Họp mặt Tân Niên
Vài Hình Ảnh
Ghi Vội

 

 

 

 

 

 

 

  Trang sinh hoạt Y Khoa Huế Hải Ngoại.  
 

 

NHỮNG NGƯỜI BẠN TRẺ CỦA TÔI.

Vĩnh Chánh

Quý vị có hỏi tôi vì sao dạo nầy tôi trông trẻ ra, tôi thường trả lời vì được nhuộm tóc thường xuyên và “âm dương điều hoà”. Có lẽ câu trả lời đó đúng nhưng chưa hoàn toàn chính xác. Trong hai năm gần đây, sự quan hệ với những bạn trẻ trong HAHYKH, những gặp gở, những đấu láo mà không có đấu chí, những cười đùa, những mẫu chuyện tiếu “chính em” mà không có chính trị, những ăn nhậu, những lần hát hò trông đêm lạnh, haycùng nhau chia sẽ những tâm sự, đề tài, hình ảnh, văn nghệ qua điện thư, đã làm tôi sống lại cái trẻ trung của thời sinh viên náo nhiệt, ồn ào đầy hào hứng và từ từ mang đến tôi niềm hưng phấn của tuổi xuân vào trong mùa thu đời mình.

Này mời quý vị hãy cùng tôi tới nhà bạn Hòa “cụt”(cụt cái gì chư không thể cụt cái đó được) để tham dự một trong những cuộc gặp mặt thân mật của nhóm “ba gai”này, gồm có Thuận, Tiên, Quốc, Ánh/ Ngọc và nhiều thân hữu khác. Đồ ăn không bao giờ thiếu và tuyệt ngon do chính tay Thúy Anh sửa soạn. Ly rượu cụng nhau lia chia, ăn nói xả láng, tiếu lâm đông tây đủ cở, tiếng cười vang cả hàng xóm, những kỷ niệm vui buồn được cùng nhau nhắc đến. Ổi ở ngoài vườn ăn vào dòn tan được chiếu cố tận tinh. Ra về mà tiếng cười vẫn còn dư âm, lòng vẫn còn rộn rã tình thân hữu đồng môn.

Khi được bạn Thuận mời đến chơi, tôi ngạc nhiên khi thấy địa chỉ quá gần nhà mình, hỏi ra mới biết Thuận mượn nhà của chị để tránh cho bạn bè khỏi phải đi xa. Tình như thế thì thôi!! Quý vị thấy cả một vườn sau đầy cả người, nào là bạn đồng môn, đồng khóa, bạn cùng đi Hướng Đạo, bạn ở Huế, bạn ở cùng phố lúc xưa và cả bạn bụi đời nữa. Vậy mà ai cũng biết ai cả, gọi tên nhau chi chít vì như đã lâu lắm mọi người mới có cơ hội gặp nhau đông đúc như vậy. Cả hai bà chị và cả ông anh đều “chạy bàn”, không khí thật rộn ràng. Đồ ăn Huế được chia nhau ăn hết sạch. Vậy mà khi ra về còn được tặng hủ tương ớt Huế cay đậm tình quê hương.

Hay quý vị theo tôi đến chơi với vợ chồng Quốc ở ngôi nhà mới để được gặp lại những bạn trẻ kia, để có lại dịp ngồi tán gẩu với nhau, san sẻ màu hồng của hạnh phúc và niềm tin cho nhau hay sớt cho nhau những ưu tư của cuộc sống qua những tiếng nhạc, lời ca theo kiểu anh đàn tôi hát, chúng ta hát cho nhau nghe. Gần đây, Quốc bị gảy cổ tay phải do chống tay trên sân tennis và phải đăng bột cả tháng, tưởng không thể nào làm ăn được gì cả; vậy mà Dung lại thích, khoe với chúng tôi là “nhờ vậy mà Dung mới khám phá ra là bàn tay trái của Quốc cũng thiện nghệ không kém, chứ khi nào cũng tay phải cả đâm ra  chán chết”. Trong các bạn trẻ, có người nay muốn được đăng bột cả hai tay, để xem thử hai chân có được khen không.

Không thể nào bỏ quên hồ sen thật quyến rủ và gợi nhớ quê hương tại nhà Lai, một thân hữu YKH tự ngàn xưa. Hồ sen đã độc đáo mà chòi tranh ở phía sau nhà càng làm nổi bật tính người phóng khoáng, giang hồ của chủ nhà mà từ trước đến nay vẫn luôn cư xử  “đẹp” với bạn mình và bạn của bạn mình. Nhóm bạn trẻ và tôi thường xuyên có mặt ở chòi tranh đó để chiêm ngưỡng bông sen, ngắm cá Koi, thưởng thức trà nóng, hay cà phê phin, và cùng nhau tán gẩu, nhắc lại tên của những thằng bạn còn ở VN, hay trao đổi những mẩu chuyện chiến tranh, biệt kích, nhảy dù…

