửa thì tốt hơn ai cả”. Sách Tàu dạy vậy. Đó là đỉnh cao trí tuệ loài người, của Đảng.
Trong bài LĐBMôn, tôi viết: “ĐHYK Huế tham gia công tác thủy lợi Nam Thạch Hãn một tuần lễ”. Như thế là thông tin sai lạc. GS Võ Đăng Đài, trong bài “Tính sổ một đoạn đường”, ở Tập san Kỷ Niệm 2006 lại viết khác: “Ngoài ra nhân viên thầy cô giáo cũng còn tham gia với dân chúng xây đập Nam Sông Hương”và còn mô tả công tác tỉ mỉ. Hỏi lại BS NV Tự cũng xác nhận là xây đập Nam Sông Hương, không bao giờ đi thủy lợi Nam Thạch Hãn. “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết”. Tôi thành thật xin lổi và đính chính, tôi đã nghễnh ngãng nghe chữ được chữ mất. Ở với CSản, thông tin kém lắm. Dù bề nào tôi cũng không tham gia đợt lao động đó, và ở nhà lao động ngành nghề. “Bồng con dòn xay lúa” đâu dám ngồi chơi xơi nước! GS VĐ Đài lại cho biết: có những buổi Lao Động XHCNghĩa, giảng viên nhân viên đều tham gia, như trồng rau muống và lúa ở hồ trước mặt trường, sau này biến thành LĐ tự túc lương thực, và có những ngày đi lao động xa như đi trồng sắn ở Cồn Tiên. Anh BS NV Tự hôm đó kể cho tôi nghe có lần thầy trò đẩy xe bò lên dốc Nam Đông. Anh kể mà giọng ngậm ngùi.
“Cho hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho…đẩy xe mới được phần thăng cao
Có đâu thiên vị người nào. Chữ Hòa chữ Cọng rồi rào cả hai”
Hồi đó, bọn Ngụy này, tôi, anh Tự, anh Đài và các bạn Ngụy khác đâu dám lanh chanh trò chuyện, bí mật thông tin cập nhật với nhau! Thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, có mồm cắp, có nắp đậy, cứ ù ù cạc cạc, câm câm điếc điếc, giả dại qua ải, tránh voi chẳng xấu mặt nào, là ông bà phù hộ, tai qua nạn khỏi. Anh GS Đài, anh BS Tự lao động vui khổ ra sao, nơi đâu, tôi chẳng biết; bây giờ mới biết.
Bia tưởng niệm các GS Đức tử nạn trong biến cố Mậu Thân 68 do SV YK Huế kính lập cạnh giảng đường A. Trước 75, tôi có khi ra đứng ngắm trông; sau 75, mỗi lần tôi đi ngang qua là đi thẳng, không giám chậm bước hoặc dừng lại để nhìn, thỉnh thoảng có liếc trộm thấy hình như có vết đục xóa. Qua đây bây giờ mới biết đục xóa những gì.
* * *
Trong buổi họp ngày thứ Bảy, tôi và anh NV Tự ngồi gần nhau. Có cả anh BS PH Chí. Tay bắt mặt mừng, đã lâu mới găp lại. Ai cũng khỏe mạnh, phong độ tràn trề, chưa thấy dấu vết thời gian. Đấy là tôi nói về các anh ấy, không phải về tôi.
Anh BS Tự rất ít hỏi hơn trước, song khi trả lời thì rất cặn kẻ. BS Tự là người nghiêm chỉnh, chín chắn, ung dung tự tín. Về nghiêm chỉnh mực thước thì anh giống anh Bách (BS LêV.Bách). Tuy nhiên anh Bách thì có vẻ khắc khổ, anhTự luôn tươi tắn, nghe nhiều hơn nói, nhưng “văn (nghe) nhất tri thập”, nhận định nhanh, phán đoán chuẩn. Nghĩ lại, anh BS Bách thật như một đức “Khổng Tử” của Trường, cầm mối giường, giữ khuôn pháp. Anh BS Tự là cuốn từ điển sống của Trường, nắm Học Vụ trong một thời gian rất dài, hỏi chuyện Trường điều gì anh cũng biết, bất cứ về thời điểm nào. Anh lại Tử Vi rất giỏi, có kể cho tôi nghe một ít sự tình, thành tích. Bậc Thầy. Nói đến bậc Thầy, tôi lại nhớ đến lúc học Y ở Hà Nội, trong lớp có luôn 3 anh Tiến. Để phân biệt, bạn bè gọi, chắc từ lâu: Tiến lọ, Tiến lác, Tiến thầy. Hai người trước không nói làm gì, riêng Tiến thầy thì phục phịch, hiền lành, ai hỏi gì anh cũng vui vẻ giải thích rành rẽ, chuyện gì anh cũng biết - chuyện này kia ngoài đời, không phải chuyện học hành y khoa- cho nên các bạn tôi tôn anh là Thầy. “Năng giả vi sư”, người có tài năng hiểu biết làm thầy.
Không riêng gì tôi, anh BS Phùng hữu Chí khi viết kể lại kỳ thi GNViên năm 1963, cũng phải nhờ anh Tự nhắc lại đầu đề bài thi viết kỳ đó (T.San YK 06, tr.112). Hình như chuyện Trường sau 75 anh cũng biết nhiều. Song ở với V. Cọng biết nhiều quá không có lợi. Rồi lại thấy các anh trong Ban C. Hành lăng xăng đứng lên nói chuyện này đến chuyện kia trước khi bầu bán lãnh đạo mới.
Đặc biệt, anh BS VV Phác kể một chuyện vui lý thú về giờ cơ thể học Thầy Tự dạy hồi đó! Anh làm điệu bộ và lập lại câu thầy Tự giảng bằng tiếng pháp về xương bả vai, đòn gánh gì đó. Mọi người được dịp cười hả hê.
Đó là tinh thần của buổi họp: Ôn lại những kỷ niệm cũ, nhất là những kỷ niệm gây chút cười. Ôn lại mà muốn vui nhộn là thường phải thêm mắm thêm muối chút đỉnh, vẽ rắn thêm vài chân, tam sao thất bổn, miễn là gây vui thiện ý.
Tôi nhìn qua, thấy Thầy Tự vẫn ngồi nghiêm chỉnh, có thoáng mím cười rất nhẹ, công phu hàm dưỡng rất cao.
