Hồ Đăng Thuận
“Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ...” Mệ ơi, cũ chi nỗi! Con vừa mơ thấy Mệ đêm qua. Nhân ngày mệ về chơi sau 10 năm ngao du thế giới khác, con viết mấy giòng để tán dương 100 năm làm người tử tế của Mệ. Con viết không hay (mà Mệ cũng mô có biết chữ), nhưng biết đâu ai đó bên tê sẽ đọc cho Mệ nghe cho vui.
Tặng chị T, chị Đ, Chị B, chị Q, và TE, những thân thương đã cùng T & Mệ sống qua những nhục nhằn hạnh phúc.
Ưỡn người hứng trái banh chuyền bỗng từ Hùng Võ trong vòng cấm địa, tôi xoay người đảo mắt nhanh về hướng thằng hậu vệ địch đang ào tới như một chiếc xe tăng. A, Mạnh Trâu Nước. Qua kẻ nách thằng Mạnh, cái bóng kềnh càng đen thui của thằng Tâm lai thủ môn cũng đang lao về phía tôi. Dùng chân trái sửa bóng, tôi lấy thế sút mạnh bằng chân phải. Đúng như dự đoán, thằng Mạnh to con gà chết khựng lại, hai chân xoạc ra, người đông cứng…tôi không sút mà xỉa nhẹ bóng đi giữa hai chân hắn. Lách mình thật nhanh trước khi Mạnh hoàn hồn, tôi đuổi kịp quả bóng và tung chân trái… sút!
Tôi bật dậy hai tay ôm bàn chân đau buốt, mơ hồ nghe có tiếng vỡ thủy tinh.
- Cái thằng ni cả ngày ham chơi, ngủ mà cũng la hét om sòm, chưn tay quậy đạp lung tung...
Mệ nguýt tôi một cái thật dài rồi khom lưng nhặt mấy mãnh ly lớn dưới chân tấm phản gụ, chỗ ngủ của mệ mà tôi đã mượn tạm để ngã lưng. Nhìn dáng Mệ lom khom, chiếc lưng oằn tới lui lúi húi tìm những mãnh vỡ, có cái gì đó nhói chích trong tim.
- Mệ, để đó con...
- Ngồi yên đó... xớn xớn xác xác đạp mẽ chai chảy máu rồi lại hành người ta...
Lời trách móc khô khốc lạnh lùng lại làm tôi có cảm giác ấm áp. Mệ là như thế đó. Đằng sau khuôn mặt khắc khổ, khô như trái táo tàu để quá, chằng chịt những rãnh dọc ngang thô bạo của thời gian là một tấm lòng đôn hậu, nhân ái. Cất tiếng cười ha hả trẻ con, tôi nhảy xuống khỏi tấm phản, dành mấy miếng ly vỡ trong tay Mệ:
- Con có võ mà Mệ. Để con làm cho mau.
- Vỏ cam vỏ chuối thì có…tài lai không khéo lại đạp lũng chưn. Để tau đi lấy cái chủi.
Năm tôi hai mươi thì Mệ cũng đã gần tám mươi. Bởi vậy tôi hoàn toàn mù tịt về thời son trẻ của Mệ. Tôi sinh ra thì ôn đã mất từ lâu. Tôi không thắc mắc và cũng chẳng bao giờ hỏi. Mệ thì cũng chưa bao giờ nói về ôn với một thằng con nít như tôi. Đối với Mệ, tôi luôn luôn là thằng con nít “lớn sầm sầm mà khờ dại lắm... chỉ biết ăn với chơi chơ không biết chi cả...” cho dù một đôi khi Mệ cũng biết là hắn đang “học làm thầy thuốc” và bắt đầu biết “trai gái”
Có lẽ thủa nhỏ Mệ thích chơi trò buôn bán của con nít nên lớn lên Mệ rất thích việc bán buôn. Đưọc người con dâu là Mạ tôi giao cho cái cửa hàng bánh kẹo nhỏ, Mệ thích thú thấy rõ. Mệ bày thêm những món linh tinh như đường, sữa đặc, thuốc lá... Có lẽ Mệ buôn bán đắt hàng nên khi nào cũng thấy Mệ lăng xăng với khách và miệng luôn cười. Nhiều lần muốn giúp Mệ khi thấy khách hàng chờ khá đông, tôi hỏi khách muốn mua gì tôi có thể giúp. Ngạc nhiên vì ai cũng từ chối, tôi để ý xem Mệ có bí quyết gì mà ai cũng chỉ muốn mua từ Mệ. Chỉ một vài ngày theo dõi, tôi đã tìm ra bí quyết đơn giản ấy. Thì ra, cân một ký đường thì Mệ cân hơn một chút. Đợi cho cây kim trên bàn cân chỉ hơn một ký, Mệ mới múc thêm một hai muỗng. Cân hai trăm gờ ram bánh, Mệ cũng đợi kim chỉ trên hai trăm, rồi bốc thêm vài cái bỏ vào bao. Có lần thấy Mệ bốc thêm nhiều quá, tôi la,
- Mệ, bán rứa lỗ chết.
Mệ nhìn tôi cười cười:
- Lỗ răng đưọc, lời ít mà mình bán được nhiều.
Tôi không tin tưởng vào bài học kinh tế ấy mấy. Có lần thấy Mệ bán mấy lon sữa cho một ông đạp xích lô có tiếng ba gai trong xóm mà quên lấy tiền, tôi nhắc,
- Mệ chưa lấy tiền tề.
Mệ giọng nhỏ bùi ngùi:
- Con hắn đau mà ngày ni chưa có cuốc mô. Hắn nói mai mốt hắn có hắn trả.
Tôi chưa hết thắc mắc:
- Rứa mai mốt làm răng Mệ nhớ mà đoài. Ông nớ cà chớn lắm đó…
- Nhớ chơ răng không nhớ. Mệ gắt. Rồi không hiểu nghĩ gì, Mệ lại cười cười:
- Mà tau có biết chữ mô mà viết.
Biết không xong nhưng tôi vẫn cứ vớt vát:
- Rứa để con làm cuốn sỗ rồi ghi cho Mệ nhớ.
- Thôi nà, người ta kẹt mới mắc nợ chơ ai mà muốn. Không trả thì mai mốt con hắn trả.
Nhìn khuôn mặt cười cười phúc hậu, tôi nghĩ thầm trong bụng, cái điệu ni là cho không rồi. Thằng con hắn mới có ba bốn tuổi, mai mốt nghĩa là mười lăm mười sáu năm sau…Lòng bỗng dưng bâng khuâng...
So với Mạ tôi thì Mệ dạy tôi nhiều thứ “quá hư”. Có lần thấy ông bếp Tàu trong nhà lột da một con thỏ sống để nấu với rượu chát, tôi đâm sợ thịt, và đòi Mạ cho ăn chay. Là người mộ đạo, Mạ vui mừng vì thấy thằng con muốn tu nên đích thân nấu cho tôi đủ món ăn chơi ...chay. Ngày ngày Mạ tôi hào hứng, bận rộn với mấy cái thực đơn chay cho tôi, và cái nhiệt tình đáng sợ ấy có chiều hướng tăng theo ngày tháng. Mệ thì khác. Chỉ mới qua tuần thứ hai, thì chiều chiều trên cái bàn nhỏ đầu giuờng tôi nằm bắt đầu có những thứ quỷ quái. Khi thì dĩa bánh bột lọc bọc tôm thịt, khi thì tô bún thịt nướng, khi thì cái bánh khoái...”để cho thằng T, lỡ hắn thèm...” Và thế là tôi xiêu lòng theo tiếng gọi của con tim. Tôi thanh thản hoàn tục vì, “ thấy Mạ vừa nấu đồ ăn mặn cho cả nhà, vừa lo đồ ăn chay cho con, vất vả tội nghiệp...” Dứt khoát không phải vì không chịu nỗi cám dỗ của những món thịt hơ hớ quyến rũ kia.
Ở tuổi mới lớn, trong khi Mạ tôi chỉ muốn tôi giao du với nhũng đứa con nhà đàng hoàng có ăn học để tôi bắt chước theo gương thì tôi lại làm hơn ý bà một chút. Có máu giang hồ vặt trong người nên bạn bè tôi gom đủ chánh tà, hắc bạch lưỡng đạo. Mạ thường không vui với đám bạn câu cá, đá banh, đánh lộn, bộ dáng có vẽ “anh chị” mà lại tỏ vẽ săn sóc nhũng thằng bạn “mặt mày nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” của tôi. Thằng nào có thêm cái kính cận thị thì lại càng được đặc biệt ưu ái. “Con phải bắt chước cái anh nớ, người ta hiền lành học giỏi…” Đối với Mạ tôi, thằng nào có mang kính cận là thằng đó phải hiền lành, học giỏi. Nếu Mạ biết “anh nớ” là người dạy tôi hút thuốc, và là người đầu tiên rủ tôi đi ngủ đò, là những món Mạ tôi ghét cay ghét đắng, thì chắc bà cũng bỗ ngữa…Mệ thì khác. Tuy “thằng mô cũng giống thằng mô”, nhưng tôi đoán là Mệ có thiện cảm với những thằng bạn thiếu học, con nhà nghèo của tôi hơn là những “anh nớ”. Có lần, tôi nhảy ra “giúp” bạn một tay khi hắn bị tụi xóm trên vây đánh. Nóng lòng khi thấy mũi tôi bị ăn trầu vì mấy cú đấm hội đồng, Mạ vừa lấy bông băng cầm máu vừa la:
- Lần sau đừng có dại như rứa nữa. Tụi ba gie đánh nhau ngoài đường mắc mớ chi mình.
Thấy tôi chưa có vẽ sợ, Mạ thêm:
- Có ngày tụi hắn đập con chết...
Mệ thì cười cười:
- Tụi hắn chơi với nhau nên bênh nhau đó...
Mạ tôi bỗng trút nỗi bực mình lên Mệ:
- Mạ nữa, mạ cứ bao che cho hắn hoài, có ngày hắn hư cho mà coi...
Mệ giả lả bào chữa luôn cho thằng bạn tôi:
- Thằng con ông H đó chơ ai...Cái thằng rứa mà có tình có nghĩa...không có hắn thì thằng T... còn u đầu sứt trán nữa...
Có những buổi trưa hè đổ lửa, mấy thằng bạn mất dạy của tôi huýt sáo ầm ỉ duới đường rủ đi tắm sông. Biết tôi đã nghe, nhưng Mệ cũng suỵt suỵt, “đừng có ồn, để cho hắn ngủ...” rồi kêu cả bọn vào nhà cho khi thì mấy chén đậu hủ, khi thì mấy ly đá chanh...trong khi chờ tôi xuống. Nói đi tắm sông cũng đúng, mà nói chuẩn bị đi ăn trộm thì…cũng đúng luôn. Nên Mệ cho ăn trước cũng như đỗ xăng cho xe...
Cứ đến mùa bắp là cả bọn bơi qua cồn Hến ăn cắp bắp. Hoặc nhiều khi leo tuốt lên Ngự Bình vào các nhà vườn ăn trộm thơm. Ăn thì không bao nhiêu, mà cảm giác thích thú vui chơi thì nhiều hơn. Chủ vườn có lẽ bị mất trộm nhiều lần nên tổ chức phục kích. Có lần tụi tôi như mấy con chuột ướt vừa từ duới sông ngoi lên, đang khi cả bọn còn loay hoay tìm cách chui qua cái hàng rào cây đầy gai, thì bỗng đâu tiếng phèng la, tiếng nồi niêu soong chão, tiếng chân rầm rập, xen kẻ tiếng quát tiếng la ầm ĩ, “ăn trộm! ăn trộm! bắt tụi nó! bắt tụi nó!...” Vậy là cả bọn mạnh thằng nào thằng nấy phóng chạy xuống sông, bất chấp gỗ đá, gai góc nhọn hoắt, và dĩ nhiên là vất luôn cả ấn tín. Ấn tín là mấy cái thau nhựa và mấy cái túi dùng đựng chiến lợi phẩm bắp. Vậy mà cũng chưa thoát. Từ trên bờ, cả một rừng đá pháo kích liên tục về phía những thằng ăn trộm, làm cả bọn phải lặn thật sâu... Khi đã ra tới giữa sông, mới hoàn hồn kiểm điểm quân số. Lúc đó mới biết là phe ta nhiều đứa bị rách chân, chảy máu vì hàng rào gai. Có thằng bị u đầu vì lặn hết hơi, phải nỗi lên để thở thì đúng lúc cục đá vô tình...Những lần như thế, Mệ hỏi các vết thương thì cả bọn đều đỗ lỗi do đá banh. Nhưng lần đó quá hăng say kiểm điểm rút kinh nghiệm, có thằng đã rất thông minh một cách ngu ngốc sủa, “lần sau mình giữ lại mấy cái thau... để lúc ngoi lên thở không sợ...” Rứa là Mệ biết cả bọn mới đi ăn trộm về. Và Mệ không nói chuyện với tôi luôn mấy ngày. Có điều là những điều xấu xí của bọn tôi, Mệ không bao giờ nói với Mạ tôi, và Mệ giận cũng chỉ vài ngày là cùng. Vì sau đó, “Mi coai có cái áo mô lành lặn cho thằng Đ...bạn mi một cái... đi ăn trộm với đập bậy cả ngày...hèn chi không có một cái áo tử tế mà mặc...”
