Họp mặt Tân Niên
Vài Hình Ảnh
Ghi Vội

 

 

 

 

 

 

 

 

Trang Sinh Hoạt Y Khoa Huế Hải Ngoại

 
     
 

LÁ THƯ LIÊN LẠC THÁNG 11, 2008

      Kính Thưa Quý Thầy Cô, Quý Anh Chị Em và Quý Thân Hữu,

     Khi quý vị đọc được lá thư này, Hoa Kỳ đã có một tân Tổng Thống, đó là ông Barack Obama. Một trang sử mới được viết vì đây là lần đầu tiên một người da đen được bầu vào chức vụ cao quý nhất, nói lên được tinh thần dân chủ của đất nước này và cho tất cả người dân trên toàn thế giới nhận thức được ước mơ có ngày cũng trở thành hiện thực nếu có quyết tâm và kiên trì. Như một cơn bão hiếm quý mang theo bao kỳ vọng và đổi mới cách mạng không bạo lực, trước sự náo nức tin tưởng của đa số dân chúng và nhất là với sự kiện Hoa Kỳ không thiếu nhân lực, không thiếu thiên tài, và cũng không thiếu tinh thần dân chủ, thiện nguyện, chúng ta mong chờ Obama rồi đây sẽ đưa ra những chính sách như đã hứa hẹn hầu đem đất nước này về lại vị trí chính người dân Hoa Kỳ và toàn thế giới mong đợi. Dù có thích hay không thích và theo đúng tinh thần thượng võ như bao con dân bình thường trên nước Hoa Kỳ, chúng ta cố gắng bỏ qua những bất đồng ý kiến về chính trị, kinh tế xã hội và sẵn sàng ủng hộ chính sách của tân Tổng Thống, ít nhất trong 100 ngày trăng mật của nhiệm kỳ. Và trong tinh thần của một cử tri có bỏ phiếu, tuy phiếu chống, trước kết quả chiến thắng đầy vinh dự của ông, chúng tôi xin chúc mừng vị tân Tổng Thống trẻ tuổi thứ 44 của Hoa Kỳ.

     Nhân đây, thay mặt cho BCH/ HAHYKH Hải Ngoại, chúng tôi cũng xin gởi lời chào thân ái và đoàn kết đến tất cả quý vị.
Tuần trước đây, trên đường đến Warner Hot Spring Resort để tắm nước nóng và ở chơi cuối tuần, cách nhà khoảng trên hai giờ lái xe, chúng tôi có dịp thưởng thức hai CD nhạc của anh Phạm Đăng Thiện, #3, tặng trong dịp ở San Jose vừa qua, mà chúng tôi tưởng thất lạc ở đâu nhưng bất ngờ tìm thấy bị để quên trong túi xách. Cám ơn anh Thiện đã chọn những bản nhạc xuất sắc và giọng hát opera của anh trong tiếng nhạc đệm dương cầm đã làm chúng tôi cảm thấy con đường núi lên xuống như đường vào chốn Thiên Thai thật hấp dẫn và nhớ đời, nhất là khi nghe đến đoạn “người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi? Người ơi, chiều nào có Thu về cho tôi nhặt lá Thu rơi?” Nhìn những người phu quét lá trong resort, chúng tôi tự hỏi họ nghĩ gì khi họ vừa lùa xong mớ lá này, một cơn gió nhẹ khác thổi đến làm bao lá vàng khác cứ thế lại rơi rụng xuống trên con đường vừa quét sạch ấy! Hẳn là họ có sẵn một tâm hồn đơn giản.và một đời sống an phận. Ở resort, ngoài chuyện được thả cửa tắm nước nóng thiên nhiên ba bốn lần mỗi ngày, chúng tôi còn có bữa ăn trưa theo kiểu picnic gia đình với xôi muối mè/ cơm vắt ruốc sả, chả kho, có những dạo chơi giữa chốn đầy gió núi bạt ngàn và lá vàng, thả hồn gởi gió cho mây ngàn bay, tưởng như “Rồi đây, anh như ngàn gió phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò. Rồi đây…em phương trời cũ, quê hương tình ái còn vương mắt lệ!”

   Không có gì xao xuyến hơn khi tận hưởng mùa Thu ngay giữa cánh rừng phong với những con đường nhỏ quanh co tràn ngập lá vàng  “Chiều nay có mùa Thu đi về, buồn vương mây ngàn giăng khắp lối. Mùa Thu bơ vơ đến bên trời, ru tóc em suối nguồn, gọi hồn hong gió Thu buồn”. Chỉ tiếc không có nai vàng ngơ ngác mà chỉ có “sương Thu lạnh khói Thu xây thành” vào buồi sáng khi chúng tôi vừa chạy bộ vừa thả hồn “lang thang trên đường, buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng, lòng xa xôi và sầu mênh mông, có nghe lá vàng não nề rơi không?” Hôm qua trận mưa đầu mùa chợt tới, hạt mưa bay thật nhẹ, vừa đủ làm lòng chùng lại, hồn vương vấn trở về chốn thanh xuân khi tôi hứa đưa em vào chơi mảnh vườn chưa ai tới nằm trên bãi cỏ trinh nguyên tràn ngập lá vàng để “anh làm mùa Thu cho em mơ mộng, anh làm lời ru quấn quýt bên nàng”… Với mưa là mây xám và gió nhẹ, là “chiều vắng khói sương mù, hàng cây khô sầu uá! Hiu hắt đứng trong mưa”.

     Cơn mưa quý báu từng chờ đợi từ bao tháng khô nắng vừa kịp đến khiến cho tuần kế tiếp có phần ấm dịu. Với luồng gió chính trị mới đang thổi đến, thời tiết Cali tuyệt đẹp lạ lùng. Ngồi viết thư nhìn ra ngoài balcon, những hàng cây lá vẫn còn xanh tươi, ở góc sau vườn là những chùm hoa tím Morning Star, hoa Cúc vàng, tím và đủ màu sắc, hoa Hồng, Thược Dược đua nhau khoe màu trong nắng ấm dưới bầu trời trong xanh. Sở dĩ vườn hoa được thơm đẹp lộng lẫy ngay giữa mùa Thu như vậy  vì nó thường xuyên được chăm sóc, tưới bón. Dù với mùa nào, thời tiết nào và dưới bất cứ điều kiện hay tình trạng nào, nếu Hội AHYKH Hải Ngoại được quý ACE thương yêu đùm bọc, cùng nhau chăm sóc, cùng nhau vun xới, vườn hoa YKH chắc sẽ còn thắm thiết hơn, đẹp đẽ và lâu bền hơn vì luôn có được một cánh hoa dù lớn mang đầy tình thân đồng môn dương cao che chở và sẵn sàng chia sẻ.

     Đó là những chia sẻ chuyện vui cười cuối tuần, những hình ảnh nghệ thuật, bản nhạc gợi nhớ, những video clips, những mẩu chuyện thời sự chính trị hay chỉ là những tin tức vui buồn của bạn bè, được gởi cho nhau qua email chung của Hội. Xin cám ơn quý anh VũV.Trọng, LêĐ.Cường, TrầnT.Sum, HoàngT.Định, NgôT.Thọ, LêV.Hiệp…liên tục đóng góp cho mailgroups/ykh. Đó cũng là những cú ĐT thân thương của chị TạQ.Hát, của TrầnD. Tảo, LạiĐ.Thuần, HồX.Tịnh, LýV.Kim, Cô Thầy NguyễnV.Tự..; hay những điện thư quý báu từ quý anh chị LêV.Mộ, TônT.Sơn, NguyễnV.Thuận,  Mai V.Anh, Nguyễn Diêu.. đem lại nhiều khích lệ. Đó cũng là những chào hỏi thân tình từ anh chị Trần Nhơn, PhạmG.Khánh, LêC.Luận…mỗi khi gặp nhau.

     Đó cũng là tình thân gói ghém qua những trái ổi to ngọt từ nhà bạn Bùi Thạch Thuần, những trái Hồng dòn từ nhà Hùng 49 hay những trái nhãn, quýt, táo tàu từ nhà anh chị Danh/Tinh Châu, những trái vã dầm chua do anh chị Hoàng Thế Định gởi sang từ Florida, những DVD phim mới ra lò từ bạn Nguyễn Đình Khôi. Hay những mẩu chuyện thân mật vui đùa trao đổi với nhau giữa nhóm bạn trẻ XO PC.Đức, B.Tiên, B. Phụng, Hòa “45”, P.Hùng, LK.Lân trong dịp đến chơi tại nhà ĐH.Quốc, hay của nhóm VSOP trẻ trẻ  hơn nữa V.Quý, ĐC.Cư, TT.Nga, TN.Yến Châu khi tụ tập ăn mừng tin thi đậu Step 1 của Võ L.Quang, #23. Hay cũng là những lần tụ tập tại nhà anh chị Danh/Châu để đón tiếp bạn đồng môn như cặp vợ chồng Trần Đình Ái/ Thủy Tiên từ xa đến chơi, hoặc chỉ để cùng nhau vui chơi, hát hò cho nở phổi.

     Hoặc trong những lần cùng rủ nhau đi seminars, như lần vừa qua về Cardiology Up Date ở Beverly Hill với Hùng 49, LêC. Luận, NguyễnĐKhôi; Mỗi đứa ngồi nghe giảng bài với một phong thái riêng: Khôi “seminar quan trọng, nhưng ta đi câu cá quan trọng hơn”, Hùng 49 “ nhìn những điểm chính và sẵn sàng đặt câu hỏi”, Luận “cẩn thận ghi chép, theo sát bài vở như khi còn ở trung học”, và tôi “ thâu thập được cái mới cũng tốt, mà không được cũng chẳng chết ai đâu”. Và cuối cùng, lòng tin yêu gắn bó với Hội cũng được thể hiện qua bao phiên họp lớn nhỏ mà BCH đã ngồi lại với nhau để xem xét vấn đề, và cùng nhau quyết định, không ngoài mục đích tìm phương cách để quý ACE cảm thấy mỗi ngày mỗi gần nhau hơn, và Hội chúng ta có thêm ý nghĩa và chất lượng. Nhân đây, chúng tôi xin đề cao anh hội trưởng Võ V.Phác mà phong cách, sáng kiến và khả năng lãnh đạo đã chứng tỏ một con người nhân hậu, có bản lãnh chỉ huy.

     BCH chúng tôi vẫn đang sôi động bàn định và thảo luận kế hoạch cho Đại Hội 2009 kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại Học YK Huế tại khách sạn Marriot ở Anaheim, bên cạnh khu vườn chơi Dysney Land. Chúng tôi luôn hân hoan đón nhận những ý kiến quý báu từ quý ACE xa hay gần đã, và sẽ gởi đến qua ĐT hay email. Sau khi lá thư liên lạc Tháng 10, 2008 vừa gởi ra, chúng tôi nhận được nhiều khích lệ. Mai Vân Anh, # 9, viết :

“Hi anh Chánh,
Vân vừa đọcc lá thư liên lạc tháng 10 của anh, cảm thấy tâm hồn xao xuyến nhớ về mùa Thu Huế xa xưa, dù rằng Vân chỉ là dân ... du học ra Huế từ Saigon, chả là vì anh đem thêm vào lá thư này bao nhiêu là bài hát kỷ niệm. Bravo anh Chánh với những cánh thư chứa đầy tình cảm với kỷ niệm thân thương của mái trường cũ…

 Vân đang email về VN và Âu châu để rủ nhóm bạn du hoc Huế (khóa 9 và 11) sang đây tham dự Đại Hội năm tới, gồm có Lê thi Bông/Đức, Nguyễn bá Thoàn/Pháp, Đoàn văn Khánh/Đức, Trần Minh San/Truong thi Ánh Anh/Saigon, Nguyễn Hương/Saigon, và Mai thu Cúc/Saigon. Ngoài ra còn có Lữ Đức Kỳ/Mỹ nhưng chưa hề đến với những buổi họp mặt của hội mình…

    Tiện đây, Vân xin đóng góp vào quỹ tổ chức Đại Hội năm tới $100 và xin đóng niên liễm $100 nhé. Xin anh nhớ ghi tên Vân vào danh sách ngay, kẻo quên như lần họp mặt vừa qua. Nếu không có Hồ Đăng Thuận xác nhận dùm Vân tại chỗ ghi danh ở cửa ra vào, thì 2 mẹ con Vân lai phải ra về, dù thấy tên đượcc ghi trong buổi họp mặt này ...  

Ngoài ra Vân sẽ gắng để thì giờ viết 1 bài về sinh hoạt của đám dân du học ra Huế từ những nơi khác, vì chưa thấy ai đá động gì đến nhóm du học sinh này cả…” 

Anh chị Lê Văn Mộ, #2, gởi thư sau đây “ anh Vĩnh  Chánh, Chúng tôi đã nhận được CD  của  hội AHYKH, xin  cám ơn ban chấp hành đã làm việc rất nhiều để hoàn tất  CD xin anh chuyển lời cám ơn của chúng tôi đến quý anh trong ban chấp hành. HẸN NGÀY TÁI NGỘ TRONG DỊP LỄ KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG Y KHOA HUẾ. Thân chào. Lê Văn Mộ.”