Tôi ít để ý đến câu chuyện, mà chỉ tấm tắc khen anh BS Phác, khóa 7, người Pháp về nước lâu rồi mà anh còn giỏi Pháp Văn như thế, hiểu được các điểm thâm thúy của tiếng Pháp; cả anh BS V. Chánh nữa, không rành chính tả Việt, vì học trường Pháp. Anh BS V. Chánh cũng khóa 7. Đúng là “hậu sinh khả uý”, “anh hùng xuất… khóa 7, bẻ gảy sừng trâu, có nhiều chủ tịch hội (Hân, Ngạc, Chánh, Văn Phác).
Chị BS Tự lập tức đứng lên bắt bẻ, ngắn thôi. Chị BS Tự là bà Thầy tiếp xúc thân mật với các sinh viên cũ nhất. Chị BS Tự thường rời chổ đến các bàn hỏi han, góp chuyện với các BS YKHuế và phu nhân, Về điểm này chị giống như anh BM Đức. Các bà Thầy khác, kể cả bà vợ tôi (mà rất ít khi đi) hình như ngồi đâu thì ngồi đó, cho đến nóng chổ, suốt buổi chỉ lo trò chuyện với nhau mãi đến khi ra về. Các bà thì có rất nhiều chuyện để kể cho nhau nghe. Lâu lâu mới gặp lại: anh chị BS NV Tự cùng các con, suốt thời chiến đã ở luôn tại Huế từ đầu Trường đến cuối Trường (1975).Gia đình đóng góp quá nhiều cho Trường qua sự ra đi của bào huynh, BS NV Đệ, bị thảm hại với các GS Đức lúc biến cố Mậu Thân 68, khiến Trường mất một Thầy giáo giỏi về ngoại phẩu.
Đằng kia, Thầy BM Đức đang bàn này qua bàn nọ, cười cười nói nói với các BS YK. Thầy BM Đức là người thân thiết nhất với SV Cũ. Thân thiết còn trên thân cận một bực. Hai thầy Tự và Đức hiện thời năng tiếp xúc với Hội Ái Hữu nhiếu nhất. Cầu trời cho được thế mãi lâu dài. Mà chắc được thôi. Vua Tự Đức triều Nguyễn trị vì rất lâu, lâu dài nhất trong Sử, rất chí tình với bạn. Thầy BM Đức lại còn rất nhiệt tâm lo cho Trường. Trước 75, là Trưởng Khu T.M.H. Thầy đã rủ rê được các Bs Saigon ra Huế giảng dạy và kéo được một GS ở Pháp đến Huế (và Saigon) tổ chức một khóa ngắn chuyên khoa về Tai. BS NĐ Khôi (khóa 9) là một học viên khóa đó, mới đây gởi thư thăm tôi, biếu một ít ảnh về Đại Hội tháng 8/06 và nhắc lại chuyện xưa. Tôi nhớ lại đầy đủ, và thầm khen ngợi thầy BM Đức lúc đó. Năm 1974 Bộ Giáo Dục cử tôi vào Hội Đồng Giám Định Trường ĐHYK Minh Đức ở Saigon. Tôi đã công văn đề cử GS BM Đức đại diện ĐHYKH trong nhiệm vụ đó, nghĩ rằng anh Minh Đức thì nên giám định trường Minh Đức, và tin tưởng ở Anh. Anh BS BM Đức chợt thấy tôi, anh Tự, anh Chí, liền bước đến chào hỏi vồn vã, đương nhiên cũng như mọi lần có mời đi ăn. Song lần này thì lu bu quá, nên xin khất lại. Anh nói cạnh tai tôi : “lần này tái bản Từ Điển tiếng Huế, tôi có nhắc đế tên anh”. Nhưng rồi ồn ào quá nên cũng không nghe rỏ những câu sau. Cách ít năm trước đây, tôi hoặc viết hoặc phôn cho anh có đóng góp một số ý kiến về cuốn Từ Điển ấy.
Nói đến anh BS BM Đức mà không đề cập đến cuốn Từ Điển Huế mà anh là Tác Giả thì coi như ếch ngồi đáy giếng, quá thiếu sót, lỗi nặng. Cuốn Từ Điển Tiếng Huế , mà hiện có, ấn bản bìa xanh 2004, trên 1000 trang. Khi mới ra đời gây nhiều tranh luận, kẻ khen người chê. Các người chê hầu hết là chưa đọc, chỉ mới nghe nói, mà đã có sẳn thành kiến: “Tiếng Huế “hay ho” gì mà phải từ điển này kia, tào lao”. Các người khen thường là đã có đọc qua Từ Điển. Tôi thì chưa đọc đã khen, đọc rồi khen thêm. Nói như thế không có nghĩa T. Điển đó hoàn hảo. Các chổ sai, sót còn nhiều bộn, nhất là phần định nghĩa các từ kép, thành ngữ, tục ngữ…tức là phấn Từ Điển. Trong khi giơ tay múa ngón, phát biểu ở Đại Hội, tôi có buột miệng nói: “tôi nhại thơ thì cũng có tương chao lắm, chạy biệt lên rừng, mèo khen mèo dài đuôi”. Khi làm xổ số, anh BS ĐS Nam nói: “Thầy trò mình cung cò với nhau”. Các cụm từ, thành ngữ: giơ tay múa ngón, tương chao, chạy biệt lên rừng, mèo khen mèo dài đuôi, cung cò, về xem lại không thấy có trong Từ Điển tiếng Huế!! Đó là những tiếng năng dùng. Tuy nhiên “quét nhà ra rác” không quan trọng. Ngồi gần thầy NV Tự, tôi hỏi: “Anh nhiều lần dùng các từ “bắt cóc bỏ dĩa”, tôi đoán anh muốn nói: hành động không kế hoạch. Trong T. Điển tiếng Huế thì nói là: “hấp tấp hay di chuyển”. Anh thì sao? BS Tự phán ngay: “cả hai anh đều trật lất. Bắt cóc bỏ dĩa là bắt người khác thay vào vì người định dùng vắng mặt. Tiếng Pháp là “Faute de mieux”. Tôi e rằng: úm ba la, cả ba đều đúng, tuỳ theo tình huống câu chuyện. Tháng 4/06, anh BS V. Chánh qua phôn nói với tôi : “Thầy sợ chắc các em thi sẽ bị đì (thi vào Y Huế) và đánh hỏng?
Trong bài “Lao Động Bàng Môn”, tôi dùng các cụm từ: chiếu cố (chú ý săn sóc), sinh sự (bày chuyện), không thầy đố mày làm nên (thất bại), và trong bài này “BS BC Đệ sắp xếp văn nghệ tránh được cảnh “nhét cua lòi đam” (xếp đầy đủ). Các cụm từ, thành ngữ, tục ngữ trên có nghĩa khác hẳn so với trong TĐ tiếng Huế : bắt cóc bỏ dĩa, đì, chiếu cố, sinh sự, không thầy đố mầy làm nên, nhét cua lòi đam…
Có nơi sai hẳn: nguyên nhân của thong manh, của răng sưa…đá thúng đụng nia là đá cá lăn dưa…Tào (tao) khang chi thê là vợ do cha mẹ cưới. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm là trích kiều…Tác giả có vẻ ít rành về cờ bạc “Bài Xẹp là bài Tứ Sắc nhưng chỉ với 3 con, bài Tứ Sắc với 4 con. Cua bầu nhà cái cũng dễ thua. Vụ (con vụ 6 mặt, một chung thành sáu (?). Xóc dĩa là xóc các hột lúc lắc, tứ ngũ lục hường đoạt trạng giống nhau.. Tôi thì : cờ bạc rành nhiều, ham ít; ẩm thực rành ít ham nhiều. Có nơi khó hiểu, có lẽ vì ẩn ý: “Mưa lâm thâm/râm ướt dầm lá hẹ”. Rồi câu tiếp: “Tôi thương một người có mẹ không cha” (tr 610). Hoặc “tui thương một người có sẹo màng tang (??) (tr777). Một câu 7 chữ, một câu 8 chữ!! Các khuyết điểm đại khái là như thế, nhiều nơi vừa rồi là một ví dụ. Song “đoản bất yểm trường” xô qua bù lại, cái dở nhỏ không lấp được cái hay to, tác phẩm có nhiều giá trị. Các cụm từ, thành ngữ, châm ngôn…có nhiều, định nghĩa gọn, chuẩn, kèm minh họa lấy trong đời sống người Huế, hò, ca dao, vè, bản thân…(tr 380; 777)
Tôi học được nhiều: “trời sinh voi sinh cỏ” là sẽ có giải pháp cho mọi vấn đề. Do đó, trong bức thư gởi anh BS V Chánh Dec. 2006, tôi ban đầu viết : “Huế tắt điện liên miên, song rồi cũng trời sinh voi sinh cỏ”, tôi phải bỏ và thay vào: “trời sinh trời dưỡng” nhờ tra T Điển tiếng Huế. “Xuề xoà” là vui vẻ, rộng rải, bao dung “không bắt lổi bắt phải”; do đó tôi mới dám viết: Thầy BM Đức vui vẻ, hiếu khách, nhiều khi xuề xoà (T.San 06. tr202). Đâu phải muốn viết gì thì viết!
Nhiều ca dao, tục ngữ mới lạ đối với tôi:
Nhận xét ý vị: uốn éo như cá ngéo động trời.
Triết lý nhân sinh: biết sống được đến ngày mai mà để củ khoai đến ngày mốt.
Tinh ranh ẩn ý: khi không ai, thì cả trai liều chồng.
Thâm thúy ý nghĩa: Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam.
Trong câu “ăn chưa bưa, lo chưa thấu”, đúng câu là: “ăn chưa no lo chưa tới”. Song tôi hiểu được, là ngườì Huế, nhưng chữ “bừa” (sai vần) cho nó Huế. Đó là phần Từ Điển phương ngữ, cụm từ, thành ngữ, ca dao tục ngữ… Có này có kia, hay dở. Về phần “Tích điển” thì khỏi nói, tôi thích nhất vì biên khảo công phu, đọc vui, bổ ích. Tích là biên chép sự tích đủ thứ: lịch sử, địa danh, phong tục, giải trí, ẩm thực…Kể mấy cũng không ngạ, cho nên Từ Điển rất dày, mà muốn dày hơn cũng được. Một vài ví dụ: Y Sĩ Đông Dương, Hướng Đạo Huế, Phẩm trật, Cơm Âm Phủ v.v..Mỗi cách mình phải sưu tầm chọn lọc ghi chép, tránh trùng lập, mâu thuẩn. Song rất nhiều thì giờ đầu tư. Con tôi (X. Đào) khen rồi rào, la lên: “Ba thấy chưa, BS Đức dùng từ rất là Huế, công ông rất là to, lỗi không đáng kể”. Rồi nó đi nói chuyện với bạn, khiến nhiều người như BS VH Khanh, NS Hằng, ai cũng háo hức muốn có một bản mà không biết đặt mua ở đâu.
Tôi nói về cuốn Từ Điển tiếng Huế hơi dài giòng, đó là tôi có cố rút ngắn lại rồi đó. “Bắt kẻ có tóc, ai nắm kẻ trọc đầu”. Vì anh BS Đức có viết ra cuốn Từ Điển ấy thì tôi mới có chuyện đễ bàn, Tôi suy nghĩ nói ra thế này cũng tốt thôi:
_ là một cách quảng bá miễn phí cho Từ Điển. Ở Bắc Mỹ này làm gì cũng phải quảng cáo rầm rộ, làm “âm thầm như mặc áo gấm đi đêm”.
_ để tất cả Hội chú ý đến Từ Điển, xúm lại giúp ý kiến, bổ túc sửa chữa mỗi người một ít giúp tác giả hoàn chỉnh tác phẩm nhanh chóng, chẳng ngại múa rìu qua mắt thợ, chẳng phải gậy ông khỏ lưng ông.
Tiếng Huế và tiếng Việt nói chung, các cụm từ, thành ngữ, tục ngữ ca dao có quá rồi rào bắt loạn (nhờ tức cảnh sinh tình nói theo vần) và có nhiều nghĩa tùy tình huống đa dạng. Hiểu sai hoặc thiếu sót rất dễ dàng..
Tôi lấy 1 ví dụ: “tôi vừa viết ở trên, trong đoạn này: tuy nhiên, “quét nhà ra rác”. Không có trong Từ Điển tiếng Huế, song lại có nguyên câu: “ Bói ra ma, quét nhà ra rác”mà Từ Điển tiếng Huế định nghĩa :”nhìn kỷ thì khi nào cũng thấy có khuyết điểm”. Song “bói ra ma” không có ý nghĩa này. Toàn câu ý muốn so sánh Bói (huyền bí) với quét nhà (cụ thể) đều giống nhau ở kết quả (tất yếu, không thể tránh). Ngụ ý không nên quá tin tưởng vào các huyền bí, bói toán. Chưa biết tôi nói đúng được mấy phần. Cũng vậy “múa gậy vườn hoang” là khoe khoang tài giỏi hiểu biết với người không hiểu biết, “vũ trượng hoang viên” thay vì không có đối thủ hoặc không phải phạt như trong Từ Điển giải thích (tr. 603), cũng như “tránh trời không khỏi nắng” “thả hổ về rừng” (phong hổ quy sơn). Để ngọc không tì vết, câu loại nhanh, sạch các lỗi lầm có tác dụng: “con sâu làm rầu nồi canh”; mà người ngoài Huế lại ngộ nhận là đúng, là Huế (BS: BXN) Trí tuệ, tay mắt tập thể, khiêm nhường cũng hữu ích, vì (cá) nhân vô thập toàn.
GS VĐ Đài đã viết về cuốn Từ Điển này: “Dĩ nhiên là sẽ có những điếu thêm hay bớt, nhưng đây thật sự là một tác phẩm để đời”. (T. San 2006, tr.13)
Ngồi cạnh tôi, bên trái là BS P. Hữu Chí. BS Chí là người Nam Bộ, ăn nói thoải mái, có nhận xét gây vui, có chút đùa cợt, miệng thường cười nhẹ. “Phùng” là gặp. S Viên gặp được Thầy Chí là coi như “Hữu chí cánh thành”. Quẻ tốt.
Tôi còn nhớ như in, trước 75 gặp anh BS Chí vội vội vàng vàng bước nhanh dọc hành lang khoa Nội trên lầu cao chung cư, tay xách hộp gổ gì dài dài như hộp bao đờn violon, tưởng đang chạy show văn nghệ gì đó, hỏi anh cười cho biết đó là hộp dụng cụ Nội Soi Tiêu Hóa, đem từ Đức về, chưa ai có, đi đâu phải mang theo, không rời mắt. Sau 75, có lần tôi vào Saigon săn sóc Ông ngoại mấy cháu bị bệnh, tình cờ lại gặp Anh đang hối hả trên đường đi, tay vẫn xách hộp cũ. Tôi biết đó là hộp gì rồi, vật bất ly thân, chỉ hỏi đi đâu, Anh trả lời đi gấp từ BV NV Học đến BV khác có ca Nội soi gấp. Trao đổi vài câu chuyện rồi Anh đi công tác khẩn, cứu bệnh như cứu hỏa. Nay qua đây gặp lại Anh như vậy là đã hai lần, anh đi tay không, thấy người cũ nhưng không thấy vật xưa. Hay là vật đã “vô dực (cánh) như phi”. Hay là đồ nghề đã để lại quê nhà tặng Bviện! Cũng như GS LV Bách, anh BS Chí là Giáo Sư Nội giỏi của Trường.
Qua Chủ Nhật hôm sau tôi mới gặp lại anh Giáo sư VĐ Đài, sau e cũng gần 30 năm xa cách. Anh chỉ có khác đi chút đỉnh. Con người lạc quan vui vẻ thường tươi trẻ lâu. Có khác là Anh nay mang thêm cặp kính đen và cùng đi với gia đình. Bài “Tính sổ một đoạn đường” Anh viết nói chung vô tư và trung thực. Nhờ bài đó, cùng các bài “Ông Khoa Trưởng đầu tiên”của BS PH Chí, “Thầy Khoa Trưởng BD Tâm” của BS V Chánh , và “20 năm ký ức 1986-2006”của BS ĐS Nam (T.San 2006) mà tôi biết rỏ nhiều hơn về Trường từ đầu chí cuối. Tuy vậy anh GS Đài cũng vắng mặt ở Huế ở những thời điểm quan trọng, lúc Anh đi học Đức và mùa Hè Đỏ Lửa Quảng Trị 1972 nên không thực sự chứng kiến các sự kiện. “Nhĩ văn (nghe) bất như mục kiến”. Tôi cũng không hơn, lúc biến cố Tết Mậu Thân 68, tôi không có mặt ở Huế, lúc Hè 72 tôi không vào Đà Nẳng; tôi và một số Bác Sĩ, S Viên vẫn ở Huế làm việc. Chỉ đánh nhau ở Quảng Trị, mà rất ác liệt, Huế chưa chi, sợ mà chạy trước vì ám ảnh vụ Mậu Thân. Gia đìng tôi chở tất cả đồ đạc chạy vào Đà Nẳng cả 1,2 tháng. Trường cũng chở gần hết Trường vào Đà Nẳng lúc Hè đó. Tôi nhớ vậy, lúc đó không phải là phần việc của tôi dọn Trường di tản. Chắc là mấy ông điều hành Trường và ông Tổng, Phó Thư Ký Trường sắp xếp. Sau đó chở ra đầy đủ học lại. Tôi nhớ tình hình lúc đó cũng căng, nhưng chỉ căng trong vài ngày, rồi yên dần, vì Quảng Trị được tái chiếm. Ai vào Đà Nẳng thì chờ thêm Huế gần yên hẳn mới trở về. Thương bệnh QTrị vào nằm cũng hèn đông! Về các lãnh đạo cách mạng, GS Đài có nhắc đến trong Tập San 2006, Thầy Phước, Thầy Cung và Thầy Hạnh. Tôi xin góp thêm một ít nhận xét. BS LV Phước (cũng họ Lê) là trưởng ban điều hành Trường Y. Trước là Hiệu Trưởng Trường Y Thái Bình, Thái Nguyên gì đó, nghe nói vậy, không hỏi kỷ làm gì. Từ tốn, hoà nhã và dung mạo giống hệt BS NV Lộ (khóa 7?), tuy nhiên có thấp hơn và hơi mài mại mắt. BS HV Cung, Giám Đốc BV Huế, người nhỏ nhắn giống Thầy BS TT Chiểu, nhưng đen đủi, có vẻ quê mùa. Song các BS cách mạng rất kính nể, một hai cứ gọi anh Cung, mà không gọi đồng chí Cung. Ông hình như ở vậy, không lập gia đình, cống hiến toàn bộ cho CMạng. Nghe đâu trước BS Cung là cục trưởng Y Tế của miền Nam hay miền Trung gì đó. Lớn lắm. Ông ăn nói cũng nhẹ nhàng từ tốn như Thầy TT Chiểu. Có một lúc Ông được Bộ Y tế bổ nhiệm kiêm luôn Hiệu trưởng Trường Y Huế khi BS LV Phước được Bộ kêu đi công tác hay du học ở ngoại quốc gì đó. Tuy nhiên không được lâu, ông bị bệnh mất sớm. BViện nói ung thư ruột già. Ra Hà Nội rồi chở về Huế lại, không mổ được. Thì nghe đồn thế.