Mệ có một tủ thuốc lá để “bán cho vui”. Phiền một nỗi tôi và đám bạn học chung lại tập tành cà phê thuốc lá hơi sớm. Cứ tối tối những khi hết thuốc, chờ cho Mệ đã đi ngủ, tôi sẽ xuống lầu, tà tà tiến đến tủ thuốc, bốc ngay một goái con mèo khoái khẩu, rồi vọt lẹ lên lầu. Đi đêm lâu ngày cũng gặp ma. Một đêm kia cũng theo mững cũ, vừa xuống lầu mon men ra cạnh tủ thuốc thì đã thấy Mệ còn ngồi đó. Chưa kịp thanh minh thanh nga thì Mệ đã lạnh lùng hạ thủ:
- Thèm thuốc phải không?
Tôi cười cười bẽn lẽn:
- Dạ mô có...xuống kiếm cái chi ăn...
- Ăn thì xuống bếp chơ lên đây làm chi...
Tôi quay đầu tính vọt lẹ để trốn nỗi ngượng ngùng, thì Mệ đã kêu giựt:
- Nì, hút thứ ni cho đỡ tốn...
Nhìn gói President đầu lọc để ngay ngắn trên quày tôi không dám tin vào mắt mình, chưa kịp phản ứng thì Mệ đã tiếp:
- Cái thứ mi thích hết rồi...Cứ hai ngày một gói hết vốn tau luôn...
Câu nói dịu dàng nhưng mơ hồ như tiếng sét đánh bên tai. Chết cha! thì ra Mệ biết hết...Chộp vội gói thuốc, tôi lí nhí mấy tiếng vô nghĩa rồi quay đầu phóng nhanh, tai lùng bùng nghe giọng Mệ vói theo:
- Hút ít ít a...coi chừng có ngày lũng phổi...
Đêm hôm đó, tôi hút điếu thuốc ngon nhất trong đời.
Một dạo, tôi có cô bạn hay “đến nhà anh chơi cho biết”. Mạ tôi có lẽ cũng như những bà mẹ khác sợ tôi “trai gái sớm mà xao lãng học hành...” nên tuy thường lịch sự nhưng lạnh nhạt với bất cứ đứa con gái nào kiếm tôi. Càng đẹp Mạ tôi càng lạnh lùng. Bởi vậy, thường thường chỉ chờ xong mấy câu chào hỏi là tôi phải cấp tốc giải vây, “em lên lầu giúp anh cái ni một chút”. Giúp gì thì giúp đàng hoàng chứ không được giúp bậy bạ, vì thế nào cũng có một tên quân sĩ được Mạ gởi lên lầu để tưới cây, quét nhà...vào những lúc tôi ít cần dọn dẹp nhất. Mệ thì khác. Tuy không vồn vã và ít nói, Mệ thường biểu lộ cảm tình với bạn tôi bằng nụ cười hiền từ. Thay cho lời nói ngọt ngào là những cái bánh ngọt hay dĩa kem flanc do chính tay Mệ làm, kêu tôi đem lên, chứ không sai mấy tên quân sỹ phá đám. Mệ còn nói “con cái nhà ai mà mặt mày dễ ghét hí…”, và bắt tôi phải đối xử với “người ta” cho tử tế. Cũng nhờ Mệ mà tôi được “xao lãng học hành” đôi chút.
Nhân một ngày Vu Lan, tôi hỏi Mạ muốn chi tôi sẽ làm theo. Tôi đinh ninh Mạ sẽ sai tôi đi mua mấy con cá phóng sanh, hoặc xoa dầu bóp tay chân cho Mạ, hoặc cùng lắm...rót cho Mạ một ly bia thay cho chiếc bông hồng cài áo. Nhưng cái muốn của Mạ lại nặng ký hơn tôi tưởng:
- Mạ không muốn chi hết...Chỉ muốn con bắt chước ông Đốc Quyến...
Ở cái tuổi đang ham chơi, chưa hề nghĩ tới tương lai, tôi không đo lường được tình yêu và mức độ quan tâm lo lắng của Mạ, nên đã bật cười vì cái “không muốn chi hết” của Mạ tôi:
- Cha, tưởng chi...học bác sĩ dễ như rút khăn mù soa hỉ mũi...
Tiếng Mệ bỗng vang lên một cách khác thường từ đàng sau:
- Đừng có phách tấu. Nói trước bước không rời. Nhổ nước miếng nói lại đi...
Ngoãnh lại kịp bắt tia nhìn nghiêm khắc hiếm hoi nơi Mệ, nụ cười tôi vụt tắt. Có cái gì đó nghiêm trọng hơn, thăm thẳm hơn lời trách móc bình thường một đứa cháu không hề biết khiêm cung. Thật ra, tuy còn nhỏ tôi cũng hiểu, để được mọi người kính trọng như ông Đốc Quyến phải cần nhiều thứ khác hơn là cái bằng bác sĩ. Tôi bỗng ước ao mình chưa hề nói câu nói đó. Không nhìn tôi, giọng Mệ bỗng dưng chùng xuống, xa xăm:
- Cố mà học làm người cho tử tế...