Anh chị Tôn Thất Sơn/ Phan Tường Ngọc, # 2 và # 3, nói  “Sơn Ngọc có ý định sang năm sẽ sang tham gia với các Bạn 50 YKH!” Còn anh chị Nguyễn Diêu, #2, có hứa hẹn như sau “Dear Chánh, còn một năm nữa mới đến ngày ĐH mà sao Hoàng Thân cứ mời gọi liên tù tì, làm tụi này sốt ruột lắm đó ! Đặc san bằng DVD là ý kiến tuyệt vời, mình đang viết hai bài nhưng không biết đến khi nào thì gởi cho Chánh & Hùng 49 đây vì tật làm biếng và lại muốn về Saigon để nhớ lại chuyện " Biệt Động Quân & cái quán" ngày xưa của Hoàng Thân Mũ Đỏ. Thân tình. DC, Melbourne.”

     Trong một vài tuần sắp đến, tất cả quý ACE sẽ nhận được một Bức Tâm Thư Hội gởi qua bưu điện. Chúng tôi rất mong nhờ quý ACE điền vào mẫu đơn Kỷ Yếu/Đặc San 2009 đính kèm và gởi ngược về lại cho chúng tôi trong một phong bì có dán sẵn tem và địa chỉ người nhận. Đây là một công trình đòi hỏi nhiều tốn kém về thời gian cũng như về tài chánh nên xin quý ACE vui lòng gởi về lại cho chúng tôi càng sớm càng tốt để công việc chung được tiến triển tốt đẹp. Vì bưu điện Hoa Kỳ không có loại tem quốc tế như trước đây, chúng tôi xin quý ACE ở ngoài nước Hoa Kỳ chịu khó dán con tem của nước mình đang ở trước khi gởi ra. Ở phần góp ý, chúng tôi chờ đợi quý ACE cho biết ý kiến riêng một cách cởi mỡ, ví dụ: chưa quyết định sẽ tham dự hay không tham dự Đại Hội vì…còn quá sớm! Trong khi chờ đợi mẫu đơn trả lời, chúng tôi rất, rất cám ơn tất cả quý ACE.

     Trong tháng vừa qua, sinh hoạt của Hội không mấy ồn ào. Trước tiên, chúng tôi muốn đăng lại những tin buồn như sau:

  1. Bác Tôn Thất Ngọc (chủ rạp cinema Tân Tân ở Huế trước đây), pháp danh Quảng Mỹ, nhạc gia của đồng môn Đinh Sơn Thắng, # 6 (Việt Nam), và Nguyễn Hào, # 10 (Đức), tạ thế ngày 10 tháng 10, 2008 tại California, hưởng thọ 92 tuổi;
  2. Thầy Nguyễn Hữu, Giáo Sư Thạc Sĩ YK Trường ĐHYK Saigon, tạ thế ngày 15 tháng 10, 2008 tại Brest, nước Pháp;
  3. Y Sĩ Đại Tá Trần Minh Tùng, cựu Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y và cựu Tổng Trưởng Y Tế của VNCH, tạ thế ngày 22 tháng 10, 2008 tại New York, hưởng thọ 78 tuổi; Đại Học YK Huế luôn luôn nhớ công ơn BS Trần Minh Tùng trong chức vụ Chỉ Huy trưởng Trường Quân Y, đã nhiệt tình giúp đỡ Trường ĐHYK Huế trong cơn đại nạn Tết Mậu Thân 1968. Khá nhiều ACE đã viết lời bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với BS Tùng, trong đó có anh hội trưởng và thầy Bùi Duy Tâm.

      BCH Hội đã có phúng điếu và, đặc biệt với BS Trần Minh Tùng, chúng tôi còn phân ưu trên báo ở Little Saigon. Một lần nữa, thay mặt cho toàn thể ACE YKH, chúng tôi xin chia buồn với các tang gia và xin cầu nguyện cho Bác Ngọc, Thầy Hữu và BS Tùng sớm vào chốn vĩnh hằng.

     Trên địa bàn quốc tế, trong tháng 10 vừa qua các giải thưởng Nobel đã được loan báo. Giải thường được chờ đợi nhất là giải Nobel Hòa Bình, và năm nay giải thưởng cao quý này đã lọt vào tay ông Martti Ahtisaari, cựu Tổng Thống nước Phần Lan, thay vì vào tay những người ly khai nổi tiếng chống chế độ độc tài ở Trung Quốc, Việt Nam và Nga Sô. Trong khi ấy, hai khoa học gia người Pháp, bà Francoise Barre-Sinoussi và Luc Montagnier và khoa học gia người Đức Harald Hausen cùng chia nhau giải thưởng Nobel Y Khoa vì những khám phá về siêu vi khuẩn gây bệnh AIDS và ung thư cổ tử cung. Giải thưởng Nobel Vật Lý về tay hai khoa học gia người Nhật, ông Makoto Kobayashi và ông Toshihide Maskawa và khoa học gia người Mỹ (nhưng gốc Nhật) tên Yoichiro Nambu thuộc ĐH Chicago. Ba khoa học gia người Mỹ, ông Osama Shimomura (gốc Nhật) ở Massachusset, ông Martin Chalfie thuộc ĐH Columbia ở new York và ông Roger Tsien thuộc ĐH UC San Francisco đồng chia nhau giải thưởng Nobel Hóa Học. Nhà văn người Pháp Gustave Le Clezio chiếm giải thưởng Nobel Văn Chương qua cuốn truyện “Sa Mạc”. Và cuối cùng là giải thưởng Nobel về Kinh tế về tay nhà kinh tế gia người Mỹ Paul Krugman của ĐH Princeton. Ông Krugman này cũng đã nổi tiếng trên chính trường vì ông thường xuyên viết những tham luận chỉ trích chính sách kinh tế của Tổng Thống Bush trên báo New York Times.

     Ở Hoa Kỳ, tháng 10 là tháng then chốt cho hai đảng Cọng Hòa và Dân Chủ dồn mọi nỗ lực trong vận động và tranh cử. Liên danh Mc Cain/ Sarah Palin sau ba lần tranh cãi trên hệ thống truyền hình vẫn không lấn thế hơn liên danh Obama/ Biden dù có bà Palin đẹp gái và tươi trẻ. Kinh tế suy sụp nhanh chóng đến độ người ta bắt đầu so sánh với khủng hoảng kinh tế năm 1929 khiến cán cân bầu cử nghiêng dần về phía dân chủ. Nay tuy giá xăng dầu xuống nhiều, đồng đô la tăng giá, và stimulus economic package lên đến cả ngàn tỷ Mỹ Kim, nhưng con số thất nghiệp tăng dần, nhiều cơ sở thương mãi lớn nhỏ tiếp tục phá sản…Trong hai ngày liên tiếp sau khi Obama đắc cử tổng thống, thị trường chứng khoáng sụt hơn 900 điểm. Đây không phải là một dấu hiệu chống đối của giới đầu tư, nhưng là một nhắc nhở gởi đến tân tổng thống phải nhanh chóng giải quyết bao trì trệ, nếu không thì… chết chùm cả lũ, như ông Obama đã tuyên bố “we fall and raise as the whole nation”. Sự phục hồi kinh tế không hẳn chỉ dựa vào sự cứu giúp từ phía chính phủ bằng cách bơm hàng tỷ Mỹ Kim vào các đại công ty, ngân hàng… mà còn tùy thuộc vào lòng tin của người tiêu thụ, khả năng vay mượn và tiêu xài của họ, giá cả năng lượng, tỷ lệ thất nghiệp; và quan trọng hơn cả, do chính sách hoàn cầu hóa trước đây, sự phục hồi nói trên cũng cần đến cân bằng chính trị và kinh tế với các nước đồng minh, Cộng Đồng Âu Châu, Trung Đông, Trung Quốc và Châu Mỹ La Tinh…

     Chúng tôi xin lỗi đã múa rìu qua mắt thợ khi viết vài đường lả lướt về kinh tế ở trên. Mong quý ACE bỏ lỗi. Chúng tôi chỉ cầu mong quý ACE tiếp tục tiêu xài nhiều hơn trước để kinh tế chóng khởi sắc, nhất là trong mùa lễ Thanksgiving và Giáng Sinh sắp đến. Thứ Ba tuần sau, nhân ngày Cựu Chiến Binh, chúng tôi xin quý ACE bỏ một phút để cầu nguyện cho cựu chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam Cọng Hòa tiếp tục vui mạnh sau khi đã “giã từ vũ khí”.

     Thân kính chào tạm biệt quý Thầy Cô và quý ACE và cầu chúc tất cả quý vị có thật nhiều an lành và vui hưởng.

     Thân mến,
     Vĩnh Chánh, ủy viên liên lạc
Hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại.

 

 
 
Mạng nối kết tình thân ái Y Khoa Huế Hải Ngoại
Copyright 2007. ykhoahuehaingoai. All rights reserved