“Thơ tử hồ khấp (khóc). Hồ tử thơ bi”
Tình nhân loại bao giờ cũng rộng rải. Cũng thương tiếc ông. Tài cao mệnh đoản. Có lúc tôi tưởng BS Cung là người Thượng. Trong khoa Mắt hồi đó vẫn có bệnh nhân dân tộc thiểu số nằm mổ hoặc điều trị. Tất cả đều mang họ Hồ, như BS HV Cung. Hỏi ra mới biết Đảng và Nhà Nước đã đặt ân cho đồng bào Thiểu số ở Bình Trị Thiên, hoặc xa hơn nữa mà tôi không biết, được vinh dự thống nhất cải theo họ Bác: họ Hồ, để thưởng tưởng công lao kháng chiến. Dù cho BS Cung là người Thượng cũng tốt thôi. Chúng ta là đồng bào với nhau cả trên nước Việt Nam. Trường YKhoa Huế hồi đó cũng có Sviên người miền Thượng.
Thầy Hạnh là trưởng ban Điều hành Viện Đại Học Huế, giáng dấp có vẻ như GS NV Hai, Phó Viện Trưởng cũ, song người miền Bắc, và có nét mặt hao hao như BS LQ Bảo (khóa 1). Thầy Hạnh thì ăn nói sắc sảo, cử chỉ nhanh nhẹn, không có vẻ đạo mạo như 2 BS Phước và Cung.
Sờ sờ vậy, tưởng tượng thêm một ít, các bạn sẽ hình dung được ba nhân vật quan trọng trên.
Đầu tháng 9 vừa rối (2006), tôi đi New York. Có Đại Hội gặp mặt các Cựu Nữ Hộ Sinh Quốc Gia (2 Trường Huế và Saigon) tổ chức tại đó. Rất đông. Lúc còn là BSĩ thuộc Bộ Y Tế, tại Bệnh Viện Huế, tôi có dạy tại Trường NHSinh Huế, và Trường Cán Sự Y tế Huế một số năm. Trong buổi gặp mặt ở New York, một chị đến tìm tôi và tự giới thiệu là một nhân viên cũ khu Sinh Hóa của GS VĐ Đài, ở ĐHYK Huế, tên là Dung.
Tôi sực nhớ trong bài “Tính sổ một đoạn đường” của GS VĐ Đài viết, có nói lúc đó trong khu sinh Hóa có một cô phụ tá có bằng Cữ Nhân Khoa Học. Vậy còn ai vào đó nữa. Đúng chắp mắp là cô Dung này rồi. Tôi liền vui vẻ bảo: “GS Đài có viết trong Tập San YKHuế Hải Ngoại, về khu Sinh Hóa, khen chị nhiều lắm, mọi mặt, và có ý định để chị lại thay thế, làm Trưởng khu Sinh Hóa” (T.San 2006, tr 15). Cô Dung có vẽ ngỡ ngàng. Rồi tôi cũng vậy. Lúc về xem lại bài “Tính sổ một đoạn đường” thì đúng có một cô phụ tá cho DS BB Tiên ở khu Sinh Hóa, song là cô Hạnh, chứ không phải cô Dung. Vậy cô Dung này đâu ra! Đâu phải nhận vơ! Mà nhận vơ để ích lợi gì, lỡ tôi nhớ lại sao! Ở Trường tôi biết nhiều nhất là các cô trong Thư Viện, và cô Nga, phu nhân BS PV Nguyện. Lẽ cố nhiên là các BS, DS nữ nữa.
Tôi tự trách mình nhạy miệng, chưa xem kỷ bài viết của Thầy Đài về đoạn đó (đã có lần tôi nghe lầm giữa Nam Thạch Hãn và Nam sông Hương vì chưa hề đi tới đó, chỉ nghe nói). Tuy nhiên ở đất khách đột ngột gặp một nhân viên cũ tự tìm đến chào hòi, thì tôi rất cảm xúc, rồi ưa hỏi han, nhắc lại chuyện cũ của Trường. GS VĐ Đài biết chuyện này chắc sẽ nhớ lại đầy đủ. Còn về lầm lẫn là do lổi tôi. GS VĐ Đài là người dễ hòa đồng, tính vui với bạn, có tiếu lâm, chiều bạn, tin bạn, được bạn tin và là người có thủy chung. GS Đài lại là người sòng phẳng về các món nợ lời lổ này kia, nhất là các nợ ân tình (T. San, tr.17).
Hồ đó ở Huế, có 2 thầy tên Đài, BS ĐN Đài ở B Viện, và Thầy VĐ Đài ở Y Khoa. Như Đài có vẻ tên con gái. Tôi thường gọi đùa: Lương Sơn Bá, Đỗ Như Đài để phân biệt với Thầy VĐ Đài của Trường. Tên Lương Sơn Bá cũng hay, làm tôi liên tưởng đến các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử.
* * *
Gs BD Tâm thì thường là nghiêm, không hay cười, tùy tâm tự tại, độc vãng độc lai và có khẩu tài. Trong Đại Hội vừa rồi, 8/2006, Thầy phát biểu Huế là đáng yêu, đáng phục nhất nước, người Huế có lòng tin tưởng rất lạ thường. Tuy sống rất ít ở Huế, nhưng Thầy cho biết yêu Huế hơn Hà Nội và Saigon. Thầy có lý do riêng, tin hay không, Thầy không quan tâm. Ngoài cuộc thấy rõ, tôi tin lời Thầy, dựa vào các sự kiện cụ thể, và hiểu được các lý do mà Thầy đã không nói ra.