Ngạc nhiên, tôi đăm đăm nhìn sâu vào mắt Mệ. Bầu trời không còn xanh mà đã ám đục những bóng mây. Những tia nắng hoàng hôn nhợt nhạt trong đôi mắt bỗng làm tôi sợ hãi. Tôi chợt hiểu mình sẽ không còn gần Mệ được lâu,. Lòng bỗng dưng tràn ngập ăn năn, tôi tự nhủ sẽ cố học làm người cho tử tế.
Những ngày cuối tháng ba năm sau đó của một quê hương hấp hối là chuỗi ngày đầy âm thanh và cuồng nộ. Cả gia đình tôi hai mươi mấy mạng bỗng dưng thấy nhấp nhô giữa biển người tỵ nạn. Từng làn sóng người xô đẩy nhau hướng về hai cánh cổng sắt của một căn cứ hải quân Đà Nẵng. Cứ mỗi lần cửa mở cho một chiếc GMC chạy vào hay ra bốc theo gia đình binh sĩ đưa ra bến cảng, là mỗi lần biển người chuyển động dữ dội. Lớp lớp sóng người dạt tới xô lui, tranh nhau chen vào cái khe hẹp giữa hai cánh cửa lớn bất chấp từng tràng súng chỉ thiên áp đão thị uy của những người lính gác. Nhìn những người lính, tôi thầm khen tinh thần trách nhiệm của họ vẫn đầy, ngay cả ở những giờ phút cuối cùng. Tôi hiểu họ không muốn căn cứ bị tràn ngập, đồng thời cũng không muốn quá mạnh tay gây thương tổn cho đồng bào đang chạy trốn. Mĩa mai thay, giữa muôn vàn âm thanh hỗn độn của tiếng súng chát chúa đe dọa, tiếng kêu gào hốt hoãng tuyệt vọng của biển người cùng đường, tôi lại có một cảm giác yên tỉnh lạ kỳ. Tôi thấy mình đang nhấp nhô theo làn nước, mặc cho sóng người đẩy đưa về phía khung cửa hẹp. Trong khoãnh khắc cực kỳ vô lý ấy, bỗng dưng tôi chợt nghĩ đến kẻ đã đưa Kiều vào lầu xanh...
Và tôi lạc mất Mệ!
Cả nhà tôi đã lọt được vào trong căn cứ...trừ Mệ. Trong cơn hỗn loạn, tôi chỉ hốt hoãng nhận ra điều này khi cả nhà đã cùng leo lên được một chiếc GMC đậu sâu trong khu gia binh.Tôi chỉ còn một quyết định duy nhất là ở lại, trở ra và tìm Mệ ngoài biển người kia...Vẫy tay chúc gia đình may mắn, tôi phóng mình trong đêm về hướng có tiếng súng...và chứng kiến một điều kỳ diệu...Còn cách cánh cổng khoãng ba bốn trăm thước, một bóng người thấp nhỏ với hai giỏ xách nặng nề đang chậm chạp tiến về phía tôi.
- Mệ! phải Mệ đó không?
- Thằng T... đó à?
Trời, sao giọng Mệ có thể bình thản như vậy được. Tôi nhào tới ôm Mệ với niềm hạnh phúc vỡ òa, tràn ngập lòng biết ơn phép lạ.
- Xách giùm cho tau cái giỏ ni...
Choáng ngợp với niềm vui, tôi quên bẳng hai giỏ xách nặng nề trên tay Mệ cho đến khi Mệ nhắc. Tôi dành lấy hai cái túi xách tay, và trĩu người một thoáng vì sức nặng bất ngờ:
- Chà, xách chi của ai mà nặng ri Mệ?
- Giày dép của con Đ..., con T... không đó...
Tôi nhìn Mệ ngạc nhiên:
- Mệ...nặng như ri mà...
Giọng Mệ cắt ngang chậm rãi, hiền từ:
- Đem vô Sạigòn cho tụi hắn mang...
Tôi bỗng dưng nổi nóng bất ngờ:
- Mệ ưa làm tầm bậy tầm bạ không...Vất đi nghe...Lúc ni ai mà còn lo chưng diện.
- Thôi mi chịu khó đi...khi mô không kham nỗi nữa thì vất...
Rồi Mệ nhẹ nhàng chuyển hướng:
- Rứa mô hết rồi mà mi ở đây?
- Dạ đi hết rồi, con với Mệ vô trong tê chờ xe khác.
Như cái trứng gà mới luộc nóng hổi được dìm trong chén nước lạnh, cơn giận tôi nguội lại thật nhanh trước sự bình thản diệu kỳ của Mệ. Thì ra sóng người đã đẩy Mệ đến sát cái khung cửa mắt cáo. Mệ nói với người lính gác cửa, con cháu tui vô trong tê hết rồi, làm ơn mở cửa cho tui vô với tụi hắn. Có lẽ câu nói chí tình làm người lính mở cổng, nhưng chỉ cho một mình Mệ vô.
Khung cảnh hỗn loạn kinh hoàng ở cảng Đà Nẵng đêm đó thật là khó quên. Cả rừng người dồn hết về một phía của chiếc xà lan đang cặp bềnh bồng cạnh chiếc tàu lớn cao nghều nghệu. Như bầy thú đang bị rượt đuổi ráo riết, họ hốt hoãng chen nhau để bám được vào những sợi dây hay những mãng lưới kết thừng được thả dọc theo sườn tàu, mỗi khi sóng nước bập bềnh đưa hai thân tàu sát gần nhau. Có nhiều thanh niên liều lĩnh phóng người chụp mãng lưói khi hai tàu còn cách nhau cả thước.Có người hụt tay rớt vào khoãng hẹp giữa hai thân tàu và chìm lĩm mất hút...Tôi tìm cách đưa Mệ lên được cái mái phòng lái của chiếc xà lan. Phần nối dài của cái mái khá sát với thân tàu lớn. Từ điểm cao nhất này, tôi quăng hai cái túi xách lên boong trước rồi phóng người đu lên theo. Mặc cho tôi gào thét, Mệ không đưa tay cho tôi nắm mà lại chỉ chỉ chỏ chỏ hướng cạnh tôi. Trong cơn hỗn loạn, tôi đã không để ý gì chung quanh mà chỉ có một mục đích duy nhất là đưa Mệ lên tàu. Nhìn theo ngón tay Mệ chỉ, thì ra bên cạnh tôi một thiếu phụ gầy gò đang cố gắng kéo một thằng bé mập mạp cở mười một, mười hai tuổi. Thằng bé treo tòn ten trong không khí thật nguy hiểm...Có lẽ vì bà đã gầy ốm, lại vừa kéo vừa la, vừa khóc bù lu bù loa nên không đủ sức...Tôi chợt hiểu và quay qua giúp thiếu phụ kéo thằng bé lên trước. Đến phiên Mệ thì tôi mới toát mồ hôi. Mệ nặng hơn tôi tưởng. Chỉ nắm được một tay của Mệ, tôi chỉ sợ cổ tay hay khớp vai của một bà già tám mươi không chịu đựng nỗi trọng lượng treo của chính Mệ...Vừa kéo tôi vừa cầu Trời... Đặt được Mệ an toàn lên boong, chưa kịp khám tay và vai Mệ, đã thấy Mệ cười cười nói nhỏ:
- Cái thằng ni cũng mạnh ghê…
Ôi, câu nói và nụ cười hiền hậu thần kỳ đã xóa tan bao lo âu trong tôi. Lần đầu tiên tôi biết Mệ bền bĩ, dẽo dai hơn đã nghĩ. Sợ mưa bất ngờ, tôi kéo Mệ cố chen sâu xuống dưới lòng tàu. Dưới ánh sáng nhờ nhờ, cái lòng tàu dài như cái sân banh cũng đã đông cứng người nằm ngồi ngỗn ngang. Không hi vọng tìm ra một chỗ ngồi cho Mệ với lối sắp cá hộp chặc như nêm này nhưng tôi vẫn cố chen sâu. Cuối cùng nhờ sự tốt bụng của một gia đình, tôi cũng kiếm được một chỗ sát thành tàu đủ để nhét tôi và Mệ vào. Với cái túi xách làm gối, cái đầu tôi không tìm được một chỗ thoải mái trên cái gối dã chiến đầy những thứ lỗn ngỗn bên trong. Tôi mở cái túi xách với ý định sắp xếp lại để có một cái gối ngon lành thì...tìm thấy kho tàng. Bên dưới mớ giày dép, mấy lon sữa đặc, và ba cái áo quần vặt vãnh là nhiều cọc giấy bạc năm trăm. Vội vàng đóng miệng túi, tôi mượn cái “gối” Mệ để thám hiểm thì lại khám phá thêm một kho tàng khác. Cũng là áo quần, sữa đặc và giày dép, nhưng có thêm mấy cây thuốc lá President còn nguyên. Đối với tôi lúc đó, cái gối của Mệ còn ngon lành hơn cái của tôi nhiều...