Bây giờ là sáng thứ Bảy hay sáng Chủ Nhật nhỉ, xin quý vị theo tôi đi cà phê, cà pháo với các bạn trẻ đó, khi thì la cà ở Café Factory, hay ở Picasso, nói chuyện trên trời dưới đất, cười đùa thỏa thích như để quên đi cho một tuần đầy ngập công việc, hoặc trao đổi tin tức, hay để đón người bạn từ xa đến như Trần Nguyên Đạt… rồi cùng nhau dạo phố Bolsa trông nắng ấm thủy tinh, để sau đó ngừng lại ăn trưa ở quán An Cựu, hay Bến Ngự hoặc Brodard. Vui nhiều để khi ra về cảm nhận những sợi tóc bạc của mình đậm màu hơn.

Nếu chưa thỏa mãn, mời quý vị cùng với tôi và các bạn trẻ đến chơi ở công viên Monarch Beach trong một buổi chiều tà để cùng nhau hướng nhìn về quê mẹ bên kia đại dương, nhâm nhi rượu đỏ và ngắm mặt trời đang xuống dần, như câu nói của bạn Ánh “un petit  de soleil dans un verre de vin rouge”, cùng nhau chuyện trò rối rít với vợ chồng Mộng Hoa ( YKH # 15) và Khanh từ Austin qua chơi, tuy là lần đầu tiên mới gặp nhưng tưởng đã quen từ lâu. Không một ai say rượu cả nhưng ngây ngất vì gió biển và thiên nhiên tuyệt đẹp, làm vơi đi những trỉu nặng của cuộc đời vì thấy đời đáng sống và có được tình bạn sống động. Cùng một tâm trạng ấy, Khanh, con rể của YKH, đã viết ngay một bài về Mưa Huế cho Tập San.

Xin hãy theo tôi đến động hoa vàng của Ánh/ Ngọc cùng với các bạn trẻ đó. Tôi đã chiêm ngưởng vườn hoa “bụi đời” của chủ nhà với những cây  và chậu hoa được đặt theo lối “lăng ba vi bộ” thể hiện được tính chất phóng khoáng, thích giang hồ mạo hiểm của cặp vợ chồng trẻ không con, mà cũng không có mèo chó vì quá nhiều thì giờ đã dành cho những công việc xã hội và những chuyến đi xa. Trong chiều dần tàn, quý vị và chúng tôi được thưởng thức món ăn Nhật độc đáo, thơm ngon, được trình bày rất mỹ thuật. Những kỷ niệm được hâm nóng theo với rượu Sake, hay những chọc ghẹo nhau đến đỏ cả mặt khi Bảo Tiên được “cặp đôi” với một cô em nhỏ nhắn xinh xinh, rồi những tiếng cười đùa thánh thót vang lên trông đêm. Tối về lại nhà, vẫn còn những tiếng cười trẻ trung với những choàng tay nồng ấm đi nhẹ trong giấc mơ; những ác mộng về tù tội, cải tạo, hận thù đã từ từ biến mất.

Xin đừng quên theo tôi đến nhà Bảo Tiên vào một tối cuối tháng 9 vừa qua, nhân dịp có bạn trẻ Châu Lam Sơn và vợ là Trúc, cùng khóa YKH # 13 từ Florida qua chơi. Hai bàn dài kéo sát nhau ở sân sau, ghế ngồi đủ loại, đồ ăn được chuyền tay, nào là sushi, gỏi, bánh ướt thịt nướng, rồi thịt nướng vừa thổi vừa ăn. Hai bác biết ý ra chào rồi cáo biệt vào phòng đóng chặt cửa, để cho bọn nhỏ mặt sức tung hoành. Gặp Châu Sơn, tôi thưa Bác vì nhìn thấy đầu tóc bạc phơ như tiên ông; cả bọn rộ lên cười. Thì sau mới biết Sơn muốn như vậy để bệnh nhân kính sợ. Thúy Anh nhìn vào ngứa con mắt nghề nghiệp, đòi hi-lai. Trúc phải cản, nói chồng tóc bạc đi ra đường không ai thèm, khỏe cho mình. Cám ơn Sơn đã tế nhị xin lổi đóng niên liễm hội trể khi đưa tấm check $200.00 trong đêm tối. Trời càng về khuya càng lạnh dần, tiếng hát mổi lúc càng thấm sâu vào hồn; không có gì vui thú bằng được nghe các bạn trẻ vừa đàn vừa hát những tình ca mà một thời nào chính quý vị và tôi đã say mê, “ừ thôi em về,chiều mưa giông tới”,”bao nhiêu năm làm kiếp con người, rồi một chiều tóc trắng như vôi”, “đường trần em đi,hoa vàng mấy độ”, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, “lùa nắng cho buồn vào tóc em”…Thời gian không những đã dừng lại trông tôi mà nó đang đưa tôi đi dần về lại quá khứ. Tôi đã tìm lại được hình ảnh niên thiếu của chính mình khi đến với các bạn trẻ.