Thường thường: Thương người người thương, ghét ai nấy ghét. Ân tình của S Viên YK Huế, của Huế đối với Thầy quá lớn. Xưa Tào Tháo mua chuộc Quan Công: Nhất nhật tiểu yến, Tam nhật đại yến. Thượng nã đề kim (dâng vàng). Hạ mẵ đề ngân. Đi bạch giáp, về hồng giáp…Thế mà vẫn không lay chuyển động lòng Quan Vân Trường vì không có tình thâm nghỉa trọng, lòng thương mến thật sự. Các bạn hãy đọc lại bài viết “GS Khoa Trưởng BD Tâm” của BS V Chánh (T.San 2006. tr 42) sẽ hình dung được tất cả. Thầy BD Tâm được quý mến lúc đến và quyến luyến lúc ra đi. Rất hiếm. Mối thâm tình đó lắng sâu vào tiềm thức và khi có hoàn cảnh thì bộc phát ra thành lời diễn đạt. Qua đây, tình nghỉa của các Cựu Sinh Viên vẫn như bát nước đầy. Hội Ái Hữu đã ủy nhiệm Bs Thuận mang đến tấm plaque kỷ niệm đến nhà Thầy ở San Francisco và mời mọc thăm hỏi thường xuyên. Cho nên Thầy nói yêu Huế hơn cả là đúng. Không thể nó khác mà không dối lòng.
“Thức khuya mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết con người thủy chung”. GS BD Tâm đương nhiên biết rỏ điều này và đã chúc: “ Tình Ái Hữu của YK Huế, Tình Huế muôn năm” khi dứt lời phát biểu.
Đối với các GS Đức cũng vậy, Hội Ái Hữu đã làm lể tưởng niệm trọng thể ở Đức, 1991. Đám tang Thầy LV Bách, Sinh Viên YK, dân chúng đông đúc tham dự trọng thể. Rộng hơn nữa, bà vợ tôi, là học trò ĐK cũ, hiện nay các bạn cùng lớp vẫn lăng xăng thăm hỏi các Thầy cũ, nay cứu trợ, mai phân ưu, ngày kia báo thiệp đủ thứ. Tất cả nói lên được tình nghĩa của học sinh Huế, SViên Huế, người Huế, Xứ Huế. BS ĐS Nam đã viết: “Huế rất đặc biệt vì Huế có tình”. Đó cũng là một bản sắc rõ rệt nét của người Huế. BS NV Thuận viết:… Đó là những đứa con xứng đáng, nghiêm túc và thận trọng trong nghề nghiệp, khiêm cung trong đờì sống cá nhân, biết ân nghĩa thầy trò, bè bạn, biết thương quý nhau như những ngày còn trong lớp học (Dòng Việt 1977). Đó là những lời ghi trên giấy, song đều tựa vào những sự kiện thực sự đã xẩy ra. Không phải ở đâu trên đất Việt Nam cũng vậy: lúc tôi học Y ở Hà Nội, sự tình có khác. Ở Đại Học Y Hà Nội lúc đó, những năm tháng trước ngày chia vĩ tuyến 1954, theo chương trình pháp, SV Y1 chân ước chân ráo từ ngày đầu đã suốt mỗi sáng đi thực tập Bệnh Viện, mà chưa biết chi về bệnh tật, coi như cứ quăng đại xuống nước (váo BV) tự nhiên sẽ biết bơi (thành BS). Muốn giỏi phải mua , mượn sách học trước. Các SViên năm 1 trường thuốc, đeo ống nghe, cầm búa phản xạ, hỉ mủi chưa sạch đã “múa gậy vườn hoang”: hỏi, khám, giải thích bệnh (?), chẩn đoán… Hồi đó, ở Y Hà Nội, GS P. Huard là Khoa Trưởng, Trưởng khu Ngoại, GS Blondel Nội, GS Rivoalen Nhiểm, GS Montagne Sản, GS Boulière Sinh Lý… Mỗi sang đi thăm bệnh toàn nói tiếng Pháp. Bệnh nhân khai bệnh có các BS Việt hoặc Nội Trú thông dịch. Thỉnh thoảng lại nghe các SV Y gọi các BS Việt bằng Anh: anh Tâm (GS PB Tâm), anh Chung (GS ĐV Chung)…Trong lớp tôi, coi như hầu hết là người Bắc; tôi ở Trung ra, quá thiểu số, cũng phải nhập gia tùy tục, xưng hô như trên, nhưng cố gắng tránh dùng tiếng Việt. Tôi nghỉ chắc vì đồng môn- tuy dị khóa- nên họ gọi nhau bằng anh. Nhưng không, ở Y Huế, sinh viên Thu Trang khóa 28 đồng môn với BS LV Bàng vẫn gọi “Thầy Bàng” ngon lành và Thầy Bàng thì rất nghiêm ngặt (TSan 06, tr151). Rốt cuộc ở ĐHYK tôi chưa hề gọi ai một tiếng (tiếng Việt) bằng Thầy. Tội lổi, tội lổi! Gần chùa gọi Phật bằng Anh!
Trường YK Hà Nội thì như thế, còn ở các Trường khác , hoặc ở ngoài xả hội thì sao, tôi xin dựa cột mà nghe. Song chắc chắn có khác. Người Hà Nội cũng rất trọng tình nghĩa. Đặc biệt ở Trường Y, đàn anh rất quan trọng, hơn nhau một lớp thôi là được đàn em rất kính nể. Ở Sàigòn thì tiếng “Thầy” và “Ông Thầy” được SViên và nhân viên Trường, BViện dùng quá rộng rãi.
Xưng hô thì như thế: Anh, Thầy tùy tâm tùy tục. Song cư xử mới là quan trọng, và đúng như GS BD Tâm phat biểu: “Huế đáng yêu, đáng phục nhất”; tôi hiểu trong bối cảnh tình nghĩa sư môn là rất rõ rệt, và dĩ nhứt tri vạn, tình nghĩa xứ Huế. Dạy một chữ cũng tôn làm Thầy, và các Thầy cũng vui vẻ bán chữ để làm Thầy.
Tôi gặp GS LTM Châu đây là lần thứ ba, lúc nào cũng tại các buổi gặp mặt hội Ái Hữu. Hai Ông Bà trông không già thêm, nhưng chắc có yếu hơn. Bà Viện Trưởng (Bà TTT Trai) là thầy dạy cũ của nhà tôi, dạy Luật. Lúc đó, vừa xong Trung Học, nhà tôi lập gia đình, sinh con, cũng còn đi học được là nhờ kiếm được người làm dễ. Chắc cũng khoảng ngang lớp với các anh YK 1 hoặc đâu đó. Anh BS V Chánh có lần qua phone hỏi tôi “Thầy hỏi Cô có biết ông PHT làm Toà Án Thượng Thẩm Huế không? Là nhạc phụ của em đó”. Tôi hỏi nhà tôi trả lời là biết, và ngược lại cả Toà đều biết rỏ nhà tôi, vì là luật sư nữ duy nhất ở Huế thời đó mà lại đẹp, quý phái, tôi nghĩ vậy: Beauty is in the eye of the beholder. Nhà tôi kể, chỉ sau khi dạy, không hiểu ai nói, bà Trai mới biết nhà tôi có anh ruột VKL, anh đầu, cũng lớn hơn nhà tôi cả chục tuổi, học ở Pháp, và chồng là BSĩ ở ĐHYK nên bảo: “trước tôi không biết, thì ra cũng quen nhau cả”. Nhà tôi có nhớ bà dạy về Luật Quốc Tế (?)…”Dạy cũng vui lắm, nói năng hấp dẫn, bày vẽ cặn kẻ, các SViên đều chú ý nghe thích thú. Có những người dạy nói đều đều chán lắm”. Đó là ý kiến của bà vợ tôi, tôi chỉ thuật lại. Nhà tôi còn tiếp: “Đặc biệt thì không nhớ, nhưng bà Trai dặn dò SViên, chỉ bảo tường tận, các SViên đều thích”. Trong lớp có khoảng 30 SViên, có người lớn tuổi công chức cũng theo học. Các Thầy Trường Luật cũng rộng rãi, ít cho SViên hỏng. Nghe nói hồi đó ở Sàgòn, SViên Luật ghi danh hàng ngàn song đậu rất ít, vì chỉ số đó chú tâm học. Có các dịch vụ lớn quay roneo cua (bài giảng) của các GSư để bán cho SViên có đến lớp hoặc không. Ai dạy hốt của. GS LTM Châu thì tôi biết khi tôi học Trung Học, có trao đổi vài câu nhưng không quen. Song lại quen nhiều với 2 người chị em gái và các cô ruột cùng các anh chị con cháu. Từ hồi nào, Ông Viện Trưởng luôn có dáng dấp một nhà quý tộc Anh, và luôn nhắc đến Bà trước tiên khi được mời phát biểu như là quan khách của Đại Hội. Hồi đó Hội Đồng Viện hội họp coi như hàng tuần, gồm Viện Trưởng, Phó Viện Trưởng, các ông Khoa Trưởng, và Tổng Thư Ký Viện. GS Viện Trưởng LTM Châu, nói ít, cân nhắc lựa lời, nghe nhiều, tổng hợp và hành xử khôn khéo mềm dẽo. GSư LTM Châu lại tỏ ra một nhà lãnh đạo có trách nhiệm. GS VĐ Đài kể: “Trong những ngày cuối tháng 4/75, vì lo cho một số GSư, nhân viên còn kẹt ở Huế, Thầy đã bất chấp nguy hiểm đi ra Huế để tìm cách đưa họ vào. Việc này suýt làm cho Thầy bị kẹt lại hay có thể mất mạng (TSan 06, tr 11). GS Đài chỉ nghe và kể lại, song tôi lại là người chứng kiến các sự kiện đó tại chổ, vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/75 lúc Huế và Đà Nẳng kế tiếp thất thủ. GS LTM Châu rất ưu ái Trường ĐHYK, là một người anh cả, một bạn tốt của Trường, hậu thuẩn Trường mạnh mẽ và khi qua đây vẫn tiếp tục chia sẻ sinh hoạt thân ái với Hội Ái Hữu. Tôi nghĩ hai Ông Bà rất được nhiều người ái mộ vì bình dị và có tình nghĩa.
* * *
Vừa rồi là các thầy mà tôi đã gặp lại ở Đại Hội 8/06, đếm trên đầu ngón tay. Các BSĩ cựu SViên Trường, tôi cũng biết thêm nhiếu hơn, nhờ tham dự Đại Hội, song không có dịp chuyện trò gì nhiều. Tôi cũng thử đếm trên đầu ngón tay mà kể. Để xem:
Trước tiên là bốn BSĩ YK cũ tôi đã gặp ở Virginia năm 1988, hiện có mặt trong Đại Hội này….
XIN QUÝ VỊ ĐỌC KHÚC GIỮA NÀY TRONG WEBSITE YKHUẾ HẢI
NGOẠI RA NGÀY 15 THÁNG/07 DƯỚI TỰA ĐỀ “CÁC ANH KHÓA 1”
Kế đó là chị BS Tôn Nữ San, tôi gặp lại chị nhiều lần ở California kể từ thiên niên kỷ mới. Mấy lần lên Montreal tôi đều ở nhà chị, rộng lớn, có hồ bơi, có vườn cảnh, nhưng cũng có một lần tôi ở nhà BS Lê Đức Tâm, nhà cũng rất lớn, có giòng suối chảy, cá lội, non bộ, nhà thủy tạ.
Lâu rồi cũng hơi quên. Trong các anh chị trong Ban Chấp Hành, tôi chỉ xin đề cập đến các anh có lên máy vi âm. Trước tiên là anh Chủ Tịch BS Lê Văn Chỉnh. Tên là Người: nghiêm chỉnh, trang trọng, lễ độ. Song nghe anh nói ghen dữ với anh BS Lê Đình Thương về vụ đi Cali nhiều ít gì đó. BS Lê Đình Thương thì hay đi lắm, không riêng gì đi Cali, vì làm Ngoại Vụ là chân đi. Tháng 10 vừa rồi tôi lại gặp anh ấy (BS Thương) tại Montreal, có Đêm Nhớ Huế tổ chức tại đó. Anh khoe vừa chơi tennis xong. Nơi nào có bạn tennis là anh “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Anh BS Chỉnh có lên Montreal đánh tennis không mà phân bì!! Anh BS Chỉnh cũng có văn nghệ khi cần. Bài “Loan Phượng tề minh” (cùng ca) hôm Đại Hội được mọi người chú ý lắng nghe, và nhìn.
Anh BS Vỏ Văn Phác thì tôi đã có nhắc đến ở đoạn trên. BS VV Phác giữ một lần ba chức vụ hàng đầu của Hội ái Hữu: MC, Phó Chủ Tịch, Chủ Tịch Tân Cử. “Võ Văn” hợp nhất. Anh làm cái job đó coi bộ dễ ợt, quá dư sức. Dáng dấp anh như một “phong lưu chi công tử”, một tài tử điện ảnh của “Rừng Hồ Ly”. Anh điều khiển chương trình Đại Hội lưu loát, ý nhị, xong rồi vạch lá tìm sâu, cũng có sơ hở vấp váp: giới thiệu BS LTM Châu, GS Lê Văn Vận, và chương trình chậm nghe nói cả tiếng. Nhưng không phải là “tiểu sai đại họa”, “tiểu khích trầm chu”, lổ nhỏ đắm thuyền. Nhiệm kỳ lãnh đạo sắp tới của anh chắc chắn nhiều thành quả mới, thắng lợi mới. Nhớ lại được tiền thân đi Biệt Động Quân (thứ dữ) rồi luyến tiếc vàng son.
BS VV Phác lại giới thiệu BS V Chánh, tiền kiếp là Bác Sĩ (binh chủng) Nhảy Dù; như vậy là ngụy quân, ngụy quyền thứ gộc, diện O1, O2 Cách Mạng. Nhưng chưa thấy Dù, chỉ thấy lúm úm qua đây sung vào Ban Chấp Hành Hội, rồi là nguyên Chủ Tịch Hội. Trong bản Tin số 2 của Hội, tháng 11/2006, có người dám nghi anh BS V Chánh là VC nằm vùng (?). Hèn chi anh nắm được đầy đủ danh sách các người “ma đua lối, quỷ dẫn đường” đã tin anh tuyên truyền rủ rê, đến phó hội hôm Chủ Nhật đó. Để nghe anh đọc vanh vách tên, điạ chỉ của họ. Lở “dại rồi còn biết khôn làm sao đây”. Anh (V Chánh) lại còn làm công tác móc nối liên lạc, và kinh tài: Nguy hiểm. Nguy hiểm! “Biết người biết mặt không biết lòng”. Tuy nhiên vì công gây trăm hoa đua nở cho Hội cho nên giữ dùng, chỉ cần để ý canh chừng “hữu bị vô hậu hoạn”, chờ “vắt chanh bỏ vỏ” không muộn. BS VV Phác tiết lộ anh BS V Chánh là một BS có số đào hoa, ở bên nhà và qua đây. Vậy trong 36 kế, Hội nên dùng mỹ nhân kế để chiêu hồi anh cải tà quy CHÁNH, trở về với chính nghĩa Hội, chính nghĩa Quốc gia vì anh là một nhân tài mà lại đầy nhiệt tình.
Trong lời giới thiệu MC thì BS Đồng Sĩ Nam là vị thủ quỷ có nhiệm kỳ vô hạn của Hội, không chịu …xuống, ngang tài một Tiêu Hà Thừa Tướng đời Sở Hán. “Tam quân vị động, lương thảo tiên hành”, lương thực phải đi trước quân lính, phải có tiền mới tính chuyện này nọ của Hội. Thực hiện đúng châm ngôn: “đồng tiền liền khúc ruột”, BS ĐS Nam sợ đứt khúc ruột nên chẳng dám tiêu pha gì, có khi cũng tiêu in ít, coi như đứt khúc ruột… thừa, vô hại. Trong Đại Hội vừa rồi, theo chức năng anh được phân phó làm bầu, điều khiển chương trình xổ số. Thủ quỷ, xổ số cũng là những phạm trù của kinh tế. Anh BS Nam kiểm soát chặc chẻ các số trúng, đối chiếu lô trúng, xem đi nhìn lại nhiều lần để đề phòng (thầy trò) cung cò, lầm lẫn. Ăn nói khéo léo, anh dụ dỗ được các nạn nhân có số trúng khai đũ tên tuổi nếu lạ mặt, mở toang các lô trúng, lôi ra nhét vào rớt lên rớt xuống đủ thứ lẩm cẩm bắt dị, y chang khám xét hành lý xách tay ở phi trường Lốt (LA) trước khi lên máy bay. Anh gây cười dễ dàng cả hội trường một cách tự nhiên, không hề có ý với những câu rất bình dị, chẳng cao xa cầu kỳ. Hể anh nói là người ta cười. Thiên phú bẩm sinh, trời cho hơn khó làm. Các khổ chủ vé trúng lại càng thích trí, được chú ý, được cười rũ, được chứng tỏ trúng số…lương thiện. Cuốc xổ số vui đáo để, toàn nhờ ông bầu. Hôm thứ Bảy, Anh và BS V Chánh cùng ra nói, kẻ tung người hứng chẳng kém gì các cặp MC nổi tiếng như NN Ngạn và Kỳ Duyên.
Anh BS Bùi Cao Đệ, ủy viên văn nghệ, qua nhiều thế hệ, từ đời Ông Mệ, đó là nói cho có vần “ệ”. Ban đầu có lầm lẫn, cho đến khi anh giới thiệu BS Elvis BC Đẳng lên hát, tôi mới biết hai người khác nhau. Nếu là anh em, thì BS Đệ chắc là em, theo tên mà nói, dù học lớp trên. Lúc đó chương trình bị chậm cả giờ, ca sĩ ghi danh thì nhiều, thấy rõ cảnh “nhét cua lòi đam”, được người này bỏ người nọ. Song anh đã sắp xếp thỏa mãn tất cả. Đặc biệt tôi rất thích các giọng ngâm thơ, các câu xuống giọng nghe rung. Nhưng chừng đó đũ rồi, còn để chổ cho các mục khác nghe thích nhìn vui. Mới đầu tưởng BS BC Đệ nhịn miệng đãi khách, sau cùng thì anh cũng lên hát và cũng ăn khách như BS BC Đẳng. Hai Anh, văn nghệ, phục sức (thun đen) in hệt, là Bào huynh đệ, Thường huynh đệ? Sau cùng là anh BS TT Sang, mà e rằng rồi cũng gia nhập Ban Chấp hành. Bài “Bác Sĩ Trong Tù” (TSan 2006) anh nhập đề rất khéo và có nhắc nhiều đến BS PV Hạnh. Tôi photocopy nguyên bài gởi biếu BS Hạnh (Montreal). BS Hạnh rất phấn khởi. Chị BS Bích Thụy (Montreal) mách tôi: “Thầy Hạnh mổ giỏi lắm, chỉ bảo nhiều cho SV YK Huế thực tập Nội Trú ở Đà Nẳng”. Đó là lời nói xây dựng, gây cảm tình.
* * *
North York, đầu Feb. 2007
|