Tàu lớn thả tôi và Mệ xuống bãi Cam Ranh lúc nửa đêm ngày hôm sau. Sau khi đã làm cho Mệ một chỗ nằm tương đối kín gió trên bãi, tôi lang thang kiếm đồ ăn vì đã hơn một ngày đêm Mệ và tôi chưa có gì vào bụng. Hỏi một thanh niên cũng đang lang thang như tôi thử anh có biết chung quanh đây có ai bán gì ăn. Anh bảo không, trừ phi...vào trong làng cách bãi hai ba cây số. Đang thất vọng thì anh nói muốn đi thì anh dẫn đường cho. Tôi mừng húm. Thế là tôi theo anh đi sâu vào làng trong bóng đêm. Qua những trạm canh, anh phải hô lớn những mật khẩu, rồi mới cùng tôi bò qua những hàng rào kẽm gai chằng chịt. Đi chừng một tiếng đồng hồ, anh gõ cửa một mái tranh có ánh đèn dầu le lói. Bên trong là một quán cóc nghèo nàn bán bánh kẹo và đồ hộp vặt vãnh. Tôi mua được mấy lon đồ hộp của quân đội Mỹ, mấy gói thuốc lá quân tiếp vụ, thêm một lon sữa dự phòng với cái mở đồ hộp. Chủ quán tốt bụng còn cho thêm một ít nước nóng đựng trong cái lon guigoz có vải quấn chặt bên ngoài. Trở về đến bãi với mọi thứ trên tay, quá cảm động tôi muốn cám ơn người lính địa phương mặc thường phục ấy bằng cách xin anh nhận mấy gói thuốc lá nhưng anh quyết liệt từ chối. Tôi ngẫn ngơ bước đi mà cứ tưởng mình đang nằm mơ...Đêm đó, tôi và Mệ được uống sữa, ăn bánh hộp với phó mát. Mệ không quên nhắc tôi chia cho gia đình có con nhỏ kế bên một ít sữa nóng. Với niềm tin vào một tình đồng loại tuyệt vời, tôi và Mệ đi vào giấc ngủ tuyệt ngon giữa ngàn sao và sóng nhạc của trời nước Cam Ranh.
Tôi và Mệ được đưa về trại tỵ nạn Cam Ranh sáng hôm sau. Cái được gọi là trại tỵ nạn là một khu đất đỏ, trống trãi hoang vu. Không một mái lều, không một người hướng dẫn. Thấy một đám đông tụ tập thành một vòng tròn khá lớn, tôi chen vào coi thử. Thì ra, hố bom này được dùng làm giếng nước của trại mà nước bên dưới đục ngầu rác rến...Tôi quyết định thật nhanh. Phải dẫn Mệ ra khỏi nơi đó. Hỏi một tài xế vừa đỗ đồng bào xuống trại đường về thành phố, anh cho biết sẽ lái về nhà anh ở Ba Ngòi, nếu muốn sẽ cho tôi quá giang. Vậy là chúng tôi lại may mắn được anh thả xuống một quán ăn trong thành phố. Vừa ăn vừa bắt chuyện với một gia đình ba người bàn bên cạnh. Thì ra chủ gia đình là một sĩ quan đang cùng với cả nhà “chạy giặc”. Anh hỏi có muốn đi với anh về Phan Thiết không. Nhìn chiếc xe GMC mà bàn ghế tủ giường chất cao ngất ngưỡng, lo là Mệ không thể ngồi vững trên mui được, tôi phải từ chối dù rất muốn. Không ngờ anh sốt sắng mời Mệ lên ngồi với vợ anh ở băng trước cùng với người tài xế, còn anh thì leo lên trần xe ngồi với tôi. Xe chạy một lèo không trở ngại gì ngoại trừ hơi kẹt ở đoạn Phan Rang vì người tỵ nạn từ Đà Lạt đỗ về khá đông, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được thị xã Phan Thiết khoãng sáu giờ chiều. Ăn uống qua loa xong, định kiếm khách sạn cho Mệ nghĩ ngơi nhưng thấy trời chiều còn khá sáng, tôi muốn cùng anh bạn sĩ quan mới quen đi một vòng thành phố nghe ngóng. “Đừng lo chi cho tau... đi một vòng cho dãn gân cốt...”, Mệ khuyến khích khi thấy tôi băn khoăn. Có ý định kiếm tàu, tôi hứa với Mệ sẽ trở lại trong vòng nửa giờ, rồi hai anh em thả bộ xuống hướng bến tàu.