Qua những liên lạc điện thư với cặp Châu Phương Lan & Hồng Bình, YKH # 15, tôi nhận thấy hai em  rất tình cảm, cũng có một chút “tiếu” trong máu và nay sẳn sàng tham gia hội người bạn trẻ nầy, nhưng chẳng may là ở tuốt trên miệt bắc của CA nên chưa có dịp về đây chơi. Xin ghi nhớ tuy đời còn dài nhưng đừng quá hững hờ nghe!! Còn cô em gái Thúy Hà, cũng YKh # 15, tuy là ở tận bên miền Đông, vậy mà cũng đã về CA đến hai lần. Khi viết về Thúy Hà, bà xả tôi căn dặng “nhớ viết cho đàng hoàng nghe, bà con của em đó”, đễ sợ chưa!! Qua Mỷ đã mấy năm nay mà vẫn còn ốm hơn cả Paris Hilton nữa!? Không biết cô em nầy mang tôị tình gì mà ở VN đã phải học hai bằng cấp, Y Khoa và Nha Khoa, nay qua đây cũng phải khăn gói học lại Nha Khoa, nợ đèn sách không biết bao giờ mới xong. Nên khi điện thoại cho Thúy Hà ở New York, tôi đã chọc Thúy Hà là con chim ở trong lồng bằng ngọc, cứ vui chơi và để cho chồng nuôi chứ học nhiều lắm, tắm cũng ở lổ thôi (xin lổi Hà và bà xả của Tôi). Nhớ khi nào qua lại đây, lên nhà anh chị chơi.

Gần đây sự giao thiệp và gặp gở  các bạn trẻ khác Võ Lâm Quang, Đinh Công Cư, Hà Tuấn Huy, Trần Thu Nga, ra trường YKH năm 1989 vừa chân ướt chân ráo định cư tại đây trên dưới hai năm nay, ở tại thư viện khi các em đến cùng nhau học luyện thi dưới sự hướng dẫn của bạn Vĩnh Quý, hay qua điện thoại, điện thư, cũng đã cho tôi nhớ lại những năm mới bước chân đến xứ Mỹ nầy, cực khổ, tranh đấu cho sự sống, nhưng lòng tràn đầy hy vọng cho một ngày mai tươi sáng. Nhìn thấy các em ngồi học với nhau, tinh thần cao, tâm hồn chưa mấy vướng bận vì dây xiềng của cuộc sống mới, và cũng không “đỏ”như tôi đã e ngại, tôi yêu quý các em ngay và cầu mong các em sớm thành công. Quý vị và tôi cũng hãnh diện và thán phục các bạn trẻ khác Vĩnh Quý, Bùi Minh Lượng, Vũ Hồng Khanh, cũng ra trường YKH năm 1989, tuy mới đến nước Mỹ nầy cuối thận niên 90 mà đã xong chương trình Internal Medicine từ nhiều năm qua và hiện đang hành nghề tại Orange County, Miami và Toronto. Còn cô em út Nguyễn Thu Trang, ra trường YKH năm 1994, vừa qua USA chưa đến một năm, đang hăm hở xin vào học trường dược ở San Francisco, vừa giỏi vừa có óc xông xáo, vừa có chí mà cũng vừa “điếc không sợ súng”. Chúc út Trang mau chóng ra trường để bán rẻ thuốc Viagra cho quý vị và các đàn anh.

Quý vị ơi, trong mổi chúng ta đều có sẳn một tâm hồn trẻ dại và đáng yêu. Có phải chăng cuộc sống làm ta chai lì, thành công và danh vọng làm ta mù quáng, thất bại và đau buồn chồng chất làm ta thối trí, bệnh hoạn làm ta lo lắng, u sầu. Quý vị và tôi hảy ngồi lại với nhau, cùng gia nhập vào nhóm bạn trẻ, khỏi cần du lịch tây tàu xa xôi. Để rồi, qua những cuộc họp mặt thân ái nơi mà tiếng cười đùa lấn át lời chỉ trích đố kỵ, nơi mà tình huynh đệ xóa bỏ  tỵ hiềm, “Lảo Ngoan Đồng” trong mổi quý vị sẽ xuất hiện và làm quý vị tươi trẻ hẳn lên. Quý vị và tôi hãy hân hoan mở rộng vòng tay đón chào nhiều bạn trẻ khác hiện chưa xuất hiện để cùng nhau chúng ta trẻ trung hoá HAHYKH trong niềm tin yêu đầm ấm.

 

 

 
 
mission | staff | researches | announcements | events
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved