Con Chim Nhỏ Đảo Xa

 
 
   

Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước
Cỏ Mùa Xuân bị dẫm nát không hay
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt
Người ở đâu? Xưa chính ở chỗ này.

Bùi Giáng

 

1.
Đám đàn anh năm thứ hai đang đứng đấu láo ở hành lang, bỗng nghe tiếng cười ré lên từ phía giảng đường B. Dũng quắn nhíu mày:
     -Bữa. Cũng con nhỏ Bắc kỳ cọ. Coi trời bằng ngọn rau má.

Long ném cái nhìn về phía giảng đường B. Không biết đang nghĩ gì trong đầu, anh chợt mĩm cười, rồi phán một câu như Trạng lồi:
     -Có ngày tao phải trị nó một bữa, cho trắng máu mới được.

Dạo đó ở trường Y Khoa Huế có lớp dự bị Y Khoa. Khác hẳn với thời gian trước năm 75, dự bị Y Khoa nghĩa là sinh viên đã trúng tuyển tú tài toàn phần, ghi danh học lớp này ở Đại Học Khoa Học để lấy chứng chỉ SCPM, năm sau mới thi vào Y Khoa. Sau 75, đoạn đường chiến binh này được bỏ. Năm 1976, người ta tổ chức lại lớp dự bị Y Khoa này, tên giống nhau nhưng hình thức và nội dung thì khác hẳn. Lớp này chỉ dành riêng cho học sinh thuộc thành phần ưu tiên: gia đình có công với cách mạng, thương binh, cán bộ nằm vùng, dũng sĩ diệt Mỹ... Qúy vị này cũng thi vào Y Khoa, nhưng không đủ điểm đậu, được đưa vào lớp này ôn tập ba môn Toán Sinh Hóa chờ sang năm thi lại. Lớp này học ở trường Đại Học Khoa Học cũ, tại một giảng đường nằm trên hành lang dành cho Đại Học Văn Khoa.

Cuối năm 1976, Viện Đại Học Huế chính thức giải tán, các trường Đại Học trực thuộc các bộ theo hàng dọc. Đại Học Y Khoa trực thuộc bộ Y Tế, Đại Học Sư Phạm trực thuộc Bộ Giáo Dục, Đại Học Tổng Hợp trực thuộc Bộ Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp... thì đầu niên khóa 1977, lớp dự bị Y Khoa này được bưng hẳn về trường Y Khoa, học ở giảng đường B. Lúc này, Long đang là sinh viên năm thứ hai của trường. Riêng lớp dự bị Y Khoa này, thành phần học sinh như cũ, nghĩa là vẫn thuộc thành phần cơ bản và ưu tiên của chế độ mới. Và cái con bé Bắc Kỳ cọ Long và đám bạn hăm he vừa rồi là một trong những học sinh của lớp này, sau Long hai năm. Trường lúc này, sinh viên miền Bắc vào rất đông, nhất là ba lớp sau này. Nhưng nói đến con bé Bắc kỳ cọ, thì y như đám bạn Long hiểu thầm là con nhỏ trời đánh đó. Không rõ gốc gác ra sao, chỉ biết con bé vào Nam sau 1975. Tóc cắt ngắn, khuôn mặt bầu bầu xinh xắn, cặp mắt sáng trong như hai hòn bi ve. Áo quần thô sơ, chiếc quần ka-ki xanh bạc lộp, chật, mặc ngắn tới mắt cá làm nổi bật mông đùi rắn chắc, áo vải trắng thô tháp, tay áo xăn lên tới cùi chõ làm cái tướng trông du côn mà mạnh khỏe, đầy sinh khí. Trời mùa lạnh, con bé thường mặc chiếc áo đại cán của Trung Quốc, cài khuy áo thật cao lên tận cổ và chiếc mũ beret luôn đội trệch trên đầu. Cái nổi bật nhất của con bé là tính ngổ ngáo. “Ngó mà muốn xán cho một bạt tai”. Đó là lời bình phẩm của Bình trâu, to mồm lớn họng nhất khi bình phẩm về đàn bà con gái nhưng gặp người ta cho dù là một đứa con gái mới lớn chưa nứt mắt nó cũng không dám nhìn thẳng mặt! Qủa thật con bé hồn nhiên đến độ ngổ ngáo, ăn nói đứng đi cười đùa không coi đàn anh của mình ra cái thống chế chi cả. Ở nhà xe, ở hành lang, ở sân trường, chỗ nào có con bé là chỗ đó ồn ào. Làm như cái trường Y Khoa là cái sân chơi của mình. Vốn quen mắt với những hình ảnh dịu dàng, khép nép của các nữ sinh viên miền Nam, bỗng dưng ngày nọ có con bé Bắc kỳ hỗn xược xuất hiện gây đảo lộn hệ thống tuần hoàn tim mạch làm nhiều thằng tu-bíp tương lai bỗng ngứa cái con mắt.
Chỗ Long đang đứng tán gẫu với bạn bè sát với cánh cửa xếp.

Loại cửa này chỉ che khoảng ở đầu gối lên đến đầu, được gắn rãi rác dọc theo hành lang trường. Bên phía Long đứng, cánh cửa được móc sát vào tường bằng một cái móc nhỏ, cánh bên kia đã được mở bung ra, chắn một nữa hành lang. Phía đầu kia, đám con gái bỗng ré lên: “Thiệt qúa quắt”,  đám đàn anh cau mặt nhìn tới, con bé Bắc kỳ giựt cái gì trong tay bạn, vùng chạy về phía Long và các bạn đang đứng. Hai đứa con gái khác đuổi theo, kêu la ơi ới. “Đồ con gái trật sên trật búa”, Long nhủ thầm. Anh nhích người tới sau cánh cửa còn khép, đặt tay sẵn lên chiếc móc, bên kia con bé Bắc kỳ vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn lui, chờ con bé đến cách cửa khoảng chừng ba mét, anh hất tung cái móc. Chiếc cửa theo sức kéo của chiếc lò xo phía bên kia bung mạnh ra. Các bạn Long hết hồn: “Chết mẹ! Vỡ mặt con nhỏ.” Con bé Bắc kỳ đang xả ga chạy hết tốc lực, nghe tiếng la nhìn lại, bỗng thấy chiếc cửa đánh sầm vào mặt, nó chợt rùn người xuống lách qua cánh cửa … và chạy tiếp. Long thở phào nhẹ nhõm. Anh tính bung cửa chận đường nó, đâu tính chuyện con bé vừa chạy vừa nhìn lui không để ý cánh cửa sắp bụp vào mặt mình, xém một tí nữa mà chảy máu cam. Hai đứa con gái chạy đuổi theo đứng khựng lại.
     -Nhìn cái gì?
Bốn con mắt nhìn đám bạn Long, bẽn lẽn rồi đi lui. Đàn anh ăn hiếp sấp nhỏ! Phía bên kia, con bé Bắc kỳ đứng lại. Một tay vuốt tóc, một tay chỉ thẳng vào Long trông rất đỗi yên hùng: “Nhớ nhé. Anh Cu Tý nhé.” rồi quay mình chạy. Trời đất ơi, con bé ngăm đàn anh! Làm sao con bé đang lúc chạy như ma đuổi lại biết Long sập cửa chận nó? Làm sao con bé biết tên cúng cơm của anh? Anh cảm thấy một sự khoái trá dâng nhè nhẹ trong lòng. Chỉ trong phút chốc, cơn khoái trá được hoàn toàn thay thế bởi nỗi sợ hãi vu vơ: “Gặp thứ thiệt rồi trời nợ!”

Mấy ngày sau, Long từ thư viện bước xuống, gặp con bé đang chơi bóng bàn với bạn ở hội trường, cả một đám con gái lau nhau.
    -Cái con người ngỗ ngáo chơi bóng bàn cũng ngỗ ngáo.
Nhảy bên này, chồm bên kia, dậm chân vỗ bàn la lối um sùm như con lăng quăng. Long muốn đi lơ cho yên chuyện. Nhưng muộn rồi, nhác thấy bóng anh, con bé vất vợt lao theo chận đường:
     -Em làm gì anh cơ chứ? Anh có biết hôm kia không lách kịp là chết bố em rồi không?
Long nhường nhịn đàn em:
     -Anh tưởng đứa nào chứ anh có biết em đang chạy tới đâu! Em tên gì? Sao biết tên anh ở nhà là Cu Tý?
Con bé cười ré lên, không trả lời và chạy vào chơi tiếp với bạn. Long quen con bé Bắc kỳ cọ từ hôm đó.

Một hôm, anh bỏ giờ thực tập sinh hóa. Môn này sự thường anh thích, không hiểu buổi sáng đó sao bỗng nhiên anh làm biếng. Vừa vào lớp có một giờ, anh chán, hết xòe chân con ếch nhìn hồng huyết cầu chạy lúc nhúc dưới kính hiển vi, anh lại lấy cường toan nhỏ vào lưng nó, con ếch đã bị cắt tủy sống không còn biết đau đớn, vẫn cong người theo phản xạ. “Tha hồ mấy bố độ đội có cái để chén hôm nay ở khu tập thể.” anh nghĩ bụng. Cán bộ bộ môn có dặn dò, gìn giữ chi mấy cũng có vài ba chú ếch nhảy vào bị của mấy bố. Long cúi người dặn nhỏ Hải: “Tao xuống trước chờ mày”, và nhờ Kim Cúc giữ hộ vở sau giờ thực tập, anh mặc luôn áo khoát trắng đi ra ngoài như đi xuống thư viện. Cuối cầu thang, anh cởi áo cuốn lại ngồi chờ Hải ở tầng cấp đi vào cửa chính của trường, ở tầng trệt. Sân trường sớm mai vắng vẻ. Từ phòng quản trị và tài vụ, tiếng máy chữ vang ra đều đặn, nhưng rời rã. Thỉnh thoảng bỗng nghe tiếng cười dòn dã của cô Quỳnh thư ký vọng lại từ văn phòng bộ môn Giải phẫu học. Bãi cỏ trước sân trường còn đọng sương đêm. Trước mặt trường, phía bên kia hàng rào hai ma-sơ gánh nước tưới rau. Mấy năm học ở đây, Long vẫn không biết bên đó là gì? Đoán chừng là nơi các ma-sơ làm việc ở Viện Bài Lao ở. Long và bạn bè thì thường nói đại đó là khu nữ tu, bởi chiều chiều, đi ngang từ con đường nhỏ từ đường Ngô Quyền vào trường, anh thỉnh thoảng nghe tiếng kinh chiều của các ma-sơ. Vài con chim sẽ tung tăng trên bức tượng Chúa Giê-su giữa sân nữ tu. Ánh sáng ban mai bị các giảng đường che mất đường đi, chỉ một số ngoan cố  lách qua được hắt lên bức tượng làm sáng rực phần trên. Hai con trừu trường nuôi để lấy máu làm thí nghiệm nhởn nha gặm cỏ, chốc chốc ngước mắt nhìn trời cất tiếng vu vơ: “be...be...be...”  Buổi sáng êm ả lạ thường.
     -Anh làm gì đây thế? Lại trốn học nữa rồi. Em mách bố anh đấy!
Cũng cái giọng ngổ ngáo. Không quay lại, Long cũng biết ai. Con bé Bắc kỳ cọ ngồi sà xuống bên anh:
     -Hôm nay xinh qúa ta. Áo mới phải không?
Con bé cười thật tươi:
     -Vâng. Anh xem áo cắt khéo không?
     -Khen rồi, hỏi gì nữa. Hoàng Hoa, sao hôm trước em biết tên anh ở nhà là Cu Tý?
Con bé ngước mặt cười vang:
     -Sao anh biết tên em?
Nó nhìn tôi, khuôn mặt ranh mãnh, rồi tiếp:
     -Anh biết Thủy Tiên không?
Long lắc đầu.
     -Thủy Tiên con bác Đính có mở tiệm cà-phê ở trước nhà anh đấy. Anh thường sang uống café ở nhà nó cơ mà.
     -Ô con Bé, phải không?
     -Vâng đúng rồi. Nhưng Bé là tên ở nhà, đi học nó tên Thủy Tiên cơ.
     -Vậy em là bạn con bé Tiên?
Con bé trả lời, giọng hiền khô:
     -Vâng ạ.
Hèn gì con bé biết tên cúng cơm của mình, Long nghĩ. Long nhìn qua, con bé vòng hai tay trước đầu gối ngồi gục mặt tựa cằm vào tay, cổ tay tròn lẵn. Con bé bắt chuyện:
     -Anh cu Tý. Ở trong Nam này em thấy nhiều cái thật buồn cười.
     -Cái gì buồn cười?, Long hỏi.
Con bé bắt đầu kể cho Long nghe những cái buồn cười của nó. Một xã hội mới, một đời sống mới, con người cũng mới lạ so với
những gì nó đã từng gặp trước đây ở miền Bắc thảy đều buồn cười. Con bé nói miên man rồi kết luận:
     -Em vẫn thấy có cái gì ấy cơ ạ!
Cái gì cơ ấy, con bé không diễn tả được, nó không hiểu mà Long cũng không mấy để ý khi tiếng chuông báo giờ nghỉ giải lao vang lên. Hải giờ này mới thấy mặt, Long chào con bé Bắc kỳ cọ:
     -Bé con, anh đi uống café.
Nó lè lưỡi, ù té chạy về phía phòng Thực tập Giải phẫu.

Bẵng một thời gian không thấy con bé, Long thoáng ngạc nhiên. Cái khu vực có giảng đường B nơi lớp con bé học như trầm lại. Dạo này bài vở nhiều, lên năm ba, Long và bạn bè anh đã đi thực tập ở Bệnh Viện, anh chú trọng chuyện học nhiều hơn. Cái không khí Bệnh Viện quyến rũ thằng sinh viên Y-Pha-Nho.
     -Con bé Bắc kỳ cọ đâu sao dạo này không thấy?
Có hôm Long hỏi, thằng bạn anh trả lời:
     -Nó bị ung thư máu, nằm chờ mày sang tiếp máu đấy.
     -Ung thư máu? Mày nói thật hả?
Người bạn gật đầu.
     -Nó nằm ở khu nội 1.
Long định bụng hôm nào sẽ ghé thăm. Cái hôm đó không bao giờ xảy ra nếu anh không tình cờ...

2.
Từ phòng mổ bước ra, Long mệt nhoài. Bệnh nhân bị xe hàng nghiến nát cổ chân, xương thịt bầy nhầy. Bệnh xá Phú Bài chỉ kịp đặt garot, chích một mũi morphine để phòng sốc chấn thương rồi đưa lên xe lam chuyển về Bệnh Viện Huế. Ông thầy Thái A quyết định: cắt mõm cá mập, tháo gối. Cuộc mổ kéo dài hai tiếng đồng hồ, nhưng Long mệt không phải vì tham dự trong kíp mổ, mà vì đứng nhìn và đói bụng. Long đứng nhìn ngấu nghiến các thì mổ, để ý từng thao tác của ông thầy và các đàn anh nội trú. Không khí phòng mỗ bao giờ cũng khẩn trương, giành giựt từng phút giây với tử thần làm khích động người sinh viên máu nóng như anh. Anh tháo nón nhét vào bị rết, lầm lũi đi men theo hành lang khu nội 1 ra nhà xe. “Ông ta nghĩ gì khi tỉnh dậy thấy mình bị cưa mất một khúc chân nhỉ? Hồ sơ bệnh án ghi nghề nghiệp làm ruộng, bị xe cán khi phơi lúa trên quốc lộ...” Giờ học Giải phẫu thực hành hôm nào, cũng ông thầy Thái A giọng vang vang:
     -Mổ chân con người ta, chúng mày phải để ý đến nghề nghiệp của người ta. Bị mất một bàn chân đã đành là buồn, nhưng với người thành phố, cùng lắm là đi nạng, đi cà thọt, người ta vẫn sống phây phây, có cái nhảy đầm thì chịu. Còn người làm ruộng, một cái chân là một cái cần câu cơm. Một đời dẫm lên bùn mà sống, mất một chân làm sao người ta ra đồng? Nên phải ráng mà giữ cho được, cực chuyện đã mới cưa bàn chân.
Một bàn chân thôi mà đã vậy, huống hồ tháo tới gối.
     -Anh Cu Tý! Anh Cu Tý!
Long giật mình nhìn quanh. Hai bên khu nội 1 và 2 vắng vẻ. Đang giờ cơm trưa của bệnh nhân. Hai ba tấm ra trắng lớn, lao công phơi trên bãi cỏ giữa sân làm chói mắt, kiểu này chắc
máy giặt máy sấy tiêu tùng rồi, anh nghĩ.
     -Anh Cu Tý. Em đây nè.
Long ngước nhìn lên. Con bé Bắc kỳ nhào người ra khỏi ban công đưa tay vẫy. Con bé mặc bộ đồ rêu bệnh viện dựa tay trái vào ban công chồm người nhìn xuống, cánh tay phải quẫy liên hồi, cái đầu lắc lư theo. Long lặng người, cái con bé Bắc kỳ cọ ngỗ ngáo đây à? Trời đất ơi. Khuôn mặt trắng bệch như sáp. Nó vẫn ngỗ ngáo trong cách chào. Lần cuối cùng anh gặp nó ở đâu? Ở nhà xe, con bé đang nắm cái gì trong tay đưa lên đọc. Cả đám bạn nó cười ré inh ỏi. Nó vung tay, nó nghiêng đầu, rồi đưa tờ giấy lên đọc tiếp. Thấy anh đi ngang, nó dấu tờ giấy sau lưng nhìn anh toát miệng cười.
     -Bé con, trò khỉ gì nữa đây?
Con bé chu môi:
     -Buồn cười lắm cơ!
Nó không nói nhưng anh biết, lại một màn nghiên cứu thư tình tập thể. Vô phước thằng nào gởi thư tình cho nó, sẽ là một dịp cười cho cả đám. Nó đem ra đọc cho chúng bạn nghe và phê bình loạn xạ. Cuối cùng, thư sẽ được gởi trả về khổ chủ với lời phê: “Chưa đạt yêu cầu. Viết lại.” Vậy mà giờ đây, cái khuôn mặt xinh xắn, lí la lí lách đó bỗng đổi màu. Nắng trưa chói chang phủ lên bộ đồ bệnh viện, hắt lên má không đủ làm cho khuôn mặt khá hơn! Nhưng tận tầng trệt nhìn lên cách ba tầng lầu -chỗ con bé đứng, Long vẫn còn nhận thấy đôi mắt tinh anh, rực rỡ nhựa đời.
     -Trông anh buồn cười qúa.
Con bé tựa hẳn hai tay vào ban công. Nó nghiêng đầu ngắm  anh:
     -Ngày mai ghé em nhé.
Long gật đầu, bước vội ra nhà xe, thấp thoáng phía trước, những dáng người mệt mỏi đang lúi húi tháo khóa xe. Long dắt xe ra cổng trước thay vì ngồi lên đạp như hằng ngày. Biết bao lần đi ngang Bệnh Viện Huế, anh trông đã quen mắt, dạo sau này đi thực tập ở Bệnh Viện anh lại càng thấy quen hơn. Chưa bao giờ anh để ý đến cái kiến trúc của nó. Nhưng giờ đây anh cảm thấy có điều gì không ổn. Cách kiến trúc của Bệnh Viện trông nặng nề, cứng cáp. Khu nội 1 nhìn lên như một khối xi-măng khổng lồ nuốt chửng con bé. Phật tổ đè Tôn Ngộ Không dưới núi Ngũ Hành Sơn không đè được đầu nó cất tiếng gọi ông thầy chùa Tam Tạng. Bệnh Viện đâu phải là Ngũ Hành Sơn, con bé đâu là ...khỉ, dẫu nó phá cũng không thua gì khỉ. Sao cả khối xi-măng đồ sộ nỡ nhốt chi đời con bé trong đó.
Anh ghét cái kiến trúc của Bệnh Viện Huế từ đó.

3.
Hôm Long đi từ Pusan, Nam Triều Tiên về Olongapo, Subic Bay ở Phi Luật Tân, tàu anh gặp bão. Trời mùa này ở vùng biển Thái Bình Dương, bão nhiệt đới xảy ra lia chia, không tránh được. Tàu chạy hết tốc lực - full-steam ahead, vì cần phải đến điểm hẹn đúng giờ đón Hàng Không Mẫu Hạm Ranger và bầy chiến hạm hộ tống nó trở về từ vùng vịnh Ba Tư. Buổi chiều sauca trực, Long rời phòng máy lên ca-bin tìm người bạn trả cuốn tạp chí “tuần báo Á Châu”, anh này đọc báo bất luận có tin tức gì về Việt Nam cũng cất cho Long. Từ ca-bin nhìn xuống boong tàu, Long thấy một bầy chim đang xao xác chui nhủi sau mấy thùng reefer vans trốn gío dữ. Không chịu nằm một chỗ cho yên thân, bầy chim còn có vẻ như nghịch ngợm bay lên để gío đánh tạt chúng trở lại vị trí ban đầu. Long với lấy ống nhòm, loại chim sống ở bờ, nhỏ nhắn như chim sẽ ở bên nhà, lông vàng rơm, đuôi màu lục và đầu đen. Chúng từ đâu đến nhỉ? Quần đảo Pagan nằm gần nhất chỗ tàu đang chạy cũng phải mất mười hải lý. Nhỏ nhắn như chúng nó làm sao dám vượt biển ra đây lúc trời đang sóng gío như thế này? Long nói điều này với người bạn, Frank bảo anh: “Chúng nó ở đảo, bị gío đánh giạt ra đó ông à. Nếu tàu đến Olongapo mà vẫn còn thấy chúng nó luẫn quẫn trên tàu trước khi bay đi thì tụi mình hên lắm.” Long cười, nhủ thầm ai ngờ dân hàng hải viễn dương Mỹ cũng có tính mê tín dị đoan.

Sáu giờ sáng hôm sau, tàu vượt qua điểm cắt, lại gặp cơn bão thứ nhì đang hăm hở đuổi dồn tới từ sau lưng, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa! Bão mang tên thật dễ thương, Ruth. Tên con gái. Long thường nghĩ không biết mấy tay thủy thủ viễn dương nợ nần gì cái giống cái mà cơn bão nào cũng mang tên nữ giới, nghe dịu hiền thơ mộng mà rồi cuối cùng không lo liệu thần hồn chạy cho kịp khi bão đuổi tới sát đít thì tha hồ mà: “chị ơi, tha cho em, em lỡ...” Cơn bão đi thẳng vào đất liền, vùng đảo Cébu thuộc Phi Luật Tân, tàu đổi hướng đi về hướng Tây xa cô Ruth gái gìa khó tính và chận đường hàng không mẫu hạm Ranger. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, huống hồ là bão. Tối hôm qua Long đã mệt đứ đừ suốt ca trực, trở về phòng không ngủ được dù nằm sát vách và chêm hai cái gối, một cái mền dọc theo người phía bên ngoài, nhưng rồi cả người vẫn lăn qua vật lại theo độ lắc của con tàu. Mãi mệt qúa, Long thiếp đi hồi nào không hay. Lúc anh thức giấc, cô con gái Nam Dương ngồi chổng mông ngay trước mặt anh. Vâng, chính thị, cái tượng gỗ nữ thần Java anh để trên bàn đổ nhào xuống đầu giường anh hồi nào không hay. Chung quanh lỗn ngỗn trâu với bò, cả một bầy tượng gỗ anh mua làm qùa cho thằng cháu chưa kịp gởi, không một lời báo trước lũ lượt nhào xuống giường anh tỵ nạn bão. Long ngồi dậy, căn phòng ngỗn ngang với sách vỡ, đồ đạc linh tinh rớt ngỗn ngang trên sàn. Cuộn giấy vệ sinh anh đặt trên đầu giường để hỉ mũi hách xì thừa cơ phóng xuống sàn hồi nào không hay. Tàu nghiêng qua phía trái là nó chạy bay qua phía trái, chờ tàu nghiêng qua phía phải là đâm vèo qua phía phải, đến hồi tàu pitching, chúi mũi về phía trước là vị chi hắn ta hồ hỡi nhào theo, rồi bật ngược ù té chạy về phía sau giăng bừa bãi đầy cả một phòng. Nó xả óa cái phòng anh. Nó xem phòng anh như cái sân chơi của nó. Nó xem đàn anh nó như củ khoai. Nó ngỗ ngáo hết sức. Như ai kìa?

Buổi trưa, trước khi đi nhận ca trực, Long dán mảnh giấy nhỏ lên cánh cửa dặn người bồi phòng đừng vào dọn dẹp. Anh thích cái ngỗ ngáo đó! Cái ngỗ ngáo anh mơ hồ cảm nhận mà không chụp bắt được. Sau ca trực, anh lên boong xem ống dẫn nước ngọt từ khoang chứa cargo potable water sang domestic tanks. Một trong hai máy làm nước ngọt từ nước biển bị hỏng. Một máy làm nước lại không đủ cung cấp cho thủy thủ đoàn dùng. Tàu dầu anh đi vốn chủ yếu cung cấp nhiên liệu cho chiến hạm Mỹ ở ngoài khơi, nhưng bên cạnh đó là dầu nhớt và nước ngọt nếu cần. Vì vậy, các khoang chứa cargo potable water khi nào cũng đầy ắp. Theo lệnh của Kỹ Sư Trưởng, Long phụ trách chuyển nước từ cargo potable water tanks qua domestic tanks ngay sau ca trực của mình, trước lần tiếp dầu cho hàng không mẫu hạm Ranger  và bầy chiến hạm hộ tống nó sẽ xảy ra lúc 7 giờ tối. Long soát lại lần cuối cùng để chắc chắn ống nước được gắn đúng chỗ, lơ mơ để mấy thằng em gắn lộn thì có nước mà uống xăng! Tốt, anh gọi người phụ tá qua vô tuyến:
     -Ghi đồng hồ nước và cho máy bơm chạy.
Đưa tay móc gói thuốc lá, chợt nhớ mình đang đứng ở Tank Deck, anh nhịn thèm đẩy gói thuốc vào lại trong túi. Biển sau cơn bão bỗng êm lạ thường, gío thơm nồng mùi mặn, trời trong xanh, nhưng cuối chân trời sương chiều bắt đầu giăng giăng. Long thấy dễ chịu vô cùng. Đảo mắt nhìn quanh, anh thấy một chấm vàng đang nhúc nhích cách chỗ anh đứng khoảng chừng hai mươi mét. Anh bước đến, con chim nhỏ đảo xa nằm chết dưới ống dẫn dầu, chùm lông tơ mềm bay phất phơ theo gío. Bạn nhỏ đâu nhỏ? Sao một mình nhỏ nằm đây? Cái ngỗ ngáo chiều kia đùa với gío biển trên main deck đâu rồi? Sao bỗng hiền, không nói năng chi nữa nhỏ? Anh bồi hồi. Cái gần gũi mơ hồ anh không bắt được hôm kia giờ hiện rõ nét trong đầu - con bé Bắc kỳ cọ năm xưa. Sao anh còn nhớ con bé kia nhỉ. Đã mười năm qua anh không hề nghĩ đến mà cũng không ai nhắc lại với anh về nó kia mà! Sao con bé vẫn trốn thật kín trong ký ức anh để chờ ngày đâm sầm chạy ào ra chận đường anh như thế?

Hôm đó, trời cũng trong, cũng êm ả như thế này. Long đang ngồi học ở thư viện, bỗng nghe tiếng xì xầm của sinh viên chung quanh. Mọi người bước ra, anh cũng bước theo vì tò mò.
     -Đám ma Hoàng Hoa đó.
Chị Cẩm Lai nhân viên thư viện giọng rành rẽ:
     -Trước khi mất, Hoa có nhắn lại với gia đình là xe tang phải dừng lại trước cổng trường cho Hoa năm phút trước khi đi tiếp ra nghĩa trang. Hoàng Hoa muốn như vậy. Tội nghiệp con nhỏ nhớ trường, nhớ bạn. Học chưa xong năm đầu...

Từ lan can lầu ba phía ngoài thư viện, Long nhìn xuống con đường Ngô Quyền trước trường, một số sinh viên trong trường nghe tin kéo nhau ra chào vĩnh biệt bạn, có người thuộc lớp đàn anh, đàn chị. Bắc hay Nam Kỳ gì thì cũng đã một thời con bé ngồi ghế giảng đường ở đây, đã một thời làm cái không khí trang nghiêm ở trường xao động theo tiếng cười của nó, một thời nó rượt đuổi mấy con trừu chạy té re, sợ thất thần khiếp đảm.

Trước cổng trường, đám ma dừng lại, thân nhân bạn bè đi theo với chiếc xe tang, đồng loạt quay nhìn vào phía trường. Từ khuôn viên trường, phía hội trường, mọi người lại đứng nhìn ra chiếc xe tang. Ai nấy đều lặng im. Anh Nhân, một đàn anh năm thứ năm, cất tiếng than:
     -Cả một trường Y Khoa học lấy nghề cứu người, mà lại không cứu nỗi một sinh viên trường mình.
Câu nói chân thành làm nhiều người mũi lòng, có tiếng sụt sịt. Đằng xa, xe tang từ từ chuyển bánh. Long xòe bàn tay trái đưa lên mặt, ngón cái và ngón trỏ chận dòng nước mắt đang trào xuống, hai ngón tay dãn ra kéo dài vệt nước mắt chạy dọc dưới hai mắt. Anh muốn dấu những giọt nước mắt. Anh không muốn con bé Bắc kỳ cọ thấy và trêu anh.

Hôm cuối cùng ghé thăm nó, thấy Long buồn buồn nó bảo:
     -Anh mà cũng biết buồn cơ à? Hay anh đang vui mà giả vờ buồn? Nói đi. Anh nói đi.
Con bé ngồi tựa vào giường, tấm chăn đắp hờ lên đôi chân, vòng tay ôm chiếc gối vào lòng. Con bé thúc anh:
     -Anh nói đi. Anh đừng dối em.
Long phải bật cười theo. Con nhỏ này, có được nước sau khi chết ba ngày, thần chết mới dám mon men lại gần dẫn độ hồn nó đi. Chứ lơ tơ mơ, nó bắt chước Vương Trùng Dương gỉa chết chờ Tây Độc Âu Dương Phong đến cướp Cửu Âm Chân Kinh, thì thần chết cũng có nước bị nó xĩa cho một ngón Nhất Dương Chỉ vào trán. Con bé làm Long quên bẵng mình đang đi thăm người bệnh chờ chết. Nhìn khuôn mặt đang vui bỗng gỉa vờ buồn của anh như nó nói, con bé bắt đầu trêu anh. Nó tấn công tới tấp. Không một cái gì từ con người anh mà con bé chịu bỏ sót, nó moi nó móc nó chọc quê anh đủ mọi cách, mọi kiểu. Long xâm xoàng. Con bé nhìn anh với ánh mắt đắc thắng, diễu cợt. Sau một hồi bị đòn bất ngờ, phân trí, Long bắt đầu hoàn hồn, anh đổi từ thế thủ sang công. Anh hít một hơi dài, vận khí đưa xuống đan điền, rồi làm nghiêm nhìn con bé chằm chằm, đầu nghĩ ngợi rất lung tìm cách trả đũa, bỗng con bé ...mắc cỡ. A ha! Anh reo lớn trong lòng. Lần này thì đúng là chết bố em rồi bé con ơi. Ai ngờ con bé phá như qủy, lanh như sẽ sẽ, cái bản mặt tự tin đến độ cao ngạo mà lại biết mắc cỡ. Nắm được yếu điểm đối phương, Long ra chiêu phản công tới tấp, hư hư thực thực chưởng phong phóng ào ào. Con bé hoa mắt, con bé nâng gối che mặt. Anh không buông:
     -Cho biết thế nào là lễ độ nghe bé con.
Con bé co chân dúi đầu xuống gối. Anh cũng chưa tha,
     -Coi thường đàn anh qúa đâu được!
Chợt con bé ngẫng đầu lên, giữa khuôn mặt xanh như tàu lá chuối non, đôi con mắt vẫn sáng như sao nhìn anh... chạy làng:
     -Lần này cho anh hòa đấy nhé.
Không cho cũng phải cho thôi bé con ạ. Đừng lên mặt song tàn. Long cười thầm. Không nỡ ăn hiếp người ngã ngựa, anh tha. Hai người bắt đầu nói chuyện lan man. Tuồng như cả hai đều là đại đệ tử của chủ nghĩa tản mạn -  tanmanism, nên nhớ gì nói đó, riết rồi cũng không biết mình nói cái gì! Câu chuyện tạm dừng ở  những cái buồn cười của con bé khi người lao công đẩy xe cơm vào phòng, đã đến giờ cơm chiều của bệnh nhân. Lúc đứng dậy ra về, con bé đưa Long ra tận cầu thang. Suốt hai giờ đồng hồ khua môi múa mép, một lần nữa anh quên bẵng rằng mình đang đi thăm bệnh, con bệnh ung thư máu thời kỳ cuối đang nằm chờ chết! Nhưng trên đường về, anh nhớ rất rõ một điều: thêm một lần nữa, con bé nói đến vẫn có cái gì cơ ấy!

4.
Hoàng Hoa! Hơn mười năm rồi từ ngày em gĩa từ bạn bè, trường lớp. Cũng gần mười năm anh sống trên xứ người. Con bé Bắc kỳ cọ ơi, anh đã thấy được những cái buồn cười  em kể cho anh ngày nọ khi anh đâm sầm vào xã hội mới, đời sống mới ở bên này.
Buồn cười thật bé con ạ, mọi cái đều lộn tùng phèo so với những gì anh va chạm trước đây. Mười năm -một thời gian không dài lắm- nhưng đủ cho anh có dịp học hành, sống và làm việc với người bản xứ bên này để rồi một sớm hôm thức dậy, anh vẫn thấy luẫn quẫn bên mình một cái gì cơ ấy trong anh. Bây giờ thì anh hiểu vì sao anh vẫn còn nhớ tới em. “Qúy vị phải là một cơ phận của hệ thống máy. Qúy vị phải là một con bù-loong của máy để hiểu được sự vận hành của máy. Không thể đứng xỏ tay trong túi quần mà hiểu được máy.” Anh vẫn nhớ lời ông thầy Stephen Kreta ở Viện Hàng Hải Thương Thuyền California năm nào trong lớp học. Bé con ạ, anh đã trở thành một con bù-loong của máy. Mười năm qua, thời gian không dài lắm, nhưng cũng đủ cho anh lớn thêm chút đỉnh để trở thành một con bù-loong đúng khớp, một cơ phận tốt đặt đúng chỗ chạy đều trong máy, trong lãnh vực chuyên môn. Nhưng trong cái xã hội mới, đời sống mới nơi anh đã sống mười năm qua, anh qủa là một con bù-loong trật khớp, mòn gai. Nó vào được một phần, chỉ một phần rồi khựng lại. Một sự bất khả hội nhập vẹn toàn. Đó là chuyện anh sống ở xứ người với một nền văn hóa dị biệt. Nói chi chuyện ngày xưa bé con sống, học hành, chơi đùa với bạn bè cùng màu da, cùng tiếng nói, cùng nhau thở chung một bầu trời trên một quê hương mà con bù-loong vẫn trật khớp mòn gai.

Con bé Bắc kỳ cọ ạ, cái gì cơ ấy đó nó không nằm ở em đâu, nó không nằm trong trái tim nhỏ của bạn em đâu. Nó là hệ quả của một giai đoạn lịch sử oái ăm khi đất nước đã được thống nhất, mà lòng người lại cực kỳ phân hóa, khi người ta đối xử với nhau bằng cung cách của kẻ thắng trận dành cho người bại trận, khi người ta nhìn nhau qua ánh mắt của kẻ đi trị đến từ phương Bắc, và người bị trị ở phương Nam. Mà rồi, cả kẻ thắng lẫn người thua, đều trở thành nạn nhân của một cơ chế chính trị đầy trấn áp, sẵn sàng dùng bạo lực cách mạng để áp chế cả nước xây cho được một thế giới đại đồng đầy huyễn mộng! Để rồi từ đó, ai cũng có cái cảm giác trật khớp mòn gai trên  quê hương của chính mình! Gía như ngày đó, ừ, giá như ngày đó… người ta biết đến với nhau bằng những trái tim rực rỡ yêu thương, đầy tự tình dân tộc, biết nói với nhau bằng những đôi môi biết nói tiếng thật thà, thì có phải rồi, thế hệ chúng mình đâu có phải băn khoăn, ray rức về một cái gì cơ ấy trên chính đất nước thân yêu của mình ngày đó -như con bé Bắc kỳ cọ ngỗ ngáo đã một thời- Và giờ đây, anh đâu có phải bững lững bơ lơ giữa một chiều gío lộng biển giăng sương như thế này bé con nhỉ?

*

 Chờ cho tôi đọc xong tự truyện của mình, Long hỏi:
     -Bình trâu, mi còn nhớ con bé không?
Tôi khẽ gật đầu. Cả một lũ kỹ niệm của thời còn là sinh viên Y Khoa Huế chợt ùa về lấp đầy tâm tưởng chúng tôi. Tôi thì ngồi, còn Long nằm gối đầu trên tay mình trên chiếc ghế đá công viên. Chúng tôi tiếp tục bới móc đống tro tàn kỹ niệm ngày xưa “Huế mình”, mong khươi được chính mình qua những mẫu than còn âm ĩ cháy! Cho đến khi hai chai rượu vang không còn một giọt, và trời đổ sương, lạnh không còn chịu được nữa, chúng tôi đứng dậy ra về. Long bắt tay tôi thật lâu:
     -Nếu mi có tìm được mộ của con bé chôn ở chỗ mô, thì gởi e-mail cho tao hay. Lần tới về Huế, tao sẽ đi thăm.
Long lắc lắc tay tôi, lập lại cũng một câu hỏi đã mấy lần hỏi trong ngày:
-Khi mô hoc xong? Khi mô về lại?
Rồi không cần đợi tôi trả lời, Long  bỗng vung tay ôm choàng lấy hai vai tôi, siết mạnh:
-Chúc mi về lại Việt Nam bình yên.
Tôi đứng yên, để cho Long ôm lấy vai mình, tôi vòng tay phải ra vỗ nhẹ sau lưng bạn, lòng thoáng chút bùi ngùi.
-Về lại Cali, cũng cho tao gởi lời thăm đám bạn Y khoa tụi mình bên nớ.
Tiếng sương rơi lộp độp trên lá khô nghe thật gần, và tiếng chim ăn khuya vỗ cánh nghe rời rã xa xăm. Lúc đi ngang cổng công viên, Long chợt buột miệng chưởi thề, khi một cánh chim chợt vút ra từ vòm cây sao trên đầu, đâm xoẹt xuống trước mặt chúng tôi, nó lượn hai vòng quanh cái tượng đá đã ướt đẫm sương khuya trước khi  bay lẽ loi vào đêm tối.

Lúc ngồi trên tàu điện, chuyến đầu tiên trong ngày đi Paris từ Saint Nazaire, tôi nghĩ đến một điều tôi đã nhớ đến tối qua trên đường về khách sạn, nhưng có lẽ, tôi sẽ không bao giờ nói cho Long hay, rằng tôi đã từng là một nạn nhân bị nghiên cứu thư tình tập thể của con bé Bắc kỳ cọ. Vâng, đã một thời.

Hồ Ngọc Ánh
Arabian Sea, 1992.