Đang tà tà nhìn trời mây nước, bỗng thấy đàng xa có một nhóm kẻ trên bộ người dưới thuyền đang to tiếng với nhau ỏm tỏi. Thì ra, nhóm người trên bộ muốn thuê thuyền vào Vũng Tàu nhưng gia tài chỉ còn có năm trăm ngàn tiền mặt. Chủ thuyền yêu cầu họ kiếm thêm năm bảy người nữa sao cho góp đủ một triệu mới chịu chạy đường xa. Anh bạn sĩ quan bỗng quay sang tôi nói nhỏ là anh cũng đang ngán đoạn đường bộ băng qua Rừng Lá, và hỏi tôi có tiền không. Chưa hề đếm số tiền trong túi xách mà mấy chị tôi đã vứt vào đó, nhưng tôi đoán chắc cũng hơn một trăm ngàn nên tôi bảo với anh có khoãng một trăm hay một trăm rưỡi ngàn gì đó. Quay sang chủ thuyền anh cho biết là gia đình tụi tôi có đủ người và đủ tiền cho chuyến đi Cấp. Thế là chỉ trong vòng ba mươi phút sau, tôi và Mệ lại lên thuyền ra biển trong đêm tối.
Sóng yên bể lặng, thuyền như đi trên sông. Chúng tôi đến Vũng Tàu quá trưa một chút. Mệ trông vẫn khỏe. Vẫn là nụ cười tuy không được tươi. Thiệt là tuyệt diệu! Sau hai ngày chạy giặc tả tơi mà Mệ còn cười được! Nhưng nụ cười làm tôi hồi phục nhanh chóng. Buồn cười một đìều là chiếc thuyền đánh cá ủi thẳng vào bãi tắm, cho người lên bãi đi thẳng vào nhà hàng mà những người đang tắm biển không ai thắc mắc chi. Ăn uống và nghĩ ngơi được một lát thì tôi và Mệ đã khỏe và tỉnh táo hẳn. Định hỏi đường ra bến xe thì một chiếc xe đò đỗ xịch ngay trước cửa nhà hàng đón khách về Sàigòn. Gia đình anh bạn sĩ quan muốn ở lại vì có thân nhân ở Cấp nên tôi và Mệ chia tay họ và lên xe đi luôn.
Thành phố khi chúng tôi đến đã sắp lên đèn. Sàigòn vẫn vội vã nhưng chưa có cái không khí của một kẻ đang hấp hối. Trong cái biệt thự tráng lệ ở nhà ông bác, mọi người vẫn ăn uống, vui đùa...như chiến tranh còn ở đâu xa lắc.Cầm tách trà nóng, tôi bỏ ra vườn hoa để được một mình yên tỉnh. Nhìn lên bức tường hoa đắt tiền chạm khắc hình Lý Bạch với mấy câu thơ “Quân bất kiến Hoàng Hà...”, tôi bỗng dưng chợt thấy ba đêm hai ngày chạy giặc vừa qua chỉ là một giấc mơ vô lý cực kỳ...
Được ở với Mệ trong những ngày tháng yên bình là một nhân duyên lớn. Đưọc sống với Mệ trong những giờ phút tai biến lại là một hạnh phúc. Gần Mệ cho tôi một cảm giác bình an khó tả. Nhiều lúc tôi tự hỏi, sao Mệ trong tình huống nào cũng có thì giờ mà lo cho kẻ khác, nghĩ tới những điều nhiều khi tầm thường nhỏ nhặt nhất? Sao Mệ có thể không trách móc, không hốt hoãng, không tỏ vẻ sợ hãi khi bị bỏ lại một mình? Rất nhiều khi tôi muốn thấy Mệ giận hờn, than thở, to tiếng, phản đối, la mắng để lòng bớt hổ thẹn vì lầm lỗi đã được trừng phạt. Nhưng suốt đời Mệ không bao giờ cho tôi cơ hội đó. Mệ ít khi lên tiếng dạy bảo nhưng trong việc làm luôn có ý giúp người. Mệ biết con người có nhiều xấu xí, nhưng đồng thời lại tin hắn có khả năng hướng thiện. Mệ tin và để tôi làm những gì tôi muốn, dù điều ấy có thể sai quấy mà không hay ít khi, trách móc. Không bằng lời nói, Mệ đã dạy tôi những bài học khó khăn bằng lối sống cần cù nhẫn nhục, bằng những việc làm khiêm tốn nhưng đầy tính vị tha, bằng thái độ điềm đạm nhưng tiềm tàng sự hiểu biết và đức bao dung.
Thưa Mệ, học làm người tử tế thật khó. Vì con vẫn phải nổ lực mỗi ngày. Con, hdt. |