Từ nhà hàng Trúc Linh trên đường Biệt Thự chạy ra phía bờ biển, Huy rẽ phải. Thay vì về lại phòng trọ, anh tấp vào công viên Phù Đổng, là một công viên nhỏ mới được xây hai năm trước đây, dọc theo đường Trần Phú, nằm sát mé biển. Ban ngày, công viên nhìn đẹp, mát mắt. Nhưng ngược lại, bờ biển cát trắng dọc đường năm xưa giờ chỉ còn là một dẻo đất nhỏ nhoi, e không rộng đủ cho bầy dã tràng dung thân. Đưa xe vào bãi, anh đảo mắt nhìn quanh, tìm chỗ thích hợp để đậu. Đúng, anh nhớ có tay triết gia hay nhà văn nào đó nói, đại loại đi tìm kỹ niệm là đi tìm lại chính mình. Nhưng Huy tìm gì trong hai ngày ghé lại Nha Trang này? Anh vẫn còn đây, và kỹ niệm vẫn còn đó kia mà. Suốt cả ngày hôm nay, Huy cứ cố mãi mà vẫn không cách chi nhớ lại lời của bài Nha Trang Ngày Về được. Bản nhạc năm xưa anh thường hát cho Thủy nghe, và cũng thường bị nàng trêu: “Huy có bao giờ đi đâu, mà nói chuyện ngày về.”
Huy tắt máy, dựng xe sát gần cái ghế băng đang trống ở công viên. Vừa ngồi xuống ghế, anh thấy có cô gái sà xuống ngồi cạnh mình: “Cho em ngồi đây chơi với anh nhé?” Huy quay qua nhìn và khẽ gật đầu.
Sáng nay, nếu không có Mai - vợ của Thanh - tận tình giúp thì khó mà Huy tìm được nhà của Thủy ở bãi Dương, hòn Chồng. Có lần đến chơi, Huy ngủ quên trên chiếc võng treo giữa hai cây dừa. Thủy không nỡ thức anh dậy, để Huy ngủ cho thẳng giấc, cho đến nửa khuya Huy tỉnh dậy và tự đạp xe về một mình. Hai cây dừa ngày xưa trong sân nhà Thủy mà Huy mắc võng nằm vẫn còn đó, nhưng bây giờ là dừa xã hội chủ nghĩa, tập thể làm chủ. Nhà nước giải tỏa phần đất chạy dọc theo bờ biển để kéo dài đường Trần Phú. Con đường này chạy ngang qua căn nhà của ba mẹ Thủy, nên những cây dừa ngày xưa nằm trong sân trước nhà Thủy giờ nằm chơ vơ bên cạnh đường, sát mé biển. Còn bên này con đường, người em Thủy dùng tiền bồi thường giải tỏa mặt bằng cộng với số tiền người anh đầu ở Úc gởi về cho, xây một cái khách sạn mini trên miếng đất còn sót lại. Khách sạn mini của em Thủy cao và ốm lêu nghêu như chính chủ nhân của nó.
-“Anh tình cảm với em đi anh.” Cô gái mồi chài.
Trong bóng tối nhập nhòe, Huy không thấy rõ khuôn mặt cô ta. Anh đứng dậy:
-“Cám ơn cô, nhưng không. Tôi đang có chuyện buồn trong lòng.” Xong, anh đứng dậy ra ngồi một mình ở cái ghế băng sát bờ kè xi-măng chạy dọc theo bờ biển, chỗ tương đối sáng sủa nhất.
Trời vẫn đứng gió. Chỗ Huy ngồi cách bờ biển không quá hai mươi mét, mà vẫn không nghe tiếng sóng vỗ vào bờ. Anh trạc nút ngực, khẽ lay hai viền áo tìm chút gió. Trong bốn cây dừa nằm với nhau một cụm ở nhà Thủy, “nếu Huy đào lên ngay giữa bốn cây dừa, sẽ có sợi dây chuyền của Thủy.” Đó là lời nhắn của Thủy cho Huy qua người em gái. Thủy để lại cho Huy làm kỹ niệm. Đã có ít nhất là một lần, Huy có ý định cầm cái xẻng ra đó đào, để tìm sợi dây chuyền Thủy để lại cho mình, nhưng anh nghĩ để làm gì? Bờ kè xi-măng trước mặt Huy ngồi giờ thưa thớt người qua lại. Đa số là người ra đây đi bộ, tập thể dục, hoặc đi hóng mát giữa tháng tư oi bức. Huy nghe đủ mọi giọng người Nam, Bắc và Trung của mọi người vừa đi vừa nói chuyện trước mặt anh.
-“Anh ngồi hóng mát một mình?” Một cô gái khác cô hồi nãy ngồi sà xuống bên cạnh anh. “Cho em ngồi với anh được không?”
-“Vâng, cô cứ tự nhiên.”
Quay qua nhìn anh, cô ta bắt chuyện: “Nãy giờ em quan sát anh. Lúc đầu em tưởng anh đưa vợ ra đây đi bộ tập thể dục, và anh ngồi chờ chị. Nhưng nhìn lại thì không phải. Người ra đây tập thể dục về hết rồi mà anh vẫn còn ngồi đây.”
Huy quay qua gật đầu chào, nhưng anh không nói chi. Biển vẫn không có một chút gió. Ngoài kia, lập lòe những chiếc ghe câu, rãi rác trên nền trời đem sẫm. Ngày đó, sau khi Thủy vượt biên đã hai tháng, Huy mới biết. Cuối năm thứ hai ở Đại học Tổng hợp Huế, anh có dịp nghỉ một tháng hè, vì mất đi một tháng cho lao động và một tháng học quân sự, anh mới có dịp ghé lại Nha Trang thăm gia đình Thủy. Hôm đó, lúc đứng dậy ra về, mẹ Thủy đưa anh ra tận cổng, và nói nhỏ với Huy là gia đình vẫn chưa có tin tức gì của Thủy. Anh cảm nhận một điều gì đó không may đã xảy ra cho nàng. Anh thương và nhớ Thủy quay quắt. Thủy ơi, anh đã ra đi, và anh đã trở về. Chừ thì anh hát bài Nha Trang Ngày Về được rồi, không còn sợ bị Thủy chọc quê “chưa đi mà đã nói chuyện về” nữa, có phải không? Mãi sáu tháng sau, khi có người đi chung chuyến ghe gởi thư về, thì mọi cái trở nên rõ ràng. Trọn cả ghe sáu mươi tám người, chỉ có mười bốn người đàn bà và con gái sống sót, sau khi bị hải tặc hãm hiếp cả tháng trời trên biển và cuối cùng được thả. Cả đám được bỏ vào hai cái thúng, theo sóng trôi dạt vô bờ. Thủy chết hai ngày trước khi họ được máy bay cao ủy tỵ nạn phát hiện và đưa tàu ra cứu ở một đảo hoang của Phi luật tân. Người còn sống sót kể lại Thủy chỉ còn chiếc áo cánh, và cái quần cộc của tên hải tặc nào đó trên tàu cho, nằm cong như con tôm, hai tay chắp lại nhét vào giữa háng mong cầm được máu tươi cứ rỉ rả chảy từ cửa mình. Huy nhớ, Thủy thua anh một tuổi. Tính ra, năm đó Thủy chỉ mới mười chín tuổi!
-“Anh có chuyện buồn hả?” Cô gái ngồi bên cạnh anh vẫn kiên nhẫn. “Anh xuống đi dạo bờ biển với em nhé?” Như một cuốn phim dĩ vãng anh tự chiếu cho mình xem giờ đến hồi kết, màn hạ, đèn trong rạp bật sáng trưng; Huy trở về với hiện tại và anh bỗng cảm nhận mình đang tỉnh táo lạ lùng.
-“Ừ. Đi xuống biển. Đi dạo với anh.”
Biết chắc cô gái là dân ăn sương, Huy hỏi:
-“Sao em không vào kiếm khách ở mấy cái club, ra chi ngoài công viên cho tội tình thế này? Có ngày công an nó hốt cho thì sao?”
Cô gái cười phá lên trước khi trả lời anh:
-“Anh tưởng già như em vào club có người thèm nhìn? Trên ba mươi là quá đát rồi anh ơi.”
Huy xăn quần, cầm đôi xăng-đan trong tay, đi dọc theo bờ biển. Cô gái lặng lẽ đi bên cạnh anh. Dưới ánh trăng non, hai bóng đổ dài nhảy múa trên cát theo từng bước chân hai người.
-“Mình ngồi đây đi anh.” Cô ta đứng lại, trải chiếc áo khoát xuống trên cát cho Huy ngồi.
-“Ê. Đâu được. Dơ áo thì sao?”
-“Không sao. Dơ thì mai em giặt.”
Huy lấy thuốc ra mồi. Cô gái bỗng bạo dạn cầm tay anh:
-“Anh chơi không? Anh chơi em nhé.”
Huy bật cười:
-“Nãy giờ nói chuyện mà quên hỏi tên. Em tên gì?”
-“Dạ, em tên Hạnh.”
-“Hạnh. Chơi đâu đây?”
-“Dạ ở đây. Chơi ngồi được mà anh.”
-“Chơi sao được mà chơi giữa bãi biển như thế này?”
-“Thế thì chung quanh người ta đang làm gì vậy? Anh không biết sao?”
Huy đưa mắt nhìn quanh. Mắt anh giờ đã quen với thị trường trong ánh trăng tờ mờ. Anh thấy thấp thoáng chung quanh anh người ta đang ngồi từng cặp rải rác, và dọc dài bờ biển. Nhưng khó mà nói được họ đang làm gì.
-“Bộ anh không phải người ở đây sao?”
Huy không trả lời Hạnh. Anh quay sang hỏi:
-“Nếu anh không muốn chơi thì sao?”
Hạnh cúi đầu, trả lời nhanh:
-“Thì em tẩm quất thằng nhỏ hoặc thổi kèn cho anh.”
-“ Giá cả như thế nào?”
-“Dạ chơi thì năm chục ngàn. Còn hai cái kia thì xin anh một nửa.”
Huy bỗng nhớ lại ba mươi ngàn là số tiền boa đám anh để lại trên bàn cho mấy người chạy bàn trong bữa ăn tối hôm nay ở nhà hàng Trúc Linh trên đường Biệt Thự. Huy cố nén tiếng thở dài:
-“Sao giá bèo thế hả Hạnh?”
Hạnh co hai chân, vòng hai tay ôm lấy hai chân mình, cô tì cằm vào khoảng trống giữa hai đầu gối, một hồi lâu, cô lên tiếng:
-“Con em cần cái để ăn.”
Ánh trăng lưỡi liềm giờ mới thấy xuất hiện từ phía hòn Tre, sáng đủ cho anh thấy hai ngón chân cái của Hạnh đang chụm vào nhau, chà chà trên mặt cát.
-“Hạnh, anh không muốn chơi. Nhưng anh cần đấm bóp. Hạnh đấm bóp cho anh nhé. Anh sẽ cho em tiền đàng hoàng. Được không?”
Hạnh cười khúc khích. Cô linh hoạt hẳn ra, đứng dậy đi vòng ra phía sau lưng Huy, và bắt đầu xoa bóp cổ và vai cho anh. Anh ngồi ngã người chống hai tay trên cát, chẳng thèm nghĩ ngợi gì, chỉ nghe tiếng Hạnh nói gì đó lung tung anh nghe chữ còn chữ mất. Anh nhớ tuồng như Hạnh nói cô ta trước đây là giáo viên; có lúc, cô ta lại khen anh xức dầu thơm loại gì mà thơm phức; rồi tối nay trên đường về em sẽ mua cho con hai cái bánh ú…
Huy có cảm tưởng như mình có thiếp đi trong một khoảnh khắc, cho đến lúc Hạnh nói nhỏ vào tai anh:
-“Anh ơi, về là vừa. Giờ này công an bắt đầu đi tuần rồi đó.”
Huy vươn vai, cài lại nút áo ngực, anh nói bâng quơ:
-“Anh cũng không biết chiếc xe gắn máy thuê ở khách sạn có còn trên không nữa?”
Trong lúc Hạnh phủi cát trên quần và áo khoát của mình. Huy lấy ra tờ một trăm ngàn đưa cho Hạnh. Hạnh dí mắt mình vào tờ bạc dưới ánh trăng. Như không tin ở mắt mình, cô nhìn anh, rồi dùng cả hai tay nắm chặt tờ bạc trong tay, thu hai tay lại trước ngực mình, như sợ anh giựt lại:
-“Anh cho em hả? Anh cho em thiệt không? Anh cho em luôn đi nghe.”
Huy khẽ thở dài. Anh bỗng đưa tay vuốt tóc cho Hạnh đang lòa xòa đổ trước trán. Cả hai băn g qua bãi cát trở lại công viên. Hạnh chạy lúc thúc bên cạnh anh. Cô khẽ day tay anh, rồi nắm khuỷu tay anh luôn, không chịu thả ra, cứ luôn miệng nói: “Người đâu mà tử tế qúa.” Huy nổ máy, chào Hạnh lần cuối và quay xe. Xe vừa trờ đi khoảng ba mét, Hạnh bỗng kêu anh. Cô ta chạy đến gần anh, bỏ cái gì đó vào túi áo anh; cô nói nhỏ, giọng lắp bắp: “Của anh đó.” Rồi cô ta quay mình chạy. Cũng kiểu chạy lúc thúc bước ngắn như lúc cô chạy bên cạnh anh từ bờ biển lên bãi đậu xe. Huy đưa tay vào túi áo, anh không tin ở mắt mình. Đó là sợi dây chuyền vàng tây nhỏ xíu anh đeo trên cổ, đã bị Hạnh tháo ra hồi nào không hay trên bờ biển. Huy quay lại về hướng Hạnh đang chạy, giờ thì hình như cô ta đang đi, dáng tất tả chìm trong ánh đèn đêm. Anh mân mê sợi dây chuyền dưới ánh trăng lưỡi liềm. Giờ mới thấy chút gió.
Huy quay xe ra đường Trần Phú, anh quyết định đến Club Yasaka uống vài ly rượu mạnh, và để nghĩ về cái điều anh vừa gặp tối hôm nay. Dẫu sao, cũng lâu lắm rồi anh mới có dịp ghé Nha Trang mà. Đi ngủ sớm thì quá vô tình với cái thành phố biển anh hằng yêu mến và nơi chôn kín mối tình đầu của anh. Rãi rác trên đường, những chiếc biểu ngữ to tướng nền đỏ chữ vàng “Chào Mừng Đại Hội X” đang lung lay trong gió đêm.
Vào Yasaka, anh nói với cô bartender đang đứng sau quầy rượu mà anh quen đêm trước:
-“Tuyết Minh, cho anh một ly Remy Martin, không đá.”
Xong anh đi thẳng vào phòng vệ sinh rữa mặt. Khi bước ra, ly rượu đã được rót ra nằm sẵn trên quầy, bên cạnh dĩa chùm ruột và dúm muối ớt. Nhạc vặn lớn điếc cả tai. Nốc một hơi cạn ly rượu mạnh thứ ba, anh ra dấu muốn nói chuyện với cô ta, Tuyết Minh cúi đầu sát vào anh, Huy kề miệng vào tai nàng nói nhỏ:
-“Nếu các nàng Kiều Việt Nam hôm nay mà cũng có tổ chức đại hội; thì anh sẽ đề cử Hạnh vào chức vụ lãnh đạo.”
Giữa tiếng nhạc xập xình, Tuyết Minh kề miệng vào tai anh:
-“Hạnh là ai?”
Huy đưa tay giữ vai nàng lại, chờ cho Tuyết Minh đưa tay vuốt dúm tóc đang phủ xòa lên vành tai xong, Huy tiếp:
-“Hạnh là một nàng Kiều-bãi-biển anh vừa gặp ở công viên Phù Đổng trên đường Trần Phú cách đây nửa giờ, một nàng Kiều biết đối xử lương thiện với người tử tế”. Tuyết Minh tròn xoe mắt nhìn anh, khẽ lắc đầu. Cô chợt mím môi, xòe bàn tay phải hướng vào ly rượu đã cạn của Huy như ngụ ý mời anh uống thêm. Gõ hai ngón tay xuống bàn một cách vô thức, anh nhíu mày, gật đầu. Ánh mắt vô tình nhìn thấy bảng tên “Tuyết Minh” mang trên ngực áo của nàng, anh bỗng cười vu vơ.
Đã quá nửa đêm khi Huy rời Club Yasaka. Lúc nỗ máy xe, Huy chợt nhớ và thắc mắc không biết Tuyết Minh họ gì? Không lẽ đã trùng tên, lại còn trùng cả họ với người đẹp Quảng Châu của Người năm xưa? Anh nhủ thầm: “Nếu có dịp gặp lại, mình sẽ hỏi cô ấy.”
Giữa đường, mấy tấm biểu ngữ nền đỏ chữ vàng giờ đang bay phần phật trong gió đêm. Huy chạy chậm và thật sát vào bờ biển, nhưng anh vẫn không nghe tiếng sóng từ biển vọng lên. Nói chưa chắc có người tin, nhưng biển Nha Trang giữa tháng tư bây giờ, hình như sóng không còn vỗ vào bờ nữa!
|
Đường Trần Phú nhìn từ Yasaka Hotel. |
Nguyên Hân H.N.A |